Nguyễn Ngọc Bích, con người đa tài tôi khâm phục

Không nhớ tôi quen với anh Bích lúc nào, chỉ nhớ lâu lắm, hình như khi tôi mới sang Mỹ. Những lúc gọi điện thoại thăm anh, nhằm lúc anh chị không có ở nhà, đứa con trai lúc đó còn rất nhỏ, đâu chừng mười tuổi, và bà cụ anh thường trả lời rụt rè rằng cả hai anh chị đều đi vắng.

Thời gian qua, lúc đủ thân để anh mời vợ chồng tôi ở lại vài đêm trong căn nhà đầy ắp sách vở của anh ở trên một vùng có nhiều cây cối và thoáng mát. Anh dẫn tôi đi dạo trước sân cũng nhiều cây như mấy nhà chung quanh, cắt nghĩa về cây nầy cây kia mà tôi thường rất dốt. Nhà ấm cúng, đầy sách, có cả kho như một thư viện nhỏ. Sách Việt, Anh, Pháp, Nhật, sách văn chương, văn hóa, triết học, ngữ học, kể cả âm nhạc.

Hỏi sao anh ‘mở nhiều mặt trận’ như vậy, thời giờ đâu mà đọc tất cả những vấn đề trong đó. Anh chỉ cười. Nụ cười vui thân thiện, phô ra hai hàm răng to vững chắc. Vững chắc như con người anh, tôi có cảm tưởng tay mình dội ra khi vỗ vai anh. Thay vì trả lời anh giải thích với tôi về những việc nho nhỏ mình đương làm hay đã làm. Giới thiệu một nhà văn nổi tiếng xứ Iran, in một quyển sách chi tiết về tục lệ Tết của Việt Nam với người ngoại quốc, quyển sách được đón chào nồng nhiệt, nghĩa là tiêu thụ một số lớn, giới thiệu về một nhà văn nữ có thể coi là nhà cách mạng tiên phong về nữ quyền của Việt Nam và cả thế giới. Anh nhấn mạnh nhóm chữ cả thế giới và nói thêm vì những vấn đề Hồ Xuân Hương đưa ra thì trước đó chưa từng có người nữ nào của thế giới đặt vấn đề như vậy. Anh chứng minh bằng nụ cười khi dẫn chứng hai câu: Chém cha cái kiếp lấy chồng chung, kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng. Nói về dự định của mình, anh nhờ tôi cung cấp cho vài bản Nôm mà tôi có về Cung Oán Ngâm Khúc, cũng là một tác phẩm nói về nữ quyền mà là từ một nhân vật nam, quí phái, sang trọng, chức quyền.

Tôi gởi đến anh 2 bản Nôm Cung Oán khác nhau, hình như anh đã xuất bản được tác phẩm nầy. Nguyễn Ngọc Bích có cái lợi thế là anh dịch tác phẩm cổ của Việt Nam sang Anh ngữ rõ ràng, không sai nghĩa vì anh am tường ngôn ngữ và văn chương Việt Nam. Anh tâm sự là riêng một mình thì bất cứ người nào cũng không thể giới thiệu nhiều về nền văn hóa phong phú Việt và gia tài văn chương cận đại rất sắc của dân tộc, cho nên anh theo con đường xuất bản những tác phẩm nào mình thấy có chút gì đó nói lên được hai mặt nầy.

Tổ hợp xuất bản của anh tôi nghĩ là đi đúng đường ‘vì văn hóa và văn chương Việt’ mà anh đặt ra.

Việc đóng góp của anh Bích cho quyển Tự Điển Chữ Nôm Trích Dẫn không nhiều vì anh không sử dụng được kỹ thuật computer đòi hỏi theo nhu cầu của công việc, vì anh là người đến sau cùng của nhóm, nhưng khi tự điển hoàn thành thì công lao quảng bá của anh thiệt là nhiều, anh chịu khó liên lạc để trả lời phỏng vấn của nhà báo về những vấn đề liên quan đến chữ Nôm và quyển Tự Điển. Các cuộc Ra Mắt Tự Điển ở nhiều địa phương hầu hết anh đều có mặt…

Nguyễn Ngọc Bích tôi biết được như một người liên quan trực tiếp với viết lách: dịch giả có thế giá, giới thiệu được cho người nước ngoài những điều cần giới thiệu.

Trong sự giao tình anh là người bạn dễ thương. Nụ cười thân tình của anh tôi chắc rằng ai thấy vài ba lần cũng luôn luôn nhớ. Càng nhớ anh hơn nếu được nghe anh hát bản Quốc Ca Việt Nam bằng tiếng Pháp do anh viết lời, hay gặp lúc anh cao hứng hát một bản tình ca nào đó.

Tôi khâm phục nhưng không có dịp hoạt động với anh trong lãnh vực chánh trị hay tổ chức cộng đồng mà tôi biết rằng anh tham gia không mệt mỏi.

Ta phải nghe anh kể lại với sự tiếc nuối trong từng lời những hoạt động của anh vào những ngày chót của chánh thể Việt Nam Cộng Hòa với nhiệm vụ vớt con thuyền quốc gia đang chìm từ từ mới thấy lòng yêu nước nồng nàn của anh.

Những lời kể nầy đượm sự thất vọng hơn là phô trương. Tôi quý anh Bích điều nầy nhứt. Cái chết đột ngột của anh trên đường ‘công vụ’ cho thấy anh hoạt động không ngừng nghỉ vì lòng yêu nước theo cách thế nhập cuộc của anh.

Và xin được vô phép để gọi một người khi sống đã kê vai gánh nhiều việc xứng đáng làm người nay mất đi lẽ ra phải dùng từ nào đó tôn quý hơn nhưng với tình thân thiết ngày cũ tôi dùng tiếng anh như khi anh còn sống, như trường hợp tôi đã dùng với những nhà văn tôi khâm phục và kính trọng.

Xin anh Bích an nghỉ.