Giới tính trong văn chương nghệ thuật
Đây là những lời tự thú của bút giả Hồ Trường An trong buổi tàn thu nắng xế của cuộc đời… Mỗi đêm, trước khi đi ngủ tôi luôn tự hỏi sáng mai mình có thức dậy được không đây? Hay là mình phải làm một chuyến đi tàu suốt vào giấc ngủ miên viễn? Vậy tại sao mình lại giấu diếm cái bí mật trong cuộc sống tình cảm lẫn tình dục của mình? Có thể tôi muốn cho lớp thế hệ bọn gays sau tôi một vài kiến thức hay một vài kinh nghiệm nhỏ nhoi nào chăng?

Ở Âu Châu vào thời Trung cổ, những kẻ đồng tính luyến ái bị giáo hội Gia-tô biết được đem thiêu sống để được lòng Chúa Ngôi Hai.

Vào những năm đầu của thập niên 80 của thế kỷ 20, tiết lộ giới tính và khuynh hướng tình dục của mình mới là hành động can đảm. Hồi đầu thập niên 60, tôi chỉ tiết lộ thân phận mình cho chị Thụy Vũ của tôi cùng một số bạn thân. Bắt đầu năm 1980 tôi có người yêu là dân Pháp chánh gốc, tôi ngang nhiên sống chung với đương sự, tới nay cũng gần 40 năm. Một phần là tôi tức giận tên Thi Vũ Võ Văn Ái (nhà báo / nhà thơ), nó nỡ đem tâm sự của tôi đi bán rao tùm lum tà la. Cho nên từ đó, khi đi dự cuộc trong giới văn nghệ sĩ kiều bào ở Paris, tôi cũng dắt người bạn lòng của tôi theo.

Năm 1983, tôi tung ra quyển Hợp lưu trong đó có nhân vật gay tên Quế phản ảnh tôi đôi chút về tâm trạng. Trước tôi, vào năm 1967, bạn tôi tên Đỗ Quế Lâm có viết tập truyện Vết hằn rướm máu do chính Thụy Vũ tôi viết bài Tựa. Sau đó, khi tôi định cư trên đất Pháp, có tên bạn khác tên Lucien Trọng, một kỷ sư thủy lâm, có viết cuốn L’ Enfer rouge, mon amour được nhà xuất bản Seuil chiếu cố. Sách bán chạy khá lắm. Nó tự dịch ra tiếng Việt là Hỏa ngục đỏ, mối tình tôi. Tác giả kể trong vượt biển thất bại bị nhốt chung với một chàng gay tên Hải vốn là dân bụi đời. Cuộc tình ái của của họ rất cảm động. Đỗ Quế Lâm lẫn Lucien Trọng viết những cảnh làm tình có chút e dè. Riêng HTA tôi miêu tả tới nơi tới chốn cảnh hai chàng trai xáp-lá-cà trong quyển Hợp lưu. Đó là cậu trai Việt lưu vong và chàng quý tộc Pháp khá táo bạo, khá đậm đà. Chính nữ ca sĩ Quỳnh Giao thuở thập niên 80 của Thế kỷ 20 bảo rằng đây là quyển sách Quỳnh Giao thích (chỉ thích thôi, chớ không phải là thích nhất đâu nhé). Nhưng cũng có nhiều độc giả chửi tôi khá nặng. Họ gọi điện thoại xài xể anh Mai Thảo vốn là người chủ trương tờ tạp san văn chương Văn, tại sao ảnh đăng từng kỳ những chương “dơ dáy nhớp nhúa” của Hợp lưu?

Có người bảo tôi: “Anh có dũng khí, dám khai báo giới tính của một kẻ viết văn như anh đây”. Thú thật tôi không dám nhận. Dũng khí đó phải tặng cho nhà thơ Lê Nghĩa Quang Tuấn. Tuấn là em ruột của hai nhà văn nữ là Lê Thị Huệ và Lê Thị Thấm Vân. Tuấn dám đi diễn thuyết về cái quyền sống, quyền tự do cho những kẻ đồng tính luyến ái. Sở dĩ tôi dám tự nhận mình là gay là vì có tên Thi Vũ Võ Văn Ái, tôi thường tâm sự với nó về giới tính, nó đem chuyện bí mật của tôi ra bán rao tùm lum. Nhà biên khảo văn chương Thụy Khuê thì quan niệm rằng người dị tính luyến ái (người bình thường) tiếng Pháp gọi là hétérosexuel và người đồng tính luyến ái như kẻ thích ăn ngọt, người thích ăn mặn. Đồng tính luyến ái là cái khuynh hướng chớ không phải là cái bịnh, thì không cần thuốc men chữa trị.

Trên cõi đời nầy, mấy ai có cái nhìn cởi mở như bà chị Thụy Vũ của tôi. Căn nhà tôi năm xưa có tầng gác trên cái living room. Một hôm nọ có 3 thằng bạn gays của tôi tới thăm tôi. Cả 4 đấu hót tưng bừng huyên náo. Nào là chuyện xì-căng-đan trong giới tân nhạc, giới cải lương, nào là sách báo Âu Mỹ có đăng hình lõa thể của những chàng trai gays, đăng cả hai chàng trai gays kê gian với nhau.

Rồi thằng bạn nầy nhái theo giọng nói của Thủ tướng Trần Văn Hương. Thằng bạn nọ nhái theo giọng hát của hai cô đào sân khấu cải lương là Kim Chung và Bích Hợp. Thằng bạn kia nữa nhái theo giọng hát nghẹt mũi của nữ ca sĩ Lệ Thanh. Thằng thứ tư nữa nhái theo giọng nữ ca sĩ Thanh Thúy. Còn riêng tôi thì nhái theo cách ca ngâm của nữ nghệ sĩ diễn ngâm Hồ Điệp, nhái luôn giọng nữ nghệ sĩ lão thành Thanh Loan đi bắt ghen và đi đòi nợ. Trên gác có Tô Thùy Yên và Thụy Vũ ; cả hai tức cười mà không dám cười lớn vì sợ chúng tôi ngưng ngang những câu chuyện ngồi lê đôi mách, chuyện nhái giọng các nữ nghệ sĩ bộ môn trình diễn. Sau đó, Thụy Vũ từ trên gác bước xuống để rẽ qua toa-lết, để đi tiểu. Chị hớn hở nói: “Tụi bây làm tao với ông Tiên (tên cúng cơm của Tô Thùy Yên) cười muốn hụt hơi. Tao mắc tiểu mà không dám xuống đây, chỉ sợ bây ngưng ngang cuộc trình diễn ...”. Sau đó, chị tôi cho cả 4 biết: “Ông Tiên bảo tao rằng với đầu óc có cái gì đó nên tụi gays thông minh và giễu có duyên độc đáo”.

Còn nhà văn nữ Túy Hồng được ký giả Lê Phương Chi cho biết rằng bút giả HTA là gay hạng nặng, có nghĩa là một trong tụi gays săn tìm bọn gays Mỹ để ái ân cho tơi bời hoa lá. Cho nên khi tôi theo chị tôi đến viếng cặp Thanh Nam & Túy Hồng thì bà ta tỏ ra kiêu kỳ lạnh nhạt với tôi. Khi anh Thanh Nam muốn khui chai bia ra mời tôi. Tôi toan rót bia vào ly thủy tinh thì bà ta la lớn: “Nó là gay biết uống bia sao được”. Nói dứt lời, bà ta vừa nguýt háy tôi và vừa đem chai bia cất vào tủ kiếng đựng rượu.

Cuốn Những sợi sắc không của Túy Hồng trình làng sau vài tháng trước cuốn Ngát hương mật ong của bút giả HTA và sau cuốn Trăng đất khách của nhóm nhà văn nữ ở hải ngoại. Bà Nguyên Hương làm quảng cáo là cuốn Trăng đất khách bán chạy nhất. Tôi nghĩ rằng sách bán ế thì nhà xuất bản phải dùng thủ đoạn quảng cáo thật xôm tụ. Năm 1989, tôi qua Wasington DC, có ghé tiệm sách của Trần Phùng Linh Duyên. Tôi than rằng cuốn Ngát hương mật ong của tôi bán ế, thua cuốn Trăng đất khách của nhóm nhà văn nữ và cuốn Những sợi sắc không của bà Túy Hồng. Anh Trần trợn mắt hỏi: “Sách của bà Túy Hồng làm sao bán chạy bằng sách của NguyễnNgọc Ngạn và bằng sách của anh». Tôi vui sướng tươi cười, không khiêm nhượng giả dối. Từ thuở hoa niên, tôi đã chứng kiến cuộc chiiến tranh giữa Pháp và Việt Minh ở Đông Dương. Tôi đã hiểu biết rằng lực lượng Liên hiệp Pháp do Quốc trưởng Bảo Đại cầm đầu đã nối kết với bọn Hòa Hảo và bọn Cao Đài và cả bọn Bình Xuyên để mong thắng bọn Việt Minh. Những sự kiện đó bởi năm dầy chầy tháng tôi quên đi. May mắn làm sao người bạn lòng của tôi mượn được cuốn L’Enlisement (Sa lầy) của Lucien Bodard viết về cuộc chiến tranh Đông Dương để tôi tham khảo và để tôi làm tài liệu cho cuốn Ngát hương mật ong.

Khi ra hải ngoại, trong thời gian tôi cộng tác cho nguyệt san Quê Mẹ, tôi có tặng cho bà Túy Hồng một cái dĩa microsillon thâu thanh bản nhạc Sài Gòn niềm nhớ không tên, nhạc và lời của Nguyễn Đình Toàn, giọng hát của Jennie Mai. Nhưng Túy Hồng vẫn không trả lời rằng có nhận được dĩa ca nhạc hay không.

Túy Hồng có một chút gì kỳ quái ở chỗ tiền bạc. Khi sắp thành hôn với Thanh Nam bà ta nhờ Thụy Vũ nhắn với ông Võ Phiến rằng bà ta đã cụp lạc với ông Võ hai tuần tại Đà Lạt ; giờ đây bà sắp lấy chồng, ông Võ phải bù sớt tiền bạc để cho bả làm lễ vu quy.

Năm 1973, nữ ký giả Quỳnh Như yêu cầu nhóm công ty Liên Ảnh nên chuyển thể cuốn tiểu thuyết Tôi nhìn tôi trên vách của Túy Hồng. Cuộc ngả giá xong xuôi. Nhà văn Mai Thảo trước mặt Túy Hồng và Quỳnh Như bảo Túy Hồng nên mời Quỳnh Như một bữa cơm bằng hữu. Túy Hồng khó thể từ chối, cố gắng nhận lời, sắc mặt hầm hừ. Ngày đãi ăn đến, Quỳnh Như mua thêm nem, tré (món nhậu) đem đến. Túy Hồng dọn lên bàn ăn nguyên một nồi cơm và nguyên một soong cá nục kho. Khách tự tiện bới cơm bỏ vào chén và tự tiện thò đũa gắp cá nục kho. Đãi ăn kiểu đó có vẻ thách thức và sỗ sàng làm cho cô bạn ký giả Quỳnh Như của tôi như bị cái tát nóng cháy má.

Trên nước Pháp, trong vòng 30 năm, tôi cộng tác nguyệt san Làng Văn. Khi bà Nguyên Hương, chủ nhiệm nguyệt báo Làng Văn và nhà xuất bản Làng Văn ngỏ với tôi: “Tôi muốn xuất bản cuốn tiểu thuyết Những sợi sắc không của Tuý Hồng, anh nghĩ có nên không?”. Tôi hẹn sẽ dò la ý kiến của bè bạn gays của tôi ra sao. Tụi nó bảo rằng cuốn sách khá hay, nhưng tác giả không rành kim văn ngọc kệ của Phật giáo. Cái tựa có vẻ Phật pháp nhưng tác phẩm không có Phật pháp chút nào. Vào năm 1971, vào cuộc tuyển chọn giải Văn Học Nghệ Thuật thì cuốn Những sợi sắc không của Túy Hồng đoạt giải nhất, cuốn Khung rêu của Nguyễn Thị Thụy Vũ đoạt giải nhì, cuốn Giải khăn sô cho Huế của Nhã Ca đoạt giải thứ ba. Tụi bạn gays của tôi cho rằng Giải khăn sô cho Huế đáng đoạt giải nhất mới đúng. Theo ý kiến của lũ nó, các nữ nhân vật trong các tác phẩm của Túy Hồng hễ có điều gì trái ý thường rống la rồi dảy đành đạch như bị tên cao bồi du đảng nào đó bóp cổ để cưỡng bức làm tụi nó chối mắt chối tai.

Trong bữa cơm chị tôi đãi bọn bạn gays của tôi, có đứa hỏi chị tôi:”Chị nghĩ sao về giải thưởng Văn Học Nghệ Thuật về bộ môn văn chương năm 1971”. Chị tôi trả lời: “Tuy tao chưa đọc Giải khăn sô cho Huế của bà Nhã, nhưng tao thừa biết sự nghiệp văn chương của tao thua xa văn nghiệp của bả. Thua đậm nghen tụi bây.»

Tuy nhiên ở trong nước sách của các nhà văn nữ như của Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng, Lệ Hằng, Dung Sài Gòn đắt như tôm tươi. Nhưng kể từ năm 1985, ở hải ngoại sách của các nữ lưu bán không bằng sách của các nhà văn nam. Bà Nguyên Hương vẫn cho in Những sợi sắc không. Quả nhiên, sách bán thật chậm rì. Nhà báo Nguyễn Hữu Nghĩa yêu cầu tôi viết bài khen tặng quyển sách ấy vì đó là cuốn sách đoạt giải Văn Học Nghệ Thuật năm 1971. Tôi từ chối thẳng thừng. Tôi sợ bà Túy Hồng bảo tác phẩm lớn Những sợi sắc không của một nhà văn lớn như bả tại sao để tên gay như HTA học đòi phê bình nhảm nhí.

Thụy Vũ qua bút giả HTA rất mến yêu các gays. Đó là người homophiles. Khi tôi ra hải ngoại, bả được tụi bạn gays thăm viếng đều đều. Bây giờ bả thường viếng thăm một vài đứa chết hoặc nằm trên giường bịnh chờ chết. Còn Túy Hồng ghét bút giả HTA vì theo chị ta HTA là kẻ bất tài mà dám mơ làm nhà văn, nên ghét lây luôn bọn gays. Đó là những người homophobes. Trong các nhà văn nhà thơ thuộc phái đẹp như Trùng Dương, Thụy Khuê, Nguyễn Thị Ngọc Dung, Nguyễn Thị Thanh Bình, Dư Thị Diễm Buồn… vẫn xem bọn gays là những kẻ bình thường, không phải là những kẻ bịnh hoạn.

Còn tên bạn Kiệt Tấn làm tôi bất bình bởi câu nói: «Trên cõi đời nầy phải có những tên đực rựa biết ve vản phụ nữ như tao. Nếu có bọn gays thì nhân loại trong thế gian không còn gì nữa. Bọn gays như mầy làm cho tao sợ. Nếu mầy chê tao xấu là cái phước ba đời của ông bà tao để lại”.

Kiệt Tấn giả bộ tỏ ra khùng, nó lại tỏ ra phóng khoáng giữa cuộc đời ô trọc nầy. Nhưng theo nhận xét của bút giả HTA, nó khôn hơn tổ mẹ người ta, nó chỉ giao thiệp với kẻ nổi danh, còn những kẻ lục tục thường tài đừng mong kết bạn với nó. Nó là bạn nhạc sĩ Cung Tiến. Cha nội nầy là thiên tài âm nhạc nhưng kiêu căng xấc xược một cách không cần thiết. Cung Tiến. có vốn liếng văn chương không nhiều. Hắn cũng như Kiệt Tấn, lười đọc sách văn chương. Hắn vốn có quen với Thanh Tâm Tuyền, một nhà văn lỗi lạc của nhóm Sáng Tạo. Kiệt Tấn nhờ Cung Tiến mà gặp Thanh Tâm Tuyền, nhưng ông Thanh Tâm Tuyền không mấy chú ý tới Kiệt Tấn. Vậy mà Kiệt Tấn nhà ta đi đâu cũng xưng là nhà văn của nhóm Sáng Tạo. Tôi có hỏi Tô Thùy Yên phải chăng Kiệt Tấn vừa mới gia nhập nhóm Sáng Tạo có đúng hay không? Yên bỡ ngỡ hỏi Kiệt Tấn là ai? Cho nên hôm ra mắt tác phẩm đầu tiên của nó (tức là thi tập Điệp khúc tình yêu và trái phá) có mời vài hội viên nhóm Sáng Tạo trong đó có mặt Thanh Tâm Tuyền và một vài họa gia của nhóm Họa Sĩ Trẻ trong đó có họa gia Trịnh Cung. Thanh Tâm Tuyền tức giận Kiệt Tấn giở cái trò mượn danh Sáng Tạo để lấy le với các vị cầm bút khác. Cho nên Thanh Tâm Tuyền mắng Kiệt Tấn tơi bời hoa lá giữa đám khách tham dự. Kiệt Tấn đành nuốt nhục ngồi im.

Bút giả rất khâm phục nữ minh tinh màn bạc Mae West nói một câu bất hủ để bênh vực bọn gays: “Xin đừng đánh các nam nhân đồng tính luyến ái, dù bằng một cành hoa đi nữa. Họ là những tâm hồn đàn bà lỡ chui vào thân xác của đàn ông”.

Lại còn nữ danh tài điện ảnh Elizabeth Taylor thường đóng phim chung với các nghệ sĩ gays. Chẳng hạn như tài tử Roddy McDowall trong phim Lassie fidèle (Con chó Lassie trung thành). Chẳng hạn như Montgomery Clift trong phim Une place au soleil ( Một chỗ dưới chỗ dưới bóng mặt trời), và phim Soudain, l’été dernier (Bổng dưng mùa hè năm rồi). Elizabeth Taylor còn đóng chung với Rock Hudson (vốn là gay thứ thiệt) và James Dean (bisexuel/ lưỡng tính luyến ái) trong cuốn phim Giant (Người vĩ đại). Trót một thời gian dài Roddy McDowall say mê gia nhập gánh hát kịch trường, tên tuổi bên ảnh trường lu mờ. Cho nên Elizabeth Taylor giúp cho Roddy McDowall đóng một vai phụ trong phim Cléopâtre. Được trớn chàng đóng một cuốn phim lừng danh là La planète des singes (Hành tinh của loài khỉ). Chàng Roddy McDowall nhà ta từ đó lên hương. Chàng tuy là diễn viên điện ảnh, nhưng lần hồi chàng trở thành điện ảnh gia và nhiếp ảnh gia xuất sắc. Chính Elizabeth Taylor làm người mẫu cho Roddy McDowall chụp những bức ảnh tuyệt đẹp.

Mongomery Clift là một ngôi sao màn bạc sáng chói. Phần đông các bạn chàng là một lưỡng tính luyến ái. Theo lời kẻ quen biết, về giao hoan ân ái, chàng có vài người bạn gái; nhưng với nữ nghệ sĩ Libby Holman vào năm 1940 đã tuyên bố chàng không phải là lưỡng tính luyến ái mà là đồng tính luyến ái. Những phim nổi tiếng do Monty đóng như Red river (Dòng sông đỏ) bên cạnh John Wayne, chàng bắt đầu nổi tiếng. Phim Les Anges marqués (Những thiên thần bị chú ý) được tuyển chọn giải Oscar, Monty diễn xuất chỉ vững vàng thôi. Phim thứ ba là A place in the sun (Một chỗ dưới bóng mặt trời) bên cạnh Liz Taylor, chàng không được đề nghị lãnh giải Oscar. Tới phim Tant qu’il y aura des hommes (tựa tiếng Anh From here to internit), Monty cũng được đề nghị trao giải Oscar lần thứ hai. Còn trong phim Jugement de Nuremberg, Monty cũng được đề nghị lãnh giải Oscar trong vai phụ xuất nhất.

Dù không có giải Oscar nào, Monty Clift vẫn là một nghệ sĩ lớn. Vì nghiện rượu, thường uống rượu như hũ chìm, Montgomery Clift thường đến sân quay trễ muộn nên nhà đạo diễn và nhà sản xuất phật lòng, không muốn hợp tác với chàng nữa. Khi họ chuẩn bị thực hiện phim L’Abre de vie (Cây nhân sinh), vai nữ chính giao cho Liz Taylor. Bà yêu cầu nhà sản xuất giao vai chánh cho Montgomery Clift.

Trong phim Tant qu’il y aura des hommes, Monty Clift có một màn cổi trần phơi tấm thân thẫm mỹ, tức là đẹp vừa phải không quá cuồn cuộn bắp thịt như kép đóng vai Tarzan. Mấy con dâm phụ bạn thân của bút giả HTA vừa thấy co keo vạm vỡ của Monty đều suýt soa khen ngợi om sòm.

Rock Hudson mắc bịnh SIDA (Tiếng Anh gọi là AIDS) và chết vì bịnh ấy. Liz Talor chủ xướng kêu gọi khắp hoàn vũ hãy ủng hộ phương cách chống bịnh ấy. Chính Liz Taylor bỏ tiền ra để cho hội bảo vệ và giúp đỡ kẻ mang bịnh ngặt nghèo ấy. Hiện nay con siêu vi trùng bịnh SIDA bịnh ấy được gom lại một chỗ, không được phát tác ở chỗ khác nữa. Những kẻ mang siêu vi trùng ấy (séro-positif) có thể sống lâu. Bút giả có thằng bạn gay đã có siêu vi trùng trong người, nhưng 20 năm nay vẫn còn sống nhăng, lại cặp bồ thằng Tây cũng mắc bịnh như nó.

Có một vận sự cảm động là tài tử George Nader trước khi lăn xả vào ngành đóng phim có người bạn lòng tên Mark (tôi quên họ của đương sự). Nhận thấy George ôm ấp mãi dự định đóng phim, Mark đóng tiền học phí cho lớp dạy diễn xuất. Khi George tốt nghiệp khóa học, được các nhà sản xuất phim ảnh chú ý nên nên mời chàng đóng vai phụ trong các phim hạng B. Lần hồi chàng đóng những vai chánh cũng trong các phim hạng B, không thể trồi lên phim hạng A, tức là loại phim xuất sắc nhất. George Nader không bao giờ phụ bạc người tình cũ. Vì cặp mắt yếu ớt, George Nader không chịu nổi ánh đèn sunlight trong lúc ra sân quay, nên đành từ giả nghề đóng phim. Luôn luôn, cặp George và Mark chung tình với nhau cho đến George qua đời.

Cảm động trước sự chung tình của cả hai, Rock Hudson thâu Mark làm thư ký cho mình. Còn George Nader tìm được quản lý cho một nhà buôn. Rock Hudson khi bị bịnh AIDS, biết mình khó thể sống lâu nên làm tờ chúc ngôn hết gia sản cho George. Và khi George qua đời thì phải trao gia sản cho Mark.

Bạn thân của tôi mà tôi gọi là con dâm phụ bán Trời không mời Thiên lôi vừa nghe tôi tán tụng thân hình cường tráng và mỹ lệ của Geoge Nader là chạy đôn chạy đáo mua DVD thâu các phim do George đóng như Le renard du désert (Con chồn của sa mạc), Roméo et Jeanette (Chàng Roméo và nàng Jeanette) và phim Quatre tueurs et une fille (Bốn tên sát nhân và một cô thiếu nữ). George có những phần thưởng như Gorden Globe năm 1955 và giải Bravo Otto năm 1968.

Lại có thêm một nữ minh tinh màn bạc Pháp Quốc là Mylène Demongeot rất thông cảm với tài tử Jean Marais khi hai người đóng chung phim Fantômas. Vào buổi sáng hôm nọ, cả hai đến cổng phim trường thì có tên đàn ông phun nước bọt vào mặt Jean Marais và chửi: “Tên bê-đê dơ dáy”. Mylène Demongeot an ủi ông ta bằng những lời na ná 2 câu bất hủ trong bài O’ Cangaceiro: “Tu m’as craché au visage / Mais tu m’aimeras demain” (Với nước miếng anh phun vào mặt tôi / Nhưng anh sẽ yêu thương tôi ngày mai).

Khi đóng chung với Dirk Bogarde trong phim The singer not the song (Tựa tiếng Pháp là Cavalier noir/ Chàng kỵ sĩ đen) . Mylène rất khâm phục các sống của Dirk: đó là tài nghệ đóng phim, cách sống hiên ngang với người bạn lòng (bạn trai đấy nhé), đọc sách rất hăm hở, cách trang hoàng nhà cửa ngoạn mục, trao dồi kỉến thức để ít lâu sau đó trở thành nhà văn. Phim do Dirk Bogarde đóng đã trình chiếu ở Việt Nam và thời Đệ nhất và Đệ nhị Cộng Hòa là phim Le vent ne sait pas lire (Gió không biết đọc) có nghĩa là ông chủ vườn hoa sợ người ngoài hái trộm hoa nên treo bản “Đừng làm hoa rụng”. Nhưng gió vẫn không biết đọc nên vẫn làm hoa rụng như thường. Phim thứ hai là Le Bal des adieux (Buổi dạ vũ vĩnh biệt) nói về cuộc tình của nhạc sĩ Franz Liszt. Chàng viết trên 20 tác phẩm văn chương bán khá chạy. Về ngành đóng phim, Dirk Bogarde là một diễn viên hàng đầu của Anh Quốc, tài hoa rất mực. Về văn chương, chàng cũng là một tay kiện tướng.

Nghệ sĩ Jean Cocteau (1889 - 1963) là một nhân vật gay đa tài. Ông là thi sĩ, văn sĩ, nhà soạn kịch, điện ảnh gia. Ở ngành văn chương văn nghệ nào ông cũng tỏ ra xuất sắc. Ông làm thơ trao tặng cho diễn viên điện ảnh Jean Marais cỡ trên 20 bài thơ. Về soạn tuồng hát, ông cũng có vài ba kịch phẩm, xuất sắc nhất là La voix humaine (Tiếng nói của nhân loại) vào năm1930, La machine infernale (Bộ máy kinh dị) vào năm 1933, Les parents terribles (Những bố mẹ khủng khiếp) vào năm 1938. Vào năm 1948, vở kịch nầy được chuyển thể thành phim ảnh. Ông cũng đã thực hành vài phim, nhưng đáng kể là phim La belle et la bête (Giai nhân và người thú). Đây là phim đáng ngưỡng mộ và đáng chiêm bái (film culte) trình làng vào năm 1946. Sau đó là phim L’Aigle à deux têtes (Chim đại bằng có hai đầu) trình làng vào năm 1948. Hai phim nầy do tài tử Jean Marais đóng vai chánh, leo lên tài tử hàng đầu của nghệ thuật thứ bảy. Các cuốn phim như Orphée, Le Testement d’Orphée là siêu phẩm của màn bạc Pháp quốc.

Jean Cocteau nghiện nha phiến. Ông có người bạn lòng là nhà văn Raymond Radiguet (1903 -1923). Đương sự nầy thành công quá sớm. Mới có 18 tuổi, chàng cho xuất bản hai tập thơ như Les joues en feu (những đôi má bốc lửa) vào năm 1920, Devoirs de vacances (những điều phải làm trong mùa du lịch) vào năm 1921. Thi tài của Radiguet tầm thường. Nhưng vào năm 1923, cuốn Le Diable au corps (Quỷ vào thân xác) gây tiếng vang sâu rộng. Điện ảnh gia Claude Autand-Lara chuyển thể thành phim ảnh, nâng cao tên tuổi của Gérard Philipe và Micheline Presle lên tuyệt đỉnh vinh quang. Cuốn truyện dài thứ hai vào năm 1924 là Le Bal du Comte d’Orgel (Dạ vũ của Bá tước d’Orgel) không mấy thành công.

Trước khi làm thơ, Raymond Radiguet viết hai vở kịch. Năm 1919 chàng viết một vở kịch Le Pélican (Chim biển), Le gendarme incompris (Chàng hiến binh không ai hiểu đến). Vở kịch sau Radiguet soạn chung với Jean Cocteau.

Raymond Radiguet chết trong lứa tuổi thanh xuân làm cho Jean Cocteau đau khổ khó nguôi. Mãi tới khi ông gặp anh chàng Jean Marais. Thuở cậu Jean còn bé, cha mẹ cậu ly dị, cậu và cậu anh ruột sống với bà ngoại và người dì. Người mẹ có chứng bịnh ăn cắp (kleptomanie), nên bị bắt bỏ tủ. Cậu bé Jean Marais buồn khổ trong tuổi thơ ấu và tuổi hoa niên.

Khi gặp Jean Cocteau, cậu thanh niên Jean Marais nói là mình yêu một kẻ tài hoa trí thức như Jean Cocteau. Trong một thời gian khá dài, cả hai ông Jean dù có chia tay, nhưng vẩn là thầy Cocteau, trò Marais. Jean Cocteau dạy cho Jean Marais văn chương, hội họa và điêu khắc ngoài chuyện đóng phim, diễn xuất trên sân khấu. Đương sự tự tay viết hồi ký, viết truyện cho trẻ em. Thú vui của đương sự là vẽ tranh và nắn tượng rồi gom góp lại những nghệ phẩm của mình để chụp ảnh và để in vào sách. Quý mến nhất là trong hồi ký, ông cho đăng luôn những bài thơ tình yêu mà Jean Cocteau từ năm nầy qua năm nọ tặng ông.

Hai cuốn phim Orphée (Chàng Orphée), (Les Testements d’Orphée (Di chúc của chàng Orphée) là 2 phim có triết lý sâu sắc. Jean Marais vừa là nghệ sĩ tài hoa môn vẽ tranh vừa là ngôi sao sáng kịch nghệ. Ông dám cho các nhiếp ảnh gia vào thập niên 30 chụp hình khỏa thân của ông, con chim lẫn 2 trứng dái của ông được tảng đậm bóng nhạt rất nghệ thuật. Nhiếp ảnh gia biến thành tay cừ khôi không thua nhiếp ảnh gia Man Ray sau đệ nhị thế chiến.

Bút giả HTA khi ở VN bị các bạn gays lôi kéo cũng làm ông Adam cho chụp ảnh, nhớ lại mà phát rùng mình. Nhưng trên xứ Pháp từ năm 1986 cho đến năm 1996, hè nào tôi cũng đi bãi khỏa thân ở khu Eronat miền Tây Nam nước Pháp thì là chuyện thường.

Úy mẹ mẻ ông bà ông vải ơi, tôi quên đại tài tử Gérard Philipe rất thành công phim L’Idiot phỏng theo cuốn tiểu thuyết cùng tựa của Dostoievski do Georges Lampert đạo diễn. Gérard Philipe dấu kín cái đồng tính ái cũng cưới vợ sinh con. Người vợ có con riêng với người chồng trước. Khi làm vợ Gérard bà ta lấy biệt hiệu là Anne Philipe. Đây là một nhà văn nữ, tác giả những cuốn Le temps d’un soupir (Thời gian một tiếng thở dài), Le Rendez- vous de la coline (Hẹn nhau trên đồi) Ici, là pas, ailleurs (Nơi đây, nơi bên kia, những nơi khác).

Có 3 hạng đồng tính luyến ái: Hạng thứ nhứt là thứ nhất là yêu tất cả những kẻ bất cứ tuổi nào miễn là vừa mắt mình thì thôi ; đó là đồng tính luyến ái suông trơn, bút giả HTA thuộc vào hạng nầy. Hạng thứ hai là kẻ hoa niên yêu người lớn tuổi hơn mình nhiều, đó gọi là (gérontophile) tạm dịch thằng nhãi yêu mê mải kẻ già. Hạng thứ ba là mấy kẻ luống tuổi hoặc già nua yêu trai còn non nheo nhẻo thì gọi là bê-đê (pédérastes).

Tiện đây tôi cũng nói về lưỡng tính luyến ái (bisexualité). Đó là những kẻ yêu và thích làm tình với đàn bà lẫn với đàn ông. Đó là Hoàng đế Hán Cao Tổ có nhiều giai nhân mỹ nữ trong tam cung lục viện. Nhưng ngài có nuôi vài tên trai non để ấp yêu. Về sau nầy các tên trưởng giả, các quyền thần có dương vật to nên mua những con trai vào tuổi hoa niên, làm rộng cái hậu môn của chúng bằng cách đút vào đó những vật vừa mềm vừa dẽo như cao su. Càng ngày các vật nong càng lớn để các cậu trai có một hậu môn rộng và để các ngài tai to mặt lớn, các ngài mũ cao áo rộng giở trò kê gian (sodomiser). Những cậu trai đó gọi là các bé cưng (les mignons).

Những điều tôi biết hình như trong cuốn biên khảo La Vie sexuelle dans la Chine ancienne (Đời sống nhục dục của Trung Hoa thời xưa); tác giả là Robert Van Gulik.

Vua Hán Ai Đế có cung phi mỹ nữ, nhưng chỉ yêu Đổng Hiền. Một hôm nọ, vua và Đổng Hiền nằm chơi, Đổng Hiển gối đầu trên cánh tay của vua. Vua muốn thức dậy, nhưng sợ phá tan giấc ngủ của cục cưng mình nên lấy kéo cắt tay áo để cho cưng ngủ ngon.

Vua Vệ Linh Công yêu quý chàng Di Tử Hà. Chàng nghe tin mẹ ốm nặng nên lấy xe vua đi mà không sợ tội. Vua khen chàng có hiếu. Rồi một hôm vua và chàng dạo chơi trong vườn, chàng bẻ trái đào ăn không vừa ý bèn trao cho vua, vua khen chàng chia xẻ miếng ngon cho vua. Khi Di Tử Hà về già, vua say mê Công Tử Triều nên bắt tội chàng khi quân dám lấy xe vua mà đi, dám cho vua ăn trái đào thừa. Vua đuổi chàng ra chốn dân gian.

Trong quyển Kim Bình Mai, nhân vật Tây Môn Khánh có 6 vợ nhan sắc mỹ miều mà còn kê gian với tên thư ký Thư Đồng. Trong cuốn dâm thư ấy, còn có vụ chàng Kính Tế, rể của Tây Môn Khánh bị Ngô Nguyệt Nương, chánh thê của Tây Môn Khánh đuổi ra khỏi nhà vì tội gian dâm với Phan Kim Liên, vợ thứ năm của Tây Môn Khánh, sau khi Khánh chết đi. Tế tìm nơi ăn nhờ ở đậu, trú ngụ tại nhà tên đạo sĩ bê-đê. Tế vẫn thích thú như thường, không kém lúc gian dâm với Phan Kim Liên. Dịch giả Nguyễn Quốc Hùng khi dịch bộ Kim Bình Mai bỏ qua những đoạn ấy. Nữ sĩ Thụy Khuê khuyên độc giả muốn thưởng thức nguyên vẹn bộ Kim Bình Mai nên tìm đọc sách bằng Pháp ngữ. Theo bút giả HTA, các dịch giả người Pháp thường dịch những đoạn gian dâm của các nhân vật trong Kim Bình Mai. Họ bỏ qua phần chỉ trích thói hà hiếp đè đầu cưỡi cổ của bọn giàu sang quyền tước sách nhiễu lên dân ngu khu đen. Muốn xem Kim Bình Mai nguyên vẹn thì nên đọc của bản dịch André Levy do nhà xuất bản Gallimard trong nhóm Biblothèque de Pléaide trình làng, André Levy là một Trung hoa Học thuật (Sinologue), dịch Kim Bình Mai qua cái tựa Jin ping mei (Fleur en fiole d’or).

Còn nói văn chương văn nghệ sĩ thì có người lưỡng tính luyến ái như văn hào Thomas Mann. Ông là tác giả nhiều cuốn tiểu thuyết, nhiều tập truyện ngắn, nhiều vỡ thoại kịch. Truyện dài gồm đại khái như La mort à Venise/ Chết ở Venise, (1924) La montagne magique / Ngọn núi huyền nhiệm (1946). Ông cưới vợ hẳn hoi, giỏi tài che giấu một số người, nhưng không che giấu nổi kẻ yêu văn chương.

Ôn cha mệ mạ ơi, tôi quên phứt tiểu sử của nhà văn Truman Capote. Nhà văn nầy sinh năm 1924 và chết vào năm 1984. Ông là bạn thơ ấu của nhà văn nữ Happer Lee, giúp cho bà Haper Lee nhiều tài liệu để bà ta viết cuốn tiểu thuyết trứ danh To kill a mockingbird (Giết con chim chèo bẻo). Cuốn tiểu thuyết De sang-froid (Về chuyện người có máu lạnh) đủ sức đưa Truman Capote lên hàng ngũ nhà văn lớn. Đề tài câu chuyện là cuộc thảm sát một gia đình nông dân do Perry Smith và Dick Hockick gây ra. Đây là chuyện có thật. Nó làm cho dân trong tiểu bang mà Truman cư ngụ xôn xao. Nhưng đây có thể làm cho cốt truyện De sang-froid thêm hào hứng. Truman Capote nhờ cảnh sát trưởng điều thuật lạ thật kỹ về cuộc án mạng và họ cho phép ông gặp hai kẻ hung thủ tù nhân để câu truyện được dồi dào và chính xác hơn. Không ngờ hai kẻ tội nhân đem lòng quý mến ông. Dầu sao đi nữa, cả hai phải đền tội. Và còn vẻ vang hơn nữa, cuốn De sang-froid xuất bản chẳng được bao lâu mà bán hằng triệu cuốn.

Trước đó, ông Capote có viết cuốn Le petit déjeuner chez Tiffany và chẳng được ông chuyển thể thành phim cùng tựa với quyển sách. Phim có hai tài tử Audrey Hepburn và George Peppard diễn xuất.

Người bạn tình đầu tiên của Truman Capot là Newton Arver, một giáo văn chương sáng giá. Cả hai gặp gỡ nhau vào năm 1946. Cuộc tình được 2 năm. Năm 1948, ông gặp Jack Munphy, cũng là một nhà văn, lớn hơn ông 10 tuổi, nhưng chết sau ông, thọ 77 tuổi. Tên của Truman Capote và tên của Jack Dunphy được ghi trên phiến đá. Trên máy vi tính có ghi dòng chữ do người dịch ra Pháp văn như sau: Stèle de Truman Capote et Jack Dunphy a “Crooked Pond” dans Long Pond Greenbelt” à Sonthampton (Etat de New York).

Suýt chút nữa tôi quên kể nhà văn nước Anh là E. M. Foster, sinh 1897 năm có viết cuốn Maurice vào năm nào đó mà tôi không rõ, ông ta không dám xuất bản liền, dặn các bạn thân, sau khi ông chết mới đem ra trình làng. Sau khi ông mất vào năm 1970, cuốn sách được xuất bản vào năm 1971. Rồi đó vào năm 1984, điện ảnh gia James Ivory thực hiện thành phim cùng tựa vào năm 1983 với 3 diễn viên Jacques Wilby, Hugh Grant, Rupert Graves. Chỉ có Jacques Wilby và Hugh Grant đoạt giải diễn viên xuất sắc nhất trong kỳ Hội nghị điện ảnh Venise năm 1983.

Bên điện ảnh Ý-đại-lợi có nhà đạo diễn Luchino Visconti thuộc dòng giỏi quý tộc. Ông là gay và cũng là một thiên tài của ảnh trường . Phần đông các cuốn phim của ông đáng được trân quý (film culte). Người tình của ông là Helmuth Berger. Ở Hoa-lệ-ước, thì thiên hạ cho đó là kép gay đẹp. Nhưng ở Âu Châu chàng Helmuth Berger được các nhà thẩm mỹ cho rằng anh ta “đẹp trai thuộc hàng đầu”. Những phim của ông có Helmuth Berger mà chúng ta không ngạc nhiên. Trong vòng tay đỡ nâng che chở của ông, Helmuth Berger càng ngày càng khởi sắc. Chẳng hạng như Les damnés (Những kẻ phải sa địa ngục), Ludwig, le crépuscule des dieux (Ludwig, hoàng hôn của các vị thần), Violence et Passion (Cường bạo và Đam mê)… Ông Luchino cũng thực hiện phim Les nuits blanches (Những đêm thức trắng) với Jean Marais. Le Guépard (Con beo gấm), Rocco et ses frères (Anh em của Rocco). Hai phim ấy do Alain Delon chủ diễn.

Helmuth Berger là một gay yêu kẻ lớn tuổi. Đó là thứ gérontophile. Anh chân thành yêu Luchino Visconti. Anh có nhiều ác cảm với Alain Delon vì tài tử nước Pháp nầy được Luchino Visconti mời đóng 3 phim cực kỳ sáng giá.

Luchino Visconti trước khi gặp Helmuth Berger có làm phim Senso với tài tử Farley Granger và cô đào đẹp nhất nước Ý trong thập niên 30 là Alida Valli. Farley Granger cũng là chàng gay có tên tuổi cũng ra gì với núi sông, tài nghệ vượt cả Sterwart Granger. Nhưng thật sự anh khônng phải là một siêu sao như Sterwart Granger mà là một diễn viên thuần túy. Hai cuốn phim La corde (Sợi giây thừng) và phim L’Inconnu de Nord-Express (Kẻ lạ mặt trên chuyến xe Nord-Express) do Alfred Hitchcock đạo diễn và do Farley đóng. Anh đóng phim Les Amants de la nuit (Những gười tình của đêm) do Nicholas Ray đạo diễn. Cũng như phim Senso, phim nầy là phim đáng trọng vọng (film culte). Ngoài ra, Farley Grander còn đóng phim Our very ow bên cạnh nữ tài tử Ann Blyth.

Vào năm 2007, Farley Granger viết hồi ký, có sự cộng tác của nhà sản xuất Robert Calhuon, tình lang của anh, cả hai đã gắn bó với nhau suốt 65 năm ròng.

Điện ảnh gia George Cukor là một kẻ gay thiên tài. Cỡ đâu 11 nam nữ nào đóng trong phim của ông được lãnh Oscar. Có lẽ ông sở trường về phim hài hước. Chẳng hạn như phim L’Impocible Monsieur bébé với Katherine Hepburn và Cary Grant, Les Girls (dịch tạm là “các cô ca múa”), với nghệ sĩ Gene Kelly vài 3 nữ minh tinh Mitzy Gaynor, Kay Kendall, Taina Egl. Và tuyệt vời hơn nữa, ông thực hiện phim Femmes (Đàn bà) ; phim toàn là nữ diễn viên, không có người đàn ông nào. Phim lại do hai cô đào vốn là hai kẻ thù nghịch ở ngoài đời là Norma Scharer và Joan Crawford. Thêm vào đó các nữ tài tử lừng danh như Rossalind Russell, Joan Fontaine, Paulette Godard. Trước đó vào thập niên 30, George Cukor thực hiện hai cuốn phim như Romance de Marguerite Gautier (Tình sử của Trà Hoa Nữ), và La femme aux deux visages (Người đàn bà hai mặt). Phim đầu đưa tên Greta Garbo lên đỉnh chót vót của ngọn cao sơn. Phim sau kéo bà ta xuống bùn, phim đã dở ẹc, tài diễn xuất của bà ta bị báo chí la ó. Cho nên bà giải nghệ vĩnh viễn.

George Cukor phải đợi tới phim My fair lady (Nàng nữ lang xinh đẹp) với Audry Hepburn và Rex Harrison, mới lãnh giải Oscar. Audrey Hepburn trong phim nầy bị tuột trèo cây thoa mỡ bò, chỉ có Rex Harrison mới lãnh Oscar (Nam diễn viên xuất sắc nhất). Tuy là phim ca nhạc nhưng Audrey có ca hát được một bài nào đâu. Chính nữ ca sĩ Mami Dixon hát đúp vào miệng Audrey Hepburn.

Bây giờ xin nói qua văn hào Ernest Hemingway. Ông ta tham dự một cách hào hùng vào những trận chiến tranh kinh hồn, chẳng sợ vào sanh ra tử để ông có tài liệu dồi dào và nếp sống phong phú cho văn chương của ông. Ông viết những cuốn tiểu thuyết tuyệt tác như: Le Soleil se lève aussi (Mặt trời cũng mọc), L’Adieu aux armes (Giả từ vũ khí), Le Viel homme et la mer (Lão ngư ông và biển cả)… Năm1954, ông đoạt giải Nobel. Ông trải qua 4 đời vợ. Người vợ sau cùng tên Mary Welsh. Ông về ngôi nhà trông ra biển của ông ở Havane (xứ Cuba). Năm 1961, báo chí loang tin ông chùi súng lỡ tay bị súng nổ. Ít lâu, bà Mary Welsh thổ lộ rằng ông chồng của bà tự tử. Ông vốn là kẻ lưỡng tính luyến ái, rất đầy vẻ nam tính (manly / viril). Về lúc tuổi chớm già, ông không xông pha hoạt động cuộc sống hào hùng như thuở trước, không được các anh gays nào chú ý tới nên ông uống rượu như hũ chìm. Và vì tuyệt vọng nên ông mới tự tử

Lời bà Mary Welsh làm nhiều độc giả ngạc nhiên. Song nhớ lại chuyện xưa, khi ông Hemingway chưa nổi danh, sống lêu bêu ở Paris được nữ văn hào Gertrude Stein giúp đỡ. Ông Hemingway có giao thiệp với nhà văn lừng lẫy là Francis Scott Fitzgerald và bà vợ Zelda Sayre. Ông Francis Scott Fitzgerald là nhà văn lớn, tác giả vài truyện dài, vài tập truyện. Truyện dài chẳng hạn như L’Envers du Paradis (Mặt trái thiên đường), Gaspy le magnifique (Chàng Gaspy hào hoa rực rỡ), Tendre est la nuit (Đêm tối dịu dàng) v.v... Trước khi nỗi cơn điên bà Zelda rêu rao ông Hemingway có lần ngủ với chồng bà. Chẳng ai thèm để ý tới người đàn bà kiều diễm mà tốc kê ba trợn ấy. Rồi bà ta đổ hô là cái dương vật của ông Fitzgerald nhỏ quá không làm bà sung sướng trong việc gối chăn. Ít lâu, sau đó, bà Zelda phải vào nhà thương điên chẳng biết bao giờ dứt bịnh. Ông chồng thiên tài của bà xoay qua viết kịch bản cho các hảng phim để trang trải nợ nần và trả tiền bịnh viện cho vợ. Ông cặp xách với một nữ ký giả tên là Sheilah Graham. Các bạn bè thân tinh nghịch hỏi cô ta rằng cái sex của nhà văn Francis Scott Fitzgerald lớn nhỏ ra sao. Cô ta trả lời cái của quý của ông Fitzgerald trung bình và bình thường thôi. Ông Hemingway gật đầu xác nhận: “Vâng, đúng vậy”. Ủa lạ, cô ký giả biết chiều to lẫn chiều dài của cái bảo bối của ông Fitzgerald đã đành. Còn nhà văn Hemmingway làm sao mà biết tường tận như thế? Mối tình giữa Francis và Sheilah Graham được đạo diễn Henry King thực hiện thành cuốn phim Beloved infidel (tựa tiếng Pháp là Un matin comme les autres / Một buổi sáng như mọi buổi sáng khác) với Gregory Peck trong vai Francis Scott Fitzgerald, còn Deborah Kerr trong vai Sheilah Graham.

Chúng ta hẳn chưa quên mối tình lừng danh của cặp thi nhân Arthur Rimbeaud và Paul Verlaine. Rimbeaud (1854-1819) cho xuất bản khá nhiều thi tập, sáng giá là Bateau ivre (Con thyền say rượu), Une saison en enfer (Một mùa trong địa ngục). Còn Paul Verlaine (1844 -1896) vốn là lưỡng tính luyến ái. Ông ta đã có vợ và rất yêu thương vợ. Nhưng ông ta chưa lần nào nếm thử tình trai ra sao. Gặp Athur Rimbeaud, trước hết chàng mến thi tài của người trẻ tuổi, sau đó ông ta yêu chàng trẻ tuổi có dung nghi nồng đậm. Hai người dắt nhau qua nước Anh. Ít lâu sau đó, Rimbeaud muốn tách rời ngày tháng phiêu lưu với Verlaine. Trong lúc say rượu ông ta tặng cho chàng một nhát dao, phải ngồi tù. Khi mãn hạng tù, ông trở về với vợ.

Nhắc tới Verlaine, chúng ta nhớ tới các thi tập của ông như Chanson d’automne (Khúc hát mùa thu) Poèmes saturniens (Bi ca) Romances sans paroles (Tình khúc không lời). Chúng ta làm sao quên được hai câu thơ của ông: Il pleut dans mon cœur/ Comme il pleut sur la ville. (Mưa trong lòng tôi / Như mưa trong thành phố). Chúng ta cũng bàng hoàng với các câu thơ trong bài Chanson d’automne: Les sanglots longs / Des violons /De l’automne / Blessent mon coeur / D’une langueur / Monotone (Niềm thổn thức lâu dài / Của tiếng vĩ cầm / Vào mùa thu / Gây tích thương trong lòng tôi /Một sự uể oải /Đều đặn).

Văn chương Anh vào cuối thế kỷ thứ 18 có nhà văn gay lỗi lạc là Oscar Wilde sanh vào ngày (16 /10 /1954) và thất lộc vào ngày (30 /11 /1900) được 54 tuổi. Ông cưới vợ, tức là bà Contance Lyod, sinh được 2 con trai.

Văn nghiệp của ông rất phồn thịnh gồm có truyện dài, truyện ngắn, biên khảo, thi thơ và bức thư dài gửi cho người yêu của ông là chàng quý tộc Lord Alfred Douglas con trai của Hầu tước Queensberry. Sự trao đổi biển ái nguồn ân của cả hai lọt đến tai Hầu tước. Ông khiển trách Oscar Wilde. Chúng ta nên biết vào thế kỷ 19 việc đồng tính luyến ái bên xứ Anh bị ngăn cấm. Oscar Wilde bị chạm tự ái. Thế rồi đôi bên ra trước tụng đình. Hầu tước đưa ra bằng chứng Oscar Wilde thường tìm thứ gays đĩ đực để làm tình, và hầu tước còn cho tòa biết có lần Oscar Wilde hôn hít tên người tớ trai của hầu tước. Oscar Wilde dẩy nẩy cho rằng tên tớ trai xấu xí kia đâu có ai can đảm làm tình với hắn kia. Rốt cuộc, Oscar Wilde thất kiện, bị 2 năm tù khổ sai. Ra tù, ông không về Anh quốc, định cư luôn ở Pháp. Ông có nhiều bạn bè để nâng đỡ tinh thần cho ông trong đó có văn hào André Gide. Bà vợ đề nghị cả hai làm lại cuộc đời, nhưng ông từ chối. Bà Constance Wilde chết trước ông, bà yêu cầu nên đề trên mộ bia: Bà Constance Wilde.

Văn chương của nước Pháp có nhà văn hào André Gide là gay hạng nặng. Ông là tác giả các siêu phẩm văn chương như Symphonie pastorale (Khúc nhạc đồng quê), La porte édroite (Khung cửa hẹp), Les faux monnayeurs (Những kẻ làm bạc giả). Ông đoạt giải Nobel vào năm 1947. Vì sự ép buộc gia đình nên ông cũng cưới vợ. Sau nầy bà vợ bất hạnh kia biết được ông chồng hờ của mình gian dâm với điện ảnh gia đẹp trai Marc Allégret nên bỏ nhà đi ở nơi cùng thôn tuyệt tái, giúp đỡ kẻ nghèo.

Có một giai thoại khá quan trọng. Một thiếu phụ trẻ đẹp tên Elisabeth van Rysselberghe (tiếng Anh gọi là Elizabeth)muốn có một đứa con thông minh, tài mạo song toàn với André Gide. Nhà văn hào kia trả lời: “Bà đề nghị kỳ cục quá. Bộ bà không biết tôi là kẻ đồng tính luyến ái với mặt mày xấu xí hay sao? Bà có can đảm ăn nằm với tôi không? Rủi đứa hài nhi xấu xí giống tôi ở cái dung mạo, giống bà ở tánh kỳ cục thì sao đây?”. Bà ta hóm hỉnh trả lời: “Phải cố gắng chớ. Ông đã cưới vợ phải cố gắng nhiều phen. Với tôi, ông chỉ cố gắng đôi ba lần được chứ?”. André Gide cũng cần một đứa con để nâng niu, để lấp khoảng trống trong cuộc đời. Cho nên ông nhận lời. Thế là cô “công chúa Catherine Gide” ra đời. Cô hưởng gia tài kết xù của bố và trở nên nhà văn, nhưng không có chân tài lừng lẫy như bố của cô. Catherine Gide kết hôn với nhà văn lục tục thường tài tên Jean Lambert (1914 -1999) . Nhà văn nữ, con gái của André Gide chết vào năm 2013 thọ 90 tuổi.

Chúng ta đừng đừng quên nhà văn hào Marcel Proust vốn là gay. Bộ tiểu thuyết trường giang của ông À la recherce du temps perdu (Đi tìm thời gian đã mất) là một tác phẩm siêu tuyệt đưa ông lên đài vinh quang, dù ông chỉ có bằng ban thưởng Goncourt năm 1919 qua cuốn À l’Ombre des jeunes filles en fleur (Nói về cô gái tuổi hoa niên). Marcel Proust là một tên tuổi lớn trong văn chương Pháp nói riêng văn chương quốc tế nói chung. Bút giả HTA không có đọc trọn vẹn cuốn tiểu thuyết trường giang À la Recherche du temps perdu (khó quá, ai mà đọc nỗi?) nhưng có đọc vài chuyện ngồi lê đôi mách ở đâu đó trong quyển nầy. Tuy nhiên, tôi có đọc quyển bút ký Le Monde de Marcel Proust của André Maurois (Hàn lâm viện Pháp quốc). Marcel Proust tạo được sự vinh quang cùng một thời với các văn nhân thi sĩ, nhạc sĩ như sau:

1/ Bá tước Robert de Montesquiou (nhà thơ) tác giả các thi tập Les Chauves-souris (những con dơi), Les hortensias bleus (hoa dương tú cầu xanh), Les Perles rouges( những hạt trân châu đỏ). Bá tước có người bạn lòng trẻ trung và đẹp trai tên là Gabriel Yturri trước đó làm thư ký cho ông, sau đó trở thành tình nhân của ông. Chàng trai nầy sớm biệt cõi đời làm ông đau khổ không nguôi. Khi nằm trên giường chờ chết ông xin người thân chôn ông gần ngôi mộ của Gabriel Yturri.

2/ André Gide.

3/ Lucien Daudet, con trai thứ nhì của nhà văn Alphonse Daudet rất đẹp trai, rất phong nhã, có giọng nói nhỏ nhẹ du dương. Có một thuở, chàng vui thú dăng dện với Marcel Proust. Ông gửi cho chàng 60 lá thư để rồi sau nầy chàng đưa và cuốn bút khảo. Lucien Daudet là một nhà văn, nhưng chàng thường khổ sở, than rằng văn tài của mình núp dưới bóng văn tài của cha mình. Chàng rất ngưỡng mộ hoàng hậu Eugénie, vợ của Hoàng đế Napléon III. Thuở đó, sau khi Hoàng hậu bị dân tộc Pháp đả đảo phải đem gia đình gia đình cư ngụ bên xứ Anh-cát-lợi và chết luôn ở đó.

Tác phẩm của chàng gồm có đại khái như sau: L’âge de raison (Tuổi trưởng thành), L ‘impératrice Eugénie (Hoàng hậu Eugénie), Autour de 60 lettres de Marcel Proust (Chung quanh 60 lá thư của Marcel Proust), Vie de Alphonse Daudet (Đời sống của Alphonse Daudet).

Vào năm 1943 Lucien Daudet cưới Marie Thérèse Benoir. Đây là em gái của nhà văn Pierre Benoir. Chàng chết vào năm 1946. Còn bà vợ chết vào năm 1974.

4 / Reynaldo Hahn cũng đẹp trai, cũng tài hoa vốn là một nhạc sĩ, một tay điều khiển giàn nhạc trong các buổi trình tấu và cũng là tay phê bình âm nhạc. Trong thời gian yêu nhau, Reynaldo Hahn chỉ dạy cho Marcel Proust cách thưởng thức âm nhạc. Tập ca nhạc thứ hai gồm 20 ca khúc trong đó có ca khúc bất hủ phỏng theo thi phẩm của Victor Hugo Si mes vers avaient des ailes (Nếu thơ tôi có cánh).

Nữ danh kỷ sắc nước hương trời Liane de Pougy nghe đồn một nam nhân tài mạo song toàn tên Reynaldo Hahn nên muốn một đêm khoái lạc với chàng. Dĩ nhiên một tên gay nào có khoái lạc trong chuyện hành dâm với phụ nữ. Nhưng được một đêm xào ướt xào khô rồi cụp lạc với một phụ nữ đẹp lừng danh khắp Âu Mỹ, chàng ưng thuận ngay. Nhưng chàng giao hẹn với Liane một lần thôi nhá. Từ đó về sau, cả hai trở thành bạn tốt.

Giữ André Gide và Marcel Proust có một vận sự không được dễ thở, thở thì nghẹn ngào. Vào thuở danh vọng Marcel Proust hãy còn chìm trong bóng tối, trong khi đó ông André Gide ngự trị trên tuyệt đỉnh vinh quang. Ông Gide trông coi nhà xuất bản Gallimard và cộng tác với tạp chí Nouvelle Revue Française. Ông Proust đem bản thảo của cuốn À l’Ombre des jeunes filles en fleur (Cuốn thứ 2 của bộ trường giang À la recherche du temps perdu ) gửi trao cho André Gide, mong ông Gide cho nhà xuất bản Gallimard do ông Gide chủ trương, lo việc chọn sách. Nghiệt thay cưốn sách bị trả về cho tác giả. Ông Marcel Proust đành bỏ tiền ra in vì ông vốn là nhà trưởng giả. Sách gây một tiếng vang tốt đẹp, quá sức tưởng tượng ông Gide. Ông Gide đích thân đến nhà ông Proust xin lỗi vì biết mình lầm cái giá trị của cuốn À L’Ombre des jeunes filles en fleur (Về các cô gái tuổi hoa niên) vì ông đọc mấy chương đầu của quyển sách ấy với văn phong không hợp với khiếu thưởng ngoạn của ông. Buổi chuyện vãn không mấy thân mật.

Về sau khi ông Marcel Proust chết bà quản gia Caillaret nhũ danh Jeanne Pouquet mà ông Proust tin cậy viết cuốn hồi ký (bút giả HTA quên mất tên cái tựa) trong những năm bà giúp việc nhà cho chủ của bà. Bà không viết những mối tình đồng tính luyến ái của ông Proust, chỉ nói về sự giao thiệp của ông với các mệnh phụ phu nhân vào Thời đại Mỹ Lệ (Vào cuối thế kỷ X chấm dứt, sau đó Đệ nhất Thế chiến bắt đầu). Sau đó bắt qua thời đại Những Năm Điên cuồng (Les Années Folles) bắt đầu năm1920-1929. Bà ta cho rằng ông André Gide giả dối, không chịu mở giấy bọc lôi quyển sách ra đọc. Chính bà ta gói quyển sách và đem dây cột cho gói được chặc chẽ. Khi quyển sách trả đem về thì lối giấy bọc còn nguyên; sợi dây buộc chặc không có gì thay đổi. Rỏ ràng ông Gide nói dối, ông không thèm đọc sách của ông Proust, sách vẫn còn trong gói giấy bọc.

Còn nhà văn François Mauriac tác giả các cuốn Thérèse Desqueyroux (Người đàn bà tên Thérèse Desqueyroux), Le baiser à un lépreux (Cái hôn cho một người cùi). Ông đoạt giải Nobel 1952. Tuy là gay hạng nặng, nhưng sợ miệng đời dèm siễm nên ông cưới vợ sinh con. Nhà văn đối chiến với Mauriac cũng thuộc hạng gay táo bạo tên là Roger Peyrefitte. Ông Peyrefitte đem ông Mauriac ra xỉa xói, cho rằng văn hào ấy thiếu thành thật nên ông ta viết bài chế giễu đăng trên các báo văn học. Đôi bên bút chiến lôi ra nhà thơ kiêm điện ảnh gia Jean Cocteau làm nhân chứng cho cuộc chiến. Roger Peyrefitte vốn to tiếng rộng họng có khác gì nhà văn Duyên Anh của chúng ta. Cải cọ với ông ta trên báo làm sao thắng nổi ông ta.

Roger Peyrefitte là tác giả các cuốn như Les amitiés particulières (Những tình bạn đặc biệt) vào năm 1943 , Les Amours singulières (Những tình yêu lạ lùng) vào năm 1949, Les Américains (Những người Mỹ) vào năm 1968, Des Français (Về những người Pháp) vào năm 1970. Đại văn hào André Gide khi đọc xong quyển Les amitiés particulières rồi bảo rằng: “Tôi không biết cuốn sách của bạn có thành đạt trong tương lai qua giải Goncourt hay không? Nhưng tôi tin chắc 1OO năm sau người ta vẫn còn đọc tới nó”.

gays thuộc thứ hạng bê-đê (pédéraste) tức là yêu các trai tuổi hoa niên. Roger Peyrefitte thường tuyên bố: “Tôi thích cừu non hơn cừu lớn tuổi / J’aime les agnaux, pas les moutons”. Cho nên khi ông gặp chú kim đồng 12 tuổi rưởi tên là Alain Philippe Malagnac cả hai mê say nhau. Thật ra Alain Philippe là kẻ lưỡng tính luyến ái, yêu đàn ông lẫn đàn bà. Khi lớn lên, chàng Malagnac kết hôn với nữ danh ca Amanda Lear cho tận cuối đời.

Nhà văn Julien Green vốn là người Mỹ, nhưng chào đời ở Paris. Ông xây sự nghiệp văn chương bằng tiếng Pháp. Đây là một nhà văn lớn và cũng là một chàng gay đẹp trai mà văn hào André Gide khen ngợi. Julien Green luôn luôn có mặc cảm phạm tội với Chúa Ngôi Hai và cho là đồng tính dục là một thứ bịnh trái với thiên nhiên. Nhưng rồi ông chấp nhận cuộc sống chung vói chàng mỹ mạo lang quân Robert de Saint-Jean cho đến cuối đời. Julien Green được nhà văn Éric Jourdan coi như là nghĩa phụ. Tình phụ tử của họ thật cao thượng làm bạn bè của họ khen ngợi om sòm.

Julien Green được vào Hàn lâm viện của Pháp vào năm 1971. Sự nghiệp văn chương của ông rất phong phú, thật viễn thâm. Coi nào: Journal (nhật ký) gồm 19 tập kể từ 1919 đến 1998. Jeunes années/Những năm trẻ trung (đây là Tự truyện) gồm 4 tập 1985. Sư huynh François (Tiểu sử của thánh François d’Assise) năm 1983. Chaque homme dans sa nuit (Mỗi ông trong đêm của đương sự), tiểu thuyết vào năm 196O…

Trong giới kịch tác gia còn có hai nhà sọan kịch và viết văn nổi tiếng. Đó là Henry de Montherlant (người Pháp) và Tennessie William (người Mỹ). Tennessie Wiliams là tác giả các vở kịch được chuyển thể thành phim ảnh nổi tiếng như: Un tramway nommé Désir (Chiếc xe điện có cái tên Dục Vọng) với Vivien Leigh, Marlon Brando, Kim Hunter và với Karl Malden, La Chatte sur un toit brulant (Con mèo cái trên mái nhà bốc cháy) với Elizabeth Taylor và Paul Newman, Soudain l’été dernier (Bỗng dưng mùa hè năm rồi) với Elizabeth Taylor, Montgomerry Clift, Katherine Hepburn. Tennessie Williams có hai vở kịch được giải Pulitzer. Đó là vở Un tramway nommé Désir (1948) và vở La chatte sur un toit brulant / Mèo cái trên nóc nhà cháy (1955).

Tennesse Williams sống bình thản với chàng trai Frank Merlo. Nhưng họ nửa đường gảy gánh chung tình, chàng tình quân của ông ta chết vì chứng ung thư phổi.

Henry de Montherlant xuất thân là một gia đình quý tộc. Ông là gay không quá bộc tuệch, cũng không quá kín đáo. Ông nổi danh là một tiểu thuyết gia qua các cuốn Les jeunes filles, cuốn Les garçons và cuốn Les célibataires. Ông cũng là nhà soạn giả qua các kịch phẩm: La reine morte (Hoàng hậu đã chết), Fils de personne (Đứa con hoang), Don Juan (Chàng trai đào hoa Don Juan)…

Henry de Montherlant được giải thưởng Hàn lâm viện vào năm 1934 cho tất cả các tác phẩm của ông. Ông còn chiếm giải thưởng Montyon vào năm 1921 qua cuốn La relève du matin (Buổi ban mai bừng dậy).

Vào Thời Mỹ Lệ (La Belle Époque) có nữ sĩ người Mỹ là Natalie Clifford Barney gốc Hoa Kỳ, nữ sĩ người Anh với bút hiệu Renée Vivien làm thơ viết văn bằng Pháp ngữ. Đây là hai lesbiennes, có một thuở họ yêu đương quấn quýt nhau. Natalie Clifford có một mái tóc vàng bất hủ nên bạn bè gọi bà là Tia sáng trăng (rayon de lune). Bà sáng tác nhiều tác phẩm, nhưng tôi chỉ biết Je me souviens (Tôi nhớ lại, tiểu thuyết) Traits et portraits (Đường nét và bức họa, thi tập). Natalie Clifford không chung tình, nên Renée Vivien tìm quên bên nam bá tước phu nhân Hélène de Zulen. Cả hai làm thơ viết văn chung lấy bút hiệu là Paule Versdale. Natalie Clifford Barney lại quay chiêm ngưỡng nhan sắc tuyệt trần của đại danh kỹ Liane de Pougy. Không ngờ cô ả là lưỡng tính luyến ái, đã ăn nằm với 2 nhà quý tộc như đẹp trai vào thửa thanh xuân là Hầu tước Charles de Mac Mahon và là nam tước Maurice de Rochschild. Cũng vào thuở đó, tại kinh thành Paris có nhân vật Henri Meilhac dám bỏ ra 80 ngàn tiền vàng để được ngắm Liane de Pougy khỏa thân.

Khi ái ân lần đầu với Natalie Clfford Barne, Liane khám phá ra một chân trời hoan lạc mới nên viết cuốn Idylle Saphique /(Tình yêu của nữ đồng tính luyến ái). Liane de Pougi có viết thêm 5 tác phẩm nữa. Rất tiếc bút giả chỉ đọc cuốn nhật ký Mes cahiers bleus (Những tập giấy xanh của tôi).

Ông thầy chỉ bảo cho Liane de Pougyi là nhà văn gay Jean Lorain. Hai người thường đi chung. Bạn bè thường bảo hai người sắp cưới nhau. Cho nên Liane nói: “Tôi cũng muốn được như vậy, nhưng ảnh đâu có muốn như tôi đâu.»

Thời đại La Belle Époque trong giới ăn chơi có 3 trang quốc sắc thiên hương là Liane de Pougy, Caroline Otéro và Emilienne d’Alençon. Cả ba còn là nữ vũ công trong vũ trường Folies-Bergères. Chỉ có Caroline Otéro là không léo hánh tới văn chương, Nhưng việc quyến rũ các vương tôn công tử, các tay triệu phú lẫn tỷ phú nàng không thua Liane de Pougy và Emilienne d’Alençon. Còn Emilienne thì giống Liane: Yêu thích văn chương và là bisexuelle. Emilienne trước hết là nhân tình của nhà quý tộc Công tước Jaques d’Uzès và sau đó là cô mèo cưng của vua Léopold II nước Bỉ. Emilienne có ba tác phẩm như sau: Sous les masques (Dưới những mặt nạ), Secrets de beauté pour être belle (Bí quyết làm đẹp), Temple de l’amour (Ngôi đền tình ái)…

Nữ sĩ Lucie Delarue Madrus cũng là dân lưỡng tính luyến aí. Chồng bà là Joseph Charles Madrus và cũng là dịch giả đầu tiên quyển Một ngàn lẻ một đêm từ tiếng Ai Cập dịch ra Pháp văn. Bà sáng tác vừa thơ vừa hồi ký và vừa bút khảo cỡ 70 quyển. Bà gia nhập hội Temple de l’Amour dành cho các cô lesbiennes do Natalie Clifford Barney thành lập. Bà mèo mỡ chim chuột với Natalie Clifford Barney rồi liếm láp chút đỉnh với nữ họa gia Romaine Brook người bạn lòng của Natalie Clifford Barney.

Xin kể nốt vài tác phẩm một vài tác phẩm của Lucie Delarue Madrus: Horizons (tập thơ Những chân trời), Orient (tập thơ Đông phương), La mère et le fils (truyện dài Mẹ và con trai), Les Amours d’Oscar Wilde (bút khảo Những mối tình của Oscar Wilde)…

Nữ văn hào Colette cũng là loại bisexuelle. Chồng trước của bà là loại thổ công của thế giới văn nghệ Paris tên là Henri Gauthier de Wilars, mà giới văn chương văn nghệ gọi là Wily. Ba cuốn sách đầu tiên của bà y ta dành đứng tên của y ta. Wily lạ chơi có trò một mình hai vợ với Colette. Vốn lưỡng tính luyến ái, Colette chấp nhận. Sau đó Colette gặp bà Malthide de Morny, con gái của Công Tước Duc de Morny (Ông nầy là em một mẹ khác cha của Hoàng đế Napoléon III) và bắt tình với nhà nữ quý tộc ấy. Cả hai diễn tuồng La femme de l’Egyptien. Trên sân khấu cả hai dám hôn nhau say sưa đắm đuối. Khán giả và các ký giả la ó lên. Vở kịch hôm sau phải bỏ nữ quý tộc đi và thay thế một kịch sĩ nam nhân khác. Colette xem mọi sự việc không đáng kể. Trên sân khấu, bà mặc chiếc áo mở ngõ cánh tay và cái hông bên trái và để lòi cái vú to bên trái săn chắc và đẹp mê hồn. Năm tháng trôi qua, Colette kết hôn với nhà quý tộc Henri de Jouvenel, kẻ có tham vọng chánh trị và bà trổ sanh một cô gái. Chưa hết đâu. Bà quyến rũ cậu trưởng nam của chồng mình là Bertrand de Jouvenel. Thế là có những sự đàm tiếu sỉ nhục trong dân gian thiên hạ. Sau cùnug bà kết hôn với người chồng Do thái, nhỏ hơn bà trên 10 tuổi. Cả hai thành thiệt yêu nhau cho đến cuối đời.

Colette là một nhà văn lớn, hữu tài hữu tật. Vào năm 1910, bà thay thế bà Judith Gautier thành một hội viên của ban giám khảo của giải Goncourt cho đến năm 1919. Đến năm 1945, bà Colette giữ chức chủ tịch cho tới năm 1954. Tác phẩm của bà đại khái như sau: Claudine va à l’école (Claudine đi học), Claudine à Paris (Claudine tại Paris), Claudine en ménage (Claudine làm nội trợ), Claudine s’en va (Claudine ra đi), La maison de Claudine (Nhà của Claudine), La vagabonde (Người đàn bà lang thang), Le blé en herbe (Mạ non), La chatte (Con mèo cái)...

Chúng ta cần kể thêm nữ sĩ Gertrude Stein người Hoa Kỳ nhưng phần nhiều sống ở Kinh Thành Ánh Sáng Paris. Đó là một thiên tài văn chương, rất ngưỡng mộ họa sĩ Picasso, người đã tạo dựng trường phái lập thể (Le cubisme). Bà đã từng giao du với các nghệ sĩ nổi tiếng khắp hoàn vũ trong đó có thiên tài hội họa Picasso. Thuở đó văn sĩ Ernest Hemingway chưa nổi tiếng, được bà giúp ông ta chỗ ở miếng ăn. Bà nổi tiếng là một lesbienne sống chung với người bạn gái yêu dấu của mình là Alice Toklas. Bà viết văn, còn bà Alice viết sách mô tả cách làm bếp. Hai nhiếp ảnh gia Cecil Beaton và Man Ray nổi tiếng trên hoàn vũ đã chụp cho bà những bức ảnh để đời. Cecil Beaton trước đó đã chụp cho Nữ thần điện ảnh Greta Garbo những bức ảnh siêu tuyệt. Còn Man Ray chụp cho cô Kiki de Monparnasse, một người mẫu nổi tiếng ở Âu Mỹ những tấm ảnh khỏa thân hoặc ảnh bán khỏa thân đẹp tuyệt vời.

Gertrude có rất nhiều tác phẩm. Những tác phẩm được dịch ra Pháp văn gồm có: Autobiographies /Tự truyện (1945), Autographie d’Alice Toklas / Tự truyện về Alice Toklas (1965), Du sang sur le sol de la salle à manger / Về máu trên thềm nhà ăn (1964), La terre est ronde / Trái đất tròn (1984). Bà cùng hai anh là Micheal Stein và Leo Stein là những tay sưu tầm các tác phẩm hội họa của Matisse, của Cézanne, của Picasso. Bà khuyến khích và bảo vệ phái Lập thể (Le cubisme) của Picasso.

Năm 1905, Leo mua bức tranh La femme au chapeau của Matisse, năm 1906 anh em họ mua bức tranh Le bonheur de vivre cũng của Matisse. Về văn chương, năm 1908 bà viết cuốn The making of the Americains (Cách sống của người Mỹ) dài ngót nghét 1.000 trang giấy. Cuốn sách ấy đã nâng danh vọng của bà lên hàng ngũ đại văn hào.

Xứ Canada, bên bờ hồ Ontario có một nhà văn nữ là Mazo de la Roche. Bà sáng tác truyện dài, bút ký… Bà không lấy chồng, sống cùng cô em họ tên là Caroline Clémant. Bộ trường giang tiểu thuyết của bà Jalna lừng lẫy gồm 16 cuốn, mỗi cuốn dầy gần 400 trang. Truyện kể cuộc sống của giòng họ Whiteoak, kể từ cặp Adeline và Philippe đến đời con, rồi đời cháu, đời chắt

Bà Mazo de la Roche và cô em họ sống chung với mau rất hạnh phúc. Bà thích ăn mặc y phục hào nhoáng, vàng đeo ngọc khảm choáng lộn. Vì giàu sang lộng lẫy, bà tìm trẻ em bị cha mẹ bỏ rơi nhận nuôi làm con, gầy dựng cho chúng được nên người.

Bút giả không lấy làm lạ vì những kẻ lưỡng tính luyến ái về già lại thích đàn bà nhiều hơn thích đàn ông. Khi còn trẻ, họ có nét mỹ mạo dễ lôi cuốn người đồng phái. Nhưng những chàng gays vốn khó tánh, phần nhiều họ không ưa những kẻ già, xấu. Cho nên những kẻ gays yêu những kẻ đồng tính lớn tuổi (gérontophiles) ít đi.

Bây giờ chúng ta trở lại thế giới những kẻ gays làm văn chương nghệ thuật. Một nhà văn gay xấu xí mà dám viết dám viết trong truyện cái tôi của mình đẹp trai như Phan An, Tống Ngọc thời xưa và như Tony Curtis, Alain Delon cách đây hơn nửa thế kỷ. Chẳng những các tên gays khác tôn thờ đương sự mà các bà các cô đẹp như kiều nga tiên nữ phải mê sa trầm lụy đương sự.

Cần nhất là các tên gays trong “sổ đoạn trường” (bi thảm hóa cho vui) đừng õng ẹo như đàn bà. Cũng cần nhất đừng làm trai hùng. Bản tính mà ra sao thì sống với nó. Nếu mình ra oai, vươn vai, ễnh ngực, cất giọng rổn rảng như mấy nam nghệ sĩ cải lương đóng vai Lữ Bố, Từ Hải, thì té ra mình đóng tuồng chớ có sống trong cuộc đời mình một cách an nhiên, thoải mái đâu? Sống mà đóng kịch triền miên thì mệt quá. Bất cứ tên gay nào cũng yêu một nam nhân đầy vẻ đàn ông tính (viril / manly) chớ có yêu gay nào yểu điệu thục nữ đâu. Những nam nhân bình thường (dị tính luyến ái / les hétérosexuels ) không bao giờ thích bọn gays õng ẹo, đỏng đảnh theo ve vản họ. Họ chỉ thích giao cấu với đàn bà thuần túy, chứ không thích bọn gays có cử chỉ đầy nữ tính đâu. Tôi thường nghĩ rằng đồng tính luyến ái là bẩm sinh (inné), trời sanh ra thì rán mà chịu, chẳng phải do điều kiện (conditionné) mà xã hội gây ra. Hầu hết nhiều kẻ hễ gặp nhau là làm tình hùng hục với nhau. Đó là đồng tính dục (homosexualité) 9O % . Còn hai chàng trai yêu nhau nhưng không làm tình với nhau thì gọi là đồng tính luyến ái (homophile). Đây là trường hợp một số các linh mục tuy yêu nhau, nhưng không dám kê gian với nhau vì sợ phạm tội với Chúa.

Trước kia tôi thường nghĩ bản tính do Trời sinh sao thì mình để vậy miễn là chúng không hại ai, không chạm tự do của ai. Mình sống cho mình, can gì phải dấu giếm. Đau khổ nhứt là kẻ vì nghề nghiệp trong các công sở, tư sở vì bảo vệ nghề nghiệp hoặc vì đã lập gia đình, nên có cuộc sống song đôi. Họ lén lút ăn nằm với bọn gays bán tình và họ nơm nớp lo sợ chuyện bí mật của mình bị tiểt lộ. Bắt một chàng gay sống như người bình thường, cưới vợ rồi cùng vợ sinh con đẻ cái là làm trái thiên nhiên. Nhưng có trường hợp ngoại lệ. Ca sĩ Trường Duy là gay rất bô trai, nhưng anh rất yêu vợ, thường đi chung với nữ ca sĩ Thái Hiền rất đẹp đôi. Thái Hiền khi còn ở trong nước vẫn là bạn gái thân thiết nhất của Trường Duy. Cô là gái đồng tính ái phe nữ (les lesbiennes) cần một bạn trai gay chia sẻ nỗi niềm tâm sự. Nhưng nữ ca sĩ Mỹ Hòa đầy cảm tình với anh, nhưng không tin là Trường Duy là lưỡng tính luyến ái.

Nhà thơ Xuân Diệu là gay rất nổi tiếng trong văn chương thuở tiền chiến. Ông là bạn thân của nhà thơ Huy Cận, nhưng không phải là gay. Rất có thể vào tuổi học sinh, Huy Cận yêu thầm một cô nhân tình do tưởng tượng, nhưng tìm chưa ra. Bên cạnh ông có một bạn học sinh đẹp trai ôn nhu là Xuân Diệu rất yêu thi ca như mình nên cả hai quất quít nhau, đôi khi sờ soạn nhau. Tình bạn của họ dần dần thuần khiết nhau. Khi ra đời, cả hai sáng tác thơ, khai phóng một vũ trụ thơ mới tinh khôi và huy hoàng lộng lẫy.

Khi đọc xong quyển hồi ký Cát bụi chân ai của Tô Hoài, chúng ta được như chứng kiến trong dịp đi công tác, cả hai nằm ngủ chung. Xuân Diệu mở cuộc ái ân vũ bão trước. Tô Hoài chỉ biết noi theo. Thì ra, Tô Hoài có đồng tính ái mai phục (l’homosexualité latente), từ nhỏ mà nào biết đến cái chân tính của mình.

Cặp đồng tính luyến ái phái nữ là Kim Hoàng & Như Mai vào năm 1955 đã làm báo chí rần rộ loang tin và bàn tán xôn xao. Nguyên Kim Hoàng là cô đào cải lương nhập gánh Nam Phi do nữ nghệ sĩ Bảy Nam thay mặt nữ nghệ sĩ Năm Phỉ trông coi khi cô Năm thất lộc. Gánh đưa nữ nghệ sĩ Kim Cương con ruột cô Bảy và cũng là cháu ruột cô Năm lên hàng đào chánh, còn Kim Hoàng là đào nhì. Cô Bảy rúng ép Kim Hoàng ưng em trai của cô Năm và cô Bảy tức là cậu Út Để. Cậu chẳng có nghề nghiệp nào đặc biệt, chỉ có nghề vẽ áp-phích cho gánh. Chị Như Mai là một kỳ nữ lỗi lạc, chiếm giải quán quân về môn bóng bàn, chiếm nhiều giải đặc sắc về môn bơi lội, về môn đua xe hơi và về môn đua xe đạp. Ngoài ra, đây là người đàn bà giỏi về nghề làm áp phe nên giàu sụ, đi ra ngoại quốc như đi chợ. Là lesbienne, Như Mai lúc đầu ve vãn Kim Cương, nhưng chẳng ra sao nên chị xoay qua Kim Hoàng. Đây là người phụ nữ đồng tính như chị Như Mai. Kim Hoàng bỏ chồng, bỏ gánh đi theo Như Mai. Kim Hoàng có giọng tốt, ca ngâm rựa ràng. Trên sân khấu Nam Phi, chị hát vài ba bản tân nhạc, có nét nhà nghề. Khi chung sống với Như Mai, chị vâng theo lời của người bạn lòng tìm thầy học thêm tân nhạc. Giọng chị vang lộng như tiếng đại hồng chung, xuất hiện trên sân khấu đại nhạc hội với các bản Tiếng còi trong sương đêm (của Lê Trực), Nắng đẹp miền Nam (của Lam Phương) rất quyến rũ. Những nữ ca sĩ miền Nam, hát bằng tiếng Nam vừa hát giỏi vừa hát hay có lẽ là Ngọc Hà, Kim Hoàng và Túy Phượng.

Kim Hoàng được theo Như Mai du lịch các nước Tây Âu và Thái Lan, Nhựt Bổn. Tại Nhựt Bổn, chị lên đài truyền hình hát bản Nắng đẹp miền Nam

làm giới sành điệu hoan nghinh nhiệt liệt.

Vào năm 2010 Như Mai đau bịnh ngặt ngoèo, Kim Hoàng săn sóc chu đáo, vì quá lo lắng quá cực nhọc thân thể chị gầy gầy gò, khuôn mặt nhăn nheo. Như Mai chết đi. Kim Hoàng tuyệt vọng rồi mòn mỏi chết theo. Đôi bạn yêu đương nhau trong khoảng 60 năm trời.

Nhà Văn Ngô Nguyên Dũng là một tài hoa trí thức, nhưng cũng là kẻ gay khi ai hỏi tới thì đương sự không hề che giấu.

Nhà thơ nữ tài hoa Trân Sa là một lesbienne can đảm dám sống. Cô tên thật là Trần Thị Sa, bạn thân thiết của vợ chồng của nhà văn nữ Nguyễn Thị Thanh Bình.

Khi còn sinh tiền nhà văn Võ Phiến có bảo tôi rằng nhà thơ Chế Lan Viên trước khi nhắm mắt lìa đời có dặn vợ con đốt hết những tập thơ xu nịnh Đảng Cộng Sản của ông. Và ông dặn con gái mình là Phan Thị Vàng Anh nên đọc sách tư tưởng của ông Võ Phiến và sách nghiêng về xã hội của Nguyễn Thị Thụy Vũ. Tôi nghe sao để vậy. Và cũng chẳng tin lời đồn đại. Ngờ đâu vào năm 1996 nhà văn Văn Quang kêu gọi kiều bào giúp đỡ Thụy Vũ nuôi đứa con tàn tật. Lúc đó cô Vàng Anh đang học Đại học Y khoa ở Paris, cô Phan gửi tặng 200 đô la cho Thụy Vũ và kèm bức thư đại ý: “Bố Chế Lan Viên của cháu trước khi nhắm lìa đời có dặn cháu nên đọc sách của bác Võ Phiến và sách của cô” . Rồi lại có tin đồn cô Phan Thị Vàng Anh đi dung dăng dung dẻ dạo chơi với Trân Sa ở Paris. Vậy theo họ Trân Sa và Vàng Anh là cá mè một lứa. Ông tà ông địa ơi, nếu cô bạn nào đi chơi chung với Trân Sa đều là lesbienne hay sao. Như tai hạ HTA thường đi dạo chợ ở quận 13 của thành phố Paris với các cô bạn gái. Chồng họ nghe tin đồn khẻ rùng vai, lắc đầu: “Ăn nhằm chi. Tui biết anh An lắm mà».

Trong giới nghệ sĩ trình diễn còn có nam nghệ sĩ Ngọc Chiếu hát Vọng cổ nhịp 16 rất mùi. Anh xuất thân là kẻ bán dạo những tập sách in những câu Vọng Cổ do các cô Tư Sạng, Tư Bé, Ba Bến Tre, Ba Trà Vinh, Năm Cần Thơ... các nam nghệ sĩ Tám Thưa, Bảy Cao, Năm Nghĩa... ca trong các dĩa nhựa. Trong lúc hành khách ngồi trong xe đò chờ cho xe khởi hành, anh cất giọng lên hát. Giọng anh không giống giọng của một ai. Khi cất lên cao nó chẻ qua giọng óc (le son de tête) cao vút và lảnh lót, chẳng những không chua lè chua lét mà còn như tiếng sáo vi vút vi vu. Trong xe xuôi miền Lục Tỉnh hôm đó có nữ danh ca cổ nhạc Nam kỳ và cũng là bà chủ xưởng dĩa hát Asia. Đó là bà Tư Sạng . Bà nhận thấy nghệ thuật nhấn vuốt trong cách hát thật mùi mẫn thâm xương của Ngọc Chiếu nên xưng tên và cho anh địa chỉ của hảng dĩa nhựa Asia. Thế là giọng anh được thâu vào cặp dĩa Trọng Thủy Mỵ Châu (20 câu Vọng Cổ). Sau đó, giọng anh cho hảng Asia thâu Tiếng tiêu trong vườn Thượng Uyển (cũng 2O câu Vọng Cổ). Tới đầu mùa Đệ nhất Cộng hòa, nữ danh ca Bạch Huệ và Ngọc Chiếu thâu 2O câu Vọng Cổ tựa là Ngưu Lang Chức Nữ.

Không hát được Vọng Cổ 32 nhịp, Ngọc Chiếu liền giả gái leo lên sân khấu múa những vũ khúc tuyệt vời. Trên sân khấu Lệ Liễu-- Tùng Lâm, màu trang điểm của anh ăn đứt màu trang điểm của Kim Vui. Chính nữ danh ca Mộc Lan đã có lần bảo tôi: “Hồi ban Thần Kinh từ Huế vào Sài Gòn, tôi đâu có biết trang điểm khi leo lên trên sân khấu. Chính anh Ngọc Chiếu dạy tôi làm sao trang điểm lộng lẫy, ăn ánh đèn sân khấu, không để cho ánh đèn sân khấu làm phai lợt màu hóa trang của mình đi.

Thảo nào các ký giả chuyên viết kich ảnh và ca nhạc chọn cho anh biệt hiệu Mai-Lan-Phương-Ngọc-Chiếu”. Mai Lan Phương là một nam kịch sĩ thời Trung Hoa Dân Quốc, nổi tiếng đóng vai thiên cổ mỷ nhân yêu nước. Nữ văn gia Pearl Buck đã từng là bằng hữu của ông. Ông giúp đỡ dân quân kháng chiến chống bọn quân Phát-xích Nhựt Bổn xâm lăng. Riêng bút giả HTA đã có lần lở dại bắt bồ với anh Ngọc Chiếu để tìm hiểu các danh ca cổ nhạc trước năm 1954.

Vào thời cận kim, có nhà thơ Lê Bích Ngô rất yêu kính nhà chí sĩ Phan Thanh Giảng. Ông Ngô có làm một bài Dương liễu từ bằng tiếng Hán gửi tặng ông Phan, lời thơ âu yếm, tình thơ thống thiết như thơ nàng Tô Huệ làm thơ rồi thêu trên gấm để gửi cho chồng. Người nhà dâng bức gấm lên cho vua, vua cảm động cho chồng Tô Huệ trở về cố hương, sum hiệp với nàng.

Trên đường trấn nhậm tới chỗ nào, quan Phan cũng treo bức lụa có viết bài Dương liễu từ. Nữ sĩ Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội dịch ra Việt ngữ để đưa vào cuốn tùy bút Dưới mái trăng non. Chúng ta có thể nghĩ về tình ý của ông Lê lẫn ông Phan bằng cách đoán mò, biết đâu lại trúng phóc. Tụi bọn gays ở Sài Gòn đồn rằng cố Tổng thống Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Cẩn đã trên 5O tuổi mà chưa vợ, chưa có lấm lem với cuộc tình ái phiêu lưu nào với phụ nữ. Vậy thì theo sự quả quyết của tụi nó, hai danh nhân nầy là gays. Có thể lắm chớ bộ. Sau cuộc đảo chánh Ngô Triều, thiên hạ bôi bẩn anh em họ Ngô trăm điều ngang trái ác ôn. Nhưng nghi vấn hai anh em nhà Ngô nầy là gays thì lũ gia nô nịnh thần cho rằng đây là sự vu oan phạm thượng. Vẫn có tin đồn rằng cố Tổng thống Ngô Đình Diệm có một cậu bé cưng thông minh xinh đẹp nên ngài vận động cho cậu qua Ý học ngành kiến trúc. Đã là gays có gì là xấu hổ, nhất là vào thời cao trào mới nầy.

Nghệ sĩ Vân Hùng bên tân nhạc, thoại kịch và điện ảnh là một nghệ sĩ lớn. Thuở đầu tiên, anh chiếm giải quán quân trong cuộc thi ca hát do đài Quốc Gia (hay đài Pháp Á) tổ chức. Lâu quá rồi (trên 60 năm có lẽ) tôi nhớ không rõ ba nghệ sĩ như Vân Hùng, Hùng Cường, Thanh Hùng, Tùng Lâm thi hát tân nhạc do đài nào tổ chức vào năm nào. Nhưng tôi tin chắc rằng Tùng Lâm ca hát trong thời gian quá ngắn ngủi. Nhưng khi giọng hát hư vữa, anh nhảy qua ban thoại kịch Dân Nam làm hề. Vân Hùng nhờ đẹp trai nhảy qua đóng thoại kịch Dân Nam làm kép đẹp. Anh đóng cặp với nữ danh tài Kim Cương rất xứng lứa vừa đôi. Cùng với Kim Cương, anh đóng các vai nho sinh trong các phim Lâm Sanh Xuân Nương, Châu Tuấn Thoại Khanh, Lưu Bình Dương Lễ. Cùng với Thẩm Thúy Hằng, anh đóng phim Áo Dòng Đẫm Máu. Cùng với Trang Thiên Kim, anh đóng trong phim Ông Hoàng Ốc. Cùng với Thanh Nga, anh đóng phim Hai chuyến xe hoa Người cô đơn. Là dân gay danh vọng, anh có nhiều cơ hội tìm bạn đồng tịch đồng sàng. Có gays Việt, có gays Âu Mỹ.

Tỉnh Vĩnh Long của bút giả HTA có một anh học sinh cấp trung học tên An chịu khó tập cơ bắp thẩm mỹ. Khi có một thân hình hùng tráng và cường tráng, anh lên Sài Gòn tìm Vân Hùng nhờ anh Vân Hùng giúp đỡ anh trong ngành thoại kịch. Vân Hùng khuyên anh An tập ca hát, trở thành ca sĩ một phòng trà có ca nhạc giúp vui. Vì ham mê danh vọng, anh An tuân theo lời đề nghị của Vân Hùng. Anh lại còn chịu làm người tình của Vân Hùng, lấy nghệ danh là Hùng An. Lúc đầu bút giả HTA tưởng anh An cắn răng chịu những màn kê gian với một tên gay có danh vọng lẫy lừng, Nhưng đâu phải như vậy. An là dân lưỡng tính luyến ái, cụp lạc với Vân Hùng đẹp trai là một hạnh phúc trời ban cho anh. Bút giả không biết phòng trà nào mà Hùng An cộng tác, cũng không rõ mối tình của Vân Hùng và Hùng An kéo dài được bao lâu.

Tôi có quen với bà chị dâu họ của Kim Cương. Thấy Vân Hùng & Kim Cương đẹp đôi trên sân khấu nên đốc riết Kim Cương nên xe duyên chỉ thắm với Vân Hùng. Kim Cương cười hềnh hệch bảo: “Lấy nó thà trao duyên cùng tướng cướp hoặc lấy con chó còn đỡ khổ hơn.” Bà chị dâu cho rằng Kim Cương kiêu hãnh muốn lấy chồng bảnh tẻng như trường hợp nữ danh ca Minh Hiếu kết duyên cùng Tướng Vĩnh Lộc, như Thẩm Thúy Hằng lấy Thống Đốc Ngân Hàng Nguyễn Xuân Oánh; về sau, ông Oánh lên chức Bộ trưởng Bộ Kinh tế.

Kim Cương và Vân Hùng diễn tả cặp uyên ương trên sân khấu ăn ý với nhau. Trong hậu trường, cả hai ưa xài xể với nhau những chuyện không đâu. Tuy nhiên, họ không gì đó mà rã rời nhau. Khi Vân Hùng lâm trọng bịnh, Kim Cương săn sóc anh thật chu đáo. Vân Hùng khi nằm chờ chết, có yêu cầu Kim Cương hát bài Sắc hoa màu nhớ của Nguyễn Văn Đông. Bản nhạc ấy Kim Cương và Vân Hùng có hát trong vở kịch cùng tên Sắc hoa màu nhớ. Kim Cương biết rằng đây là lời trăng trối của Vân Hùng nên vừa hát vừa khóc nhểu nhảo. Vân Hùng cũng vừa khóc vừa nắm tay người bạn đồng diễn của mình và nói: “Bà Kim ơi, tôi nhớ sân khấu quá!”

Ở hải ngoại, có một đôi bạn đồng tính luyến ái. Đó là nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng và nhà văn Nguyễn Đức Lập. Trầm Tử Thiêng có sáng tác trên 60 nhạc phẩm, nổi tiếng là Chuyện một chiếc cầu đã gảy, Bài Hương ca vô tận, Đưa em vào hạ. Nhạc đã hay, lại dễ hát, mà lời hát cũng thâm trầm ý nhị. Nguyễn Đức Lập là con trai của nhà văn nữ Tùng Long (dân Quảng Nam ) và nhà ái quốc Nguyễn Đức Huy (dân Quảng Ngãi). Nguyễn Đức Lập sinh ở Sài Gòn, trưởng thành và ăn học cũng ở Sài Gòn. Anh đậu bằng cử nhân luật, sau đó trở thành luật sư tòa thượng thẩm. Đây là một nhà văn nổi danh, viết văn bằng ngôn ngữ miền Nam tài hoa kkông thua nhà văn Lê Xuyên. Bút giả HTA có đọc cuốn tập truyện Trần ai khoai củ và tập truyện Nhứt biết nhì quen. Anh am hiểu ngành hát bội không kém nhà soạn kịch hát bội kiêm tài tử Đinh Bằng Phi. Trầm Tử Thiêng qua đời vào năm 2000, còn Nguyễn Đức Lập qua đời vào năm 2016.

Trước năm 1967, trong giới nghệ sĩ ca nhạc có anh Tây lai lấy nghệ danh là Jeanot, hát rất hay nhất là hát những ca khúc nổi danh của Pháp trong thập niên 60 . Anh để móng tay dài sơn phết lên màu đỏ chói. Khi hát anh ưỡn ẹo rất thục nữ. Lâu lâu anh diện áo sườn xám làm nữ minh tinh Lý Lệ Hoa. Đôi khi anh diện áo bà ba, quần mỹ a đen để làm nữ danh tài Kim Cương đóng vai cô gái bán hột vịt lộn trong vở kịch Dưới hai màu áo.

Vào năm 1969, Ngọc Chiếu và Jeanot lập một ban ca kịch. Ở bước đầu, ban ấy trình diễn ở Vũng Tàu, Jeannot vì bịnh xung tim mà chết.

Trong giới minh tinh nghệ sĩ ở Hollywood, nổi tiếng nhất là cặp Errol Flynn đẹp trai quyến rũ qua các phim Capitaine Blood (Đại úy Blood), Les Aventures de Robin des Bois (Cuộc phiêu lưu của chàng Robin des Bois). Errol Flynn cặp bồ với Tyrone Power đẹp như bài thơ lãng mạn, đã đóng những phim ăn khách như: Arènes sanglantes (Đấu trường đẫm máu), l’Aigle des mers (Đại bằng của biển cả), Ce n’est qu’un aurevoir (Chỉ là cuộc tạm biệt)...

Tài tử điện ảnh Cary Crant đẹp trai thường đóng phim hài hước với nữ thiên tài điện ảnh Katherine Hepburn. Những phim do ông ta đóng, bút giả HTA được xem là: Soupçons (Ngờ vực), La main au collet (Bàn tay bóp cổ), La mort aux trousses (Cái chết sau lưng), ba phim nầy do Afred Hitchcook đạo diễn… Có một thời gian dài ông ta sống chung với nam tài tử đóng trên 70 phim western là Rodolph Scott. Biết bao là tiếng thị phi trong thủ đô điện ảnh Holywood. Nữ minh tinh Marlene Dietrich được báo chí trên hoàn vũ gọi là nữ thần nhục thể. Bà nói thẳng thừng rằng Cary Crant là tên gay chánh hiệu như 1 cộng với 1 là 2. Nhưng Cary Grant kết hôn lần đầu tiên với nữ tài tử Virginia Cherrill, lần thứ hai với nữ tỷ phú Barbara Hutton, lần thứ ba với Betsy Drake trí thức, lần thứ tư với Dyan Cannon ngôi sao điện ảnh đang lên. Dyan Cannon sinh cho chàng một con gái tên Jennifer. Rồi cả hai lại ly di. Gần tới tuổi hoàng hôn sắp tắt, Cary Grant thêm một lần nữa cưới một cô vợ tên là Barbara Harris.

Nam diễn viên điện ảnh Marlon Brando cũng thuộc hạng lưỡng tính luyến ái. Đây là một nghệ sĩ lớn qua các cuốn phim lớn Un tramvay nommé Désir (Chiếc xe có cái tên “Dục Vọng”), Sur les quais (Trên những bến tàu), trong phim nầy chàng đoạt giải Oscar (1955) qua vai chánh xuất sắc nhứt. Những phim mà Marlon Brando có trình chiếu ở Sài Gòn như Sayonara (Tiếng Nhật: Giả từ), Tea house of the August moon (Trà thất dưới trăng thu), Désiré (Hoàng hậu Désiré), Le Parrain (Bố già). Lại thêm một lần nữa, Marlon Brando lãnh giải Oscar qua phim nầy vào năm 1973 ...

Marlon Brando còn vừa làm đạo diển vừa đóng vai chánh phim La vengence aux deux visages (Hận thù đôi mặt). Chàng làm cho hao tốn nhiều thước phim. Nếu đem chiếu thử phải tốn 4 tiếng đồng hồ. Cho nên thợ ráp nối cắt bỏ những khúc phim vô ích, những khúc phim lập đi lập lại.

Marlon Brando thuộc lưỡng tính luyến ái. Chàng trải qua 3 đời vợ. Anna

Kashfi (lai Ấn độ), Movita Castaneda (gốc Mễ-tây-cơ), Tarita (thuộc dân đảo Tahiti). Chàng thích phụ nữ tóc đen, như giống dân La-tinh, giống dân Á Châu. Đây là thứ đàn ông làm khổ vợ nhà, luôn cả tình nương. Anna Kashfi có viết cuốn Brando au petit déjeuner (Ông Brando ăn điểm tâm). Như vậy có nghĩa là nàng chỉ khủng bố chàng sơ sịa như thực khách mới ăn qua loa bữa điểm tâm. Rồi đây nàng sẽ cho Marlon ăn bữa trưa và bữa ăn tối. Như thế có nghĩa là hăm he sẽ khủng bố chàng hai phen dữ tợn hơn so với lần đầu. Nàng không quên cho rằng Marlon Brando và James Dean là bisexsuels. Nàng còn nói cái sex chàng Brando có 3 hòn nang. Nàng còn tiếp tục khui xấu là chàng chơi thân với điện ảnh goia Roger Vadim (chồng cũ của Brigitte Bardot) và nam tài tử nước Pháp tên là Chistian Marquand. Cả ba đi Monmartre để hành lạc mà Yên Tử cư sĩ bảo là “nga môn khoái lạc”. Có nghĩa là bắt một con vịt, đút cái dương vật của khách tìm vui vào hậu môn của vịt, rồi lấy dao bén thình lình chém vào cổ của nó ; hậu môn siết chặt và buông lỏng liên miên làm cho khách xuất tinh sướng khoái rùng rợn.

Người đàn bà ghen tuông và thù oán người chồng bội bạc không từ nan những chuyện thật lẫn chuyện theo tin đồn man trá họ đâu dễ gi bỏ qua.

Marlon Brando thường tuyên bố: “Tôi không ngần ngại gì người ta đồn rùm beng tôi bắt tình với tài tử Jack Nicholson, tuy tôi có nhiều kinh nghiệm về đồng tính luyến ái. Tôi không vì chuyện đó mà thân bại danh liệt. Tôi chỉ nực cười và coi chuyện ấy như một trò đùa thú vị”.

Nam danh tài điện ảnh là Paul Newman là dân gay nhưng là lưỡng tính luyến ái. Vào 29 tuổi, chàng ta mới bắt đầu đóng phim Calice d’argent (Chiếc chén bạc). Chàng ta đẹp trai, gương mặt tươi nhuận, thân hình rắn chắc, bụng chia làm 6 miếng rất ưa nhìn. Chàng ở khách sạn Marmant rất nổi tíếng. Cũng trong khách sạn ấy còn có James Dean và Anthony Perkins thê để ở tạm. Chàng Anthony nọ có chân dung đẹp khả ái. Thân vóc chàng hơi gầy, nhưng thân hình chàng rắn chắc, có bắp thịt ngực khá nổi, bụng thon chia ra làm 6 miếng. Tóm lại, Anthony gầy mà đẹp, đối chọi với cái mập mà cũng đẹp không như Charles Bronson, như Jean Paul Belmondo vào tuổi ngũ tuần. Anthony Perkins lúc đầu đóng những vai xoàng xĩnh trong những phim không nổi tiếng. Nhưng trong phim La Tête à l’envers (Tựa tiếng Anh là Tall story Chàng cao kều) bên cạnh nữ tài tử Jane Fonda, chàng ta mới được giới yêu xi-nê-ma chú ý. Cái thân hình đẹp trong bộ quần xì-bo ôm lấy thân vóc mảnh mai của chàng làm các cô dâm phụ trong đó có nữ sĩ CBM chú ý tới. Rồi cuốn phim Vertes demeures / Những ngôi nhà xanh bíếc bên cạnh Audrey Hepburn, chàng ta tắm bán khỏa thân thì con dâm phụ CBM làm sao khỏi mê man rụng rời. Những vai khá xuất sắc của chàng trong phim Loi du Seigneur (Luật Thượng đế) bên cạnh ngôi sao điện ảnh Gary Cooper, phim Barrage contre Pacique (Đập nươc ngăn biển Thái bình) bên cạnh nữ tài tử Silvana Mongano, phim La Dernière rivage (Bờ biển cuối cùng) bên cạnh Ava Gardner, Gregory Pecker, Fred Aster.

Sau khi làm quen nhau, hiểu sơ sơ nhau về thân thế nhau, Paul Newman ở chơi tại căn apartenant của Anthony Perkins suốt 3 tuần lễ. Chàng Paul là một diễn viên điện ảnh với lối diễn xuất già dặn, đóng trên 50 phim. Đại khái là phim Les feux de l’été (Lửa mùa hè) với Joanne Wodward, La Chatte sur un toit brulant (Con mèo cái trên nóc nhà cháy) với Elizabeth Taylor, Doux oiseaux de jeunesse (Nhũng com chim hiền thục thời tuổi trè) với Geraldine Page và Shirley Knight. Chàng chỉ được Hàn-lâm-viện ban giải Oscar qua phim Couleur d’argent (1986). Khi làm đạo diễn chàng thực hiện rất nhiều phim xuất sắc trong đó có phim Rachel Rachel đoạt giải Oscar (1968) và giải Golden Globe (1969).

Tới đây bút giả HTA xin góp 3 nam tài tử ở Kinh đô điện ảnh Hoa-lệ-ước vào nửa thập niên 50. Đó là Tab Hunter, Troy Donahue và George Chakiris. Tab Hunter đẹp trai, nhân diện và phong thái thật toàn hảo, nhưng tài nghệ diễn xuất không đáng chê và cũng không đáng khen. Trước đó anh có đóng phim Le cri de la victoire (Hò reo chiến thắng) với 2 nữ diễn viên Mona Freeman và Dorothy Malone. Anh chủ diễn trong phim Les Collines brûlantes (Những ngọn đồi bốc lửa) với nữ minh tinh Natalie Wood. Tab Hunter có người bạn lòng tên Allan Glaser (1983).

Còn Troy Donahue cũng là kép đẹp nổi tiếng trong thập niên 50 với mái tóc màu lúa mì chín, với khuôn mặt đậm đà. Anh nổi tiếng qua phim Ils n’ont que vingt ans (Chúng nó chỉ mới tuổi hai mươi) với Dorothy McGuire và Sandra Dee và phim Le soif de la jeunesse (Kho khát tuổi trẻ) vói Connie Steven và Diane Mcbain, Claudette Colbert. Đã có một thời Troy Donahue cưới nữ tài tử đẹp là Suzanne Pleshette. Ăn ở với nhau chừng 8 tháng thì nàng ngâm câu thơ của Thế Lữ: Anh đường đi anh, tôi đường tôi /Tình nghĩa đôi ta có thế thôi”.

George Chakiris có tài ca múa trên sân khấu. Chàng vừa đẹp trai mà lại đóng phim khá xuất sắc. Chàng hát bản Maria cho phim West side story và trình diễn những màn múa tuyệt vời.. Phim hoàn tất năm 196O và trình làng

1961. George Chakiiris lãnh giải Oscar qua vai phụ trong phim West side story. Ngoài ra, George Chakiris còn đóng các phim như Les rois du soleil với

Yul Brynner, phim Seigneur d’Hawai với Charton Heston.

Chu choa ơi, tôi quên tài tử điện ảnh Mỹ rất mi-nhon tên là Sal Mineo. Chàng có đóng một vai quan trong phim Rebel without a cause /Nối loạm không duyên cớ của định ảnh gia Nicolas Ray bên cạnh James Den và nữ tài tử Natalie Wood. Phim nầy gây xui xẻo. James Deen phóng xe hết lực, chết vì xe đổ nhào, Natalie Wood bị chết đắm. Sal Mineo chết vì bọn du đảng đâm lủng ruột. Cả ba chết còn trẻ: James Deen và Sal Mineo chưa quá tuổi 30. Natalie Wood chưa quá 40.

Xưa nay, những nghệ sĩ gays lừng danh chẳng có mấy ai, nhưng cũng có nhiều thiên tài, chẳng hạng họa sư danh tiếng lừng lẫy khắp hoàn vũ như Léonard de Vinci qua bức tranh La Joconde biến người mẫu là nàng Mona Lisa trở thành bất hủ. Lại còn họa sư Michel Ange nắn tượng vua David từ năm 1501 đến năm 1504. Sau đó, với bức họa trên vòm giáo đường Sixtine thuộc vùng Florence Sự tạo nên Adam (La création d’Adam) từ năm 1508 đến năm 1512 .

Đi xa hơn nữa, trong Thần thoại và Truyền kỳ Hy Lạp La Mã (Mythologies et Légendes grecques et latines), chúng ta bắt gặp những thiên thần trên đỉnh núi Olympia, có nhiều vị giao hoan với đàn bà mà còn thiếm xực tới trai trẻ xinh tươi. Họ là lưỡng tính luyến ái. Chẳng hạng như thần Jupiter có vợ là Junon, lại ưa xuống tìm những bà hoàng và các công chúa để giao hoan. Tới tuổi chớm già, nhưng vẫn còn mỹ mạo Jupiter lại động lòng dâm dục muốn kê gian với hoàng tử Ganymède. Ông hóa thân chim đại bàn to khủng khiếp xớt hoàng tử bằng đôi cánh đưa về đỉnh cao sơn Olympia, thay thế con gái út của mình là thần nữ bé bỏng Hébé. Cô sớm hôm rót rượu cho các vị thần. Hébé được gả cho vị thần chiến thắng Hercule.

Thần Hercule có Homéra là vợ thứ nhất Mégara, vợ kế là Omphale. Ngoài ra thần còn có những mỹ nam để ân ái như: Iolas, đứa cháu trai thông minh dĩnh ngộ của thần, Hylas, chàng trai tuấn mỹ đã làm cho kiều nga mỹ nữ trên mặt đất (les nymphes) phải say sưa mê đắm. Hercule còn hành dâm với Abdéros, chàng trai coi sóc những con thần mã trong tàu ngự trên đỉnh núi Olympia.

Còn nữa, vị thần Thái Dương chăm sóc nghệ thuật (thần Apollon) đẹp huy hoàng, bắt tình cùng tiên nga thần nữ trên thiên đình và kiều nga mỹ nữ nơi hạ giới. Thần có gặp gỡ những mỹ nam ở hạ giới như hoàng tử Hacinthe, rồi cùng nhau loan điên phụng đảo thâu đêm suốt sáng. Hoàng tử chơi trò ném dĩa, rủi bị một chiếc dĩa ném trúng vào thái dương trên mặt, phải chết, để lại một thiên trường hận cho thần. Apollon còn dan díu với những mỹ nam khác như: Cyparisse, Hélénos, Carnos, Leucatas, Branchos... Đáng kể nhất là Hyménaios (kêu tắt là Hymen) chẳng những được thần Thái Dương yêu dấu mà còn được Thần Xuân Phong (tên thật là Zéphir, tạo nên gió xuân mát dịu cho xứ sở Hy lạp) say đắm đảo điên. Thần Hymen là con của Tửu Thần (Thần chăm sóc về mùa màng trái nho và chỉ bảo cách làm rượu nho, tên gọi Bacchus) và con của Thần Vệ Nữ. Thần chủ trương làm đẹp cuộc hôn nhân, ủng hộ các tân lang, và tân nương sắc cầm hảo hiệp đến trọn đời. Còn thần Zéphir kết hợp với nữ thần Chloris sanh ra thần Carpos.

Các bạn đồng trẩy đò chung với tác giả HTA ơi, qua bài văn nầy nên dẹp bớt thẹn thùa để sống an lành như bao người dị tính luyến ái khác. Đồng tính cũng như dị tính là cái khuynh hướng của tình cảm lẫn tình dục, nói theo chị Thụy Khuê, không thưốc thang nào chửa khỏi, hông có hình phạt nào để trừng trị người đồng tính luyến ái vì nó không phải là tội ác, không phải là kẻ gây án mạng. Nó cần sự cảm thông. Sự cảm thông sẽ nâng cao kiến thức và giá trị người nhìn những kẻ đồng tính. Riêng về bút giả HTA, bọn đồng tính luyến ái chỉ cần thành thật chung tình nhau là đủ rồi, cần gì phải làm hôn lễ rườm rà.