Liên Chớp và động lực thúc đẩy cách mạng

Nguyễn Văn Sâm

I.- TỔNG QUAN

Tác phẩm của Liên Chớp là quyển truyện “Nguồn Lửa Hận”, Nxb Bốn Phương, Sàigòn, 1949. Vị trí của ông trong văn học 1945-1950 rất tế nhị vì nếu bảo ông chịu ảnh hưởng của Thẩm Thệ Hà thì không đúng lắm, nếu bảo không chịu ảnh hưởng của Thẩm Thệ Hà lại cũng sai. Bởi vì tôi thấy Liên Chớp thán phục Thẩm Thệ Hà, lời tựa của tác giả quyển Nguồn Lửa Hận xác nhận điều đó. Ta có thể nói là nhờ sự khích lệ của họ Thẩm, Liên Chớp mới viết chuyện dài. Hơn nữa, ông còn chịu ảnh hưởng của họ Thẩm về kỹ thuật khi thỉnh thoảng trong chuyện ông điểm bằng những bức thơ và kết thúc quyển truyện cũng bằng một bức thơ – như quyển Người Yêu Nước.


(trích trên internet, tài liệu của Bon Nguyen).

Đấy là những gì biểu lộ ngoài hình thức, về nội dung ta không thể quả quyết được, vì lúc giờ các văn sĩ thường quay quanh đề tài:

- Trình bày những đau khổ của người bị trị,

- Khuyến khích sự ra đi chiến đấu, đả phá sự nô lệ.

Có sự khác biệt chăng là ở những khía cạnh khai thác của mỗi người. Sự giống nhau ngẫu nhiên vài phần không phải là không có, nên ta không thể võ đoán bảo là chịu ảnh hưởng nhau được.

Tổng quát mà nói, Liên Chớp là một nhà văn trung bình, có lẽ vì ông viết ít, mà truyện dài độc nhất Nguồn Lửa Hận của ông lại không trội lắm. Thơ ông giai đoạn nầy cũng không nhiều, thiếu âm điệu và sự truyển cảm khiến ta nghi ngờ ông làm thơ thiếu sự rung cảm thiệt sự.

Tuy nhiên ta cũng phải công nhận sự có mặt trên văn đàn của Liên Chớp là một góp phần vào văn nghệ miền Nam lúc bấy giờ (1945-1954), một thúc đẩy người dân ý thức việc cách mạng, một tiếng nói tha thiết của con người trước thảm trạng tương tranh của người dân cùng một xứ. Bởi vậy việc tìm hiểu Liên Chớp tôi nghĩ là một cần thiết và công bình.

II.- PHÂN TÍCH TƯ TUỞNG

Ở quyển truyện dài này, tác giả mô tả một thanh niên có tâm hồn sống vào khoảng 1940. Đó là Bình, Bình vốn dĩ là người ưa suy tư và thích giang hồ (trang 17-18), anh ra đời với tấm lòng còn trong sạch. Trong lúc ấy Bình lại thấy những ngưòi nghèo khổ dốt nát chung quanh anh bị hiếp đáp lợi dụng khinh thường, làm khổ… Anh thắc mắc về sự dửng dưng của ngưòi giàu trước nỗi khổ của kẻ nghèo, về cái vô giá trị của kiếp nghèo, về sự cạnh tranh của người trong nước nói riêng và nhân loại nói chung. Những thắc mắc của Bình sinh ra từ bản tính tốt của anh là không chịu được sự bất công, sự vô lý trong cách biệt giữa người giàu kẻ nghèo… Anh thắc mắc mà không có phương tiện sửa đổi hơn nữa anh cũng không phải là người siêu phàm gì đó, chính anh cũng bị bóc lột lợi dụng… Người lợi dụng anh là ông Ba Hiền, một người kinh doanh thạo tâm lý người đời, biết cách đánh tan những mối nghi ngờ ở lòng người khác, biết cách đoán ý nghĩ của người, biết cách dùng lời nói để đưa người vào thế khó chối từ. Và Bình đã bị ông ta dùng làm bình phong để ông tiêu thụ muối lậu. Việc vỡ lỡ Bình bị bắt, tù. Trong thời gian tù tội, Bình suy xét, hiểu rõ sự lý và quyết định làm một cái gì. Sau đó, Bình vượt ngục, vào đất liền, mang tên một người bạn tù đã có tên tuổi trên đường cách mạng và Bình chiến đấu cho đất nước dưới tên người khác nhưng với tấm lòng tha thiết của mình.

Cái đặc biệt của Liên Chớp, theo tôi là cố gắng trình bày quá trình tâm lý của nhân vật: Bình.

Đó là tâm lý của một người vừa mới bước chân vào xã hội, còn tin tưởng ở người đời, ở sự đẹp đẽ thiêng liêng của mọi người biến thành một người muốn xoá bỏ tất cả xã hội đó. Muốn xoá bỏ không phải vì xã hội đã làm anh khổ, đã bỏ rơi anh mà vì cơ cấu tổ chức xã hội theo anh quá thối nát vô lý nên khiến nhiều người khổ, đó là hạng người nghèo, người lao động, người không may mắn.

Ở Bình, quá trình biến chuyển tư tuởng của sự cần thiết phải thay đổi cơ cấu xã hội gồm bốn giai đoạn:

  1. Vào xã hội, tin tuởng sự đẹp đẽ của xã hội và mọi người trong xã hội.

  2. Xã hội bày dưới mắt anh trái với những gì anh tưởng tượng (nó tàn nhẫn, giả dối, dửng dưng) nhưng chưa ảnh hưởng thực sự lên cá nhân anh.

  3. Xã hội đó tác động lên anh khiến anh tù tội, khổ sở.

  4. Suy nghĩ và quyết định lật đổ cơ cấu thối nát đó bằng bạo động.

Tôi cho rằng giai đoạn ba chỉ có tính cách làm nổi bật giai đoạn hai thôi chớ thật sự nó không có vai trò quan trọng trong việc sinh ra giai đoạn bốn. Ta thấy ngay khuynh hướng xã hội tả phái của tác giả, cho nhân vật mình bạo động vì chính tình trạng xã hội chớ không phải nguyên nhân sinh ra tình trạng đó. Tôi muốn nhấn mạnh điểm này không phải vì tôi thích phái này phái kia mà vì sắc thái văn học lúc ấy muôn mầu, đa dạng, sinh ra từ một phong trào nhưng rẽ ra nhiều chi nhánh.

Trong tác phẩm, Liên Chớp cho nhân vật Bình ra đi chiến đấu vì muốn: “đem lại cho tổ quốc một cái gì mà đồng bào đương mong mỏi, tương lai đương chờ đợi” (trang 118)

Nhưng đồng bào đương mong mỏi những gì? Tương lai đang chờ đợi những gì? Qua những thắc mắc của Bình trước khi gia nhập cách mạng ta thấy lời giải đáp những câu hỏi trên:

- Để người nghèo không bị khổ sở bóc lột, bị cai phu đánh chưởi, bớt xén tiền lương “Hiện giờ tôi giữ phân nửa số tiền. Anh em nào không tiếp tục được đêm nay kể như bỏ… và sẽ sa thải kẻ nào không tuân lệnh” (trang 114).

- Đưa cho hạng người cần lao một cái quyền để họ bảo đảm quyền lợi của họ, và đời sống của họ, nếu không như vậy người chết trong tai nạn lao động không được bồi thường gì cả, cái chết vô lý và rẻ như cái chết của con vật “Dòng sông vô tình vùi chôn một thân xác… nhưng chuyện ấy rồi cũng mờ dần vì quên lãng theo thời gian” (trang 48) cho những trẻ con nhà nghèo được cắp sách đến trường để cuộc đời chúng vươn lên được. “À ra thế mà em đi lấy chồng! Bình buồn rầu nhìn chân trời sụp tối một màu đen sắp len vào cũng như sự dốt nát đó đè lên tâm hồn dân tộc chỉ biết số phận trong cõi đời” (trang 73). Ngoài ra trong tương lai đất nước lúc đã thành công nhất thiết sẽ không có cảnh bất công bóc lột, cảnh gia đình phè phỡn vung tiền qua những cao lâu trong khi đó lại đi móc túi những gia đình nghèo đói khó, hay dửng dưng bước qua những cảnh lầm than “ông trang nghiêm nói năng rành mạch bọn chung quanh ngó vì, có lẽ ông đã đến đây nhiều lần vung vải tiền ra chẳng kém những tay sang trọng, cốt đua nhau làm sang” (trang 74)… “còn khối chỗ khác món ăn toàn vị toàn mỹ hơn. Có dịp tôi sẽ dẫn cậu đi thưởng thức. Nên biết cho đủ với người ta chứ!!!” (trang 76).

Ta nhận ngay rằng tác giả mang chủ đề khi sáng tác. Đó là chủ đề mà bất cứ người dân bị trị nào cũng ôm ấp trong lòng: Giải phóng dân tộc khỏi những bất công.

Muốn trình bày chủ đề này trước tiên tác giả phải đưa ra những tệ hại, xấu xa của chế độ đô hộ thống trị rồi từ đó kết luận những xấu xa kia bị tiêu diệt hết thì người dân phải chống đối lực lượng thống trị nghĩa là lên đường cách mạng giải phóng dân tộc ra khỏi cơ cấu xã hội do bọn thống trị xây dựng. Có chủ đề những diễn đạt trung thành chủ đề không đó là chuyện khác. Ở Liên Chớp tôi thấy ông không thành công lắm, ông chỉ nói những gì mà dân tộc ta đang gánh chịu đều do “cái chế độ mục nát và sai lầm đặt vào đầu vào cổ chúng ta biết bao nhiêu năm tháng” (trang 96), và ông cho nhân vật mình lớn tiếng kêu gọi “Ta quyết giành lại những gì ta đã mất, làm lại những gì đã đổ vỡ” (trang 121). Có thế thôi, sự trình bày tư tưởng chống đối chánh quyền thống trị còn quá sơ lược, tác giả đi vào ngay ở giai đoạn tính chất của xã hội. Ta chỉ thấy ông nói nhiều đến sự cực khổ của người nghèo và lòng dửng dưng của người giàu mà thôi. Người ta có thể hiểu ông muốn nói đến nhiệm vụ của lớp người sau này và đòi hỏi một sự biết điều tối thiểu ở họ, hoặc kêu gọi lớp người trước một sự tranh đấu giai cấp. Như vậy ta tự hỏi giải pháp ra đi góp công vào việc giải phóng dân tộc ra khỏi ách thống trị có đủ không?

Dĩ nhiên là không, vì thay đổi cơ cấu cũ bằng một cơ cấu mới nhưng bản chất cơ cấu cũ vẫn còn (vì bản chất đó là lòng người, là thiên lương). Do đó tác giả đã có một thất bại, một sơ hở ngay từ căn bản. Tại sao ông không đứng thuần ở địa vị một chứng nhân chỉ ghi lại những gì mình thấy, mình cảm. Như vậy tôi nghĩ người đọc dễ thấy tư tưởng của tác giả mà công dụng lại còn rộng hơn. Muốn trình bày để đưa đến kết luận giải phóng dân tộc tôi nghĩ điều cần thiết là đưa ra cái xấu xa của bọn người thống trị hơn là trình bày những dửng dưng của người giàu. Bởi vì như vậy người đọc có thể nghĩ đến sự xung đột giai cấp, chia rẽ.

Tóm lại về đường tư tưởng Liên Chớp, tuy có một lập trường dân tộc nhưng không đem lại điều gì mới lạ.

Ở những tác giả khác nhận định sẽ là quá trình: chủ nghĩa thực dân – xã hội thối nát - bạo động xóa bỏ thực dân.

Ở Liên Chớp, quá trình này khác hơn: Xã hội thối nát - bạo động xóa bỏ xã hội – xã hội hoàn thiện.

Mới nhìn qua thấy sự khác biệt này có vẻ không quan trọng, nhưng thực ra điều này quan trọng, nó cho ta thấy khía cạnh Quốc gia hay xã hội của nhà văn đó.

III.- KỸ THUẬT

Có tư tưởng nhưng tác giả trình bày không được khúc triết, hành văn cũng như cấu tạo tác phẩm không trội nên ảnh hưởng quần chúng của ông không nhiều. Thêm vào đó, tác phẩm của ông có những khuyết điểm tuy nhỏ nhặt nhưng đầy rẫy khiến truyện dài đầu tay của ông không được sự chào đón nồng nàn của người đọc sách lúc bấy giờ.

Ông dùng chữ dễ dãi, cẩu thả (bao giờ lễ cưới của em SẮP thành – trang 71. ANH THIẾT THA em nhiều quá – (trang 72). Lắm lúc tôi phải gạt nước mắt khóc thầm, bực tức vì sự HIỂM HÓC của họ – trang 62). Một vài đoạn thừa xen lẫn vào truyện làm loãng ý và trơ trẽn khiến ta nghi ngờ trình độ trí thức của tác giả (và nếu không có ĐINH BỘ LĨNH… con người dẹp hạn nước và đánh bọn xâm lăng – trang 30) tâm lý nhân vật chưa vững (Diễm ở trang 35 khôn ngoan biết nói bóng gió và biết đoán sự suy tư chìm ẩn ở trong lòng người thì trái lại ở trang 41 không hiểu nổi một câu dễ dàng có ý so sánh).

IV.- KẾT LUẬN:

Dầu sao sự có mặt của Liên Chớp cũng góp phần vào việc gây nên sự phồn thịnh của lịch sử văn học một thời. Một tác phẩm tâm huyết của ông xứng đáng hơn nhiều tác phẩm ghi lại những chuyện tình vô vị của những tác giả “làm tiền” ngày nay mà thời nào cũng có. Với ý nghĩ đó, tôi ghi lại câu nói của tác giả để làm kết luận “Đây là tác phẩm đầu tay. Tuy tôi chưa vừa lòng, nhưng ít ra tôi cũng đã ghi vào đây ít nhiều tâm huyết”.

(Trích Văn Chương Tranh Đấu Miền Nam, Nxb Kỹ Nguyên, Sàigòn 1967, tác giả viết xong năm 1965).