Truyện thơ Bạch Viên Tôn Các

Trích đoạn 3. Tôn Các từ giã cha mẹ đi thi.

Truyện thơ Nôm Bạch Viên Tôn Các bắt đầu bằng chuyện thầy Huyền Trang tìm được ngôi chùa ưng ý trong rừng để ẩn tu. Một con vượn bạch đến giúp thầy chuyện quét tước nhang đèn trong chùa. Ngày kia vượn bạch cởi lớp thành một cô gái đẹp và vì sự suy suy nghĩ riêng đã bỏ đi khỏi chùa sống nơi rừng khác. Bạch Viên có phép mầu nên đã hóa ra dinh thự và người hầu hạ…

Đoạn nầy giới thiệu thân thế nhân vật chánh thứ hai: Tôn Các xin cha cho mình lên đường đi thi. Từ cuộc lên đường nầy mọi chuyện mới xảy ra.


(Bìa truyện thơ Bạch Viên Tôn Các, bản Phật Trấn, cuối thế kỷ 19, khắc in ở bên Tàu)

Thuở ấy người ở Quảng Xuyên,
Họ Tôn tên Các tuổi nên Nhâm Dần[1],
Rừng Nho biển thánh[2] ân cần,
Văn thơ làu biết võ thần ai qua[3].
Bản rao[4] khắp hết gần xa,
Trung Thu[5] danh sĩ ứng khoa tựu trường.
Kíp mau trình quá thung đường[6],
Sắm sanh nang thác[7] diễn trường[8] xuống thi.
‘Con vào thưa thốt lời chi,
Cha còn chưa rõ gian nguy[9] sự tình.’
Dưới hiên quỳ lạy thưa trình:
‘Cho con ứng cử thỏa tình rừng Nho.
Trước là trả nợ quân ân,
Sau là báo nghĩa song thân lưỡng tồn[10]
Mai con ứng cử khoa tràng,
Khôi khoa chiếm[11] đặng bảng vàng thưởng ban[12].
Trước là tông tổ vững an,
Sau là cha mẹ hiển vang cậy nhờ.
Thảo cha con đã trọn thờ,
Ngay vua con phải chực giờ ứng khoa.’
4b Mụ vào nang thác dọn ra[13].
Cho con thi cử của ta tiếc gì.
‘Lạy cha con xuống kinh kỳ,
Cúi đầy lạy mẹ thảm phiền đoài cơn.
Bao nài sơn lãnh dời chơn,
Vai mang nghiên sách thẳng xông lâm toàn[14].’

Đoạn văn ngắn nhưng cho thấy nhiều điều ngày xưa. Học hành chỉ mong sao có cuộc thi và mình phải thi đậu để trả ơn vua và thoát ra cảnh nghèo. Đường đi đến chỗ có cuộc thi thiệt xa và nhiêu khê. Về mặt chữ Nôm ta bắt gặp vài chữ viết bằng giọng của người cực Nam không theo giọng chung cho cả nước: tiệc (viết bằng tuyệt), tuyền (viết bằng toàn và đọc tàn), ban (viết bằng bang), thác (túi, viết bằng thác có nghĩa là mang).

_________________

[1] Cách xác định năm sanh hay năm biến cố gì đó theo cách Tàu xưa. Cách nầy không chính xác, mơ hồ cũng như các câu gọi là sấm: Gà kêu chó sủa lao xao… cắt nghĩa lần nầy trật thì đợi lần khác.

[2] Rừng Nho biển thánh: Việc học hành. Xưa học chữ Nho và các sách của các nhân vật được gọi là thánh hiền như Khổng tử, Mạnh tử… CD: Anh về học lấy chữ Nhu, chín trăng em đợi mười thu em chờ. Nhu là Nho.

[3] Qua, tạm đọc, BN: khôn, chắc là khắc nhằm. Làu biết: thuộc lòng. Dân gian nói thuộc lào, không nói thuộc lão.

[4] Bản rao: Nhà nước ra thông cáo sẽ mở cuộc thi lớn.

[5] Xưa Thu thí, thi vào mùa thu, là thi lớn, thi Hội, chọn Cử nhơn.

[6] Thung đường: Người cha.

[7] Nang thác: hành trang.

[8] Diễn trường: Trường thi.

[9] Hai chữ gian nguy nầy nghe không thông!

[10] Cả câu: Báo ơn cha mẹ lúc hai vị còn sống mà mình làm rạng danh. Lưỡng tồn: Còn sống cả hai. Tác giả bản Nôm muốn viết chữ toàn mà ông dùng chữ tồn chăng?

[11] BN khắc sai thành cổ.

[12] Chữ ban, bản Nôm viết bằng chữ bang, giọng Nam.

[13] Bà mẹ nào cũng vậy lo cho con từng chi tiết nhỏ nhặt, nhứt là con phải đi xa. Mụ: Đây có nghĩa là bà mẹ.

[14] Lâm toàn: Lâm tuyền nói theo giọng Nam kỳ.