Nhìn lại 30 năm Văn-Học Hải-Ngoại

Cộng đồng Việt Nam hải-ngoại mới bi-đát thành hình đó mà nay đã được 30 năm! Đã 30 năm, do đó cần có cái nhìn lại và chấm phá chân dung, tức cần xem thật sự có một “nền” văn-học hải-ngoại không, nội-dung có những gì, các thể-loại có chi mới lạ, diễn biến ra sao và cuối cùng, từ điểm tựa thời-gian năm thứ 30, thử nhìn xa hơn xem nền văn-học đó có một tương-lai nào không?

Sau ngày 30 tháng Tư 1975, văn học miền Nam từng phát triển và hiện đại hóa không ngừng đã theo người dân ra khỏi nước và trong 30 năm, đã trở thành văn học của những người “thua trận”,”mất nước”. Văn học hải ngoại cũng như đứa con bỏ nhà ra đi phải tự túc lấy, không còn những cơ cấu và thẩm quyền văn hóa; nền văn học đó được một số những “thẩm quyền” của giai đoạn trước vừa qua “may mắn” ra được khỏi nước khơi dậy, phát động! Ba mươi năm nhưng đã có nhiều giai đoạn: sơ khởi lưu vong (1975-1980), trở nên tị nạn chính trị (1980-86), sau cùng là hoài niệm (1987-2005). Ở giai đoạn đầu thật sự là thân phận lưu vong vô-vọng, kế đến là “tị nạn chính trị” với những thuyền nhân (“boat people”) hay bộ nhân, sau đó là đoàn tụ gia đình và cuối cùng là những cựu tù “cải tạo”. Hai đợt đầu văn chương chủ-trì về một quê hương đã mất, về thân phận người Việt lang thang như người Do-Thái xưa hay như những tị nạn chính trị thời các thế chiến, và đã có những tác phẩm chống Cộng rất hăng say và qui cũ. Giai đoạn tị nạn chính trị cao điểm, lúc mà nhiều người viết và thẩm quyền quốc tế đã nhận chân ai chính ai tà. Chính nghĩa quốc gia và việc “chống Cộng” cũng trải qua nhiều giống tố, từ thực tâm đến hình thức, khi các nhóm H.O. đến đất tự do các sinh hoạt được sống lại nhưng rồi cũng rơi vào tình trạng cũ. Từ đó nảy sinh nhiều “ghetto văn nghệ” trong cái ghetto chung của người gốc Việt nằm trong ghetto to lớn hơn nữa của dân thiểu số xã hội và sinh hoạt văn nghệ bản xứ. Sau những hoảng hốt xa xứ lúc đầu, một nền văn học lưu vong khởi dựng từ những bàn tay trắng nhưng đã có sẵn những tấn thảm kịch riêng chung, những bi thảm hậu quả của chiến tranh. Những thăng trầm, đổi đời. Rồi những cố gắng hội nhập, tìm sống và xây dựng cho thế hệ tương lai. Người thiểu số, trên xứ lạ, đất tạm dung, tiếng nói, phong tục, cuộc sống mới, với những tình cảnh gia đình tan nát, gia-cang lỏng lẻo, những đảo lộn văn hóa, những ly dị, con cái tự do hơn, người lớn tuổi cũng cô đơn hơn và ngày càng gia tăng thêm con số, nhất là giới văn nghệ!

Những năm đầu của thập niên 1980, văn học ở ngoài nước khởi sắc ra, nhưng là một khởi sắc buồn thảm. Cộng đồng nhà văn Việt Nam tị nạn ngày một đông đảo hơn. Đặc biệt các vị rời nước sau này, khi còn ở trong nước, họ đã có kinh nghiệm với cộng sản, đã là nạn nhân, đã nhìn thấy trò đời. Đã vậy họ từng bị cấm viết, bị cầm tù vì hoặc với “tư cách” là văn nghệ sĩ hoặc công chức, đi lính cho chế độ Cộng hòa. Nay vượt biển đi chui hoặc đoàn tụ gia đình, tha hương, họ bắt đầu viết lại và bộ phận văn học do người Việt hải ngoại nhờ đó sung tích, đa dạng hơn. Các nhà văn của giai đoạn này mạnh thêm tư cách tị nạn chính trị. Nhưng họ viết nhiều về chiến tranh, đa phần là cay đắng, buồn tức, tức người lẫn ta. Những kinh qua đắng cay của trại “cải tạo”, của đời sống tối tăm sau 1975. Và nhất là ý chí chống cộng sản độc tài, những trì trệ không giải phóng được đất nước khỏi nghèo đói và chậm tiến.

Sau 1987, chính trị thế giới và Việt Nam thay đổi đã ảnh hưởng đến giới văn học trong cũng như ngoài nước. Chủ nghĩa thần thánh và đỉnh cao trí tuệ đã bắt đầu suy yếu rồi biến dạng ở nhiều thành trì. Những lý tưởng mơ hồ, vô vọng đã đến lúc phải nhường chỗ cho cái sống thực và hợp nhu cầu ý nguyện của con người hôm nay. Đến cuối năm 1989, bức tường Bá-linh bị phá đổ cùng các chế độ cộng sản ở Đông Âu và Liên-xô thay nhau lui dần vào quá khứ, đã có những hy vọng loé lên trong văn chương nhưng cái u hoài vẫn còn đó. Đợt H.O. làm sống chính trị trở lại, có khi thật to tiếng; tuy nhiên đa số tỏ ra trầm thống hơn, thấm thía hơn, của những con người trở về từ địa ngục, những “xác” tàn tìm lại cảm giác sống sót và tình người. Văn học giai đoạn cuối do đó là một văn học đầy hoài niệm nhưng tự do và nhân bản dù lúc nào cũng có những lực lượng tự tại hoặc ngoại nhập xử dụng bạo lực để ức hiếp những tiếng nói tự do đó! Trong tác phẩm hình thành một chính trị nhân danh con người, tuy nhiên chính trị viễn mơ, salon vẫn còn có mặt dù ngày càng yếu nhiều. Tất cả đều nhân danh dân tộc và tổ quốc nhưng dấn thân cứu nước vì lý tưởng, thực chất ngày càng hiếm hoi bên cạnh những “chống cộng”, “thân cộng” thuần diễn văn và trình diễn. Rồi từ giữa thập niên 1990 đến nay, nhiều nhà văn tị nạn đã hồi hương và đã tiếp xúc với thực-tại mới trong nước; một số liên-hệ văn học (văn và người) đã khó khăn dần dà thành hình. Nhiều nhà văn đã thành công vượt thoát những cái nhãn hiệu hoặc kìm hãm các giai đoạn trước đó nhưng nói chung, ở hải-ngoại, văn chương vẫn lưu đày, hoài niệm, và lúc nào cũng tự do, chân-thật hơn!

Một số nội-dung và thể-loại

Nhìn chung, một số khuynh hướng và tác-giả chứng tỏ có sức sống, giúp văn học hải ngoại sống mạnh và do đó đã sống còn. Điểm trội bật của văn học trong 30 năm là sự gắn liền mật thiết với thời gian và một không gian ngày càng lùi dần về quá khứ. Và phần lớn là một thời gian quá vãng với những người viết sống cho quá khứ, sống vì quá khứ, sống lùi thời gian. Thời gian đã mất, nay tìm. Với đa số, hình như hiện tại chỉ là quá khứ !

Ở hải ngoại, tiểu thuyết mạnh về số lượng nhưng không nhiều khám phá mới lạ. Người ta viết nhiều về đời cũ, ngày xưa, về một thời chinh chiến đã chấm dứt ngày 30-4-1975 và hậu quả của nó, về đời sống hội nhập, sinh hoạt cộng đồng mới với con người và thân xác cũ hoặc tự do - tự do con chữ và đi sâu vào những khuất nẻo của bản năng hoặc đi tìm hạnh phúc hoặc tìm lại chân tâm chân diện qua những ngõ ngách của bản năng. Viết có cơ may là sống nhiều cuộc đời ở nhiều không gian, trong ngoài, xưa nay, nay sau. Nhà văn không thành công khi chỉ lo đánh bóng cá-nhân, mua danh (hão) mà vô tình thờ ơ với văn chương tính! Văn chương là cái gì lớn lao nhưng vẫn cô đơn lặng lẽ là vậy!

Đặc điểm đầu tiên của văn-học hải-ngoại nhất là về phần văn xuôi là tính “chính-trị”. Các tác-giả Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Ngọc Ngạn, Xuân Vũ, v.v. viết mạnh và được nói đến nhiều nhưng họ đã không là những biến cố thuần văn-học mà thực ra là chính-trị. Họ được đọc một cách dễ dãi trong tình cảnh sống lưu vong, mất nước, “chống Cộng”! Cùng trường hợp với những trang hồi ký mang hơi hướm chính-trị! Ngay tranh-cãi việc sử-dụng các từ “tị-nạn, lưu-vong, chính-thống, quốc-gia” để gọi văn-học hải-ngoại đã là tác-động chính-trị hơn là văn-chương! Nguyễn Xuân Hoàng, Hồ Trường An, Hoàng Khởi Phong, Hồ Minh Dũng, Hồ Đình Nghiêm, Hà Thúc Sinh, Vĩnh Hảo, Song Thao, Lệ Hằng, Lê Thị Huệ, Trần Thị Kim Lan, Mai Ninh, Miêng, Ngô Nguyên Dũng, Kiệt Tấn, Vĩnh Hảo, Trần Doãn Nho, Võ Kỳ Điền, Lâm Chương, v.v. hàm văn-chương tính hơn nhưng ít có tác-phẩm lớn hoặc gây ấn-tượng thật lâu dài! Trần Vũ rồi Lê Thị Thấm-Vân, lúc nổi gió, tương đối gây được hào hứng văn-chương, rồi ra sẽ ra sao? Nói chung một cách tương đối, trong 30 năm, hải-ngoại đã có những tiểu thuyết có giá trị nhưng hình như chưa có những tác phẩm lớn! Vì việc viết và xuất bản tiểu thuyết hàm chứa ngõ cụt, đường cùng của một sự nghiệp văn chương. Thành ra có những dấn thân như ảo tưởng vì cứ hăng liên tục khi không còn bãi chiến trường,... kỷ niệm trở nên mệt mỏi, văn chương giật lùi. Tiểu thuyết nhiều hay nhà văn nhiều? Có thể nói, thợ văn nhiều hơn người làm văn chương và có người càng viết càng ra khỏi văn học sử, hoặc vì không biết ngưng đúng lúc, hoặc quá tự tin và tháp ngà. Chân thật có thể còn nhưng tài năng và kỹ thuật không thích hợp hoặc không cảm được người đọc lâu dài? Cũng có khi viết nhiều nhưng cái cuối cùng mới đáng để ý hơn, phải chăng cũng là vấn đề kỹ thuật ? Mặt khác, các tiểu thuyết thời này phần lớn là truyện - chuyện dài hay chuyện kể, hơn là một “sáng tạo” văn-chương! Nhà văn lớn trở thành một người khai phá không ngưng nghỉ, kiếm tìm qua thể loại lựa chọn đó, vén màn cho được những bí mật, giải tỏa cho được những hàm hồ, bí ẩn của tâm hồn con người, qua những khả thể của tiểu thuyết, của giả tưởng - tức hiện sinh. Nhà văn có thể không điều nghiên thực tại mà chỉ nhắm cái hiện sinh! Y đi tìm cái bí ẩn của cái Tôi.

Đưa đến hiện tượng tự truyện. Nhiều nhà văn Việt Nam lấy đời sống và kinh nghiệm bản thân làm chất liệu. Với một số tác giả, quá khứ như đối tượng của một đặt lại vấn đề cho hôm nay hay ngày mai. Tự truyện là văn bản bám vào hiện thực; người viết truyện kể lại như sống lại quá khứ qua tâm tưởng và ký ức, cảm tính hay ý thức. Tự truyện tức kể lể chuyện cũ, chuyện đã xảy ra. Dù gì thì đó là của một con người có hữu thể, thực tính, đã sống thật, truyện có khi trọng tâm chỉ ở cuộc sống cá nhân người đó, cuộc đời hoặc nhân cách con người đó. Trong tự truyện, cái Tôi này là cái Tôi văn chương, cái còn lại sau khi đã được văn chương gạt bỏ những bình thường của thường ngày. Mỗi truyện là một bản, một mảnh của tác phẩm, của người viết. Vai trò của người viết ở thể loại tự sự quan trọng vì vừa là nhân vật, nội dung, vừa là người sáng tạo. Và người viết sẽ dễ chứng tỏ thành thật khi kể chuyện thời đã qua như những tiếp nối của hiện tại, như cộng những hiện tại đó lại ! Bài toán có khi kết quả ngược lại! Có sự khác biệt giữa loại tự sự hồi ký và tự sự tiểu thuyết, loại sau sử dụng cái Tôi cho mục đích tiểu thuyết. Tiểu thuyết hóa cái Tôi, tiểu thuyết đời sống và con người tác giả; nghĩa là vay mượn dù chỉ phần nào. Tác giả chủ động trong vai người kể chuyện và là nhân vật chính - xưng “tôi” hoặc ngôi thứ ba hoặc cách khác. Ngoài ra, thể loại tiểu thuyết tự truyện vốn là một phản ứng lại khuynh hướng cấu trúc. Ở đây, nhân vật và cuộc đời như được viết lại !

Nói đến thời-gian là nói đến thể-loại hồi ký. Hồi ký là tác-phẩm của một người trong một khung cảnh lịch sử nhưng sự kiện lịch sử trội bật, phân tích của tác giả quan trọng vì người này có liên hệ đến những biến cố đó. Bút ký khi tác giả về đời mình hay chuyện xưa mà tác giả là nhân chứng, nhưng cái riêng mạnh hơn cái khách quan. Các tác phẩm này nói chung giúp nhiều cho sử gia nhưng người đọc cùng thời với tác giả dễ có những phản ứng có khi đưa đến tranh luận hay chiến dịch phản công. Ngoài ra tính hồi ức và tự sự dàn trải trong đa số các tác phẩm xuất bản và trên các tạp chí. Cái Tôi mở ra có khi rất nguy hiểm và tỉ lệ hồi ký có khi rất thấp! Văn-chương không thể tách rời cuộc sống và quê-hương. Với nhiều người thuộc thế hệ di dân thứ nhất, nói đến quê-hương là nói đến quá khứ, và thường là quá khứ của riêng họ. Trong 30 năm đã có hàng trăm hồi ký đã được đăng báo và xuất bản, tuyệt đại đa số viết bằng tiếng Việt, một phần rất nhỏ tác giả viết bằng ngoại ngữ chính là Anh, Pháp. Một phần viết chung với người ngoại quốc và phần nhỏ khác được người dịch chuyển ra ngoại ngữ. Mặt khác rất ít hồi ký do các tác giả phụ nữ viết. Tác giả nam thường viết về đời sống hoạt động công khai và hồi ký chính trị, khoe khoang quyền lực, thành tích trong khi đó các bà viết hồi ký có khuynh hướng viết hồi tưởng cá nhân và tiểu thuyết hóa, cho người đọc thấy những đau khổ và dằn vặt giữa đời sống công và tư riêng của họ.

Những năm cuối thế kỷ XX có hiện tượng truyệntiểu thuyết lịch sử. Truyện dựng trên nền lịch sử hay ngoại sử, các tác giả gửi gấm tâm sự, “làm lại” lịch sử, phê bình các triều đại. Có thể họ viết về con người hôm nay hoặc là một cách đi tìm đạt cái Chân Thiện Mỹ, cái thẩm mỹ văn chương. Nhưng có những nguy hiểm đánh giá sai lạc nhân vật và sự kiện lịch sử, chủ quan đến quá đà hoặc Cái Tôi được đem ra so đo với người xưa! Các tác giả tiểu thuyết nói chung và tiểu-thuyết lịch sử nói riêng, có thể hiện đại hóa, biến hóa ngôn ngữ, nhân vật, ... nhưng có thể nào tin tưởng họ có thể nói lên “tâm hồn” của cả một dân tộc? Con người hôm nay khoa học, mất gốc, xa dần những huyền thoại về nguồn gốc, lại muốn tìm lại gốc gác, nguyên tủy văn hóa qua tiểu thuyết lịch sử? Xét cho cùng, tiểu thuyết lịch sử hay lịch sử, văn hay sử, rồi ra cũng là trò chơi của con người, của giải mã và nhất là thuyết phục! Và cùng với khuynh hướng tiểu-thuyết lịch-sử, nhiều nhà văn đã đến gần hiện-thực với những chủ-đề, nhân vật mang tính nhân-văn, xã-hội và lịch-sử! Bên cạnh đó chớm phát khuynh-hướng thử nghiệm tâm linh, huyền thoại và ảo hóa – nhưng trong nước mới thật mạnh mẽ, nhất là từ những năm đầu thế kỷ XXI!

Về thể loại, đã bộc-phát hiện tượng truyện-thật-ngắn đầu thập niên 1990 nhưng nay có vẻ đã tàn. Người viết tìm đến cô đọng, “vô ngôn” để đa ngôn, thẩm thấu lâu phải chăng để phản ứng lại thời đại? Hay chỉ là những biểu tỏ những hoài cổ hoặc vô vọng, mù tối trước tương lai? Nếu “tiểu thuyết mới” đã là một kiếm tìm văn chương trong thể loại thì truyện-thật-ngắn là một thử nghiệm cho một lối thoát tinh thần bị bủa vây bởi kỹ thuật và những đoản vận của cuộc đời. Truyện-thật-ngắn như một nỗ lực tách rời tinh thần hệ thống và độc đoán của văn chương và cuộc sống. Một cố gắng làm đổ vỡ tưởng tượng, tiểu thuyết – một khuynh-hướng phản tiểu thuyết! Truyện-thật-ngắn có đó như để đặt nghi vấn, như để nối kết những thơ mộng vụn vặt, những gián đoạn, ở một thời đại khủng hoảng các giá trị, kiến thức, của những sở đắc tưởng vĩnh cữu thật ra đang lung lay. Có thể xem truyện-thật-ngắn là phản diện hay cứu tinh cho văn học? Phải chăng truyện-thật-ngắn là một trong những bề nổi của tâm trạng con người ở cuối một thiên niên kỷ - con người bí lối, bi quan, đi tìm chính mình.

Một hiện tượng đáng kể là các nhà văn nữ nhưng phẩm lượng trội bật lên xuống theo giai đoạn. Có thể nói ở hải-ngoại, nam hay nữ phái đều được tự do và đồng đẳng trước tình yêu, cuộc đời, hạnh phúc và cả cái chết. Sống ở xã hội Âu Mỹ, nam hay nữ đều bị/được đặt trước một hoàn cảnh văn hóa, xã hội mới so với xã hội Việt Nam cũ. Riêng phái nữ được “giải phóng”, lý trí hơn để có chỗ cho tự do tình cảm và tình dục, hết hoặc bớt dồn nén, không còn phải viết như các nhà văn nữ thời trước 1975. Người thì dám sống, nổi dậy, nhưng rồi cũng như những cơn sóng nhẹ, khát vọng sống dễ thông cảm vì có thể hợp tình, người thì bén nhậy quan sát, bạo nói nhưng ít xuất cảm văn chương. Người mạnh bạo, mỗi người một lối riêng, ở kinh qua, khát vọng hay chỉ thuần đòi hỏi. Ngoại trừ giai đoạn chống Cộng mà cao điểm khoảng năm 1986 (trước đó với Trùng Dương, Minh Đức Hoài Trinh, ...), các nhà văn nữ ít động đến chính trị. Thời cấm-kỵ, kỵ húy gãy đỗ, hết tham chiếu, hết thẩm quyền. Con người tự do, trở nên, hoặc chậm hoặc nhanh: chậm ngại phá nát cánh đồng văn-hóa đang chịu thử thách, nhanh trên những nẻo đường thử nghiệm. Ban đầu, Lê Thị Thấm-Vân, Lê Thị Huệ, Trân Sa, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, v.v. cho người đọc cảm tưởng hụt hẫng trước những cái có thể gọi là “sống sượng”, “tư riêng”, v.v. nhưng rồi chính văn phong cách tân, và nội-dung, hình thái của con chữ đã thuyết phục được người đọc khó tính nhưng không đạo đức giả! Lê Thị Thấm Vân từ thử nghiệm đã như đến lựa chọn một phong cách viết-sống không giới hạn. Từ những đoản thi trên tạp chí Thơ và Hợp Lưu đến Âm Vọng và gần đây, Bóng Gẫy Của Thần Tích (2005) đã chứng minh nhà văn nữ có thể viết như sống và sống như tự cảm, tự chọn!

Từ sau 1991 đã mạnh mẽ chứng minh hiện tượng các nhà văn và độc giả thuộc diện H.O.lứa tuổi 50-65 làm mạnh sinh hoạt văn học như ngưng đọng thời-kỳ ngay trước đó. Cũng là thời “tái xuất giang hồ” của những cây viết cũ ra ngoài nước với những chương trình H.O. này. Có thể gọi thời cuối thế kỷ là của những giá trị “cứu rỗi”và là thời của “tự do” nói lên những cái “nghi ngờ” mà thế kỷ XX hoặc về trước vẫn bị cấm kỵ, mà dưới chế độ cộng sản cũng từng bị cấm đoán! Những cây viết từ Liên Xô và Đông Âu như Lê Minh Hà, Đỗ Quyên, Nguyễn Hữu Lê; họ, những người với hành trang khác, sống kinh nghiệm và hoàn cảnh khác, “không Việt Cộng chẳng quốc gia” và những người của “chế độ” nay phải lưu vong chống lại các đồng chí cũ như Bùi Tín, Nguyễn Minh Cần, Vũ Thư Hiên, ..., tất cả đã tham gia, làm cho những năm cuối thế kỷ XX “khác” thời trước đó không lâu! Nếu hơn thập niên đầu hải-ngoại, các nhà văn nữ “chiếm đất” văn-chương, thì khi các đợt đông đảo nhà văn H.O. tái định cư ở đất Hoa-kỳ, lúc đó các nhà văn nam (và nhân vật nam) mới tìm lại đất đứng, nhưng rồi cũng chẳng được bao lâu vì nam và nữ đều rơi vào cùng tình trạng chậm, bớt!

30 năm đã ghi nhận sự xuất hiện và tham gia của những cây viết trẻ ở ngoài nước. Có người khởi đi có thể từ dĩ vãng, nhưng nói chung, họ có vẻ ít bị dĩ vãng đè nặng trong suy nghĩ; chiến tranh cũng bắt đầu xa, loãng. Những cây bút mới với ý muốn dứt khoát với quá khứ, vượt ràng buộc tập thể, đi tìm cho thế hệ trẻ ở đất tạm dung một nhân sinh quan mới trong một nghệ thuật quan mới, năng động và nhiều màu sắc khác hơn những quen thấy từ trước nay. Hệ thống tin học không biên giới địa lý và thời gian tiếp tục đến với người đọc liên mạng, song hành với những người đọc của in ấn. Kỹ thuật này cũng giúp phát triển những tạp chí thuần tuý liên mạng, giúp tác giả đến với người đọc không qua trung gian một chủ báo, tạo cơ hội tương tác hay đối thoại giữa người đọc và người viết. Internet liên tục ảnh-hưởng đến văn-học và xuất bản; những e-book, webpage nối tiếp xuất hiện trên Net nay gần như trùng điệp, bội thực và thiếu hợp lý trong tình trạng “phi chính-phủ” và “phi thẩm quyền” như với người Việt hiện nay trong ngoài nước. Như những tia hy vọng, các nhà văn trẻ đã một thời loé sáng, những người trẻ với tâm hồn rất Việt Nam và với phương tiện tiếng Việt. 10 năm gần đây đã thay đổi, người trẻ vẫn tiếp tục sáng tác nhưng với một tâm hồn Việt Nam đã hội-nhập và càng ngày càng qua phương tiện ngôn-ngữ xứ người, những Barbara Tran (In the Mynah Bird’s Own Words), Mộng Lan (Song of the Cicadas), Dao Storm (Grass Roof, Tin Roof), Monique Truong (The Book of Salt), Linda Lê (Calomnies, Aubes), Đinh Linh (Fake House), v.v.

Văn thơ có những tìm kiếm hình thức, một số nỗ lực đổi mới thi ca và thể-loại tiểu-thuyết, v.v. Thơ lục bát biến thể tự do về chấm câu và xuống hàng, trong cái khuôn 6-8. Thi ca được điện toán hóa với “chữ nghĩa” của máy, hay thành thơ”biến dịch” (interactive poetry) hay tự chọn (self-serve). Có những “bài thơ” trong thực tế chỉ là những “hình dáng” hay “tiếng động” vô nghĩa (nếu đọc lên) đã được viết thành con chữ. Đồng hành với khuynh hướng phổ nhạc gần như tự nhiên của nhiều người làm thơ. Vừa là sáng tạo vừa phá hủy sáng tạo, thi ca thường đòi hỏi thử nghiệm, tìm tòi, cái mới, cái lạ, nhưng dễ gì được chấp nhận ngay! Vấn đề muôn thuở vốn là đi tìm hình thức thích hợp với con người thời đại, hợp tâm tình và thi hứng! Chủ nghĩa Hậu hiện đại, Tân hình thức, thơ Cụ thể, văn chương liên mạng siêu/tân văn-bản (hypertext), ... được tìm đến, được thử nghiệm trong thơ văn. Cụ thể như đời thường, trần tục, có khuynh hương tiến thành tình dục. Tân hình-thức đến với thơ và với văn xuôi nhưng hình thức thể loại vẫn giữ, thơ thì 8 chữ, văn thì đầy trang, còn xuống hàng và viết hoa thì tùy ... hứng! Ngoại trừ trường hợp Tân hình-thức và khuynh hướng nữ-quyền, các nhà văn hải-ngoại uyển chuyển không theo thời hoặc theo hẳn một trường phái nghệ-thuật nào! Năm mười năm gần đây, nhất là từ khi trong ngoài nước liên hệ văn-chương dễ dàng và tự-phát thành-tâm hơn, đã thấy có những tìm tòi (chung) về hình-thức, kỹ thuật; tâm hồn được đào sâu, kịch-tính, thi-tính và văn-chương tính được thử nghiệm một cách liên tục và có những tác-phẩm đáng để ý! Nghĩa là có hy-vọng vì văn-chương được thưởng thức và sang tác như là văn-chương hơn là cái gì khác!

Hiện tượng “lão hóa” trong văn chương hải ngoại khởi từ những lo lắng khi nhìn tuổi tác độc giả và tác giả. Lão hóa còn ở nội dung đa phần cứ chuyện xưa ngày cũ rỉ rả. Thật vậy, văn học hải ngoại có tính thời gian, quá nhiều quá khứ, từ tình yêu, tình quê hương đến tự truyện, lý luận, phê bình. Ngay cả khi viết về tương lai, về hội nhập, nếp sống mới, cái quá-khứ vẫn lẩn quẩn không xa, như tham chiếu, như tấm gương lâu thay người viết phải soi nhìn lại ! Dù gì thì trong 30 năm người Việt tiếp nối nhau có mặt đông đảo ở hải ngoại, văn học đã sống còn, sống thật chứ không phải gắng gượng và giả tạo, vẫn bền vững và đa dạng, mỗi thời đều có những người làm văn học tiếp nối nhau, thay máu, thêm máu, thay lửa, thêm lửa. Thanh Nam, Bình Nguyên Lộc, Mai Thảo, Nguyên Sa, Vũ Khắc Khoan, Nghiêm Xuân Hồng, Cao Đông Khánh, Tạ Tỵ, Mai Trung Tĩnh, ... ra đi; những cây đa bị bứng khỏi lũy tre làng, ... không viết nữa, thì đã có những cây viết cũ, mới “boat people”, đoàn tụ gia đình, Đông Âu và những cựu tù “cải tạo” H.O.! Và lớp trẻ sinh trưởng ở xứ người cũng đang tỏ sức sống, lòng yêu văn chương, tạo những thành quả khác và mới hơn, hiện đại, có tính “thế giới” hơn!

Tình trạng “lão hóa”, ngưng đọng, dậm chân có thể là những “hậu quả” đưa đến khuynh hướng “hợp lưu văn nghệ” - hay trở về cùng nguồn “văn-chương”. Từ khi bức tường Bá Linh bị con người đập đổ, đế quốc cộng sản thay nhau tự xóa trên bản đồ, bên nhà đã cựa quậy “cởi trói”, “đổi mới”, một số nhà văn nhất là những người mới rời khỏi nước sau này bắt đầu nhìn lại chiến tranh với nhãn quan của con người đã sống đã là nạn nhân hơn là chủ nghĩa phải theo. Thiển nghĩ đây là điều tốt, ít ra là tích-cực vì hai lẽ: một là có trao đổi thì mới hiểu biết, đối thoại, hai là văn học cũng như dân tộc sẽ “giàu” ra, sẽ đa dạng thêm. Thời gian sẽ gạn lọc, một số vết thương sẽ thành sẹo, những quá khích sẽ mất dần. Và yếu tố thời gian, thế hệ, sẽ thiên về phía hợp dung. Dần dà các tạp chí văn-học nghệ thuật đăng chung bài và sáng tác của người trong và ngoài nước. Và người trong nước rồi cũng đọc được người ở ngoài. Rồi trong số những cây viết mới, người đọc có thể không còn tìm thấy biên giới chính trị, họ sinh sau chiến tranh hoặc chưa từng là nạn nhân mà nội dung cũng bớt quá khứ, tranh đấu hoặc yếu tố thời gian loảng hơn những nhà văn thuộc các thế hệ trước họ. Kỹ thuật điện toán và Internet giúp phương tiện viết bài, trao đổi, chuyển gửi và ấn loát, trong với ngoài nước, thêm hiện-tượng người ở ngoài in sách ở trong nước hoặc trong nước in sách tác-giả ở ngoài.

30 năm mất cái khung văn hóa và cơ cấu của một xã hội bình thường với những phân khoa văn, sử, sư phạm, thiếu những cơ quan, tạp chí văn học đứng đắn, do đó thể phê bình sống nhưng không mạnh. Và ít có nhà phê bình chuyên ngành! Nhà văn nhà báo mặc áo thụng bái sống nhau, thù tạc qua lại. Hoặc người viết phê bình “lạc đề” cố ý, cốt nói về bản thân, đánh bóng quá khứ, hơn là đối tượng của bài viết. Hoặc họ bảo vệ nhau đưa đến khoả lấp vì cùng phe “chống Cộng”, “hoà giải”, “phi chính trị”, v.v. Hoặc họ “làm dáng”, khoe kiến thức hoặc đưa ra những vấn đề gây chú ý nhưng rồi không đi tới cùng lý luận, bỏ rơi người đọc! Nghiên cứu văn học sử và lịch sử tương đối có nhiều ấn phẩm hơn, đãi lọc thì cũng có công-trình nghiêm túc về phương pháp và nội dung, nhưng với hiện tượng “băng đảng”, văn phiệt, hiện tượng coi thường luật bản quyền, hiện tượng nhà “xuất bản” garage hay basement, v.v. Mặt khác, không có thẩm quyền văn hóa bình thường cho nên có hiện tượng ai cũng làm lý thuyết gia và nghiên cứu gia cả, sự nghiêm túc khoa học dễ bị bỏ rơi ! Thành ra ở đầu thế kỷ XXI nói chuyện xây dựng một nền văn nghệ hay học thuật Việt Nam, chẳng khác nào thuyết giảng giữa sa mạc!

Nhìn chung, văn học hải ngoại có những “thiên tài” do tâng bốc hoặc mặc áo thụng lạy nhau, nhưng có nhiều tác giả và tác phẩm rất văn chương, rất chín, rất tới, hình thức cũng được chăm sóc kỹ. Tất cả cho người đọc hình ảnh nhà văn có khác trước: chân thành hơn, sống thật hơn, tình cảm sâu xa và nhiều hơn, sống hết mình với văn chương nhưng trong những phẩm tính “bình thường” đó, hình như người làm văn chương muốn vượt lên trên những cái tầm thường, tìm cho được cái vĩnh cữu và để lại cho đời! Tóm, văn học hải ngoại có tính thời gian, quá nhiều quá khứ, từ tình yêu, tình quê hương đến tự truyện, lý luận, phê bình. Ngay cả khi viết về tương lai, về hội nhập, nếp sống mới, cái quá khứ vẫn lẫn quẩn không xa, như tham chiếu, như tấm gương lâu thay người viết phải soi nhìn lại !

Tóm thêm một chữ nữa, văn học Việt Nam hiện đại làm nên bởi những văn nghệ sĩ có tâm hồn dân tộc, nhiều người nhận chịu ảnh hưởng các khuynh hướng ở Âu Mỹ, có người không, qua lịch sử với quá nhiều biến động khiến nền văn học đó trải dài ra với nhân loại về ý tưởng, tiếp xúc cũng như sự kiện hiện diện của người Việt ở khắp năm châu, nhưng với thời gian cái bản sắc dân tộc đa dạng ra. Lúc đầu văn học có sứ mạng và mục đích, cho tập thể. Văn học chính là một hiện tượng xã hội, có tính thời sự, đấu tranh. Sau thêm yếu tố giải trí, thưởng thức, từ đó nảy nở tính “văn chương”, phân chia chiếu trên - chiếu dưới, sáng giá - bình dân!

Thơ ở ngoài nước

Thơ đối với người Việt ở ngoài nước sau biến cố 1975 trở thành thơ của người mất nước, tích cực thì chống cộng, chống độc tài, làm ... chính-trị; tiêu cực thì thơ ôn lại đời mình hay tìm vào thơ đạo, tâm linh. Nhận xét tổng quát là thơ được in ấn khá nhiều, khắp nơi, nhất là với phương tiện internet và tin học, điện toán. Nhưng rồi người làm thơ và người đọc thơ ngang số nhau và các hiệu sách từ nhiều năm qua đã không nhận hay bày bán thơ, phải chăng đó là một thất bại? Nhiều người không bận tâm phẩm chất, ta cứ làm và in thơ. Đó là lý do một số nhà thơ ít nhiều tên tuổi trước đó nay ra hải ngoại làm thơ quá dễ dàng, một đề tài có thể thành hàng trăm bài, và trong một thời gian rất ngắn. Nhiều người làm thơ như viết tiểu-thuyết feuilleton, xướng đáp, hoạ thơ, tặng nhau tới tấp. Nếu xếp loại, thơ hải-ngoại có thêm loại kể lể, dai dẳng, dài dòng,... Tiếp là nạn thơ ... nhóm, hễ một phe là thơ hay, “thi sĩ” lớn! V.v. và v.v. Tuy nhiên đã có một số nỗ lực làm mới thơ cần được ghi nhận, nhất là trong thập niên thứ ba của 30 năm đó!

Thi-ca tiếp tục trò chơi ngôn ngữ, trước hết là những “cách tân” trong làng thi ca Việt trong cũng như ngoài nước từ hơn ba thập niên qua, bắt đầu với thơ lục bát, gia tài riêng của thi ca Việt, được tiếp tục làm mới, cái Ta được biến thể và cập nhật hoặc nói cách khác, thơ lục bát bị xâu xé giữa truyền thống và mỹ học hôm nay. Lục bát cách tân dưới nhiều hình thức, biến thể tự do về chấm câu và xuống hàng trong cái khuôn tiên-thiên 6-8. Thơ Tự-do là thể loại ngày càng được người làm thơ yêu chuộng, phát triển đa dạng với một số nỗ lực canh tân làm mới thơ trên các tạp chí chủ yếu là tạp chí Thơ. Để được tự do, người làm thơ còn dùng kỹ thuật thụt chữ khi xuống hàng, con chữ rời rạc, nhiều cách quãng - ngoài khoảng cách không gian trên trang giấy, khoảng cách này còn tương đương như những dấu slash /, //, /// đánh dấu nghĩ khi đọc mà có người cắt nghĩa là để cô đọng thơ, làm khác ngôn ngữ đời thường. Kỹ thuật cách quãng, để trống này được nhiều người làm thơ áp dụng trong hai thập niên qua ở hải ngoại. Riêng dấu / còn để cho người đọc chọn chữ, như với Du Tử Lê. Ba thập niên qua, thơ tự do bắt đầu có lý thuyết hoặc ý thức đằng sau con chữ. “Trường phái” dùng dấu của chữ viết máy điện toán, những dấu /, @, ... và xử dụng nhiều dấu chấm phết, hai chấm, chấm than trong thơ và ngay cả tựa thơ, có Du Tử Lê, Viên Linh và những người đăng trên tạp chí Thơ, Việt, v.v. Họ Lê đề nghị thơ “biến dịch” (interactive poetry / self-serve) ngắt, đổi vị trí các chữ trong câu để có thể có nhiều cách đọc ngược xuôi. Có bài mang hơi hướm siêu thực, nhưng thường chỉ là hiện thân của một thời đại kỹ thuật tin học, vô tâm, lãnh đạm, vui ngắn hạn,... Thơ tự do hôm nay có thể bỏ hết những ràng buộc vần, điệu, luật, ... nhưng những bài có thể thuyết phục người đọc thường vẫn có một cú pháp, hình thức hoặc có hồn!

Thi-ca sự vật hay thơ cụ-thể (Concrete Poetry) cũng đã xuất hiện ở trường văn hải ngoại, với những bài thơ tạo hình. Ngày xưa trong thơ có họa, nay họa thơ cụ thể thành hình thể, quang cảnh nhà thơ muốn người đọc nhìn thấy. Vừa là cánh tay nối dài của dadaisme vừa do ảnh hưởng của phim ảnh, với những hình thể vật lý, thơ gợi hình đến với người đọc bằng thị giác (visual poetry / poésie visuelle) thay vì bằng tâm thức. Thơ cụ-thể đến với người thưởng ngoạn bằng âm thanh (sound poetry). Nhóm Hồn Quê đã thử nghiệm thơ Linh-họa, thơ với phương tiện âm thanh, tranh ảnh, hoạt họa,... Một loại cấy giống mới hay lai-giống (hybridation) giữa văn bản với nhạc và họa hình. Thi-ca trở thành một nơi thử nghiệm văn-chương mà tiểu thuyết đã đầu hàng! Thử nghiệm thơ Linh-hoạ này hãy còn hạn chế ở giới trẻ quen dùng máy điện toán, chưa phổ biến trong giới làm thơ người Việt. Thi-ca sự vật còn ở những đề tài tầm thường, tủm mủn, xù xì, trơ trụi tính thơ dù thể loại thường dùng có thể là thơ tự do hoặc thơ văn xuôi. Vấn đề ở đây là thơ mang ý nghĩa gì, nói cái gì hay không cần đặt câu hỏi như vậy. Thơ cụ-thể đối với giới làm thơ người Việt chỉ mới ở chặng thử nghiệm ngập ngừng, chưa gây tiếng vang cũng như chưa nhiều đệ tử! Con chữ trở thành phương tiện để diễn tả, như thấy gì nói đó, không hẳn phải cần đến thi tính. Ở đây thi-ca hết còn là ngôn ngữ tiềm lắng cần được nắm bắt một cách nghệ thuật !

Thi-ca ngoài nước bước thêm một bước đến cửa bản năng. Hành cử, thái độ, tâm tình tình dục xưa thầm kín, gián tiếp, riêng tư, ... nay thành nhãn hiệu cầu toà! Từ châu thân kín đáo, nhẹ nhàng đến thân thể có thực rồi đến xác thịt phóng đại, con này cái kia. Nếu ngày xưa với kỹ thuật, thể loại cũng như phương tiện, ngôn ngữ, để tế nhị gợi cảm tài hoa, đọc trong đầu, gợi hình, v.v. nay thì trắng trợn như gợi nhục cảm và bày ra trước mắt! Ở đây thơ đi xa hơn ngôn ngữ tiểu thuyết gọi là”rẻ tiền”, khai thác bàn năng! Thơ ở đây phả nhục cảm vào con người và muốn có phản ứng liền, không khác truyện dâm tình! Thơ không chỉ đề cập, nhắc đến sự vật, đối tượng, mà diễn ngôn cả hành cử làm tình, làm-tình-như-sống, như câu cá, ngắm trăng, ... cũng như bày cả bối cảnh của hành cử đó, một cách kể chuyện dâm tình! Cây viết nữ vốn trội bật ở hải ngoại, cả trong khai-phá này: Nguyễn Thị Thanh Bình, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Lê Thị Thấm Vân, Trân Sa, v.v. Cái Tôi thường ẩn khuất, underground, nay được đưa trồi lên mặt nổi, một thứ thi-ca nữ quyền. Người nữ hết bị bắt phải câm nín, họ nói, họ hét, cả những điều thầm kín và rất riêng tư. Nâng cao, công khai, để tự giảùi phóng! Nam giới trong lãnh vực tính-dục có ít ra hai khuynh hướng chính, nếu không phá giá người nữ và tầm thường thân xác nữ thì tìm khoái lạc tự kỷ: Đỗ Kh., Nguyễn Đăng Thường và Nguyễn Hoàng Nam. Và thơ tình đồng phái tính, về một không gian khác thường (queer), cũng đã nhập dòng thơ của người Việt! Nơi đây, thơ gióng tiếng bình-quyền, người đi xa thì nhìn quan hệ như những chuẩn mực xã hội (Lê Thị Huệ, Lê Thị Thấm Vân, v.v.) hoặc đến độ nhìn tính giống và tình yêu như những liên hệ trao đổi vật chất cụ thể (Đỗ Kh., Nguyễn Hoàng Nam, ...). Người ta đánh mất cái Tôi “trong-trắng” của thời trước. Cái Tôi hôm nay đầy mâu thuẫn nội tại và là một tổng-thể nhiều bất ngờ, khó hiểu - nếu nói theo lý luận của thời cổ điển hay lãng mạn! Cái Tôi chủ quan thời hậu hiện đại thể hiện qua thơ nói đến phái tính và dục tính! Có còn chăng cái biên giới giữa ngôn ngữ thường ngày, của chốn thân mật tư riêng, và một ngôn ngữ văn chương? Hội nhập văn hóa xã hội vì người Tây phương hiện đại bị bí lối trong thân xác, do đó qua các hoạt động, tổ chức văn hóa, họ tìm cách giao tiếp qua trung gian lời nói, ngôn ngữ vì ngoài ra thân xác đó đến với tha nhân chỉ qua những gần gũi xác thịt và liên hệ gia đình. Phần còn lại chỉ là văn hóa do đó họ chủ trì thân xác là chủ thể mà tạo hóa và thiên nhiên đã cho họ. Họ coi trọng thân xác, họ lắng nghe tiếng nói và đòi hỏi của thân xác và đi theo con đường của thân xác! Thân xác, dục tính đi vào thơ và ngôn ngữ thơ tự nhiên như đi vào cuộc sống, là vậy! Thơ ở đây cũng là phản ánh đời sống hôm nay, rất vật chất và cuồng vội, nhẹ tôn giáo, tâm linh, không ý thức hệ, gốc rễ, của người Việt (trong cũng như) ngoài nước!

Nhà thơ ta ở hải-ngoại khoảng đầu năm 2000 đã đến với trường phái Tân Hình-thức (New Formalism), xuất hiện trước hết và chủ yếu trên tạp chí Thơ xuất bản ở Nam California, sau trên tạp chí Việt ở Úc đồng tình cũng như các tạp chí văn học khác. Trường phái thơ này nhập khẩu nội-địa rất nhanh và không bị “công an văn-hóa” làm khó dễ như bao hàng ngoại khác. Tân Hình-thức muốn phả linh hồn thời mới vào thơ, thời không anh hùng, thời ca tụng không cần bằng chứng và lý luận không bằng ngôn ngữ mà bằng thủ thuật và kỹ thuật ngôn từ. Một thứ mỹ học mới của hôm nay! Đây là một hình thức hội nhập văn hóa tự nhiên như các nhà thơ Mới ở thập niên 1930-40 đã tiếp xúc hội nhập với dòng thi ca Pháp dù trễ tràng. Con người hôm nay, nhất là sống ở Âu Mỹ, sống thời của TV mặt bằng, truyền thông dễ dàng và nhanh chóng, Internet, nhưng đồng thời rất cô đơn trong khi những giá trị văn hóa truyền thống ngày càng biến dạng - cơ cấu gia đình, ý nghĩa cuộc đời, rồi lý tưởng, vấn đề dân tộc, v.v. Thành thử cần lối thoát, cần cảm thông giao tiếp qua lời, qua kể lể, nhạc Rap, vừa nhảy vừa thẩm thấu lời người khác vừa tự mình kể lể ai muốn nghe thì nghe! Kể lể có thể nói là cái nền cho văn hóa mới, kể lể tức lời nói đời thường. Đơn điệu, nhưng không phải là cái đơn điệu xưa kia của thơ luật, ở đây đơn điệu có nhạc tính. Đơn điệu nhưng với một nội dung, tâm sự nồng nàn, da diết, lời như dán vào da thịt người nghe, người đọc; với nhịp nồng nàn, dồn dập, tha thiết như nhạc Rap! Những lời phản kháng khôn nguôi, những tình ý xưa nay trộn lẫn. Không dễ đoán trước tứ thơ, chữ dùng, cả chấm câu, chỗ ngừng nghĩ lấy hơi! Nói rằng thơ Tân Hình-thức chỉ để đọc, là như thế! Nhưng không hẳn lúc nào cũng trơn tru, đa số thơ nhức nhối con chữ, ý, điệu, hình ảnh bất thường! Chân Phương, Ngu Yên, Khế Iêm, Nguyễn Đăng Thường, ... ở trong trường hợp này!

Tiểu thuyết thành truyện kể đã đành, thơ cũng đi vào con đường trần thuật vào cuối thế kỷ; người làm thơ như cút bắt với thơ, thơ xuôi mà không xuôi, thơ mà như nói thường, phẫn nộ, đối thoại, giao tiếp... Câu có thể 8 chữ nhưng vắt dòng bất kể; vần không ngừng ở các dấu ngừng hay xuống hàng mà vắt dòng, muốn ngừng thì ngừng trong tâm thức, giữa câu, giữa đàng! Vì thơ Tân Hình-thức có tính truyện, kể lể, đưa đến kỹ thuật “vắt dòng”(hay vắt khổ, run-on, emjambed, enjambement) trong cùng một khổ thơ và vắt dòng qua khổ sau. Những bài gọi là thơ Tân Hình-thức lúc ban đầu như lời nói của đời thường thật, xuống hàng để giữ hình thức thơ, nhưng rồi lý thuyết rõ ra, những bài sau này vô khuôn thơ thường là 8 chữ, vắt dòng có tổ chức hơn và hay lập lại lời hơn, láy và lập lại âm thanh chữ dùng cũng như nhịp điệu ngắt câu. Mặc cảm hậu-thuộc-địa hãy còn ngự trị trong thử nghiệm và thuyết lý của những nhà thơ Tân Hình-thức Việt. Mượn cái vỏ, nhịp điệu và kỹ thuật của nhiều thể thơ đã chắc tạo nên được một cú pháp thơ? Với Âu Mỹ, từ thập niên 1960, thi-ca đã cất cánh thành ngôn ngữ thơ và văn-bản, còn chúng ta? Đã là thời đại thì vè dễ trở thành một hiện tượng nhất thời.

Thi ca thường đòi hỏi thử nghiệm, tìm tòi, sáng tạo, cái mới, cái lạ, nhưng dễ gì được chấp nhận ngay! Vấn đề muôn thuở vốn là đi tìm hình thức thích hợp với tâm tình và thi hứng! Nhưng đối với người Việt, trong cũng như ngoài nước, thi ca vẫn sống mạnh theo hàng ngang. Thơ lấn lướt về “tác giả”, ấn phẩm, nhưng không có cách tân, thử nghiệm thật sự có thành tích dù có nhiều cố gắng sáng tạo độc đáo, lập dị! Khủng hoảng vì người làm thơ có thể nhiều hơn người đọc thơ, thơ nay không bán ở hiệu sách, thơ chỉ để tặng cho người đồng cảm, cho bạn bè, thù tạc hoặc để tự vinh danh, kỷ niệm (chúc thư) để lại cho đời. Thời Hy Lạp Cổ, thi nhân thường ra trước công chúng đọc thơ, bình thơ (nhóm Mở Miệng của bốn người làm thơ trong nước theo mô hình này!). 30 năm văn-học hải-ngoại đã chứng kiến tấp nập nhiều hội thơ và người làm thơ chứng minh tiền-đề rằng mỗi người Việt là một nhà thơ. Tuy nhiên nếu dùng lại hình ảnh và định nghĩa thế nào là thi sĩ của Platon thì con số nhà thơ hải-ngoại sẽ dễ đếm hơn, nghĩa là các tuyển tập thơ gần đây ở hải-ngoại sẽ phải dọn lại và những “thi-sĩ” “cộng đồng, thù tạc, mua vui cũng được một vài ... “ sẽ có chỗ đứng nơi khác!

Dù thơ được in ấn nhiều, ngoài nước không thể cứ tự hào mỗi người Việt là một nhà thơ, mà phải nhìn nhận thơ (cũng như văn, tuy khác và nhẹ hơn) đã và đang lâm vào tình trạng bế tắc. Không được hỗ trợ bởi những nhà phê bình thi ca, các phân khoa đại học, các tạp chí chuyên ngành, trình độ thưởng thức bình thường của người làm thơ và người đọc,... đó là những lý do của tình trạng. Nhiều người làm thơ có tài nhưng có thể đời sống vật chất, tinh thần và không khí văn nghệ đã không tạo hoàn cảnh sáng tác thuận lợi chăng? Thơ hôm nay muốn là cái gì khác, khác đi, khác hẳn, ở một chỗ khác, cung cách khác! Thay vì thống nhất, đoàn kết, dựng tượng, thơ hôm nay làm gãy đổ bức tượng non yếu của cấu trúc thi ca, nêu vạch những điểm yếu, khuyết điểm của một ngôn ngữ thi ca tưởng là vững chắc, vào khuôn, thường hằng, rồi hướng con chữ về một hướng khác thử nghiệm đo lường sức choáng váng của chữ nghĩa! Thi ca hôm nay có một định mệnh mới, khác, “hậu” tất cả! Vị thế của nhà thơ hôm nay đành phải ở chỗ khác và thi ca hôm nay trở thành tập hợp của những tiếng thơ khác biệt. Không đồng nhất, không là duy nhất, nhưng là đa, là khác. Thật ra muôn điệu vẫn hơn nhưng giữ được cái hài hòa nào đó! Nếu phải làm một cuộc trưng cầu dân ý, mỗi người làm thơ và mỗi độc giả thơ một lá phiếu thì thơ luật, thơ thù tạc cũng như thơ lục bát và tự-do sẽ chiếm đa số phiếu, thơ cụ-thể, tính-dục và Tân Hình-thức có thể sẽ lọt sổ! Thi ca biến đời thường thành một thế giới khác, hiện thực trở thành siêu thực, dị thường, huyền-hoặc qua thơ, hoặc siêu thực, kỳ dị trở thành hiện thực. Thi ca ngay cả trong những dự phóng, ám ảnh, chết chóc, hủy hoại, hư vô,... cũng giúp con người siêu thoát khỏi những ốc đảo cô độc! Trở về căn nguyên, nguồn cội của thi ca, không phải ở sự lập lại, mà là cách-tân, tệ lắm cũng như tắm lại cùng nguồn nước, mà nước thì đã hết như xưa!

Nhà thơ đầu thế kỷ XXI vẫn đi tìm tính thơ, tìm nguyên lý thi ca, định-nghĩa lại thi-ca, một cách tiếp thừa thi ca, tư duy bằng hành-cử thi ca, nhưng trong viễn tượng mới, không gian văn hóa khác ! Hiện đại hóa là qua đường, nhà thơ hôm nay trở thành kẻ qua đường. Có kẻ qua đường gây dựng nổi cơ đồ thi ca, nhưng có người rồi ra vẫn chưa đến bến. Có người nhờ kỹ thuật thể hiện, cho nội dung mới vào ngôn ngữ thơ mà trở nên thơ hơn, được đón nhận hơn, dù bước đầu có thể đi lại trên con đường người trước như Thơ Mới có người làm theo nhưng với ngôn ngữ, ý tình hôm nay, ngữ điệu độc đáo riêng, tạo bản sắc, có thi tính riêng! Nói thơ tình yêu chưa chắc thời nào cũng như nhau là do lẽ đó! Có thời trang thành mốt (mode) lâu dài, có khi lại chỉ là đồ chưng xa xỉ không cầm cự được với thời gian! Lý luận cho lắm rốt lại, văn chương là ở cách thể hiện. Thẩm mỹ học mới, ý thức mới quan trọng, vì chính ý thức sáng tạo có mới, có độc đáo, khác biệt, riêng tư,... thì kỹ thuật, ngữ điệu, ngôn từ, hồn thơ mới cất cánh bay được! Với người Việt, thiển nghĩ phải rời quá khứ, phải ra khỏi mọi trường phái, thời thượng,... thi ca mới bay bổng và có mới! Cứ nhập nhằng truyền thống, quá khứ, núp bóng, theo lối mòn, theo gót, ... thì lại quy-hồi, trở lại điểm khởi hành mất! Phải tự tin và tự túc, tự hình thành! Vũ trụ thơ là một vũ trụ con chữ, xử dụng với mỹ học khiến thơ hay. Ngôn ngữ có những ký hiệu ước định của nó. Có ngôn ngữ mới có văn chương, nhờ hư cấu, sáng tạo mà ngôn ngữ trở nên văn chương và ngôn ngữ đó đến được với người khác, với ký hiệu ườc định của ngôn ngữ thơ! Thật vậy, tổ chức ngôn ngữ tạo nên thi-tính, tức, thơ có cách tổ chức ngôn ngữ riêng. Thơ luôn ở tiếng nói của con người xử dụng nó trong thời gian và không gian! Tóm, thơ hay là thơ thành công, độc đáo, khi tự thi-bản thơ là một vũ trụ, một khối tự lập hình thành từ nhiều cấu trúc, yếu tố, và một khi đã thành, trở nên một ngôn ngữ riêng biệt! Thi-bản / văn-bản (texte) phân phối lại ngôn ngữ (écriture), nhưng ngôn ngữ cũng phân phối lại văn bản. Những câu lục bát bị cắt, chấm câu, xuống hàng và viết hoa theo nhịp điệu, ý thơ, v.v. đến với người thưởng thức như một văn bản mới và như một ngôn ngữ thơ mới, khác. Thơ cần hình thức để dễ nhận diện, đó là lý do tại sao Tân Hình Thức vẫn giữ hình thức thơ. Nhưng theo thiển ý hình thức thơ chưa đủ, đã là thơ thì phải có tính thơ (poétique); có thi tính thơ mới đạt được cảm xúc, có cảm xúc mới đi đến vấn đề khái niệm hóa và từ đó mới có lý thuyết, lý luận thi ca! Thơ là để cảm (người khác), đánh động tâm linh, tâm thức. Sáng tạo trong thơ là tác động cá nhân, riêng tư, nhưng một khi đăng báo, xuất bản, thơ đã mang ý nghĩa xã hội, văn hóa rồi - trước khi trở thành một lý thuyết, trường phái. Canh tân, làm mới, phải có ý thức mỹ học trước rồi đưa đến tiêu hóa sau mới ra đời thành nghệ thuật! Thơ hôm nay đòi hỏi độc giả “mới” nhưng hình như giới này thu hẹp, chia phân! Và như thế, thơ hải-ngoại lại đang ở ngã ba đường!

Lưu Đày Tính

30 năm qua, thế-giới đã nhìn thấy sự hình thành của một tập thể lưu-đày mới mang tên Việt Nam. Và một “nền” văn-học từ đó phát sinh và lớn mạnh: sau 1975, ý niệm “lưu đày”, “lưu vong” đã đến với văn chương Việt Nam và đã thay đổi nội dung nhiều lần. Tình cảnh lưu đày bắt đầu luôn luôn với một biến cố quan trọng, bất ngờ và không có chuẩn bị trước và phải có thay đổi cuộc đời. Tình cảm lưu đày có đặc tính là của chung, của những người cùng sống xa quê hương - dĩ nhiên có cả lưu-đày, biệt xứ ngay trên quê hương! Nói lưu-đày tức nói đến chính trị và lưu-đày đi đôi với quê-hương! Sau biến cố năm 1975, người Việt lưu đày với ý tưởng đã mất hết, mất hết một cách tức tưởi dù vẫn có hy vọng. 30 năm sau, tùy cá nhân mà cái lưu đày đó đã trở nên chai lỳ, đã quen hay vẫn đầy nước mắt và tâm thức đọa đày, qua phân! Người cầm bút lưu-vong thường đến với các đề tài chính: quá-khứ, kẻ lạ, cái chết và hội-nhập.

Quá Khứ là đề tài thường thấy nhất! Người lưu đày có những nhu cầu, hy vọng và những âu lo riêng. Trong tình cảnh đó, quá khứ trở thành tổ ấm, ngọn lửa. Thời gian đã qua khiến dĩ-vãng trở thành một thực tại thường trực, bất biến! Quê hương của người lưu đày như đối với người Việt sau tháng Tư 1975 là một quê hương đã mất nhưng đồng thời quê hương đó cũng trở nên không chắc chắn, mơ hồ vì cái mất mát ở đây không thể đo lường, thống kê như khi người ta đánh mất vật dụng hay tài sản! Quê nhà, không gian ấy, Sàigòn hay Nha Trang, Hội An, Hà Nội, ... sống động trong những trang viết hay trong điệu nhạc, đối với người viết, như một hạnh phúc được sống lại, như đang sống, hạnh phúc còn có thể tìm thấy trong văn chương, nhờ đó mà còn có thể qua văn chương đi thăm lại những con đường khu phố xưa, càng xưa càng thấm, càng nhớ! Những trang chữ gộp lại có thể chỉ là bước đầu của một hành trình về lại quê nhà. Dù rằng ta không thể nào đặt chân hai lần vào cùng “một” dòng sông, nói như nhà hiền triết Hy-Lạp Heraclitus, quá khứ chỉ còn là những lắng đọng, cái còn lại của thời gian, cái còn lại sau khi đã mất tất cả!

Quá khứ, quê nhà trở thành một đề tài tưởng chừng không bao giờ cạn, chỉ nêu vài tác giả như Hồ Minh Dũng, Lâm Chương, Hồ Đình Nghiêm, Tâm Thanh, Lê Minh Hà, v.v. Văn chương người Việt ở hải ngoại phần lớn nội dung là quê nhà và ngày cũ, cũng mảng văn học ấy khai thác những đời sống ở những không gian địa lý trước đó chưa là đề tài quen thuộc của các tác phẩm khi chưa mất quê hương! Đây là lý do văn chương “miệt vườn” nở rộ ở thập niên đầu! Lần đầu người miền Nam lục-tỉnh xa quê, tâm tình lưu đày đặc biệt, nông nỗi, mãnh liệt. Quá khứ, đời sống lịch sử và con người miền Nam được dịp phơi bày lên trang giấy văn chương, cũng như 21 năm trước đó, cuộc di cư 1954 từ Bắc vô Nam trên cùng lãnh thổ đã là nguồn văn chương cho nhiều cây viết Bắc cũng như Nghệ Tĩnh Bình! Lúc đầu phải nhớ cái gì đáng nhớ, cái gì mất mà nhiều người tiếc nhớ, nhưng rồi như người trưỡng thành, người ta hết ngại viết về những tiếc nuối và kỷ niệm dù vụn vặt, của một nhóm nhỏ. Tác phẩm họ do đó đã trở thành tấm gương, thành ánh phản chiếu lại, dù hiu hắt đến mấy, cái đời sống ở một không gian cũ, qua đó, cả một xã hội và thời đại! Gợi cái cũ, cái đã mất, để nhung nhớ, để cùng nhớ nhung, như tiếng cầu bình an, hạnh phúc và nghĩa tình bạn bè, thân quen. Viết do đó là tâm sự với chính mình, với người quen, những đồng môn, đồng hương, những người cùng thế hệ, có chung phần nào quá khứ! Để rồi có người sống với tự hào hoặc như sống lén lút với người tình: tự hào một chính nghĩa, một phong hoá, một gốc nguồn, lén lút vì sợ hiểu lầm lẩm cẩm hay chưa trưỡng thành! Quê nhà trong văn chương ở cuối thập niên thứ hai đi sâu hơn vào chi tiết, những chi tiết chưa được khai thác! Thành phố, xóm làng, từng khu phố dù tầm thường tới mấy đi nữa đều được người viết khai thác kỹ càng! Ngay một ngôi trường cũ nào đó (từ thủ đô đến tỉnh rồi xuống quận) cũng được nhiều người viết xoi bói từng góc lầu, từng hốc hảnh nơi đó ngày xưa họ từng đã ở đó, họ hạnh phúc, vui chơi đánh đáo, nhảy giây (những trò chơi cũng đang biến mất!), nói tiếng yêu lần đầu hay chỉ là những cái nhìn lén ở tuổi mới lớn! Những chi tiết, tình huống của những nơi chốn cho người viết cái không khí quá khứ! Chi tiết, dư vang và kỷ niệm! Thế giới đó hoàn toàn thuộc về họ, bớt hoặc hết còn là không gian của chung, của lịch sử, của nhiều người. Văn chương đi theo những hội ái-hữu những người cùng tỉnh, cùng làng, cùng trường, v.v. mọc lên ở nhiều nơi, nghĩa là nơi nào có người Việt cư trú! Những thay đổi chính trị thế giới gần đây cũng giúp cho sự tìm kiếm và sống lại quá khứ rẻ ngã quặt, xảy ra trên ngay bản địa, qua những con đường cũ, khu phố xưa, những người thầy, bạn, đồng ngũ, v.v. Viết về quê hương và quá khứ để đối chiếu với hôm nay, với đời sống lưu-xứ. Trong đó sau cá nhân, gia đình đã trãi qua nhiều biến thiên nhất! Biển dâu văn hóa ở ngay gia đình là nền tảng của xã hội cũ, trước đây! Nếp sống gia đình thay đổi, nền tảng khả thể sống của con người biến dạng, cá nhân trở thành vong thân, không gian mới khiến con người hết trung thành với chính mình, như cắt đứt với quá khứ. Trật tự tưởng nghìn đời nay đã mất, cái mất mát này đưa họ đến một vị thế một nơi chốn có thể trung lập nhưng đáng lo vì những cột mốc tham khảo, chiếu văn hóa, vừa bị xóa hết, những thẩm quyền cũng lạc chỗ hết! Nếp cũ trở thành nguồn của hạnh phúc, thành hy vọng. Quê nhà do đó trở nên điểm tựa, cho những tham khảo, níu kéo đã mất đó! Nhưng với thời gian, nỗi nhớ cũng trở nên già cỗi một cách bi thảm, khó khăn. Nỗi nhớ trong cô đơn, giữa những thê thảm của cảnh vật chung quanh, ... đã là những yếu tố làm suy bại kẻ lưu đày! Quá khứ quấy rầy đến làm hỏng cuộc sống hiện tại; đã dứt bỏ quá khứ nhưng không dễ, lắm khi bị thương tổn nặng! Biển là hình ảnh, biểu tượng thường có mặt trong văn-học hải-ngoại: thơ Du Tử Lê, Mai Thảo,... văn Nguyễn Ngọc Ngạn, Cao Xuân Lý, … Biển còn đồng nghĩa với bỏ đi, tìm đường sống, với Võ Kỳ Điền với Pulau Bidong, Miền Đất Lạ (1992), Vũ Thị Dạ Thảo (Phía Bên Kia Biển Lớn, 1993),… Biển cũng rơi vào đấu-tranh chính-trị chung quanh tập phỏng vấn người hải-ngoại Nếu Đi Hết Biển (2003) của Trần Văn Thủy, một nhà văn trong nước. Quá khứ đã thuộc về cảm-tính!

Kẻ Lạ (người ngoài, người xứ khác,..) là đề tài thứ hai thường thấy. Trong diễn trình hội nhập, phát hiện khủng hoảng về cội nguồn, căn cước, diện mạo (ta là ai?). Trong thời gian đầu xoay sở thích ứng, người lưu đày có tâm thức bị bỏ rơi, vô định, sau đó tâm thức đó trở thành tâm thức kẻ lạ như bất cứ di dân nào khác chung quanh. Ta và tha nhân thay nhau đóng vai kẻ lạ và Ta đã thành kẻ lạ. Thân phận kẻ lạ, nhân cách bị trấn lột, cắt vụn nhỏ. Sự đánh mất cái hiện hữu, những thất vọng và cái chết, ... là những tâm tình lúc đầu, tức cảnh thành thơ đau xót sống ở cõi tạm xứ người với tâm tình đã mất hết khó lòng có ngày nhìn thấy quê nhà trở lại. Thơ lưu-vong gần với đêm tối, âu lo, tuyệt vọng, một cái chết say; ngôn ngữ trở nên lãng mạn đầy hơi rượu. Trong khi Thanh Nam (Đất Khách, 1983), bi quan, cúi đầu, thì Cao Tần diễu cợt cuộc đời lưu vong lạc lõng - giọng điệu gần Kiều Phong hơn là Lê Tất Điều đôn hậu trước đó.

Quá khứ là nhất, quê nhà là nhất, mà đã mất, nên cái hiện tại không có gì đáng giá, đáng thưởng thức. Nhà văn nhà thơ từ lựa chọn trở thành nạn nhân của mơ, chìm đắm như trong cái chết. Lưu đày đồng nghĩa với mộng mị cho nhẹ kiếp người! Người tình, kẻ thân yêu,... như xuất hiện, hiện ra từ cõi mơ! Kẻ lưu-vong dễ chuốc căn bệnh ngỡ ngờ, mới trông ngoại hình đã đoán kẻ ấy xuất thân nơi đâu! Nguyễn Ngọc Ngạn, Song Thao, Hồ Đình Nghiêm, Trần Hoài Thư, Đặng Mai Lan, ... thì nói nhiều đến “kẻ lạ” trong cái nhìn của đồng hương, trong những liên hệ, đối xử. Nguy hơn nữa khi tìm ra “kẻ lạ” trong cái nhìn của chính mình, nội tâm trở thành hang động càng đào sâu thêm càng thấy hụt hẫng: Lưu đày tức cô-đơn và trong cô đơn mở ra hiện tượng lưỡng nhân cách, nhị trùng, ở nơi đất mới, chỗ làm, ở nhà, trong quán ăn, với bạn hữu. Trong ngôn ngữ, giải trí, v.v. Lưu đày trong công việc làm. Nơi làm việc ráng hội nhập như người bản xứ, nói tiếng người, nhưng ra khỏi đó thì sống như người Việt, tức sống nửa thật nửa giả, lâu thành kẻ lạ. Tình cảnh nhị trùng có thể đưa đến bóng tối, bi quan, thất vọng, vắng mặt, lỗ hổng đen, có khi đổ bệnh, thường là tâm thần, xã hội, bệnh không thể hội-nhập, dị ứng hội-nhập, sống bên lề. Tình cảnh nhị trùng cuối cùng rõ ra không phải là giải pháp. Phải tìm cách chữa trị! Ta không còn ở thế cho, ban phát, mạnh, mà trở nên người bệnh phải chữa, những vết thương rướm máu không lành! Hoàng Xuân Sơn, Giang Hữu Tuyên, Hà Thúc Sinh, Bắc Phong biến vết thương rướm máu thành niềm hy vọng; Nguyễn Mạnh Trinh, Phan Xuân Sinh vẫn giữ được nét ngang tàng trong đời mới; Tưởng Năng Tiến vùng lên từ tủi nhục thân phận chung. Nếu không, chỉ là cái chết!

Đề tài Cái Chết trở lại thường xuyên với người viết lưu-đày. Du Tử Lê đem vào thơ hình ảnh cái chết non, tức tưởi, kết thúc một cuộc sống đứt đoạn, từ chối hội nhập và đời sống mới. Rồi “miếu đền” của Mai Thảo! Chết nên mới nghĩ đến di chúc. Di chúc sớm cho người cùng thời mà như cho người sau, vì với những kẻ vì hoàn cảnh phải ra đi thì cái chết không là nỗi hãi sợ lớn, có khi cái chết trở thành nỗi ám ảnh biết là đang chờ đợi! Càng về sau càng có những nhà văn thơ can đảm lấy cái chết làm đề tài. Người theo dõi văn học hải ngoại có khi giật mình đọc những văn bản văn học mà có cảm tưởng đọc di chúc. Cái chết là trực diện, còn kiếp sau thì nói cho qua, dễ nói: kiếp này không yêu được đến nơi đến chốn thì hẹn kiếp sau, đời sống dĩ lỡ, thôi chờ kiếp khác, mơ mộng đổi đời ở kiếp sau, v.v. Nhưng cái chết là chuyện không thể tránh, cái sẽ đến và sẽ đến, như cuối một đoạn đường, chỉ có trước hay sau; trong tình cảnh lưu-đày trở thành cái tức tưởi, đớn đau vì như thiếu sót gì đó, như không tự nhiên! Thành thử phải lên tiếng, phải cho người khác biết tâm thức bất thường đó! Nhưng cái chết dù sao cũng trở thành thiết yếu cho tương lai, như màu mỡ cho đất lạ, trở thành bông hoa, mầm sống, nhưng trong một không gian xa lạ, lạ từ khí hậu, cây cỏ, cảnh vật đến nhịp sống, khiến tâm thức lưu-đày trỗi dậy. Hình ảnh miếu đền hiện ra trên hành trình tâm thức đến với cái chết như là ý nghĩa sau cùng, lúc thân xác suy thoái, hủy hoại.

Lưu đày có thể trở nên nội tâm, nhập ngã-thể. Nhà thơ Thái Tú Hạp thì nhìn cái chết qua ngã tâm linh, một cuộc phiêu lưu thường là cá nhân. Tác phẩm ra đời từ âu lo, đau khổ phận người, lời thơ trở nên cứu rỗi, giải thoát, cho cá nhân mà cũng là cho tập thể cùng hoàn cảnh. Nhưng cái chết từ điểm ngộ này hết là cá nhân, mà trở thành xã hội, tập thể. Những nổ lực gây dựng cộng đồng xác nhận cái chết không phải là mục đích, mà là một tái dựng, không phải là đêm tối hay trống không mà là ánh sáng dù le lói yếu ớt nhưng loan báo một cuộc đời mới! Một trú ẩn vĩnh cữu! Trở thành vong thân, mất bản ngã, mất hiện sinh, đưa đến cái chết và xương, và miếu đền,... Có người muốn trở về tuổi thơ và thời ngây thơ đã mất; ở đây ý thức mưu toan trốn tránh hiện tại. Tất cả mọi di dân đều lưu giữ chất truyền thống trong thân xác và tâm thức, trong người họ luôn có một phần lưu đày! Người nghệ sĩ lưu dân đem một phần quá khứ đến cho hiện tại, đem giấc mơ gắn vào thực tại. Nhưng trong một tình cảnh bi đát vì bản ngã đang bị pha trộn, giữa hai chọn lựa, cả lâm vào tình trạng bị tước đoạt bản ngã văn hóa, sau khi đã mất bản ngã chính trị và kinh tế ! Ta có thể trung thành với bản ngã, với mình, hơn là chấp nhận sống trong một xã hội “vay mượn”! Thành thử nếu rơi vào tình trạng đi trên mây, lạc lõng, là một hình thức lưu đày nhưng phải chăng lại là một tình cảm chưa trưởng thành? Điên loạn tâm thần, ứng xử cũng là một đề tài được nhiều người viết đụng đến, riêng những truyện của Kiệt Tấn là thành công nhất!

Hội Nhập là đề tài cuối nhưng ngày càng hiện diện trong văn-chương chữ nghĩa! Đối với thế hệ đầu, lưu đày là sống một đời sống mới, trong hoàn cảnh chẳng đặng đừng, cho hy vọng nẩy sinh. Hạnh phúc không cho bản thân thì thôi đành sống những mảnh hạnh phúc trong hy vọng, trong hạnh-phúc của người khác, của con cái, người thân hoặc của cả đồng hương nơi địa phương. Đời sống mới ở xứ người không thể là một mục đích vì thường với hy vọng, người ta mong đó chỉ là một giai đoạn tạm bợ, chuyển tiếp, dù có lúc nhìn nhận đây là nơi đất hứa! Các nhân vật của Nguyễn Xuân Quang, Hoàng Chính, Mai Kim Ngọc, Song Thao, Nguyễn Thị Thảo An, Lê Thị Huệ, Nguyễn Trung Hối, Miêng, v.v. cuối cùng đã hội nhập, đã sinh hoạt bình thường. Xa lạ trở thành đất hứa vì nhu cầu nhập thân vào thiên nhiên, vào khung cảnh sống, khả năng người Việt có thừa, lịch sử đã chứng minh như vậy!

Hội nhập đã là một trong những đề tài chính của văn học hải ngoại. Võ Phiến trong Thư Gửi Bạn (1976) và Lại Thư Gửi Bạn (1979) quá Việt Nam, không tin vào hội nhập vì nghĩ rằng tâm hồn Việt Nam không thể hội nhập; ông giữ mình, lấy mình làm tham khảo, đến soi mói, nghi ngờ hàng xóm bản xứ. Võ Đình ở ngoài nước đã lâu, trong tác phẩm vẫn có những vấn nạn về hội nhập, những tham chiếu văn hóa ta với người. Lê Tất Điều sau những hí họa cuộc đời Ly Hương (chung với Võ Phiến, 1977) đến Thư Về Bloomington, Illinois (1997), những tư duy về con người, đời sống và vũ trụ, của một người tị nạn, vẫn mạnh hơn là một hội nhập dứt khoát. Nguyễn Xuân Quang với Những Mảnh Đời Tị Nạn hay Nguyễn Ngọc Ngạn trong nhiều tiểu thuyết đã dùng cuộc đời đa dạng của người Việt tha hương làm nền. Nguyễn Bá Trạc qua Người Tị Nạn Di Cư Nhức Đầu Vừa Phải (1993) tiếp tục những suy tư âu lo cho cả cộng đồng. Nhà văn Song Thao từ ngạc nhiên trước những lối sống của người đến dùng cái nhìn Việt Nam để cắt nghĩa, dàn xếp mọi chuyện. Nguyễn Trung Hối thuộc về lớp ra hải-ngoại sau cho nên ít hay không bị những dằn vặt của hơn 20 năm lưu xứ ám ảnh; nhân vật ông tiến xa hơn, thoải mái hội nhập bằng hành động, lối sống, trực diện chứ không còn chỉ “cười và liếc” người bản xứ hay cả với đồng hương như Võ Phiến, Lê Tất Điều, Song Thao, v.v.

Tương lai văn-học hải-ngoại?

30 năm sau, sự lưu đày của hơn hai triệu người Việt đã trải qua nhiều biến thiên và nhiều hệ-quả. Ngay sau ngày 30-4-1975, cộng-đồng người Việt ở hải ngoại chia đôi và đối nghịch nhau về chính trị: đa số tị nạn chính trị và một thiểu số thân Cộng hay thân chế độ trong nước. Hai văn hóa chính trị, hai thái độ sống, hai ngã hy vọng đối chọi nhau. Với thời gian và với nhiều đợt thuyền nhân, tị nạn cộng-sản và đoàn tụ gia-đình cũng như biến cố H.O. và vài thay đổi trong nước, hai văn hóa chính trị đối đầu nói trên đã thay đổi. Kẻ thân cộng người thì buông Cộng và giấu mặt mà sống, người thì trở nên cán bộ xã hội xin tiền đem về giúp người tật nguyền bất hạnh để sám hối hoặc để giải tỏa cho cái gọi là “lương tâm” hoặc để tiếp tục được xem là ... “trí thức”, người khác tìm cách đến với cộng-đồng mà trước đó họ nhìn như kẻ thù để nịnh bợ và xâm nhập vào các sinh hoạt chung, người thì tuyên bố chỉ làm văn hóa như viết tiểu thuyết lịch sử, làm thơ, cả lý luận chuyện phải làm. Còn những người lúc đầu “quốc gia” dần thành “không cộng-sản” lớn dần với những tiếng nói “lương tâm” hay thuần bất mãn ở trong lòng chế độ trong nước và người Việt ở Đông Âu; ý thức chính trị của đa số này phân hóa thành nhiều hình thức khác nhau nhưng nhiều người thực tâm với đất nước. Ba mươi năm sau, tình cảnh lưu đày thực sự về thân xác và tinh thần thu gọn lại rất nhiều; đa số đã ổn định, biến lưu-đày thành định-cư, nhận đất mới làm quê-hương dù vẫn là thứ hai trong tâm tưởng và thường là với thế hệ thứ nhất. Các thế hệ con cháu có thể sẽ vẫn có người mang tâm thức lưu vong nhưng đối với các thế hệ này, quê-hương sẽ trở thành một tìm về nguồn gốc. Diễn trình ngược chiều về quá khứ, kẻ lạ và vấn nạn về cái chết cũng như hội-nhập!

Ở hoàn cảnh lưu đày, sống ở ngoài, chịu hệ-lụy và cả hạnh-phúc của nó, người ta hiểu rõ hơn thế nào là quê hương, đất nước. Những định nghĩa như “văn học truyền thống”, “chính nghĩa”, “quốc gia” sẽ trở nên hẹp hòi. Mặt khác, truyền thống có thể là “tự do”, “quốc gia”, “không cộng-sản”, nhưng nếu không có chất Việt thì lại là cưỡng bách văn hóa rồi - chất Việt ở đây đã hiểu là cập nhật với thời đại! Vả lại, nếu chúng ta cứ khư khư với truyền thống, văn hóa gốc, cứ đi sâu lùi vào đó, ngoảnh mặt lại thời gian đang trôi qua, thay đổi đang diễn ra, thì nhà văn ta càng lưu đày văn hóa hơn nữa, vì lúc đó ngôn ngữ truyền thống trở nên một loại ngôn ngữ phiên dịch.

Văn học người Việt ở ngoài nước sau 30 năm đã và vẫn chứng tỏ sức sống và sự phong phú đa dạng nhất là về kỹ thuật! Nhưng rồi hải-ngoại đã và sẽ dần yếu, theo nhân sự và khuynh hướng cùng sở thích của thời thượng, bớt đa dạng và sẽ dồn về một số thể-loại trội bật hoặc còn hơi sức; ngọn đèn sẽ tỏa dịu lại, không thoi thóp thì cũng chỉ lóe ở một vài hướng gió thuận, được chờ đợi và chấp nhận như là hy-vọng, thực tại! Không ai có thể tiên đoán tương lai văn hóa ở hải ngoại đứng (vững) hay nằm (xuống)? Khó trả lời những câu hỏi nền tảng như “Ta là ai? Tại sao ta lại ở đây?”. Chuyện kiểm thảo, tự vấn tự xét là chuyện bình thường! Ở đây hay quê nhà tựu trung, đối với văn chương cũng như lịch sử, là một nghi vấn vô nghĩa. Thời gian và hiện sinh rồi ra cũng chỉ là những khía cạnh và hiện tượng, của quan niệm và của tâm thức! Nói lưu đày trong thơ văn vì lưu đày còn là một cái sống thật của con người. Nhiều nhà văn nhà thơ đã giãi bày tâm-cảm, có thể có người chưa nói hết; còn tâm-thức chung của cả tập thể cần nhiều phân tích và quan sát khác! Cuối cùng thì phải nhìn nhận rằng tình cảnh cũng như cảm nhận lưu-đày đã thay đổi và biến hóa theo thời-gian!

Văn học trong nước nhờ gắn liền với đất nước có lợi thế phát triễn, có đa số người đọc, tưởng đã lấn át văn học ở ngoài; nhưng những năm 1990 lại thêm một lần chứng minh văn học sẽ chỉ phát triển tốt nếu môi trường và nhân tố thích hợp: ở ngoài vì sự ngăn cách không gian và bị chính trị khuấy độc, trong khi trong nước bị kềm kẹp và văn chương đã mất đi giá trị trong một xã hội coi thường văn hóa, xem văn hóa như là sản phẩm thị trường sau nhiều thập niên đã lợi dụng văn hóa để thăng-hoa chiến tranh, bạo động! Trong nước được cuộc chiến-tranh lạnh cởi trói, được buông thả cho tự-do (bên trong một lằn giới), hân hoan đón nhận gió mới từ ngoài, từ thế-giới người ta và từ Ta hải-ngoại, hội-nhập với thế-giới và Ta ở ngoài. Văn-học hải-ngoại so với trong nước, có thể đang yếu thế về nhân sự - tác-giả và người đọc, nhưng nội-dung và sản-phẩm sẽ cung cấp cho người đến sau cũng như người sinh hoạt văn-học nghệ thuật trong nước những cô-đọng thành tựu, kết thành - chất xám, chất tủy văn-hóa, từ một truyền thống, một nguồn! Mở ngoặc để ghi nhận rằng những cái gọi là khám phá văn-hóa, văn-học thế giới của người trong nước những năm gần đây, đã từng đến với những người làm cùng công việc văn-hóa nghệ-thuật của miền Nam trước 1975 và ở hải-ngoại! Đi con tàu nghệ-thuật chuyến sau (về thời-gian, cách biệt cả 30, 50 năm), nhân sự hôm nay có thể tiếp nhận và hội nhập cách khác trong một không-gian khác biệt và rồi nhả tơ đẹp hơn chăng?

Văn học dù ở ngoài nước đã gắn liền với vận mạng dân tộc. Ngoài những hoa hoè hình thức, thử nghiệm, những tác phẩm đánh động lòng người vẫn là những tác phẩm mạch lạc, dân tộc! Vấn đề sáng tạo, cái mới đã thường xuyên được đặt ra, có khi nhẹ nhàng, có khi cấp thiết và tàn nhẫn. Văn chương tồn tại và sống động phải có mới và phải có tính sáng tạo, dĩ nhiên sáng tạo có nghĩa là làm nên, đem lại cái mới chứ không phải chỉ xuất bản nhiều, viết nhiều! Cái mới, sáng tạo còn có nghĩa là đổi mới văn chương, làm mới tiếng nói thơ văn. Hoặc viết về những đề tài tưởng chừng cổ điển mà thật ra là những phát hiện mới về con người và xã hội, những vấn đề mới của nhân loại, của con người vĩnh cữu! Phát hiện cái mới của vốn truyền thống, chống cái mới để phát huy truyền thống; từ cái cũ làm mới!

Văn học Việt Nam đang ở vào một tình cảnh đặc biệt từ 30 năm qua: Câu nói hy vọng hay tiên đoán của Phạm Quỳnh trên Nam-Phong tạp-chí năm nào, “tiếng Việt còn, nước Việt còn” đã trở lại thời sự nhất là với người ở ngoài nước, họ không còn là con số ít “không đáng kể” của cộng đồng người Việt ở Thái Lan thời chúa Nguyễn Ánh bôn ba. Người Việt hải ngoại hôm nay trên hai triệu người phần lớn vẫn còn viết và nói tiếng Việt, cộng đồng đó có hàng ngàn tạp chí và báo chí và cả một “nền” văn học về mặt ấn phẩm đã không thua gì toàn bộ trong nước với số lượng 30 lần to lớn hơn. Việt kiều ở Thái-lan từ thế kỷ XVIII có thể đã từng ra một loại báo viết tay để thông tin và giúp nhau bảo tồn tiếng Việt, hãy còn để lại những văn bản chữ Nôm và quốc ngữ, nhưng họ hoàn toàn không can thiệp vào đời sống trong nước thời bấy giờ. Câu hỏi đặt ra cho người Việt hải ngoại hôm nay: “tiếng Việt còn, nước Việt còn” nhưng “còn” như thế nào? Hay đã đến lúc phải đảo lộn câu nói của Phạm Quỳnh thành “ nước Việt còn, tiếng Việt còn” hay bi quan hơn “dân Việt còn, tiếng Việt còn”? Vấn nạn vượt khả năng của văn học!

Nhà phê bình văn chương chân chính vẫn là hậu thế và văn chương vẫn có những vĩnh cữu! Những lý thuyết văn chương lớn: hiện tượng học, mác xít, hậu hiện đại, ... phản ánh trong những lý luận phê bình và sáng tác, gây phong trào, nhưng rồi ra cũng chỉ là những hiện tượng ngắn hạn. Là tấm gương của sinh hoạt văn học, thể loại phê bình, nếu so với những thể loại khác như tiểu thuyết, thi ca, rõ có yếu nghèo thật. Phê bình có vai trò tổ chức quá trình văn học, định hướng canh chừng cho sự phát triển chung của văn học. Một nền văn học “mạnh khoẻ” phải có phê bình mạnh theo, như bạn đồng hành, như người hướng dẫn tốt có trách nhiệm phát hiện những nỗ lực sáng tạo, những cái mới, cái làm sinh động văn chương! Có thể đây là một phần lý do có những thời sáng tác không định hướng, “mồ côi”, thiếu hổ trợ của ngọn lửa phê bình để “xôm trò” hơn như hiện nay. Nhìn lại phê bình và cả “thị trường” văn chương hiện nay, như một bãi chiến trường sau một cuộc tranh hùng lớn, nhiều thiệt hại nhân mạng và đau đớn phần hồn, trở về thành phố, những người sống sót nhìn lại nhau lại chia chiếu trên chiếu dưới, phe ta phe địch, trong một phe lại chia ra phe anh em ta, phe “chúng nó”, đưa đến hiện tượng mặc áo thụng lậy nhau hoặc chia chác “danh vọng” tưởng tượng hay từng có thật! Ở hải ngoại (cũng như trong nước), phê bình hãy còn nặng cảm tính, nhiều khi đồng nghĩa với chụp mũ. Lối phê bình đó cho người theo dõi sinh hoạt văn học cảm tưởng ăn theo, tầm gửi. Lý tưởng khi nào thể phê bình làm công tác khai phá, giải mã tác phẩm, khám phá đời sống tinh thần của con người, con người trong xã hội và thời gian, qua tác phẩm và các tác giả. Vấn đề đại diện, chính thống ngày càng tả tơi vì phải hiểu các phe nhóm ân oán từ 30 năm đó. Thành ra có những tờ báo tự nhận là tiếng nói “chung” của “cộng đồng” trong thực tế chỉ là một phe nhóm đang nắm cờ phất tay! Những vấn đề cứu cánh, sứ mạng văn chương cũng đã được nhiều lần đặt lại. Đến cuối thế kỷ XX người ta nói đến nhà văn như con người và xã hội, truyền thống (truyền thống nào?), giai cấp đã hết còn là cứu cánh. Không còn những cái nền ý thức hệ hay lý tưởng, khoảng cách người viết-người đọc còn được đến gần hơn với những kỹ thuật Internet và điện toán. Nhưng vẫn có tính cách thời gian vì họ vẫn phải đương đầu với cái “hiện tại” chưa hoàn thành! Khuynh hướng chung, nhà văn cổ động cho cái thiện phổ quát, không phải cái “thiện” của ý thức hệ, của đạo đức cách mạng theo chính sách như trước! Dĩ nhiên cái nhân bản theo tiến bộ đã phải đối nghịch với bái-vật, vong thân! Hy vọng ở chỗ văn học hiện nay đã có những người làm văn học xoáy vào trọng tâm con người, đào sâu thêm những bề sâu nội tâm hay tiềm thức, mặt trong, mặt trái, mặt thật của con người và tập thể, tìm thực thi cái khả thi. Con người hôm nay cô đơn hơn, mất tự tin và tin tưởng ở người, đưa đến kiếm tìm hư danh,... Phần khác, văn học Việt Nam hải-ngoại sau 30 năm vẫn còn có tính cách bạo động, dù trái nghịch với bản chất văn chương, có thể bản chất con người Việt Nam vốn bạo động chăng dưới bề ngoài và thái độ chịu đựng? Cũng như hiện tượng không ổn khi người đọc và cả người làm văn chương vẫn thường tham chiếu chính trị hơn là thưởng thức, sáng tạo văn chương thuần túy, xem tác giả viết về ai, có hậu ý gì, v.v.

Nếu nhìn về tương lai, sau hội nhập chính trị, xã hội sẽ đến hội nhập văn hóa và văn chương như không thể tránh. Văn học Việt Nam sẽ phải bao gồm những tác phẩm bằng tiếng Pháp, Anh, Na-Uy, Đức, Ý, Tây ban nha, v.v. vì qua đó người viết và người đọc sẽ tìm thấy con người và tâm hồn Việt Nam. Đây nói đến nội dung, đưa đến vấn đề vẫn gây tranh luận với nhiều thức giả và giới viết văn: đó là có nên công nhận các tác phẩm viết bằng các thứ tiếng khác tiếng Việt? Theo chúng tôi, văn học hải ngoại cũng thuộc văn học Việt Nam và người Việt viết tiếng gì thì cũng là của người Việt. Ngôn ngữ chỉ là một phương tiện, trong văn chương người ta đi tìm cái Đẹp, cái chân dung và tâm tình của con người, cả cái tâm văn-chương của người viết! Cho đến những năm 1970, 1980, các nhà văn học sử thường có quan niệm văn học nước nào phải viết tiếng nói nước đó, đó là lý do khiến các nhà văn Việt Nam viết tiếng Pháp như Phạm Duy Khiêm (Nam et Sylvie 1957,...), Phạm Văn Ký (Fleur de jade 1943, Frères de sang 1947), ... bị các nhà văn học sử Việt Nam không nói tới và họ được các nhà văn học sử Pháp xem là nhà văn ở các nước thuộc địa hoặc nước Pháp hải ngoại (outre-mer). Vả lại, đối với người đọc Pháp, họ là những tác giả của-lạ (exotique)! Muốn hiểu Phạm Quỳnh, Nguyễn Tiến Lãng (Chemins de la révolte 1953, ...), Lê Hữu Khoa (Prison, corps, exil, animalite 1990), Vi Huyền Đắc, Võ Long Tê, Lý Thu Hồ (Printemps inachevé 1962,...), Đinh Linh (Fake House 2000), Kim Lefèvre (Métisse blanche, 1989), Linda Lê (từ Calomnies 1993 tới Personne 2003), v.v. không thể không đọc những nghị luận hoặc thơ ăn của họ viết bằng tiếng Pháp, Anh! Muốn hiểu thế hệ trẻ sanh ra hoặc trưởng thành ở Hoa Kỳ - chính họ tự nhận là Vietnamese-Asian-American, dĩ nhiên là không thể không đọc những Barbara Tran (In the Mynah Bird’s Own Words), Mộng Lan (Song of the Cicadas), Dao Storm (Grass Roof, Tin Roof 2003), Monique Truong (The Book of Salt 2003), v.v. Ta nên có cái nhìn đa văn hóa, khai phóng như những chính sách văn hóa đa diện, đa văn hóa, khoảng ba thập niên nay, nhiều nước đã mở rộng đón những nhà văn nghệ gốc thiểu số với những tác phẩm bằng ngôn ngữ gốc của họ. Thí dụ ở Canada, Canadiana được giới chức thẩm quyền xem là gia tài văn hóa của Canada bao gồm những sáng tác và công trình văn hóa bằng lưỡng ngữ Pháp-Anh chính thức của đất nước này, xuất bản ở trong nước, mà còn bao gồm cả những tác phẩm do người Canada xuất bản ở ngoài nước cũng như cả những tác phẩm bằng tiếng gốc do người Canadian gốc thiểu số xuất bản tại Canada.

Theo thiển ý, cái còn lại của 30 năm văn học hải-ngoại vửa qua là tính cách dân tộc, hiện đại, khai phóng và nhân bản cũng như hội nhập mà một số tác giả đã thành công để lại qua tác-phẩm! Hành trình của văn học hải-ngoại cũng là hành trình của người Việt nói chung đứng trước hiểm họa vong thân và ngoại xâm, lãnh thổ cũng như tâm hồn, đã đi từ kiếm tìm căn bản dân tộc đến với hiện đại, nhân bản, từ cái lõi chung dân tộc đến lõi chung của gia tài văn hóa nhân loại!