Đọc Tuồng hát bội Tam Quốc, giới thiệu ba bài văn tế cảm động

Nguyễn Văn Sâm

Hát bội trình diễn lâu nay đã ở trong tình trạng gần như tuyệt chủng, thoi thóp đâu đó trong vùng sâu đồng bằng Cửu Long sót lại vài ba nghệ nhân, họa hoằn lắm mới được mời trình diễn trong dịp cúng đình một danh thần nào đó. Buổi hát thường là trích đoạn chớ không đủ điều kiện đào kép và trống kèn để hát nguyên một hồi dài. Kiểu hát chầu như vậy so sánh với thời hiện diện nhiều đại ban với lắm đình làng chứa sẵn một đoàn hát bội ngày xưa như đình Cầu Muối, đình Cầu Quan ở quận Nhì của thập niên 50, 60 thế kỷ trước, chẳng khác nào một chun nước nhỏ so với nước trong dãy lu mái lớn.

Chữ Nôm cũng vậy, nó không còn giá trị giao tiếp hay biểu lộ tư tưởng của con người một thời từng dùng thứ chữ nầy nữa, nó nằm ủ bụi trong các sách xưa nép mình giữa những tư liệu ít ai xem ở các thư viện lớn thỉnh thoảng lắm mới có người lôi ra mần mò suy đoán từng chữ từng chữ một.

Vậy thì tại sao lại giới thiệu tuồng hát bội? Mà lại là tuồng hát bội kiểu xưa bằng chữ Nôm. Nói xưa vì văn loại tuồng nầy cần nhiều đối, cần nhiều câu tuân theo luật thể phú, cần những đoạn được viết theo thể ngâm, thán, loạn với 4 câu chữ Hán như một bài thơ luật mà mấy ai ngày nay đã hiểu?

Chủ trương của giới chức thẩm quyền và người tha thiết với bộ môn nầy đã nhiều cố gắng.

  1. Cải biên tuồng bằng cách vẽ mặt đào kép ít theo hướng cổ điển như xưa, trang phục cũng bớt đi sự cầu kỳ, nặng nề. Nhà hát tuồng Đào Tấn ở Phú Yên phần nào đã làm được điều đó nhưng cũng coi bộ hụt hơi vì chục năm gần đây hình như chưa diễn được tuồng nào có giá trị thu hút khán giả.

  2. Về mặt bản văn tuồng thì dùng từ Việt tối đa. Loại bỏ những thể ngâm thán bằng chữ Hán để thay bằng chữ Việt. Những thể cách theo lối mòn xưa nhiều phần đã được lược giảm như giáo đầu và kết thúc hồi không còn cần những câu chúc tụng vua chúa nữa. Lớp mới với nhân vật đợi một nhân vật không còn có những câu công thức sao ta chờ đợi mà nó chẳng thấy về rồi quân báo nó đã về… Những cải tiến nầy thấy được trong hai tuồng trúng giải thưởng khuyến khích về bộ môn hát bội của tác giả Hà Ngại với tuồng Trưng Nữ Vương, và tác giả Đinh Bằng Phi với tuồng CánhTay Vương Tá của Giải Văn Học năm nào đó thời VNCH.

Nhưng đây là chuyện cho hiện tại và tương lai. Còn chuyện quá khứ? Dĩ nhiên không cần phục hoạt lại bộ môn hát bội trình diễn ngày xưa. Nhưng cần cứu những bản văn tuồng còn cứu vãn được. Lý do có quá nhiều. Những bản tuồng cho người ngày nay hiểu về đề tài thời thượng trong bộ môn nầy, lối nói, chữ dùng, cách sinh hoạt, nói chung là một bộ phận văn học, và văn hóa của người xưa.

Chúng tôi trong bốn mươi năm sống ở Mỹ có cơ may thâu thập được một số bản tuồng viết bằng chữ Nôm mà ít người biết dầu chỉ là nghe tên tuồng như Tây Du, Tam Quốc, Lôi Phong Tháp, Kim Long Xích Phụng, tuồng Kim Vân Kiều, tuồng Nhạc Hoa Linh…

So sánh với bản liệt kê các tuồng còn rải rác ở trong nước do TS Nguyễn Tô Lan đưa ra thì không có bao nhiêu, nhưng chúng tôi đã phiên âm hầu hết và đang tìm cách phổ biến dầu điều kiện ấn hành không thuận tiện nhiều.

Trước đây trên dưới một thập niên chúng tôi đã xuất bản hai bộ tuồng là:

  1. Trương Ngáo hay người đi đòi nợ Phật.
  2. Người Hùng Bình Định nổi loạn truông Mây.

Nay sách đã hết, chứng tỏ rằng cũng có một số độc giả để ý đến loại sách nầy.

Bộ tuồng Tam Quốc chúng tôi quyết định cho in lần nầy nguyên gốc gồm 120 hồi, mỗi hồi khoảng 50-65 trang. Tuy nhiên người viết chỉ sưu tập được hơn 30 hồi thôi. Phần còn lại sau mấy chục năm tìm hỏi vẫn chưa thấy thêm. Đọc, suy nghĩ về nội dung, nhìn cách viết chữ Nôm, và nhứt là để ý đến cách trình bày tờ bìa mỗi hồi, xin tạm đưa ra giả thuyết rằng đây là bộ tuồng cung đình nhà Nguyễn - thời Minh Mạng về sau - được sáng tác do nhiều văn thần để diễn cho triều đình Huế xem.

Tuồng Tam Quốc nầy thuộc loại tuồng võ, nghĩa là dễ diễn dể xem, nhưng con số 120 hồi nghĩa là phải hát tới gần nửa năm thì không có gánh hát nào kham nổi trong việc diễn tập cũng như không có khán giả nào kham nổi trong việc ngồi xem liên tục hằng đêm. Đây phải là chuyện của triều đình.

Lần đầu cho in, dự định là 7 tập, mỗi tập trên dưới 500 trang với khoảng 7, 8 hồi đã được phiên âm ra quốc ngữ và một hồi nguyên bản chữ Nôm gọi là chứng minh việc làm. Có thể là 1 vài tập sau sẽ in thêm chừng chục hồi thuần chữ Nôm gọi là để bảo tồn di sản quí giá nầy nếu điều kiện độc giả cho phép. Tập 1 nầy gồm 8 hồi, trong đó có ba bài văn tế, dĩ nhiên bằng chữ Nôm đã được phiên ra Quốc ngữ, không phải văn tế được viết bằng Hán Văn thường thấy nên cũng đáng trân trọng ngoài tính chất gợi xúc cảm của cả ba bài:

  1. Văn tế của Tào Tháo tế Điển Vi ở Tế Thủy. (Hồi 18)
  2. Văn tế của các văn thần làm cho Từ Thứ tế mẹ. (Hồi 34)
  3. Văn tế chồng của Từ nương sau khi ra tay trừ bọn đã giết chồng mình. (Hồi 38).

Trong lần in nầy chúng tôi, để cho bộ sách không bị quá dầy, đã bỏ đi phần chú thích, người đọc có thể bị khó khăn chút đỉnh trong việc thưởng thức, nhưng có thể giải quyết được với một quyển tự điển Hán Việt nào đó và một chút kiên trì. Tự điển trên mạng của Đặng Thế Kiệt hay tự điển trên giấy của Trần văn Chánh chẳng hạn rất ích lợi trong việc nầy.

Chúng tôi cũng không bình luận về sự hay dở của mỗi hồi. Chuyện đó đã có người làm ở Trung quốc bao nhiêu lâu nay cũng như ở vài bản dịch quốc ngữ từ nguyên tác của La Quán Trung. Các sự kiện trong bộ Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa, nói chung đã được bảo tồn trong bộ tuồng nầy, người đọc tùy theo nhãn quan của mình thấy được điều mình tâm đắc: thưòng là những chiến pháp, cách dùng người, cách chiêu dụ, sự hành xử cần phải có của người muốn lên ngôi cửu ngũ, tình đời bạc đen... Riêng tôi thì cho rằng ở bên trên tất cả những thứ đó, người viết vô hình hay hữu ý, đã cho ta thấy lý nhơn quả trên đời áp dụng rất đúng vô những trường hợp từ các nhơn vật nổi cộm như Tào Tháo, Lưu Bị, Quan Vân Trường, Trương Phi, Khổng Minh, Lữ Bố, Đổng Trác… tới các nhân vật gọi là thứ yếu như Viên Thiệu, Viên Thuật, Viên Đàm, Điển Vy, Tư Mã Ý… không thể kể hết.

Công việc phiên âm chúng tôi thực hiện vì nghĩ rằng:

Ta còn vướng nợ trần ai
những tơ vương cũ những hoài niệm xưa
gió bay, rớt mảnh đời thừa
dấu chân lữ thứ bụi mờ sau lưng... (TBN)

Làm được gì thì làm trong những tháng ngày chớm già nơi lữ thứ.

Xin giới thiệu ba bài văn tế nói trên:

  1. Bài văn Tế của Tào Tháo tế Điển Vi ở sông Tế thủy:

    Văn tế rằng:
    Ðấng anh hùng vì nước,
    Trung thành ghi lòng nọ như son;
    Cơ thành bại bởi trời,
    Hoạn nạn ví thân kia tợ .
    Nhớ tướng quân xưa:
    Ba lược làu thông,
    Sáu thao nhuần nhã.
    Nếu thuở nương theo trướng hổ,
    Vốn từng xem dường vuốt dường nanh ;
    Nhẫn khi trao nấy binh tì,
    Cũng đã cậy làm lòng làm dạ.
    Ðâu đó mắng danh dõng tướng,
    Khua kim qua là muôn kẻ cũng lui.
    Tình cờ bị kế tặc đồ,
    Mất thiết kích nên nửa giờ phút đọa.
    Tiếc là tiếc thủy chung một tiết,
    Nếu nhớ thôi lòng lại bâng khuâng;
    Thương là thương sự nghiệp nửa chừng,
    Nếu tưởng tới lệ càng chan chứa.
    Trước những thuở tốt thành hãm nhuệ,
    Có tướng quân đà cậy sức xông pha;
    Sau dầu khi vào hiểm ra nghèo, (TQC 18-10)
    Vắng tướng quân càng chạnh lòng thương nhớ.
    Hội phong vân chửa trọn,
    Tưởng công xưa sao khéo thiệt thòi;
    Ðường Tế thủy trải qua,
    Nhớ sự cũ xiết chi than thở.
    Trung hồn dầu đó còn thiêng,
    Bạc lễ hưởng qua ngõ thỏa.
    Nay văn.

  2. Văn tế do các văn thần làm để tế mẹ Từ Thứ:

    Hỡi ôi!
    Đứng y quan tại thế,
    Nam nhi còn hào kiệt nhiều người;
    Trang cân quắc xử thân,
    Phụ nhân đặng đức hiền mấy kẻ. (TQC 34-6)
    Danh tiết này nức tợ hoa thơm,
    Thân phận ấy nỡ nào lá nhẹ.
    Nhớ lịnh đường xưa:
    Lòng tuyết thường trong,
    Tiết vàng khôn bẻ.
    Niềm thủ nghĩa đã đành thệ chí,
    Mỉa mai Vệ phụ Cung Khương
    Phương huấn nhi... muốn đặng thành tài.
    Màng tượng Trâu ông Mẫu thị.
    Lều tiết phụ trăng ngời trong đất.
    Dính mùi hãn mặc còn thơm;
    Bia trực ngôn sao chói giữa thành.
    Xương xí quần thoa khôn ví.
    Mẹ dường ấy, tự nhi dường ấy,
    Mới tương phùng chưa kịp đãi đằng;
    Con hãy đây, thiểm chức hãy đây,
    Vừa tri ngộ bỗng đà phân rẽ.
    Ôi! trước viện hoa tàn,
    Trên rường trăng xế.
    Tưởng hiền tự mới nghiêng lòng quì hoắc,
    Vầy một nhà tiện lễ thần hôn;
    Hay lịnh đường đà tắt bóng tang du,
    Khơi chín suối, từ trường phú quí.
    Kính thành ngụ nén hương nghi ngút,
    Chút đặng thỏa tình đơn bạc.
    Dùng chén rượu lưng vơi,
    Miễn là lấy lễ.

  3. Văn tế của Từ Nương đọc tế chồng sau khi trả thù chồng:

    Hỡi ôi!
    Cơn gian nguy mắc nẻo chông gai,
    Phận thần tử liều mình dễ lạ. (TQC 38-32)
    Miền an lạc lụy đường kiếm kích,
    Số phu lang cơ tạo khéo ngoa.
    Nhớ linh xưa:
    Cành vàng thớ thớ,
    Lá ngọc dà dà.
    Chen gót lân từng dự tòa vàng,
    No nê lòng bẻ quế;
    Vâng chiếu phượng ra an ải tía,
    Say tỉnh áng phồn hoa.
    Cũng phàm dung tơ đỏ mới vương,
    Vầy một hội dễ phiền... mày xanh đương vẻ,
    Thề trăm năm chứng có trăng già.
    Hội Dương đài ốt ngỡ vầy vui,
    Đâu có lẽ tháo qua nhập thất.
    Miền yến tiệc ai dè khiển tẻ,
    Cớ đâu xui mắc phải oan gia.
    Ôi!
    Vừng ô xế lại,
    Bóng thỏ bay qua.
    Lời đã phai biển hẹn non thề,
    Miền tùng trạch bơ vơ trăng quạnh.
    Hận khôn xiết trời gầy đất võ,
    Chiếc bách chu rạng đấng dòng la.
    Thù oán kia mệnh bạc nào dung,
    Một thuở mật gai an dạ đó;
    Ân tình nọ suối vàng xin tỏ,
    Ba tuần đạm bạc chứng lòng ta.
    Hỡi ôi! Ai tai.
    Nguyện hưởng.