Giá Tự Do - Lâm Vĩnh Bình
“Giá Tự Do” do nhà xuất bản Truyền Thông phát hành năm 2014 là tác phẩm biên khảo được trao tặng Giải Nhất Văn Học Hải Ngoại Năm 2014, của Hội Y Sĩ Quốc Tế Việt Nam Tự Do với chủ đề: “Cộng đồng người Việt tỵ nạn sau 39 năm: Chân dung, thành quả và tương lai của Hội Y sĩ Quốc Tế Việt Nam Tự Do”. Tác giả là ông Lâm Vĩnh Bình, một nhân sĩ nổi tiếng trong cộng đồng người Việt quốc gia tại vùng Montreal, Canada.

Tác giả Lâm Vĩnh Bình tên thật là Lâm Văn Bé, là cựu giáo sư, cựu giám học, cựu hiệu trưởng của Trường Trung Học Nguyễn Ðình Chiểu, Mỹ Tho; ông cũng là cựu Chánh Sự Vụ Sở Học Chánh tỉnh Ðịnh Tường trước năm 1975, tại Việt Nam. Ông và gia đình định cư tại Montreal, Quebec, Canada từ tháng 05 năm 1975. Ông theo học ngành Thư Viện Học, tốt nghiệp Cao Học Thư Viện năm 1978. Ông là tác giả thường xuyên có những bài viết về cộng đồng, văn hóa, giáo dục, xã hội, tại Canada; và là một trong số những người chủ trương trang web Nam Kỳ Lục Tỉnh. Ông cũng là thân hữu và là cộng tác viên của tập san Nghiên Cứu Văn Hoá Ðồng Nai & Cửu Long, Úc Châu, đã viết nhiều bài nghiên cứu, biên khảo giá trị.

Năm 1999, chương trình mang tên “Re-Constructing Identity and Place in the Vietnamese Diaspora - Tái Xây Dựng Diện Mạo Và Quê Hương Của Người Việt Ở Hải Ngoại” được Trung Tâm William Joiner bảo trợ, với sự cộng tác của các cán bộ cộng sản Việt Nam. Tuy việc làm của William Joiner Center phải đối diện với phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng người Việt hải ngoại, nhưng vì nhu cầu cần thiết vẫn tồn tại. Vì vậy cần có những tác phẩm nghiên cứu thật kỹ và trung thực về đời sống của người Việt tỵ nạn, nhằm ngăn chặn hành vi xóa bỏ hay bóp méo sự thật. Và công trình nghiên cứu với nhan đề “Giá Tự Do” của tác giả Lâm Vĩnh Bình đã đáp ứng được nhu cầu này.

Như đã giới thiệu “Giá Tự Do” là tác phẩm biên khảo nói về cuộc di cư, lập nghiệp và định cư của người Việt trên thế giới kể từ sau chính biến xảy ra vào ngày 30 tháng 04 năm 1975. Sách dày 313 trang, gồm có 05 chương, nội dung ghi chép từng giai đoạn người Việt bỏ xứ ra di, đến được bến bờ tự do, lập nghiệp và định cư tại vùng đất mới; sau đó hội nhập, thể hiện chân dung người Việt tỵ nạn các sinh hoạt chính trị, văn hóa, xã hội... Tác phẩm cũng nói đến quan điểm của tác giả khi nhìn về tương lai của cộng đồng người Việt. Trong diễn văn đọc ngày nhận giải thưởng, do Bác Sĩ Ðào Bá Ngọc đại diện, tác giả cho biết: Ðây là sách viết về người tỵ nạn và cho con cháu người tỵ nạn. Ông muốn độc giả nhìn lại quá khứ triền miên bất hạnh, kể từ ngày cộng sản kiểm soát Miền Nam, khiến người dân trên bốn vùng chiến thuật phải đi thuyền đi ghe vượt biên, cho đến khi tới bến bờ tự do.

Nhiều tài liệu thống kê, phóng sự, sách, báo và cả những câu chuyện thật của người Việt ký gửi trong “Giá Tự Do”, không chỉ nói đến những hiểm họa mà thuyền nhân gặp phải khi vượt biển tìm tự do, mà còn nói đến toàn cảnh đời sống gian nan khốn khó của người Việt di tản, trong lúc chọn đất khách là nhà.