Giác Mê Phú, bài văn khuyến tu đơn giản

Lời vào đầu: Cũng như hầu hết những bài văn Nôm do chúng tôi phiên âm và giới thiệu, bài nầy gồm 2 phần: 1.Giới thiệu và 2. Văn bản, sẽ được ra mắt thành hai kỳ.

Trong một tập sách Nôm mỏng sưu tầm được ở Miền Tây mà chúng tôi cho là được viết vào những năm cuối của thế kỷ 19 có bài văn tựa đề là Giác Mê Phú. Bài văn có tư tưởng Phật giáo hiểu theo cách của người bình dân, nhấn mạnh trên sự tu tâm để thành chánh quả và ăn ngay ở thẳng theo giáo lý của đạo Nho. Sự phối hợp nầy tạo nên những ngành nhỏ của Phật giáo địa phương như Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa ban đầu và Phật Giáo Hòa Hảo sau nầy như ta đã biết. Xin được giới thiệu bài văn chưa bao giờ được nhắc đến trong sách vở quốc ngữ từ trước đến giờ.

Dĩ nhiên như hầu hết các bài văn Nôm khác, tên tác giả không có.

Tác giả nói là mình viết bài phú nhưng thiệt ra chỉ là một phóng bút tạp văn vần xen lẫn nhiều thể do nhu cầu của vần điệu, loại thơ bình dân thường thấy ở Miền đồng bằng Cửu Long cuối thế kỷ 19 đầu 20. Người viết chắc chắn không phải là người hiển đạt hay có nhiều năm trường ốc dùi mài, mà chỉ là người có tâm đạo với một số kiến thức thông thường về Nho, Thích.

Như cái đầu đề cho biết, bài văn có mục đích cảnh tỉnh những kẻ mê lầm về đời, bám víu vào cuộc sống vật chất của đời, họ có biết đâu rằng số vật chất mình lao tâm tổn trí để thủ đắc, nếu may mắn giữ được đến cuối đời thì cũng không đem theo được khi lìa đời. Trái lại thứ suốt đời mình không để ý lại là thứ mình đem theo được khi lìa cõi thế, đó là những tín chỉ mình thực hiện trong cuộc sống: (1) Tạo cái tâm lành để thực hiện từ bi chánh trực và (2) niệm kinh cầu Phật.

Tôi thích mấy câu rất chí lý trong bài: Cuộc sống, cách tu của người đời khác nhau theo hoàn cảnh nhưng tất cả đều là do con người quyết định, đó là cái nhân, những hay dở con người ấy tiếp nhận được trong đời mình là quả của cái nhân kia, không có gì khác hơn: Ở nơi núi rừng xa cách vùng đô hội, trụ tại thành thị đông đúc, sống đời cư sĩ hay tu sĩ điều căn bản chỉ khác nhau ở chỗ chuyên cần tu tập hay sao lãng thực hành mà thôi. Tu tập là luyện cái tâm lành. Thực hành là thể hiện những gì tâm mình đưa ra.

Hữu nhân tầm tuấn lĩnh nhi cao đăng.
Hữu nhân tại thị thành nhi thủ giới.
Hữu tại gia nhi thụ phái.
Hữu xuất gia dĩ đoạn trần.
Tại lòng người giải đãi, chuyên cần,
Nào có nhẽ rằng con rằng vợ.
Thảy cả ở lòng ta,
Họa phước vô nhân triệu.

Tu là gì? Câu trả lời thiệt đơn giản: Luyện cái tâm cho chánh đính:

….. Tâm chánh thời là Phật,
Tâm tà vốn thiệt ma.

Tâm chánh nói theo kiểu ngày nay là chánh niệm, không nghĩ đến những điều tà vạy. Ngoài những dẫn chứng về những trường hợp người xưa tu hành nên thành chánh quả - những dẫn chứng đối với chúng ta ngày nay có thể được coi như không cần thiết - bài văn minh chứng được sự liên kết chặt chẽ giữa đạo Phật và đạo Nho của người bình dân Việt Nam nói chung và Miền Nam nói riêng. Những lý thuyết cao siêu của Phật đạo không có mặt ở đây. Thành chánh quả, siêu thăng không bị luân hồi rất dễ dàng, chỉ cần phải tu mà thôi.

Nhưng tu là gì, người sáng tác bản văn đã nhấn mạnh: Tâm chánh, không tà. Cái tâm muốn tác phước. Lý thuyết đơn giản nầy ăn sâu vào tâm khảm người miền Nam Kỳ Lục tỉnh, đã tạo được biết bao nhiêu là ông đạo, hằng hà liêu cốc ở vùng Thất Sơn và cái mảng lớn người hiền lành thiệt thà ở vùng đất huyền bí nầy những năm giao đầu giữa hai thế kỷ 19, 20 mà ngày nay hầu như khó tìm thấy do sự biến thái xuống dốc của xã hội….

Tưởng cũng nên nói thêm là tác giả dùng những điển tích của người tu hành xưa bên Tàu, trong số đó có những nhân vật của Truyện Hứa Sử mà chúng tôi đã phiên âm giới thiệu dưới cái tên Tỉnh Mê Một Cõi, điều nầy chứng tỏ rằng truyện thơ nầy đã ảnh hưởng sâu đậm trong lòng người mộ đạo ngay từ thế kỷ thứ 19 là một truyện mà ngày nay chúng ta cũng nên đọc lại và suy ngẫm…

Nguyễn Văn Sâm
(Alexandria, LA, Nov. 21, 2017)

Giác Mê Phú (bản văn)

Nay ta đã nương thuyền[1] Bát Nhã,
[Vậy] phải tua noi dấu Bồ Đề.
Nước Ma Ha rửa sạch tánh mê,
Cậy tích trượng phá tan thói tục
Muốn nên Phật kíp toan tác phước,
Quyết vượt trần phải gắng cầu duyên.
Quan Đổng Vân tướng trấn đương quyền.
Còn nạp chức tầm thầy Mật Hạnh.
Vua Vũ Đế trị vì chấp chánh,
Cũng hết lòng làm tháp chí công.
Chẳng qua là sự ở thiên công.
(t8) Bị Hầu Cảnh phá tan xã tắc.
Đào lang thiệt rất bền gan sắt,
Vợ cùng chồng ai chẳng kém ai,
Tu hành gắn vó[2] hôm mai,
Lặn lội tìm thầy non núi,
Nhà khiếm khuyết bữa dưa bữa muối.
Phận cơ hàn khi cháo khi rau,
Vợ cùng chồng khuyên bảo với nhau.
Phải nhịn miệng cùng thầy lấy thảo.
Như lòng dầu bạc đạo,
Thời chớ khá dung thân,
Phải nhớ câu xả phú cầu bần.
Đừng quên chữ từ thân cát ái,
Kể thuở Luân vương nhẫn lại[3].
Cũng nhiều người sửa dại làm ngay.
Cho đến đời hiện tại nhẫn nay,
Cũng hiếm[4] người theo lành mà bỏ dữ.
Kỳ hữu tăng hành ác sự,
Tảo tu hồi hướng thiện tâm,
Khả tích thửa thốn âm,
Chớ màng chi xích bích[5].
Trong tam giáo đạo cùng Nho Thích,
Cũng nhiều người cải lí chánh tà.
(t9) Nhưng rứa mà ta giữ lòng ta,
Nương giáo pháp nhờ trong tam bảo.
Tuy là ba đạo,
Vốn có năm hằng.
Hữu nhân tầm tuấn lĩnh nhi cao đăng.
Hữu nhân tại thị thành nhi thủ giới.
Hữu tại gia nhi thụ phái.
Hữu xuất gia dĩ đoạn trần.
Tại lòng người giải đãi, chuyên cần,
Nào có nhẽ rằng con rằng vợ.
Ngươi Thể Đạt cưới ròng ba vợ,
Cũng làm nên tam giới bổn sư.
Vua Kiều Thi sanh đặng bốn con,
Cũng chứng đặng thập phương tôn giáo.
Có câu nhơn dưỡng vật,
Lại có chữ vật dưỡng nhơn,
Nhị đế xưa phế tử lập nhơn,
Do thiên sử ai mà muốn đặng,
Việc tu hành nói thẳng,
Đừng nói chuyện vọng cầu,
Lời nói phải ngọn đầu,
Mựa để sau lỡ bước.
Ai cho mà phước,
(t10) Mới khỏi nẻo luân hồi,
Gắng công phu sớm tối trau dồi,
Giữ qui luật hôm mai chúc tụng,
Trước nhờ của thập phương tín cúng,
Sau nhờ ơn tam bửu hộ trì,
Quyết nương bửu cái về Tây,
Ngõ đặng ra vào nơi khoái lạc,
Nguyện chẳng xuống âm ty làm quỷ,
Mới tua lánh khỏi cuộc trầm luân,
Cảnh dương trần xem thấy cho dần
Đặng nguyện tới chốn thanh nhàn cực lạc.
Trương Thiện thiệt là người đại ác.
Trót một đời chẳng đặng chút nhơn.
Sau đến chừng hồi hướng thiện duơn,
Nửa khắc đặng về Tây vực,
Huệ Mầu thiệt tướng chi chức,
Phụng sắc sau truy tróc Đệ Tam,
Tới Bổ Đà khuynh lễ sơn nham.
Phật phong sắc tôn thiên chi vị.
Long Giả nọ thiệt người cư sĩ,
Gắng công phu được cái tràng phan[6].
(t11) Phó Kỳ xưa thiệt kẻ trần gian,
Chí tâm niệm khỏi cơn uổng tử.
Kể từ đời quá khứ, đến hiện tại đương thời,
Cũng có kẻ sát sanh, lại có người ái vật.
Tâm chánh thời là Phật,
Tâm tà vốn thiệt ma.
Thảy cả ở lòng ta,
Họa phước vô nhân triệu.

(Tác giả bản Nôm: vô danh, giới thiệu bản Việt Ngữ: Nguyễn Văn Sâm)

________________________

Chú thích:

[1] Người Nam xưa phát âm chữ thiền thành thuyền từ đó đưa đến ý niệm con thuyền đưa đến bến bờ giải thoát của kinh Bát Nhã Ba La Mật

[2] Gắn vó: Nay nói gắn bó. Phiên âm theo thời đại bản văn xuất hiện.

[3] Kể từ thuở luân Vương đến nay.

[4] Ít.

[5] Nên tiếc cái thời gian của cuộc sống, đừng lãng phí mà lo chuyên nhà rộng vách cao. Phù phiếm thôi!

[6] Người Nam xưa đọc chữ nầy là phan, nên cho vần với chhữ phiên câu dưới. Âm chuẩn là phan