Nhà thơ Trần Tuấn Kiệt

Bút hiệu Sa Giang (và Việt Thần), ông sinh ngày 1-6-1939 tại Sa-Đéc và mất ngày 8-10-2019 tại Sài Gòn. Từng sinh hoạt trong Thi đoàn Tam Giang với Hàn Giang Dương Thành Long và Giang Châu cuối thập niên 1950. Năm 1971, Trần Tuấn Kiệt đoạt giải nhất về thơ, giải Văn chương Toàn quốc với tập thơ Lời Gởi Cây Bông Vải (Quán Thơ, 1969). Từ 1963, Trần Tuấn Kiệt đã xuất bản các tập thơ: Thơ Trần Tuấn Kiệt (Sa Giang, 1963), Nai (Sa Giang,1964), Bài Ca Thế Giới (Huyền, 1964), Cổng Gió (1965), Triền Miên Ngâm Khúc, Cỏ Nội, Mê Cung, Màu Kỷ Niệm, Niềm Hoan Lạc (“thần linh và ngục tù”, Hồng Lĩnh, 1972), Em Còn Hái Trái (Hồng Lĩnh, 1970). Về truyện có các tác phẩm: Sa Mạc Lan Dần (truyện dài, Hồng Lĩnh, 1966), Tiếng Đồng Nội (Nguyễn Đình Vượng, 1967), Tuổi Xuân Còn Đó (‘tiểu-thuyết tình cảm’, Trung Thành, 1967), Cầu Hôn (Hồng Lĩnh, 1969). Và 2 tập khảo luận, hợp tuyển văn thơ: Thi Ca Việt Nam Hiện Đại 1880-1965 (2 tập, Khai Trí, tb 1968, 1150 tr.), Tác Giả Tác Phẩm Tiêu Biểu Nền Văn Học Nghệ Thuật Thời Chiến Tranh: đời sống và tác phẩm các văn nghệ sĩ Việt nam (TGXB, 1973. 222 tr.) - Tập sau nhiều bút ký, ít nhận định về một số tác-giả thơ văn thời 1954-1973 như Lê Văn Trương, Bùi Giáng, Hồ Hữu Tường, Phạm Công Thiện, Nguyễn Nghiệp Nhượng, Cao Thế Dung, Duyên Anh, Chinh Yên, Nguyễn Thụy Long, Nguyên Sa và vài tác-giả tiền chiến khác.

Trước năm 1975, Trần Tuấn Kiệt lập nhà xuất bản Hồng Lĩnh và cộng tác với báo, tạp chí xuất bản ở miền Nam như Sinh Lực, Văn Hóa Ngày Nay, Vui Sống, Phổ Thông, Nghệ Thuật,... Vì mưu sinh, Trần Tuấn Kiệt còn viết sách võ thuật, truyện thần thoại (với các bút danh: Việt Thần, Việt Long, Duy Thức...).

Sa Giang Trần Tuấn Kiệt đã có những nỗ lực làm mới thơ lục bát:

“Bình thường mộng đó hồ vơi
Lá thưa cây ngủ chiều phơi bóng vàng
Giật mình gió bão tây phương
Đầm đìa mạch đất máu xương trổ hồng
Quả tròn trái rụng vườn không
Người đi qua ngõ tay bồng tay mang
(...) Tiếng sầu gởi với tây phương
Với sa mạc thổi nghe buồn thiên nhiên”
(Chung Cuộc)

“Em còn hái trái bên cây
Vết son mùa để dấu hài đầu tiên
Loi choi bước nhẩy loài chim
Gió tan mây tụ đảo điên vườn người
Em còn hái nữa hay thôi
Vết tay chín móng đã mười thương yêu”
(Em Còn Hái Trái)

Ngoài khía cạnh sáng tạo, làm mới cái cũ, cái đã quen, thơ ông còn là những hình ảnh phần đất quê hương của ông:

“Con chim cu ngói / Về hót một lần
Bên bờ Cửu Long / Một người thôn nữ
Gieo mạ bên đồng / Bên bờ Cửu Long
Những làn sóng biếc / Thao thiết muôn trùng
Bên bờ Cửu Long”
(Bờ Cửu Long)

“Ngày Về” đất Sa Giang của nhà thơ, viết tặng Phương Triều:

“Lòng ta vì quá đổi nhớ thương
Cành hoa bụp cũ khóc bên đường
Bến khuya Sa Đéc trăng mười sáu
Mấy độ chìm theo sóng lớp lang
Hỡi người con gái bến Tân Qui
Nàng hát ta nghe tiếng hát gì
Tóc xõa bốn trời trăng gió tụ
Mây vờn âm điệu nét phương phi
Hát nữa nàng ôi não bốn trời
Cành hoa bụp cũ bến kia rơi
Quê hương khúc hát chừng đưa lại
Lớp sóng trường giang lạnh đến trời”.

Đặc điểm thứ nhì của Trần Tuấn Kiệt là Nai tính trong thơ. Trong tập thơ Nai do Sa Giang xuất bản năm 1964, Trần Tuấn Kiệt đã có đến 15 bài thơ về nai:

“...Nai xưa hiện bóng sương mù
Đỉnh ưu phiền để gót sầu chon von
Chia xa mấy dặm núi non
Ngóng tai thương với bãi còn lá bay...”
(Nai)

Nỗi niềm của nai khi xa rừng:

“...Nai cao cổ vọng xa ngàn
Gục đầu thét giọng muôn vàn khổ đau
Con đường lên đỉnh thiên thâu
Em ôi đi mãi bỏ sầu dưới khe...”
(Nai Xa Rừng)

Thật tội nghiệp chú nai bé nhỏ trong rừng tàn thu mộng ngủ trong sương đêm:

“...Gót nai đi giữa thu tàn
Sầu tơi tả rụng muôn vàn lông non
Đất buồn rỗ mặt héo hon
Ngàn năm xe cộ bon bon về đường
Nai còn ngủ mộng trong sương
Rừng xanh đất đỏ ngắn hồn mãi sao”
(Nai Ngủ)

Chiến tranh: chết chóc, ly tán, đau thương. Giã từ cuộc sống, hồn nai rưng rưng khóc rừng thẳm:

“...Vòm thiên thâu loạn sắc màu
Con nai bỗng để lệ trào ướt mi
Rừng thâm u dấu vẽ gì
Hồn đơn chiếc nẻo biên thùy không trăng”
(Nai Khóc)

“… Bóng nai dựng với vách thành đá cao”
(Bóng Nai)

Đi qua bể dâu cuộc đời, nai mang nỗi niềm viễn vọng phương xa với giấc mơ mùa xuân rợp trời chim én, ngàn hoa. Nhưng, tất cả chỉ còn là tiếng thở dài mang nỗi buồn vạn cổ:

“...Sầu xuân viễn tượng cây ngàn
Thác triền miên dội đùa phăng oán cừu
Trơ tay nhánh nhỏ sương mù
Ngàn truông đá lạnh rướm màu thời gian
Tuyệt mù trên đỉnh thiên sơn,
Bóng nai vạn cổ đứng buồn trăng thâu”
(Nai Thiên Cổ)

Ông làm thơ nhiều và dễ dàng như sống. Thơ Trần Tuấn Kiệt cô đọng, hàm súc, giàu hình ảnh, giai điệu nhẹ nhàng. Phần nhiều thơ của Trần Tuấn Kiệt đều ngắn, gần như đoản khúc, được viết bởi cảm xúc chân thực nên dễ thấm vào lòng người yêu thơ. Trần Tuấn Kiệt viết nhiều bài thơ về nai. Nai trong thơ Trần Tuấn Kiệt là hiện thân của con người. Trong bối cảnh xã hội chiến tranh, đồng quê bị tàn phá, phố thị thì đang trong cơn lốc văn minh máy móc tràn ngập, phải chăng trong chính bối cảnh ấy Trần Tuấn Kiệt cảm thấy chính mình và mọi người đều là những chú nai ngơ ngác trong cuộc đời. Như trích dẫn ở trên, thơ Trần Tuấn Kiệt đưa người đọc đến những cánh đồng lúa miền Nam bất tận, những con sông mênh mông và âm vang câu hò tiếng hát vọng suốt đêm thâu, bên cạnh những chú nai hiền ngô lạc lõng giữa rừng cũng như nơi đô hội. Nói chung thơ Trần Tuấn Kiệt mang một điệu buồn nhẹ nhàng, của con chim lạ bay tìm nhân gian (Con Chim Lạ) lạc lõng nơi chốn thị thành “hôm nay”!