Báo-chí sinh viên miền Nam trước 1975

Nguyễn Vy Khanh

Nghiên cứu về nền văn-học miền Nam giai đoạn 1954-1975 không thể bỏ qua “mảng” báo-chí sinh viên từ các phân khoa đại-học công cũng như tư (cũng như các đặc san của học sinh trung học thường do học sinh đệ nhị cấp đảm trách và bài vở), vì các ấn phẩm này mang những nét đặc-biệt của thanh niên thiếu nữ của một thời đại nhiều biến động, từ ngay sau Hiệp định chia đôi đất nước 20-7-1954, biến thiên theo thời sự chính-trị, xã-hội sôi động cho đến biến cố 30-4-1975, và từ địa đầu miền đất Thần-kinh cho đến vùng đồng bằng sông Cửu-long. Về hình-thức, báo-chí sinh viên xuất hiện dưới hình thức in ấn với giấy phép của chính quyền cũng như dưới dạng “văn-chương xám” in roneo và phát hành bán chính thức cũng như ngoài vòng cương tỏa của luật pháp.

Ngay khi làn sóng di-cư từ miền Bắc và Bắc Trung-Việt vào bên này vĩ-tuyến XVII, đã xuất hiện những tờ báo của thành phần sinh viên di cư, như Lửa Việt là đặc san của Hội Sinh viên Đại học Hà-Nội vừa định cư ở miền Nam (tập trung ở các trại di cư vùng Sài-Gòn) do Trần Thanh Hiệp làm chủ-nhiệm, Nguyễn Sỹ Tế chủ-bút – nhóm chủ trương còn có Thanh Tâm Tuyền và cộng tác có Doãn Quốc Sỹ, Lữ Hồ, …; báo chỉ ra được vài số trong năm 1954 và ngưng xuất-bản đầu năm 1955 với số Xuân “Chuyển hướng”. Tinh thần “sinh viên” này được tiếp nối ngay sau đó với Người Việt, một tuần báo văn-nghệ xưng là “diễn đàn tiền phong đấu tranh văn-hóa”, Doãn Quốc Sỹ làm chủ-nhiệm/trưởng nhóm, Thanh Tâm Tuyền thư-ký tòa-soạn cũng sống không thọ, ra bộ mới và đình bản vào cuối năm 1955 với số 4 đặc biệt chủ đề Sáng Tạo [trong số các bài có thơ Còn Sáng Tạo, Ta Hãy Còn Sáng Tạo của Quách Thoại]; gồm những cây bút chính là: Thanh Tâm Tuyền, Trần Thanh Hiệp, Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Sỹ Tế, Quách Thoại và Mai Thảo bên cạnh Trần Việt Hoài, Trọng Lang, Nguyễn Đức Quỳnh, v.v. và ngoài ra còn là nơi xuất hiện lần đầu tiên thơ văn của Mai Thảo, Nguyên Sa, Quách Thoại, v.v. Có thể nói tạp-chí Sáng Tạo của Mai Thảo được hình thành sau đó đã bước đi từ hai tờ báo sinh viên Lửa Việt Người Việt này. Mặt khác, tạp chí Văn-Học do Phan Kim-Thịnh sáng lập kiêm chủ nhiệm và chủ-bút Dương Thứ-Lang (Dương Kiền) mà số đầu tiên ra ngày 1-11-1962, cũng bắt nguồn từ phong trào sinh viên – những sinh viên di cư cuối hoặc đợt cuối tốt nghiệp, cùng thế hệ sinh viên từ miền Trung vào thủ đô Sài-Gòn.

Cho đến khi chế độ đệ nhất Cộng hòa bị lật đổ bởi cuộc đảo chánh 1-11-1963, báo-chí sinh viên mới thực sự bùng phát và/hoặc gây hương sắc “sinh viên” thời đại ngoài xã-hội nhiễu nhương nhưng sinh viên đầy lý tưởng muốn bộc lộ, thi thố. Báo-chí sinh viên nổi tiếng ở thủ đô Sài-Gòn có tờ Tình Thương của sinh viên Đại học Y khoa Sài-Gòn, “cơ quan tranh đấu văn-hóa xã-hội của sinh viên Y Khoa”, số ra mắt tháng 6-1964 và số cuối năm 1967 (sau số 29, 1966). Báo có giấy phép và được in ở nhà in Trường Sơn nhờ quảng cáo của các dược-phòng và viện bào chế, và báo cũng bán phổ cập ra cả các tiệm sách và quầy báo. Theo nhà văn Trang Châu thì báo bị Tổng trưởng Thông Tin rút giấy phép (Tập san Y Sĩ (Montréal) số 184, 1-2010, tr. 97) và theo Ngô Thế Vinh tổng thư ký từ số 9 (1964), thì báo đình bản khoảng tháng 8-1967 (TSYS đã dẫn, tr. 47). Chủ nhiệm Phạm Đình Vy, chủ bút Nguyễn Vĩnh Đức, tổng thư ký Trần Xuân Dũng, Tình Thương nổi tiếng vì xuất hiện vào thời miền Nam đầy những biến động và cũng đã là đất nẩy mầm một số tài năng văn-nghệ trẻ như Ngô Thế Vinh (vừa xuất-bản Mây Bão cuối năm 1963), Trang Châu (thơ và những chương đầu của Y Sĩ Tiền Tuyến, Trần Mộng Lâm (truyện ngắn), Đỗ Nghê (Đỗ Hồng Ngọc), … với sự cộng tác của các giáo-sư và văn-nghệ sĩ bên ngoài. Cổ động cho một quan niệm Y khoa “nhân bản” cũng như phân định lập trường trước tình hình đất nước – báo có tiếng nói của cả hai khuynh-hướng: một nghiêng về các phong trào tranh đấu nóng bỏng lúc bấy giờ và khuynh-hướng chuyên môn của khoa ngành, học để giúp đời! Báo có những mục phiếm luận, tin tức sinh hoạt, biên-khảo, nghị luận, phỏng vấn, dịch-thuật, thơ và truyện ngắn,… Đặc-biệt Tình Thương đã đăng “Nuôi Sẹo”, tiểu-thuyết di-cảo của nhà văn vắn số Triều Sơn – sau đó tạp-chí Văn (số 34, 15-5-1965) có đăng lại một chương trong số đặc-biệt “Truy niệm Triều Sơn”. Và còn phát hành những Tình Thương Phụ Bản (như số 2, 11-1964, yểm trợ cho Phong trào Cứu lụt miền Trung), v.v. Một số cây viết như Đặng Vũ Vương cổ động cho một ngành y khoa “nhân bản” nhắm “làm nhẹ bớt khi không trị khỏi được, và an ủi khi không thể trị khỏi hoặc làm nhẹ bớt đi được” với tin tưởng rằng “người y sĩ sẽ chiếm một địa vị một ngày một quan-trọng trong xã-hội mới” đưa đến kết luận “Nhân cách của người y sĩ vượt khỏi chức vụ chuyên môn của người thầy thuốc để còn bao trùm tất cả các kiến thức khoa học lẫn cái tiềm thể văn-hóa (potential culturel) tạo nên hình bóng muôn thuở của ‘người áo trắng’ qua dòng lịch-sử và, giữa những biến cố đảo điên của loài người, tượng trưng cho hình ảnh tươi đẹp của một nghệ sĩ luôn luôn đi sát với thân phận con người để hứng lấy trách nhiệm nhân bản của một trí thức gia đã hấp thụ tinh thần đại học” (“Sự xúc tiến ngành y học”. Tình Thương, số 9, 9-1964; trích từ TSYS đã dẫn, tr. 122, 123 &124). Tình Thương đã thực sự là tiếng nói trí thức của sinh viên miền Nam không thân chính quyền và cũng không thiên Cộng – mà còn chặn đứng được những mưu toan chi phối, uy hiếp của những thành phần tay sai của Việt-cộng!

Đất Sống của đại học Dược khoa, chú tâm phần sinh hoạt của phân khoa và công tác của sinh viên bên cạnh thơ văn trăn trở về thời thế và đất nước, do Bùi Khiết sáng lập và chủ-bút. Cũng như tờ Tình Thương, Đất Sống in ở nhà in Trường Sơn của nhà văn Nguyễn Thị Vinh.

Đại học Văn khoa có tờ Đại Học Văn Khoa (1960 – 1968 ?), tờ Văn Khoa xuất-bản những năm 1967-1974 (?) với bài vở của giáo-sư và sinh viên, tờ Đối Thoại số ra mắt ngày 15-6-1966. Sau đó có tờ Đất Sống số 1 (Xuân 1970),… Ban ngành cũng có đặc san, tập san như Nghiên Cứu Triết Học (số 1, 1971) của ban Triết,…

Tờ Văn Khoa trong số Xuân 1963 có bài “Thoát nhìn tiểu-thuyết Việt-Nam”, ‘sinh viên’ Nguyễn Thu (62) nhận định khá khắt khe: “Tóm lại thoát nhìn tổng quát tiểu-thuyết Việt-Nam năm nay ta thấy thật tình không được vừa ý, tác-giả viết theo kỹ thuật cổ, tư tưởng cổ và những suy nghĩ quá đơn giản. Người đọc chỉ gặp những sự kiện dễ dãi để chấp nhận chớ không bắt gặp những gì có thể làm thỏa mãn đầu óc muốn làm việc của họ. Người đọc cũng không thấy nhiều ở đây những tiểu-thuyết đọc lại nhiều lần. Những tiểu-thuyết có thể là món ăn một đời mà chỉ có những món ăn một buổi, một lần. Muốn bổ khuyết điều này, ta có thể viện đến Thành cát Tư Hản của Vũ Khắc Khoan, nhưng đây lại là một vở kịch và chúng ta đương bàn về tiểu-thuyết” (tr. 90).

Đối Thoại có số Xuân 1967 đặc biệt “Nhìn lại 12 năm phân ly”, ban chủ-biên đã tường tình lại cuộc thảo luận với 3 câu hỏi về chiến-tranh quê-hương hỏi các thức giả, giáo-sư, tìm hiểu “1-nguyên nhân của sự phân ly; 2-hậu quả của sự phân ly; và 3-cuộc chiến hiện tại có giải quyết được sự phân ly không?”. Cuộc thảo luận không thu hút được nhiều người, chỉ vài nhà báo, văn nghệ sĩ và ban chủ trương tờ báo, như họ cho biết: “đã thất bại cũng như đã thất vọng” cho quyết định khó khăn đó: “Khó khăn trước hết chính là sự ấu trĩ của chúng tôi trước một vấn-đề to rộng là thế. Đã mười hai năm qua rồi. Mười hai năm, bà mẹ già Việt-Nam tính nhẩm ngón tay: Vừa tròn một giáp. Mười hai năm, chúng tôi những kẻ trên 20 và chưa quá 25, từ những cậu bé con tiểu học nay đã trở thành lớn khôn đủ để thấy mình phải mang trên vai một trách vụ quá nặng nề. Mười hai năm, bạn bè chúng tôi cũng vì trách vụ đó, nhiều đứa đã chết đi, nhiều đứa còn đang gian khổ nơi núi cao, rừng thẳm. Mười hai năm, những đứa còn lại như chúng tôi đang tìm đến nhau để nhìn lại mười hai năm, tuổi trẻ nghẹn ngào, mười hai năm đất nước cắt chia. Tuổi trẻ chúng tôi đã phải gánh chịu tất cả mọi hậu quả của sự cách chia đó, mà về nguyên nhân thì chúng tôi chỉ được nghe, được đọc lại. Khiếm khuyết là như vậy, sao không cảm thấy khó khăn. Chưa kể đến những vấn-đề nan giải khác, như những điều chúng tôi thực hiện liệu có được gửi đến quý bạn không, những điều chúng tôi tìm hiểu, thăm dò liệu có được đáp lại bằng cảm thông cởi mở…” (tr. 72). Trong số tham dự hội thảo, nhà văn Nguyễn Mạnh Côn đã nói với sinh viên “Hiện tại như chứng tỏ rằng Đông phương cũng như Tây phương đều đã sai. Trung Cộng có thể coi như Cao nhất bên Đông cũng không làm được gì. Mỹ cũng không làm được gì. Nhưng tại sao tôi lại nói đến các Anh? Xã-hội chúng ta đang ở trong tình trạng phân hóa cao nhất. Nhưng phân hóa đến cực độ thì có thể tổng hợp. Không do người này thì do người khác. Các anh đừng để cho những tư tưởng có sẵn chi phối mình, đừng làm học trò, vị họ đã sai. Phải cố làm cái mới. Ít tuổi phải tìm, phải hiểu cái cũ để làm cái Mới, nhưng đừng chịu nó, và các anh cũng đã tỏ ra không chịu, nên mới có buổi nói chuyện hôm nay. Phải làm một cuộc cách-mạng xây dựng một xã-hội mới. Vấn-đề phân ly không quan-trọng đâu. Với phương tiện giao thông, với những tiến bộ về mọi mặt, ranh giới sẽ phải xóa bỏ. Đã đến lúc phải tìm hiểu lại mọi giá trị cũ, để tìm ra những cái mới. Hãy mở tâm hồn, bỏ những thói quen, bỏ tính nghe thiên hạ đồn đại, bỏ mọi thành kiến. Cần nhất phải nhìn cho rõ, thấy cho tận. Nó sẽ hình thành một tâm hồn tự do” (tr. 83). Trong số đã gởi tham-luận có luật sư Trần Thanh Hiệp: một cuộc phân ly đã thực sự xảy ra trên mười năm với sự đối diện của hai ý thức hệ cộng-sản và tự do, một cuộc phân ly như thế không thể chấm dứt bằng chiến-tranh không thôi. Mà còn phải có sự tác động lâu dài của văn-hóa. Vì khi mà mầm mống sự phân ly còn nằm trong tâm hồn mỗi người thì không thể nói đã giải quyết được sự phân ly” (tr. 99). Nhà văn Võ Phiến cũng góp tham luận cho rằng: “Càng lâu hậu quả của cuộc phân ly Nam Bắc càng thêm tai hại và trầm trọng. Chỉ nghĩ đến 12 năm qua thôi, chắc chắn đã nhiều lắm (…) Sinh viên Văn Khoa ở Bắc và Nam trên văn thể may ra chỉ gặp nhau đến Nhất Linh, Khái Hưng v.v. đến đó là hết. Những thơ những truyện ra đời sau đó ở miền Nam thì ngoài Bắc không đọc được, ra đời ở miền Bắc thì trong Nam không đọc được. Đôi bên chia tay nhau ở một ngã ba cách đây đã xa lắc xa lơ. Nhất Linh, Khái Hưng thuộc về văn-học sử, chứ dính líu gì đến cuộc sống hiện-tại của chúng ta rất ít. Cả một lớp thanh niên không trao đổi được văn thơ cho nhau, không theo dõi được cảm nghĩ của nhau, không hay biết gì tới cuộc sống tinh thần của nhau (…) Tình trạng qua phân càng kéo dài chùng nào chúng ta càng mất lần các mối dây liên lạc tinh thần, tình cảm chừng ấy càng khó thông cảm nhau (…) Sài-Gòn và Hà-Nội không nhích gần thêm được chút nào. Trái lại, khioảng cách tinh thần càng ngày càng rộng thêm!” (tr. 101-2).

Tập san Sử Địa là một “tập san học thuật, khảo cứu giáo khoa do một nhóm giáo-sư, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Sài-Gòn chủ trương” phát hành mỗi 3 tháng, Nguyễn Nhã đứng tên chủ-nhiệm và Phạm Thị Hồng Liên quản lý, và với sự bảo trợ của ông Nguyễn Hùng Trương chủ nhà sách Khai Trí. Tập San Sử Địa ra được cả thảy 29 số, số 1 ra ngày 27-2-1966 và đình bản năm 1975. Ban chủ biên tập san có sự tham gia của giáo sư, sử gia và chuyên gia cũng như các nhà văn-hóa khác. Tập san Sử Địa xuất phát từ Tin Sử Địa, nội san của “Nhóm Sử Địa Đại học Sư Phạm Sài Gòn”. Tin Sử Địa sau trở thành Nội San Sử Địa mà số 4 (1969) với nội-dung có các bài Thực chất và huyền thoại của nhóm trí thức Cấp tiến, Sách lược Nguyễn Văn Trung,… đã đưa đến khủng hoảng ở Đại học Văn Khoa (bị sinh viên nhục mạ trên Nội san này, GS Nguyễn Văn Trung từ chức Khoa trưởng, Lê Trung Nhiên từ chức Phó khoa trưởng và các giáo-sư Lâm Thanh Liêm, Bùi Xuân Bào (TB Ban Pháp Văn), Thanh Lãng (TB Ban Việt Văn), Nguyễn Thế Anh (TB Ban Sử Địa) và Nguyễn Duy Cần (TB Ban Triết Đông) đồng loạt từ chức. Nguyên Sa cũng từ chức giảng viên của Đại học Văn khoa. Viện trưởng Đại học Sài-Gòn đã phải can thiệp và giải quyết sau đó).

Đại học Sư phạm Sài-Gòn có những Giai phẩm Mùa Xuân Tiếng Nói Sư Phạm (1966). Sinh viên Đại học Đà Lạt có tờ Diễn Đàn Sinh Viên (1965-1967?). Sinh viên Vạn Hạnh có Hướng Đi (số 1, tháng 8-1970), v.v.

Thời này không thể không nói đến những tờ báo sinh viên in ronéo và/hoặc không giấy phép của Bộ Thông tin. Các Tổng Hội Sinh viên Sài-Gòn và Huế tùy nhiệm kỳ và có tranh đấu hay không, cũng xuất-bản báo-chí phần lớn in ronéo và có tính nội bộ, cả còn xuất-bản sách, như Phác họa dự án cải tổ Đại-Học Văn Khoa (Sài-Gòn, 1967. 71 tr.), hay tuyển tập Thơ Văn-Khoa của nhà xuất-bản Sinh Viên do Đi Tới ấn hành năm 1970, ...Tờ Sinh Viên chẳng hạn, trong số 6 (10-1967) đã tỏ ra công khai thân Cộng khi đăng bài của Nguyễn Trọng Văn nhưng ký Nguyễn Văn Bảy “Phê bình quan điểm cách-mạng xã-hội của hai ông Nguyễn Văn Trung và Lý Chánh Trung” (tr. 14-39). Bài đăng xong thì Uỷ viên Báo-chí Tổng hội Sinh viên Sài-Gòn Trần Triệu Luật “thoát ly” vào bưng và báo bị tịch thu, đưa đến việc chủ-bút và 1 Chánh sự vụ (Võ Phiến) Bộ Thông tin bị tống giam vì đã cấp giấy phép xuất-bản (chủ-bút bị án 5 năm tù ở). [Đừng lầm với tờ trùng tên Sinh Viên, “tiếng nói của sinh viên liên viện” của “Hiệp hội báo-chí sinh viên miền Nam” (số 1, 28-3-1972) do Việt-cộng lèo lái – cùng trường hợp với những tờ Tiếng gọi học sinh, Sinh viên Sài Gòn,…]. THSV Sài-Gòn sau ra bộ mới số 1 năm 1968 sống đến 1972. THSV Huế cũng có báo cùng tên Sinh Viên (số 1, 11-1964), v.v. THSV Vạn Hạnh sanh sau, số 1 ra tháng 8-1971).

Sinh viên Công giáo có các tờ Thông Cảm (1957-59, rồi 1961-1963), Tổng Liên đoàn sinh viên Công-giáo Việt-Nam có tờ Hiện Diện (số 1, 7-1970), Đắc Lộ của một nhóm sinh viên thuộc Trung tâm cùng tên. Sinh viên Phật tử có tờ Tin Tưởng năm 1968.

Các nhóm, hội ái hữu hoặc cựu sinh viên cũng có truyền thống ra tạp-chí, đặc san, như tuyển tập Văn Khoa – phụ đề “khảo cứu-phê-bình-dịch thuật” của “một nhóm giáo chức các Đại Học Văn Khoa Việt-Nam” xuất-bản mà số Đinh tập 1975 chủ đề “Kỷ niệm 25 năm thành lập Đại học Văn khoa Việt-Nam” do Sơn Hồng Đức chủ-nhiệm, Đặng Phùng Quân, Nguyễn Thiên Thụ và (Lạp Chúc) Nguyễn Huy phụ trách tòa soạn và bài vở, v.v. Như Hoài Bảo của Hội Cựu Sinh viên Quốc-gia Hành Chánh số 1 ra ngày 4-4-1966 và hình như sống đến năm 1971,…

Người viết một thời đã qua gần 50 năm cũng từng tham gia hoặc cộng tác với một số báo-chí phân khoa và “văn-chương xám”, nay vì không thể tham khảo các báo-chí sinh viên thời bấy giờ nên trong bài viết chúng tôi có thể có những sai lầm không thể phân biệt về một số báo-chí của sinh viên và của các viện hay phân khoa đại học với mục-đích giáo dục, văn-hóa, học thuật,… Những tạp-chí như Đại Học, Tư Tưởng, Vạn Hạnh, v.v. đã hiển nhiên thuộc loại sau, đó là lý do chúng tôi không đề cập đến trong bài.

Từ sau đảo chánh 1-11–1963 đến năm 1968 đã là một thời hỗn loạn chính-trị, báo-chí trăm hoa đua nở với nhiều hiện-tượng đặc biệt (tôn giáo rõ nét nhưng chia rẽ, lãnh tụ nhiều và con rối, nhà báo mới muốn dựng sự nghiệp, đòi hỏi, … Một số báo-chí do chính quyền và các thế lực chính-trị, tôn giáo tài trợ hoặc chủ động điều khiển. Báo-chí và sinh hoạt văn-nghệ bắt đầu bị ảnh-hưởng thương mại, thời thượng (phim ảnh, truyện chưởng Kim Dung, truyện Quỳnh Dao, Lý Tiểu Long, v.v.). Báo-chí sinh viên cũng bị cuốn theo cơn bão thời thế và lòng người. Từ 1968 đến biến cố 30-4-1975, miền Nam chuẩn bị kết thúc một cuộc chiến-tranh quốc-cộng, báo-chí càng nhập cuộc. Nằm vùng, tay sai, trí thức thiên tả (MTGPMN, Hội này nọ, Tổng hội sinh viên, …) khuấy động môi trường báo-chí cùng lúc các nhà văn hóa, văn-nghệ tự xưng hoặc được gọi là ‘phản chiến’, ‘lương tâm’ một chiều liên tục ra mắt, ra báo, lên tiếng. Sinh viên, giáo-sư và tổng trưởng Giáo dục bị ám sát, thương tật, số khác trở thành yếu nhân quốc-gia và cả Cộng-sản. Hơn bốn, năm thập niên sau nhìn lại, niềm kiêu hãnh nếu có thiển nghĩ đã không thể xóa được thương tật thể-chất cũng như trí thức nơi con người Việt-Nam!