Thơ Sáu Nhỏ, người du đãng đầu thế kỷ 20
(viết theo bản của nhà xuất bản Phạm Văn Thình, Sàigòn 1920)

Nguyễn Văn Sâm

Những thập niên 20, 30, của thế kỷ 20 Sàigòn lộn xộn với những đám du côn, anh chị, mỗi nhóm chiếm đóng một vùng làm trời làm đất tạo nên máu lửa với nhau khiến dân lành không sống được trong cảnh bình an.

Những hoạt động của các tay anh chị và đồng bọn để lại vết tích trong thơ văn thời đó. Từ những quyển sách mỏng nầy ta có thể phần nào hình dung được một Sàigòn gió tanh mưa máu vì dao búa, thường các nhóm anh chị đứng ra bao thầu phu phen hay bảo kê cho công việc làm ăn của những người Tàu tài phiệt như nhà máy xay lúa, chành gạo, hãng rượu, bến bốc vác, bến tàu, xóm đèn đỏ (xóm yên hoa)…

Tuy nhiên thời nầy do ảnh hưởng những cuộc đời anh hùng nghĩa khí trong các truyện Tàu quá đậm đà nên du côn tuy côn quan trong hành động nhưng thâm sâu trong lòng họ là sự dũng khí, trọng nghĩa khinh tài, anh hùng, gan dạ, dám làm dám chịu. Ức hiếp người giàu nhưng cũng giúp đỡ người nghèo là chuyện thiệt bình thường. Họ du côn nhưng có tấm lòng, nếu ta có thể nói như vậy. Họ thích được làm đầu thầy (đại ca, người chúa đãng), được có dưới tay một nhóm đàn em kiểu Lâm Thợ Điện, Đại Cathay, Mai Chín Ngón trước 75 hơn là gom góp tiền bạc thiệt nhiều kiểu Năm Cam ở Sàigòn, hay Đường Nh. ở Bắc.

Phản ảnh những tay anh chị anh hùng hảo hớn nầy trong văn thơ thời đó ta có thể thấy:

  • Thơ Sáu Nhỏ, Thơ Sáu Trọng, Thơ Năm Tỵ, Thơ Cậu Hai Miêng.
  • Thơ Thầy Thông Chánh, cũng có thể để vô nhóm thơ nầy.

Bài nầy chỉ giới thiệu thơ Sáu Nhỏ thôi.

Mở đầu câu chuyện, tác giả Đ.T. B. viết:

Rảnh rang vô sự gia đàng,
Cổ kim khó biện khó bàn giả chơn.
Nhớ câu hành ác chi nhơn,
Ma đao chi thạch một cơn khỏi nào.
Khôi khôi thiên võng nan đào,
Tích ác phùng ác tránh sao khỏi trời

Vậy người đặt thơ không ca tụng hành vi của nhân vật ông đang viết. Ông đứng trên mặt đạo đức nói rằng người làm ác thì thế nào cũng bị lưới trời khiến phải gặp chuyện ác, trước sau gì nó cũng đến với mình. Toàn chuyện nói chung, tác giả không cho thấy nhân vật chánh Sáu Nhỏ làm điều gì ác. Có thể ông sợ vạ bút mực vì biết đâu đàn em của Sáu Nhỏ còn lẩn quẩn đâu đó khi tập thơ của ông ra đời. Cũng có thể ông mặc định rằng du côn là những người làm ác…

Sáu Nhỏ là du đãng vùng Bình Tây, còn trẻ (Tác vừa mười tám thơ ngây) như Sáu Trọng, (Có chàng Sáu Trọng tuổi vừa mười lăm).

Du đãng thì ghét du đãng lúc hai bên đều mạnh, đều muốn làm đầu thầy của nhau, đều tức tiếng gáy. Phe bên Bà Chiểu mướn gái giang hồ xinh đẹp là Mười Thắm với giá hai chục đồng để dụ Sáu Nhỏ, chờ tới lúc nào đó Sáu Nhỏ vô phòng thì cả bọn ào vô thịt.

Điều đáng để ý là Sáu Nhỏ dư biết mưu kế của du côn Bà Chiểu nhưng anh vẫn chấp nhận đi lại với Mười Thắm với lý do nếu sợ là chẳng anh hùng:

Mười ơi mặt một dạ hai làm gì.
Tao nghe người nói thiếu chi
Du côn mướn bậu lo thì mưu gian.
Âm mưu dụng kế Châu lang,
Tao đà dư biết cái đàng bây đi.
Chữ rằng hổ tử lưu bì,
Yên hùng uý tử còn gì là danh,
Người đời số mạng đã dành,
Mưu bây hại thác đã đành dạ tao.
Hễ là đứng bực yên hào,
Nếu tao sợ thác gươm đao bất tời. [tài]
Nên hư tao nguyện với Trời…

Tác giả bản văn không cho biết Sáu Nhỏ mê sắc hay là anh hùng đâm chém biết nguy hiểm vẫn nhào vô, biết cái bẫy nhưng vẫn lướt vô để thử tài phá bẫy của mình.

Cuối cùng thì Sáu Nhỏ tới một ngày nào đó tứ bề thọ địch:

Rộn ràng kẻ búa người cây,
Củ chùy dao mác dầy dầy đông thay,
Bảo nhau huynh đệ đông tây,
Xả cho nó đặng bỏ thây nằm đàng.

Cố gắng hết sức Sáu Nhỏ mình đầy thương tích phá vòng vây nhảy xuống sông lặn trốn rồi lội về Bình Đông. Tại đây, đàn em của Sáu Nhỏ săn sóc tay đầu thầy nầy cho tới khi các thương tích lành lặn.

Chuyện thành lớn và số Sáu Nhỏ tới lúc khổ nên nghe lời hai đàn em là Mười Kiểu và Nam Bắp hẹn ngày đánh nhau với kẻ thù. Có bót nghe tin nên bố trí. Khi hai bên đánh nhau thì họ vây bắt bằng súng đạn, cuối cùng Sáu Nhỏ chịu đầu hàng cò bót.

Ra tòa Sáu Nhỏ lãnh án mười năm giam ở Hà Tiên. Ở tù được bốn năm thì Sáu Nhỏ phá khám thả tù. Binh lính phủ vây đông đầy Sáu Nhỏ bị Đội Lâu bắt giam chờ ngày xét xử tội mới. Sáu Nhỏ suy nghĩ và tự tử trong tù.

Sáu Nhỏ chẳng làm điều gì hay ho như Cậu Hai Miên, nhưng Sáu Nhỏ không dữ dằn như Sáu Trọng (Thưa rằng nó đứa lăng loàn chẳng sai. Nên tôi xé thịt phân thây, Răn loài ác phụ sau này chừa đi...) dưới ngòi bút của ông Đ. T. B. Sáu Nhỏ chỉ là tên du đãng đánh nhau chém nhau với nhóm du đãng khác. Cũng chưa thấy ai chết. Khi phá ngục, đánh nhau với cò bót lính tráng cũng chưa thấy ai chết.

Cả hai Sáu Trọng và Sáu Nhỏ đều không sợ chết về điều mình làm.

Trọng còn nói tiếng Lang Sa:
Quan trên dạy chém tôi mà đội ơn
Tử sanh lòng mỗ chi sờn,
Nào tôi có chịu kêu oan làm gì...

Còn Sáu Nhỏ khi nghĩ rằng sẽ bị tù chồng tù bèn tự xử:

Sáu rằng thời vận dở dang,
Tử kỳ dĩ chí đã an lòng nầy
Chàng bèn tự vận tại đây,
Ô hô Sáu Nhỏ phách bay theo hồn,
Như vầy đáng bực du côn,
Vận cùng xử vận ngục môn bỏ mình.

Trong phần quảng cáo trong cùng quyển sách, nhà xuất bản giới thiệu những cuốn đồng loại về những người cang đỡm (chữ của lời quảng cáo) nhắc đến Thơ Sáu Trọng và Thơ Năm Tỵ mà không khắc đến Thơ Thầy Thông ChánhThơ Cậu Hai Miêng có lẽ vì hai cuốn sau dính dáng đến việc giết Tây và coi thường Tây, vậy tôi cho rằng những thơ Năm Tỵ, Sáu Nhỏ, Sáu Trọng, Thầy Thông Chánh, Cậu Hai Miêng chỉ là do tác giả thấy chuyện xảy ra trong xã hội thời mình mà viết thành thôi, chẳng có ý hướng gì chống Pháp như tự điển mở Wikipédia nhắc đến một người nào… đã nói rằng đây (Thơ Sáu Trọng ) là tâm lý chống Pháp của người bình dân Nam Bộ.

Chuyện thời sự làm đề tài cho thơ vè thời trước không thiếu. Như:

  • Vè dâu dữ bị trời hành thành thú - Nguyễn Văn Quý, Nhà in J. Viết, Sàigòn, 1916.
  • Dâu có nghĩa và dâu bạc tình – Lê Trung Thu, Nhà in J. Viết, Sàigòn, 1916.
  • Vè con gái chửa hoang – Lê Trung Thu, Nhà in J. Viết, Sàigòn, 1915.
  • Vè con gái kén chồng - Đặng Văn Chiểu, Nhà in J. Viết, Sàigòn, 1915
  • Vè Lái Rổi – Trương Vĩnh Ký, Thông Loại Khóa Trình, Sàigòn, 1884.
  • Vè Gái hư – Thuần Phong, tạp chí Bách Khoa 1959.

Và còn nhiều nữa kể ra e quá rườm rà, từ chuyện khai thị chợ mới, tới chuyện máy bay, chụp hình, chuyện bão lụt năm Thìn, chuyện Hương Quản làm bậy với con dâu…

Điều đáng nói là trong những bài vè người viết chú ý khai thác chi tiết của sự kiện và để người đọc rút ra điều gì họ bắt được khi đọc, còn bài Thơ Sáu Nhỏ thì ít sự kiện mà nhiều lời giảng dạy về ở ăn sao cho phải đạo, đừng làm dữ, làm hung, có tiếng nhưng là tiếng xấu. Phải thờ kính cha mẹ mới đáng mặt nam nhi:

Xin khuyên chư vị đồng bang,
Xem gương ngươi Sáu khá toan sửa mình,
Tuy là danh tiếng thinh thinh,
Cũng là du đãng danh mình chẳng hay.
Làm lành lánh dữ ngày ngày,
Thờ cha kính mẹ lo rày làm ăn.
Học chi những việc bất bằng,
Tiếng người khinh dể tiếng rằng phi ngôn.
Dầu cho tài trí khéo khôn,
Danh lưu hậu thế du côn tiếng hèn.
Tham vui du đãng đua chen
Mẹ cha sầu thảm hư hèn thích thân.
Hễ làm người ở trong trần,
Tâm thành chánh đạo thảo thân trọn nghì.
Thờ cha kính mẹ lễ nghi,
Kỳ thân tâm tĩnh thiệt thì nên trai.

Tóm lại các truyện, thơ, vè lấy đề tài thời sự rất ăn khách nên được nhiều tác giả ghi lại. Nhờ đó có thể cho người đọc thấy được phần nào sinh hoạt của người dân Nam Bộ đầu thế kỷ 20. Phần xấu của nhân vật được bớt đi và tác giả nhiều khi đưa ý hướng đạo đức mình vô trong tác phẩm như truyền thống thơ truyện của người Việt Nam trước đó. Sự giải thích cho rằng đây là sự chống đối thực dân e rằng khó có cơ sở.