Hai cái Tết đặc biệt của Nghi

Nguyễn Văn Sâm

“Ấm lòng hai nhịp nên rung
Ấm thân một cảnh mới cùng du tiên”
(Kiến Hoa)

1.

Nãy giờ đi bộ cả giờ trong đêm tối lờ mờ ánh sao tôi vui mừng khi tới bờ nước. Sông nầy chắc là bờ bên nầy của kinh Tiếp Nhứt, lội qua sớm để còn thời giờ đi xe lôi lên Chùa Dơi, từ đây vô thành phố Sóc Trăng thì kể như thoát. Hổ về rừng. Từ từ tôi bỏ chưn xuống nước. Rùng mình. Chuồi xuống nước. Không được chết nha Nghi. Tôi vừa lội vừa thì thầm trong trí như có một người thứ hai kế bên thúc giục phải bước qua nỗi khó khăn to tát trước mặt. Nước đêm khuya lạnh ngắt. Một vài đám bèo Nhật Bản thỉnh thoảng quấn vô tay, cạ vô mặt như làm quen mơn man an ủi. Trên trời vài ba vì sao cô đơn đương quan sát ‘thân gái dặm trường’. Phía trước tối thui một màn đêm vĩ đại tới kinh khiếp. Thỉnh thoảng do những cái sãi tay, nhờ vị trí được nhích lên cao hơn mặt nước chút xíu vài ánh đèn mong manh chập chờn xa xa đập vô mắt. Cũng là tia hy vọng được đốt lên cho đứa con gái mới trở thành đàn bà chừng hơn một giờ trước. Nước ép dính sát áo vô mình bứt rứt, nước ịn quần dán chặt vô da thịt đáng ghét của tôi bây giờ. Tôi chợt có ý nghĩ nếu mình chết chìm vì hụt hơi mà lõa lồ thì kỳ quá, xấu hổ cái thân thể trước đây tôi thường tự hào với mình là kiều mỵ. Quyết chí để nguyên bộ đồ ngủ trên mình, dầu vướng vít khó lội do hút nước nặng chình chịch, tôi chỉ thò tay giựt áo ngực liệng ra xa. Thôi giã từ mầy nha. Mới mua tưng tiu tuần trước, tính để khoe mẽ bây giờ đành phụ phàng đẩy nó ra xa, thứ đây nhợ lỉnh kỉnh nầy quấn vô tay chưn thì khổ vì mất sức vô ích. Mà quái lạ, của quỷ nầy lại cứ xoáy theo những cái khoát nước của tôi, chờn vờn quanh quẩn trước mặt chủ, hình như nó không muốn rời để trôi theo dòng nước trong cảnh tối đen nầy. Nó sợ cô đơn bộ tôi không biết sợ bị bắt lại hay bị chết chìm sao chứ? Đồ quái nà, chìm đi mầy để tao yên tâm lội tới bờ bên kia rồi tính gì tính. Cũng chưa biết qua bên đó có xe đi về phía Chùa Dơi hoặc là chỗ nào gần đó hay không. Nếu không có thì đành phải đi về phía TânThạnh rồi lần mò lên chợ Sóc Trăng cũng dễ. Vài trăm lận vô túi sau khi quyết định ra đi mong cho không rớt để may ra kiếm được phương tiện đi xa nơi nầy. Nghĩ tới đây tôi nín thở mò tay xuống lưng quần. May quá, còn, cộm cộm. Ích lợi lắm đó. Không tiền thì ma nào cho lên xe. Đời mà! Có thể họ vừa sợ vừa ghê ghê mà còn chọc quê nữa không biết chừng. Chưa sáng, mặt trời còn ngủ mà có người con gái quần áo ướt mem, tóc tai bù xù như là chẳng chải gỡ cả năm lò mò tới xin ‘có giang’ không một cắc bạc thì ai chẳng ghê? Vừa nghĩ vừa lội tôi thấy mình không mệt như đã tưởng. Kinh Tiếp Nhứt nghe nói dài mà cũng hơi rộng, bình thường chắc mẩm là không nhiều người dám lội băng qua đâu. Bây giờ thì liều mạng thôi. Cùi đâu sợ lở. Muốn thoát khỏi một khốn đốn nầy phải chấp nhận bước qua một khốn đốn khác thôi, đó là nguyên lý. Thách thức với số phận. Đương đầu ngoan cường. Nguy hiểm cách mấy cũng cố mà sải. Cái địa ngục đó phải sống suốt đời thì thà chết trẻ còn sướng hơn!

Tôi lắng nghe coi nhà anh ta có báo động không. Tiếng ồn ào trong đêm hay đèn bật sáng chẳng hạn. May quá, không động tỉnh gì hết. Cả xóm im lìm của đêm mồng Ba Tết, thời gian thiên hạ ngủ nướng tận dụng thêm chút không khí Tết còn lại.

Nghĩ lại tại sao lại liều mạng lội bộ đường dài rồi băng sông ngay đêm tân hôn, tôi thấy mình có lý. Tôi không thù ghét anh ta. Chồng một buổi coi như không phải chồng mà là một tai nạn. Không nên giận thằng cha gây tai nạn cho mình mà buồn tức sao số mình xui xẻo. Anh ta quá khác biệt với tôi làm sao tôi có thể ăn ở đời. Cái ánh mắt bất bình khi tôi loay hoay làm bể cái lọ quí gì đó của anh ta. Câu hỏi là em có giữ phần nào tiền mừng đám cưới không với những cử chỉ theo dõi coi mẹ tôi có diếm chút nào những cái bao thơ đỏ của bà con bên phía đàn gái không khi giúp bưng rổ tiền. Rồi thì trong phòng hoa chúc hắn hỏi sỗ sàng là em còn trinh không, anh thích vợ còn trinh. Tôi tởm đến cổ họng, sao tôi có thể sống chung lâu dài với người như thế được chớ! Lại còn xáp lại hùng hục như hổ đói, chẳng chút gì thương hoa tiếc ngọc hết trong khi đây là lần đầu đời tôi sợ hết hồn về một thứ da thịt người khác phái chòi chòi trên mình mình. Tội nghiệp bà già tôi, đẩy con vô chỗ nầy vì nghèo, vì hi vọng tôi có chút nhan sắc sẽ được nuông chiều. Đâu ngờ bà bất như ý ngay bữa đưa dâu!

Khi hắn lăn ra thoải mái khò khò, không biết trời đất gì thì tôi quyết định thoát lồng ra đi.

Nước kinh khiến tôi nguôi giận nhưng nước lạnh cũng làm tôi tủi thân vì nghĩ thần chết đã treo lưỡi hái lên đầu, nó sẽ rớt xuống bất kỳ lúc nào. Lại thêm thần Ma Da dưới sông đêm tối sẵn sàng trồi lên. Thôi đánh liều nhắp mắt bơi về phía ánh đèn, không nghĩ ngợi gì hết. Tới đâu tới! Mệt rồi!

Và tôi thiếp đi sau khi mừng rơn cảm nhận chưn vừa chạm đám bùn sình ở một cầu nhỏ bắc ra sông của dân ở đây.

2.

‘Trước khi đi xa tôi mướn xe về nhà, ngó chung quanh cảnh cây sung đầy trái, mấy gốc mít bồng con tay xách nách mang. Tôi vòng chung quanh căn nhà cha mẹ để hít hơi thở tuổi thơ của mình phảng phất trong không khí rồi mới bùi ngùi ra đi…’

Nghi nói với bạn mà như nói với mình. Cô bạn cười nhẹ, đưa hàm răng trắng xinh xinh:

‘Bà nói mà tôi nghe như bà làm thơ. Ghiền nghe bà nói rồi đó nha.’

‘Đồ quỷ, đừng dựa trên những chuyện xưa mà tưởng nhỏ nầy nghiêng lệch đó nha. Bình thường, bình thưởng. Thẳng băng.’

Bạn phát vô vai tôi, cười lớn: ‘Đừng nghĩ bậy bạ mà! Rồi bà bỏ đi bốn năm nay không quay về coi má bà ra sao hả?’

Nghi cố kéo dài thời gian lặng giữa hai câu nói bằng cách lau thêm vài vòng nữa cho trái vú sữa trên tay bóng như làm bằng ngọc thạch. Tôi thấy tay cô ta run run. Nét mặt căng thẳng nhưng cố biểu lộ sự bình thường tối đa. Tôi mỉm cười làm quen vừa trấn an sự hồi hộp của mình. Rộn ràng trong lòng nên tôi đưa chưn tìm chiếc dép. Có người tới mua bánh mì mà tôi phản ứng chậm rì như không muốn bán, sợ mất nghe câu nói quan trọng của Nghi.

‘Lâu lâu có nhờ người thăm, có gởi cho bà chút tiền để bà biết tôi còn sống. Nhờ Trời còn mạnh. Vậy là yên rồi. Tôi muốn mình tự lập. Kha khá chút đỉnh nữa mới rước bà lên chỗ mới. Vậy mà mấy năm rồi chưa khá nổi. Đủ sống là may.’

Nghi đưa tay lên tém lại mấy-sợi-tóc-lòa-xòa-cố-ý đương che hờ một bên má, tiếp: ‘Bà biết không, cục bọt biển đó, có quá nhiều lỗ mền mủm vậy mà chứa được cả tách nước trong đó. Tôi bỏ má tôi đi nhưng lòng luôn luôn hướng về ngôi nhà đó, ngôi nhà tuổi trẻ của tôi với hình ảnh người mẹ thương yêu chắc chắn là mỏi mòn trông con ở đó.’

Không biết sao tôi muốn ứa nước mắt khi nghe câu nói nầy. Để khỏi mủi lòng hơn, tôi đẩy chiếc xe đạp chở bánh mì của tôi ra đi thiệt lẹ. Tôi đạp liên tu bất tận thiệt lâu, chẳng cần rung chuông rao bán như thường lệ, cũng chẳng buồn ngừng lại khi có người quen kêu mua.

3.

Là sĩ quan cấp thấp nhứt nên tôi đi học tập không lâu lắm. Độ hai năm thôi. Nhưng được thả về thì đời sống sau đó cũng chua lắm. Chế độ ăn uống bị bạc đãi và chánh sách vắt kiệt lực khiến tôi cả chục năm sau vẫn không hồi phục. Cha tôi biền biệt không biết ở nơi nào tận cùng phía Bắc. Mấy em còn nhỏ sức ăn sức lớn chẳng phụ mẹ tôi được bao nhiêu nên bà bịnh hoạn rề rề rồi qua đời vài năm sau. Sức khỏe sụt xuống thảm thê nên tôi chỉ làm được việc nhẹ thôi. Mấy em nhổ giò lần lần đứa nầy rồi đứa khác, thấy anh Hai không giúp ích gì nhiều nên khi có thể, thì bay đi hết như cố quên cái tổ ấm nghèo nàn thời tuổi trẻ. Căn nhà trở nên trống vắng lạ lùng khi cô em gái út đi lấy chồng. Tôi cốt hướng đời mình vô điểm có ích lợi nhứt cho xã hội vì thấy có quá nhiều điều bất nhẫn chung quanh. Sáng sớm và chập tối, ngày hai cử, đạp xe chở một trăm ổ bánh mì nóng đi luồn trong xóm xa, có khi tới vài ba chục cây số từ xã Long Phú, tới Đại An 2, đạp tuốt luốt tới thị Trấn Long Hội để bán. Lần nào về cũng mỏi rã giò. Thời gian còn lại trong ngày vô chùa phụ Thầy dạy con nít thiên hạ hay xắt thuốc Nam để xin miếng cơm Phật mà không thấy mình mang tội ăn bòn của chúng sinh. Dạy trẻ con học hành, bận áo dà khi làm việc ở chùa, phơi cây thuốc, phụ thầy săn sóc cây kiểng quanh chùa nên tôi cũng được kêu bằng thầy. Từ đó tôi như quên chuyện mình là trai mới lớn khi chiến tranh kết thúc và bây giờ sắp hết tuổi thanh xuân. Tuy vậy có điều hay hay là tôi thuần tánh từ từ, không tham lam, chẳng ganh tỵ, và cũng quên đi mình từng là thầy giáo được đào tạo đàng hoàng, bài bản trước khi thời cuộc biến mình thành một quân nhơn. Bây giờ thì vui với công việc hằng ngày, vui với trẻ con hồn nhiên. Vui cả với việc bỏ chút đỉnh tiền mua giấy mực cho chúng nó. Chuyện thiên hạ coi như thuộc về thế giới khác, không phải chuyện tôi để mắt để lòng mình vô mà chác phiền mua bực.

Vậy mà.

Sáng sáng tôi giao mối cho tiệm cà phê nầy hai chục bánh. Rồi nhẩn nha ngồi uống hết ly cà phê chấm bánh mì nóng giòn uống từ từ hết bình trà khỏi trả tiền ngó cái chợ chồm hổm trước mặt. Tôi quan sát cô bán trái cây nửa tháng nay. Cặp mắt đen láy long lanh của cô ta lòng giảm thiểu chút xót xa còn lại bấy lâu nay cho đời mình. Hóng nghe lời đối đáp của cô ta càng muốn nhảy vô câu chuyện làm quen.

Thấy cặp mắt háo nói của tôi, người bạn bán kế bên cảnh báo:

‘Cô Nghi đã có một đời chồng rồi đó, liệu mà léng phéng ông ơi.’

‘Có một đời chồng còn hơn là đương có chồng…’

Tôi tiếp: ‘Có một đời chồng rồi đường ai nấy đi như cây cà rem bị bỏ xuống đất, thiệt đáng tiếc, tùy người thôi, có người bỏ đi, có người tiếc lượm lên thổi thổi…’

Có nhiều tiếng cười kể cả cặp vợ chồng xồn xồn đương ngồi ăn hủ tiếu trong tiệm. Được mợi, tôi tiến luôn:

‘Cây cà rem ngon ai đang tâm liệng xuống. Tôi tiếc thầm ai đó chẳng khôn.’ Đưa tay cầm cái muỗng cà phê nhỏ híu tôi quậy đã đời ly cà phê mà không biết đường đã tan từ đời tám quánh nào đâu.

Nghị bây giờ mới chen vô:

‘Trai khôn tìm vợ chợ đông, thầy đi đâu tới cái chợ chổm hổm nghèo nàn nầy?’

Tôi ứng khẩu con cóc:

‘Chợ không đông chỉ trông có em là đủ.
Vắng em một ngày anh về mất ngủ cả đêm.’

Cô bạn của Nghi vỗ tay lớn và khen luôn miệng. Hai má Nghi đỏ rần.

Tôi thừa thắng xông lên tấn công luôn:

‘Cô giới thiệu bạn cô cho tôi đi! Mết rồi. Hết thuốc chữa rồi. Ngồi lắng tai hóng chuyện của hai cô, tôi thấy mình cần phải làm quen dầu biết rằng hơi đường đột. Xin thành thật xin lỗi.’

…Chuyện bắt đầu từ nửa tháng trước khi tình cờ nghe câu nói của cô Nghi: ‘Vì nghĩ tới viễn cảnh sống với anh ta suốt đời khác nào cắm đầu vô địa ngục nên phải bung thôi.’ Phục quá, không kềm được, nên hôm nay tôi cố tình chen vô câu chuyện của hai cô để góp chuyện dầu biết rằng dễ bị knock-out…’ Tôi nói liền miệng, không thở như là ngại hễ ngừng lại thì mình không dám nói tiếp.

Sửa lại thế ngồi cho ngay ngắn hơn, mắt ngó thẳng vô đối tượng, hắn trầm ngâm:

‘Đời luôn luôn có người xui và có nhiều thằng ngu. Nhưng lại có rất ít người hên hết cỡ.’ Sau câu triết lý tuy rẻ tiền nhưng đúng hoàn cảnh đó tôi chắc mẩm rằng Nghi hiểu rõ hơn ai hết, tôi làm tỉnh ngó ra đám chợ đông. Bốn mắt lạ lẵm ngó tôi, tôi liếc xéo lại qua khóe mắt mình. Dường như Nghi thấm ý, không nói gì, chỉ liếc bạn mình, cười tủm tỉm.

Nước sông trong xanh ngoài bìa chợ phản chiếu những đám mây trắng trên bầu trời. Cô kia đứng lên đi tới ngồi bên Nghi thúc cùi chỏ nhè nhẹ vô hông bạn. Hai người xầm xì một lúc thì Nghi gật gật đầu, cười cười với bạn. Cô nàng nầy đứng dậy tiến về phía tôi đòi mua hai ổ bánh mì, chắc là coi cho rõ mặt mày hắn:

Tôi nói: ‘Mua bán gì. Xin mời hai cô mấy ổ nóng giòn. Chúng ta chẳng phải là người quen với nhau sao?’

Tảng băng giá của những người không quen đã bị phá vỡ. Tôi quay về phía Nghi quăng thêm một sợi dây nữa:

‘Cô Nghi nè, khi nước cạn với gánh hàng như vậy cô xuống đò về nhà có khó không vậy, đò coi bộ nhỏ quá mà? Chắc là chòng chềnh lắm!’

Nàng, tôi nên gọi Nghi là nàng từ bây giờ, trả lời thiệt khôn như khuyến khích tôi tiến tới, như nói về thân phận mình:

‘Ai gáng gánh nghèo cho người khác bao giờ, phải chịu thôi!’ Giọng nàng làm mặt lạ, nhưng sau đó là nụ cười duyên, tôi biết mình đã được coi như người quen. Vui quá!

Trưa mồng Ba Tết tôi quay lại địa điểm vui của mình vừa khi Nghi tính quảy gánh về sau khi tan chợ. Đôi gióng nhẹ tênh so với khuôn mặt rạng vui của Nghi khi thấy tôi. Tôi lại gần nói nhỏ nói: ‘Anh thích Nghi như vậy đó, như hiện trạng, không cần biết dĩ vãng, cũng không cần biết gia cảnh, đời sống ra sao. Ta đến với nhau lúc nầy đây và về sau mãi mãi. Quá khứ là thứ đã không còn có thiệt nữa. Tan biến, không đáng để ý …’

Bánh đã bán hết, không cần đi đò qua sông nhưng tôi cũng lẽo đẽo đi sau người đẹp xuống đò. Thằng nhỏ lái đò, chừng là đứa mới lớn, còn lóc chóc lanh chanh nói chận bản họng làm tôi ngớ ra, trở về thực tế đời sống kinh tế mình:

‘Thầy Hai coi bộ có cốt tu, thôi tu luôn đi. Bán bánh mì dạo sao nuôi nổi chị Nghi. Bỏ đi Tám cho người ta khỏi khổ thêm lần nữa.’ Nó nói như la làng, lớn họng còn hơn loa của xã sáng sớm. Nghi đỏ mặt ngó xéo tôi như trách. Người trên đò đều đổ xô mắt tò mò ngó đứa nầy rồi ngó đứa kia.

Trả lời thằng nhỏ đồng thời đưa tín hiệu cho Nghi:

‘Làm thân trâu ngựa tôi vẫn làm.’

Những cặp mắt tò mò trở thành áy ngại. Tôi đẩy xe tới gần quang gióng của Nghi hơn. Cô nàng cúi đầu.

Đò tới bến. Tôi dắt xe đạp với cái cần xé trống trơn mà nghe nặng nề hơn là lúc sáng sớm chứa đầy bánh mì.  Câu nói của thằng nhóc kéo tôi trực diện với thực tế. Không biết mình có nên tiến tới vụ nầy hay không nữa. Tình yêu xuông có nuôi nổi hai người nghèo không vậy?

Nghi cố tình đi sát bên tôi, vai Nghi hích vô vai tôi:

‘Anh nói gì ghê vậy? Trâu ngựa gì!’

Đường đất đắp gồ ghề mà tôi tưởng phủ tràn hoa tươi, đầy lớp xác pháo. Tết năm nay chắc chắn là cái Tết đặc biệt của đời Nghi… Và tôi.

Phần ngoài truyện: Tôi gặp vợ chồng Nghi khi đi chùa lễ Phật ngày Tết năm đó ở Orange County. Họ coi bộ hạnh phúc vô vàn.