Thơ Nôm miền Nam Bạch Viên Tôn Các

2. Trích đoạn vượn trắng hóa thành người và bỏ đi khỏi chùa

Truyện Thơ Bạch Viên bản khắc của Bửu Hoa Các, Phật Trấn, bắt đầu với thầy Huyền Trang đi tìm nơi mình có thể tu hành. Thầy tìm được chùa Phi Lai đúng ý nên trụ lại đây. Một hôm có con vượn trắng lấp ló cửa chùa, thầy cho vượn vào trong. Vượn biết tiếng người nên được chấp nhận ở lại chùa tu hành... Một hôm kia… (xin đọc đoạn trích).

Cái hay của truyện là tâm lý của Bạch Viên, khi đã thành người thiếu nữ thì Bạch Viên không muốn cho thầy biết gì về mình nữa, cô lợi dụng lúc thầy ngủ, thắp nhang tụng kinh lần chót rồi ra đi trong đêm tối.

Lại sợ rằng ở chung lộn với người đời sẽ có chuyện nầy kia nên Bạch Viên chọn nơi lâm tuyền mà ẩn tu.

Hai chữ mến công trong câu:Tu hành thầy đã mến công là tài liệu quí để chứng minh tác phẩm được viết ra khá sơm (thế kỷ 18-19). Hai chữ gióng thẳng trong câu Y hài gióng thẳng con đi cũng có giá trị tương tợ.

Cái hay của đoạn nầy là tâm lý quyết liệt của một người phụ nữ quyết ra đi khỏi chùa nhưng trong lòng rất thương thầy.

Văn hơi khó hiểu vì được sáng tác hơn trăm năm nay của một người bình dân Miền Nam, bản khắc ở bên Quảng Đông nên sai sót nhiều.

2. Bạch Viên bỏ chùa ra đi,

Chánh rằm nguyệt chiếu trăng thanh,
Vượn ra vọc tuyết sương thanh lau mình[1].
Bạch Viên có phép hiện hình,
Chẳng dám lậu tình thầy biết làm chi[2].
Tôi đà niệm Phật qui y,
Bồ Đề một chuỗi tri tri tạc lòng[3].
Mỏi mê thầy ngủ liêu phòng,
Thức ta[4] lạy Phật, thỏa lòng[5] tụng kinh.
Long thần Phật pháp giáng linh,
Thấy vì Thái muội[6] tụng kinh, hóa hình.
Bạch Viên chuyển cốt vặn mình,
Toàn thân biến thú hóa hình nữ nhi[7].
Mặt hoa mày liễu phương phi[8].
Hình dung yểu điệu gót đi dịu dàng.
3a. Tỉnh xong[9] thầy thấy rõ ràng,
Vượn đà cởi lốt hóa nàng yêu tinh[10].
Lạ lùng thầy thấy, làm thinh[11],
Rình coi cho biết yêu tinh mới tường[12].
Tốt tươi thiên hạ, phi thường,
Môi son mày liễu, má hường nõn na,
Bạch Viên nép bóng còn nghi,
E[13] cho thầy thấy thói tây chẳng hiền[14].
Y hài gióng thẳng con đi[15],
Tâm thần chuyển động bên kề chẳng không[16],
Tu hành thầy đã mến công[17],
Thủy xung hỏa khắc giữ không khỏi rày[18].
Kíp mau lánh khỏi chùa nầy
Nhang đèn lạy Phật, giã thầy Huyền Trang.[19]
Lánh mình kẻo lộn thế gian,
Lâm tuyền tới đó dưỡng an tánh tình[20].
Ra đi tăm tối một mình.
Mảng theo đông lộ hoa đình tới nơi.
Non cao rừng vắng thảnh thơi.
Thạch bàn chiếm ở vui chơi non Bồng[21].
Biến nên gác rộng lầu hồng[22].
Hóa ra nữ sứ đồng vào chốn ni[23].
3b Gương Nga ngọc chiếu hoa phòng,
Trướng loan phụng trổ sa hồng rất xuê[24].

______________________

[1] Lấy tuyết sương lau mình.

[2] Thật ra Bạch Viên có thể hiện thành người lúc nầy nhưng không muốn thực hiện vì sợ thầy biết.

[3] Vì Bạch Viên đã quyết chí tu hành.

[4] BN:Ta, chỉ Bạch Viên. Trong khi thầy Huyền ngủ thì Bạch Viên tụng kinh, lạy Phật. Lúc nàng cô đã nghĩ đến chuyện ra đi.

[5] BN:Thả lòng, giọng Nam.

[6] Bạch Viên là một vị nào đó trên thượng giới.

[7] Bạch Viên hóa từ thú ra thành một người con gái. BN:tàn thân, giọng Nam.

[8] Con vượn trắng thành nàng Bạch Viên, người đẹp.

[9] Tỉnh dậy sau khi ngủ.

[10] Thầy thấy rõ sự cởi lớp của vượn bạch thành một người con gái nên cho đó là yêu tinh. Bản QN hai lần chữ yêu tinh bị đọc thành yêu tinh và thiên tinh!

[11] Lấy làm lạ lùng điều mình vừa thấy nhưng thầy nín thinh để theo dõi.

[12] Sự tò mò khiến thầy càng rình nhiều hơn để rõ.

[13] BN Phải, không có nghĩa, ở đây đọc theo bản QN. Cả câu:Sợ rằng thầy thấy mình là người thì có chuyện chẳng lành xảy ra.

[14] Bạch Viên rón rén núp bóng trăng ẩn mình sợ thầy thầy thấy sẽ rõ sự việc thì không hay. Văn chỗ nầy lộn xộn, khó phiên âm cho chính xác hai chữ 群儀.

[15] Mặc quần áo (y), mang giày (hài), cột thắt quần áo gọn gàng (gióng thẳng) ra đi. Chữ hài 鞋BN dùng chữ đồng âm hài 孩 . Gióng:1. cái gióng để gánh. 2. Dùng dây cột đồ vật để treo, để mang. Để ý câu nầy là Bạch Viên nói vọng lại với thầy mình, như một lời cáo lỗi, xin phép khi dùng danh xưng con.

[16] Bản Nôm câu nầy tạo thành vấn đề:Kề tâm thần chuyển động, bên chẳng không. Ngờ là người khắc nhảy chữ lộn xộn nên xếp lại như trên. Bản QN đọc:Kỳ tâm thầm chuyển tách miền hư không. Chữ 掑, không thể đọc là kỳ. Chữ thần chuyển神轉 không thể là thầm chuyển. Hai chữ chẳng không 庒空 đã được chuyển thành ra đi theo ý của người làm bản QN. Cả câu:Gần gũi thì thế nào cũng khó bề tu hành, xao lãng kinh kệ. chắc chắn như vậy.

[17] Mến công 唤功:Yêu mến công việc mình làm, ở đây là mến công việc tu hành. Cách dùng chữ mến trong nhóm chữ mến công như mến tài, mến đức… Cả câu:Tu hành thầy đã có công lâu ngày.

[18] Bạch Viên thấy mình không thể ở lại chùa dưới hình thức con người, vấn đề nam nữ sẽ sanh ra chuyện khó lòng.

[19] Điều nầy cho thấy Bạch Viên là người biết suy nghĩ, trước khi ra đi cô nghĩ đến việc lạy Phật thắp nhang… BN có 9 chữ trong đó có chữ Huyền, tôi tạm thay ba chữ cuối bằng Huyền Trang.

[20] Không muốn sống chung lộn với người đời nên Bạch Viên chọn đến sống nơi rừng núi..

[21] Vui chơi non Bồng:Vui sống với cảnh núi rừng đẹp đẽ.

[22] Bạch Viên có phép tiên biến hóa ra nhà cửa. Cũng có thể hiểu đó là cách nói của văn chương và điều tin tưởng bình dân về sự tạo dựng nhà cửa nơi rừng núi của một người con gái.

[23] Như trên.

[24] Phòng riêng của Bạch Viên rất đẹp, khá sang:Có chạm trổ có màn bằng lụa quí. Sa紗:Lụa mỏng, có thể nhìn thấu bên kia, nhẹ, mịn.