Sợi dây chuyền của chị Lạc

Nguyễn Văn Sâm

Đêm nay mắc chứng gì mà tôi bần thần khó ngủ, hơn mười giờ khuya mà cứ lăn tới lăn lui hoài. Tôi có kinh nghiệm là hễ khi nào khó ngủ, mình mẩy dã dượi thì thế nào cũng có chuyện xấu xảy ra. Không ít thì nhiều nhưng chắc chắn là có. Tôi cố gắng nói mình mê tín dị đoan chứ làm gì có chuyện xui xẻo trong khi mình chưa bao giờ làm chuyện gì sái quấy hay khuất tuất cha mẹ. Rồi tôi nín thở chút xíu, nằm thiệt êm để dỗ giấc ngủ.

Đâu chừng nửa đêm thì có tiếng gõ nhẹ vô cửa buồng và tiếng kêu thiệt nhỏ: Lạc, mở cửa. Tôi điếng hồn, đêm khuya khoắt mà chú Út về thì chắc là có chuyện lớn. Tôi nằm im, nín thở coi như mình đương ngủ, không nghe. Đâu chừng 15 phút sau thì có tiếng lào xào thêm giọng nói hằn học của người khác nữa, giọng chút trọ trẹ khó nghe: Nó không mở cửa thì mình đạp cửa vô, đồ mấy tàu lá nầy mà ăn nhằm gì. Tiếng chú Út can bạn đồng đội: Đợi chút coi, chắc nó ngủ mê. Làm rình rang quá không tốt. Anh Hai tao biết được thì mai mốt hết về. Tôi sợ run eng phát rét, lạnh từ trong lạnh ra, răng đánh bò cạp, lấy mềm trùm đầu làm như là hễ trùm lại thì mấy người ngoài kia phải bỏ đi. Rồi thì tiếng chú Út can ngăn bạn: Đừng, đừng, để kêu nó vài tiếng nữa. Làm lớn chuyện thì mai mốt họ không chứa chấp mình nữa.

Tôi nhớ là Ba tôi có làm một cái hầm ở sau chuồng heo để chứa chú Út. Chú vô bưng theo mấy ổng, nhưng lẩn quẩn gần nhà để nhờ che chở và giúp đỡ. Ba tôi làm Còm mi trong dinh Đốc Sứ nên Tây tà lính tráng đều tránh đụng chạm tới nhà nầy.

Khi nghe lời giận dữ đòi chặt đầu hết cả nhà thì tôi mở cửa. Tên bạn của chú Út xô tôi qua một bên rồi khum xuống rọi đèn kiểm soát cùng với câu nói làm tôi điếng hồn: Mầy hưởng trước đi, tao sau chút cũng được. Tôi té ngồi xuống đất khi nghe về số phận mình.

Chú Út ngó tôi coi bộ ngại ngùng. Chú nói nhỏ nhẹ: Cháu Lạc đừng làm kinh động người nào khác trong căn nhà nầy nhe. Chú cháu mình thân thiết với nhau từ lâu. Chú không làm gì cháu đâu. Nhưng mà.... Không nhưn nhị gì hết. Tên bạn của chú, xía vô gay gắt: Lên giường ngay, muốn nói ngọt hay muốn ăn dao?

Tôi biết mình sẽ từ bị xâm phạm tới bị giết chết, chỉ còn con đường thoát là khôn ngoan, thiệt khôn ngoan ứng phó. Tôi nói: Gì cũng được, nhưng chú Út trước. Tôi thương chú Út lúc còn nhỏ lận, chú là người hùng của tôi. Ba tôi lượm tôi ở trước cổng chùa, đem về đây nuôi. Chú Út vậy là không bà con gì với tôi, không sao hết, chú Út trước... tôi xề tới ôm chú, xô ngồi lên giường nựng nịu.

Không biết nghĩ sau chú Út gạt tay tôi ra, giận dữ kéo tôi đứng dậy đẩy ra cửa phòng:

Mầy ra khỏi phòng nầy đi, vô phòng thằng Thưởng nằm đỡ để chú và bạn chú bàn chuyện.

Tôi lật đật đi te te ra khỏi phòng, ngang tên kia, cố tránh né mà cũng bị hắn ta bốc hốt chút đỉnh. Tôi vừa thút thít vừa đi vô phòng thằng Thưởng. Ngồi xuống cái ghế độc nhứt ở đó ngó thằng nhỏ ngủ say, cong mình như con tôm kho tàu. Nhưng không lẽ ngồi hoài suốt đêm, tôi đẩy nó xít vô, nó ú ớ một hai tiếng vô nghĩa rồi tiếp tục khò khò.

Tôi nằm khóc nho nhỏ, cố gượng không cho ra tiếng rồi thiếp đi. Chỉ thức dậy sau khi bị thằng nhỏ ôm chặt quá và nói ngọng ngịu gì đó trong giấc ngủ...

Tôi thiệt ra không có chị ruột. Ba má tôi nuôi chị Lạc từ lúc nhỏ. Khi tôi có ý thức về gia đình thì đã thấy chị ở trong nhà mình và kêu ba má tôi cũng bằng Ba Má nên không thắc mắc gì. Cứ coi chị là chị mình như những gia đình khác có chị có em. Chị dắc tôi đi học khi vô lớp Enfantin, lớp Moyen A, rồi lớp Moyen B, tắm rửa cho tôi, an ủi tôi khi tôi bị đòn vì lỗi làm bậy như lén húp sữa đặc trong hộp để dành cho em Khế và Bà Ngoại hay là trưa nắng không ngủ lén chạy ra ngoài chơi u mọi đá lon...

Mà ác, hễ nhớ tới cái mùi thơm nhẹ nhàng và vị ngọt lịm của lon sữa Con Chim để trong garde manger trên một cái chén có chút nước để kiến khỏi vô là thế nào tôi cũng lén vô bếp lấy hộp sữa ra húp một hơi rồi để vô chỗ cũ nhè nhẹ đi ra ngoài sung sướng với vị ngọt lịm của sữa chứa đầy miệng.

Và hình như tôi bị kết tội và bị đòn vài lần về chuyện nầy tuy rằng không lần nào bị bắt tại trận, chỉ là người lớn suy luận rằng không phải mầy thì ai vô đây? Không lẽ con Lạc. Nó lớn rồi đâu có ham ăn hám uống tạp nhạp như mầy...

Lần nào rồi thì chị Lạc cũng dẫn tôi đi rửa mặt vì bị chổi lông gà quét đít lằn ngang lằn dọc. Thấy vẻ mặt xót xa của chị khi ngó tôi mếu máo và nức nức, đương buồn mà nhiều khi không kềm được, tôi buông ra tiếng cười nức nẻ, khiến chị chọc: Ơ ơ..., vừa khóc vừa cười ăn mười cục c.

Năm lên lớp Ba, tôi mười tuổi. Ba chị em: chị Lạc, tôi, nhỏ Út, con Khế năm tuổi, ngủ chung trên bộ ngựa từ trước tới giờ nay coi bộ hơi chật nên ba tôi theo lời quở của Bà Ngoại, đóng thêm hai chưn ngựa cụt cụt để vừa tấm ván lớn, đem xuống một chỗ trống gần nhà bếp rồi dừng vách lá làm cái phòng và bộ ván cho chị Lạc. Nói là bộ ván nhưng chỉ có một tấm ván lớn mà thôi, còn hai tấm kia nhỏ hơn chút xíu để dành cho tôi, ở chỗ cũ, giữa nhà lâu nay. Con Khế thì được cho ngủ với bà Ngoại.

Trước đó tôi nghe bà Ngọai lầm bầm vài ba lần, cũng lấy làm lạ nhưng không để ý lắm:

Tụi nó lớn xầm xầm, ngủ chung chật chội sao tao coi không vừa mắt chút nào!

Tôi có lần lý sự: Ngủ chung ấm mà Ngoại.

Bà nguýt tôi:

- Ấm bà Cố mầy chứ ấm, tao nói không được là không được, đừng để tao nói nhiều.

Má tôi chen vô:

- Sao má kỳ vậy, tụi nó chị em thương nhau, nhà chật ngủ chung thì có sao đâu? Làm cho tía tụi nó mấy ngày nghỉ phải lui cui đóng thêm hai chưn ngựa, rồi lại ngăn vách, ngăn phòng khiến cho nhà chật chội hơn.

Bà ngoại làm thinh, bỏ lên nhà trên ngồi tréo ngoảy ngoáy trầu nhai nhóc nhách, lơ đãng ngó mông ra ngoài.

Ba tôi cưa cưa đóng đóng hai ngày rồi cũng xong, ba đứa bây giờ ngủ ba chỗ.

Tôi mất đi thói quen đút hai bàn chưn vô hai bắp chuối chị Lạc để kiếm hơi ấm khi bị mất mền, lạnh cẳng.

Rồi thì cũng quen.

Và những đứa nhỏ trong nhà lớn lên từ từ. Con Khế vô lớp Enfantin, cũng chị Lạc dẫn độ tới trường. Nó con gái nhu mì nên ngoan ngoãn theo chị, không giục giặc gì. Tôi thi vô Năm Thứ Nhứt trường Collège Le Myre de Vilers, sau nầy là trường Nguyễn Đình Chiểu, đậu có học bổng. Ba tôi cho lên Mỹ Tho trọ học nhà người quen, Hè mới về một lần vài ba ngày rồi đi. Trong những ngày về quê ít ỏi và miễn cưỡng đó, tôi trông mong cho hết tuần là chuồn do nhớ bạn bè và đã quen sanh hoạt ở chỗ sống mới. Tôi lần hồi quên đi những kỷ niệm cùng lối sống ở quê nhà mấy năm trước. Chị Lạc tôi cũng rất ít gặp vì chị đi cấy, đi gặt tối ngày. Má nói là tối mịt nó về có hỏi con đâu má nói con ngủ rồi thì nó làm thinh rồi sáng đi sớm, chủ mướn khó, đi trễ họ cằn nhằn.

Vậy là trong ba năm tôi sắp lớn hình bóng chị Lạc phai mờ lần trong trí.

Tôi thi đậu bằng Brevet Élémentaire và đương sửa soạn thi vô trường Sư Phạm Nam Việt ở Sàigòn, gần chỗ Sở Thú Saigon. Đậu, học một năm, ra trường là làm thầy giáo liền, khỏi lo kiếm việc, khỏi lo mất việc, mà được nghề nhàn hạ, sẽ thành người lớn. Mà lúc nầy tôi cũng nhổ giò, bể tiếng, không còn chơi trò con nít nữa mà lại thích làm những thứ của con trai đương chuyển mình thành đờn ông.

Bữa kia đương ngủ trong phòng trên bộ ván lâu nay thì mơ màng trong chiêm bao thấy mình làm chuyện của giống đực với giống cái. Và Trời ơi, trong giấc mơ tôi rùng mình, sortie, ướt mẹp. Tôi giựt mình thức giấc. Mở mắt ra thấy chị Lạc ngồi trong bóng tối lờ mờ kế vách, mặt có nét căng thẳng, đương lật lật cái tập 100 trang viết tay tôi mượn của một thằng bạn lớn tuổi trong lớp. Chị lật ra những cái tựa bài được viết bằng viết ronde, nắn nót của người chép: Sấu trường bãi, Vác cày qua núi. Qua hẻm núi hẹp... Chị dí dí trước mặt tôi nói giọng buồn buồn:

- Em hư quá rồi Trưởng. Coi sách bậy nầy ở tuổi của em thì sẽ hết lớn thôi. Đốt đi hay trả lợi liền cho người ta không thôi Ba Má biết được thì lớn chuyện đó. Nít quỉ! Bỏ tật nầy nha!

Nghe lời quở của chị Lạc, tôi ước gì trời đất xụp đổ hết để khỏi đứng trước mặt chị mà chịu đựng những lời đáng xấu hổ kia.

Tôi đứng rột dậy, chồm tới giựt lại cuốn tập. Chị Lạc tránh né, giơ cuốn tập lên cao. Tôi chồm lên lòn tay bẻ tay chị Lạc qua sau để lấy lại. Cả hai giành giựt, cuối cùng chị Lạc ngã nằm ngửa nửa người lên ván ngựa, hai tay giơ cuốn tập lên khỏi đầu để xa tầm tay tôi, tôi chồm lên mình chị cố gắng giựt. Trong lúc giành giựt tôi bỗng nhiên thấy một cảm giác khóai lạc toàn thân, nhìn xuống thì ra tôi đương đè lên mình chị gần như hết thân thể mình, hai chưn tôi nằm đắp trên hai chưn rắn chắc của chị, hai tay choàng qua sau cổ chị để giựt cho đươc tập giấy bây giờ cũng tả tơi nhưng ở dưới ót chị Lạc.

Mặt tôi rất gần sát với mặt chị Lạc. Tôi thấy mấy sợi mạch máu nhỏ li ti trên má chị làm cho má ửng hồng. Bỗng trước mắt tôi hiện ra vẻ thương xót và lo lắng của chị gần mười năm trước khi dẫn tôi vô lớp lần đầu tiên tới trường mà tôi sợ trường sợ thầy nên giựt tay bỏ chạy vấp cục gạch té máu, móng ngón cẳng cái lủng lẳng gần rớt ra. Tiếng trách thương của chị ngày đó còn văng vẳng: Biểu đi đàng hoàng mà vụt chạy! Đó thấy không? Đau không cưng? Rồi chị chận lại một người đàn ông nào đó xin điếu thuốc xé ra đắp vô chỗ chảy máu. Tôi gượng đau bậm môi chống rát không khóc nhưng nước mắt nước mũi chảy ròng ròng. Chị choàng tay qua bên hông, dắt tôi đi cà nhắc, hình như chị thấy tay mình dính máu do hông tôi bị trầy sướt một miếng khá lớn bây giờ là lúc máu tươm ra. Chị trách: Trời ơi. Khổ quá! Sao đau mà không nói!

Lúc đó tôi thương chị cách gì và tôi ôm choàng lấy chị để tỏ lòng biết ơn. Cái cảm giác biết ơn còn cho tới ngày hôm nay, gần mười năm sau.

Bây giờ thì tôi đã là một thanh niên mới lớn đương nhìn như ngây dại vô má hồng của chị, chị Lạc chưa có phản ứng gì thì tôi bỏ tay giành cuốn tập chết dịch kia mà ôm đầu chị hun một cái ngon lành thơm, đã hết biết.

Chị Lạc đẩy mạnh tôi ra, bộp tai một cái như trời giáng, đau điếng, kèm theo lời nạt:

- Quỉ dịch mầy. Đồ lưu manh, đồ gian lận. Tao là chị mầy mà! Hèn chi hồi nãy tao thấy mắt mầy gian lắm! Tươm tướp, tươm tướp...

Tôi mắc cở muốn độn thổ thêm lần nữa, cố chống chế:

- Bà đâu phải là chị ruột tui đâu. Người dưng thì hun một cái có gì đâu mà làm dữ vậy bà?

- Ai nói với mầy tao không phải là chị ruột mầy?

- Ngoại. Bà biết rồi lại còn làm bộ hỏi. Tôi cố tình không kêu bằng chị hay bằng tên mà kêu bằng bà, vừa thân mật vừa tránh né cách xưng hô không muốn có trong lúc nầy...

Chị Lạc thụt lui, ngồi lại xuống ghế, hai tay bưng mặt nức nở:

- Tôi biết thân mình. Con mồ côi, con hoang. Được tội nghiệp đem về nuôi là phước đức ông bà rồi, cho nên bị nầy bị kia chút đỉnh có đáng gì.

Tôi đứng lên một chút bẽn lẽn, nhưng cái thái độ của con trai khiến tôi bước tới trước mặt chị Lạc, nói nhỏ nhẹ như hồi nhỏ chị nói với tôi, dụ dẫn tôi làm chuyện gì đó, ăn cơm nhiều cho mau lớn, đi học bài trước khi ba về kẻo bị ăn bánh tét nhưn mây... chẳng hạn:

- Chị Lạc nói với Trưởng đi , tại sao khuya khoắt chị không ngủ trên ngựa giành cho chị mà vô đây.

Chị Lạc giở áo ngoài ta lục trong áo túi lấy khăn mouchoir ra hỉ mũi, kể lể...

Một năm học Sư Phạm Nam Việt ở Sài gòn và một năm dạy học ở Chợ Gạo, tôi không về nhà mà thường băng qua Bình Đức, ghé nhà một cô giáo xinh xinh cùng trường rề rà. Tôi quên mất chị Lạc của thời tuổi nhỏ và thời mới lớn để vui với công việc và cười giỡn với những câu chuyện đẩy đưa cùng vẻ mặt xinh xinh của người mình mơ ước.

Rồi thì cô giáo với đôi mắt lớn tròn như hột nhãn, lúng liếng má môi kia đi lấy chồng, tôi mang vết thương lòng về nghỉ Hè ở nhà mình. Chị Lạc đã ra riêng cũng được đâu chừng hơn một năm rồi, tiếng đâu chừng là tiếng Bà Ngoại lập lại hai ba lần nên tôi nhập tâm. Vô phòng mình với cảm giác chị Lạc thế nào cũng để lại tin nhắn đâu đó, tôi lật một tấm ván lên để bàng hoàng thấy trang giấy cuốn tập chép chuyện bậy bạ mà hồi trước chúng tôi giành giựt nhau. Chị Lạc viết mấy chữ kế bên cái tựa Vác Cày Qua Núi:

Cậu Trưởng, tui phải đi khỏi nhà nầy. Có người cầu hôn tui bằng một sợi dây chuyền nói là làm bằng vàng y của tiệm vàng Khánh Vân ở Chợ Lớn, nặng nguyên một lượng. Nó coi bề thế lắm, đẹp, nhưng thiệt giả khó biết.

Mà thôi, nó cho phép tui đi khỏi nhà nầy với lợi có chỗ ở, khỏi khổ một đời dang dở như Má ruột tui trước đây...

Chỗ ký lên chỉ có một chữ đơn độc: Lạc. Chắc là chị có ý gì đó khi chỉ ký độc nhứt môt chữ Lạc. Tôi xếp thơ bỏ vô túi, bùi ngùi. Cũng ngại không dám hỏi ai coi chị Lạc lấy chồng ở đâu, xa gần, tôi làm tỉnh mang hai vết thương lòng sống qua ngày hết mùa Hè chờ buổi khai trường năm tới.

Đọc tới đọc lui thơ chị Lạc, tôi chú ý tới mấy chữ với lợi có chỗ ở rồi cảnh nói chuyện với chị về việc chị bị chú Út nhiếc mắng làm cho chị khóc trước đây... Lựa lúc chị ngồi nhúm bếp nấu cơm, nhà không có ai sau bếp, tôi xuống hỏi nhỏ:

- Sao chị Lạc khóc?

- Chú Út đuổi chị đi ra khỏi nhà...

- ???

Chú nói sao mầy không đi lấy chồng đi, bộ tính ở luôn nhà nầy để sau nầy giành gia tài với hai đứa nhỏ chắc.

Rồi chị thút thít.

Tôi ngồi xuống cái ghế nhỏ kế bên.

- Chị đừng khóc nữa, cũng đừng đi đâu hết. Lớn lên em cưới chị là chị có quyền ở luôn trong nhà nầy. Em sẽ đuổi chú Út đi.

- Thiệt hông? Tại sao?

- ... thương.

Chị Lạc lấy đôi guốc vông cũ của bà ngoại bỏ lăn lóc trong xó bếp, giơ lên trán lâm râm vái rồi buông tay. Hai chiếc guốc lăn qua lại rồi cùng lật ngửa.

- Thấy không, em nói dóc rồi. Thương gì mà thương. Chị xỉa ngón tay vô trán tôi thiệt mạnh, nhiếc:

- Dóc tổ!

Tôi lật một chiếc guốc lên cho hai chiếc nằm xấp ngửa khác nhau.

- Nè thấy không?

Bây giờ mới thấy chị mỉm cười gượng gạo:

- Cũng tin như vậy đi. Mà lúc em lớn thì chị già khú đế rồi...

Chuyện bữa đó tôi chỉ nhớ lúc hai chị em nói chuyện nhưng chắc là chị luôn luôn nhớ câu nói đau lòng mình của chú Út về thân phận chị lạc loài trong nhà nầy nên có dịp là chị đi thôi. Không muốn cũng đi.

Rồi một sáng không trông chờ mà thấy chị Lạc ẵm con về, mặt buồn hiu. Chị cho biết bị bên bà già chồng đuổi, nói là sợi dây chuyền đó do chồng chị ăn cắp của bà nên bà lấy lại. Bà mẹ chằn ăn trăn quấn nầy cũng đuổi mẹ con chị Lạc ra khỏi nhà với lý do khó nghe coi như là chị xúi anh chàng kia ăn cắp của nhà đem cho gái.

Bà Ngoại đi ra đi vô bình luận là sợi dây chuyền đó là hình thức trói buộc người ta, như là một thứ xiềng xích biết đâu nhờ trả lại họ con Lạc hết bị bên chồng hành hạ, lợi dụng...

Một sáng nào đó tôi lên nhà trên thấy vắng hoe, hỏi ra mới biết chị Lạc ẵm con đi đâu mất tiêu từ sáng sớm, để lại cái hình vẽ sợi dây chuyền với ba bốn hình giọt nước mắt lớn bự trên tờ lịch nhét kẽ vách buồng tôi.

Thiệt tình thì tôi cũng không hiểu ý nghĩa cái hình vẽ đó. Có thể là chị muốn nói ý xin tôi giữ gìn sợi dây tình cảm với chị mà tôi đã phóng ra lâu nay, chị biết nhưng không dám nhận cũng không dám giữ.

Tôi già trước tuổi khi mỗi ngày ngóng trông chị Lạc trở về. Tôi oán hận Ba tôi, ông ta vui một lúc mà tạo oan khiên cho biết bao người: Cho mẹ chị Lạc, cho chị Lạc, cho tôi và biết đâu cho đời sống khổ sở nghèo nàn của đứa nhỏ con chị sau nầy.

Ngồi buồn sau nhiều buổi chiều tan trường, về nhà trọ, nhâm nhi tách trà đậm một mình trước hàng ba, tôi ngâm nga bài thơ không vần, sáng tác rất vừa ý:

Chuyền vàng nặng như đá đeo,
Không nối được tình nghĩa sang - nghèo.
Chỉ món mồi đem nhử!
Buộc riết ta vô lụy đời miên viễn.
Liệng trả sợi dây chuyền
Quăng hình ảnh nó khỏi tâm thức.
Mới thiệt sự nhẹ lòng.
Như nhiên
Đời mình sống thực,
Thong dong.

Tôi mong chị Lạc khi vẽ cái hình kia đưa tôi đó chị đã buông bỏ, không còn nhớ gì nữa nguyên nhơn trói buộc chị cả hai năm tươi trẻ cuộc đời. Quên tình cảm trước đó của một đứa trẻ mới lớn phóng ra không đúng lúc là tôi. Quên và tha thứ những cái nhìn tham lam của thằng bé chưa kềm thúc được ước muốn của mình. Tươm tướp, tươm tướp... Mắt gian.

Mong lắm vậy chị Lạc ơi.

Em giận ba em. Em thương đời chị. Em mong có kiếp sau gặp lại chị trong hoàn cảnh thuận tiện không có khoảng cách thời gian.