Như núi đá có từng lớp…
1.

Người đàn ông, với cánh tay mặt buông thỏng và cánh tay trái co lại trước ngực đong đưa theo từng bước chưn, khập khễnh đi trong bụi mù của con đường đất đỏ. Gương mặt anh chưa đến nỗi già, đâu độ chừng gần sáu mươi là hết cỡ. Vậy mà cặp mắt coi như đã dại, tròng trắng biến thành màu đỏ bằng nhiều gân máu, tròng đen cũng đã lạt màu. Khóe mắt lại có nhiều ghèn. Con đường tuy ít xe nhưng hơi chật, nơi ngã tư ra đường cái, có dựng nghinh ngang một tấm bảng bự xộn ghi chi tiết gì đó về sự quy hoạch và thiết kế sẽ được tôn tạo ở vùng nầy. Bảng đã cũ mèm, móp méo và chữ có vài chỗ bị con nít liệng đá nên trầy trụa và mất nét. Lâu lâu có một hai chiếc xe (gắn) máy chạy qua, dầu xe ngược chiều hay cùng chiều với mình, người đàn ông bịnh hoạn đó đều ngừng bước, xích vô lề, cặp mắt liếc về người trên xe. Buổi sáng giáp Tết, trời lành lạnh, gió se se, mấy ngọn tre quật quờ chùm ngọn, rải xuống đường từng hốt lá vàng theo cơn chuyển động. Người đàn ông, miệng tuy meo méo nhưng bậm môi lê từng bước nặng nhọc. Tụi nhỏ đi học, bước xa xa người bịnh tật kia, đứa nào đứa nấy khi đi ngang ông ta đều ngó trộm, lấm lét và trao đổi một ánh mắt vừa sợ sệt vừa khinh khi. Có đứa còn nói nhỏ với bạn “đáng kiếp!” Người đàn ông có nghe hay không khó mà biết được vì ông ta không thay đổi sắc mặt, cứ cố gắng kéo lết từng bước.

Thỉnh thoảng ông ta kêu lớn lên, như gọi chào một ông nào đó cỡi xe đi ngang, hay mừng rỡ đưa cánh tay nãy giờ buông thỏng lên tới lưng chừng ngực vẫy vẫy chào một viên chức ngự trong xe công vụ, bóng nhoáng, mắc tiền. Trăm lần như một, không ai chào lại ông, xe có thể bớt chút tốc độ, người có thể liếc mắt ngó, nhưng rồi xe trở về tốc độ cũ, thẳng ra đường lộ lớn, bỏ lại lớp bụi mù phủ kín vùng nó chạy ngang, và người trong xe thì ngó thẳng. Ông ta lại tiếp tục lủi thủi, cà khuynh cà khoang đi một mình, một vài lá tre dính trên tóc, trên vai, muôn triệu bụi đỏ vương trên mặt, trên áo quần ông không cần để ý.

Chừng nửa giờ sau thì ông ta cũng về tới nhà mình. Đó là một ngôi nhà cất theo kiểu lâu đài Tây Phương thời Trung Cổ, đồ sộ, khang trang, nhiều phòng, có cả những lan can tròn như tháp canh, toàn thể sơn màu gạch cua, đẹp thơ mộng và “hoành tráng” mà ta thường thấy thỉnh thoảng mọc lên bất hài hòa ở giữa xóm nghèo, xác xơ, lụp xụp. Cửa sắt được mở hé, một người đàn bà đâu độ chừng gần tới năm mươi, mặc bộ đồ bà ba màu lam bước ra. Ánh mắt bà lộ vẻ thương hại nhưng không nói gì. Ông đi trước, bà đi sau vô lại trong sân.

Ông ta mở miệng:

“Sáng nay thấy mấy thằng: Thằng Sáu Bang bên Kế Hoạch, thằng Năm Dưỡng bên Mặt Trận, thằng Hai Cương bên Công An. Mà không có thằng nào ghé lại nói chuyện hết. Chắc tụi nó phải đi họp sớm.”

Ông liếc mắt trên bàn ăn rồi kéo ghế khó nhọc ngồi xuống:

“Bia đâu bà. Bữa nay tôi muốn uống bia. Cử đâu chừng được hai ba tháng rồi, bao nhiêu đó cũng đã đủ, bữa nay uống chút đỉnh chắc cũng không sao đâu. Thấy tụi nó đi làm mà mình nhớ tới thời xưa, càng thêm thèm bia. Hồi đó uống thả dàn, bây giờ cử kiêng lâu ngày sao thấy khó chịu quá! Làm vài chai rồi uống thuốc chắc cũng không sao ha?”

Người đàn bà không có ý kiến gì. Chỉ lẳng lặng đi lấy bia, khui sẵn rồi đưa nguyên chai cho chồng, vẻ mặt kiên nhẫn, chịu đựng.

“Nãy giờ tôi ra ngoài có đứa nào tới nhờ vả chuyện gì không hả bà? Nhà vắng hoe chắc hổng có đứa nào tới hả? Tôi biết! Mà bà lật lịch sinh hoạt ra coi bữa nay tôi có hẹn với ai không đó!”

Như hằng ngày, người vợ ý chừng đã biết trước kết quả, nhưng vẫn vói lấy cái quyển sổ bìa cứng mạ vàng thiệt đẹp đương để trên bàn gần tủ rượu, lật lật rồi lắc đầu. Người đàn ông đương húp cháo cũng ngừng lại nói:

“Cũng không có thằng nào tới nữa hả? Từ lúc tôi về hưu tới giờ chỉ có lèo tèo ba bốn đứa hồi tuần đầu tiên, rồi bặt luôn. Mấy thằng làm Phó, tôi cất nhắc lên bây giờ cũng không thấy tăm dạng gì hết.”

Ông ta thở dài, tiếp.

“Đi làm, bạn bè, công việc, tiệc tùng lu bù, bây giờ bị bịnh phải hưu trí non, ngồi bó gối suốt, quanh quẩn trong bốn bức tường buồn còn hơn nhà có đám ma.”

Người đàn bà cũng không nói gì, luôn tay dùng chổi lông gà quét quét bụi trên bàn ghế. Như là bà ta quét để thấy mình bận rộn hơn là để tâm vô chuyện làm sạch bàn ghế vốn đã lên nước bóng ngời và chẳng có chút bụi nào.

Người đàn ông nhâm nhi chai bia. Có tiếng điện thoại reo. Ông sáng mắt và ngóng mỏ về phía điện thoại. Vợ ông chuyển máy. Ta chỉ nghe ông ừ ừ xen kẽ với những tiếng nạt nộ chửi thề cùng than trời trách đất chứ không nghe được câu chuyện. Để máy xuống, ông hất hàm về phía vợ chờ đợi coi bà có hỏi để nói lại nội dung cuộc điện đàm, nhưng người đàn bà cao tay ấn hơn, chỉ ngồi xuống ghế cạnh đó, chờ đợi mà không hỏi.

Sau cùng, nín lâu không được, ông mới lên tiếng.

“Thằng Tỵ bên đó điện về. Nó nói chuyện làm hôn thú giả để được ở lại luôn bên đó tiến triển tốt nhưng mà giờ chót người ta bỗng nhiên tăng giá lên gấp đôi viện cớ khó khăn gì đó, nếu mà mình bỏ cuộc thì mất tiền đã lót trước đây. Chắc phải gởi qua cho nó thêm mấy chục ngàn nữa.”

Người đàn bà vẫn nín thinh, ngó mông ra cửa.

“Tôi biết tánh con mình. Quyết chắc là nó ăn chơi đàn đúm, xài hết tiền mình đưa lần trước, thiếu nên kiếm cách nẹo thêm. Không đưa thì không được. Phải lo cho nó thôi. Lo cho nó là lo cho mình trong tương lai. Bắc cầu được, sau nầy mình mới yên, bịnh mới có thể hết. Ở đây chữa bịnh chỉ là chữa ngọn chứ đâu chữa tận gốc đâu. Bà biết đó, không trông mong gì hết bịnh được với cái thứ thuốc men ba trợn ở đây.”

Ông ra dấu cho bà khui thêm một chai nữa. Người đàn bà miễn cưỡng đứng dậy làm theo lịnh chồng. Bà không tỏ ý ngạc nhiên về tin đứa con vòi vĩnh thêm tiền để có phương tiện ăn chơi ở xứ người. Ngoài kia nắng đã lên hơi cao, nắng liếm hàng ba làm sáng rực căn phòng họ đương ngồi. Bà đưa tay tắt đèn để tiết kiệm điện. Cử chỉ tằn tiện đó không qua mắt được ông.

Ông ngó vô phòng trong rồi lắc đầu chán nản:

“Cái thằng Sửu nầy bậy ghê, quá giờ làm việc rồi mà còn ấp chưa chịu xuống giường. Tui mà không có mặt ở đây thì họ kéo xuống mấy đời vương rồi.”

Bây giờ bà vợ mới lên tiếng.

“Ông sao kỳ! Con cái thì cứ rầy sao lại nói khóe nói cạnh ba lăng nhăng. Nó mệt thì dậy trễ chút chứ ấp iếc gì khi mặt trời đã lên tới mấy sào. Già mà nói tầm phào không sợ con nít nó cười cho.”

“Tôi tiếc là cái chỗ của nó có thể giúp ích cho dân chúng nhiều lắm mà nó trơ trơ không giúp đỡ ai hết, mà lần lãnh lương nào cũng trớt huớt không đem về cho vợ được chút nào. Nghĩ cũng uổng công tôi hồi đó trầy trật giữ chỗ đó, đánh ngã rạp hết những đứa của chỗ nầy chỗ kia để chờ nó ra trường trám vô.”

Người đàn bà nở nụ cười rạng rỡ nhưng không thành tiếng, đưa tay lên ngực, cử chỉ như là vui mừng trước câu nói của chồng. Tôi nghe như trái núi lớn đè lên ngực tôi bao lâu nay bỗng nhiên có một lớp đá tuột dốc bể ra, cảm thấy dễ thở hơn đôi chút nào đó.

“Mà rầy la phê bình con cái làm gì cho uổng tiếng, lớn rồi, tụi nó phải biết. Cũng tại hồi xưa ông cậy mình quyền thế cho nên mặc dầu thằng nhỏ học hành không tới đâu mà được ông cậy cục anh em bố trí vô chỗ ngon nước ngon cái đó.”

“Thì… thì hồi đó tôi làm gì cũng nhắm tới lợi ích cho gia đình mình. Bây giờ tôi nghiệm ra rằng gia đình mình có lợi thì đất nước bị tổn hại, chẳng ai ưa, chúng còn khinh khi ghét lánh là đằng khác. Bây giờ bịnh hoạn, thiên hạ bỏ bê mới thông cảm cho người nghèo khổ không may chung quanh.”

Tôi lại cảm thấy dễ thở hơn, như có một lớp đá nữa được tuột rời khỏi ngực mình. Tôi tính với cái đà nầy mỗi ngày tôi nghe được chừng mươi câu hay ho như vậy thì chắc tôi vui đời chứ không cảm thấy bi trầm như bấy lâu nay.

Người đàn ông không nói gì thêm nữa, chậm rãi húp vài muỗng cháo còn lại dưới đáy tô, rồi ngồi bật ngửa ra ghế xỉa răng bằng mấy cái móng tay của bàn tay mặt. Bà vợ ông thấy vậy nhăn mặt rồi quay qua ngó chỗ khác.

“Hôm qua thằng Sửu xin tôi 5 tỷ nữa nói rằng để cất nhà ra riêng. Mấy năm trước đã chộp 3, 4 tỷ rồi mà có cất được cái quái quỉ gì đâu. Thiệt là con với cái! Làm chuyện rối nùi. Nó có biết đâu mỗi lần nó cầm tiền là nó cầm bịch máu của tôi với bà. Trước đây đó là máu của thiên hạ, bây giờ là máu của chúng mình. Biết là nghiệp của mình thì phải trả trước hay sau thôi. Kiếm cách tránh kiếp nầy thì kiếp sau cũng phải đền. Cho nên tôi có đau thì rán cong lưng mà chịu chớ không tìm cách tránh né. Tôi đã tính cách khác rồi.”

Tôi biết hai đứa vòi vĩnh là để thu góp cho thiệt nhiều. Tiền bạc đó không phải là máu của vợ chồng tôi như ổng nói mà là máu thịt của dân chúng, của đồng bào mình ngày trước khi có chuyện phải tới nhờ cậy ổng. Giống như một loài chim lạ tôi mới nghe nói ở rừng rậm Phi Châu, thường sống bằng máu thịt của những con chung bầy, chung giống.

2.

Người đàn bà vẫn mặc bộ đồ bà ba xám muôn thuở ra ngồi gần bờ sông để quan sát sự sinh hoạt ở đây. Có người lớn giặt gỵa, có nít nhỏ tắm sông nhảy đùng đùng từ trên mấy nhánh bần gie ra phía nước. Chúng xô đẩy nhau, ôm kéo, vật lộn, nhận nước, vô tư trước những nguy hiểm mất mạng đương rình rập có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Chúng tắm không phao, con gái thì để nguyên quần áo, con trai thì quần xà lỏn. Tất cả đều vô tư trước nước đục ngầu, thỉnh thoảng có những vật dơ do ai đó trên nguồn nước phóng uế ra, trôi từ từ tới, bị sóng đánh tan vỡ thành từng miếng nho nhỏ. Chúng vui vẻ lấy tay tạt nước dơ đó vô mặt nhau rồi cười hăng hắc.

Người đàn bà nhìn cảnh tượng nầy dường như hằng ngày từ bao nhiên năm nay mà không biết chán. Bà dường như vui với cái vui của tụi nhỏ tuy rằng thỉnh thoảng cũng đứng tim khi thấy đứa nào đó có vẻ như bị hụt chưn hay bị nước cuốn…

Tụi nhỏ đương tắm thì bỗng nhiên kéo nhau lên bờ chạy theo con nhỏ điên mang bầu. Chúng chọc phá, la hét, có đứa còn lấy nhánh cây khều khều con nhỏ. Mà mặt con nhỏ cứ tỉnh bơ, ngây thơ thiên thần, ung dung bước, mặt ngơ ngơ, áo xống hở hang như bẹo hình bẹo dạng hường nhan, cái bụng coi đã hơi trộng trộng đội vạt trước của áo lên khỏi lưng quần đưa ra cái rún sâu hoắm tròn đầy..

Người đàn bà đứng dậy đuổi tụi nhỏ rồi bước tới con điên. Nó vẫn bước đều, coi mọi chuyện xảy ra chung quanh như không liên quan gì tới nó. Người đàn bà nắm tay dẫn con nhỏ vô quán cơm kêu cho nó một dĩa cơm thịnh soạn nói là mình sẽ trả tiền sau rồi trở về ngồi ở chỗ cũ. Lúc nầy người chồng của bà ta đã có mặt, tay còn mạnh đương ôm một cái võng vải dù, ra dấu cho bà cột vô hai gốc nhãn phía sau nhà, chỗ có bóng mát.

Sau khi cột võng xong, ngồi lên nhún nhún vài ba cái để thử độ chắc bà mới đỡ ông chồng ngồi xuống rồi ngồi kế bên, vẫn lặng thinh, ít nói như thuở nào.

Lâu lắm người đàn ông mới lên tiếng, giọng nhè nhẹ, ngọt ngào, như muốn xua đi cái lạt lẽo trong cuộc độc thoại:

“Tôi tính rồi, thằng Sửu cứ tối ngày xin tiền nói là để cất nhà cho vợ chồng nó, thôi thì mình cho nó cái lâu đài nầy cho yên chuyện. Mình dọn về căn nhà hiện đương cho mướn mà ở cũng được rồi. Đâu cần quá lớn như cái nầy.”

Người vợ, không nói gì, chỉ bóp tay ông mạnh hơn. Trong trí bà hiện lên cảnh đứa con lớn toàn quyền làm chủ ngôi nhà đẹp, rồi nó sẽ tha hồ khoa trương, thỏa thuê ăn nhậu. Nó sẽ tự do tiệc tùng đàn đúm, tự do ăn những thứ mà lâu nay bà chỉ trích không cho đem về nhà vì có hại cho sức khỏe như là ăn cả chục trứng ung để mong được cường dương, ăn canh chua cá kèo không cạo nhớt để tăng cường khớp, ăn cá chiên chín nửa con để nguyên cái đầu cá còn sống, mắt chớp chớp, miệng cá còn chu lại thở chút hơi tàn để bảo toàn được chất bổ, các cách như nó thường nói là kiểu của người sang, kiểu ngon lành, kiểu thể hiện đẳng cấp...

“….Còn bao nhiêu tiền tôi chia ra ba phần bằng nhau, một phần cúng cho chùa ở đây để sau nầy tôi với bà có bề gì…”

Ông ta không nói hết câu. Mà bà vợ cũng không cần tiếp lời. Bà đưa tay ra nắm tay ông. Mấy con chim se sẻ ríu rít trong chùm lá nhãn. Mùi nhãn chín rộ tỏa trong không khí thơm ngát.

“…Một phần để dành cho mình sanh sống, một phần khác để bà bố thí làm phước. Như là bà mới vừa làm phước cho con nhỏ điên kia.”

Người đàn bà đưa tay lên dụi mắt. Bà nghe như hòn đá đè trên ngực lại trợt xuống bớt một lớp nữa. Bà thử nghe hơi thở của mình. Nó nhẹ tênh và tâm hồn mình thanh thản thêm nhiều.

“…Thằng Tỵ bên kia sau kỳ nầy thì mình khỏi lo nữa. Nó chắc chắn là không thèm về đây đâu. Sống bên đó sung sướng hơn nhiều. Mình lo cho nó bao nhiêu đã đủ rồi. Nên hư sau nầy là trách nhiệm của nó. Mình không thể lột da sống đời lo cho nó hoài.”

Người đàn bà thút thít thành tiếng. Bà xót ruột vì biết rằng rồi đây mình chết sẽ không thấy mặt thằng con trai ở bên kia chơn trời. Tưởng tượng tới đây bà càng khóc nhiều hơn, nước mắt ràn rụa. Người chồng ngưng nói, đưa tay lau nước mắt cho vợ rồi mình cũng nhắm mắt lại nghỉ mệt. Ngoài sông bọn trẻ đã lên hết, có âm thanh của một con chim bìm bịp kêu, tiếng nghe thảm thiết. Con nước đang lớn. Đám lục bình trôi lừ đừ nhưng nhiều quá, phủ kín hai bên bờ sông, dầy cộm.

Người đàn ông tỉnh dậy, mặt trời lên cao rọi vô mặt làm anh thức giấc. Người vợ vẫn còn ngồi kế bên võng. Anh nói bằng giọng năn nỉ:

“Mình ăn ở với nhau đã gần ba mươi năm nay, tôi chưa từng được bà ban cho một nụ cười, bà luôn luôn làm mặt nghiêm và ít nói đối với tôi.”

Vẫn là tiếng bìm bịp kêu ngoài sông.

“Bây giờ tôi xin thú thiệt là tôi chẳng có hành động nào về sự kiện chìm tàu thời xa xưa của gia đình bà. Tôi chỉ có tội là lúc đó thấy khuôn mặt buồn buồn dàu dàu của bà nên thương quá đã tìm mọi cách cho bà ở lại vùng nầy và cưới bà mà thôi. Có thể là vì vậy cho nên bà mọc rễ ở đây mà chẳng thể tìm người thân. Tôi chắc chắn là bà đi với người yêu, nhưng không tiện hỏi là người nào trong số năm sáu thanh niên còn sống sót. Tôi phao tin là không có phụ nữ nào trạc tuổi bà được cứu sống cho nên sau khi mãn hạn tù họ đều lên thành phố hết.”

Người đàn bà nghe chuyện về mình mà lơ đãng như con nhỏ mắc bịnh tâm thần ở trong xóm. Chẳng chú ý mà cũng chẳng cần biết thiệt hư. Chỉ cần biết vậy là được. Người tình một thời, không nhứt thiết phải là người tình một đời. Không có ai không thể thay thế. Anh ta đã đến đời tôi và đã ra đi vì sự nghiệt ngã của lịch sử. Thôi thì để tôi sống cho hết cái kiếp oan khiên của mình, với cách thế mà bánh xe đời đã tạo nên. Có những sự đời cần lượm lên bỏ vào trí, nhưng cũng có những sự cần bỏ xuống đúng lúc để quên. Mọi sự vui buồn, đúng sai, phải trái, còn mất, ghét thương… thấy được trong cuộc đời, chúng là quá khứ, suy cho cùng cũng chỉ là ảo giác mà thôi, chẳng có gì mà phải giữ mãi trong lòng.

Người vợ nắm tay người chồng chặt hơn:

“Ông nói vậy thì tôi hay vậy. Cũng tốt nếu sự kiện xảy ra như vậy. Sở dĩ trước đây tôi ít nói và không được tha thiết với ông là vì ông sử dụng quá nhiều quyền lực để làm giàu. Đó là con đường sai lầm mà thế nhân tầm thường hay mắc phải. Tôi thấy khổ sở khi mình có trách nhiệm xa gần về của cải mà ông thu chiếm được. Giờ đây ông biết chia sẻ thì đó là điều tôi rất mừng… Đời không có gì là tuyệt đối và trường cửu. Người xưa đã xa, đã mất. Căn duyên của tôi với người tình lỡ chấm dứt từ cái đêm chìm tàu hãi hùng đó. Đấy là nghiệp lực của chúng tôi. Bao nhiêu năm tôi sống với ông cũng có thể gọi là căn duyên của hai đứa mình. Thôi thì tôi tha thứ cho ông cái tội đã cản trở không cho tôi về Sàigòn bằng cả chục năm tôi phải nằm trong trại tù cải huấn. Cả chục năm tuổi trẻ của tôi bị đánh cắp một cách oan uổng, đau xót. Tha thứ ông để mình chấm dứt cuộc chiến không có kẻ thắng người bại bấy lâu nay.”

Trờt đất ơi, tôi nói một thôi dài như con mẹ điên lảm nhảm. Nhưng điều lạ lùng là bây giờ tôi thấy như lớp đá cuối cùng đè trên ngực mình bao nhiêu năm đã tuột xuống, rớt mất hoàn toàn. Lòng vị tha đã khiến tôi nhẹ tưng, hồn tôi thanh thản như con bướm thoát khỏi cái xác sâu bọ gớm ghiếc…

Những người lối xóm đã lo sắm sửa cho ngày Tết sắp đến. Trong vườn nhà, một vài cây mai bị lặt lá quá sớm đã bắt đầu trổ bông vàng hực. Vài ba người khá khá chung quanh cũng mang về nhà những cành đào ngoài Bắc gọi là để hưởng chút hương vị xuân của miền lạnh. Có tiếng mấy bà lối xóm tở mở hối nhau đi mua thịt nạc với giá sống về ăn thịt kho, dưa giá ngày mùng Một, mùng Hai…

Tôi bỗng nhiên quyết định năm nay phải tự mình nấu bánh tét thiệt nhiều đãi đằng chòm xóm. Bao nhiêu năm rồi bây giờ tôi mới cảm thấy vui với không khí Tết. Vậy thì Tết nằm ở đâu? Trong khung cảnh trời đất của Tạo Hóa chung quanh ta hay nằm ở nội tâm, một nội tâm được tâng tiu, nuôi dưỡng của con người biết sống?