Túy Hồng: nhà văn miền Nam

Nguyễn Vy Khanh
Nhà văn tên thật Nguyễn Thị Túy-Hồng, sinh ngày 12-10-1938 tại Phong Ðiền, Thừa Thiên. Tốt nghiệp đại học Sư phạm Huế, dạy học ở Huế và Sài-Gòn, bà cộng tác với các tạp-chí văn-học như Văn Hữu, Tin Sách, Văn, Bách Khoa, Văn Học, Vấn Đề, Khởi Hành, Nghệ Thuật, các tuần báo và nhật báo Kịch Ảnh, Thời Nay, Đời Nay, Con Ong, Diều Hâu, Lập Trường, Tia Sáng, Độc Lập, Tin Sáng, Tiền Tuyến, v.v. và làm việc cho các đài phát thanh. Bà khởi nghiệp với truyện ngắn (Bát Nước Đầy – truyện đầu tay đăng Văn Hữu 11, 7-1962, Lòng Thành, Thở Dài, Vòng Tay Anh,...) - tập truyện ngắn duy nhất Thở Dài (Thời Mới, 1963; tb Kim Anh, 1967), nhưng đặc-biệt thành công với các truyện dài Vết Thương Dậy Thì (Kim Anh, 1967), Tôi Nhìn Tôi Trên Vách (Đồng Nai, 1970), Trong Móc Mưa Hạt Huyền (Xuân Hương, 1970), Bướm Khuya (Cửu Long, 1971), Biển Điên (Văn Khoa, 1971), Mùa Hạ Huyền (Văn Khoa, 1971), Hơi Thở Rướn Cong (Đồng Nai, 1972), Mối Thù Rực Rỡ (Nguyễn Đình Vượng, 1972), Nhánh Tóc Sợi Dòn (Tiếng Phương Đông, 1972), Eo Biển Đa Tình (Nguyệt Quế, 1973), Kinh Thiên Thu (Tiếng Phương Đông, 1973). Truyện dài Những Sợi Sắc Không đoạt giải Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc 1969-1970 dưới dạng bản thảo – đã đăng tạp chí Vấn Đề từ số tháng 10-1967 và về sau đã được Làng Văn Canada xuất bản năm 1989 ở hải-ngoại. [X. Túy Hồng đã kể về tác-phẩm này trong truyện ngắn/truyện ký với tựa Võ Phiến” năm 2012: http://www.gio-o.com/Chung/TuyHongVoPhien.htm]. Cùng trường hợp với Tay Che Thời Tiết.

Với văn phong trực diện, mạnh mẽ, bạo dạn nhưng thẳng thắn, hiện thực, và với một ngôn-ngữ văn-chương khéo léo, độc đáo của riêng bà - phần nào mang tính địa phương và thành phần xã-hội, Túy Hồng đã đưa lên trang giấy những tâm thức và cảm xúc của người nữ xuyên qua đời-sống tình cảm, tình dục, bản năng trần bì, lý tưởng, lãng-mạn có mà thôi thúc, đòi hỏi xác thịt cấp kỳ cũng có, một cách tỉ mỉ, diễn tiến tự nhiên hoặc bất chợt, những biến chuyển tâm sinh lý, những vui buồn và hành xử bình thường và bất bình thường.

Thở Dài là truyện chính của tập cùng tựa gồm 5 truyện ngắn, với nhân-vật cô giáo Cỏ May, 33 tuổi chưa chồng, tả sự muộn màng và nỗi khao khát đắng cay của người nữ, phải nhắc cưới - những bi đát thân phận của phụ nữ. Cỏ May thời chạy giặc từng bị lính Pháp hãm hiếp, nên không may với các bạn trai Khôi, Danh, Đoàn. Một cô giáo hoài tưởng người đàn ông tên Đoàn: “Tay tôi dang ra chới với. Đoàn còn lảng vảng ở xa để tôi gom góp hy vọng. Đoàn còn chạy quanh co cùng tôi đuổi bắt; tôi đã bước vòng mọi ngã và tôi đã nắm gì chưa trong tay? Nhiều đêm không khóc nhưng nước mắt ứa ra sau cái ngáp, tôi thầm gọi Đoàn: anh Đoàn, nếu yêu em thì đừng đi quanh nữa, đừng đuổi bắt nhau như hai cái kim đồng hồ nữa. Anh hãy cho em đi con đường ngắn nhất, con đường độc đạo của tình-yêu” (tr. 32). Chiến-tranh không phải là thời của những kẻ đợi mong và khao khát tình-yêu. Phận người nữ như Cỏ May thì cứ mãi trông chờ “phải có những cái chạm nhẹ của người khác phái trên trán, trên mắt, trên môi mới chuyển nổi hăng hái vào gân, vào bắp thịt tay để người phụ nữ chăm chỉ cầm kim luôn hoặc vắt từng mũi kim nhỏ nhắn đều đặn, làm khéo với đời (…) Còn hai năm nữa. Tuổi ba mươi lăm. Hết thời học bán quân sự. Chính phủ sắp chê mình già đây. Chính phủ còn muốn mình cô đơn nữa huống chi ai” (tr. 35). Đoàn tránh né hôn nhân, chỉ còn Khôi nhưng chàng mất biệt chưa về: “Anh Khôi, em ba mươi ba tuổi rồi, tóc anh chắc đã có sợi bạc. Không biết bây giờ anh ở ðâu. Chỉ có anh, anh mới thýõng và chịu chấp nhận em thôi...” (tr. 35). Nhìn Xuống cũng chuyện cô giáo, ở đây có chồng nhưng gặp bà mẹ chồng ghen tuông mất con trai. Lòng Thành kể chuyện người vợ ca sĩ lấy chồng trung-úy Quân-y nhưng không hạnh-phúc. Vòng Tay Anh với cô giáo Cam-Thảo luống tuổi chưa chồng, yêu Biên giục chàng cưới nhưng chàng ta đã có vợ 5 con, cô nhận ra tâm địa ích kỷ của… đàn ông! Xen kẽ trong truyện này là những tiếng ta thán, đắng cay như “Em mà đi hỏi được anh là em đi liền” (tr. 45), “Cô nào không lấy chồng được mới bị sung vào bán quân sự, một cơ quan sưu tầm gái già...”, “Em ôm súng đã nhiều, có khi nào được ôm anh...” (tr. 46). Ngày Xuân Đêm Xuân trở lại thời lịch triều với vợ chồng công chúa Như Mai và phò mã Nguyễn Lâm: chồng chết cùng Nguyễn Tri Phương tuẫn tiết vì mất thành Hà-Nội, Công chúa lén lút với Cử Chi, mang thai rồi phải phá thai và bị đuổi về hoàng cung trầm lặng. Như Mai lấy chồng trễ cũng vì 5, 6 đại tang tiếp nhau trong hoàng tộc, cứ mãi “có nàng công tôn buồn vào khuya lạnh vì chợt thức giấc lặng nghe da thịt thở dài...” (tr. 92).

Vết Thương Dậy Thì là truyện dài đầu tay và tác-giả thử nghiệm những bước dài vào khu rừng mùa Xuân của thiếu nữ. Một cái hôn đã được người nữ cảm nhận như một bất ngờ nhưng giác quan khá tỉnh táo để đón nhận: “Thuyền chồng chành muốn lật úp, tôi nhắm mắt đưa tay quằn quại đón Vĩnh đang cầm nạng gỗ lần từng bước qua thăm bên tôi. Chàng bóp nghiền đôi vai, kê mặt vào gáy, chàng ngậm vành tai tôi, búng cái mũi rồi bốn cái môi run rẩy mười chiếc hôn, hôn lên tiếng hát ngọt, lên hai huyệt mũi phập phồng hơi thở nóng. Các mạch máu bây giờ là vô sốâ con kiến bò ngổn ngang trong cơ thể mùa hạ oi bức, cơ thể tôi mòn khô chịu nắng suốt lộ trình con gái...”. Ở một thời điểm khác, chuyện mất trinh cũng được đón nhận một cách tích cực và hợp tác, có thể vì đã quen biết người nam chăng: “Anh ôm ghì tôi, cắn má, bóp tay, thoa nắn hai chiếc đùi và vuốt bụng... Tôi cảm thấy một cơn sốt dễ chịu nhưng tôi vẫn rút gọn người, vùng đạp. Trời. Anh muốn xé tôi ra, dìm tôi xuống, ngồi lên tôi. Tôi co cùi chỏ đâm vào sườn anh, cắn vai anh, vật lộn với anh. Tôi có cảm tưởng như mình là cục bột rất dẻo, rất to và anh đang vọc tay, những ngón tay muốn lún vào (...) Lăn lóc. Vất vả. Anh chồm tới cắn cổ tôi, nghiến răng bẹo tôi, hai gọng tay kèm cứng thân tôi. Anh hành hạ tôi nhiều sao tôi không thấy đau?”.

Những Sợi Sắc Không là truyện dài đã đoạt giải Văn Học Nghệ thuật toàn quốc 1969-1970. Truyện có khung cảnh đấu tranh và bạo động của những năm 1963, phần đầu diễn ra ở Huế, phần sau di chuyển về thủ đô Sài-Gòn. Mùa Hè năm 1963, Huế đã là khởi điểm cho những đấu tranh mang danh nghĩa đòi tự do tôn giáo nhưng có hai thực chất, phía Phật giáo do Thích Trí Quang lãnh đạo (có một thế lực đằng sau giật dây) đã thành công khích động Phật tử nổi dậy đòi lật đổ chế độ hợp hiến Việt-Nam Cộng-Hòa, phía cường quốc đồng minh muốn điều khiển chiến-tranh theo ý riêng, đã biến Huế thành bãi chiến tranh-hùng mà kết cục nhân đạo đã thua bá đạo. Giới hoạt đầu và thanh niên thanh nữ được dịp bộc lộ bản chất con người đấu tranh, phản kháng, làm chính-trị, cộng thêm sôi sục căm thù có bài bản, đã biến Huế thành nơi đun luyện các phong trào bạo động đưa Huế vào lịch-sử với những thảm sát tháng Tám 1963, biến động miền trung 1965-66, Tết Mậu Thân 1968, v.v. và đã là bàn đạp để những giáo-sư, sinh viên trở thành lãnh tụ và bạo chúa – những Lê Văn Hảo (tức nhân-vật Lê Hữu), Lê Khắc Quyến, Tôn Thất Dương Kỵ, anh em Hoàng-Phủ, v.v.

Trong Những Sợi Sắc Không, các nhân-vật Trương, Lê Hùng, Hoán, Sinh, Trầm, Cỏ May, Trịnh San (Trịnh Công Sơn),... hoạt động đấu tranh, yêu và thù nhau, nổi trồi lên và bị lôi xuống bùn đen,... Lý tưởng gọi là cách-mạng đấu tranh đã khởi đầu từ nhà tù chính phủ, họ đấu khẩu và để ý đến nhau như kẻ đáng phục hoặc đáng … yêu, như giáo-sư Trương và Cỏ May. Còn nhân-vật Trầm, cũng đã hiến đời mình cho lý tưởng đấu tranh, nổi dậy nhưng thâm tâm thì xem thường những khuôn mặt ra bộ đứng đắn mà dâm đảng, có dịp là bộc lộ dồn nén nhục dục, mà ngay từ lúc trẻ, Trầm đã khác người: “Ngay từ lúc chưa viết văn tôi đã là một con người phi luân. Cha tôi dùng chữ vô luân nặng hơn để mắng mỏ và hỏi tại sao tôi viết văn? (…) Mày coi! Đàn bà nhà văn nữ có ai được đời-sống đứng đán, chồng con đàng hoàng không? Nếu không cướp chồng người khác thì cũng lây Tây lấy Tàu, giết tình nhân, mê học trò. Tôi là một con người phi luân trước khi tôi chửa hoang (…) Người đàn bà viết văn, nói một cách hơn cả cộng sản tam cùng nói, hơn cả cha mẹ tôi lên án, phải theo đến mười ba và hai mươi bốn cái cùng của cuộc đời...” (tr. 25-26).

“Trầm đủng đỉnh bước xuống đồi đi thơ thẩn qua từng gốc thông già tối sẫm. Đêm liêu trai, trăng trần truồng, sao chớp mắt không ngừng và đêm mơn trớn như đánh bóng bằng kem dưỡng da thoa vuốt khuôn mặt không gian đam mê thèm khát. Nỗi mát lạnh luồn trong khe gió rùng mình ngực mỏng. Tà áo bay cách xa cặp đùi gầy. Trầm ngồi xuống một phiến đá nhẵn, cổ ngóc cao, đôi mắt nhắm và miệng hé mở, lòng nín thinh trong một dáng điệu tê cóng, một dáng điệu tượng đá, một dáng điệu hôn mê và ướt sũng hai hàng nước mắt mặn ấm. Trầm đưa hai tay lạnh toát ôm lấy thân thể mình.

Tôi đang ôm tôi tỏ tình, tôi đang ôm tôi thì thầm, vỗ về, dỗ dành. Và tôi đang ôm tôi gạn hỏi mi chủ trương tình yêu có cái xác chứ không có cái hồn. Vậy thì mi còn bao nhiêu gan mật để làm tình suốt cả cuộc đời dài ngất của mi?

Trầm! Trầm! Tình yêu không phải là sự sát nhập, sự giao thoa của hai xác thịt. Xác thịt chỉ mới là một nửa. Hãy làm lành với cuộc đời, đừng cắn trả, đừng nổi loạn hành hung đá đít, và cũng đừng giả nguỵ, nếu cuộc đời không đẹp - với mỗi người cuộc đời đẹp mỗi cách - thì tại sao mi vẫn bám víu, bò lê ì ạch từng bước một trên mặt quả đất để mà sống, sống dằn xóc ngặt nghèo, sống thèm khát đam mê, sống chạy rông hớt hơ hớt hải quanh quỹ đạo tròn.

Bàn tay ôm lấy má và sờ quanh chiếc má, thoa vuốt đầu tóc và rờ rịt cái cổ. Trầm! Thôi mà, hãy sống nhăn răng củ tỏi … , củ tỏi có nhiều múi nên trông như củ tỏi cười, củ hành gắt không cười.

Một bóng đen đứng trước mặt Trầm, kêu khẽ bằng một âm thanh khàn đục Trầm Trầm … Trầm ngồi đây làm gì? Lửa trại đang đỏ rực kia kìa! Lên mau lên mau họp mặt. …..

Lửa liếm lên, tháp củi sập xuống, vòng người đang bước tròn cầm tay nhau hát lớn: “Lên cho cao, bùng cho sáng, bùng to nữa lên, cao to nữa lên! Lên cho cao, cao , cao, cao vút! Bốc cho cao, cao, cao, cao thật cao! Ơi anh em !…”.

(…) Tiếng vỗ tay rào rào khi một người đàn ông trung niên bước ra giữa vòng tròn cúi đầu chào ba bề bốn bên rồi mở cuộn giấy đang lăn tròn trong tay cầm đọc.

“Bao nhiêu ngọn đuốc thân thể cháy loà, bao nhiêu sức khoẻ hiến dâng những lần tuyệt thực, bao nhiêu nước mắt, bao nhiêu vũng máu, bao nhiêu giam cầm tra khảo đầy đọa, và hơi oán của muôn dân đùn ngất lên trời … Tất cả những thứ đó là sự chuyển dạ để đẻ ra đứa con cách mạng, nhưng bào thai đó đã bị bóp chết, đã bị lấy tráo đi để thay vào bằng một con mèo con, một quái thai cách mạng,…”.

Thất vọng với tình-yêu “sơ bộ” của Hoán “tình-yêu của ai chứ tình-yêu ở anh thì úp sấp lật ngửa, ba chìm bảy nổi trồi trụt như con gái mới có đường kinh” (tr. 33), cô giáo Trầm, đã ly dị chồng, sống trong lòng cố đô Huế nhưng phóng khoáng, buông thả, uống rượu với bạn nam và cứ nghĩ tự kiểm soát được, khác hẳn trước khi lấy chồng và ly dị, đã thụ động, không mở khóa … bản năng trong việc làm tình. “Bàn tay anh đã đi hết miền thân thể em, leo lên hai trái ổi cồn cào, tụt xuống da bụng mịn như lá nhãn non... Yêu anh, em đã trườn mình trên cuộc đời cắm chông và dao kéo, em đã lăn lộn vất vả giữa đường trường vãi đầy muối độc và hóa chất đau buốt vừa nát tan cùng thâm cung và buồng trứng con gái. Danh tiết đã mốc meo hoen ố có bao giờ tẩy sạch. Tương lai tím bầm như da trời da biển và da em. Tên đao phủ của tình yêu, anh đã bóp chết đời con gái của em... anh đã truất phế em khỏi địa vị được làm con gái, em trở thành đàn bà, tiếc như không còn gì tiếc hơn...!”. Trong khi những nhân vật nữ khác hẳn, mạnh mẽ hơn, đam mê hơn và đời-sống tính dục sành sõi và chủ động hơn, Trầm đối kháng, tìm lối thoát với dằn vặt của phụ nữ bị luân lý ràng buộc:

“- Tường vôi đã vữa, những chiếc đinh đã long, tôi không còn móc nối niềm tin vào đâu nữa, không còn bấu víu vào đâu nữa. Tất cả đã phai lớp phẩm màu thiêng liêng, tất cả đã tróc đi lớp nhựa bóng ngời cao đẹp, thánh thiện, hào quang lập loè đã tắt ngủm, tối đen… không còn gì… không còn gì, tất cả chỉ còn trơ lại đống lá đa vừa mới quét. Lòng đau quặn thắt từng cơn vì sự phá sản, sự truất phế siêu hình, nên bây giờ, tôi một mình tiếp xúc với đấng chí tôn của tôi không qua một trung gian nào cả…”.

Cô giáo Trầm mới mở mình ra để bản năng được tự nhiên: “Tại sao có nhiều buổi sáng mình lại cảm thấy bên trên thân thể thì khô mà bên dưới lại ướt như thế này nhỉ?”. Thân xác đã lên tiếng đòi quyền sống thì cũng tự nhiên dâng hiến tích cực: “Sinh liếm môi cười rồi chợt đâm bổ tới nằm nhào ra giường, gối đầu lên đùi Trầm. Sinh ngửa mặt trông chiếc quạt điện một hồi ngắn rồi cầm vạt áo dài đắp để rúc đầu vào vùng tối ám giữa hai cột thịt đùi chắc như chả lụa. Chàng chợt nhận thấy cơn cuồng nộ nhục dục chẳng liên quan gì đến thất tình lục cực ở đời cả. Một bên mặt chàng và một cái tai chà sát mạnh bạo nửa cái bụng của người đàn bà. Vùng khoái cảm vỡ vụn ra thành từng hạt li ti hòa tan trong huyết quản hai người và cả một khu vực sung sướng không thể tích vỗ nhẹ lên bờ thân thể và muôn vàn mạch máu nhỏ xôn xao trở mình ...” (tr. 108). Dĩ nhiên Trầm… giỏi ra: “Tôi bây giờ hôn rất dài, hẹn hò rất tài, đi hoang rất tài, ân ái rất tài... dửng dưng như một cục sắt nguội, như bất cứ loài khoáng chất nào trong và ngoài vỏ đất”. Chuyện làm tình xong là quên, không quan-trọng, như với Chu: “Anh ngủ với tôi xong, anh có thể chối bay chối biến rằng anh chẳng bao giời ngủ với tôi cũng được... vì ngay chính tôi, tôi cũng chẳng còn nhớ cái con khỉ gì cả” “Nàng nằm yên như một khúc chuối chưa trôi sông, không cảm thấy một tia khoái lạc len lén, không ngầm nghe một làm sóng nào đê mê dẫn dòng nhựa lên miền khao khát, không có một mạch nước ngầm nào rỉ xuống trũng sung sướng. Không phải là một thứ nước bể trắng sữa tiêm vào thân thể khô … như thường … như thường... như thường, dửng dưng không rùng mình ngai ngái cũng như không âm ẩm da gà dưới lớp lông; từng tảng thịt không hề cảm thấy ngon, thấy béo và thấy bổ... như thường như thường... lì rồi, chai rồi, sượng rồi...” (tr. 222-3).

Cho nên Trầm đã có những suy nghĩ quyết liệt “Đừng khóc húp mắt, đừng mất ngủ hóp má (...) Tập tự tin, tập kiêu hãnh và cóc cần. Ta không có quyền bỏ ăn bỏ ngủ. Tình yêu đâu hữu ích bằng hạt cơm. Tình yêu đâu có cần bằng đánh một giấc ngáy khò khò. Phải luyện làm sao để một ngày nào đó ta không còn biết tình yêu là gì nữa, khi ấy ta sẽ không bao giờ làm khổ ta nữa!” (tr. 27). Để mà “sau mấy năm ngủ yên, con gấu cái trở lại trường đời (...) Những bước chân phóng đãng lại tiếp tục tiêu hoang cuộc đời mô phạm ... tôi yêu cũng dễ như tôi ăn, tôi yêu đến nỗi không còn biết tình yêu là gì nữa. Những chiếc hôn lẻ tẻ được xâu thành chuỗi, một hôn, hai hôn, ba hôn, bốn hôn vào má vào môi vào tóc; khi tôi ngủ với X. không có nghĩa là tôi đã quên Y., khi tôi không ngủ với X. không có nghĩa là tôi nhớ Y. ... Tình yêu dễ dàng như một trận đá gà... Mũi tên xuyên qua tâm, đó là vết thương tình ái người đàn ông này gây ra thì đã có người đàn ông khác chữa lành, đó là mối hận mang từ người đàn ông nọ, ta lại đá người đàn ông kia để trả thù đời” (tr. 47).

“Trầm nghĩ tới các bàn tay trườn đi trên thân thể nàng: Sinh, Truyền, Lực, Siêu và vân vân.. Họ và nàng yêu nhau? Ái tình đó sao? Ái tình khởi đầu bằng hai cái miệng liếm nhau rồi ma dẫn lối quỷ đưa đường bàn tay đàn ông hành quân trên bốn vùng chiến thuật của thân thể đàn bà ... Tình sử không biết có phải là một sự lập lại? Những động tác làm tình đúng phóc là một sự lập lại...” (tr. 100).

Nhưng những “lập lại” của Sinh đã trở thành tình-yêu … hoàn hảo hơn. Bạn tranh đấu về sau bị gọi nhập ngũ và cũng là người biết ghen:

“Sinh bực dọc bỏ đứng lên đi những bước nặng:

- Lúc này nghe người ta nói Trầm còn luyến ái cả Trương nữa.

Trầm cúi nhìn xuống đất:

- Anh kê tai nghe thiên hạ nói xấu tôi… Phải, tôi với Trương có lẽ mới bắt đầu vào cuộc.

Sinh đứng thẳng ở bức tường ngậm thuốc, im tiếng. Trầm mỏi mệt lắc đầu:

- Mà có lẽ cũng đang phá cuộc… tôi với Trương…

Miệng Sinh cười rộng: - Tình yêu của Trầm là trò hề trong gánh xiếc.

- Đúng em là bò lạc, em là ngựa hoang chưa về chuồng.

Hai lông mày của Sinh nhăn lại gần nhau: - Em dễ dàng ngủ với bất cứ một ai… Tại sao thế nhỉ? Trong khi em đâu phải…”

Trầm đưa tay lên gãi gáy: - Cho phép anh mệnh danh em là đĩ. Đĩ tinh thần hay đĩ vật chất cũng là một, đĩ óc não rồi lây qua đĩ thể xác… cũng thế”.

Đoạn đối thoại sau, qua nhân-vật Trầm, Túy Hồng đã trình bày những ‘ý thức mới’, ‘cảm quan mới’ về con người, về tình yêu đích thực và cuộc hiện sinh:

“Trương ngồi im như ngồi trong bức tranh, rất thảnh thơi, thuốc lá cũng không hút. Trầm gào tiếp khi hai con mắt xốn xang:

- Tôi tội lỗi, tôi có lỗi lớn không đối với ai cả. Bao nhiêu thằng đàn ông đã nhảy lên thân thể tôi tàn phá từng chỗ thịt cấm. Và bao nhiêu thằng đàn ông đã nhảy xuống thân thể tôi để nằm im như một tĩnh vật. Và bên họ, tôi cũng nằm im như một tĩnh vật, một con đỉa no nê. Tôi đã quyết định vậy và tôi đã nhận, đã làm. Tôi đã làm đĩ, đĩ thời gian rồi lây qua đĩ xác thịt. Tình cảm tôi giao hoan bừa bãi và xác thịt tôi cũng giao hoan bừa bãi… Anh ơi, có ngày đêm tôi đã kêu Thuý Kiều, Thuý Kiều con gái cụ Nguyễn Du đấy mà, tôi kêu Thuý Kiều như thế này: Kiều ơi, mình không yêu ai được lâu hết như Kiều vậy. Tiếng kêu của tôi đâm lui vào trong tôi quậy quậy cho tôi đau đớn tới chín chiều gan ruột, xông lên óc, xói vào não. Tôi bây giờ là một bãi lầy, một đống sình, một vũng bùn. Tôi biết, sở dĩ tôi hư như ngày hôm nay vì tôi đã lầm từ đầu, lầm từ một khởi điểm rất nhỏ, như đã lầm to cho đến bao giờ: như người mắc bệnh ung thư cổ tử cung, bắt đầu chỉ là một khởi điểm 0, một đốm nhỏ nằm tại eo tử cung chưa có triệu chứng gì để tự phát giác, nhưng dần dần đóm nhỏ ăn ruồng đến những tạng khác vào toàn vẹn bụng dưới. Tôi đã hư vì cái nhận định đến sớm nhất trong tôi: ái tình không phải là tâm hồn gặp tâm hồn, mà ái tình là xác thịt gặp xác thịt. Tôi đã be be cái miệng với Cỏ May và với những người khác: ái tình là một cái không có… Niềm tin của tôi đã bị đánh cướp rồi. Anh Trương! Có một tí tẹo lầm lẫn đó mà bây giờ như thế này, mà bây giờ như thế này, chữa không được nữa rồi…”

Trầm đứng dậy xõa tóc bước theo hình chữ nhất của gian phòng rồi đứng lại dưới bức vẽ truyền chân màu thịt bò tái của nàng:

- Anh Trương này, hình như giờ này ở ngoài đời có vô số con người đã đánh mất niềm tin rồi. Niềm tin đã mất sợ rằng rồi đây, lũ bác sĩ không còn tin ở thuốc Tây nữa. Lũ bác sĩ ngơ ngác, nghi ngờ cả nền y học Tây phương mất thôi. Anh Trương ơi, hình như giờ này ở ngoài đời có rất nhiều người còn lương tâm, và lương tâm họ đang hằn lên những nét tím bóng hối hận. Anh Trương ơi! Cỏ May chửi tôi quá! Cỏ May cao thượng với tôi quá! Cỏ May ăn ở đẹp với tôi quá! Tôi là một đứa ưa kiếm chuyện, ưa trừng mắt nhìn đời. Trầm ngó thẳng vào mặt Trương. Chiếc miệng người đàn ông vẫn ngậm cứng một cây tăm yên lặng. Người đàn bà bặm môi và tiếp:

- Tôi thấy tôi vẫn chưa ra khỏi cái dĩ vãng nguội, tôi bước hụt như bị hất cẳng trong hiện tại nóng… Còn tương lai, tương lai tôi là một cuốn phim hư. Tôi phải giơ tay lên vả vào mặt tôi, tôi phải tự cười, tự nói xấu tôi cho đã đời.

Cánh cửa đẩy ra như bị mở trộm. Nắng bứt rứt bám vào tường, bám vào bàn ghế. Ly nước lọc Trương cầm ở tay thật hiền lành. Tiếng thở dài của Trầm nghe nặng nước mắt. Một tủi nhục nhờn nhờn trườn quanh thân thể, một tức tối nghẹn ngào phản kháng như đầu mũi kim len vào mạch máu chạy theo đường tuần hoàn vào quả tim lạnh héo hắt bộ ngực hận đời. Trầm bỗng đứng bật dậy muốn trương vi, trương vẩy, muốn khua môi, múa ngón cho rộn bộ như hát bội, nhưng, Trầm lại ỉu xìu ngồi xuống:

- Tôi vô luân quá, anh Trương hí!… Đàn bà lấy một chồng mới không vô luân, đàn bà lấy hai chồng là đã hơi hơi vô luân rồi. Tôi bao nhiêu chồng. Trên thân thể tôi là cả trăm thằng đàn ông. Những thằng đàn ông lượn quanh thân thể tôi rồi đáp xuống trúng ngay mục tiêu như kim chích vô thịt. Kim chích vô thịt thì đau. Thịt chích vô thịt nhớ nhau trọn đời. Tôi vào buồng tắm, tôi dội nước, tôi rửa là hết liền…Tôi không nhớ ai trọn một giờ mà. Những người đàn ông và lũ kên kên thèm tôi, rỉa hết cả thịt tôi rồi đá lông lốc bộ xương của tôi đi. Ngày hôm nay, giữa cuộc đời, chỉ có một người đàn ông dám thú nhận yêu tôi, đòi lấy tôi làm vợ – Sinh đó – nhưng tôi đã liệt Sinh đồng hạng với những người đàn ông khác. Tôi đã tục tĩu hoá mối tình, tôi đã dơ dáy hoá mối tình, tôi chịu ăn nằm với Sinh, nhưng không chịu để Sinh lấy làm vợ. Tôi đã coi Sinh không ra một cái gì hết, tôi đã coi tôi không ra một cái gì hết. Tôi ăn nằm với Sinh ở khách sạn, tôi ngủ đò sông Hương với Sinh, tôi ân ái với Sinh trên divan, ở phòng khách… Còn Sinh, Sinh yêu tôi vô tả vô tận, yêu bám lấy tôi như vẩy cá dính vào con cá. Xá tội mà yêu, nhắm mắt mà yêu, ở xa cũng yêu. Ở gần, chàng van xin tôi như hát vè con cá, ở xa, chàng liên miên thú tội trên mặt giấy. Sinh khư khứ nắm lấy tình yêu như cái lỗ mũi cố níu lấy hơi thở. Sinh yêu tôi cho đến giấc ngủ chung thân, chứ không phải như một kẻ níu lấy mạn thuyền bơi một hồi rồi bỏ. Yêu đến ngây thơ rồ dại, nhưng, cũng chín chắn lắm lắm, son sắt lắm lắm. Trên cuộc đời này, hầu hết đàn ông đều đểu, chỉ còn lại Sinh và vài người là khác. Chàng dệt mối tình từ đầu đến cuối, từ mặt tiền đến mặt hâu. Nhưng tôi đã coi Sinh giống như bất cứ người đàn ông nào khác.

Trầm ngừng lại nuốt nước bọt, ngó qua Trương đang ngắm nghía mình rồi tiếp:

- Sinh là một người trẻ tuổi có ý thức lớn, ý thức khổng lồ, chàng không ngó tôi bằng cái nhìn cận thị, chàng biết trước những việc tôi làm nhưng đại xá hết. Tôi làm gì chàng cũng tha thứ, chàng cũng chiều chuộng. Bởi, chàng là kẻ diệt mối tình từ đầu đến cuối. Bởi, chàng cố làm cho tôi thấy tình yêu là có, tình yêu bao giờ cũng có. Tôi đã bảo chàng là một người trẻ tuổi có ý thức.

Sinh hành quân liên miên. Mỗi lần nghỉ phép, chàng về chạm trán với bầy con gái điên ở thành phố, một bầy con gái mất trí. Đi đầu là tôi. Mỗi lần nghỉ phép, chàng về gặp một bọn đàn bà đang làm loạn lên, bối rối, hốt hoảng. Đi đầu là tôi. Cuộc đời mở tám mặt tấn công đàn bà. Chiến tranh mở tám mặt tấn công đàn bà, sự lo sợ làm nhão người họ ra, nhão trái tim ra, nhão óc não ra, nhão xác thân ra… Tôi đã la hét giữa bọn con gái không điên. Tôi đã giậm chân, giật tay giữa bọn con gái còn tỉnh. Bọn con gái bình tĩnh đó rồi sẽ hoá nhão hết, cái bọn con gái không chịu một ảnh hưởng gì của chiến tranh tám mặt tấn công và của cuộc đời tám mặt tấn công, chúng sẽ hoá đá hết, chúng sẽ biến thành các vật hoá thạch hết, nếu chúng không điên như tôi.

Trầm hỉ mũi đi thẳng lại trước Trương mắt đỏ nhìn chàng:

- Tôi là một đứa nghịch nữ, một đứa đàn bà ngược đời. Trời ơi và anh Trương ơi, trời đã sinh ra tôi sao trời còn sinh thêm những người đàn bà giống tôi nữa?

Trầm khóc mùi, khóc ướt đầm, khóc nức nở cao thấp. Trương bước tới cầm vai Trầm lay mạnh, ấn xuống, giọng chàng ấm như hơi thuốc lá: - Cô, cô Trầm… em Trầm, em không bao giờ là của tôi nữa!

Cổ Trầm mềm gục xuống: - Tôi, tôi là của Sinh, tôi là của Sinh.

Trương buông tay, giọng nói còn ám khói:

- Cô Trầm! Cô bây giờ đã xuống nước.

Trầm mềm tiếng nói:

- Không, tôi không xuống nước, dù chỉ một giọt.

Trương kêu nhỏ:

- Tôi thấy có một trái lửa đam mê vừa tắt. Tôi đang trong cơn động kinh tĩnh, con động kinh sáng suốt, cơn động kinh không nóng, không co giật.

Trương đứng xê Trầm ra, từ tốn đi bách bộ trong phòng chàng tiến lên dịu dàng, bước tới khoan thai, tay sờ lên mặt bàn, lên thành ghế, lên nóc tủ. Chàng đi sâu vào, dừng lại ở đầu giường, Trầm vội đưa tay:

- Khoan, khoan đừng đi tới nữa, đừng đi tới vị trí chiếc giường của đĩ.

Trương quay lại:

- Nếu em còn làm đĩ nữa, tôi sẽ lấy roi bò bắt em nằm xuống, đánh vào mông em, ngay trên chiếc giường mà em đã làm đĩ”.

Bướm Khuya viết về cuộc đời chìm nổi của cô gái tên Nghi trong bối cảnh chiến tranh từ năm 1946. Nghi theo gia-đình trốn tránh giặc giã, cuối cùng trở về Huế, Nghi được đi học trường Jeanne d’Arc và muốn theo đạo nhưng mẹ không cho. Tình cờ, Nghi biết mẹ ngoại tình với ông Bút mẹ cho ở trong nhà và là người giới thiệu Thúy dạy kèm cho Nghi và các em. Nghi bị Thuý dụ dỗ hoạt động cho Việt minh và bị bắt. Ông Bút thành cha dượng thăm nom Nghi tưởng là tốt hóa ra y dàn cảnh cho lão quan cưỡng hiếp nàng rồi cha dượng cũng tiếp tục hiếp dâm nàng. Rồi Nghi được thả tự do nhưng chết vì xuất huyết. Lão Bút bỏ mẹ Nghi, sau khi đã lợi dụng thân xác cả hai mẹ con và tiền bạc. Người đọc được tác-giả cho biết Nghi cảm thấy khoái lạc khi bị lão quan và lão Bút hiếp!

Biển Điên kể chuyện sau biến cố Tết Mậu Thân 1968, chuyện tình của Vy và Quân, người cùng xứ Huế. Cuộc đời của Vì được ví như “biển điên”, sóng gió, bão tố có thể ập đến không thể đoán và không biết trước, như biến cố Tết Mậu Thân ở Huế: “Huế đã kéo dài một thời gian khủng khiếp trong tiếng súng AK, tiếng bom đạn B40 và những chiếc huyệt tập thể. Thành phố Huế đi trong cơn động đất kinh hoàng, cầu Trường Tiền gãy nhịp, chợ Đông Ba nát tan. Đất đau đớn! Trời đau đớn! Thương tiếc đại nội một thời oanh liệt của thành quách vàng son cung điện đã bị xóa nhòa dưới làn mưa đạn… Hết rồi nét đẹp cổ xưa. Hết thật rồi. Huế cúi đầu bâng khuâng dằn vặt không nguôi! Hàng kẽm gai chằng chịt hết ý con người… Không một định nghĩa nào sót lại ở quê hương nhỏ bé đó. Nếu có chăng thì chẳng làm gì được ngoài sự lặng câm nhìn máu đổ thây phơi của những người dân Huế vô tội. Lúc này thật chẳng còn có nghĩa gì với một kẻ chết hay người sống. Người Huế khóc người Huế chết rồi ngậm ngùi cho quê hương tả tơi ‘sống thêm một ngày là nhận 24 giờ chua xót!’ Huế bây giờ chỉ còn là một Huế buồn bã! Một Huế bất động. Lớp học mất linh hồn! Phiên chợ ngơ ngẩn! Tấc rau đất quê nhà hãi hùng!” (tr.354-355). Huế với cuộc sống thanh bình tương đối, rồi chiến-tranh rồi lưu lạc gặp lại sau nhiều năm, Vy đã thay đổi, không còn nhìn Quân với cùng cặp mắt, khác với gia đình đồng ý cho Quân cầu hôn, Vy thì “không cảm động, không bối rối xúc cảm, không chi hết cả, mình trơ trơ như củ khoai sượng, lạnh như nước để lắng trong lu” (tr. 486). Nước mắt ràn rụa, Vy lắc đầu: “…Không.” Bà Phục hỏi “Răng rứa?” Vy lắc đầu: “Con đi ngoại quốc, con đi Mỹ.” (tr. 492).

Không lấy được Vy, Quân xuôi theo biển đời, cuộc vui tình ái bắt đầu bằng nụ hôn:

“...Nghe trong phòng có tiếng cười khúc khích, rồi tiếng đàn bà:

- Làm sao tôi tin được mình, lính tráng lôi thôi lắm, đi đến đâu vợ con đến đó, reo rắc hạt giống tùm lum ra, ngoại tình tưới ra...

Giọng đàn ông đĩnh đạc:

- Vợ bé vợ nhỏ làm gì. Lính chết thì vợ lính khổ, chứ mèo của lính thì vẫn hây hây cái đũng quần hồng.

- Anh dám thề với em là không có vợ bé không?

- Sao lại không?

Tiếng khúc khích lại nổi lên cùng với tiếng lăn trở thân thể, giọng đàn ông cười cợt:

- Tại sao không cho người ta hôn? Đưa đây một miếng coi.

- Ý ý đừng đừng... Em vừa ăn cơm với canh mơ lông xong.

- Mơ lông cũng được, đây không có ngán mùi mơ lông rồi đa!

Người đàn bà sau một hồi nín thinh:

- Không được, không được, đây vừa ăn rau diếp cá xong.

- Đây cũng không ngán mùi diếp cá”.

Rồi lúc chồng Cúc về thăm nhà và bắt gặp vợ mình đang xới cơm cho Quân nên tưởng vợ đã phải bội nhưng vẫn đồng ý cho Cúc và Quân thành đôi nếu họ thật tình thương nhau, vả lại ông biết mình có thể mất mạng bất cứ lúc nào. Ông không những đã không trách vợ, mà còn đồng ý cho vợ mình theo người khác. Đây là biển điên đã đưa đầy phong ba vào gia cảnh những người lính thời chiến tranh.

Tôi Nhìn Tôi Trên Vách kể chuyện đời-sống lứa đôi cùng những uẩn ức trong đời-sống gia-đình và đại gia-đình truyền thống. Từ một gia-đình toàn con gái nhưng “mỗi đứa một cõi, một đơn vị buồn, một thể tích cheo leo, một chiều cao hiu quạnh”, Tuý Hồng đã vẽ lại chân dung và hoạt cảnh của đời-sống trong đó thú vui nhục thể được xem là tình ái đích thực, rồi những thác loạn trong gia-đình, loạn luân, ngoại tình,... nhưng thật ra cũng chỉ là chuyện ‘phòng the’ hay ‘cung cấm’ bình thường - “thì các ôn mệ cũng hiện sinh như con cháu mà thôi”. Không-gian là Huế cổ kính từ lai lịch đến não trạng con người và Sài-Gòn (và miền Nam) nơi ngược hẳn nếp sống. “Bỏ Huế mà đi lòng tôi nhớ trời, nhớ khoảng thiên nhiên. Huế đẹp từ vũng nước đọng bên đường đến lượng cỏ non Hương Giang, từ cọng rau muống bờ hồ đến cây phượng già xanh lục… Những đêm mùa đông, những con “ệnh oạng” kê mõm khắc khoải kêu than từ những ao rau muống… kêu chi mà khỏ mà trầm thống!… Cực lòng quá, Huế ơi! Tôi đi… ở với Huế buồn lằm… vào Sài Gòn hoạ may có một nụ cười, vào Sài Gòn hoạ may có một người yêu!” (tr. 10-11).

Khanh, nhân-vật chính bỏ Huế vào Sài-Gòn rồi lấy Nghiễm, một nhà văn người Bắc. Đôi tân hôn chung sống trong một cao ốc giữa thủ đô và vì Nghiễm vẫn uống rượu và vui chơi cùng bạn hữu và đám “chú – cháu” khả nghi nên Khanh muốn Nghiễm dọn về ở nhà bố mẹ nàng. Bi kịch bắt đầu từ đây. Lấy chồng muộn, Khanh muốn có con đề đỡ lo nhiều phía, mà còn phải chống đỡ tiếng dèm pha, nghi kỵ, ghen tuông ngay trong nhà nàng. Đau đớn, “tôi vùng chạy xuống thang gỗ vào phòng đắp mền nằm co rút. Nước mắt hình như nóng hơn khi tôi khép hai mi lại. Ướt đẫm cơn khóc câm, tôi hình dung ra những chuyện tiếp diễn từ buổi sáng đầu tiên tôi về lại nhà cha mẹ: ngày của Nghiễm không phải là một khối thời gian để trắng mà tràn đầy công việc, chàng còn bận chuyện liên miên nên giấc ngủ của chàng bao giờ cũng bắt đầu từ nửa đêm đến tám giờ sáng và từ hai giờ chiều mới được ngủ lại giấc trưa. Cái tủ lạnh để trong phòng hai vợ chồng. Trong đó là bia, là trái cây, là nước lọc, là fromage, jambon, pâté, giấc ngủ của chàng bị dựng dậy từ sáu giờ sáng vì tiếng mở tủ lạnh lách cách của các em tôi vào lấy nước lọc. Chàng nằm trên giường theo dõi bước đi, bước chạy của từng đứa, cánh tay từng đứa dang ra mở tủ đóng tủ. Đến ngày thứ sáu cái tủ lạnh mở không ra đóng không vào. Nghiễm bảo: - Những đứa em gái của cô sao nhiều đàn ông tính, đãng trí, buông thả, dễ dãi, cẩu thả. Cô phải bảo với chúng là đồ vật cũng có tri giác, đồ vật cũng biết đau.

Hai mi mắt tôi bắt đầu đỏ sửa soạn những giọt lệ: - Vâng, vâng, tôi sẽ không cho chúng thọc tay vào tủ lạnh này nữa.” (tr. 67).

Khanh nhận chịu sự mỉa mai, thiếu cảm thông của các cô em: “Cơn khóc khởi đầu bằng những cái chớp mắt nhỏ, nỗi buồn khởi đầu bằng tiếng thở dài ẩm ướt, cơn điên khởi đầu bằng những sợi thần kinh hư, tôi thảng thốt nghĩ rằng tôi đang ở trong một cái ống, mở thoáng hai đầu trông ra cuối trời mơ ước, cuối trời kỷ niệm. Tôi trông ra và tôi thúc thủ bó tay. Thảo rướm giọng: - Lấy chồng đôi khi là một sự lỡ tay.

Trâm ngừng viết ngửng đầu lên khôi hài: - Lấy chồng là tự sát…” (tr. 124-127).

Nhân-vật nữ lấy chồng để được yên với dư luận hà khắc đối với các cô tuổi lớn mà chưa chồng, rơi vào nghịch cảnh chồng đã theo nếp sống và não trạng nghệ sĩ, đời-sống vợ chồng đầy rẫy những chuyện văn-hóa chạm, xung khắc về tâm tính, ngôn-ngữ cũng như cả chuyện ăn uống. Dù bản thân phóng túng nhưng Nghiễm cũng có lúc phải ghen tuông: “Tôi đứng lên chào về. Sanh nhìn tôi từ tóc tới chân, mắt chàng êm ái mát như lụa và ngọt sắt như quýt Hương Cần. Tôi sức nhớ một câu văn tôi đã ghi vào bìa cuốn vở giảng văn năm đệ nhị: “Đừng nhìn nhau lâu, sợ rồi thương mến nhau, chỉ cần quen biết thôi, tình đừng nên tìm sâu.” Hồi đó Bích Khuê nói: “Con Khanh hắn yêu anh Sanh như sanh với sứa!…” (tr. 119).

“Giết tôi đi, tôi không chấp nhận thứ chồng trâu ngựa đó… Những người bạn cũ của tôi vẫn có một giá trị, một sức nặng cụ thể cho tôi mến phục. Họ khốn khổ, họ trong sạch, họ thanh thản, họ uống nước vối chớ không biết uống rượu… Có lẽ họ tồi hơn anh ở những chỗ đó: họ thức khuya để học bài thi chứ họ không thức khuya để ngồi ngắm ca sĩ phòng trà…” (tr. 260).

Tiểu-thuyết mang tính tự sự, Tôi Nhìn Tôi Trên Vách đã động đến phong hóa Việt-Nam và nếp sống văn-nghệ sĩ. Nhánh Tóc Sợi Dòn là một truyện dài tự sự khác, sáng-tác sau những đau khổ mất cô con gái thứ hai vì bệnh sưng màng óc.

Túy Hồng đã có những ví von đặc thù và rất địa phương, như: “Đời con gái ví như cá nục kho tiêu, càng kho lâu càng thấm thía càng hâm đi hâm lại nhiều lửa càng mặn mòi...” (TNTTV, tr. 12), hoặc về khác biệt ngôn-ngữ: “Bún riêu bún riêu cua đồng cua đồng... Ba con rạm giả giã nát bấy bầy ra, thọc tay vào vọc vọc rửa rửa, bẩn ơi là bẩn, rồi bày đặt gọi cho văn vẻ là bún riêu, không có bún riêu, bún rạm, bún rạm phải kêu là bún rạm...” (TNTTV, tr. 84), v.v. Trong Những Sợi Sắc Không cũng có những câu đặc thù Túy Hồng: “Người con gái bối bàn cánh tay trần lên tới nách trồng một lớp lông măng mướt mịn sợi tơ vàng, là bóng mát tìm đậu những cái nhìn sinh lý” (tr. 99-100),...

Nhìn chung, tác-phẩm của Túy Hồng là một thế-giới hiện thực sống động mặt nổi mặt chìm, mà các nhân-vật, ngôn-ngữ, tâm tình đều tỏ ra chân thật, đôi khi sống sượng – như cuộc đời dưới mắt tác-giả. Nhân-vật của Túy Hồng phần lớn là cô giáo và ở đây mang thân phận phụ nữ muốn được sống đúng nghĩa cho nên đòi quyền sống, đòi hỏi thỏa mãn mọi giác quan, một cách công bằng, thường trực. Tác-phẩm của bà thành công ngoài nội-dung còn nhờ tài văn-chương sử dụng khéo léo như ma thuật những phương ngữ, những so sánh, ẩn dụ và ngôn-ngữ tượng hình và đầy âm thanh cuồng nộ của tình ái, như “hơi thở rướn cong” (tựa một truyện dài), đàn ông như con dao, nữ nắm đằng lưỡi và bị xé rách, v.v. Cùng bốn nhà văn khác cùng thời bị /được gọi là “ngủ quái nhà văn nữ” và cùng ‘truyền thống’ nữ quyền, nhưng Túy Hồng đã có một chỗ đứng đặc-biệt trong văn-học thời này với một cung cách rất riêng tư, qua nội-dung và ngôn-ngữ sử-dụng cũng như nồng độ ý thức và cảm xúc!

[Nhà văn Túy-Hồng sang Hoa-Kỳ năm 1975, định cư ở Seattle, tiểu bang Washington, cùng chồng, nhà văn Thanh Nam, và gia đình. Bà mất ngày 19-7-2020 tại tiểu bang Oregon]