Lâm Văn Bé
![]() |
Giáo Sư Hoàng Tụy, nhà giáo lão thành và nhà toán học số một của Việt Nam, trong bài tham luận đăng trên báo Tia Sáng online ngày 5 tháng 10 năm 2009 có tựa là Giáo dục: xin cho tôi nói thẳng đã chỉ trích giới lãnh đạo giáo dục bất tài. Sau đây là đoạn văn làm chết tờ báo:
“…Giáo dục đại học cao đẳng có nhiều chuyện ly kỳ. Khắp nước, kể cả đại học quốc gia, tràn lan và bát nháo “đào tạo liên kết”, môn học một học kỳ chỉ cần 3-4 ngày là xong hết cả học và thi, nên ai cũng học được, trường trung cấp cũng đào tạo thạc sĩ là chuyện hi hữu trên thế giới. Hóa ra hiểu đại chúng hóa thị trường đại học là thế. Chẳng lạ gì trong vài năm đã xuất hiện hàng mấy trăm đại học mới, lại sắp có cả Văn Miếu hiện đại xây dựng trên 25 ha đất cho đủ chỗ vinh danh hết tiến sĩ thời nay. Lạ nhất là đề án tiến sĩ hóa, thạc sĩ hóa 100% cán bộ công chức của thủ đô để “đột phá tư duy lãnh đạo”. Cái não trạng sính bằng cấp và thói hư học thâm căn cố đế bị lợi dụng triệt để, biến kinh doanh chữ nghĩa thành một nghề phát đạt chưa từng thấy…” (Hoàng Tụy. Nói thẳng về giáo dục).
Mặc dù báo Tia Sáng đã bị im tiếng, nhưng tiếng nói thẳng của GS Hoàng Tụy vẫn sống mãi với thời gian. Ông đã cống hiến cho người dân và nhà giáo Việt Nam một công trình khoa học và giáo dục vô giá mà quyển sách “Xin được nói thẳng” của ông được xem vừa là một bản cáo trạng, vừa là một di chúc cho giới chính trị và giáo dục Việt Nam.
Ngưỡng mộ tài năng và đức độ của GS, tuy không có cơ may được thọ giáo, người viết tôn kính GS như bậc thầy.Trong tâm tưởng ấy, người viết xin ghi lại nỗi bi phẫn của một nhà giáo xa xứ đã 50 năm về thực trạng bi đát của nền giáo dục Việt Nam, đặc biệt về giáo dục đại học.
1- Đại học lạm phát
![]() |
Trên thế giới, không một quốc gia nào có số đại học được thành lập chiếm kỷ lục trong một thời gian rất ngắn như Việt Nam.
Vào năm 1975, Việt Nam Cộng Hòa có 3 viện đại học công lập: Viện Đại Học Saigon với 8 trường đại học, VĐH Huế với 5 phân khoa, VĐH Cần Thơ với 4 phân khoa, 2 trung tâm là TT Kỹ Thuật Phú Thọ với 4 trường Cao Đẳng (năm 1974 trở thành Đại học Bách Khoa Thủ Đức) và TT Quốc Gia Nông Nghiệp, 3 Đại Học Cộng Đồng là Đại Học Tiền Giang (Mỹ Tho), Đại Học Duyên Hải (Nha Trang), Đại Học Quảng Đà (Đà Nẵng) và Học Viện Quốc Gia Hành Chánh.
Về đại học tư có 6 đại học: Đà Lạt, Vạn Hạnh, Minh Đức, Phương Nam, An Giang (Hòa Hảo), Tây Ninh (Cao Đài). Tuy chỉ được xây dựng trong vòng 20 năm, hệ thống giáo dục đại học miền Nam có cơ sở và trang bị đầy đủ và ban giảng huấn là các học giả, giáo sư có văn bằng cao học và tiến sĩ.
Tại miền Bắc, ngoài 5 trường đại học tại Hà Nội (Y khoa, Bách Khoa, Tổng Hợp, Sư Phạm, và Nông Lâm Súc) được mở vào niên khóa 1956-57, đến năm 1965 có có thêm 20 trường nhỏ và 95 lớp đào tạo đại học. Tình trạng đại học sơ khai, chỉ hoạt động bình thường trong 10 năm đầu, nhưng kể từ 1965, các trường phải sơ tán vì bị dội bom và sinh viên phải vượt Trường Sơn vào Nam đánh “Mỹ-Ngụy”. Như vậy, vào năm 1975, khi cộng sản chiếm Saigon, Việt Nam có khoảng 100 trường đại học lớn nhỏ, đa số tại miền Nam.
Trong suốt 10 năm đầu thống nhứt, vì ngu dốt, nghèo đói và bận lo cướp của (1975 - 1986), Cộng Sản chẳng bận tâm gì đến giáo dục. Trái lại, họ sử dụng giáo dục là công cụ tuyên truyền mà họ gọi một cách văn vẻ là “giáo dục tinh hoa”, theo đó đa số sinh viên và trí thức được đảng tuyển chọn đi học tại Liên Sô và các nước Đông Âu để trở về làm việc cho đảng.
Cho đến tháng 8 năm 1987, Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp mới triệu tập các hiệu trưởng và Bí thư Đảng ủy các trường đại học về họp tại Nha Trang để thảo luận kế hoạch xây dựng và phát triển đại học. Trong thời kỳ đổi mới 1986 - 2006, giáo dục đại học có nhiều nỗ lực cải cách nhằm hướng tới giáo dục đại học tân tiến.
Thủ tướng Võ văn Kiệt đã thành lập Đại học Quốc gia Hà Nội năm 1993, ba trường đại học vùng ở Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng năm 1994 và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh năm 1995. Giáo sư Trần Hồng Quân, Bộ Trưởng Giáo Dục (1987-1997) có tư duy đổi mới như thủ tướng Võ văn Kiệt , có tầm nhìn chiến lược, sáng tạo, hướng tới hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, đảng Cộng sản VN vẫn coi giáo dục đại học là một công cụ phục vụ đường lối chính trị; đổi mới” chỉ là một thử nghiệm theo lối “vừa làm, vừa học, vừa sửa” nên giáo dục đại học chẳng có tiến bộ gì nhiều.
Giáo dục đại học bắt đầu đổi hướng và trở nên hỗn loạn sau năm 2006 dưới thời bốn ông Bộ trưởng Giáo Dục Đào Tạo, nhất là dưới thời hai ông Nguyễn Thiện Nhân và Phùng Xuân Nhạ.
“Chỉ trong một nhiệm kỳ 5 năm (2005-2010) dưới thời ông Nguyễn Thiện Nhân, số trường đại học và cao đẳng tăng từ 255 trường lên đến 434, tức thêm 179 trường, trung bình mỗi năm có 37 trường, như vậy mỗi tháng có 3 trường mà các lãnh đạo của Bộ Giáo Dục phải xem xét, phê duyệt hồ sơ để trình lên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng” ( Nguyen Quang Anh. L’enseignement supérieur vietnamien…, p.26)
![]() |
Với mục tiêu thương mại hóa đại học, ông Nguyễn Thiện Nhân cho mọc lên các trường nhiều như nấm bằng cách nâng cấp các trường trung cấp thành trường cao đẳng rồi đại học, bất chấp tình trạng yếu kém cơ sở và ban giảng huấn. Hậu quả tất nhiên là có những trường trung cấp tốt, sau khi nâng cấp trở thành trường cao đẳng tệ, và trường cao đẳng tốt sau khi nâng cấp trở trường đại học tồi.
Một vài thí dụ trong số hàng trăm “trường đại học nâng cấp”, sáng kiến ưu việt của ông bộ trưởng có biệt danh là “trơ như đá, vững như đồng” (bất tài nhưng nhiều quyền lực vì kiêm phó thủ tướng)
- Trường Đại học Kiểm Sát Hà Nội trực thuộc Viện Kiểm Sát, nguyên là trường trung cấp đào tạo nhân viên cho Viện Kiểm Sát Nhân Dân (1970) được nâng cấp là Cao đẳng (1982) rồi Đại học (2005).
- Trường Đại học Nội Vụ Hà Nộitrực thuộc Bộ Nội Vụ gốc là Trường Trung học Văn Thư Lưu Trữ Trung Ương (1971) được nâng cấp là trường Cao Đẳng Văn Thư Lưu Trữ (2005) rồi Đại Học Nội Vụ (2011), và sau cùng sát nhập vào trường Đại Học Hành Chánh Quốc Gia (2022).
- Trường Đại học Sao Đỏ thuộc Bộ Công Thương, từ Trung học Công nghiệp Cơ Điện ở thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương, nâng cấp thành trường Cao Đẳng Công Nghiệp Sao Đỏ (2001) rồi Đại học Sao Đỏ (2010).
– Trường Đại học Saigon: gốc là trường Sư Phạm cấp 2 ở Chiến Khu C (quận Tịnh Biên, tỉnh Tây Ninh) thành lập năm 1972, chuyển về TP Hồ chí Minh tháng 5/1975, sát nhập với trường Sư Phạm Saigon nâng cấp thành trường Cao đẳng Sư Phạm TPHCM (1976), rồi Đại học Saigon (2007).
![]() |
Ngoài chuyện nâng cấp trường, từ năm 2010, chánh phủ có sáng kiến mở các phân hiệu đại học để phân phát quyền lợi và quyền lực cho các lãnh chúa địa phương và phe đảng giáo sư tiến sĩ. Trong nước, có 30 đại học phân hiệu. Trường Đại học Công Nghiệp TPHCM, ngoài cơ sở chính còn có ba phân hiệu tại Thái Bình, Thanh Hóa và Quảng Ngãi. Trường Đại học FPT có năm phân hiệu tại Đà Nẵng, TPHCM, Cần Thơ, Quy Nhơn và Bình Phước. Không phải chỉ có trường lớn mới lập phân hiệu như Đại học Quốc Gia TPHCM lập phân hiệu ở Bến Tre, mà cả những trường ở các tỉnh nhỏ cũng lập phân hiệu như tỉnh Đắk Lắk có 6 trường đại học, 2 phân hiệu.
Phùng Xuân Nhạ là Bộ Trưởng Giáo Dục ĐàoTạo tồi tệ nhứt của VN. Bị tố cáo đạo văn, tự phong chức vụ Chủ tịch Hội đồng Chức danh dù không đủ điều kiện, trách nhiệm trong các kỳ thi Trung học Phổ thông năm 2018, 2021, trong việc bán văn bằng giả ở Đại học Đông Đô… Khi các nữ giáo viên bị Ủy Ban Nhân Dân xã ép đi tiếp rượu cho viên chức, ông tuyên bố: “Các thầy cô phải tự xem xét mình, xong mới tính đến người ép buộc”. GS Hoàng Tụy đã lên tiếng: “Thật là nhục cho nền giáo dục và khoa học VN. Một bộ trưởng mà như thế, biết tự trọng thì nên từ chức” (Wikipedia).
2A - Thống kê số trường đại học 2005-2016
Loại trường | Số trường | ||
2005 | 2010 | 2016 | |
Trường đại học công | 111 | 137 | 170 |
Trường đại học mở | 2 | 2 | 2 |
Trường đại học tư | 27 | 50 | 65 |
Trường cao đẳng công | 130 | 197 | 189 |
Trường cao đẳng nghề | 0 | 120 | 190 |
Trường cao cao đẳng tư | 7 | 30 | 28 |
Tổng cộng | 277 | 536 | 644 |
World Bank. Improving the Performance of Higher Education in VN… (p. 38)
2B - Thống kê số đại học, trường đại học, trường cao đẳng vào tháng 12/2024
Truy tầm chi tiết và cập nhật tên các cơ sở đại học và cao đẳng vào tháng 12/ 2024, người viết tìm thấy trên Wikipedia có 9 đại học phân chia thành 768 trường đại học và trường cao đẳng như sau:
Đại học công lập
- 2 Đại học Quốc gia Hà Nội và Thành Phố Hồ Chí Minh có 16 Trường đại học thành viên (Hànội: 9, TP Hồ Chí Minh:7)
- 3 Đại học Vùng là Đại học Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng có 24 Trường đại học;
- 3 Đại học Lãnh vực là Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế TP HCM, ĐH Kinh Tế Quốc dân (Hà Nội) có 11 Trường đại học.
![]() |
Ngoài 51 trường đại học thành viên như trên, 8 đại học trên còn có 55 cơ sở trực thuộc (khoa, phân khoa, viện, phân viện, phân hiệu, trung tâm) được xem như tương đương với trường đại học, như vậy 8 đại học công lâp có tổng số là 106 trường đại học.
Đại học tư thục
Ngày 07/10/2024, chính phủ biến đổi Trường đại học Duy Tân trở thành Đại học Duy Tân, là một đại học tư thục đầu tiên của Việt Nam có 8 trường đại học trực thuộc. (hình trên)
Từ nhiều năm nay, đại học tư thục Duy Tân đã được xếp hạng quốc tế cao hơn các đại học công lập, kể cả hai đại học quốc gia. Thí dụ như bảng xếp hạng năm 2023: hạng quốc gia: 5 (VNUR), hạng Châu Á: 145 (QS), hạng thế giới: 401-500 (THE). “Tuy nhiên, trường có nhiều bê bối như: thành tích ảo trong nghiên cứu khoa học, gian lận tác giả, giảng viên lan truyền thông tin sai lệch về đại dịch COVID-19 , tuyển sinh, sử dụng người lao động và tài chính” (Wikipedia). Tuy khá nhất trong giới đại học VN, nhưng gian xảo vẫn là đặc thù của các con cháu “Bác”, thế giới ai cũng “biết danh”.
Hệ thống các trường đại học
Cộng chung trên cả nước có 248 trường đại học công lập, nhưng thực sự chỉ có 31 trường đại học trực thuộc Bộ GDĐT, số còn lại trực thuộc các bộ, các cơ quan khác và Ủy Ban Nhân Dân các tỉnh và thành phố.
- Các bộ: Bộ GDĐT (31); Bộ Y Tế (11); Bộ Văn Hóa Thể Thao Du Lịch (13); Bộ Công Thương (9); Bộ Giao Thông Vận Tải (4); Bộ Xây Dựng (4); Bộ Lao Động Thương Binh và Xã Hội (4); Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn (4); Bộ Tài Chánh (4); Bộ Tài Nguyên Môi Trường: 2; Ngân hàng Nhà Nước: 2; Viện Hàn Lâm Khoa học và Công Nghệ: 2.
- Các tôn giáo: 8
- Các cơ quan, tổ chức: 16
- Ủy Ban Nhân Dân tỉnh, thành phố: 27
- Trường đại học tư thục: 60
- Trường đại học nước ngoài: 7
- Trường Đại học Quân sự: 28
- Trường Đại học Công An: 8
- Trường Dự Bị Đại học Dân tộc:4
Tổng cộng Trường đại học: 248 + 106 (thuôc 8 đại học công)+ 8 (thuộc 1 ĐH tư) = 362
Hệ thống Trường Cao Đẳng
- Cao Đẳng Công Lập: Sư Phạm: 38
- Cao đẳng Tư Thục: Sư Phạm:1
- Cao đẳng Y Tế: 39
- Cao đẳng Chuyên Nghiệp: 102
- Cao đẳng Nghề: 184.
- Trường Cao Đẳng Thục: 42
Tổng cộng Trường Cao Đẳng: 406
Tổng cộng Trường Đại học và Cao Đẳng: 362+ 406 = 76 8
(Nguồn: Danh sách trường đại hoc, học viện và cao đẳng tại VN (Wikipedia 10/12/2024)
3- Đại học tư là một doanh nghiệp
Nhớ lại từ khi có chánh sách mở cửa vào năm 1986, Đảng Cộng Sản Việt Nam đã bày trò thành lập các đại học tư thục, lúc ấy có tên là đại học dân lập , nhưng thực chất là dùng vốn của tư nhân để bành trướng thêm số trường đại học nhằm mục đích lòe thế giới và hốt tiền của dân. Quyền quản trị vẫn trực tiếp trong tay của đảng cho đến năm 2005, sự tách biệt giữa công và tư mới rõ ràng. Từ đó, đại học dân lập đổi tên là đại học tư thục hay đại học ngoài công lập.
Số trường đại học tư thục phát triển như sau: năm 1988: 1 (đại học Thăng Long); 1994: 5; 2000: 16; 2005: 20; 2010: 51. Tổng cộng năm 2016: 60 (25 năm hình thành phát triển đại học tư thục).
Thông thường, thành lập một đại học, dù công hay tư, là một biến cố giáo dục quan trọng, đem lại niềm tự hào cho dân tộc. Với VN, mở thêm một đại học tư là xuất hiện thêm một tập đoàn kinh doanh, mở rộng thêm vết rạn nứt của ngôi nhà đại học đã mục nát. Tại nhiều quốc gia, các đại học tư thục thường là những tổ chức phi lợi nhuận, nhưng tại VN, lập một đại học tư thục là lập một công ty dùng giáo dục hỗ trợ cho công việc làm ăn.
Điển hình như bài giới thiệu Trường Đại học Tư Thục Quốc Tế Hồng Bàng đăng trên trang mạng của trường như sau: “Đại Học Quốc Tế Hồng Bàng” (tên gọi tắt HIU) là trường đại học đào tạo đa ngành nghề trong hầu hết các lĩnh vực quan trọng có nhu cầu xã hội cao. Tập đoàn Nguyễn Hoàng (NHG/Nguyen Hoang Group) là chủ đầu tư của trường Đại học Quốc Tế Hồng Bàng, sở hữu hệ thống giáo dục khép kín từ bậc Mầm non đến Tiến sĩ với các cơ sở trải dài khắp trên lãnh thổ Việt Nam. Bên cạnh lĩnh vực đầu tư mũi nhọn và giáo dục đào tạo, NHG cũng là chủ đầu tư các hệ thống nhà hàng, khách sạn, bất động sản, nhà nghỉ dưỡng…”.
Từ cửa hàng bán máy tính năm 1999, đại gia Hoàng quốc Việt chủ nhân tập đoàn NHG hiện nay sở hữu 60 cơ sở giáo dục trên 28 tỉnh và 5 đại học có đào tạo tiến sĩ là ĐH Hoa Sen, ĐH Quốc Tế Hồng Bàng, ĐH Gia Định, ĐH Bà Rịa-Vũng Tàu, ĐH Công Nghệ Miền Đông (MIT). Năm 2022, Ủy Ban Nhân Dân TPHCM đề nghị “liên kết” 4 trường đại học lớn của tập đoàn NHG nầy trở thành Đại học có sự ủng hộ của Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhưng “ông trùm giáo dục tư nhân” nầy chờ bán xong hai đại học Hoa Sen và Hồng Bàng rồi sẽ tính.
Ngoài ra, tháng 01/ 2020, một trường đại học tân kỳ cũng được khánh thành ở Hà Nội tên là VinUni của tập đoàn VinGroup tỉ phú Phạm Nhật Vượng với sự “hợp tác chiến lược” của đại học Cornell và đại học Pennsylvania, dự trù sẽ lọt vào “top 50 của các đại học trẻ trên thế giới vào năm 2049”. Học phí mỗi năm: 35 000 USD cho học trình cử nhân và 40 000 USD cho học trình hậu đại học.
Thì ra đại học VN, công cũng như tư, đều nằm dưới quyền sinh sát của đảng và đại gia .
Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã. Không phải chỉ có các đại gia Việt Nam độc quyền mở trường tư để thu học phí cao và bán văn bằng giả, giới đầu tư ngoại quốc cũng xông vào Việt Nam để khai thác thị trường béo bở nầy. Tiến sĩ Mark A. Ashwill, Giám Đốc cơ quan Capstone Việt Nam có trụ sở ở Hà Nội chuyên về kiểm định các trường đại học đã công bố danh sách 21 trường đại học Mỹ có mặt tại VN nhưng không được công nhận bởi cơ quan kiểm định Hoa Kỳ. (Giới chức giáo dục Hoa Kỳ tố cáo 21 trường mạo danh ở VN).
Các trường đại học giả hiệu nầy đã hoạt động tại VN từ lâu, nhưng Bộ Giáo Dục-Đào Tạo làm ngơ hay thông đồng để thu lợi nhuận rất cao vì các đảng viên trung kiên, từ địa phương đến trung ương cần một văn bằng để được hợp thức hóa việc thăng chức. Văn bằng càng cao như thạc sĩ, tiến sĩ thì giá văn bằng càng “khủng”.
Trong bối cảnh lạc hậu và bát nháo của giáo dục đại học như vậy, du học là giấc mơ của sinh viên VN để hi vọng đổi đời. Đối với đám con ông cháu cha và con cháu các đại gia làm ăn với chế độ, họ mong đạt được một cấp bằng hay một chứng chỉ của bất cứ một đại học nào hay một quốc gia nào ngoài VN để hợp thức hóa các ngôi vị của cha ông truyền lại. Đối với các sinh viên trung lưu không thân thế mong được du học để trở về tìm được một chỗ làm tốt trong các xí nghiệp ngoại quốc hay may mắn hơn thoát được vĩnh viễn cái quốc gia ngự trị bởi chế độ độc tài. Người ít khá giả hơn, vì không có phương tiện du học đành tìm lối thoát bằng cách du học tại chỗ (Cộng sản có những danh từ ngộ nghĩnh) trong các đại học tư thục ngoại quốc tại VN, hoặc do ngoại quốc đầu tư vốn 100%, hoặc do vốn ngoại quốc hợp tác về tài chánh và đào tạo với chánh phủ VN.
Hiện nay, tại VN có 7 trường đại học và cao đẳng tư thục ngoại quốc:
- Trường RMIT = Royal Melbourne Institute of Technology (Úc);
- Trường Đại học Fulbright VN (Mỹ);
- Trường Đại học Mỹ tại VN = The American University in Vietnam;
- Trường Đại học Y Khoa Tokyo = Tokyo Human Health Sciences University Vietnam;
- Trường Đại học Anh Quốc tại VN (British University in VN);
- Trường Đại học Công nghệ Swinburn-FPT-VN (Úc);
- Trường Đại học Greenwich FPT-VN (Anh).
Ngoài ra còn có một số đại học hỗn hợp VN và ngoại quốc như:
- Đại Học Việt-Đức - Vietnamese-German University;
- Đại Học Việt-Nhật – Vietnam -Japan University;
- Đại Học Việt-Pháp (còn gọi là Đại Học Khoa Học và Công Nghệ Hà Nội - University of Science and Technology Hanoi (USTH).
![]() |
Mặc dù ra rả chửi đế quốc tư bản, nhưng cộng sản rất “háo” tư bản. Có khoảng 20 trường đại học và cao đẳng tư thục gắn thêm trong bảng hiệu chữ quốc tế như Đại Học Quốc Tế Hồng Bàng, hay một địa danh ngoại quốc như Cao Đẳng Y-Dược ASEAN…
4- Quản trị đại học mánh mung
- Danh xưng đại học nhập nhằng
Đại học đã lạm phát, mà danh xưng các cơ sở đại học không rõ ràng. Từ hơn 30 năm nay, người dân và giới đại học vô tình hay cố ý nhầm lẫn hai danh từ: trường đại học và đại học. Mãi cho đến năm 2018, sự nhập nhằng nầy mới chấm dứt khi chánh phủ tu chính Luật Giáo Dục Đại Học theo đó trường đại học là cơ sở đào tạo nhiều ngành nhưng không đào tạo nhiều lãnh vực trong khi đại học đào tạo nhiều lãnh vực và nhiều ngành, nói khác đi, một đại học bao gồm nhiều trường đại học , khoa, viện. Tuy vậy, chính phủ lại xếp 5 đại học và 14 trường đại học gọi tên là đại học trọng điểm khiến cho nhiều trường đại học tranh tài và tranh tiền chạy đua để được biến thành đại học. Sử dụng các danh từ bất nhất bằng các tên gọi như đại học, trường đại học, viện, học viện tạo ra những hỗn độn và phải chăng đó là sở trường đánh lận con đen của thế giới cộng sản.
- Các tên trường gần giống nhau
Hà Nội có ít nhứt 4 trường có tên gần giống nhau: Trường Đại học Quốc Gia Hà Nội, Trường Đại học Hà Nội, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, Viện Đại Học Mở Hà Nội. Chuyện tương tự như vậy cũng tìm thấy tại nhiều địa phương khác, tại các trường chuyên ngành, cao đẳng. Thí dụ tại TPHCM có 2 trường phải để ý từng chữ mới phân biệt được: Trường Đại Học Sư Phạm Thể Dục Thể Thao TPHCM, Trường Đại Học Thể Dục Thể Thao TPHCM. Về danh xưng Viện cũng không thống nhứt, có khi là một cơ sở độc lập tương đương với một đại học hay một trường đại học, có khi chỉ là một đơn vị trực thuộc. Thí dụ Viện Đại Học Mở Hà Nội được xem quan trọng như Đại học Quốc Gia Hà Nội vì là đại học đã có quyền tự trị, có khoảng 35.000 sinh viên hàng năm thuộc hệ chính qui, vừa làm vừa học, đào tạo từ xa, với một lực lượng ban giảng huấn hùng hậu: 29 Giáo sư, 123 Phó GS, 322 tiến sĩ, 487 thạc sĩ (theo Wikipedia) trong khi tại Đại Học Quốc Gia Hà Nội, Viện chỉ là một đơn vị phụ thuộc (có 7 viện nghiên cứu).
Danh xưng người chỉ huycũng bất nhất : người đứng đầu đại học quốc gia được gọi là Giám đốc, đứng đầu trường đại học, phân khoa, phân hiệu gọi là Hiệu trưởng; đứng đầu viện là Viện trưởng (nhưng viện trong đại học thì gọi là hiệu trưởng) và các học viện chuyên môn như Học Viện Biên Phòng, Học Viện Hậu Cần thì người điều khiển là Giám đốc.
5- Quyền quản trị chồng chéo
Tổ chức các trường đại học đặt dưới quyền quản trị chồng chéo của nhiều cơ quan lãnh đạo khác nhau. Trừ hai đại học quốc gia thuộc quyền quản trị của chính phủ, các trường đại học, cao đẳng, học viện ngoài bộ GDĐT còn bị chi phối bởi 10 bộ, hàng chục cơ quan khác nhau, và đặc biệt của các Ủy Ban Nhân Dân tỉnh hay thành phố. “Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân (UBND) tỉnh có quyền bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, cách chức, giáng chức vị trí người đứng đầu trường đại học, cao đẳng ở địa phương. Có quyền công nhận hay không công nhận hội đồng quản trị, hiệu trưởng các đại học tư trên địa bàn, giám sát chất lượng cơ sở đào tạo đại học đóng trên lãnh thổ…” (Nguyễn Đức Tuyên. Truyền Thông Communications Số 22& 23, Xuân 2007, tr.85.)
VN hôm nay trở lại thời kỳ thuộc địa khi xưa bởi lẽ các cơ sở giáo dục lại đặt dưới quyền sinh sát của các chủ tịch UBND tỉnh, thành phố mà đa số là những cán bộ ít học hay thất học, chỉ vì phe cánh hay trung kiên với đảng được cất nhắc làm lãnh chúa ở các địa phương, thì thử hỏi trong một tình trạng như vậy, đại học VN bảo sao mà không lạc hậu?
Các địa phương tranh nhau mở trường, nhiều chương trình đào tạo giống nhau, các trường tranh chấp nhau, nhiều ngành học không xứng danh đặt trong học trình đại học, hay phát triển một cách đại qui mô ở khắp các địa phương. Trên 63 tỉnh và thành phố của cả nước, mỗi nơi, ngay cho ở “vùng sâu, vùng xa” đều có vài ba trường đại học hay cao đẳng. Tỉnh Bắc Ninh (quê hương của cố Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng) với 1,4 triệu dân có đến 10 trường đại học, 2 học viện và 15 trường cao đẳng; tỉnh Hưng Yên với 1.2 triệu dân thì có 8 trường… và cứ thế mà đếm tên tỉnh và tên các trường.
Tuy Việt Nam không còn chiến tranh mà có 28 trường đại học, cao đẳng quân sự , 8 đại học công an. Chuyên lạ trên thế giới, trường cao đẳng, đại học công an, quốc phòng có quyền đào tạo tiến sĩ, và ngành công an ở Việt Nam có rất nhiều tiến sĩ đại loại như tướng Tô Lâm, Bộ trưởng bộ Công An (nay là Tổng Bí Thư) mà Wikipedia ghi là có học hàm tiến sĩ Luật. Wikipedia cũng ghi chú thêm một thông tin từ một video phổ biến khắp thế giới ngày 5/ 11/2021 cảnh tượng ông Tô Lâm hả họng để cho đầu bếp một nhà hàng sang trọng nhất ở Luân Đôn cầm một que sắt dài đút cục steak trát vàng vô miệng ông giống như cảnh người cho dã thú ăn qua lưới sắt trong sở thú. Wikipediacòn đặt câu hỏi vị tiến sĩ công an nầy có lương hàng tháng là 660 Mỹ kim mà sao có thể ăn một miếng steak trát vàng trị giá 1970 Mỹ kim. Người viết phải ghi lại chi tiết nầy để chứng minh là đa số người lãnh đạo đảng cộng sản VN đều khai gian có bằng tiến sĩ nhưng thực sự là những người vô học, vô đạo.
Lễ phát văn bằng cho tiến sĩ Công An năm2024 / Lễ phát văn bằng tiến sĩ Biên phòng năm 2024.
“Sau hơn 32 năm đào tạo hệ sau đại học, Học viện Cảnh Sát Nhân dân đã đào tạo được 28 khóa nghiên cứu sinh, 32 khóa đào tạo cao học với gần 700 nghiên cứu sinh đã được công nhận học vị, cấp bằng Tiến sĩ và có hơn 4.400 Thạc sĩ tốt nghiệp “ (Lễ bế giảng và trao bằng đào tạo sau đại học năm 2024 / Học viện Cảnh Sát nhân dân/ 4/6/2024). Chỉ với Học Viện nầy đã có 700 tiến sĩ, thử hỏi với 8 Trường, Học Viện Công An, VN có bao nhiêu tiến sĩ Công an để tranh nhau mở lò đốt lò, đàn áp cướp bóc lương dân, bỏ tù người vô tội.
Về quân sự, “tính đến năm 2022, Học viện Kỹ thuật Quân sự đã đào tạo hơn 500 tiến sĩ, hơn 10.000 thạc sĩ và hàng nghìn cán bộ chỉ huy tham mưu kỹ thuật cấp chiến thuật, chiến dịch, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật cho quân đội”. (Học viện Kỹ thuật quân sự trao bằng tiến sĩ, thạc sĩ năm 2022). VN có 28 trường, học viện quân sự, người viết tự hỏi từ năm 1979 đến nay, VN không có chiến tranh vì núp bóng đàn anh Trung Quốc thì với hàng ngàn tiến sĩ và hàng chục ngàn thạc sĩ, VN đâu cần phải nghiên cứu và nếu phải ra trận, VN cần “lon” (galon) của đảng trưởng cấp phát cho chớ cần gì tờ giấy lộn của những tiến sĩ giấy.
6- Giảng viên Cử nhân dạy sinh viên Cử nhân
Niên học 2019-20, theo thống kê Bộ GDĐT, tổng số sinh viên đại học công và tư là 1.672 880 người học theo 3 hệ thống: chính quy (đi học ở trường đầy đủ theo học trình), vừa làm vừa học (học từ phân nửa học trình đến tượng trưng vài tuần), đào tạo từ xa (học on-line). Số sinh viên trên được đào tạo bởi 73.142 giảng viên gồm 21.977 tiến sĩ (30%), 44.119 thạc sĩ (60%), 7.036 cử nhân và linh tinh (10%). Số sinh viên tốt nghiệp là 263.172 sinh viên.
Bảng thống kê trên cho thấy 3 điều:
- Ban giảng huấn chỉ có 30% là tiến sĩ, số còn lại là 70% thạc sĩ, cử nhân và linh tinh, trái với tiêu chuẩn thông lệ giáo sư đại học phải là tiến sĩ. Giáo sư không có trình độ, lối giảng dạy theo kiểu thầy đọc trò chép, chương trình giảng dạy không ứng dụng vào đời sống, thị trường công kỹ nghệ, thi nhập học và thi tốt nghiệp bằng hối lộ và tham nhũng, tất cả các tệ nạn nầy đã đưa đến hậu quả tất nhiên là có những sinh viên tốt nghiệp đại học mà vẫn chưa biết tra cứu một quyển sách chuyên đề hay tra tự điển. Những kiến thức sinh viên nhận được đều lấy từ sách vở và do giảng viên cung cấp. Mặc dù vài năm gần đây, một số trường có cải tiến phương pháp giảng dạy khoa học hơn,giảng viên cử nhân ít hơn, nhưng đa số vẫn còn dạy và học theo kiểu thầy đồ.
- Tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp quá thấp (16%) so với số sinh viên nhập học 29%. Điều cũng dễ hiểu, các sinh viên nhập học là những học sinh trung học kém, được đào tạo từ một hệ thống giáo dục lạc hậu, nói theo danh từ cộng sản thì nếu “đầu vào” hôi thì “đầu ra” thúi. Hột giống xấu thì nếu cây có mọc được cũng không có trái hay trái rụng. Các trường học thường chia sinh viên thàn 3 nhóm: nhóm thứ nhất khoảng 20% là các sinh viên chăm chỉ học tập, nhóm thứ 2 khoảng 30% là các sinh viên học bình thường, nhóm thứ 3 khoảng 50% là sinh viên học cầm chừng, lười biếng. Thế nhưng kết quả một số ngành có hơn 50% tốt nghiệp bởi lẽ trường sợ đánh rớt thì sinh viên bỏ học, mất lợi tức, trường mất uy tín, giáo sư thất nghiệp.
- Số sinh viên nhập học 29% tưởng là cao, nhưng thực sự khi so sánh với các quốc gia khác trong vùng, tỉ lệ sinh viên nhập học còn cao hơn VN rất nhiều: Singapore: 89%, Thái Lan: 46%, Malaysia: 45%, Indonesia: 36%, Phi Luật Tân: 30%. Việt Nam chỉ hơn Lào: 15% và Cambot: 12%. (UNESCO: the state of higher education in Southeast Asia, 2018 (p.60).
Hậu quả là sinh viên có bằng nhưng không có khả năng nên không tìm được việc làm thích ứng đành phải đi làm lao động chân tay mà có khi cũng không có khả năng làm lao động chân tay. Ngoài ra còn có các sinh viên theo hệ thống vừa làm vừa học, học từ xa (online) chỉ học phân nửa học trình của hệ chính quy (hệ chính quy: cử nhân phải học 4 năm hay 120 tín chỉ, cao đẳng 3 năm hay 90 tín chỉ) thì cũng được cấp phát văn bằng. Một nền giáo dục đại học chợ trời như vậy chỉ sản xuất được những người nửa thầy nửa thợ, và đám con cháu lãnh đạo bê tha bỏ học trở thành nửa đười ươi.
Thống kê của Bộ Lao Động, Thương Binh và Xã hội cho biết đầu năm 2019, trước khi có đại dịch, VN có 124 000 cử nhân và thạc sĩ thất nghiệp trong tổng số 1.1 triệu người thất nghiệp dưới 30 tuổi và 60% người, tuy có việc làm nhưng không đúng ngành nghề. Bởi lẽ người tốt nghiệp là… thất nghiệp , họ bất đắc dĩ học cấp cao hơn, và tình trạng như vậy càng thêm ứ đọng cử nhân lái xe ôm, thạc sĩ đi làm nhà hàng và đối với chân dài thì qua Singapore, Mã Lai kiếm việc nhẹ nhàng mà nhiều tiền. ( Tấn Việt. 80% tài xế xe ôm Grab, Uber là sinh viên, cử nhân thất nghiệp. Vtcnews.vn/80-tai-xe.
7- Học tập tư tưởng của “Bác”
Đại học lạc hậu và hư thúi là tại “Bác”. Tháng 4 năm 2021, Bộ Giáo Dục Đào Tạo ban hành giáo trình sửa đổi “Lý luận chính trị” áp dụng cho tất cả các sinh viên đại học và cao đẳng phải học tập 5 môn như sau: Triết học Mác – Lenin; Kinh tế chính trị Mác; Chủ nghĩa xã hội; Lịch sử đảng Cộng sản VN; Tư tưởng Hồ Chí Minh. Học trình lý thuyết gồm 15 tín chỉ không kể giờ học thảo luận. Số tín chỉ để tốt nghiệp từ 90 đến 120, như vậy giờ học lý luận chính trị chiếm mất từ nửa năm đến 1 năm trong học trình. Chính các môn học quái đản nầy đã đưa dân tộc Việt Nam đến chỗ u mê và bạc nhược.
Theo bảng xếp hạng đại học QS (Quacquarelli Symonds) World University Rankings 2025 (dữ kiện 1-2 năm trước) xếp hạng 1506 đại học thế giới của 106 quốc gia và vùng lãnh thổ, Việt Nam chỉ có trường Đại học Duy Tân (trường tư thục) được xếp hạng 495, trường Đại học Tôn Đức Thắng vào nhóm 711-720 . Hai Đại học Quốc Gia Hà Nội và Đai học QG TP HCM trong nhóm hạng 851-950. Ba trường đại học lĩnh vực là trường Đại học Bách Khoa Hà Nội và trường Đại học Huế trong nhóm 1201-1400. Gần cuối bảng!!!
Trong bảng xếp hạng THE-Asia năm 2024, xếp hạng 731 đại học Á Châu thuộc 31 quốc gia và vùng lãnh thổ, VN có ĐH Tôn Đức Thắng hạng 193, Duy Tận trong nhóm 251-300. Các Đại Học QG Hà Nội, ĐHQG TP HCM, trường ĐH Huế và trường ĐH Bách Khoa Hà Nội trong nhóm 501-601+. So với các quốc gia Đông Nam Á, VN chỉ có 6 trường, trong khi Thái Lan có 77 trường, Phi Luật Tân có 56, Indonesia có 45, Malaysia có 28. Trong vùng Đông Nam Á, Việt Nam chỉ hơn Miên và Lào. Sau đây là vài con số thống kê chứng minh xác quyết nầy,
8- Giáo dục Việt Nam so với một số quốc gia Đông Nam Á (năm 2020)
Hàn Quốc | Singapore | Thái Lan | Malaysia | Philippines | Indonesia | Việt Nam | |
Dân số (M dân) | 51 | 6 | 69 | 32 | 110 | 274 | 97 |
Số trường top 1000: - Webometrics - QS - THE |
21 30 24 |
3 3 2 |
6 8 5 |
5 13 9 |
0 4 2 |
2 9 3 |
0 2 2 |
Số bài trích dẫn /M dân H index | 1 491 576 | 3 388 492 | 212 289 | 936 249 | 28 205 | 71 196 | 63 183 |
Bằng sáng chế /M dân | 2 341 | 548 | 3.2 | 30 | 1.4 | 1.7 | 1.2 |
Ngân sách cho đại học: - % GDP - USD / người |
- - |
1.00 11639 |
0.64 1121 |
1.13 2565 |
- - |
0.57 682 |
0.33 316 |
(World Bank. Improvising the Performance of Higher Education in VN. p.43, 56.)
Qua các bảng thống kê theo bảng xếp hạng đại học trên thế giới là Webometrics, QS (Quacquarelli Symonds) và THE (Times Higher Education), VN chỉ có 2 đại học nằm trong top 1000 (năm 2024 tăng lên được 4) ít nhất trong các quốc gia vùng Đông Nam Á. Về số lượng bài được trích dẫn trên 1 triệu dân và số bằng sáng chế, VN cũng kém nhất. Về ngân sách dành cho đại học chỉ có 0.33% của GDP tương đương với 316 mỹ kim, tệ nhất trong bảng.
Chỉ số H-index đo lường giá trị và ảnh hưởng của các nghiên cứu theo thứ hạng của Scimago (2020) trong vùng Đông Nam Á, VN đứng cuối bảng (Singapore: 24, Hong Kong: 25, Taiwan: 29, Malaysia: 41, Thái Lan: 42, Phi Luật Tân: 56, Indonesia: 58, VN: 59). (World Bank. VN National University Development Project 2018, p. 147)
Nói tóm lại, so với các quốc gia trong vùng Đông Nam Á là những quốc gia thua kém hay đồng đẳng với Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975, thì hôm nay, sau 50 năm chiến thắng “Mỹ Ngụy”, Việt Nam Cộng Sản trở thành quốc gia hạng bét về giáo dục đại học. Nhục ơi là nhục!!!
9- Giáo sư “rởm” tuyển chọn giáo sư “thật”
Tại Âu Mỹ, giáo sư không phải là một học hàm hay một chức danh khoa học mà là một chức vụ giảng dạy đại học. Tại VN, chức danh giáo sư là một học hàm hay học vị chỉ dành cho các tiến sĩ hay thạc sĩ có thẻ đảng viên, như vậy một tiến sĩ không tất nhiên là giáo sư nếu không vô đảng và không lọt qua Hội Đồng Tuyển Chọn. Muốn có chức danh Giáo sư (GS), Phó Giáo sư (PGS) phải nộp đơn xin ở Hội Đồng Chức Danh Giáo Sư Nhà Nước được thành lập từ năm 1976. Ngoài tiêu chuẩn về kiến thức, thành tích, muốn đạt được chức danh nầy phải có “lòng trung thành với tổ quốc và chủ nghĩa xã hội, tinh thần phục vụ nhân dân và thực hiện đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước” (quyết định 162/CP ngày 11/09/1976).
![]() |
Trong lần phong chức đầu tiên (11/09/1976) chỉ có 29 nhà giáo, nhà khoa học được phong chức GS mà trong đó có nhiều vị chỉ có Tú Tài. Về Sử học có: Đào Duy Anh, Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Huyên, Phạm Huy Thông, Nguyễn Khánh Toàn; Về Văn học có: Đặng Thái Mai, Nguyễn Mạnh Tường, Trương Tửu, Hồ thị Phượng; Về Triết học có: Trần Đức Thảo; Về Toán học có: Tạ Quang Bửu, Lê Văn Thiêm, Hoàng Tụy, Trần Quang Nhật; Về Y học có: Đặng Chung, Hồ Đắc Duy, Vũ Công Hòe, Đỗ Xuân Hợp, Đặng Vũ Hỹ, Nguyễn Xuân Nguyên, Phạm Ngọc Thạch, Trương công Trung, Đinh Văn Thắng, Hoàng Tích Trí, Tôn Thất Tùng, Trần hữu Tước; Về Cơ khí: Trần Đại Nghĩa…
Từ năm 1989 trở về sau, ngoài yếu tố văn bằng còn có thêm các yếu tố như thông thạo ít nhất một ngoại ngữ, thời gian giảng dạy, số bài nghiên cứu đăng trong tạp chí quốc tế… Tính chung, từ năm 1976 đến 2015 có 11.619 GS và PGS (1.680 GS và 9.939 PGS), đặc biệt năm 2016 số người trình diện ở Nhà Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội chiếm kỷ lục: 65 GS và 638 PGS (Cả nước có thêm 703 GS (Tuổi Trẻ online ngày 26/12/2017). Năm 2024, Hội Đồng giáo sư Nhà Nước đã công nhận 615 giáo sư và phó giáo sư (trong đó có 54 ngành công an và quân đội), nếu kể thêm 29 giáo sư được phong chức danh trước năm 1980, VN có 15.648 giáo sư và phó giáo sư.
Điều lưu ý là trong số GS tiến sĩ nầy có những tiến sĩ giấy như Trần Đại Quang, Nguyễn Phú Trọng (Chính trị), Nguyễn Thị Đoan, Nguyễn Thiện Nhân (Kinh Tế), Tô Lâm (Luật) và vô số tiến sĩ, thạc sĩ có học vị GS và PGS trong các bộ, kể cả Bộ Công An, Quốc Phòng và Ủy Ban Nhân Dân tỉnh, thành phố. Từ một học hàm, chức danh GS, PGS trở thành một phẩm hàm, một phần thưởng cho các người trung thành với đảng, với phe nhóm, và sau khi nhận được chức danh, nhiều GS, PGS xao lãng việc nghiên cứu, giảng dạy, lợi dụng chức danh để làm hoạt đầu chính trị, kinh doanh thương mại.
Thực ra, từ căn bản, chuyện tuyển chọn chức danh GS, PGS đã có nhiều khuyết điểm mà giới trí thức có tâm và có tầm đã lên tiếng phản đối nhưng chỉ là chuyện đàn gảy tai trâu. Trước tiên, các thành viên trong Hội Đồng Tuyển Chọn không đủ khả năng để tuyển chọn mà báo giới gọi là Giáo sư “rởm” xét ứng viên giáo sư “thật”. Sau đó là những tiêu chuẩn máy móc, không minh bạch của Hội Đồng Tuyển Chọn dễ đưa đến quyết định chủ quan, thiên vị. Những tiêu chuẩn để chấm điểm là: bài báo + sách + hướng dẫn nghiên cứu sinh + số giờ giảng dạy + thâm niên giảng dạy + ti lệ phiếu yêu/ghét. Điều hi hữu chỉ có ở đại học Việt Nam: được gọi là công trình khoa học gồm cả thư mục tài liệu tham khảo, giáo trình, sách hướng dẫn nghiên cứu sinh và chấm điểm theo thang điểm: monograph: 0-4 điểm, sách giáo khoa: 0-3 điểm, bài báo: 0-1 điểm.
Chức danh giáo sư, trên nguyên tắc, chỉ dành cho những nhà nghiên cứu uyên thâm một lãnh vực, có công khám phá được những sự việc, học thuyết mới mà những sáng tạo nầy được truyền dạy cho môn sinh hay các giới thẩm quyền để ứng dụng cho công ích, thì trái lại, tại Việt Nam chức danh giáo sư, phó giáo sư là một tước phẩm được kèn cựa mua bán. Đó là lý do khiến đại học Việt Nam mục nát, dẫy đầy các tiến sĩ già nua, bất tài, bất xứng làm rào cản các tài năng trẻ thành tâm phục vụ đất nước nhưng không chịu theo đảng để làm chuyện ruồi bu. Rất tiếc có những vị giáo sư có thực tài nhờ thực học và xứng đáng là những bậc trí thức đáng nể trọng, nhưng thiểu số nầy phải bơi trong vũng nước đục với các giáo sư có bằng hữu nghị, bằng tại chức, bằng dỏm, bằng giả, bằng thuê… khiến các giáo sư tiến sĩ bị người dân xem là “thượng vàng hạ cám”. Tiếc thay!!!
Cái háo danh GS, PGS-TS tại Việt Nam hôm nay lại còn bành trướng trong các ngành nghề như GS-TS-Kỹ sư, đặc biệt trong Y giới. Có gì quái lạ, ngu xuẩn nhan nhản xuất hiện trên túi áo, trên danh thiếp những chữ tắt dài dòng kịch cởm đại khái như: “PGS-TS-BS Hồ Đại Ngu” và dưới mắt đương sự cùng với dân gian, ông “phó giáo sư-tiến sĩ-bác sĩ” danh dự hơn và giỏi hơn ông bác sĩ không có tiến sĩ. Quả tình, chế độ cộng sản làm ngu dân và dạy người dân lường gạt lẫn nhau. Ông bác sĩ bỏ ra vài ngàn mỹ kim mua bằng tiến sĩ giả, ông chạy được chức PGS, ông kiếm được một chức vụ trong nhà thương hay viện dưỡng lão, ông “chém” bịnh nhân gấp 5-7 lần hơn đồng nghiệp không có bằng tiến sĩ giả. Còn ông TS-Kỹ sư có bằng tiến sĩ giả chạy được chức Trưởng ty Công chánh, ăn ciment cốt sắt rồi có ngày… đi tù.
10- Tự trị đại học
Đại học VN đã mất quyền tự trị, đặc tính truyền thống của tổ chức đại học. Đảng Cộng Sản nắm quyền đại học ở mọi cấp, tất cả quyết định về đường lối quản trị, chương trình giảng dạy đều phải có sự chấp thuận của Bí thư Đảng ủy, ban giảng huấn phải lệ thuộc vào Chủ tịch Công đoàn và tất cả sinh hoạt của sinh viên bị điều khiển bởi Ban Bí thư Đoàn Thanh niên.
Trong một báo cáo tháng 11/2008 của Harvard Kennedy School, ASH Institute tựa là Vietnam Higher education: crisis and response có viết:
“Nguyên nhân trực tiếp của cuộc khủng hoảng đại học VN ngày nay là sự thất bại nghiêm trọng trong vấn đề quản trị. Trước hết là vấn đề tự trị đại học. Các đại học VN vẫn chịu một sự quản trị tập trung cao độ. Chính phủ trung ương quyết định số sinh viên được tuyển, tiền lương của giáo sư, ngay cả việc thiết lập hội đồng khoa và việc điều hành. Tham nhũng là phổ quát và ai ai cũng biết là bằng cấp, học hàm, học vị đều có thể mua bán. Hệ thống tổ chức nhân sự không rõ ràng, việc bổ nhiệm thăng thưởng dựa trên những tiêu chuẩn phi học thuật (non-scholastic) như thâm niên, lý lịch gia đình và chính trị, các liên hệ cá nhân. Các người lãnh đạo thường là các người đã tốt nghiệp từ Liên Sô hay Đông Âu, không nói được tiếng Anh và không có thiện cảm với những người được đào tạo từ các đại học Tây phương” (dịch từ Memorandum Higher Education Task Force / Thomas J. Valley & Ben Wilkinson, p.3-4).
Giáo sưPierre Darriulat, nguyên Giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Nguyên Tử CERN ở Âu Châu, sau khi về hưu ông thành lập Viện Nghiên Cứu VATLY ở Hanoi, phục vụ ở VN 17 năm mà không nhận một xu nào của VN, đã trả lời thẳng thắn những sai lầm trong việc cải tổ giáo dục ở VN như sau:
“…Có thể kể đến những vấn đề sau đây: ít đáp ứng được những yêu cầu khẩn thiết của một nền kinh tế đang phát triển; cơ cấu chưa đầy đủ; ít có hay không có sự quan tâm ngành nghiên cứu; ngân sách không đủ; chỉ có 12% giảng viên có trình độ tiến sĩ và 47% có trình độ thạc sĩ; sự quản trị quá tập trung; yếu kém của Bộ Giáo dục Đào tạo không có tầm nhìn dài hạn, không có sự cạnh tranh lành mạnh, không theo kịp tốc độ phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội,thiếu cơ hội bình đẳng; cuối cùng là các môn học, phương pháp giảng dạy và đánh giá chưa phù hợp, lạc hậu” (La Réforme Éducative du Vietnam Doit Reposer Sur les Jeunes Dynamiques / 09/09/2017).
Từ hàng chục năm nay, tất cả những nhận định của giới giáo dục trong và ngoài nước đều đồng ý về sự thiếu tài đức và khoác lác của các người lãnh đạo giáo dục VN. Người viết tự hỏi đến bao giờ giáo dục VN mới tìm được lối ra.
11- Tiến sĩ lạm phát
Một hiện tượng ngộ nghĩnh rất phổ quát ở VN là chế độ vừa làm vừa học và học từ xa. Có khoảng 20% người có bằng mà chẳng phải học đủ chương trình. Con số trên đã phơi bày một thực trạng yếu kém của cấp bằng và của bộ máy công quyền bởi lẽ với hơn nửa triệu cán bộ công chức vừa đi học, vừa đi làm, thời giờ đâu để làm việc phục vụ người dân và thời giờ đâu để học có bằng cấp.
Tệ hại hơn, nhiều người không đi học mà vẫn có bằng, thường là thạc sĩ, tiến sĩ. Chuyện lạ mà có thật ở VN. Báo chí VN tường thuật Ông Nguyễn Ngọc Ân, Giám đốc Sở Văn hóa Thể Thao tỉnh Phú Thọ đậu bằng tiến sĩ do một trường đại học Mỹ cấp, dù ông không nói được tiếng Mỹ và chẳng bao giờ đi học. Ông cho biết là ông tốn 17 000 mỹ kim để đi Hawaï 2 tuần để nhận bằng từ đại học South Pacific University là một đại học đã bị tòa án tiểu bang Hawaï đóng cửa từ năm 2003 nhưng vẫn tiếp tục hoạt động để bán văn bằng. Cũng cần biết là số tiền 17 000 mỹ kim là do nngân sách của tỉnh Phú Thọ “hỗ trợ”.
Chuyện ông tiến sĩ có bằng Mỹ không biết tiếng Mỹ đã phơi bày một bi hài kịch về học vị tiến sĩ ở VN. Nhiều trưởng cơ quan, đảng viên cao cấp đã có bằng tiến sĩ hay thạc sĩ theo kiểu học cho có lệ tại sở làm để rồi được các đại học VN cấp văn bằng dưới áp lực chính trị, tình cảm hay mua văn bằng của đại học ngoại quốc. Chuyện ông tiến sĩ giấy lại phơi bày thêm một khía cạnh đạo đức của xã hội VN vì có tờ báo cho là bằng cấp của ông Ân là bằng thật chớ không phải bằng giả bởi không phải do ông ngụy tạo ra, ông có đến Mỹ trình luận án của ông tựa là “Bảo tồn văn hóa phẩm tỉnh Phú Thọ” qua một thông dịch viên, đại học Mỹ đã cấp văn bằng tiến sĩ thì chỉ có chánh phủ Mỹ mới có quyền hủy bỏ văn bằng. Như vậy, cùng lắm có thể nói bằng tiến sĩ của ông Ân là tiến sĩ dỏm chớ không phải là tiến sĩ giả. Đó là thứ ngôn ngữ và lý luận lật lọng điển hình của Bộ Giáo dục nói riêng và cả guồng máy cai trị Đảng Cộng Sản nói chung.
Chuyện tranh cãi tương tự cũng xảy ra với trường hợp ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Yên Bái cũng có bằng tiến sĩ tuy không đi học, không biết tiếng Mỹ, sau 6 tháng nhận trợ cấp của chánh phủ 74 triệu đồng. Ông cũng cho biết có 10 đồng chí của ông nhận được bằng tiến sĩ của đại học ma nầy. Ông “tiến sĩ 6 tháng” nầy sau đó được bổ nhiệm chức Phó Bí Thư Đảng ủy Doanh nghiệp Trung ương (tương đương với Thứ Trưởng).
![]() |
Ở Việt Nam có một lò đào tạo tiến sĩ giả hay dỏm bị điều tra là Học Viện Khoa học Xã hội thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học Xã Hội, mỗi năm đào tạo trung bình 350 tiến sĩ. Bị tai tiếng từ lâu vì nhiều sai phạm chưa từng thấy trong bất cứ đại học nào trên thế giới, nhưng mãi đến năm 2017, Bộ Giáo Dục Đào Tạo mới buộc lòng cử thanh tra đến khui “hũ mắm thúi” nầy. Sau đây là một vài sai phạm động trời trong cả khối sai phạm mà ban thanh tra đã công bố liên quan đến việc tuyển sinh viên thạc sĩ, nghiên cứu sinh tiến sĩ, chương trình giảng dạy, phân công giáo sư hướng dẫn và cấp phát văn bằng.
- Thí sinh không có đủ trình độ để theo học trình. Điển hình: những người có thạc sĩ các ngành Chánh trị, Hành chánh, Chủ nghĩa Xã Hội được xét học tiến sĩ cả 4 ngành Luật hiến pháp, Luật hình sự, Luật kinh tế, Luật tội phạm.
- Giáo sư hướng dẫn không có kiến thức của ngành, môn hướng dẫn. Thí dụ: GS Kinh tế hướng dẫn nghiên cứu sinh ngành Quản lý Giáo dục, GS ngành Nhân chủng học hướng dẫn nghiên cứu sinh ngành Dân Tộc học.
- GS hướng dẫn quá nhiều học viên: thí dụ một vị hướng dẫn 44 học viên thạc sĩ thuộc 3 ngành khác nhau (29 ngành Luật, 10 ngành Chính sách công, 5 ngành Công tác Xã hội). Theo quy định, một giáo sư được quyền hướng dẫn cùng lúc không quá 5 nghiên cứu sinh, Phó giáo sư không quá 4, và tiến sĩ không quá 3…
Theo thông tin công bố trên trang mạng chính thức của Học Viện, trung bình mỗi ngày Học Viện ra lò một tiến sĩ. Đọc tập hồ sơ Thông tin lò đào tạo tiến sĩ giấy gây xôn xao (VNExpress ngày 13/1/2018) độc giả sẽ còn phát hiện nhiều điều kinh tởm hơn.
Phải hiểu rằng trong chế độ bưng bít và gian dối cộng sản, cuộc điều tra nầy là chuyện chẳng đặng đừng và báo cáo chỉ trình bày một phần sự thật. Không phải chỉ tại Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội mà trên cả nước “Theo báo cáo của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, tính đến năm 2022, toàn hệ thống có 196 cơ sở đào tạo được phép đào tạo trình độ tiến sĩ, trong đó có 157 cơ sở giáo dục đại học và 39 viện nghiên cứu, trường của tổ chức chính trị, lực lượng vũ trang, trường của bộ, ngành”. Dựa vào các dữ kiện trên, 196 lò đào tạo tiến sĩ sản xuất mỗi năm ít nhất 2000 tiến sĩ, nhưng bộ GDĐT không hề xác thực số thống kê và lãnh vực họ hành nghề.
Trong một nghiên cứu năm 2018 dựa vào nguồn của Bộ GĐDT (http://moet.gov.vn.daihoc nhưng nay đã bị xoá), người viết có đọc 5392 tựa luận án tiến sĩ được chấp nhận từ năm 2010 đến tháng 1/2018, người viết vô cùng kinh ngạc vể trình độ thấp kém, nghèo nàn, và kịch cỡm của các luận án tiến sĩ VN . Trang giấy có hạn, người viết chỉ có thể nêu lên một vài chi tiết và nhận định tổng thể như trên và kết luận là đa số các luận án về nhân văn, xã hội, chính trị, kinh tế, y tế, không xứng danh là luận án tiến sĩ.
Rất nhiều luận án có đề tài vụn vặt với những cái tựa ngộ nghĩnh điển hình như: Hành vi nịnh trong tiếng Việt, Đặc điểm giao tiếp với dân của chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã, Hành vi ngôn ngữ chửi thề trong tiếng Việt, Lịch sự trong phỏng vấn báo chí, Phát huy tục chơi Diều ở Đồng bằng Bắc bộ, Luật thi đua và khen thưởng ở VN hiện nay…
Về “nghiên cứu” lãnh vực kinh tế quản lý có 1483 luận án xoay quanh các hoạt động, quản trị kinh tế, tài chánh, hành chánh, luật pháp từ trung ương đến địa phương, tận cùng đến xã. Thí dụ: Phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp (20 luận án); Rủi ro trong chăn nuôi lợn của nông dân tỉnh Hưng Yên (khoảng 100 luận án về chăn nuôi lợn, ngựa, thủy hải sản… trồng lúa, ngô, mía, tiêu, chè... ở các địa phương từ vùng, tỉnh, huyện, xã). Qua các đề tài và các chủ đề, tuy số lượng luận án nhiều nhứt so với các lãnh vực khác, nhưng các luận án không xứng danh gọi là nghiên cứu. Giá trị các luận án vô thưởng vô phạt, sử dụng tài liệu sai và lập luận theo bác và đảng. Có nhiều luận án không bảo đảm sư chính xác thí dụ như “Quan hệ thương mại Canada-Mỹ trong 2 thập niên đầu thế kỷ XXI”. Tác giả có biết đọc tài liệu nào thích đáng (pertinent) bằng Anh-Pháp ngữ trong khối tài liệu khổng lồ của các tác giả chuyên gia hai nước nầy và thế giới.
Về “nghiên cứu y tế” có 928 luận án xoay quanh cách điều trị, báo cáo các hoạt động các cơ sở y tế từ trung ương đến địa phương, tình trạng bịnh nhân và một số “triển khai” theo kiểu đọc sách rồi chép lại hay từ những trường hợp đặc thù rồi vẽ vời thêm.
![]() |
Về “nghiên cứu” khoa học xã hội có 997 luận án thuộc lãnh vực ưu thế nhất của các đỉnh cao trí tuệ mà đa số các tiến sĩ xuất thân từ các lò đào tạo nầy sẽ ra làm quan. Người viết đặc biệt chú ý đến các luận án về lịch sử với bản chất gian dối, thiên lệch trong việc sử dụng tài liệu và lý luận, đặc biệt những luận án viết về giai đoạn 1945-1975.
Riêng về đảng Cộng sản có ít nhất 100 luận án về lịch sử và hoạt động của đảng Cộng sản từ trung ương đến mỗi tỉnh (thí dụ: Đảng bộ tỉnh Thái Bình, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc …), hoạt động của những nhà lãnh đạo, kể cả đảng Cộng sản Nga, Trung Quốc.
Tóm lại, đại học Việt Nam đã đến thời mạt vận và đạo Phật dưới thời “Bác” đã đến thời mạt pháp khi năm 2022, trường đại học Luật Khoa Hà Nội phát văn bằng tiến sĩ Luật cho “Thượng tọa” Thích Chân Quang (Vương Tấn Việt) sau 2 năm “nghiên cứu tại chức, tại tu” ở ngôi chùa Phật Quang của ông ở Bà Rịa. Càng lố bịch hơn khi đám giáo sư quỳ lạy trước tên trọc đầu để cầu xin phước đức. Có thế nào đại học Luật Khoa Hà Nội, lẽ ra là nơi đào tạo các luật gia ưu tú cho cả nước nay trở thành một cái lò ấp trứng thúi và các giáo sư tiến sĩ Luật khoa trở nên u mê đến như vậy? Có thế nào đại học Việt Nam, sau 50 năm gọi là “thống nhứt” Nam Bắc thì hôm nay trở thành lạc hậu tang thương như vậy? Và có thế nào gần 100 triệu người dân Việt Nam gục đầu cam chịu số phận như vậy?
12- Kết luận
Sự sa sút của nền giáo dục Việt Nam có nguyên nhân khách quan, do đất nước nghèo, đầu tư không đủ, do trình độ non yếu của thầy cô giáo, do ý thức người dân lạc hậu, do phụ huynh cũng là đồng tác giả của nhiều sai lầm yếu kém của giáo dục. Đương nhiên tất cả những nguyên nhân nầy đều đúng. Song muốn lay chuyển tình hình phải thừa nhận nguyên nhân chủ yếu, nguyên nhân của mọi nguyên nhân, đó là lãnh đạo, quản lý bất cập, bất cập cả tâm lẫn tầm, và từ trên xuống dưới… (Hoàng Tụy. Nói thẳng về giáo dục).
Cố GS Hoàng Tụy, người thầy được cả nước kính trọng, đã nói thẳng nguyên nhân của tình trạng sa sút giáo dục là lãnh đạo, tức là đảng Cộng Sản VN. Đã 50 năm rồi, từ khi đảng Cộng Sản chiếm miền Nam, không phải chỉ có giáo dục sa sút mà cả đất nước Việt Nam sa sút, xã hội băng hoại, đạo đức suy đồi và nạn tham nhũng đã làm kiệt quệ tài nguyên của đất nước và tài sản của nhân dân. Muốn giải quyết vấn đề, người viết cũng xin được nói thẳng là không còn giải pháp nào khác hơn là phải thay thế lãnh đạo, tức là đảng Cộng Sản, để người dân trong và ngoài nước xây dựng lại nước Việt Nam từ đầu.
─────────────
Tài liệu tham khảo
- Truyền Thông / Communications. Chủ đề: Giáo dục đại học - Số Mùa Đông 2007 (22&23), Montréal: NXB Truyền Thông, 2007. 120p.
- Harvard Kennedy School. ASH Institute. Vietnam Higher Education: Crisis and Response. 2008. 11p.
- Unesco. The State of Higher Education in Southeast Asia. Jakarta, Indonesia, 2018. 65p.
- Hoàng Tụy. Xin được nói thẳng. Hà Nội: NXB Thế Giới, 2019. 436p.
- World Bank. Improvising the Performance of Higher Education in Vietnam, 2020. 102p.
- Nguyen Quang Anh. L’Enseignement Supérieur Vietnamien à l’Ère De La Mondialisation (1906-2020). Thèse de doctorat en Science de l’éducation soutenue le 11 mars 2022 à l’Universié de Bordeaux. 513p.
- Hoàng Tụy. Nói thẳng về giáo dục. https://www.diendan.org/viet-nam/hoang-tuy-noi-thang-ve-giao-duc-1
- La réforme éducative du Vietnam doit reposer sur les jeunes dynamiques.
- https://lecourrier.vn/la-reforme-educative-du-vietnam-doit-reposer-surlesjeunesdynamiques
- Gíáo chức giáo dục Hoa kỳ tố cáo 21 trường mạo danh ở VN.
- http://www.vietcatholicnews.net/News/Home/Article/244025
- 25 năm hình thành giáo dục đại học. https://khoaluat.duytan.edu.vn/tin-tuc-thong-bao/tin-tuc-su-kien-khoa-luat/25-nam-hinh-thanh-phat-trienphat-trien-dai-hoc-tu-thuc-ngay-cang-dong-vai-tro-
- Cả nước có thêm 703 giáo sư. https://tuoitre.vn/ca-nuoc-co-them-703-giao-su-pho-giao-su-
- Wikipedia. Danh sách trường đại học, học viện và cao đẳng tại VN (15/12/ 2024)
Sách, tạp chí
Bài trên trang mạng