Tiếng thầm quê Mẹ

1. Giọng chưởi léo nhéo của dì Năm Chằn với những từ ngữ trời ơi đất hỡi quen thuộc bao lâu nay từ trước cửa vựa đâm lủng qua vách ván đánh thức thằng Mỹ dậy sau giấc ngủ mệt mõi của một-đêm-quá-độ. Đủ thứ tiếng động nhảy múa, xô đẩy ngoài kia, từ tiếng trả giá nhẹ nhàng bi thiết như năn nỉ, tiếng cải cọ cọc cằn tục tỉu, tới tiếng xích lô máy bình bịch, hết thảy dộng vô lỗ tai lùng bùng, lình bình, tiếng nầy chồng lên tiếng kia, tạo thành một mớ âm thanh hổ lốn nó có cảm tưởng nhức đầu, nhức óc hơn nếu nằm nướng thêm nữa. Vậy mà ngủ như chết, thiệt kỳ cục hết chỗ nói. từ khuya, lúc bò về tới nhà, đầu nặng như đá, quờ quờ quạng quạng, chỉ kịp quơ đại quơ đùa cái gối liệng cái bịch lên đầu nằm, là ngã lăn xuống ván nằm ngay đơ cán cuốc, giả tỷ có ai lấy xà beng nạy đem liệng xuống sông cũng hổng hay biết trời đất gì hết. Trong khi đó mấy câu eo éo của bà chằn đó vừa mới gióng lên ở ngoài trước thì mắt đã mở trao tráo liền. Tỉnh queo. Ngộ thiệt! Không biết đâu mà mò. Chắc mấy năm nay sợ bả lậm tới xương tủy rồi mới vậy. Hồi đó lúc nào cũng sợ, hễ thấy mặt bả như bị hớp hồn, xếp de, tim muốn đứng luôn. Ăn sợ bị nói nhiều nói ít, lựa món ngon chê món dở, kén cá chọn canh. Uống, sợ bị dòm hành háy nguýt. Ngủ, sợ bị la thúi mắt, nhớt thây. Đâu phải bị la rầy thôi đâu, cán chổi gõ liên tu bất tận lên đầu lên cổ, bất kể quân thần trời đất, bất kể chỗ nhược chỗ kỵ. Thét rồi quen, nằm đêm mà một con mắt nhắm, một con mắt mở canh chừng tiếng dép của bà để trốn chui, trốn nhủi trong xó hóc nào đó cho yên thân. Tiếng dép cách khoảng ba chục thước, không cần thấy người cũng hình dung được cái bản mặt nhăn nhăn như bị người ta ăn hết của ông của cha, cái thay tròn trục, ngoe ngoe như cua gảy càng, cặp mắt trợn ngang trợn dọc như muốn ă tươi nuốt sống người khác. Hồi đó nếu mà ngủ mê hay cứng đầu cứng cổ như bây giờ thì đã chết bảy đời vương rồi. Bây giờ thì còn lâu! Lớn rồi, ai cũng như ai. Ai cũng người, cũng hai tay, hai mắt, một đầu, phải thì sợ, hỏng phải thì tới đâu cũng tới. Nó bỗng giận ngang, đấm tay xuống bộ ngựa, chửi đổng: Mẹ! Cái đồng hồ Seiko dây hơi lỏng đụng xuống ván ngựa phát ra một tiếng kịt khô khan khác với tiếng mà nó mường tượng trong trí khiến nó ngỡ ngàng:

- Mẹ mới bảnh mắt ra đã lạng quạng rồi.

Nó chưởi thầm khi đưa tay lên thấy mặt kiếng đồng hồ cưng đã có năm sáu đường nứt chằng chịt.

Nó quên ngay chuyện tức giận nguội người dì dữ tợn đương ong óng ngoài kia mà lại lơ mơ nghĩ về cái đồng hồ bể. Mẹ, chiến lợi phẩm này có được cũng trầy vi tróc vảy chớ bộ! Bữa ăn cái đổng của thằng cớm kia phải bay qua hai cánh đồng rồi bị hai ba trực thăng đuổi nà theo oanh tạc thiếu điều ói máu. May mà đương sức mạnh chứ không đâu chịu nổi trận mưa bom đó. Nó nhớ tới mấy cú đấm mưa bất bữa hổm và sự vùng thoát trong đường tơ kẻ tóc. Nó cảm thấy tiếc cho cái mặt kiếng và nghe rang rang lồng ngực.

- Mẹ! Ăn bao nhiêu hỏng tiếc mà khi không hao tài bực bội không tả được. Nó vung vai, vung tay vung chưn cho dãn gân dãn cốt, ngáp một cái thiệt dài, lừ đừ ngó lên mấy tấm ván lầu rồi tiếp tục nằm nướng, lóng tai nghe mấy câu “chửi chồng như con” cơm bữa đương làm trò vui mấy đứa nhỏ ngoài kia.

- Kệ mẹ bả! Nằm dật dựa ba ngày nữa bả cũng hỏng dám đụng tới mình, làm hùm làm hổ với ai thì được chứ động tới thằng này thì còn lâu. Hôm qua mới nhận giấy báo lãnh đồ mà. Chưa lãnh, chưa chia, tiền chưa hết thì chưa có chuyện gì xảy ra đâu. Biết tẩy bả quá mà! Dậy sớm ra ngoài đó đứng xớ rớ mất công có chuyện chứ làm đách gì?

Tiếng chưởi của Dì Năm Chằn chuyển qua đứa con về chuyện ăn nhiều trốn tránh công chuyện làm thằng Mỹ nhột nhạt. Mẹ! Thằng nhỏ mới có mấy tuổi, bị đập đầu lên đập đầu xuống tối ngày, đẹt căm, lớ nga lớ ngớ như bị ma hớp hồn biết mẹ gì mà chưởi bới. Nó đứng dậy lừ đừ bước ra, đi ngang người đàn bà nó ngó kiểu khiêu khích như thầm nói thằng nầy không sợ ai đâu, chọc giận nó thì nó sẽ ăn thua đủ. Dì Năm, chỉ liếc nó một cái rồi giả bộ không thấy, tiếp tục làm bầm làm dập đứa con ruột. Thằng nhỏ bưng chén cơm, mặt buồn hiu, nước mắt rưng rưng, mấy con ruồi đậu trên khứa cá cũng không thèm đuổi. Thằng Mỹ thấy thương hại cho đứa em bà con. Cảnh nầy mình chịu năm sáu năm nay rồi. Từ lúc dợt lại bà năm ngoái bả mới bỏ tật. Nhưng mà giận cá chém thớt, ghét-bụi-hành-nguýt-bụi-tỏi, báo nhiêu giận hờn bả trút hết lên đầu thằng nhỏ. Tội nghiệp, nó lớn hết nổi, lúc nào cũng lừ đừ, cà-dật-cà-dựa như chết chưa chôn, như bịnh ba năm mới dậy.

Thằng Mỹ cúi xuống nắm tay nạn nhân thế tội cho nó:

- Mầy bỏ chén cơm đó đi. Ra ngoài tiệm ăn hủ tiếu với tao. Mẹ!

Đứa nhỏ nhón mình theo cái kéo của thằng Mỹ, mắt nó sáng hực lên trong một khoảnh khắc thật mau, không biết nghĩ sao, nó ngó má nó rồi chằn xuống, không chịu đi, mấy cái hực hực tức tửi nghẹt nghẹt trong cổ họng. Dì Ba ngó thằng cháu lai bằng cặp mắt không cảm tình, dì nuốt nước miếng, làm mặt nghiêm, gằn từng tiếng với thằng con, kiểu sẵn sàng kiếm chuyện:

 - Ngọ, mầy hỏng được đi đâu hết. Ăn dọng cho hết chén cơm đi. Bỏ mứa đó cho ai. Tao đâu có chặt đầu lột da thiên hạ để lấy tiền. Người ta bươi thùng rác lượm túi ny-lông cứt đái dơ dáy còn không đủ tiền mà ăn, mầy lại tính bỏ mứa. Dì ngó ra đường, đổi giọng. Mấy người đừng bày đặt bắt thang cho nó trèo lên đầu tui. - “Đi theo mấy người học sách của mấy người để nữa công an phường còng đầu cả nhà tui đi học tập sao? Ai ăn dọng gì thì đi một mình đi, đừng rủ con tui. Nó ở nhà ăn cơm với cá đâu mắc mớ gì mấy người mà kéo lôi.”

Mấy người! Tui! Mẹ, cũng cái giọng đó không. Giọng khó ưa. Giọng đòi ăn dao. Cái giọng nầy sủa hoài có bữa cô hồn khám chí hòa kêu tui quá. Làm thinh hay rày dạy thì còn sợ. Đằng này chọc giận hỏng nóng sao được? Mẹ! Má tui gởi về bao nhiêu bà chận đầu chận đuôi, đâu còn mẹ gì! Bần cùng sanh đạo tặc, không ăn cắp vặt lấy con c. gì ăn? Mà giựt thì cũng giựt của thiên hạ chứ giựt gì bà. Bà giựt của thằng nầy thì có. Nó cung tay lại, muốn làm lớn chuyện để hả giận nhưng nghĩ sao nó nhún vai nheo mắt với thằng Ngọ như để xin lỗi thông cảm, bước ra khỏi cửa.

Mẹ! Nhịn nhục! Té vàng té bạc gì. Nó hít một hơi thật dài để lấy lại bình tỉnh. Cảnh người qua lại, bạn hàng mánh mung, mấy cái xe hàng “Của tui họ dựt” de tới de lui cà-xịch cà-lụi làm thằng Mỹ thấy vui vui, quên hết chuyện bực bội nảy giờ. Nó vừa đi vừa ngó trời ngó đất, bộ tịch thiệt thong thả. Một thằng dân chơi mới vô nghề chận thằng Mỹ lại, niềm nỡ:

- Ê đi độp mầy, tao mới vô mánh cái giỏ.

- Bao nhiêu?

-Thước rưởi, độp khẩm, rồi tối đi kiếm đẻn. Tiền cậm cái đồng bẻ hum qua cũng còn bộn. Cho mầy độp mệt nghỉ. Nó kéo tay thằng Mỹ: Tới luôn?

- Thôi đưa tao nửa thước, có chuyện cần. Bỏ hút cả tuần nay rồi!

Một xấp tiền móc ra trao tay gọn gàng, giọng nhỏ vừa đủ nghe:

- Con gơ có đôi xoản kìa, cọng nhơ nữa. Bẹo thấy ghét quá, mầy cản cho tao bốc vụ nầy rồi đi đâu đi. Cọng nhơ chắc cũng bốn xế, cái mồng chắc cũng hai xế. Mẹ! Tuần trước thấy mẹ. Tuần nầy phải vô mới được.

Bỏ tiền vô túi nó lắc đầu:

- Mẹ! Chơi ở đâu thì chơi tao đâu có ngán. Xích xích đằng Sinco hay Đại Nam cũng được, nhưng mà ở đây tao kỵ. Xóm nhà. Coi chừng thằng cớm ngoài sau cái xe kia kìa. Sớm mơi bị phiền lắm. Mất thì giờ.

Một cái ngó lẹ về phía tên công an, tiếp theo một câu nói nhỏ:

- Thằng Tư chỉa đó! Phen, mỗi lần tụi tao ăn nó đều có chỉa. Vụ nầy chắc nói chỉa nửa cọng. Đ. M. Lúc cần hỏng thấy thằng nào hết. Chắc bốn lò hồi tối hôm qua nên bây giờ không ra mở cửa chợ nỗi.

Thằng Mỹ thấy bực mình vì tính cằn nhằn của tên nầy. Nó thấy tốt hơn là kệ mẹ chuyện thiên hạ:

­ Tao rút, mầy liệu làm được thì làm.

- Không bại đâu đừng lo.

Lại một cái nheo mắt từ giã.

Tiệm nước buổi sáng ồn ào, đông đúc. Hai người già ăn xin nó bước vào bằng cặp mắt van lơn. Một bầy cả chục đứa nhỏ ăn cóc giành giựt nhau chút nước hủ tiếu còn xót lại trong hai cái tô thiếu điều đổ lên mình nó. Nó thấy một chút đau xót khi nhớ tới những cú đánh, cái đá phải chịu ngày xưa khi còn nhỏ phải điăn cóc để giải quyết sự thèm thuồng và cơn đói. Nó rút một tờ giấy hai chục đưa cho một người ăn mày, quơ tay chỉ về người kia nói gọn, giọng thiệt tay chơi:

-Chai hia.

Rồi nó bước mau vô trong, không biểu lộ một chút nào hảnh diện về cử chỉ của mình khi hai người hành khất vừa chia nhau số tiền vừa len lén ngước lên ngó nó với cặp mắt thán phục, trao đổi mấy câu gì đó nhỏ quá không nghe rõ.

Một thằng cở 15, 16 ốm nhom ốm nhách như con khô hố, mặt rút lại, nhăn nheo, nhỏ bằng hai ngón tay tréo, cặp mắt lém lỉnh đão quanh một vòng thiệt mau rồi kéo ghế mới nó ngồi:

- Ngồi xuống đây đi đại ca. Đại ca kêu gì để em dọn.

Nó chọc, nửa giỡn nửa thiệt, mặt không thèm ngó thằng nhỏ:

- Đây mầy nói gì nói lại nghe coi. Mầy dám kêu tao bằng đại ca hả? Tao dặn gì mầy nhớ không? Tao bạt tay cho nhớ.

Giọng cười nho nhỏ cầu tài, mấy ngón tay khô queo gải gải mép tai, bối rối:

- Nhớ chứ sao không đại ca. Nhưng mà ở ngoài nầy kêu bằng đại bàng em sợ không tốt. Tụi nó thù oán chơi lén biết đâu mà đỡ đại ca. Hay đại ca muốn kêu bằng anh Thúy? Tên con gái nghe còn được. Tên con trai nghe không hạp lỗ nhỉchút nào hết đại ca thấy không?

Khoái tới tủy khi nghe tên người yêu, nó cũng làm bộ phớt tỉnh, đĩnh đạc ngồi xuống cái ghế được mời, khoanh tay để trên bàn, thung dung:

- Thôi mầy! Dẹp mầy đi… Đại bàng thì kêu đại bàng chứ sợ mẹ gì. Ở trong Phan Đăng Lưu, Mạc Đỉnh Chi còn chưa run, ở đây sợ mẹ gì. Đất địa của tao mà. Tao mà còn bề gì thì mầy còn cúng con chí đực nữa là khác. Khỏi ai chọc mầy, khỏi ai nhéo tóc tai mầy. Khỏi ai kêu mầy bằng dế ốc tiêu.

- Đại ca nói vậy, chớ đại ca có chuyện gì, chị Thúy cũng buồn, mà tui cũng buồn nữa, anh em mà, nhằm nhò gì mấy cái chọc-cho-vui lẻ tẻ.

Chợt thấy buồn buồn. Ân oán giang hồ biết đâu nói được. Trong tù không dữ, không ác làm sao sống. Ra ngoài biết may đâu rủi đâu? Thằng “Hóa la de” mới chết. Thằng Năm-chà mới bị chém tét sọ. Tụi nó trước kia cũng là đại bàng trong Phan Đăng Lưu, lớ ngớ sao mà để cho bị “thịt” đi. Ngu hết chỗ nói.

- Mầy trù tao hả. Đi chỗ khác chơi. Lớ quớ tao bẻ không còn cái răng ngậm xương bây giờ.

- Thiệt mà đại ca. Anh Hóa bị bốn thằng vây. Tụi nó tạt ắc xít rồi chém, chắc đại ca biết rồi. Nhừ tử. Ghê lắm.

- Thôi dẹp mầy đi. Đợi mầy báo tin thì chuyện đã cũ mèm rồi. Mầy đem hũ tiếu ra đây. Bỏ hai cục xương lớn nghe. Hỏng có xương thì tao đốt quán đó. Một ly cà phê sữa đá nữa. Đem cho tao gói thuốc luôn.

Đứa nhỏ đi rồi, thằng Mỹ ngồi ư ử trong cổ họng:

Mai tôi chết ai là người xây nấm mộ?

Cỗ quan tài ai khóc tiễn đưa theo?

Giọng nó bi ai cách gì, như than nãn, như trối trăn, như tự thương cho đời cướp bốc sống nay chết mai…

Buồn tình nó ngó bâng quơ ra cửa tiệm. Mấy thằng phường đội, súng đạn lên nòng, đứa chỉa vô hông, đứa đẩy sau lưng xô thằng xì cút hồi nãy bước mau về phía phường đội. Thằng dân chơi mặt buồn hiu, xui cò, ngó vô quán thấy thằng Mỹ, nó càng buồn hơn. Thằng Mỹ chợp lẹ như chớp cái ly không để trên bàn sẵn sàng tấn công khi có bất trắc. Vô tình nhóm phường đội bước qua…

Thằng Mỹ chưởi thề lầm bầm:

- Mẹ! Vậy mà nói không thua. Làm ăn như c. người ta. Dở đ. chịu được. Đã vậy mặt mày còn bí xị như bún thiêu. Mới bữa nào đây, còn ong óng cái miệng: Còng số 8 như vàng mười tám. Anh vào tù như hoàng tử nhập cung. Coi đấm đá như bài ca vọng cổ. Mẹ, nó bỏ vô chỗ lạ thì hốt xương đó con.

Tô hủ tiếu được bưng ra. Thằng Mỹ vừa ăn vừa ngó lom lom ra ngoài cửa. Nó đã thiệt sự tỉnh rượu.

Tiệm vắng khách làm mấy thằng  ăn cóc buồn ngồi ngoài trước cửa ca mấy bài ca nhạc cải cách. Mạnh thằng nào thằng nấy ca, thằng nào nhớ khúc nào biểu diễn khúc nấy, tạp nhạp như một đống xà bần, hổ lốn như thùng đồ ăn cặn:

- Ngày xưa mỗi lần anh đi uống đế… thì em tỏ vẽ như không bằng lòng… Mỗi lần nhậu say… anh thấy trời nghiêng đất quay… Lần này nhậu say em không còn yêu anh nữa đó… và dỗi hờn yêu em mỗi lần anh uống say. Anh mỉm môi cười bảo say là tại em…

- Ngồi hết tiền, mắt lim dim, tôi bước vào một quán thịt cầy… trét bơ vàng, vài cọng rau răm… Thấy ngon lành, tôi đá thật nhanh…

- Em đang mơ mộng lấy thằng chồng đẹp trai… Nhưng em đâu ngờ lấy nhằm một thằng say… Đời say là thế em à… Đời say là chẳng ra tiền… Nên em đành xù anh…

Thằng Mỹ chợt nổi xung thiên ngang xương, để đũa xuống la lớn ra phía ngoài:

- Mẹ! Tụi bây hát như c. người ta. Thằng nào thì một thằng thôi, hết thằng nầy tới thằng khác. Thằng nào cũng ong óng, ông nội tụi bây nghe cũng không được nữa, huống chi tao.

Một thằng nào đó lên mặt, rầy đồng bọn:

- Đại bàng giận rồi kìa tụi bây. Dẹp tụi bây hết đi. Tụi bây mở mắt coi nè, tao biểu diễn cho đại bàng thưởng thức, đại bàng vui liền hà.

Rồi nó tằng hắng bắt giọng, bài ca hơi mới, thằng Mỹ mới nghe được lần đầu:

Gái thời nay sao ghê quá, ưa ngồi kề Honda, thích nụ cười đô-la, thích điệu nhảy Rumba, bỏ chồng đi lấy Mỹ, xác mình ham bán rẻ, cho loài Mỹ quốc sao anh còn thương còn nhớ?...

Gái thời nay sao ranh quá, ưa tìm chồng hoa mai, chê những thằng binh hai, áo sờn bạc hai vai, không tiền thuê chốn ngủ, lương đồng năm xấp rưỡi, không tiền mua phấn dồi, sao anh còn thương tiếc?

Năm xưa nàng ngồi đây bán ổi, áo quần rách tả tơi. Năm nay nàng về đây lấy Mỹ, bận bộ đồ mini jupe, cụôc đời nàng lên hương. Ngồi trên Honda rồi lại chê Gobel, khi Đồng Minh biết điệu, coi tiền như giấy vụn, nếu lỡ yêu ai, nếu lỡ yêu rồi thì anh vứt bỏ mau đi.

Năm xưa nàng ngồi đây bán phở… áo quần nàng luốt lem…

Thằng Mỹ dộng ly xuống bàn cái rầm. Nó vừa đứng dậy móc tiền trả vừa nói vói ra ngoài:

- Dẹp! Dẹp. Xưa rồi! Mỹ đâu còn. Đô-la đâu có. Con gái đời nay “ngon lành” hơn nhiều. Tụi bây ca bậy không.

Nó bước mau ra cửa như cơn gió lốc trước cặp mắt ngơ ngác của mọi người.

Thằng nhỏ bán tiệm được dịp làm tài khôn cắt nghĩa đùi với mọi người:

- Ảnh nhớ chị Thúy đó. Đừng chọc ảnh giận.

Thằng Mỹ nghe hết nhưng không thèm quay lại. Nó nhớ đến Thúy thật và nó đang trực diện với đời sống bấp bênh trước mặt.

 

2. Quán vắng ngắt, lạnh tanh. Người đàn ông hom hem, ở trần, bận cái quần xà lỏn lên nước đương ngồi chống càm ngủ gục ngon lành, lâu lâu trật tay giựt mình lừ đừ mở cặp mắt đỏ chạch ngoằn ngèo gân máu ngó về phía trước một giây rồi lừ đừ tiếp tục ngủ. Cái bụng lép, mỏng dánh, đen như lá chuối khô ở dưới mấy cái be sườn cong cong lộ lên rõ ràng như mấy giồng rau, phình lên xộp xuống theo hơi thở.

Ngoài trời nắng đổ lửa, cháy da. Mặt đường dầu hắc chảy mềm mềm ở mấy chỗ được trải quá dầy bị ấn xuống, để lại dấu sau khi một chiếc xích lô ì ạch chạy qua. Không khí chia nhiều lớp, theo trận gió lay động căn gác bên kia đường. Cảnh tượng uể oải, biếng lười, mệt nhọc, lắng đọng. Thời gian ngừng nghỉ, chậm rì, kéo lê lết…

Thằng Mỹ che miệng ngáp rồi sửa bộ trầm ngâm trước ly cà phê đen đặc, ly cà-phê buổi trưa cho tỉnh táo, đốt thời gian trống không, ly cà-phê giả ngụy đem đến cảm tưởng có chuyện gì phải làm, phải suy nghĩ… Mẹ! Nắng gì mà như đổ dầu ra đốt, nực như trong lò bát quái, nực hơn lúc nằm bó cẳng bó chưn trong khám năm ngoái năm xưa. Nó đưa tay lên vuốt mồ hôi lấm tấm đọng sau ót, chùi xuống hai bên đùi cái quần jean xanh tinh hảo mới lấy ở chợ trời về, nhớ tới lúc ở tù. Mẹ! ở tù vậy mà sướng, đàn em đấm bóp, đàn em dâng đồ ăn, thức uống, đàn em lau mình lau mẫy, đàn em quạt muỗi, quạt nực. Sướng còn hơn ông hoàng bà chúa. Bảnh còn hơn cán-bộ về thành. Bây giờ ra ngoài phải lo mắt trước mắt sau, láo liêng coi chừng tụi đàn em ngày xưa tính chuyện giang hồ trả lời trả vốn. Nó ngó quanh quất, rùng mình nghĩ tới cái bàn chải đánh răng mài dưới sàn “xi măng”, nhọn lễu đâm vô chớn thủy một thằng phản bạn hôm đó. Máu có vòi phun lên mặt thằng chím se làm phận sự, ghê thấy mẹ, chứng kiến chết chóc như cơm bữa mà bây giờ nhớ tới chuyện đó cũng rùng mình. Mẹ! Như heo bị thọc huyết, ngon lành, chỉ bị đưa nhẹ một cái là rồi, thằng “làm đẹp thành phố” thiệt. Thằng Mỹ chợt mỉm cười thiệt cô hồn, đưa tay ký nhè nhẹ vô vách để thử. An toàn. Tấm vách voi bộ xệch xạc nhưng cũng còn chắc ớn. Tiếng gỏ nghe cạch cạch, đục, ngắn. Có thằng nào mẹ đ. chơi một búa từ phía trong ra cũng không tới nỗi nào. Nghĩ vậy nhưng nó cũng xích ghế tới sát bàn hơn chút nữa, chống cúi chỏ lên bàn. Dựa lưng vô vách thì khoái thiệt, nhưng biết đâu! Cẩn thận vẫn hơn. Nó cầm muổng quậy ly cà phê, thói quen từ lâu lắm rồi, mặc dầu bây giờ đường đâu có nhiều, ông chủ thí cho một muổng nhỏ xíu, lưng lửng, bỏ vô đã tan biến lấy mẹ gì đọng dưới đáy ly mà quậy, trí lờ mờ nghĩ về thằng “Hóa la-de”. Mẹ! Giang hồ đâu phải thằng nào cũng điệu nghệ, cũng Đơn Hùng Tín, đâu phải thằng nào cũng bảnh-tỏn chơi trước mặt mà không thèm chém lén. Nó lại trở về ý tưởng cũ, bây giờ không phải một cái búa mà là một con dao thiệt bự. Lớ ngớ dựa lưng vô đó, nó chơi một cây xuyên qua vách thì mẹ cũng lìa, may ra bà độ thì hỏng tróc vẩy cũng trầy vi, hỏng xức đầu cũng mẻ trán. Thinh không nó thấy lạnh xương sống. Ngộ thiệt, trưa nắng dàng trời mà rùng mình như có ai đổ nước đá lạnh từ cổ xuống tới mông. Nó quay lại ngó lom lom vô vách. Không có gì! Nó chửi thầm. Mẹ! Mình bắt đầu sợ bóng sợ gió rồi. Bể quá. Giải nghệ đi là vừa.

Nó ực một hơi hết ly cà phê, để xuống, lẩm bẩm:

- Mẹ, cà-phê mà uống như rồng hút nước thì  còn biết mùi vị con c. gì nữa. Nó lấy làm lạ tại sao bữa nay lại bực bội ngang. Hay là chút nữa có chuyện gì? Mình linh lắm mà. Bữa nào nghi có chuyện chém chết thế nào cũng có chuyện. Bỗng nhiên nó đưa tay lòn qua lớp áo, tới nách, chai ắc-xít cũng đang nằm ngủ gọn gàng chỗ cũ. Nằm đó nhe mậy. Đừng nổi nóng bậy bạ. Tao không muốn xài mầy. Xài mầy là có chuyện. Mệt quá. Ai cũng là người. Ai cũng đầu xanh máu đỏ. Ai cũng biết đau. Ai cũng sợ chết. Bất đắc dĩ thôi. Mầy nằm im đó thì tốt hơn. Nó lại nhớ tới thằng “Hóa lade” và nhớ tới những nạn nhân của nó trước đây lảnh nguyên con chai ắt-xít vô mặt, tay quơ quào, chùi lia chùi lịa rồi lăn lộn dưới đường đất. Nó nhớ tới cái anh chàng dại gái nắm áo nó lại kỳ đó lúc nó giựt cái xoãn của con . Ở đời ai làm gì tì làm, hỏng dính dáng tới mình thì thôi, ở yên đâu có sao, đằng nầy lên mặt anh hùng, ăn nguyên một cây đô vô bụng, ôm bụng kêu trời. Nghĩ lại cũng tội, nhưng mà… không lẽ bó tay để bị dẫn về phường, rồi đi cải tạo. Tiếng thằng đàn em cắt đứt tư tưởng của nó giọng cố tình thân mật:

- Sao ngồi tưởng trời tưởng Phật vậy đại bàng. Bộ bị “cái lủng” nào hớp hồn nữa rồi sao? Nói gì đi chớ! Trưa nắng mà hai đứa ngồi như ông địa ngó qua ngó lợi sao giống mấy ông già chờ chết quá.

Thằng Mỹ trả lời hiền từ, nó vẫn hiền từ với đàn em từ thuở đó tới giờ.

- Thì mầy nói gì tao nghe. Bữa nay tao không ngứa miệng.

Thằng kia nhích ghế, sửa lại bộ ngồi rồi mới lách chách:

- Hồi tối “nhập nha” cũng được bộn. Đ.M. Con gơ nằm ngủ chỉ có bận cái áo ngủ mỏng dánh, thấy nguyên con, muốn xụm luôn. Đ.M. Chắc ăn quá đâu có đem thuốc mê. Bây giờ nhớ tới cũng còn tức d.

Thằng Mỹ ừ hử cho qua chuyện. Nó nhớ tới con Thúy và chuyện của nó. Cũng vậy, nhưng mà trong sạch hơn, đâu có cà chớn như thằng nầy.

- … May mà trước khi chuồn quơ hết mấy món nó để trên bàn: đổng, xoãn, kiềng.Bỏ đằng nhà, chiều nay đi cậm rồi tui sẽ biết phải quấy với đại ca. Nghe nói lóng rày đại ca túng vì phải cúng cả chục cây cho cái thằng mắc dịch ở sở Ngoại Kiều, lâu lâu nó đòi thêm phải chạy cho nó.

-Ừ! Mà chuyện bạc để sau hãy tính. Chuyện tao để tao lo. Hồi nảy mầy nói con nhỏ nằm ngủ dễ thương lắm phải không?

- Dễ thương mà thương hổng dễ. Coi ngon lành hấp dẫn thì có. Ước sức muốn đè xuống làm ăn rồi tới đâu tới. Biết đâu mình gặp hên. Ô-ra-din mà!

Nó giận ngang, chận lại kiểu đàn anh, nói mà chỉ ngó xuống ly cà phê:

- Mẹ! Nói vậy mà nghe được. Đầu óc mầy để đâu? Nhập nha là để chôm. Chôm là tại vì không biết làm gì cho có tiền. Đ.M. đâu phải nhập nha để tính chuyện bậy bạ với con gái người ta Đ. M.

Thằng đàn em chống chế yếu ớt:

- Nhưng mà tui quơ hết đồ để trên bàn của nó chứ bộ! Tui đâu có làm gì nó đâu!

Nó giận hơn, nói như nạt:

- C. Mầy câm miệng chó mầy lợi đi, cũng cái miệng mầy không, chớ lổ nào vô đó. Hồi này mầy có nói là mầy tiếc hỏng có đem theo thuốc mê không? Nếu có thì sao? Phải mầy làm ẩu không? Vậy mà cũng bô bô cãi lấy được. Tao ghét ai cãi giống lắm.

Rồi để cho nhẹ bớt sự giận dỗi bất ngờ của mình, nó dịu giọng kể:

- Tháng trước tao cũng nhập nha như mầy. Nhà con Thúy đó. Tao bắt đầu “thương” nó cũng từ bữa đó… Trước hết tao xuống bếp lục tủ lạnh lấy đồ ăn cho no. Mẹ, lo bao tử trước có gì còn có sức chịu đựng. Ăn đã tao lên lầu. Phòng ai không mở, mở phòng nó. Cửa sổ nó hé mở, trăng mờ mờ rọi vô. Nó nằm ngủ tênh hênh trong mùng, không một tấm vãi che thân. Ngủ ngon lành, ngủ ngây thơ. Tao dòm tới dòm lui. Từ trên xuống dưới. Một lằn nước miếng chảy dính ở mép. Còn nhỏ mới ngủ chảy ke, chứ lớn rồi đâu có ai ngủ chảy ke. Ngực lồ lộ phập phồng. Một tay buông lỏng, một tay đè lên bụng. Cánh tay đầy lông tơ nổi lên trên màu da trắng. Cái bụng thon, trắng, lỗ rún sâu hoắm. Lỗ rún con nhà giàu. Tao ngó xuống dưới nữa. Một chùm…

Nó ngừng kể khi thằng kìa nghệch ngạc kéo ghế tới xích gần hơn, chờ đợi.

- Mà thôi. Đại khái là tao thấy hết mà tao không nghĩ tới  chuyện gì bậy.

Bộ đồ bộ của nó, con nhà giàu mà, cũng như con nhỏ mầy nhập gia hồi tối vậy, vắt trên ghế, một cái tay áo quật lên trên một cuốn sách đang mở ra. Mẹ! Sách tiếng Tây tiếng Mỹ tao có biết cức khô gì. Tao ngó cái đổng để trên bàn đó, tao còn nhớ Seiko dây vàng. Mấy trăm đồng bạc với lại kiềng bự xộn có khắc tên nó. Tao thò tay tính chớp lấy rồi ngó nó. Ngó nó thì lại không muốn chụp đồ. Ngó đồ thì muốn quơ bỏ vô túi. Tao ngần-ngà-ngần-ngừ xụt-tới-xụt-lui, đưa tay rồi giựt về, ngó nó rồi ngó “tiền” độ chừng năm phút, tao cầm cái đổng lên. Thôi chỉ lấy ít thôi, lấy hết tao không nỡ. Con nhỏ trở mình quay về phía tường. Cái lưng nó dài, trắng sang trọng, lông măng xếp thành cái xoái chính giữa hai xương bả vai chỗ xương sống, tao thương nó quá để cái đổng lại chỗ cũ, xuống nhà bỏ đi một nước không thèm đóng cửa.

Thằng Mỹ ngưng ngang chuyện kể, kêu vói ông chủ quán đã thức nảy giờ, đang ngồi tréo ngoải hút thuốc.

- chú Tư! Cho thêm một ly nữa coi. Đậm nhe. Nó lịch sự: Mầy uống nữa không? Thằng kia khoát tay: Thôi, rồi quay ra chủ quán:

- Chú tư cho bình nước. Cho một gói công an phải sợ thằng ăn nhậu coi. Người đàn ông giờ được dịp lên tiếng:

- Cha. Rành quá ta. Cũng biết câu nầy nữa. Capstan thì nói capstan, còn bày đặt đọc thơ. Công an phải sợ thằng ăn

nhậu. Nó sợ à? Nó chỉ sợ hai cậu thôi còn người ăn nhậu khác nó hốt dài dài.

Được khen thằng đàn em nó hỉnh lỗ mũi:

- Còn nhiều, chú Tư. Tui tới luôn chú coi. Con-hay là Cho- anh phá sản tại anh ngu. Chiếc áo phong sương tình anh nặng. Cho anh phát súng tim anh nát.Đó là mấy câu xưa rồi . Bây giờ tụi ngụy-bộ-đội của tụi tui nói thơ nguyên bài nghe còn đã hơn. Người chủ tiệm lui cui mở cái lồng kiếng đựng thuốc lấy gói thuốc, không thèm nghe, nhưng thằng dân chơi cũng tiếp tục ngâm-nga:

Chiến tranh nầy chiến tranh xã hội

Anh ra đi vì dòng dõi ngụy quân

Phe mình thua nhục nhã chẳng cần

Sầu ly biệt nhìn em ở lại

Thôi em nhé hẹn ngày trọng đại

Anh trở về theo nhịp quân ca

Lũ vong nô sẽ chạy thấy bà

Ngâm xong nó lấy làm khoái chí hỉnh hỉnh ngó ngang ngó dọc để đợi một lời khen, chú tư đương bận rộn chào một người khách nữa bước vô, thằng Mỹ đương ngồi trầm ngâm, mất hứng vì chuyện kể bị loãng nửa chừng. Thằng đàn em tiu ngỉu một lúc rồi dẹp tự ái làm lành:

- Rồi sao nữa kể tiếp đi đại ca. Xin lỗi, tại nổi hứng bất tử.

Thằng Mỹ đốt thuốc, hít một hơi dài, ém khói mấy giây, thả ra sản khoái, im lặng một lúc như để bắt lỗi thằng đàn em rồi mới tiếp:

- Về tao thương nó luôn. Chắc nó lấy làm lạ là tại sao tao lại theo nó. Trầm ngâm một lát, nó chắc lưỡi. Đàn bà con gái mê tao hằng hà. Khỏi nói mầy cũng biết con lai trước sau gì cũng được đi. Họ theo nếu có dính thì họ đi theo mình. Vậy mà tao chờn vờn mấy tháng nay nó cũng tỉnh bơ. Tao thấy nó đâu có thằng nào đâu. Phải có cũng được đi…

Mà thôi! Hổng biết mắc giống gì bữa nay tao nói nhiều quá. Ờ tại mầy nói chuyện muốn làm bậy con nhỏ đó. Nhập nha không lấy mẹ gì hết rồi để tương tư như tao có lẽ trật điệu giang hồ. Nhập nha như mầy tình chuyện sướng con c. mù con mắt thì trật nuốt tí tè. Mình túng thì phải tính chớ đâu phải ỷ có “đồ chơi” rồi làm đại làm đùa. Muốn làm bậy thì xách cây đô ra xa lộ, tụi nó xà-nẹo xà-nẹo từng cặp mỗi tối chỗ đường băng qua Giồng Ông Tố đó, rút ra hù thằng cớm rồi muốn gì con lại hỏng được. Tao thì tao chê mấy chuyện bậy bạ đó. Tao ghét mấy thằng làm ẩu. Như tụi nó xúm lại xiết cổ rồi treo một thằng cớm trong nhà cầu ở rạp Rex để lấy cái Honda. Dở! Phải nói là dở. Đâu cần phải làm như vậy. Lấy xe mà không cần giết người mới hay!

Thằng xì-cút vuốt đuôi:

- Nói thì nói vậy chớ ai làm kỳ vậy? Xui chết!

Ngoài đường nắng đã dịu dần, bóng mát hàng cây đổ dài hơn. Lác đác người đi làm về, uể oải xe đạp cọc cạch trên đường nghiêng bóng chiều.

Mẹ! Thằng này ngu bỏ mẹ, nói với nó bắt mệt! Vạch đầu gối ra nói còn sướng hơn.

- Xui mẹ gì! Hên cái con khỉ khô. Tin bậy tin bạ! Con gái đàn bà tụi nó cũng người chứ bộ thần thánh hay quỉ ma gì sao mà làm cho mình xui hay hên?

Chuyện chánh là đừng có làm ẩu ở tù lãng nhách, chớ xui mẹ gì! Tuy nghĩ vậy nó cũng vui vui thấy đàn em nghe lời. Nó nhớ tới thơ má nó mới gởi về “rán ăn ở nhơn đức. Đừng làm chuyện tổn đức thì Trời Phật sẽ thương cho mẹ con mình đoàn tụ.” Thơ nào cũng vậy. “Ở nhơn đức cả đời ăn không hết. Chuyện gì cũng qua. Cầu gì cũng được” Xưa rồi, ai không biết chuyện đó. Nhưng mà nếu tôi không bươn chảy thì đã “tử nạn” lâu rồi. Quà bị chận, cơm nước không đủ ở nhà. Ra ngoài đi làm không ai mướn. Buôn bán không có chỗ. Hỏi vậy chớ tôi phải làm gì khác hơn là cướp, giựt, anh chị, giang hồ? Có cái khôn là ở xóm họ không biết mặt trái của tôi, chỉ biết tôi, Mỹ lai, đương chờ ngày qua Mỹ đoàn tụ với mẹ. Xã hội tôi đã sanh ra, lớn lên, đã có quá khứ, kỷ niệm, đã có những ngày vui buồn, đã có ông ngoại bà ngoại dì cậu, đã có anh em bà con, không chịu chứa chấp tôi, muốn tống lôi tống khứ tôi đi thì tôi phải đi thôi. Đâu có cách nào hơn đâu? Tôi có biết ai đâu ngoài má tôi ở bên đó? Cha tôi đã chết trong một tai nạn lâu lắm rồi. Tôi lại không thích sống với cha ghẻ, lại không biết tiếng gì ngoài tiếng Việt, cuộc sống chắc sẽ khó khăn. Nhưng biết sao! Ở đây cùng đường rồi. Không lẽ đi cướp giựt đâm chém hoài để rồi cuối cùng bị bằn chết như một con chó? Tôi đâu có muốn ăn ở bất nhân, nhưng phải làm như vậy thôi. Để sống. Biết thì dễ mà làm thì khó dàng trời.

Cũng vậy đó, biết là phải nói cho nó biết tôi yêu nó, không nói nó biết tôi ngứa đâu mà gãi, vậy mà tôi đâu dám nói? Không phải sợ nó cắn mổ gì, chỉ vì tôi yêu nó đứt ruột đứt gan nên sợ nó: Thấy nó đi ngang là tôi như mất hồn miệng mồm đâu nữa mà nói. Khó là ở chỗ đó. Tôi cũng biết phải nhủ-mỉ nhu-mì con gái đàn bà mới thương mới chịu, nhưng tôi cứ thấy ngứa ngáy chân tay muốn đánh, muốn phá cái gì đó cho hả giận mỗi khi thấy nó cười cười nói nói với ai. Nhiều khi nó lấy làm lạ tại sao tôi đi ngang qua nó, lúc nó đương đứng với một thằng chó đẻ nào đó không biết, bỗng nhiên tôi đỏ mặt hầm hầm muốn gây sự với thằng kia. Tôi đâu muốn vậy, tôi muốn nó ngó tôi bằng cặp mắt thiện cảm chớ không phải phải là một thằng ác ôn-côn-đồ. Nhưng mà, nhưng mà… khó dàng mây.

Con nhỏ biết chuyện tôi nhập nha vô phòng nó chớ bộ. Tôi cố tình để cửa mở mà! Tôi đã lật úp mặt kiếng cái đổng của nó xuống mà.

Tôi cũng cho mấy nhãi con trong xóm loan truyền là bữa đó tôi vô nhà nó nữa. Vậy thôi. Đâu có ai ngoài tôi với nó biết là tôi thấy hết trơn hết trọi đâu? Chắc nó đâu có ngu để suy luận tới chuyện tôi thấy nó nằm ngủ tôi thương quá nên không thể chôm một món nhỏ nhặt nào? Cái giòng con gái mấy chuyện này nó khôn bỏ mẹ, không cần ai dạy tụi nó cũng biết!

Mà sao tôi lại kỳ vậy không biết? Nó tênh hênh, tô hố, tôi dòm nó không chừa một miếng da mẹ đẻ nào. Chuyện đó ăn nhằm gì tới chuyện tôi yêu nó chớ? Có lẽ do tính cách ngây thơ khác với bộ tịch  sánh đời, lõi cách của mấy nàng mà sau khi nhập trận xong tôi muốn kêu bò vàng tới bắt bỏ vô trại phục hồi nhân phẩm.

Có lẽ! Có lẽ tôi bị tiếng sét ái tình. Có lẽ vì tôi không nói được với Thúy một lời yêu đương nào, mặc dầu xa gần bóng gió.

Thúy ơi! Anh yêu em. Tại sao em nhà giàu? Tại  sao anh nghèo? Tại sao má anh theo ổng bỏ anh lại bơ vơ cho anh làm bậy, giờ không còn mặt mũi nào mở miệng với em?

Nó ngồi yên lặng như trời trồng, mặt mở trao tráo ngó ra đường nhưng không một hình ảnh nào lọt qua trí… Trời chập tối! Thằng đàn em đương thả hồn vào chuyện bài thơ Capstan, không nói lời nào. Chú Tư vói tay mở đèn. Ánh sáng mù mù vàng vọt tỏa ra đua với một chút nắng quái chiều còn xót lại ngoài kia…

Thằng Mỹ chợt tỉnh sau cái vỗ vai:

- Kìa! Hình như con Thúy tới kìa. Trời ơi đẹp quá. Ra chào đi đại ca. Làm gì mà như mất hồn vậy? Coi bộ đi kìa! Miếng chuối khô thấy chết được. Ra đi!!

Nó run rẩy đứng dậy, hai tay vịn mép bàn. Nàng kia rồi. Nó dợm cẳng bước ra nhưng như bị đóng đinh xuống đất, không gian như được cấu tạo bằng chất đặc khiến nó không thể nhúc nhích được. Thiếu nữ bước đi ngang tiệm hững hờ, bình thường.

Nó ngồi phịch xuống ghế, thở dài, hổn hển như sau một trận giao đấu.

Người đàn ông chủ quán, đã nắm vững tình hình, ỷ mình là người lớn tuổi, khơi màu ngọn lửa bằng cách hỏi đùa đàn em thằng Mỹ:

- Ê tụi, đọc bài thơ có tiếng Đức về con gái nghe chơi.

- Ờ á! Tại sao không? Đại ca nghe nè. Hỏng biết bữa nay mắc giống gì tui lại thích thơ quá cỡ thợ mộc, hết thơ nầy đến thơ khác. Thơ như nước.

Nó lại tằng hắng lấy giọng rồi nhắm mắt ngân nga:

Trên vũ trụ thiếu gì gái đẹp.

Em tưởng rằng em đẹp lắm sao?

Trai như anh em đừng khi dễ.

Chốn giang hồ Đ.M. đéo cần em.

Ê! Chú Tư nghe coi phải không? Đ.M. Thiếu gì. Cần gì phải chết cho con nào.

Đôi mắt thằng Mỹ đỏ chạch, những đường gân máu ngoằn ngoèo nổi lên như sắp bung ra ngoài, lườm lườm như muốn nuốt trọng cả hai người. Chú Tư cụt hứng ngồi im, thằng xì-cút làm bộ thổi thổi ly cà-phê vừa len len ngó chừng tên đàn anh nóng tánh.

 

3. Dì Năm mặt mày tươi rói, nhủn nhẵn đón thằng Mỹ ngay từ ngạch cửa:

- Mỹ mới về đó hả cháu? Đi chơi có gì vui không?

Ngỡ ngàng, nó ngó người dì xa lạ mấy năm nay, láo liên dáo dát đảo mắt chung quanh. Dượng Năm ngồi trước cần xe cà-tô-mách trước cửa cười xẻn lẻn, bộ tịch muốn nói điều gì mà chưa biết bắt đầu từ đâu. Bao nhiêu năm nay hai ông bà có khi nào tỏ ra thân thiện như ngày hôm nay? Nếu không ra mặt ghét bỏ thì lãnh đạm. Sao mà… Bộ trời tính sập rồi hả?

Nó thân thiện trong một sự lễ phép vừa phải:

- Dạ mới về. Cũng vậy thôi, không có chuyện gì vui lắm.

Người đàn bà mua lòng thêm câu khác:

- Cháu coi tắm rửa gì thì tắm rửa đi rồi ăn cơm. Con bé Tư mới gánh lấy mấy đôi nước, tụi nhỏ vọc nảy giờ chắc cũng còn đủ. Cơm nước nấu sẵn rồi, bữa nay có gà kho nghệ hồi nhỏ cháu thích lắm. tội nghiệp mấy năm nay nhà nghèo ai cũng thèm.

Bối rối thiệt tình. Mẹ! Khi không làm như mình là khách quý. Nó ngó người dượng kiểm nhận nhận xét của mình lần nữa. Lại gặp cái cười gượng gạo che lẫn bối rối của người đàn ông một chút nào đó ngượng ngùng về cử chỉ của vợ mình.

- Dạ! Dì để đó cho tui tự nhiên. Mà nhà có chuyện gì vui dì?

- Ừ! Nói vui cũng được mà nói buồn cũng được. Tao mới nhận giấy báo đi lãnh hàng má mầy gởi về. Tuần tới đi lãnh.

Nó cởi áo liệng vô góc ngó để chờ nghe tiếp câu sau.

- Còn nữa. Thằng Năm Thạnh lại đây úp-úp-mở-mở một hồi rồi xin tao mấy trăm mới đưa cái giấy nầy cho tao biểu nói với mầy.

Nó chợt hiểu:

- Bộ có chuyến bay rồi hả dì?

- Ừ! Đầu tháng. Thấy nó ngồi cà-rà-kề-rề nói tới nói lui. Mà cũng nhờ nó đem giấy này lại đây, mình mừng sớm, có bao nhiêu tao móc đưa có hết. Đâu độ tám 8, 9 trăm gì đó!

Tay nó cho vào túi. Mẹ! Tiền. Bà mà đưa nó 8, 9 trăm. Cá mười cái đầu tui cũng bắt. Giờ chót còn cạy gở.

- Dì cầm đỡ 2000 này đi. Mua quần áo thêm cho thằng Ngọ.

Người đàn bà tiến lại gần, nhưng cũng nói một câu vớt vát:

- Mầy còn tiền không để xài đi. Hỏng có mầy lạng quạng mánh mung thì khổ.

- Được! Tui còn.

Nó cầm tấm giấy. Đọc từng chữ. Tốt. Vậy là chắc rồi. Thoát chỗ “bà bắn” nầy, ở đây thét rồi điên luôn. Nhà mình mà về thì cứ muốn đi. Ra ngoài thì bao nhiêu là chuyện. Em út. Không làm thì tụi nó lờn mặt. Mà làm thì có bề gì…

Nó ngừng suy nghĩ.

Phải nhậu một trận từ giã mới được. Rồi lên Biên Hòa nằm một tuần chờ cho tới ngày đi. Thôi trụ hình lại, còn có bao nhiêu ngày nữa đâu.

Dượng nó bây giờ mới lên tiếng:

- Ừ! Mầy đi là phải, tiếc là tao với dì mầy không được nhập vô hộ khẩu với mầy để đi luôn. Tụi tao mà còn muốn đi, huống chi mầy. Ở lại khó lòng lắm. Đời bây giờ con lai có cái sướng là trước sau cũng được đi nhưng ở lại ngày nào là khổ ngày đó.

Nó không biết nói gì hơn là đưa đò.

- Dạ! Ai cũng ngó tui bằng nửa con mắt. Tui biết.

- Đất nước nầy của họ. Họ Việt Nam. Tụi tao là ngụy, mầy là Mỹ. Mỹ cút ngụy nhào đâu không biết, chỉ biết mình bị nó khi dễ như chó.

Thằng Mỹ động lòng. Mấy năm nay nó sống mà thấy đất nước này không thuộc về nó nữa. Mỹ lai. Giòng con lai khó dạy, ưa phản, trước sau gì mầy cũng về với giòng giống nó. Câu nói nghe hoài tới nhàm lỗ tai. Chính ổng bả dạy chứ ai vô đó? Đồ mắt mèo, tóc râu bắp, mũi nhọn đâu phải người Việt Nam! Đồ con hoang. Đồ con rơi con rớt. Hà rằm. Đủ thứ, đâu có thiếu tiếng nào xấu hơn, chia rẽ hơn đâu? Hồi nhỏ bả nhịp nhịp lên mông mấy cây chổi lông gà, bả kể tội sang đàng từ đời ông cố Hỹ cố Lai nào đâu, để quứt thiếu điều nát đít người ta rồi.

Nó thấy không cần phải tạo thêm khoảng cách:

- Dạ tui thấy mình cũng là Việt Nam chứ có nghĩ mình Mỹ miếc gì đâu, chỉ tại người tui nó vậy. Chứ tui cũng nói tiếng Việt, cũng ăn tất cả mọi thứ người khác ăn. Cũng mê cải lương, cũng thích vọng cổ… Nó muốn nói thêm cũng biết kính trên nhường dưới nhưng nó thấy khựng lại nên thôi.

- Tại họ không chấp nhận tui chứ bộ… Ở đây từ nhỏ mà họ ghét, họ đuổi; qua bên kia chỉ giống người ta cái bản mặt không, tất cả mọi thứ đều khác, đó mới là cái khổ.

Dì Năm Chằn được dịp kể công:

- Bởi vậy, hồi nảy tao mới nói có tin mầy được đi mà tao coi như tin buồn. Còn nữa. Mầy đi rồi, chắc là kể như chia tay luôn. Tao đâu có qua bển được. Mầy cũng đâu có về!

Nói xong, dì thấy mủi lòng. Mùi lòng thiệt. Dầu sao nó cũng cháu mình. Ghét thì ghét thiệt, nhưng cật ruột, máu mủ. Dì muốn làm một cử chỉ thân mật như nắm tay nó nhưng tâhý không tiện. Khoảng cách ghét giận, tức tối, tự ái và mặc cảm ngăn dì lại. Mấy giọt nước mắt muốn trào ra dì cũng gượng cười và chớp chớp mắt để giữ lại. Những giọt nước mắt tình thương ruột thịt xúc động chân tình đã bị giết trong trứng nước nhường chỗ cho con người thực tế.

- Còn có mấy ngày nữa. Qua bển tam tứ thứ thập vật không thiếu thứ gì hết. Lại có má mầy nữa. Đồ đạc mầy ở đây liệu sao đó thì nói cho tao biết. Thằng Ngọ làm em mầy. Tao với dượng mầy không có công sanh cũng có công dưỡng từ trước tới giờ. Tụi tao cũng nghèo!!!

Tiếng chưởi nhau đằng trước của mấy người bạn hàng bán ế còn ngồi nán giội vào sau câu nói như một nhắc nhở nó về sự chân thật của tình đời. Nó ngó ông dượng. Đàn ông dầu sao cũng có điểm khác đàn bà. Môi miếng chắc chắn là ít rồi. Mắt người đàn ông chớp chớp. Nó nghe tiếng thở dài như biểu lộ sự thẹn thùng, sự không đồng ý về câu nói của vợ nhưng đành làm thinh. Người dượng thay đổi thế ngồi. Ngoài kia tiếng cải cọ mỗi lúc một lớn. Tiếng đàn bà giong Nam chen lẫn với tiếng đàn ông giọng cừng đơ của bộ đội Bắc Việt. Chợ búa chuyện nầy hà rằm, cơm bữa. Thấy thì thấy vậy nhưng không gợi được trí tò mò của nó. Còn phải đối phó với ổng bả đây. Tội nghiệp thì có nhưng còn mười ngày nữa mới đi. Đâu có gì chắc một trăm phần trăm đâu? Mấy thằng bạn cũng con lai, cầm tâm giấy máy bay, xét đồ đạc rồi, chắc như bắp mà cón bị lôi cổ xuống, huống hồ gì cầm tấm giấy lộn báo tin?

Nó câu giờ:

- Dầu sao dì dượng cũng nuôi tui từ nhỏ tới giờ. Đề phòng có chuyện gì tụi nó làm ẩu, từ giờ đây cái dàn máy stéréo là của dì dượng, hai cái đồng hồ tui bỏ trong học tủ quần áo nữa, dì dượng có quyền bán lấy tiền. Để mai tui rảnh, tui lựa ra một mớ quần áo để thay đổi từ bây giờ tới đó.

Người đàn bà giọng săn sóc:

- Còn mấy ngày nữa, để cho chắc ăn, mầy đừng đi đâu chơi. Lỡ có chuyện gì xảy ra. Thôi nằm nhà đi mầy. Đưa chìa khóa xe Honda với giấy tời cho tao giữ cho chắc ăn. Mầy bạn bè rần-rần-rộ-rộ tao không yên bụng chút nào hết.

Mẹ! Khổ rồi. Bả nói vậy trả lời sao bây giờ? Chắc phải biểu thằng Tư-nắm-vố chở lên Biên Hòa nằm chắc. Nằm ở đây cả tuần thà chết còn sướng hơn. Buồn tán mạng mà đâu làm ăn gì được.

Nó thò tay vào túi chạm cọc tiền còn lại. Mẹ! Còn mấy ngày nữa phải gở chứ. Qua bển biết chuyện gì xảy ra. Đưa cho ổng bả hết cũng vậy thôi.

Thằng Ngọ ở đâu dưới nhà dưới chạy a-thần-phù tới ôm chân nó, mếu máo.

- Anh Mỹ! Em đi với! Em muốn qua Mỹ với anh, ở với Dì Hai! Em đi với anh Mỹ!

Nó cảm động thiệt tình, tim như bị xối một thùng nước lạnh băng. Sợi dây thân tình qua câu nói dễ thương và cử chỉ của thằng nhỏ cột chặc hai người lại hơn. Nó kiên nhẫn dỗ dành:

- Anh chưa đi đâu! Còn cả tuần nữa. Chút nữa hai đứa mình lội bộ ra đầu đường ăn một bụng cháo gà rồi tính gì thì tính.

Thằng Ngọ nghe ăn, cơn buồn giảm ngay, đứng xớ rớ chờ.

Nó móc chùm chìa khóa và thẻ xe trao cho cho người dượng.

- Dượng giữ giùm, tui sẽ ở nhà mấy bữa. Dượng cần đi đâu cứ lấy đi. Chừng nào tới đó rồi tính. Bán hay giữ cũng được.

Nó bỏ đi vô phía nhà sau. Người đàn bà nói vói theo:

Tụi tao giữ cho mầy, chừng nào bán được tao gởi tiền qua bển cho.

Nó xối nước vô một cái chậu sửa soạn rửa mặt. Tiếng nước ồn ào làm nhẹ đi tiếng ồn ào, cải cọ ngoài kia nảy giờ đương có cơ trở thành một trận ấu đả.

 

4. Tấm màn cửa che tạm phòng tắm được hé mở, thằng Mỹ ló ra ngoài nghe ngóng khi trong nầy tiếng dượng nó kể với vợ:

- Bốn cái thằng bộ đội hậu cần bữa hổm mua bắp cải của mình mà lựa tới lựa lui đó đương vây đánh vợ chồng thằng Hai-ốm. Tội nghiệp không ai dám can hết.

- Còn công an phường đâu không can thiệp?

- Ối! Tụi nó giỏi làm tàng với dân chứ với tụi bộ đội tụi nó xui cò.

Thằng Mỹ thụt đầu vô, xối thêm mấy lon nước nữa, lau mình mẫy rồi bước ra. Nó thẳng tới bàn ăn. Ông dượng đương ngồi sẵn nhăm nhi ly đế.

Kệ mẹ chuyện thiên hạ. Nó ngồi xuống đối diện với người đàn ông mà nhiều khi nó cảm thấy thương hại. Đàn ông gì mà tệ quá, yếu xìu, sợ vợ còn hơn mấy ông già râu quặp ngày xưa. Đời bây giờ trai thiếu gái thừa. Con gái đàn bà lểnh nghểnh, lềnh khềnh như muỗi Cà Mau, quơ tay chụp một cái cũng được  năm sáu đứa.

Nó cười cầu tài:

- Rượu cây lý coi vậy mà tới phải không dượng?

Người đàn ông chưa kịp trả lời thì ào ào như nước đổ hai vợ chồng Hai-ốm chạy vô nhà nó tìm chỗ trốn kéo theo sau mấy thằng bộ đội hùm hổ. Những câu chửi tục tằn nó không nghe thấy, chỉ nghe được mấy tiếng “la làng” của người bàng quan ngoài kia.

- Tụi bộ đội ăn hiếp Việt Nam mình kìa! Bà con ơi! Tụi nó ăn hiếp Việt Nam. Tụi nó ăn hiếp Việt Nam!!!

Mấy tiếng Việt Nam lập đi lập lại lùng bùng bên tai nó như kèn thúc quân, như lửa nóng đốt sôi những tình cảm từ lâu băng giá, như mở ra cánh cổng ngăn nó với người chung quanh. Nó chụp con dao chỗ dàn bếp phóng mau ra ngoài.

Tiếng dì dượng nó khóc lóc, cản ngăn không lọt vào tai. Trước mặt chỉ có quân thù đang ăn hiếp đồng bào, trước mặt chỉ có tình thương của những người cùng chung số phận. Bên tai chỉ có tiếng kêu than của những khuôn mặt gần gũi với chung cảm nghĩ. Chỉ có tiếng thì thầm với sức thúc đẩy từ ruột gan ra, tiếng gọi nằm tiềm phục trong đầu óc nó từ ngày mới mở mắt chào đời qua những điệu ru, câu hát, giọng nói, tiếng cười…

Nó quơ một dao, hai dao, ba dao. Có máu đổ, có tiếng la hét. Nó mơ hồ tiếp nhận được tiếng kèn thúc quân, tiếng khóc tấm tức và mấy tiếng Việt Nam. Việt Nam.

Tờ giấy báo lên đường về quê cha tự do của nó rớt xuống đất che ơ hờ một vũng máu, những bước chân quỳnh quỵch bước lên, xéo rách…

San Antonio, Tx. April – Oct. 86

Ghi chú:

Tất cả những tiếng lóng, câu thơ, bài ca trong truyện đều đang lưu hành ở V. N. do dân chúng sản xuất để đối đầu với hoàn cảnh.