Lâm Văn Bé
![]() |
Trong những ngày chộn rộn, hoang mang từ đầu tháng 4 năm 1975, cuối cùng rồi một xã hội người Việt thu nhỏ cũng đã được thành hình ở hải ngoại. Dần theo năm tháng, phong trào vượt biên, vượt biển, và nhiều chương trình di cư, định cư đã kết tụ hơn 5 triệu người Việt sống tha hương cùng khắp thế giới, trong đó có khoảng 2,4 triệu sống tại Hoa Kỳ.
Người viết cố trình bày vài vấn đề xã hội trọng yếu của người Việt ở hải ngoại hầu chia xẻ vài suy nghĩ về các thế hệ thứ 2, thứ 3 để từ đó nhìn về xã hội Việt Nam hôm nay sau 50 năm dưới chế độ độc tài cộng sản.
1- Vấn đề chữ hiếu
![]() |
Chỗ chúng tôi làm việc là một thư viện của thành phố. Có dịp gặp độc giả đồng hương, đa số là người Việt cùng thế hệ, chúng tôi được nghe kể chuyện vui lẫn chuyện buồn, chuyện mình, chuyện người. Hai mươi năm đầu, các ông bà khoe con học các ngành sĩ, ngành sư, sau đó mươi năm là chuyện đám cưới to, đám cưới có lọng. Những năm sau nầy khi tôi gần hưu trí, khi gặp nhau các ông bà mô tả bịnh trạng từ cao máu đến nhức xương và đặc biệt thường xuyên than trách con cháu bất hiếu. Những chuyện ngộ nghĩnh, nhiều chuyện thương tâm và nếu phải ghi lại, tôi có cả một kho tàng hỉ nộ ái ố.
Tôi bất lực khi phải làm trọng tài, tôi chỉ biết đó là nỗi xâu xé của hai hệ thống giá trị khó có thể gặp nhau. Đối với luân lý hay khế ước xã hội Á Đông, cha mẹ phải nuôi dưỡng con cái khi thơ ấu và ngược lại con cái phải phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già. Đó là một chuỗi quyền lợi và bổn phận liên tục trong một xã hội nông nghiệp và công nghiệp, khi chế độ đại gia đình hai ba thế hệ sống chung với nhau dưới quyền của một tộc trưởng, phù hợp với tổ chức kinh tế và tư tưởng Khổng Mạnh. Đem cái cơ cấu gia đình nầy áp dụng cứng nhắc vào xã hội và văn hóa Âu Mỹ, lòng hiếu thảo là lý do của bao thảm trạng gia đình người Việt. Phải hiểu rằng con chúng ta đâu còn sống chung với chúng ta để có những ràng buộc chặt chẽ về tình cảm và kinh tế như thế hệ chúng ta đối với ông bà cha mẹ chúng ta trước đây. Kể từ thế hệ con cháu chúng ta, bổn phận chỉ có một chiều, nuôi con là bổn phận của cha mẹ theo luật pháp và hệ thống kinh tế cũng như văn hóa mà chúng đang sống khiến chúng ta không có khả năng cùng một lúc làm chủ kinh tế và tình cảm cho hai gia đình, gia đình của chúng ta và con của chúng ta.
Cái thảm trạng không phải là con chúng ta lạnh lùng thiếu bổn phận với chúng ta mà đôi khi chúng ta kết tội chúng bất hiếu, cũng chẳng phải là lỗi của chúng ta đòi hỏi tình cảm và tiền bạc mà đôi khi chúng ta bị con cháu trách móc chúng ta lợi dụng, hay tệ Cái thảm trạng là chúng ta và con chúng ta cùng sống trong cùng một cảnh đổi đời, đổi hệ thống giá trị. Đến thế hệ cháu của chúng ta, chắc hẳn không còn có cái thảm trạng chữ hiếu.
Chúng tôi nghe được những hoàn cảnh trái ngang đại loại như đứa con trai làm lương tối thiểu chỉ vì chữ hiếu phải cung phụng cho cha mẹ về Việt Nam thường xuyên để gia đình đứa con phải tan nát, hay cảnh quan tài của người cha nằm lạnh lẽo trong nhà quàn với mấy vòng hoa và nén hương đã tắt khi con cháu viện dẫn phải đi cày để không bị mất job. Dĩ nhiên đó là chuyện cùng cực, nhưng chuyện sứt mẻ vì chữ hiếu cũng rất nhiều.
Chuyện gởi tiền về Việt Nam giúp thân nhân cũng là một trong những lý do khiến vợ chồng lục đục, anh chị em bất hòa. Khi người tị nạn đến đất mới, tuy phải lao động cật lực gian khổ mới có được chút ít tài sản nhưng phải đối diện với những nhu cầu cấp thiết trên đất mới. Mặc dù vậy, so với thân nhân đang sống bên kia trời dưới chế độ bạo tàn, thân phận họ còn bi đát hơn. Việc giúp đỡ thân nhân để chia sẻ phần nào nỗi bất hạnh là bổn phận tất yếu theo đạo làm người. Nhưng người tị nạn đâu thể nào nuôi người thân ở Việt Nam lâu dài hay suốt đời bởi lẽ người Việt ta có câu: “Giúp ngặt chớ không giúp nghèo”. Việc gởi tiền về Việt Nam đã tạo ra một số người lười biếng sống chùm gởi trông chờ tiền từ ngoại quốc gởi về. Từ thương yêu đùm bọc, sự lạm dụng của một số thân nhân, ảnh hưởng bởi bản chất gian xảo lường gạt của chế độ cộng sản đã đưa đến tình trạng thù ghét tan vỡ đại gia đình. Việc gởi tiền về Việt Nam lại là một tai hại khổng lồ bởi cộng sản đã nhờ hàng tỉ mỹ kim của khúc ruột ngàn dặm trên thế giới để có ngoại tệ củng cố chế độ độc tài tham nhũng.
Cái ngang trái của chữ hiếu đã được dựng thành một phim rất hay được xướng danh. Cuốn phim có tựa là A daughter from Da Nang kể chuyện một người con gái lai Mỹ, rời Đà Nẳng năm 7 tuổi trong Operation Babylift năm 1975. Sau 22 năm, năm 1997, cô Mỹ lai tên Heidi trở về Đà Nẳng thăm bà mẹ là Mai thị Kim.
Cảnh trùng phùng mẹ con vô cùng cảm động, nhưng chỉ vài ngày sau, cảnh đoàn tụ trở thành cảnh bẽ bàng. Mẹ Heidi muốn Heidi rước qua Mỹ để bỏ đi những ngày gian khổ, ông anh trai cùng mẹ khác cha cho biết bây giờ là lúc Heidi phải lo cho cả đại gia đình. Heidi từ chối bởi lẽ cô cảm thấy không trách nhiệm gì cả đến cái nghèo khó của gia đình mẹ. Đành rằng cô khá giả hơn, nhưng cô phải đối diện với những chi tiêu bắt buộc cho cô, cho hai con và cho chồng cô. Dĩ nhiên, nỗi thất vọng và đau đớn của bà mẹ nghèo VN trước sự từ chối lạnh lùng của đứa con mà xã hội Việt Nam kết tội là bất hiếu làm người xem thương cảm. Heidi trở về Mỹ trong nỗi bàng hoàng, vui mừng gặp lại chồng con và không muốn nhớ đến cái bi kịch mà cô vừa trải qua ở Đà Nẵng. Cuốn phim phơi bày một thảm trạng về sự xung đột giữa hai nền văn hóa Đông Tây, đưa tuổi già và tuổi trẻ vào cơn lốc.
Đó là chuyện phim ảnh. Chúng tôi xin kể một chuyện thật ngoài đời nơi tôi sinh sống hơn 40 năm qua. Cách đây không lâu, tôi tình cờ gặp lại bà cụ ở khu Barclay mà những năm đầu tiên trên xứ người, ai cũng có dịp đến nhà bà để đặt mua bánh cam. Sau bao năm, lưng bà đã còng nhiều, nhưng bà vẫn tiếp tục đem bỏ mối bánh cam của bà trong các bọc nylon cho các tiệm thực phẩm Á Đông. Một người quen cũ hỏi bà:
- Con gái cụ bây giờ làm bác sĩ mà cụ vẫn làm bánh cam sao?
- Ơ nầy, con tôi làm bác sĩ chớ có phải tôi làm bác sĩ đâu! Nó có cuộc sống của nó, tôi có cuộc sống của tôi.
Nghe thấy như vậy, tôi nghĩ là bà hạnh phúc, tuy bà vẫn biết Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra và Trẻ cậy cha, già cậy con.
Bà là hiện thân của tình mẫu tử chơn chất, của nước mắt chảy xuôi, của Tình mẹ bao la như biển Thái Bình rạt rào.
Cùng một cảnh ngộ, bà Mai Thị Kim bị dày vò vì con không giúp đỡ mẹ và mất tình mẫu tử, bà cụ bán bánh cam sống một tuổi già hạnh phúc vì bà biết con bà hạnh phúc và vẫn tiếp tục tạo hạnh phúc cho con. Thì ra, chỉ là quan niệm khác nhau về chữ hiếu, và người Việt cần thay đổi suy tư về chữ hiếu để gia đình được êm ấm và việc gởi tiền về VN không trở thành một hành động “nối giáo cho giặc”.
2- Vấn đề uy quyền của cha mẹ
![]() |
Nếu tuổi già giảm mất giá trị trong gia đình Tây Phương là chuyện thường tình, hiện tượng người già bị mất uy quyền, mất sự kính trọng trong gia đình Việt Nam là một xúc phạm lớn, điều mà các bậc cha mẹ VN không dễ dàng chấp nhận. Đây là một góc cạnh khác của sự xung đột già trẻ, thảm trạng của gia đình VN.
Pearl Buck khi xưa viết tiểu thuyết The mother kể chuyện một bà mẹ Trung Quốc nhai cơm đút cho con. Khi đứa con du học trở thành bác sĩ, cưới vợ Mỹ trở về nước tỏ ra ghê tởm mẹ, xem mẹ thiếu vệ sinh. Chuyện một người di tản làm thợ sửa nhà ngày đêm để có đủ tiền gởi cho con học trường Brébeuf, một trường tư thục nổi tiếng. Khi có chuyện xung đột, đứa con mạt sát cha là không lương thiện, trốn thuế vì người cha đã làm chui.
Có gì đau đớn hơn nỗi hi sinh nhục nhằn của cha mẹ biến thành một sai trái, tội lỗi. Tuổi trẻ Việt Nam đã vong ân, vong bản hay tuổi già Việt bảo thủ, độc tài?
Con người, dù cho già trẻ, đen đỏ đều có khối óc để suy nghĩ và trái tim để thương yêu. Phải hiểu rằng những trạng huống kể trên là đoạn kết của những dằng co, xô xát dữ dội mà cả hai phía già trẻ đều vướng mắt vì sự khác biệt trong nhận thức và nhân sinh quan.
Có những cha mẹ săn sóc cho con cái khi chúng đã trưởng thành như thuở chúng còn trẻ thơ. Họ áp đặt hành động và suy nghĩ của họ trên con cái với một số giáo điều mà họ quên rằng mớ kiến thức của họ chẳng ứng dụng gì được trong một nền văn hóa kỹ thuật khác với điều họ đã học từ trường học đến trường đời. Nhân danh tình thương, họ sợ xa con họ, sợ kẻ khác chia sẻ tình thương và quyền lợi với con của họ và có khi không ngần ngại dùng mưu chước để thỏa mãn lòng ích kỷ của họ.
Có những đứa con đã thành danh, hoặc nhờ sự bảo bọc thương yêu của cha mẹ, hoặc do chính sự cố gắng của chính họ nhưng chóng quên nguồn gốc, đạo lý. Họ quên rằng nền văn hóa nào cũng đề cao trật tự, thành tín và tương quan. Họ bất kính với cha mẹ, lánh xa cha mẹ, thậm chí có kẻ sợ sự hàn vi của cha mẹ thiệt hại đến vị trí của họ trong xã hội.
Ông Nguyễn Hiến Lê, tuy ông không sống ở hải ngoại nhưng có nhiều bạn ở nước ngoài về kể cho ông nghe và ông đã ghi lại: “Người Âu Mỹ lớn rồi thì ra riêng, có khi cả tháng, cả năm không lại thăm cha mẹ một lần. Cha mẹ già thì đưa vào nhà dưỡng lão. Một ông già nọ bước chân vào nhà dưỡng lão, quay lại nhìn đứa con trai nghe nó dặn khẽ: Ba đừng nói hở tên gia đình mình ra nhé.
Mỗi vụ hè có hàng ngàn người ở Paris đem cha mẹ lại gởi một bịnh viện rồi sau hè, họ “quên” không tới đón về, bỏ mặc cho chính phủ muốn làm gì thì làm. Mấy ông bạn tôi ở Pháp đều phàn nàn về sự bạc bẽo của con cái, nhất là những con trai có vợ ngoại quốc. Mười đứa thì có đến chin đứa không nuôi cha mẹ. Tôi mới nghe nói vợ của một học giả quá cố Việt Nam rất có tiếng tăm, chỉ có mỗi một con gái có chồng Pháp vào hạng khá giả, mà bị con gái hất hủi, cấm không cho vô nhà chỉ vì làm phiền vợ chồng chúng nó thôi, và bà cụ đã gần 80 tuổi đành phải lại ở nhờ một người cháu, không biết đựợc bao lâu rồi cũng sẽ bị cháu đuổi.” (Nguyễn Hiến Lê. Hồi ký tập 2, tr. 167).
Trẻ con phải hiểu rằng cha mẹ họ đã hi sinh cả sự sống để đem lại sự sống cho họ. Trong bất bình xung đột, họ phải cố gắng thấu hiểu nỗi thống khổ của cha mẹ họ trên quê hương và ngoài quê hương để cùng cha mẹ hóa giải dị biệt trong tương kính.
Thì ra sự xung đột giữa cha mẹ và con cái bắt nguồn không phải chỉ từ quan niệm uy quyền của cha mẹ nhân danh đạo lý cổ truyền mà từ sự vong ân của trẻ con nhân danh tinh thần độc lập của văn hóa Âu Mỹ. Dung hòa suy tư và hành động theo phong hóa người Việt và văn hóa xứ định cư là điều cần thiết để gia đạo bình an và dân tộc Việt Nam trường tồn. Trẻ cũng như già.
3- Xung khắc thế hệ
![]() |
Tập thể Y Sĩ Việt Nam tại hải ngoại thường họp định kỳ thay phiên nhau tại nhiều thành phố lớn trên thế giới để thảo luận các vấn đề liên quan đến nghề nghiệp và đời sống. Trong kỳ họp tại Paris năm 2000, chuyện già trẻ là một trong những đề tài tạo nên nhiều tranh luận.
Bài tham luận của Bác sĩ NLHP (HP), thay mặt cho giới bác sĩ trẻ với cái tựa “Gởi các chú các bác” là một tấn công trực tiếp và vũ bão vào thế hệ cha chú. Ông viết:
“Các chú các bác muốn chống cộng? Rất tốt. Nhưng những cuộc xung đột đã và đang xảy ra trong cộng đồng VN tại hải ngoại có thể làm gì để lung lay và lật đổ chế độ cộng sản ở quê nhà? Nếu HP là người cộng sản thì HP sẽ rất vui mừng và đắc chí khi thấy những người quốc gia đối chọi và chụp mũ lẫn nhau. Người cộng sản không cần một hơi sức hay một viên đạn, họ chỉ cần vu khống không căn cứ cho bất cứ một người nào trong hàng ngũ quốc gia là đủ để cho chúng ta tị hiềm khích và xung kích với nhau để dẫn đến sự tan rã hàng ngũ quốc gia. Nhìn lại quá khứ và hiện tại của cộng đồng VN tại hải ngoại, HP đôi khi cũng không biết các chú các bác đang chống cộng hay chống nhau. Các chú bác hình như đang đóng một trò hề cho cộng sản cười chơi, mà đau buồn hơn là đang diễn xuất một bi hài kịch cho dân tộc và cho tuổi trẻ VN tại hải ngoại. Còn vấn đề đại sự chống cộng thì sao? Trước hết, HP xin được phép hỏi: Tại sao chúng ta phải chống Cộng? Có hai lý do sâu xa tại sao chúng ta phải chống cộng. Vì muốn rửa hận nước và trả thù nhà. Vì chúng ta muốn giải cứu dân tộc ta ra khỏi cảnh lầm than, nô lệ đói khổ. Và công việc chống cộng tại hải ngoại nó đã đi đến đâu rồi? HP xin được phép phát biểu thẳng thắn:
Thưa các chú bác, các lãnh đạo cộng đồng, công việc chống cộng ở hải ngoại đã bị SA LẦY một cách thê thảm. Vì ba lý do: chúng ta thiếu viễn quang và chúng ta không biết chúng ta muốn cái gì. Chúng ta không biết học những bài học lịch sử và sắp sửa tái diễn lịch sử. Chúng ta quá sợ sệt bọn Cộng Sản...
1- Thiếu viễn quang và không biết chúng ta muốn gì? Trong cuộc tranh hùng, chúng ta phải biết những giới hạn và các luật lệ của cuộc chiến (rules of the game). Nếu chúng ta chống cộng vì quê hương và dân tộc thì chúng ta phải tôn trọng tuyệt đối hai điều luật sau đây: không được có sự đổ máu cho dân tộc VN. Dân tộc VN phải có cơ hội và tiềm năng vươn lên trong thời kỳ hậu cộng sản. Hình như các lãnh đạo cộng đồng không quan tâm đến hai điều nầy....
2- Tái diễn lịch sử: Các chú bác muốn cứu nước? Rất cao quý! Nhưng các chú bác nên tránh đi những vết xe đổ của lịch sử Việt Nam.
Lịch sử Việt đã cho chúng ta một bài học. Dân tộc Việt không có những người bạn thật, HP xin nói thẳng: Có lẽ kẻ thù của chúng ta phải lo sợ không phải là bọn cộng sản mà chính là anh đồng minh Hoa Kỳ… Đảng cộng sản sẽ không còn là kẻ thù của Mỹ nữa mà sẽ là đồng minh. Vậy thì ai là kẻ thù của Mỹ? Những ai là kẻ thù của cộng sản trong đó có chúng ta, những người quốc gia. Các chú bác không tin là Mỹ sẽ bán đứng cộng đồng người Việt hải ngoại? Câu hỏi được đặt ra là các chú bác và người Việt hải ngoại nói chung có thể bị bán đứng lần thứ hai hay không?
3- Quá sợ sệt cộng sản: Cho tới nay, cuộc đấu tranh chống cộng chỉ là một trận đấu bằng võ miệng. Chúng ta chỉ biết la hét, phản đối, biểu tình, đấu tranh bừa bãi, rời rạc thiếu tổ chức… Chúng ta hô hào để cấm vận Việt cộng thì Hoa Kỳ lại thương thuyết với họ, chúng ta phản đối việc về thăm VN thì Việt kiều đua nhau về nước, chúng ta phản đối băng Thúy Nga “Mẹ” là tuyên truyền cho cộng sản thì chính cái băng đó được bán chạy nhiều nhất và được mua phần lớn bởi người Việt quốc gia. Người quốc gia cứ tiếp tục “võ miệng” và có lẽ khi cả thế hệ của chú bác nằm sâu dưới 3 thước đất thì chế độ cộng sản vẫn còn ngồi lì trong nước...Tại sao các chú bác không dám đối thoại và cọ xát trực tiếp với nhà cầm quyền Hà Nội? Tại vì các chú bác sợ sệt cái bọn cộng sản. Các chú bác khoan tức giận đã! Có lẽ các chú bác viện lẽ bọn cộng sản lưu manh quỹ quyệt và ác độc phải không? Rất đúng, nhưng nếu không vào hang cọp thì làm sao bắt được cọp...
Cuối cùng, HP xin nói với chú bác một điều. Hoàn cảnh lịch sử, địa lý chính trị của Việt Nam chỉ cho dân tộc một lựa chọn: VIỆT NAM PHẢI LÀM MỘT CƯỜNG QUỐC HAY MỘT TIÊU NHƯỢC QUỐC, nhưng chúng ta không thể nằm giữa hai thế cực. Chúng ta hãy chọn lựa. Đã đến lúc chúng ta thức dậy và làm lại lịch sử... Đại hội Paris sắp đến là một cơ hội tốt để cho Hội Y Sĩ thảo luận để vạch ra một hướng đi và một sứ mệnh lịch sử. Xin các chú bác suy nghĩ kỹ đi...”
Bài viết đã được BS Phạm Hữu Trác trả lời trong bài “Một vài góp ý”. Sau khi trả lời từng điểm một với những dẫn chứng, giải thích trong tinh thần đối thoại, Chú (hay bác) Trác đã kết luận với lời lẽ bóng bẩy pha niềm cay đắng:
“Tôi bàng hoàng, ngỡ ngàng khi đọc bài của NLHP. Các bạn tôi, trẻ có, già có bảo tôi viết. Biết nói gì đây khi có người hăng say tình nguyện đỡ gánh, nhận lãnh trách nhiệm, những người mà tập thể chúng ta bấy lâu tìm kiếm và mong đợi. Đêm đã vào khuya, tôi gục đầu xuống bàn. Ngoài cửa sổ mưa rơi, gió thổi. Tiếng va chạm một tai nạn xe cộ đánh thức tôi. Tôi mong nồng độ rượu không vượt quá mức luật định. Hẳn là adrenaline dâng cao trong máu, xe chạy nhanh đụng gẫy cột đèn. Hình ảnh gợi ý, tôi trở lại bàn máy, viết tiếp như sau:
- Nhiệt tình không đặt đúng chỗ, đúng mức sẽ làm hỏng đại sự.
- Học tập huấn luyện cá nhân và tập thể trong sinh hoạt của mỗi hội đoàn là cần thiết để thấu đáo sự việc, điều kiện tất yếu của thành đạt.
- Paris, sáng chủ nhật ngày 28-7-1991, các anh chị trẻ trong y giới hội thảo đặc biệt về trách nhiệm người trẻ trong cộng đồng. Orlando 1993 hướng về tương lai, San Jose 1995 kết hợp để xây dựng, Montréal 1997 tre già măng mọc... Mười ba năm sau, chúng ta vui mừng thấy Huỳnh Đỗ Phi thảo kế hoạch, NLHP làm đồ án, Đinh Xuân Anh Thái chọn “từ nay gánh vác”.
Như một đóng góp nhỏ, tôi muốn kể các bạn nghe trong những cái thúng cũ ở hai đầu đòn gánh, trong túi vác trên vai đã chứa những gì. Các bác các chú mang nặng lắm. Họ đã vác túi cứu thương ra chiến trường, vai bên kia đeo súng chống giặc, gánh phân, vác củi, khiêng quan tài trong trại học tập, vác túi chạy xuống thuyền ra biển, chân ướt chân ráo đến đất mới lại lao động, vác thùng nặng trong cơ xưởng, kiếm tiền gửi về nuôi cha mẹ, mua vàng cho con em tìm đường vượt biên.
Ngày nay nhận đỡ gánh, chắc không ai muốn bỏ thêm vào thúng phân bùn, gạch vụn. Hãy đặt vào đó một bộ máy vi tính cực kỳ sống động, ấy là não bộ của con người.
Chúng ta, “người trẻ” cũng như các chú, các bác, mỗi người đều mang trong đầu một trăm triệu tế bào thần kinh. Làm sao để phần thu nhận (tìm tòi, lắng nghe, trao đổi kinh nghiệm...) và phần phát ra (nói, viết, nghĩ, làm...) cân xứng, làm sao để những neurones ấy điều chỉnh được con tim bồng bột, hồ hỡi không bị virus phá hỏng, đấy là con đường cầu tiến của người trí thức.
“Rèn luyện cả đời bằng thiện chí, bằng học hỏi từ tốn, vẫn không vói tới cao điểm của toàn bích được” (trích từ Tập San Y Sĩ / Hội Y Sĩ VN tại Canada, số 146, tr. 22-37)
Chúng tôi nhờ hai bài viết trên để nói lên nỗi cô đơn giữa hai thế hệ già trẻ về cách suy nghĩ, cách nói và cách làm. Người trẻ trách móc người già cố chấp, bảo thủ, cố bám vào những kinh nghiệm của quá khứ có khi đã lỗi thời để áp đặt giới trẻ. Đứng bên kia hàng rào, người già trách người trẻ, tuy có tư duy sáng tạo nhưng phiến diện, tuy bộc trực nhưng thiếu lễ độ, tự tin quá đáng biến thành tự phụ, sôi nổi chốc thời và dễ dàng bỏ cuộc. Thành kiến và mặc cảm là hai yếu tố khiến già trẻ không gặp nhau, không bổ túc sở trường sở đoản cho nhau, là một yếu tố tiêu cực trong việc phát triển cá nhân cũng như tập thể.
Bài đối thoại của hai bác sĩ già và trẻ đã đi qua lâu rồi mà hôm nay đọc lại, tôi thấy vấn đề vẫn như chưa có gì thay đổi. BS P. hôm nay bớt trẻ hơn, BS Trác hôm nay đã trở về cát bụi, nhưng nỗi cô đơn của hai người vẫn còn nguyên vẹn, trong khi cộng sản trong nước tàn bạo và tham nhũng như chỗ không người, và đàn em của Bác sĩ P, đàn cháu của BS Trác thì dửng dưng chuyện thế sự.
Tương lai Việt Nam không còn là đối thoại của người trẻ, người già ở hải ngoại, của các người hoạt đầu chính trị chuyên nghiệp đàn đúm trong các salon, trong các buổi hội thảo. Tương lai Việt Nam là của người VN trong nước đứng lên nổi dậy để lật đổ bạo quyền và của tập thể người Việt tị nạn ngoài nước yểm trợ.
4- Dị biệt ý thức hệ trong giới trẻ.
![]() |
Chúng tôi muốn đề cập đến một vấn đề khác hệ trọng hơn, ảnh hưởng đến đời sống văn hóa chính trị và căn tính của người Việt, đó là sự dị biệt ý thức hệ của giới trẻ.
Tháng tư năm 2013, vẫn với giọng văn trách móc thế hệ cha ông, Andrew Lâm (con của Trung tướng Lâm Quang Thi) viết một bài về cảm nghĩ của anh sau khi viếng Tượng đài chiến sĩ Việt Mỹ ở quận Cam.
“…Đứng trước tượng đài, tôi có hai tâm trạng. Tôi cảm thấy một cái gì đó như tình yêu thương quê hương đang chảy trong huyết quản của tôi, thấy buồn sâu sắc cho những người đã chiến đấu và hy sinh, cho những người còn sống sót nhưng vẫn mang theo nỗi thất vọng với những kinh nghiệm vụng vỡ. Nhưng đồng thời tôi cũng cảm thấy xa cách. Trong khi tôi đứng đó vào một chiều Thứ Bảy, hai phụ nữ cao tuổi thắp nhang và cầu nguyện, một số người đàn ông Việt mặc quân phục đứng gác gần đó. Thế đứng của họ như mang một niềm u uẩn và nặng nề, gợi lên một nỗi buồn chung khiến tôi rùng mình. Cặp mắt họ, cặp mắt từng chứng kiến những cảnh tượng khủng khiếp của cuộc chiến, vẫn còn in nét giận dữ, thù hận và cay đắng. Khuôn mặt họ khiến tôi nhớ đến cha tôi.Lúc đó, tôi cho rằng có một dòng lịch sử đã định hình những người đàn ông mặc quân phục trong đó có cha tôi, nhưng một dòng lịch sử khác lại xuất hiện trong tôi. Cha tôi tự coi mình là một người Việt lưu vong đang sinh sống tại Mỹ, còn tôi thấy mình là một phóng viên Mỹ, người từng thực hiện nhiều chuyến đi về Việt Nam mà không mang một chút nào cảm xúc. Đối với tôi, Việt Nam, đất nước nơi tôi sinh ra, và lịch sử đầy biến động khi tôi ra đi, đã trở thành như một địa điểm khởi hành, một mối quan tâm, nhưng không phải là quê hương của tôi.Thật là trớ trêu cho cha tôi, mặc dù ông trân quý Việt Nam trong tim với lòng thành khẩn, cha tôi không thể quay về đất nước cho tới khi nào chế độ cộng sản còn cầm quyền. Ông mang theo sự tức giận không nguôi. Lịch sử, đối với cha tôi và những người đàn ông vẫn còn mặc quân phục khi có lễ hội ở cộng đồng, vẫn lùi về những kỷ niệm chiến tranh, cuộc chiến khốc liệt và đẫm máu mà cuối cùng họ thất bại và phải sống lưu vong, nhưng kềm giữ luôn trong lòng chủ nghĩa dân tộc và tâm trạng cô đơn. Họ sống ở Mỹ nhưng tâm tưởng của họ vẫn còn như tiếp tục chiến đấu cho một cuộc chiến chưa chấm dứt ở Việt Nam. Niềm đam mê cũ vẫn còn, nhưng nay nó phải hài hòa với đời sống mới: người Việt hải ngoại, không còn lưu vong nữa, đang dần dần đi vào quỹ đạo của Việt Nam.”
Ngọc Lan, phóng viên báo Người Việt, tờ nhật báo lớn nhất của người Việt tại Quận Cam, đã viết “Mặc dù thế hệ người Việt gốc Mỹ trẻ tuổi cũng quan tâm tới nhân quyền, dân chủ và tự do ở Việt Nam như những người lớn tuổi hơn, nhưng họ không muốn đấu tranh cho mục tiêu ấy ”. Cô Ngọc Lan viện dẫn rào cản ngôn ngữ và sự thiếu kinh nghiệm về thế giới cộng sản là những yếu tố tạo ra khoảng cách giữa hai thế hệ. Người Mỹ gốc Việt trẻ thường bị vỡ mộng khi mọi nỗ lực của họ để giúp Việt Nam đều bị những người lớn tuổi hơn họ chỉ trích. Ngược lại, những người lớn tuổi khó chịu khi thấy người trẻ thực hiện các chương trình từ thiện về Việt Nam.
Câu hỏi được đặt ra là liệu cộng đồng người Việt có thể là tác nhân cho sự thay đổi và tìm ra những phương cách mới để ảnh hưởng tới tương lai của đất nước hay không? Để làm được như vậy, họ cần phải hỏi những câu hỏi thật khó trả lời. Có tự do thật sự hay không cho VN khi những người người tranh đấu cho tự do còn để cho căm thù che lấp sự thật và bị lòng căm thù điều khiển? Làm thế nào có được dân chủ cho Việt Nam khi những người sống tại Mỹ lại không hiểu và áp dụng dân chủ chính trong cộng đồng của mình, và làm thế nào để vượt qua sự tức giận và ham muốn trả thù? Và tạo không gian để thảo luận và đối thoại trong tinh thần xây dựng, thúc đẩy tư tưởng chính trị mới?
Đó là sự thật, một khi sự căm thù tan biến, thay vào đó sẽ là nỗi đau. Những ai bám víu mãi mối hận thù, tôi nghĩ thường là những người sợ điều gì sẽ đến sau đó. Nhưng sự thật là nhiều người trong chúng ta đã vượt qua mối hận thù cũ về mặt tâm lý. Chúng ta học được cách để gặm nhấm nỗi đau của mình và điều chỉnh văn hóa Đông và Tây, quá khứ và hiện tại, truyền thống và tham vọng cá nhân, lòng trung thành xưa và các liên minh mới,... Như vậy, chúng ta đang trong quá trình tái tạo một khái niệm tổng thể về ý nghĩa là Người Việt.
“Mẹ Việt Nam”, vẫn ở đây, nhưng chúng ta không còn như trước nữa. Thế hệ mới sanh ra ở nước ngoài có thể vẫn hiểu rõ nguồn gốc của mình, có thể vẫn tự hào về di sản của mình, nhưng họ không còn bị ràng buộc với ý tưởng Việt nam là số phận của họ. Việt Nam chỉ là một trong nhiều nơi họ đến. ( The big questions for the new generations of Viet Nam/Andrew Lam www. alternet.org 29/03/2013).
Chúng ta, những người Việt Nam, không phân biệt tuổi tác, đã trải qua khổ đau của một cuộc chiến và trận hồng thủy của sự trốn chạy cảm thấy đau đớn hơn khi nghe một diễn từ như vậy. Đau đớn vì bị xúc phạm và đau đớn vì nỗi bất lực không nói hết cho những người trẻ biết sự thực, để những người trẻ nói thay lời cho kẻ chiến thắng trong nước và những người bại trận ngoài nước.
Trên nước Mỹ và trên thế giới, chúng tôi thực sự không biết có bao nhiêu Andrew Lâm đã chóng bị Mỹ hóa và Cộng sản hóa đến độ quên gốc nguồn và hiểu sai lịch sử Việt Nam như vậy. Nhưng không sao, đó chỉ là một số người lính chưa được huấn luyện được đưa ra mặt trận để đỡ đạn trong một trận đánh biển người, bởi lẽ tập thể người Việt trẻ và già còn biết bao người biết đọc lịch sử, biết dấn thân và biết lãnh đạo. Mùa hè năm 2013 có 800 người trẻ tuổi từ khắp các tiểu bang đã bỏ công ăn việc làm gặp nhau ở Washington DC để hợp bàn về việc tranh đấu cho nhân quyền ở VN và cứ mỗi năm, những cuộc họp bạn đại loại như Trại Lên Đường được tổ chức tại nhiều nơi ở Bắc Mỹ và Âu châu.
![]() |
“Tuổi trẻ, phục vụ, dấn thân, lên đường” đó là khẩu hiệu của Hội Văn hóa Khoa học Việt Nam dành cho chương trình Trại Lên Đường (Lên Đường Camp) năm 2014. Trại ra đời từ năm 1998 xuất phát từ nhu cầu cấp thiết về một môi trường tích cực cho giới trẻ được hoạt động tập thể, nâng cao khả năng lãnh đạo, kết nối bạn bè và chia sẻ kinh nghiệm.
Mỗi năm, Trại Lên Đường đào tạo khoảng 250–300 bạn trẻ. Người tham gia được tiếp xúc với các khái niệm về lãnh đạo, nhận biết các nhóm năng động và tăng cường quyền hạn của mình qua tư duy phê phán, cách giải quyết vấn đề, cách lấy quyết định và tháo gỡ xung đột. Hơn 10 năm qua, Trại Lên Đường đã phục vụ hơn 2.000 trại viên bao gồm những nhà hoạt động cộng đồng trẻ và các sinh viên. Trong môi trường này, các trại viên được rèn luyện khả năng lãnh đạo và nhận biết khả năng của mình trong tương lai. Sau khi rời trại, các bạn trẻ sẽ được trang bị nhiều kiến thức hơn cho những hoạt động trong các tổ chức hay cộng đồng.
Ngoài việc học tập lãnh đạo và đời sống tập thể, mục tiêu của Trại Lên Đường còn để: Nâng cao việc nhận thức di sản văn hóa để thu hẹp khoảng cách thế hệ trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt, tăng 15% số lượng trại viên hiểu biết hơn về nguồn cội và di sản văn hóa. Đến với Trại Lên Đường, các bạn trẻ không những được học tập lãnh đạo mà còn được quay về với những giá trị truyền thống văn hóa Việt. Điều này cho thấy chương trình rất có ý nghĩa trong việc hướng các người trẻ gốc Việt không quên cội nguồn.
Trong các hoạt động, Trại Lên Đường luôn cố gắng sử dụng tiếng Việt. Chương trình luôn có những chuyên đề huấn luyện cho người trẻ không rành tiếng Việt. Trong phần thi đua giữa các đội nhóm hay các tiết mục đóng kịch, những nhóm sử dụng tiếng Việt sẽ được cộng điểm ưu tiên.
Mặc dù chỉ diễn ra trong 4 ngày, nhưng những hoạt động thực sự rất bổ ích cho các bạn trẻ trong việc sống với văn hóa Mỹ và văn hóa Việt. Nhiều bạn trẻ sau khi tham gia trại đã quay trở lại trong những trại tiếp theo và trở thành những thành viên Ban tổ chức, hướng dẫn cho những trại viên mới.
Cộng đồng người Việt sẽ không bị xóa tên trên các đất định cư với các nhóm người dấn thân, biết sống hài hòa với văn hóa của quê hương nơi họ sinh ra và quê hương của ông cha họ. Trong nhiều bài viết và phỏng vấn, nhiều trí thức nhân tài gốc Việt, dù không nói rành rẽ tiếng Việt vẫn mong mỏi một ngày Việt Nam thoát khỏi gông cùm Cộng Sản để trở về góp sức xây dựng quê hương.
Trí thức, tuổi trẻ VN không phải chỉ có những Andrew Lâm, rành rẽ tiếng Việt vẫn mong mỏi một ngày Việt Nam thoát khỏi gông cùm Cộng Sản để trở về góp sức xây dựng quê hương.
Trí thức, tuổi trẻ Việt không phải chỉ có những Andrew Lâm. Rất bổ ích cho các bạn trẻ trong việc sống với văn hóa Mỹ và văn hóa Việt. Nhiều bạn trẻ sau khi tham gia trại đã quay trở lại trong những trại tiếp theo và trở thành những thành viên Ban tổ chức, hướng dẫn cho những trại viên mới.
Cộng đồng người Việt sẽ không bị xóa tên trên các đất định cư với các nhóm người dấn thân, biết sống hài hòa với văn hóa của quê hương nơi họ sinh ra và quê hương của ông cha họ. Trong nhiều bài viết và phỏng vấn, nhiều trí thức nhân tài gốc Việt, dù không nói rành rẽ tiếng Việt vẫn mong mỏi một ngày Việt Nam thoát khỏi gông cùm Cộng Sản để trở về góp sức xây dựng quê hương.
5- Thay lời kết
Như đã dẫn ở phần trên, người viết đã mô tả sự thành hình của một xã hội Việt Nam ở hải ngoại, những nét tích cực và tiêu cực hiện diện trong các thế hệ thứ hai, thứ ba… Thử nghĩ, nếu chúng ta nhìn lại hiện trạng xã hội sau 50 năm “thống nhứt”, Cộng sản Bắc Việt đã, đang và sẽ để lại gì?
Có thể nói, tình trạng xã hội Việt Nam hiện được nhìn nhận là một quá trình phát triển phức tạp, với nhiều thách thức. Sự phát triển không đồng đều giữa các khu vực, đặc biệt giữa thành phố lớn và nông thôn, dẫn đến khoảng cách giàu nghèo ngày càng sâu rộng. Các vùng sâu, vùng xa vẫn gặp nhiều khó khăn về hạ tầng kiến trúc và dịch vụ. Một số phận người có đặc quyền như cán bộ, đảng viên được hưởng lợi từ phát triển, trong khi đại đa số vẫn gặp khó khăn trong cuộc sống, dẫn đến tình trạng bất bình đẳng và căng thẳng xã hội.
Xã hội Việt Nam hiện nay có sự phát triển đầy thách thức, và có thể nói là phát triển khập khiễng.
Mặc dù đã có cải cách, nhưng hệ thống giáo dục vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề như áp lực thi cử, phẩm chất giáo dục không đồng đều, và thiếu kỹ năng thực tiễn cho học sinh và vẫn còn từ chương. Học trình bậc đại học chì là một bước nối dài của chương trình trung học. Về nội dung giáo dục nặng về lý thuyết, nhiều môn học chính trị và tư tưởng, phương pháp giảng dạy còn truyền thống, nhiều nơi vẫn sử dụng cách học thuộc lòng, thiếu sự sáng tạo, thi cử thường xuyên, áp lực thi cử lớn, dẫn đến việc học sinh chỉ chú trọng vào việc thi cử.
Hệ thống giáo dục miền Nam trước 1975 và miền Bắc sau 50 năm thống nhất có sự khác biệt rõ rệt về mô hình, nội dung, phương pháp giảng dạy và phẩm chất. Từ đó, tình trạng xã hội Việt Nam hiện nay có thể được nhìn nhận là một quá trình phát triển phức tạp, với cả nhiều và thách thức và bất bình đẳng.
Cảm nhận về giáo dục Mac-Lenin trong chương trình giáo dục ở Việt Nam là một vấn đề gây tranh cãi, chiếm quá nhiều thời gian và không phù hợp với thực tiễn hiện đại. Kiến thức về Mac-Lenin không còn phù hợp với bối cảnh xã hội hiện nay, khiến học sinh không cảm thấy hứng thú và áp dụng được vào thực tiễn và làm giảm cơ hội vì mất nhiều thời gian học tập cho một lý thuyết vô bổ trên, cho học sinh, sinh viên tiếp cận các kỹ năng thực tiễn, như công nghệ, tư duy phản biện, và kỹ năng mềm.
So với trước năm 1975, xã hội Việt Nam đã trải qua nhiều thay đổi đáng kể khi Việt Nam thống nhất, áp dụng chính sách tập trung vào xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đó chính là điểm bế tắc của Cộng sản Bắc Việt sau 50 năm cai trị ở Việt Nam. Tuy ngày nay không còn sông Bến Hải cách chia, nhưng chắc chắn giữa hai miền Nam Bắc vẫn còn “sừng sửng” bức tường chia cách dân tộc rõ ràng: Đó là “niềm tự hào hoang tưởng của người cộng sản Bắc Việt”.