Giới thiệu THƠ  ĐI  TÂY, tác giả Vạn-Phước dit[1] Nguyễn-Bá-Thời

Nguyễn Văn Sâm

Giới thiệu THƠ ĐI TÂY, tác giả Vạn-Phước dit[1] Nguyễn-Bá-Thời 1934. Cũng để thấy trong lúc biến động gia đình lý tán người vợ trẻ có hai thái độ, một là đáng kính hai là đáng thương.

Nguyễn Văn Sâm

Từ năm 1930 đến năm 1939, ông Nguyễn Bá Thời, bút hiệu Vạn Phước cho xuất bản nhiều tác phẩm ăn khách kịch liệt. Các quyển sách mỏng nầy, thường là 16 trang, in tới in lui từ lúc mới xuất bản cho đến giữa thập niên 60 của thế kỷ 20 mới chịu lui vào bóng tối vì xã hội bây giờ có nhiều thứ giải trí khác và vì thể loại truyện thơ lục bát cùng là những quyển tiểu thuyết viết theo lối cũ và những tuồng hát bội xa xưa với nhiều chữ khó đã hết ưa chuộng. Dầu sao, sản phẩm của tác giả Nguyễn Bá Thời đã một thời ngự trị văn đàn, thôi miên độc giả bình dân hơn ba mươi năm và từng ảnh hưởng nhiều đến lối suy nghĩ cùng cách sống của người đồng bằng miền Nam một thời gian dài.

Đại khái ông Nguyễn Bá Thời cho xuất bản ba loại tác phẩm:

A. Tiểu thuyết: Say Tình Quên Nghĩa (1932), Danh Dự và Ái Tình (1935), Giọt Máu Chung Tình (1935), Nát Ngọc Tan Vàng 1, 2 (1935), Oan Lớn Bằng Trời (1935), Nhẹ Gánh Cang Thường (1935), Âm thầm (1939).

B. Tuồng hát bội: Tuồng Tiết Đinh San Cầu Phàn Lê Huê (1934).

C. Truyện thơ: Chánh Đức Du Giang Nam (1932), Thơ Chàng Nhái (1933), Thơ Hậu Chàng Nhái (1932), Thơ Hậu Dương Ngọc (1932), Thơ Hậu Lâm Sanh (1933), Thơ Hậu Thạch Sanh (1932), Thơ Thoại Khanh Châu Tuấn (1932), Thơ Hậu Thoại Khanh (1932), Thơ Hậu Vân Tiên (1932), Thơ La Thành (1932), Thơ Đương Dương Trường Bản (1932), Thơ Tiết Nhơn Quí Đầu Quân (1934), Thơ Quan Công Phục Huê Dung (1933), Thơ Lý Công (1934), Thơ Nam Kinh Bắc Kinh (1933), Thơ Trần Đại Lang (1932), Thơ Gả Vợ Cho Bạn (1932), Thơ Tứ Đổ Tường 1, 2 (1934), Thơ Nhị Thập Tứ Hiếu (1933), Thơ Cậu Hai Miên(g) (1934), Thơ Túy Kiều Đời Nay (1932), Thơ Đi Tây (1934).

Viết nhiều và viết đa dạng, tác giả nầy đã có thời gian ảnh hưởng rất lâu trên thói ăn nết ở của dân chúng miền Nam cũng như trên văn đàn lúc đó vì vậy giá trị nhân văn của ông đáng được nghiên cứu sâu xa. Ở đây chúng tôi chỉ giới thiệu về quyển Thơ Đi Tây thôi vì cho tới nay chưa ai nói tới quyển nầy.

Đó là một truyện thơ dính dáng nhiều đến xã hội đương thời dầu rằng ông cũng có nhiều cuốn khác dính dáng nhiều tới thời đại như Thơ Túy Kiều Đời Nay, Thơ Tứ Đỗ Tường và hầu hết những quyển tiểu thuyết của ông.

Truyện kể về trường hợp của hai người đàn bà trẻ trong hoàn cảnh chồng mình theo lời khuyến dụ của chánh phủ Pháp ở Nam Kỳ đã lên đường tòng chinh ‘sang Pháp diệt Đức tặc’ trong Chiến Tranh Thế Giới lần 1 (1913-1932). Một người thủ tiết đợi chồng về, một người chịu không được cảnh cô phòng đã bứt xiềng dư luận, bỏ mặc ba đứa con thơ ra đi sống theo cách mình muốn. Dĩ nhiên hai cái kết khác nhau của hai phụ nữ nầy. Nội dung nầy khiến người đọc ngày nay - sau 1975 - thấy trước mắt hoạt cảnh xã hội nước ta mấy chục năm gần đây, chỉ khác đôi chút nho nhỏ…

Trước khi đi vào chính chuyện, ông Vạn Phước nói về công ơn của Đại Pháp đối với nước Việt như một sự che mắt ‘ăng ten văn nghệ’ thời đó để giữ mình:

Kể từ Đại Pháp sang qua,
Quốc dân Nam Việt thật là thảnh thơi.
Lê dân lớn nhỏ mừng vui,
Xa gần khắp chốn nơi nơi thái bình
[2].

Sự kiện ca tụng Đại Pháp trong thơ văn có thể gọi là phổ quát nhưng thường hầu như chuyện đề cao quá đáng hay nói về một tương lai mơ ước rất đáng khinh của những tác giả gần đây nơi quê nhà.

Người Pháp bình định được những cuộc kháng chiến và trên đà xây dựng để giữ vùng đất Viễn Đông nầy lâu dài. Nhưng rồi thì biến động xảy ra ở chánh quốc, Đức đánh Pháp, Pháp thất thế vì thua vũ khí, thiếu chuẩn bị cho chiến tranh khiến quân tướng chết quá nhiều:

Mỗi ngày quân bỏ thây,
Tính cũng trót ngoài mấy vạn mấy muôn.
Thật là trong buổi chiến trường,
Mạng người sánh thật là dường cỏ cây.
Còn đây rồi phút mất đây,
Thây người chất đóng sánh tày Thái-San.
Máu người chảy thể Hà giang,
Một trái phá giết muôn ngàn sanh linh.
Bao nhiêu tướng với binh,
Buổi nầy bỏ mạng thảm tình biết bao.

Ông Vạn Phước Nguyễn Bá Thời trung thành với tiêu chí của mình, binh vực nước Pháp, kết tội nước Đức, đau xót vì sự thua thiệt của dân Pháp và nước Pháp:

Đang khi an ổn sanh linh,
Thình lình nổi việc chiến tranh long trời.
Làm cho thiên hạ đang vui,
Bỗng nhiên khốc hại vô hồi thiết tha…
Gần xa khốn đốn muôn nhà,
Thảy đều náo động cùng là thở than.
Đức quốc ỷ sức dọc ngang,
Quyết cùng Đại Pháp gây đàng hơn thua.
Gây nên khói lửa sớm trưa,
Lê dân khốn hại mới vừa lòng cho.

Dân chánh quốc chết chóc, đau khổ khiến ảnh hưởng dây chuyền tới nước Việt Nam ta: Người Pháp mộ binh thuộc địa tạo nên cảnh tan nát gia đình, cuộc đời thay đổi của nhiều người ở đây.

Quan trên chạy dấy khắp phương,
Mộ binh thuộc địa giúp đường chiến tranh.

Những lý do đưa ra để ‘mời gọi’ tùng chinh rất nhiều, Đại khái có thể kể:

1. Dân thuộc địa không thể làm ngơ khi bên chánh quốc cần:

Nam-kỳ thuộc địa của người,
Ngày nay hữu sự há ngồi đặng yên.
Ngày nay hữu sự quốc gia,
Quốc dân Nam-Việt khó mà làm ngơ.
Thầy lo thì tớ cũng lo,
Lẽ đó bao giờ thì cũng vậy thôi.

2. Công ơn người Pháp đã khai hóa dân ta rất lớn, ta giúp Đại Pháp có chết cũng là vinh hạnh:

Đại-Pháp ơn thể đất trời,
Dắt dìu dân chúng những hồi xưa nay.
Bây giờ có sự như vầy,
Lẽ nào ta chẳng ra tay giúp người.
………
Chẳng may dầu có thác đi,
Cũng là rỡ tiết sá chi đâu là.
Lại còn con vợ mẹ cha,
Nhà nước châu cáp thật là ấm no.

Sau khi mở đầu dài dòng lý do tại sao có chuyện Đi Tây, tác giả giới thiệu hai gia đình nhơn vật chánh. Thầy Long: chủ gia đình chí thú làm ăn, không chơi bời, lương đủ xài, có ba con, đứa lớn mới sáu tuổi, cửa nhà vui vẻ. Nghe chuyện của Đại Pháp bị tấn công xính vính, thầy Long muốn tòng chinh. Vợ và mẹ phản đối nhưng thầy Long khăng khăng quyết chí ra đi, nói rằng nước Nam mang ơn Đại Pháp nhiều như thiết lập các ông sở, mở trường học, phát học bỗng để người nghèo cũng có thể tiến thân như thầy đây chẳng hạn:

Xin mẹ mựa chớ lo âu,
Con nay phú ở trời cao định phần.
Chẳng mai chiến địa trãi thân,
Con trẻ mãn phần cũng thỏa dạ riêng.
Con dầu hồn xuống huỳnh tuyền,
Vẹn ân vẹn ngãi rất nên thỏa lòng.
………
Hôn con quặn thắt lòng mình,
Xong rồi trổi bước vào thành Ô-Ma
[3].

Giới thiệu xong người trí thức thầy Long, tác giả sang qua người thợ bình dân hãng Ba Son: Tám Keo. Tám Keo làm thợ, tiền lương ba chục đồng mỗi tháng. Lương không cao nhưng hai vợ chồng sống cũng đủ đầy. Nghe tin chánh phủ Pháp mộ lính anh Tám Keo suy nghĩ:

Vợ chồng tuy lấy lâu rồi,
Nhưng đứng làm người phải chịu công danh.
Nếu ta vì một chữ tình,
Để nó buộc mình khó nỗi lập nên.

Người vợ năn nỉ chồng đừng đi, nguy hiểm cho tánh mạng, vả lại tình vợ chồng sao nỡ đành dứt áo xuống tàu đành đoạn bỏ vợ lại cô phòng. Tám Keo không nhiều chữ nghĩa, chẳng nói gì đến công ơn Đại Pháp với nước Việt, với dân Việt là những khái niệm trừu tượng, anh chỉ nói rằng mình muốn thỏa chí trai, chuyện còn mất, chuyện vợ chồng anh chẳng cần nghĩ đến.

Anh đây là phận làm trai,
Làm cho mặt râu mày hùng anh.
Phen nầy mộ lính tùng chinh,
Quản bao hai chữ tử sanh mất còn.

Anh giải thích với vợ theo cách thực tế của người bình dân: hoặc là ở vậy đợi chồng về, cùng hưởng vinh hoa, hoặc là đi lấy chồng khác.

Như mầy[4] tiếc lúc xuân xanh,
Thì mầy cải giá cho đành dạ riêng.
Chớ tao nay chẳng ép duyên,
Tự mầy liệu định chớ nên lo sầu.
………
Nếu như tiếc phận thuyền quyên,
Thì em cứ việc thay duyên đổi tình.
Còn em có tấm lòng thành,
Thì em khá ráng chờ anh trở về.

Rồi hai người trai lên đường sang Pháp dự cuộc chiến – lính Đông Dương đến nơi thì được xếp vô lính thợ. Tác giả chú trọng đến hai người vợ của họ. Thiếm thông Long sau nầy có một kết cuộc bi thảm vì đã bỏ nhà, bỏ con cái ra đi, mong lập đời mới nhưng bị dòng đời xô đẩy nên sa đọa vô động đèn đỏ đèn xanh và mang bịnh yên hoa. Thiếm thông đã phát bịnh đau, Dương mai hoa liễu xiết bao thảm tình.

Cái kết cuộc của thiếm Long như nàng Thạch Vô Hà trong tuồng Kim Thạch Kỳ Duyên mà ông Bùi Hữu Nghĩa phóng tác từ một tác phẩm Trung quốc hơn một thế kỷ trước.

Trong khi đó Thị Keo, vợ của công nhân Ba Son Tám Keo thì thủ tiết ở nhà, sinh hoạt bình thường tuy rằng cực khổ khi phải đối phó với cường hào mong chiếm được thân xác chị. Và chị đã cự tuyệt tối đa - như vợ Thằng Lãnh Bán Heo, một tác phẩm đồng thời.

Chuyện kết với sự kiện hai người lính kia trở về đều có chức phận - Thầy Long làm quan Một, Tám Keo làm chức đội nhứt. Vợ Tám Keo được trăm bề cao sang, còn Thiến Thông thì đã ‘Mồ hoang cỏ lạnh ngậm ngùi thiên thu.’

Cũng như bao nhiêu truyện thơ thời đó (thập niên 30 tới 60), tác giả đưa ra lời răn dạy về đạo đức: ‘Sanh ra là phận má hường, Tiết trinh khá giữ mọi đường mới nên.’

Nhìn một cách tổng quát Thơ Đi Tây có thể được xếp loại là truyện thơ luân lý răn đời tuy rằng nó dùng chính cái xã hội đương thời làm hình ảnh biểu tượng, khác với phần lớn truyện thơ khác dùng nhân vật của những thời đại xa xưa với vua chúa, tướng tài, Tiên Phật, với những nhơn vật xuống trần từ thương giới….

Không có ý hướng tả chân xã hội nên ông Vạn Phước không nói nhiều về sự trầm luân hay kiên trinh của hai người đàn bà, Ông cũng không nói gì về đời sống chiến binh của hai người chồng, không nói về con đường sang mẫu quốc gian nan cả tháng trường trên tàu chật hẹp. Ta cũng không thấy ông nói về chánh sách bắt đi lính sang Pháp như thế nào. Hù doạ, bắt cóc lúc nửa đêm? Theo luật lệ hay theo tiền tài? Những hứa hẹn và đãi ngộ? Tiếc quá. Phải chi ông Nguyễn Bá Thời viết thêm cuốn Trên Đất Tây kể về đời sống của lính thợ với một vài trường hợp người lính thợ ở lại mẫu quốc thì hay biết mấy.

Thơ Đi Tây có tính cách xã hội và ghi dấu thời đại. Loại nầy còn có cuốn Cậu Hai Miêng (1934) của ông, cuốn Cậu Hai Miêng cộng với cuốn Thơ Sáu Trọng của Nguyễn Kim Đính (1930), Thơ Thầy Thông Chánh là những cuốn thơ dính dáng nhiều tới những nhân vật thời thế cũng đưa ra được những thực tế của xã hội gần một thế kỷ trước.

Dính dáng chút gì tới Sàigòn, sinh hoạt loại thơ nầy ta có thể tìm thấy trong các Thơ Bảy Tài, Thơ Sáu Nhỏ, Túy Kiều Đời Nay, Vân Tiên Ghiền, Vân Tiên Cờ Bạc, thơ Tứ Đổ Tường… Những cuốn nầy, tôi cho rằng người viết thấy được mặt xấu của xã hội, nhưng không dám, hay không muốn nói thẳng mà chỉ nói mé mé. Nói mé mé còn cho thấy có chút lương tâm của người nói và ích lợi cho người thế hệ sau khi đánh giá xã hội thời đại mình muốn khảo sát hơn là những ngòi bút vì lẽ nầy hay lẽ khác, nói chuyện trên trời dưới biển mà không dám mô tả những xấu xa của xã hội thời nhà văn đương sống với những gì họ nghe thấy trái tai gai mắt hằng ngày…

_________________

[1] Dit: tự là. Đây có nghĩa bút hiệu.

[2] Khác với trường hợp Petrus Ký nói thẳng như một thái độ người hùng, không ca tụng Pháp - Xem Thơ Nằm Giõ trong Thông Loại Khóa Trình.

[3] Nay là khu nhà khách cho các cán bộ lớn, gần trường Petrus Ký cũ.

[4] Cũng như bao nhiêu người trong Nam đầu thế kỷ 20, chồng nói với vợ bình thường hay dùng từ mầy tao, Khi dỗ dành mới sang qua cặp từ anh em. Cặp từ bậu qua chỉ được dùng khi tán tỉnh trước khi nàng ‘chịu đèn’ thôi.