Trương Vĩnh Ký sống đạo người Việt

Nguyễn Vy Khanh

[Chương V “Cuốn Sổ Bình Sanh”. Trương Vĩnh Ký: Tinh-hoa Nước Việt (Toronto, Canada: Nguyễn Publishings, 2018, tr. 333-352)]

Thân thế Trương Vĩnh Ký đã chìm nổi theo nhân-tâm và dòng lịch-sử của đất nước từ hơn trăm năm qua. Ông sống vào một thời của nhiều đổi thay và khủng-hoảng quân-sự, chính-trị và văn-hóa, ngay ở miền Nam, vùng đất mưa móc của vua chưa thấm đủ đã bị ngoại bang dòm ngó, chiếm đoạt. Làm người Việt Nam thời ông đã không dễ dàng! Theo học Nho truyền-thống hay tân-học? Tiểu-sử ông cho biết gia-đình ông theo đạo Thiên-Chúa, ông được học trong các trường đạo ở Cái Nhum, rồi ở Pinalu gần Nam Vang và cuối cùng ở Penang (Mã-Lai), và ông đã hợp tác (collaborate) với “tân trào” thực-dân. Nhưng cả cuộc đời và qua các tác phẩm và báo chí (Gia-Định Báo, Nam-Kỳ Nhựt-Trình Miscellannées / Thông-Loại Khóa-Trình), ông chứng tỏ đã có những lựa chọn khó khăn nhưng dứt khoát và điển hình của riêng ông. Ở Trương Vĩnh Ký và qua các tác-phẩm của ông, tinh thần dân-tộc đã nhiều lần tỏ rõ! Ông dấn thân, sống và thích ứng hội-nhập với hoàn cảnh ở buổi giao-thời:

“Quanh-quanh quẩn-quẩn lối đường quai,
Xô-đẩy người vô giữa cuộc đời...”

Trước hết, xét đoán từ sự-nghiệp tác phẩm của Trương Vĩnh Ký để lại, trước sau, ông đã nhắm phục vụ dân-tộc qua trước-tác và giáo dục, cổ-động lối học mới, phổ biến và cổ võ việc sử-dụng chữ quốc-ngữ và đạo lý cổ-truyền cũng như nhân-bản nói chung. Năm 1858, đang học ở Penang, Trương Vĩnh Ký xin về chịu tang mẹ theo phong tục Việt Nam (là 3 năm; bà mất năm trước, 1857), lúc đó ông chưa quyết định sẽ trở thành linh-mục và đến cuối năm 1859 khi gặp cô Vương Thị Thọ - người sẽ thành phối-ngẫu ông mới bỏ hẳn ý định tu làm linh-mục (Bouchot 1925, tr. 8) nghĩa là mới học chủng viện và chưa chịu chức Thánh làm thầy Năm, Thầy Sáu và linh-mục như ông Nguyên Vũ (1997, 2002) rồi Vũ Ngự Chiêu (2009) đã cưỡng và quyết đoán - nói năm 1858 Trương Vĩnh Ký là “thày kẻ giảng bỏ tu” và còn tung tin mập mờ gây nghi ngờ dù giả dạng dưới hình-thức nghi vấn “Phải chăng Petrus Key chính là loại “thày kẻ giảng bị trục xuất vì lý do hạnh kiểm” mà Đề đốc Rieunier sau này nhắc đến?” sau khi đã nhắc đến việc một chủng sinh khác bị đuổi học vì hạnh kiểm[1]. Tình thế càng lúc càng bi-đát khẩn trương, ông đã chọn quê hương đất nước thay vì chọn con đường đi tu; về quê, sống trong hiểm nghèo và thiếu thốn như mọi người và hơn nữa như một người theo đạo đang bị triều đình cấm, bắt. Năm 1859, linh mục Belleveaux (Hòa) đưa Trương Vĩnh Ký vào dạy tiếng Pháp và la-tinh ở tu viện Cái Nhum, lại đề nghị sang La Mã học, nhưng ông từ chối không thể bỏ quê hương nghèo khổ và loạn lạc mà đi. Nơi dạy học bị đốt, Trương Vĩnh Ký hành-trình hiểm nghèo năm tháng mới đến được Chợ Quán[2], gặp lại giám mục Dominique Lefebvre, lại đề nghị du học La Mã và Trương Vĩnh Ký lại từ chối. Sau giám mục Lefebvre giới thiệu Trương Vĩnh Ký phụ-tá linh-mục Croc làm thông ngôn cho bộ chỉ huy Pháp Jauréguiberry nơi trường đào tạo thông-ngôn (nơi sau này trở thành trường trung-học Jean-Jacques Rousseau) từ 20-12-1860. Liên-hệ là đây, chẳng có gì là bí-ẩn, là mưu đồ của thực-dân hoặc giáo hội La-Mã cả: đức cha Lefebvre suýt chết vì sát đạo năm 1858, ông được giáo-dân giúp ẩn-trốn về ở Xóm Chiếu rồi thành lập nhà tu Cái Nhum và nhà thương Chợ Quán. Cái Nhum là quê hương Trương Vĩnh Ký cũng là nơi Trương Vĩnh Ký dạy học, nay nơi đó bị đốt, người thì bị ruồng bắt thì ông lên Sài-gòn tìm đến Chợ Quán là lẽ bình thường dễ hiểu thôi! Vả lại, ông từng đã học với giám-mục Lefebvre khi ông này làm linh-mục. Như mọi người đã biết, sau đó, ông làm thông-ngôn cho cả hai bên triều đình và hải-quân Pháp ra Huế điều đình về bồi thường chiến-phí (phái đoàn Simon, traité 5-6-1862), cho phái-bộ Phan Thanh Giản sang Pháp và Tây-Ban-Nha (1863-64; năm 1868, Trương Vĩnh Ký được Ordre royale d’Isabelle la Catholique), làm thông-ngôn cho chính phủ Tây Ban Nha (sứ thần Pacotot), đi Hương Cảng và Trung Hoa (1870), làm công chức dạy học, hiệu trưởng, nghị-viên thành phố, soạn sách giáo khoa, chủ biên Gia-Định Báo, một thời-gian ngắn ra kinh đô Huế làm việc ở Cơ-Mật viện thời vua Đồng-Khánh, sau đó bị thất sủng, ông trở về trước tác, ra báo Miscellannées / Thông-Loại Khóa-Trình và xuất-bản sách cho đến khi mất!

Hành trạng của Trương Vĩnh Ký một trong hai biến cố thường bị xét đoán, đó là chuyến ra Bắc-kỳ năm 1876báo cáo ông gửi thủy-sư đô-đốc C. Duperré (Rapport à l’Amiral par l’intermédiaire de M. Regnault de Premesnil) – mà phần bút ký đã được chính Trương Vĩnh Ký viết tiếng Việt đến năm 1881 in thành Chuyến Đi Bắc-Kỳ Năm Ất-Hợi trở nên một trong những văn-bản bút-ký của nền văn-học chữ quốc ngữ tiền phong đồng thời mở ra một thời văn-học văn xuôi mới.

Những kẻ lên án Trương Vĩnh Ký “tay sai” (lackey) ra Bắc làm báo cáo cho Pháp không thể không nhìn thấy tiếng nói trung thực của họ Trương dù lãnh lương của người Pháp nhưng thẳng người khi nói với họ, cùng những ưu tư (khá khách quan) của ông như phần nhận xét sau trong tờ trình gởi tham mưu trưởng Regnault de Promesnil để chuyển cho Thống-đốc Duperré lúc đó vừa về Pháp vắng mặt ở Nam-kỳ: “Tôi phải thưa rằng thoạt tiên cảnh tượng bi thảm của những vụ cừu hận tôn giáo làm tôi lưu tâm. Người Công giáo và không Công-giáo thù nhau sâu sắc, và trong các biến cố vừa qua nếu các nho sĩ và những người không Công-giáo có phạm vào những tội lỗi ghê gớm, sự thật ấy chỉ vì người Công-giáo lắm lúc đã không hề chịu nhân nhượng trong các cuộc báo thù. Khi tôi đến thăm các chức-quyền Công-giáo, tôi có bày tỏ với các ngài nỗi lo sợ của tôi và làm cho họ thấu hiểu trước, tai hại đối với giáo dân, gây ra bởi hành vi thiếu suy nghĩ của vài người bên giáo. Tôi còn cho rằng giới giáo sĩ đi quá xa khi khư khư đòi bồi thường thiệt hại trước thái độ biết điều của những nhà chức trách bên lương, tôi dám nói rằng họ lắm khi cũng chịu khổ từ phía những người xấu bên đạo. Về điều này tôi chỉ xin kể việc ông Tổng Đốc Nam Định đã nhìn làng mạc bị cướp, bị đốt và một số người trong gia đình chết thê thảm bởi hành vi của những người Công-giáo. (...) Tôi có thể nói là sự công minh của các nhà đương quyền không Công-giáo gia dĩ tình có khi đau khổ về sự quá khích từ phía các giáo dân xấu...”[3].

Là người theo đạo Công-giáo, nhưng vì đất nước, ông khác người, tự cho bổn-phận phê-phán người đồng đạo làm bậy, ở đây là ám chỉ linh-mục Phê-rô Trần Lục. Như vậy, theo quan sát của họ Trương, không hề có chiến-tranh tôn giáo ở các vùng ông đi qua. Và trong chuyến đi này, Trương Vĩnh Ký cũng đã nhìn thấy hiểm họa tham quan ô lại.

Trương Vĩnh Ký đã tận mắt chứng kiến cảnh sống khốn khổ tư bề của người dân thường nhất là ở các vùng thôn quê:

Còn như cái cảnh mà tôi sắp trải ra trước mắt ông, cũng không kém buồn thương. Thú thiệt, ngực tôi phập phồng, lòng tôi buồn bực trước cảnh đói khó đang nhiễu hại đám dân khổ này của xứ Bắc Kỳ. Tôi đã nghiên cứu kỹ các tầng lớp xã hội, rồi một nỗi thương đau chiếm ngập lòng tôi. Nhưng ở đây hãy để cho tôi nói mấy lời cảm cảnh với các nhà cầm quyền địa phương. Họ biết tôi là người khách, có trùm đầu bằng cái áo hộ mạng của Nhà nước Pháp, mà họ vẫn tiếp niềm nở, đàng hoàng, lễ phép chân chất. (....) Người có tiền của, run sợ mà dấu diềm huê lợi của họ. Người buôn bán thì trốn chui trốn nhủi. Người công kỹ thuật âu lo, bởi vì gia tài của Ất, của Giáp đều như phú thác cho tham ô của cả một guồng máy quan liêu. Trong khi ấy, đông đảo người dân - những người không có ai coi ra gì - người thợ ư ? người lao công, cày ruộng ư ? Đều rên siết vì nghèo khó tột cùng và đang trải qua những ngày dài không cơm ăn, không việc làm. Và sự đói nghèo trong dân đà quá mức, khắp nơi rống tiếng hét gào sửa đổi, đòi một sự cai trị đủ sức trị an, để đem ngày mai lại cho dân, để bảo đảm quyền sở hữu, để đem lại cho công nghệ và thương mại sự an toàn và sự hoạt động cần thiết cho chúng sống. Tóm lại là kéo khỏi vực thẩm, kéo ra khỏi nạn đói, dân đen đang hấp hối (...) Cuối cùng, tôi mong rằng quan Toàn Quyền đã có chủ tâm lớn đến quyền lợi của dân chúng khốn khó thì hãy ban cho các câu chuyện vừa kể một sự rộng xét và tin tưởng nó là kết quả của một sự xem xét cẩn thận trong khi tôi làm nhiệm vụ nhỏ nhoi này[4].

Bút ký cũng như tờ tường trình gởi kèm, Trương Vĩnh Ký đã tỏ ra là một con người trí-thức chân chính, lương thiện, không thiên vị tôn-giáo dù ông là người Công-giáo và tu xuất. Cũng như sau này, trong thư gửi cho Toàn quyền Paul Bert ngày 17-6-1886 khi đang làm việc giúp vua Đồng Khánh ở Huế, ông đã xác nhận: “Tôi sẽ bỏ lại bọn nịnh thần, tôi đã lựa chọn những người có thực tài kinh tế mà hầu giúp cho Hoàng Thượng và sung vào Cơ Mật Viện. Những người có tài không thiếu gì, cứ chọn trong số các nhà Nho học theo đạo Khổng, là chỗ tôi thường trông cậy để lo dìu dắt xã hội. Những đạo giáo, cuộc sống xã hội, muốn sanh tồn được ấy là nhờ cái nguyên tắc luân lý mà thôi, mà dầu tôn giáo nào đi nữa cũng gồm chung những nguyên tắc ấy, chớ không có chi lạ. Trong đạo trị nước, nếu biết nghĩ như thế, thời tức nhiên phận sự hoàn toàn chẳng có chi khó, nếu các tôn giáo không làm chi náo động dân chúng, thời Nhà nước cứ giữ địa vị trung lập mà điều đình. Tôi nói đây là có ý muốn cho ông biết rằng, hễ luận đến quyền lợi quốc gia thời tôi không thể kể đến cái đức tin riêng của tôi. Trong bộ sử ký tôi viết, thời tôi cũng đã tỏ cái ấy rồi”[5].

Trương Vĩnh Ký còn tỏ ra con người dân-tộc hơn là người có đạo, đã bênh việc gọi là cấm đạo của các vua nhà Nguyễn: “Người Việt đâu có thù ghét đạo Thiên Chúa! Họ chỉ bất bình phản đối những hành động quá lố của một số linh-mục ỷ có quân đội và chính quyền Pháp mà có những hành vi ngạo ngược. Vì xét cho cùng, đạo Thiên Chuá và đạo Phật có khác gì nhau đâu!”[6].

Tính cách khách quan sử học của Trương Vĩnh Ký càng tỏ rõ ở một đoạn khác trong Cours d’histoire annamite à l’usage des écoles de la Basse-Cochinchine. Dù là người đạo Thiên-Chúa, ông đã nhận xét sắc bén trong mục “Đạo Thiên chúa dưới thời Lê Hiển Tông”:

“Giáo hội mới hình thành ở Đàng Ngoài cũng như Đàng Trong đã gặp nhiều cấm cản thời Lê Hiển Tông. Trịnh Đinh cấm tôn giáo làm mất đoàn-kết đất nước chứ không phải do lòng căm thù một tôn giáo nào, nhưng vì muốn duy trì sự hợp-nhất tôn-giáo, hợp nhất chính-trị khiến cho các chính quyền trở nên nghiêm khắc về tôn giáo. Mục đích của vua An-Nam cũng không khác mục đích của biết bao vua chúa các nước văn minh khác đã cố gắng theo đuổi sự thống nhất tôn giáo trong vương quốc mình, và chắc chắn rằng Charles IX, Louis XIV của nước Pháp, hai vị này cũng đã làm nhiều điều xấu để duy trì thống nhất tôn giáo hơn là tất cả các vua An-Nam cộng lại. Vả lại, ngoại trừ một số trường hợp ngoại lệ, việc cấm đạo ở An-Nam không bao giờ đưa tới những vụ thiêu sống như từng thấy rải rác trong lịch sử các dân tộc khác” (2e vol., tr. 191-192).

Khi viết về việc cấm đạo mà ông và gia-đình ông đã là nạn nhân, ông vẫn tỏ ra công bằng lịch-sử: “Lòng căm ghét của vua Minh-Mạng với người Âu-châu, các giáo-sĩ và Kitô hữu không phải đã có từ trước. Tất cả chỉ bắt đầu sau cuộc nổi-loạn của Lê Văn Khôi khi đã lộ tính cách khả nghi...” (“La haine de Minh-mạng contre les Européens, missionnaires et chrétiens, ne faiblissait point cependant au milieu de toutes les préoccupations de ces temps. C’est surtout après la révolte de Khôi que les poursuites prirent un caractère redoutable...”) (2e vol., 1877, tr. 268).

Trương Vĩnh Ký trong cùng biên-khảo lịch-sử đã nói lại rõ sự thật về sự hiện diện của Cố Du (père Marchand) trong thành Gia Định là do Lê Văn Khôi cho người xuống Mặc Bắc (Trà-Vinh) tìm đưa ông về Sài-Gòn và đưa vào thành rồi quản thúc, chứ không phải Cố Du tự ý theo loạn quân Lê Văn Khôi[7].

Nhà văn-hóa Hồ Hữu Tường, một người thuộc truyền thống tổng-hợp đa văn-hóa (synchrétique) hiểu rõ tinh-túy các tôn giáo, từng ghi nhận: “Riêng đối với nhà trí thức Trương Vĩnh Ký, chuyến đi Pháp đánh dấu một khúc quanh trọng đại trong tâm linh. Ở Pháp, người đã tiếp cận được với nhiều giới trí thức Renan, Littré, Paul Bert, Victor Hugo và xuyên qua những nhân vật này, Vĩnh Ký đã làm quen với những trào lưu tư tưởng tiến bộ Âu Châu. Là một con chiên ngoan đạo, Vĩnh Ký được vạch mây mù mà thấy được Thiên Chúa giáo nguyên thủy. Mặc dầu những tác phẩm về Thiên Chúa giáo nguyên thủy bị Tòa Thánh Vatican cấm đọc nhưng Vĩnh Ký đã lén đọc và tiêm nhiễm cái tinh thần phục vụ đại chúng bình dân và nghèo khổ, mà Đức Giêsu và 12 tông đồ khi lập giáo, đã truyền bá. Đây là một cuộc thay đổi âm thầm trong tâm tư...”[8].

Cả công trình sự nghiệp của Trương Vĩnh Ký đã không hề cổ võ người khác theo đạo Thiên Chúa, không giảng thuyết đạo - cũng như không giới thiệu văn-hóa Tây-phương (ngoài việc dạy và soạn tự điển tiếng Pháp-Việt). GS Nguyễn Văn Trung trong bài giới thiệu nghiên cứu của GS Cao Xuân Hạo “Trương Vĩnh Ký, nhà ngữ học” đã trích thư Trương Vĩnh Ký viết từ Viện Cơ-mật (Conseil privé de Sa Majesté) ngày 16-7-1886 gửi về cho gia-đình ở Sài-gòn: “Mẹ con cùng cả nhà bình an mạnh khỏe. Khuyên mẹ con chịu khó ở nhà coi sóc nhà cửa, coi con cho nó vui chơi. Hễ hỏi ra thì đã về, vì nhớ thằng Tống lắm. Thôi, mình có lòng ngay Chúa cũng phù hộ chẳng bỏ đâu mà sợ, rán một ít lâu cho thành cuộc, kẻo bán đồ nhi phế, đã mất công nghiệp lại người ta cười. Vậy nên phải bóp bụng mà chịu, lòng những lo sợ cho mẹ nó buồn mà sinh đau ốm, nên cầu xin Chúa cùng Đức Mẹ giúp cho mau thành cuộc cho được hưởng cái tiếng với nhau cho bõ những lúc cay đắng cực lòng khi trước”[9]. Thư từ đời tư, Trương Vĩnh Ký đã chứng tỏ sống đức tin mạnh mẽ. Giáo-sư Nguyễn Văn Trung cũng trích bài báo Nam-Kỳ Địa-Phận năm 1919 cho biết Trương Vĩnh Ký thuở sinh thời từng đánh đờn và hát lễ ở nhà thờ Chợ Quán. Một thư-mục về đạo Công-giáo sẽ không thể ghi một tác-phẩm nào của họ Trương (Biên Tích Đức Thầy Pinhô Quận Công... là một biên-khảo lịch-sử hơn là tôn giáo), nhưng thanh-danh ông đã và tiếp tục được ghi trong những đóng góp của người Công-giáo cho tổ-quốc Việt Nam!

Ngay trong tên họ cũng nói lên tinh thần dân-tộc của Trương Vĩnh Ký. P.J.B. Trương Vĩnh Ký có tên hộ-tịch là Trương Vĩnh Ký (khi ông lên ba, thân sinh ông về thăm nhà, nhờ ông ngoại đổi tên ông từ Trương Chánh Ký ra Trương Vĩnh Ký), khi nhận bí-tích rửa tội ông có tên thánh Jean-Baptiste và khi chịu bí-tích Thêm-sức nhận thêm tên thánh Petrus (thường là theo tên thánh người đỡ đầu – chẳng là... bí danh gì cả đâu!). Tên thánh ông là Petrus theo tiếng la-tinh chứ không phải là Pétrus lai căn Pháp (Pierre). Không vô dân Tây, ông thường xưng Petrus Ký (và P.J.B. Trương Vĩnh Ký) người bình thường vẫn hiểu là cho gọn, khác nào người Việt ở Mỹ tự xưng là Mike Nguyen, David Pham hay Ngu C. Vu, Van Lê,...! Chỉ có người hậu-sinh thiên kiến, kỳ thị, mặc cảm hoặc cưỡng ép lịch-sử mới có những lý giải rằng Trương Vĩnh Ký theo Tây lấy tên Petrus Key, rồi đổi thành J.B. Trương Vĩnh Ký (1)! - Hoang tưởng! Làm gì có chuyện lấy lại tên Trương Vĩnh Ký, hoặc Trương Vĩnh Ký là Việt hóa của Petrus Key cho những mục tiêu nào đó!): ông bà thân sinh ông Trương Vĩnh Ký không lẽ không làm giấy tờ hộ tịch nào? Nếu có, ghi là “Petrus Key” sao? Vả lại, người Pháp từng quen, cả Nguyễn Văn Tố, gọi và ghi tên Trương Vĩnh Ký là “Petrus Ký”, không lẽ “sử gia” lại suy diễn từ cách gọi đó ra thành “Petrus Key” và cho là một khám phá... “sử học” lớn? Đọc đoạn “sử” này, người đọc sẽ nghĩ ông Vũ Ngự Chiêu nhân cách nhị trùng của Nguyên Vũ đã viết tiểu-thuyết dã sử, lấy một chi tiết khả nghi rồi đặt cả cơ cấu lý luận thuần lý nhất của ông ta lên đó, biến nó thành “lịch-sử”!

Thứ nữa gia đình Trương Vĩnh Ký không theo cách đặt tên dân Tây như các các “đại-gia” Trần Văn Đôn, Nguyễn Văn Của, v.v. mà ngược lại, rất bình thường Việt Nam: anh ông là Trương Vĩnh Sử, và 9 người con Trương Vĩnh Ký là:

  1. Trương Vĩnh Thế (tên thánh Jean-Baptiste) (người cùng với Diệp Văn Cương tháng 9-1886, 24 tuổi, được Thống-đốc Nam-kỳ cử ra Huế làm thông ngôn ở triều vua Đồng-Khánh - tức là hai cha con Trương Vĩnh Ký cùng hành sự đồng triều), đốc phủ sứ.

  2. Trương Thị Gia (tên thánh Marie),

  3. Trương Vĩnh Viết (Léon) (cháu nội là Trương Vĩnh Lễ, chủ tịch Quốc hội thời Việt-Nam Cộng-Hòa),

  4. Trương Thị Tư (Marie-Francoise) (chồng Nguyễn Trọng Quản là học trò Trương Vĩnh Ký và là người viết tiểu thuyết đầu tiên bằng chữ quốc-ngữ Thầy Lazarô Phiền),

  5. Trương Vĩnh Trọng (Albert),

  6. Trương Vĩnh Ny (Victor),

  7. Trương Vĩnh Kỳ (mất sớm lúc 3 tuổi),

  8. Trương Vĩnh Tiến (mất khi 1 tuổi) và

  9. Nicolas Trương Vĩnh Tống (giáo sư, công chức thuộc địa, thư ký Hội đồng Đặc-biệt Sài-Gòn năm 1926 và là Bộ-trưởng Ngoại-giao trong chánh-phủ Nguyễn Văn Tâm 25-6-1952 và 8-1-1953; ông là người chăm sóc sự nghiệp của thân sinh – dịch-thuật, xuất-bản và thư viện Trương Vĩnh Ký. Ông còn là tác-giả tập Đạo Lý Người Xưa (136 tr. do Tinh Việt Văn-đoàn xuất-bản năm 1956)). [Tuy nhiên đến đời con, từ người con thứ 9 trở đi, Trương Vĩnh Tống đặt tên con theo Pháp-tịch của Nam-kỳ thuộc Pháp: Dominique Trương Vĩnh Tống, Henri Trương Vĩnh Tống, Paul Trương Vĩnh Tống, Charles Trương Vĩnh Tống, v.v.].

[Nguyên Vũ (nhà văn) trong “Góp phần nghiên cứu về Trương Vĩnh Ký (1837-1898)” (Ngàn Năm Soi Mặt, 2002) dựa theo tài liệu của giáo-sư Nguyễn Văn Trung để có một kết luận... mua vui: “‘... thủ bút của ông còn ghi “Trương Vĩnh Thế, thày Bửu đỡ đầu, Trương Thị Gia, Bà Se Si La [hay Se Di La] đỡ đầu, Trương Vĩnh Nhi, Mr. Galy đỡ đầu.’ (Nguyễn Văn Trung, 1993, tr. 62). Không rõ Trương Vĩnh Thế, Trương Thị Gia hay Trương Vĩnh Nhi là ai, liên hệ với Petrus Key ra sao. Kết luận duy nhất là trong họ Trương, ngoài Petrus Key, còn có ba người khác được Hội truyền giáo nuôi”[10]. Sai lầm và hàm hồ! Họ đều là con của Trương Vĩnh Ký và ông đã cẩn thận ghi chép lại tên thánhngười đỡ đầu (parrain, marraine) cho con cháu biết mà thôi. Kết... sử vội vàng theo thời-thượng của nhóm Giao-điểm chống Công-giáo: mang tên thánh hoặc được đỡ đầu liền “được” kết án là được Hội truyền giáo nuôi, vì có cha mẹ đỡ đầu là người có đạo (Công-giáo) nghĩa là được “Hội truyền giáo nuôi” thì đúng là bạo lực chữ nghĩa - sao không vơ đũa luôn tất cả người Việt theo đạo Công-giáo đều “được Hội truyền giáo hay Vatican nuôi”? Lối suy luận của ông nhà văn họ Vũ khiến chúng tôi trước nay vẫn nghĩ ông ta hãy còn mang não trạng của truyền thống Phạm Quỳnh, Phạm Duy Tốn khinh miệt người Nam-kỳ và hơn hẳn hai ông kia, ông công khai thêm kỳ thị tôn giáo (“... từ năm 1863-1864, “chú Kí” của Linh mục Borelle năm 1858-1859...” – tại sao có “chú”, có “Kí” trong khi tên nhân-vật là Trương Vĩnh Ký! Sử chứ có phải là tiểu-thuyết hay phóng sự đâu!)].

Thân-sinh của Trương Vĩnh Ký, Trương Chánh Thi (còn có tên Trương Văn Toàn), đã trở lại đạo (tên thánh Đa-Minh / Dominico) khi kết hôn với mẹ ông, bà Maria Nguyễn Thị Châu, là người đạo gốc từ hai thế-kỷ; ông làm quan võ chức nhỏ, đã sống thật đức tin của mình dù biết dễ bị thiệt đến chính sinh mạng mình và cả gia đình. Hơn nữa, Trương Vĩnh Ký đã không xin nhập quốc tịch Pháp (và trối trăn khuyên các con ông đừng nhập dân Pháp) và suốt đời mặc y-phục cổ-truyền – khi đi ngoại quốc làm thông-ngôn, khi đi làm ở Sài-Gòn ở Huế và đi dạy học. Làm như ông đã biết trước miệng thế gian nên ngoài hành trạng ông đã để ý trong cách đặt tên và đã để lại bài thơ tuyệt mệnh theo đó ông đã tự đặt mình trước sự phán xét của lịch-sử:

“... Cuốn sổ bình-sanh công với tội,
Tìm nơi thẩm-phán để thừa khai!”
.

Cả cuộc đời, Trương Vĩnh Ký vẫn chứng tỏ đã sống theo câu cách ngôn La Tinh “Ở với họ mà không theo họ” (Sic vos non vobis), làm kim chỉ nam cho cuộc đời của mình, như tỏ bày trong thư ngày 9-6-1888 trao đổi với trí thức người Pháp, BS Alexis Chavanne! (Trương Vĩnh Ký thường kết thúc thư gửi bạn hữu Âu Tây “totus tibi” (T.T.) có nghĩa là “tất cả vì bạn”): “Tháng Tư vừa qua tôi có qua Vọng-các, bây giờ đã trở về rồi và hiện nay tôi dạy ngôn-ngữ và văn-học Trung-Hoa, Cao-Miên cho Tây-phương. Hiện nay tôi chỉ có đảm nhận một nhiệm-vụ duy nhất đó mà thôi. Tôi đã ngậm miệng và bưng tai trước những vấn-đề đói. Không một chút danh vọng hiển hách gì có thể lôi kéo tôi được nữa. Tôi đã chán ghét những thứ đó dù rằng nó lôi kéo mạnh-mẽ vô cùng, nó không có mùi vị của con heo đã làm thịt. Và tôi đã dự định vào cuộc-đời ẩn dật cũng chẳng khác nào là xa lánh sao Mộc-tinh cùng các vì sao lân-cận”[11]. Nhưng, có thể với một não trạng dị-ứng, Nguyễn Sinh Duy đã chú giải rằng: ““ở với họ mà không theo họ” nếu không là lời mồm mép làm hại tâm thuật thì cũng là lời tự dối!”[12] - Câu chú giải này cũng có thể nói đến hành trạng của chính Nguyễn Sinh Duy một mai hậu sinh nhìn xét lại ông!

Đạo Thiên-Chúa là một tôn giáo có hệ thống, chủ lý, có phẩm-trật và kinh sách trắng đen minh-bạch từ hai ngàn năm; do đó khi nhập vào Việt Nam đã đụng độ với đạo Nho cũng là một đạo-lý có hệ-thống, kinh sách và truyền thừa từ nhiều ngàn năm. Nhưng cái gọi là “văn-hóa Kitô giáo” (trần gian’ do con người đặt thành) đó không hẳn là tinh túy của đạo. Cốt tủy là đức Tin nơi Chúa ba Ngôi và chỉ một đức tin mà thôi; nhưng khi hành đạo và sống đạo thì “hội-nhập” với con người và văn-hóa địa phương. Từ công-đồng Vatican thứ II (1962-1965), lối sống và hành đạo này được hiến-chế phụng-vụ chính thức của Tòa Thánh La Mã công nhận và cổ võ.

Trương Vĩnh Ký cũng như nhiều vị tiền bối trong Nam đã đi trước, đã sống đạo giữa lòng dân-tộc, sống đạo như một người Việt! Ông viết “Croyance sur l’âme et la mort” đăng trên tạp-chí Philosophie positive (2e série, t. 26, no 4, janvier-février 1881, tr.128-135), trình bày tầm quan-trọng của đạo thờ ông bà tổ tiên với chi tiết về lễ tiết vốn là căn bản của đạo Khổng, cũng như tin tưởng về tiền kiếp, hậu kiếp, quan niệm về hồn của người Việt cùng thành ngữ về cái Chết cùng kinh kệ khi tang lể. Tu-sĩ Lữ-Y Đoan đã dùng triết-lý và ngôn-ngữ của tam giáo và đạo-lý Đông-phương để dịch Kinh Thánh ra Sấm-Truyền Ca. Sau ông, các nhà chủ trương và nhà văn nhà báo của tờ Nam-Kỳ Địa-Phận đã đem tín-lý đạo lồng trong những câu chuyện và thơ văn. Nhiều nhà văn nhà báo khác trong Nam từ 1865 và rầm rộ hơn từ thập niên 1920 đã tiếp tục đề cao và xiển dương đạo-lý dân-tộc trên căn bản tam giáo và hòa đồng, như một khí-giới sống-còn trước cơn thịnh nộ của vũ khí và áp-đặt của Tây-phương![13].

Cho đến khi có Cộng đồng Vatican II, người Công-giáo không Tây-phương - trong đó có người Việt Nam, vẫn luôn có mặc cảm hoặc băn khoăn sống tách khỏi nếp suy nghĩ và tâm hồn dân-tộc. Trương Vĩnh Ký, một người hiểu biết lịch-sử và nhu cầu tiến bộ xã-hội, đã vượt được thân phận “dépaysé” (xa lạ trên đất nước mình) và chứng minh người Việt có thể vừa sống đạo vừa giữ được tinh thần dân-tộc - tương quan Đạo-Đời vừa kính Chúa vừa làm người dân yêu nước - điều bất khả thể ở một nước quân-chủ nơi mà yêu nước hoặc có tinh thần dân-tộc phải là trước hết Trung-quân. Trương Vĩnh Ký biết đạo Chúa đến đảo lộn một số giá trị văn-hóa truyền thống, ở những điểm nhân bản hóa, hiện-đại hóa các quan hệ xã-hội kể cả quân-thần, vua-dân [ở trong nước và hải-ngoại vẫn có những người chống đạo Công-giáo và chống Trương Vĩnh Ký cũng ở những điểm này]! Có thể ông nhìn thấy đạo Thiên-Chúa bị thế-lực thực-dân lợi dụng, do đó khi ông đề-cao đạo lý truyền thống dân-tộc (hay Đông-phương) với người đọc và dân chúng Việt Nam, để trở về nguồn, là vô tình ông đã đi ngược chiều gió - vừa của triều đình, nho sĩ vừa của giáo-hội La Mã (nhất là các cha Dòng Đa Minh và tiếp đến là Hội Truyền giáo Paris cấm đoán việc thờ cúng tổ tiên; trong khi dòng Tên thì chấp thuận).

Trương Vĩnh Ký nối kết Đạo-Đời khiến đời sống tâm linh phong phú hơn và cũng có nghĩa là Trương Vĩnh Ký ý thức rằng bổn phận hiện-tại cũng quan trọng như hy-vọng ở thế-giới ngày sau. Vào thập niên 1960, ở miền Nam một nhóm trí thức Công-giáo (Lý Chánh Trung, Nguyễn Văn Trung,...) đã cổ võ người Công-giáo “tìm về dân-tộc”, một việc Trương Vĩnh Ký đã làm và làm thật từ cả thế-kỷ trước đó! Người ngày nay đã cho ông có lý, nhưng ông đã chịu nhiều oan trái thuở sinh tiền cũng như cả hơn trăm năm sau! Thời ông trẻ và thanh niên là thời cấm đạo và khi ông tới tuổi làm việc, ông đã làm người mất nước - miền lục tỉnh bị Pháp thôn tính! Hơn ai hết, ông hiểu thế nào là mất nước và hiểm họa mất văn-hóa dân-tộc!

Trương Vĩnh Ký được xem là “ông thầy đạo-lý”: ông đã cổ võ một nền văn-hóa dân-tộc với căn bản đạo-lý cổ-truyền và tam-giáo; tính chất văn-hóa kết hợp và làm sống mạnh tính tôn-giáo và dân-tộc tính! Một tổng hợp nếu có thể khả-thi sẽ là nền tảng vững vàng và thực-tế! Ngoài ra chính đạo Thiên Chúa phát triển ở trong Nam đất mới cũng tương đối khai phóng và uyển chuyển hơn ở Đàng Ngoài (Bùi Chu, Phát Diệm, v.v.) khép kín. Hợp tác với “tân trào” nhưng Trương Vĩnh Ký chủ trương dựa vào tiến bộ khoa học kỹ thuật của người Pháp để đưa đất nước ra khỏi khó nghèo chậm tiến, trong hoàn cảnh đã thua trận thư hùng võ khí ở Đà-Nẵng và lục-tỉnh, rồi kết thúc ở Bắc-kỳ!

Xét sự nghiệp Trương Vĩnh Ký chúng ta xét theo số trang số chữ hoặc xét theo tính chất và nội dung? Dĩ nhiên thời ông chưa có hệ thống thư viện và thư-hiệu, mà sách chữ quốc ngữ thì trước ông nào đã có gì! Như vậy, để nghiên cứu, trước tác hay phiên dịch, Trương Vĩnh Ký đã phải làm việc trí thức và phán đoán nhiều hơn người thời nay – chỉ là tiếp nối từ những sẵn có! Ông cũng không tốt nghiệp sử học cũng như chưa được danh dự mang hàm tiến sĩ, dù ông là bạn với những danh nhân Âu Tây như Paul Bert, Victor Hugo, Littré, Ernest Renan,... Sách tham khảo chưa có hoặc chưa mấy thì làm gì có trích dẫn tràng giang và lập đi lập lại tốn giấy như các ngài “sử gia” thời nay?

Ngay từ khi văn học chữ quốc ngữ mới manh nha, các nhà trí thức Huình Tịnh Paulus Của, Trương Vĩnh Ký rồi Trương Minh Ký đã chú tâm đến đạo lý dân tộc, trước mắt để chấn chỉnh phong hóa và về lâu dài nhắm gìn giữ chính-đạo tức đạo Nho. Cái buổi giao thời đó phong hóa xã hội đang trên đà xuống thấp. Họ dịch sách đạo lý của nho-học ra chữ quốc ngữ, soạn sách về đạo đức văn hóa truyền thống, sao lục thơ văn có mục đích luân lý, giáo dục, v.v. Huình Tịnh Paulus Của đã có những sách về Gia Lễ (1886) nói đến quan hôn tang tế là 4 lễ đầu cùng lễ phép học trò công tư thông dụng, Thơ Mẹ Dạy Con (1907), v.v. Trương Minh Ký soạn Tiểu Học Gia Ngôn Diễn Nghĩa, v.v. Trương Vĩnh Ký trong các số báo Miscellannées / Thông-Loại Khóa-Trình viết nhiều bài xiển-dương tinh-thần đạo-lý căn bản của người Việt Nam, dịch Kim Cổ Kỳ Quan ra tiếng Pháp, phiên dịch ra quốc ngữ Minh Tâm Bửu Giám (1891-3), v.v. Tờ Thông-Loại Khóa-Trình ra mắt năm 1888 như một tờ học-báo (và là tờ báo tư-nhân đầu tiên của lịch-sử báo-chí Việt Nam); nhan đề nơi trang đầu ghi chữ Hán “thường bả nhất tâm hành chánh đạo”(luôn đem tấm lòng mà hành đạo). Trong bài Bảo mở đầu số 1 khi nói về mục đích, họ Trương đã nói : “Phép học là trước học lễ, sau học văn; được cả hai ấy mới ra con nhà gia giáo, biết phép tắc, lễ nghi, cang thường, luân lý, biết chữ nghĩa văn chương, kinh sử truyện tích cổ kim, ấy là đáng được con người tử tế...”[14]. Ông còn soạn Thơ Mẹ Dạy Con, Thơ Dạy Làm Dâu (1882), Gia Huấn Ca, v.v.

Nội dung các tác-phẩm (khoảng 118) của Trương Vĩnh Ký chủ-yếu về ngữ học, sử ký, địa dư, văn-học, kinh điển Nho giáo,... nói chung nhắm học thuật và đạo lý mà sách về kinh-điển Nho giáo và đạo lý nhiều hơn các đề tài và thể loại khác. Thời Trương Vĩnh Ký là thời suy đồi phong-hóa. Dung hòa cũ-mới, đông-tây, trí học và đức học, Trương Vĩnh Ký đã lựa chọn con đường đạo lý truyền thống như ông từng nhận trong thư gửi Paul Bert, cũng như biên soạn, phiên dịch, giảng giải thật nhiều kinh sách Nho giáo nếu so với người sống đồng thời với ông. Ông soạn Gia Huấn Ca, Thơ Mẹ Dạy Con, Con Hiếu Thảo, Tam Thiên Tự giải âm, Tam Tự Kinh quốc-ngữ (giải-âm) diễn-ca, dịch Tứ Thơ (Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ, Mạnh Tử), Minh Tâm Bửu Giám, v.v.. Trong Sơ Học Vấn Tân Quốc-ngữ Diễn Ca (1884) có những câu như: “ở đời trung đạo chớ thiên, / vui theo nho đạo là bên chính đồ”, nếu người đọc không biết tác giả là Trương Vĩnh Ký thì cũng chẳng thể nghĩ người viết đó là người theo đạo Thiên-Chúa!

Dù không có tác-phẩm đồ-sộ về số trang nhưng Trương Vĩnh Ký đã để lại nhiều tác-phẩm quan trọng về sử và ngữ-học, quan-trọng vì tiên phong và phương-pháp khoa học, đã được các nhà khoa học và trí thức Anh Pháp thời ông và hậu sinh tham-khảo và kính phục giá trị. Trương Vĩnh Ký còn tỏ ra qua sinh hoạt và công trình đã để lại, là một nhà khoa học đầy tính chất bác học và khai phóng, vì ngoài văn-học, ngôn-ngữ, văn-hóa, văn minh, giáo dục, ông còn nghiên cứu về canh nông, văn-nghệ trình diễn, v.v.

Mặt khác, cũng cần nhắc rằng Trương Vĩnh Ký là người chủ trương viết chữ quốc-ngữ viết như nói và theo tiếng Việt Nam, tức tránh dùng chữ Hán và văn biền-ngẫu trong các bài văn biên-soạn và sáng-tác! Dân-tộc là ở đó (chứ không phải như Phạm Quỳnh Hán hóa và Nhà nước Việt-Nam tự ý Trung Hoa hóa)! Nói như Trần Chánh Chiếu, một người Nam-kỳ Công-giáo khác và thủ lãnh phong trào Minh Tân trong Nam, đã tôn Trương Vĩnh Ký là “quan thầy của cả Nam kỳ”!

Trương Vĩnh Ký là người có công (hoặc bị cực-đoan phê là có tội) sử-dụng và đại-chúng cùng phổ-thông hóa chữ quốc-ngữ, đặt những viên gạch đầu tiên và căn-bản cho một nền văn-học “quốc-gia” đúng nghĩa. Sử-dụng và phổ biến chữ quốc-ngữ, Trương Vĩnh Ký cũng có ý đưa đất nước thoát khỏi những giới hạn để vươn mình hội-nhập cùng thế-giới! Đây là một yếu tố chính của chủ-nghĩa quốc-gia dân-tộc của Trương Vĩnh Ký, một quan niệm hiện-đại và mới về “quốc-gia”! Với các nghị định tháng 2-1869 bắt buộc dùng chữ quốc-ngữ thay thế chữ Hán trong các công văn ở Nam-kỳ và nghị định 82 (6-4-1878) yêu cầu từ tháng 1-1882 mọi văn thư phải bằng chữ quốc-ngữ và ai không biết chữ quốc-ngữ sẽ không được tuyển và thăng thưởng, thực-dân Pháp ép dân chúng Việt Nam học chữ quốc-ngữ để đọc công văn và quên nguồn gốc nhưng còn có ngụ ý dùng chữ quốc-ngữ làm cây cầu để người Việt đến với tiếng Pháp mà mất gốc thêm một lần nữa. Nhưng Trương Vĩnh Ký và một số trí thức cùng thời đã lợi dụng để gây dựng một nền văn học và văn-hóa mới: một tình cờ lịch-sử; nhưng đối với những người như Trương Vĩnh Ký đã là một quyết tâm và dứt khoát. Phải chăng đãy cũng là lý do khiến nhiều nhà cai trị thực dân Pháp đã nghi kỵ và lần cuối cùng bỏ rơi ông. Paulin Vial, giám đốc Nội vụ Nam kỳ ở Sài-gòn báo cáo “Trương Vĩnh Ký là hiện thân của loại phần tử khả-nghi trong đám người Việt”. Ngoài việc có hai phe người Pháp (thực dân như Paulin Vial, khai hóa như Paul Bert), tranh chấp giành quyền lực, Trương Vĩnh Ký ở giữa đã nhiều lần lãnh “đạn” (cắt lương, cắt chức, không gia hạn việc làm, không mua sách, v.v.), còn có thêm lý do Paulin Vial là người chủ-trương (thông tư 15-1-1866) buộc người Việt cắt đứt liên hệ với văn-hóa Trung Hoa (“chữ Hán còn là một ngăn trở giữa chúng ta và người bản xứ”), trong khi đó Trương Vĩnh Ký lại muốn đề cao và phục hồi đạo lý truyền thống vì chính ông luôn vẫn là một nhà Nho thấm đậm văn-hóa cổ-truyền, từ y phục đến tâm thức, việc làm! Ông soạn các công trình, giáo trình, dịch-thuật phần nào là để đưa văn-hóa truyền thống và Nho giáo đến với học sinh và người Việt qua phương tiện chữ quốc-ngữ, cũng như giảng giải cho người Âu Tây hiểu thế nào là văn-hóa và con người Việt-Nam truyền thống, khi họ đặt chân đến.

Phạm Thế Ngũ kết luận công bằng nhất về Trương Vĩnh Ký: “ông có thể tự hào là người trí thức Việt-Nam đầu tiên có học thức quảng bác mở rộng sang Tây-phương. Tuy phần lớn là tự học và học trong nhà dòng, song sở đắc của ông thật là đáng giá, là đáng trọng (…) Nước bại trận, xứ sở về tay người, Trương Vĩnh Ký cho rằng đó là hậu quả tất yếu của luật ưu thắng liệt bại và chấp nhận tình thế. Tuy nhiên ông không giống bọn người nông nổi như Tôn Thọ Tường, … Với học thức sẵn có, trong chuyến công du Âu-châu, tìm hiểu chỗ sai biệt giữa hai nền văn minh, hai xã-hội, nhận định đâu là những ưu điểm của người mà ta phải công nhận và học hỏi. Ông lại tự coi mình như có bổn phận làm trung gian giữa hai phe xô xát hầu lấy lại tình hòa hiếu, lập lại sự an ninh, mưu sự thịnh vượng cho đất nước. Tóm lại, ở ông ta thấy thái độ thích đáng công minh của một bực trí thức trung thực và tự trọng, không thấy cái xu phụ, mù quáng của thứ tẩu cẩu ngoại nhân. Con người ấy thực ra ở trí sáng suốt, óc chừng mực, phong tao nhã, vẫn cốt yếu là một đồ đệ Nho giáo. Và trái tim ông vẫn đập về phía đất nước, đồng bào...”[15].

Sống thời Nho học bị thử thách lớn và lung lay tận gốc rễ, thời sức mạnh quân-sự một tiểu quốc như Việt Nam đối đầu với vô địch kỹ thuật Âu Tây, Trương Vĩnh Ký cũng như Phan Thanh Giản đã trở thành bung-xung cho những người và tập-đoàn cực-đoan (Nam triều thế-kỷ XIX, đảng Lao Động tức cộng-sản Bắc Việt giữa thế-kỷ XX) phê-phán nặng nề. Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký là hai nhân vật lịch-sử hàng đầu đã có những vai trò quan trọng do tình thế đưa đẩy đến và mỗi người đã hành xử với khả năng và ý thức của mình. Cả hai đã đành phải “bất cượng chớ cượng làm chi” (Fais ce que dois advienne que pourra) như tựa một tập văn của Trương Vĩnh Ký! Hành cử của hai vị khác nhau nhưng đều là kết-quả của ý thức sáng suốt cần thiết cho thời thế, lúc “biến” - khi mà hai nền văn-hóa đụng độ lớn, một bên trọng lễ-nghi, truyền thống và hình thức, một bên trọng sức mạnh vật chất, văn minh; một bên cao ngạo khép kín, một bên mở và tự-do! Nước Việt Nam lúc bấy giờ đang trên con đường suy vong về quốc phòng, quân sự, hai ông đã phản ứng ở trận tiền thay cho vua quan ở mãi ngoài kinh thành; và họ đã bị “hậu phương” này phê-phán nặng nề (bán nước, luân lý hàng phục, v.v.). “Hậu-phương” yên tĩnh (mặt nổi) càng chứng tỏ sự bất lực, thất thời và cực đoan trước cả những đề nghị của Nguyễn Trường Tộ (không hợp tác với Pháp),... “Truyền-thống” và cả “cần vương” lúc bấy giờ có lúc được hiểu hẹp hòi là “quốc-gia, dân-tộc” nếu bình tâm xét!

Đã hơn một lần, Trương Vĩnh Ký tỏ thái độ biện minh cho Phan Thanh Giản khi đăng bài “Phan-Lương-Khê tự-thuật thế-sự” trên Miscellannées / Thông-Loại Khóa-Trình 2 số chót (số 5, 9-1889, tr. 9-11 & số 6, 10-1889, tr. 6-8). Ông viết: “Thương vì làm tôi vua đã hết lòng ngay, giúp việc nước đã hết sức bền, mà già không trót đời, chết không an phận! Vì nước vì nhà mà quên sống! Tưởng được tử ấm thê vinh. Ai hay tội-lệ vấn-vương. Công nghiệp bấy lâu một phút phải rối! Mất hết mọi sự: chức-tước, ngôi-thứ, phẩm-hàm gì đều bị lột ráo; lại còn phải mang án xử tử giam hậu nữa.

Hèn chi Trương-lương mà chẳng tính bề minh triết bảo thân?
Làm người mà ham học, ít có như ông Phan Lương Khê.
Làm quan mà thanh liêm, ít có như ông Phan Lương Khê.
Làm tôi vua hết ngay, ít có như ông Phan Lương Khê.
Làm việc nước hết sức, ít có như ông Phan Lương Khê.
Mà tội lụy còn dường ấy! thật đáng thương đáng tiếc!

Bài thơ ông Phan Lương Khê làm, có ý than-thở trách đời, nhứt là trách kẻ chẳng có hay nghĩ sâu, mà bỏ quên sự vục nước yêu dân, ỷ thân ỷ thế khi cựu lẫn tân, dựa hơi-hám thế-thần, mà không nghĩ nguồn cội mình, ăn-ở xấp-thì theo buổi chẳng lo việc bền-bỉ về sau.

Hiệu sứ quan lớn là Phan Mai Xuyên tên tự là Đạm Như, còn hiệu tên người là Lương Khê.

“Trời nam vận mở lâu dài,
ra bình-trị đếm năm, ngoài ba trăm
Đời an trên dưới ca-ngam,
sĩ say đạo-vị, nông ham cày bừa;...”
(số 5, tr. 10) [Trong cả bài đăng trên 2 số báo, Trương Vĩnh Ký không nêu danh Phan Thanh Giản][16].

Cả hai vị đều xuất thân từ miền Nam đã trở thành những nhân vật lịch-sử bị sử gia và quan chức đảng cộng-sản Hà Nội “xử” nhiều lần sau 1954, cũng như bị một số “xử gia” (xử, như trong xử tội) ở hải-ngoại sau 1975 kỳ-thị và miệt thị, mỗi người cường độ khác nhau. Cụ Phan Thanh Giản trung quân không mù quáng vì đã biết người biết ta (qua Pháp và đối đầu ở trận tiền với đại bác của liên quân Pháp và Tây Ban Nha). Ông quyên mình cho đúng đạo vừa cứu dân chúng khỏi chết oan vì bất tương quan lực lượng!

Trương Vĩnh Ký được giáo dục ở các trường đạo. Sách vở còn rành rành đó và chứng nhân ghi lại rằng ông thông minh, 9, 10 tuổi đã đọc được Thánh Kinh do thân sinh để lại bằng tiếng La tinh vì lúc ở Cái Nhum, thày Tám đã dạy ông tiếng La tinh. Các thừa sai biết khả năng và con người Trương Vĩnh Ký, đã nhiều lần tạo cơ hội cho ông qua La Mã học nhưng ông đều khéo léo từ chối. Không thành công nghiệp tu (có thể ông không muốn!?), rồi vì hoàn cảnh đã trở về đời sống dân sự, làm người dân thời loạn lạc rồi mất nước, bị trị. Ông không bắng cấp cao nhưng thông-thái và làm bạn với nhiều đại danh Âu Tây và các hội bác học (sociétés savantes) khi sang Âu-châu, cũng như được quốc-tế công nhận là nhà bác học thứ 17 trong số Les Dix Huit Commités Culturelles et Scientifiques du Monde (1873-1874). Từ năm 1865, ông đã được ghi vào Dictionnaire universel des contemporains contenant toutes les personnes notables de la France et des pays étrangers... của nhà xuất-bản Hachette, do G. Vapereau chủ biên (ở mục «Petrus (vrai nom est Trương-Vĩnh-Ký)”).

Cả cuộc đời phục vụ không ngừng nghĩ, ông đã để lại một sự nghiệp lớn với nhiều công trình giáo dục và nghiên cứu trong đó có những công trình rất khoa-học (sử và ngữ học). Người có suy xét, có lương thiện trí thức cùng công bình cũng phải khách quan nhìn nhận Trương Vĩnh Ký thông thái, nhiều khả năng và có công, đáng kính phục. Những phê phán có tính cách theo thời (của cộng-sản Việt Nam, của kỳ thị địa phương, tôn giáo) và chủ quan thiên lệch (“đầy tớ, bán nước”) thì lịch-sử sẽ chứng minh, giải tỏa. Mà một đời người Việt Nam cũng đã thấy hơn một lần “gió” đổi chiều: trong nước, tập đoàn cộng-sản sau khi phá tượng và đổi tên trường Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký, đã từng bước “phục thiện” phục hồi danh dự người đã mất, với một số hội-thảo và bài báo. Riêng trường hợp Trương Vĩnh Ký, Từ Điển Văn-Hóa Việt Nam xuất-bản 1993 đã ghi công những người Công giáo Việt Nam và ngoại quốc có công với văn-hóa Việt Nam trong số có hai nhà văn-hóa tiền phong của Nam kỳ và chữ quốc ngữ là Trương Vĩnh Ký và Huình Tịnh Paulus Của[17]. Tháng 8-2001, tạp chí Xưa Và Nay tổ chức một “tọa đàm” “Trương Vĩnh Ký với văn-hóa” trong số gần 20 diễn giả, người kết tội Trương Vĩnh Ký theo luận điệu cũ chỉ còn 2, 3[18]. Nhưng sách Petrus Ký - Nỗi Oan Thế Kỷ (2016) của Nguyễn Đình Đầu thì khuynh-hướng cứng trở lại làm khó, đã cho xuất-bản và phát hành, đã ra lệnh tịch thu và cấm bán.

Trương Vĩnh Ký là con người văn-hóa, vừa dân-tộc vừa tổng hợp đông-tây và có con mắt nhìn xa trông rộng. Về chịu tang mẹ rồi ở lại quê nhà vì tình hình bắt đạo và Pháp đánh chiếm. Thân phận làm người Công giáo ở miền Nam lúc đó thật bi đát. Từ bắt đạo được tự do giữ đạo, hoàn cảnh bị Pháp chiếm có người tin là định-mệnh (một tiểu quốc như Việt Nam từng ngàn năm bị Tàu đô hộ!). Quốc phá gia vong, thân-phận bị trị, không lối thoát, việc “hợp-tác” với chủ đích dân-tộc như Trương Vĩnh Ký đã chắc gì là một hành-động phản bội, tay sai? Mà sự “hợp-tác” với “tân trào” của ông cũng nhiều sóng gió mà theo văn khố thuộc-địa để lại chứng minh Trương Vĩnh Ký là một người có bản lãnh và tư cách văn-hóa và do đó không trơn tru (nhưng dư luận chung chê trách) như đối với Tôn Thọ Tường, Hoàng Cao Khải, Trần Bá Lộc, v.v.! Làm việc nhưng không thuộc bộ máy hành chánh, cai trị, do đó khi thất sủng, ông không cả tiền hưu sống già thoải mái như những người đó! Sau lần hợp tác cuối (1886), Trương Vĩnh Ký tiếp tục làm công tác của một con người đạo-lý, ra học-báo TLKT, soạn và dịch sách đạo lý, triết học Đông-phương. Cho đến khi tàn hơi vẫn chưa thỏa nguyện vì chưa hoàn thành việc muốn làm; trong một những thư cuối, ông than nợ nần chồng chất, thân lại bệnh chỉ vì có ước muốn phổ biến cho người đi sau các văn-hóa và đạo lý của người đi trước. Làm người theo đạo Thiên-Chúa có thể phải sống cách biệt hoặc có thể gây mặc cảm sống bên lề, nhưng một người hiểu biết lịch-sử và có cái học tổng hợp như Trương Vĩnh Ký, ông biết đạo đem lại chân lý giải thoát nào, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng nào, cho ông và cho đất nước. Cho nên tinh thần yêu nước của Trương Vĩnh Ký không phô trương mà âm thầm làm như ông nghĩ là đúng, là nên, bất kể dư luận và người đương thời cũng như hậu-thế hiểu lầm, kết án tàn nhẫn,... Lòng yêu nước và tinh thần đạo lý ông xiển-dương dễ bị nghi ngờ, kỳ thị, cả... không được phép (!) bởi người đương thời và hậu sinh. Càng được thế giới công nhận là bác-học, lại là người Công-giáo, Nam-kỳ, Trương Vĩnh Ký càng bị người dị-ứng “xử”!

________________

Chú thích

[1] X. Vũ Ngự Chiêu. “Vài tài liệu mới về Petrus Key...” https://hopluu.net/a183/vai-tai-lieu-moi-ve-petrus-key-truong-vinh-ky-1837-1898, (17-1-2009). Và Nguyên Vũ “Góp phần nghiên cứu về Trương Vĩnh Ký (1837-1898)” in Ngàn Năm Soi Mặt, tâm bút (Houston TX : Văn Hóa, 2002), tr. 157-269; đăng lại trên Chuyển Luân, 12-2003 và Người Việt CA, 2-12/4-2004; “khám phá” sẽ được những Nguyễn đắc Xuân, Bùi Kha, Nguyễn Mạnh Quang và cie lập lại!

[2] Bouchot, Jean. Pétrus J.-B.Trương Vĩnh Ký: un savant et un patriote cochinchinois 1837-1898. 3e édition revue et complétée: Saigon: Nguyễn Văn Của, 1927, tr. 10.

[3] Bouchot, Jean. Sđd, tr. 36.

[4] Trích theo Nguyễn Vĩnh Thượng. “Trương Vĩnh Ký: Nhà Văn Hóa Lỗi Lạc” http://tiengthongreo.blogspot.ca/2013/10/truong-vinh-ky-nha-van-hoa-loi-lac.html.

[5] Madelin, Anne. “Pétrus J.-B. Trương-Vĩnh-Ký (1837-1898): un lettré cochinchinois entre deux cultures”. Maîtrise d’histoire sous la direction de Pierre Brocheux, Université Paris 7 – Denis Diderot; septembre 1995, tr. 182-3.

[6] Trích theo Hồ Hữu Tường. “Hiện tượng Trương Vĩnh Ký hay hóa-trình từ người trí thức đến kẻ sĩ-phu”, Bách Khoa, số N*, 414, 5-9-1974, tr. 19.

[7] Trương Vĩnh Ký. Cours d’histoire annamite... 2e vol., Saigon, 1877, tr. 269.

[8] Hồ Hữu Tường. “Hiện tượng Trương Vĩnh Ký hay hóa-trình từ người trí thức đến kẻ sĩ-phu”, Bách Khoa, số N*, 414, 5-9-1974, tr. 19.

[9] “Trương Vĩnh Ký”. Về Sách Báo Của Tác-Giả Công-giáo Thế-Kỷ XVII-XIX. TpHCM: Đại-học Tổng Hợp, Khoa Ngữ Văn, 1993, tr. 133; Nguyễn Văn Trung. Trương Vĩnh Ký, nhà văn-hóa. Hà-Nội: NXB Hội Nhà Văn, 1993, tr. 32.

[10] Nguyên Vũ. Ngàn Năm Soi Mặt... Sđd, tr. 186-187.

[11] Trích từ Khổng Xuân Thu. Trương Vĩnh Ký . Sài-Gòn: Tân Việt, 1958, tr. 128.

[12] Nguyễn Sinh Duy. Trương Vĩnh Ký - Cuốn Sổ Bình Sanh. Hà-Nội: Văn-học, 2004.

[13] Nguyễn Vy Khanh. “Miền Nam Đạo Lý: tinh thần đạo lý ở miền Nam qua văn-học chữ quốc-ngữ từ thời khởi đầu”. Đồng Nai Cửu Long (California), số 1, 2004, tr. 97-139.

[14] Trích lại theo Ngô Hà. “Lược sử báo chí thành phố 1865-1945” in Địa Chí Văn Hóa Thành Phố Hồ Chí Minh. Tập 2 - Văn Học. TpHCM: NXB Thành Phố HCM, 1988, tr. 328.

[15] Phạm Thế Ngũ. Việt Nam Văn-Học Sử Giản-Ước Tân-Biên. Tập 3: Văn-học hiện-đại 1862-1945. S.l.: Đại Nam tb, sd. tr. 73.

[16] Riêng Phan Thanh Giản gần đây được phần nào vinh danh và “giải oan”, X. Thế kỷ 21 (số 185, 9-2004), Phan Thanh Giản Trăm Năm Nhìn Lại (TpHCM: NXB Thế giới; Tạp-chí Xưa & Nay, 2004. 645 tr. - “Thế kỷ XXI nhìn về nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản” tập hợp những bài tham luân của hai tọa đàm tổ chức tại Thành phổ Hồ Chỉ Minh vào tháng 8-2003 nối tiếp cuộc hội thảo đã được tổ chức tại Vĩnh Long thảng 11-1994.

[17] Cũng như Hàn Mặc Tử, Nguyễn Trường Tộ, A. de Rhodes, François Buzomi, Pigneau de Béhaine, Tabert) (Từ Điển Văn-Hóa Việt Nam. Hà-Nội : NXB Văn-hóa Thông tin, 1993). Thế hệ trẻ, như Đinh Thị Thúy Hằng, trong một luận án tiến sĩ ở nước Úc “Between economic reform and political control: educational and training strategies to enhance quality journalism in Việt Nam” (University of Technology, Sydney, 2002), đã nhận xét công của Trương Vĩnh Ký với tờ Gia Định Báo: “the first Vietnamese intellectual, who enriched the content with issues relating to Vietnamese history, culture and agriculture. This approach actually encouraged more Vietnamese people to read the newspaper and to learn the Vietnamese language” (p. 59). Chúng tôi ghi lại đây không với mục đích bào chữa hoặc thông tin việc làm của nhà cầm quyền trong nước, mà muốn trình bày những sự kiện đã xảy ra.

[18] Thế-Kỷ XXI Nhìn Về Trương Vĩnh Ký (Nam Bộ Nhân-Vật Chí). Tp HCM: Tạp chí Xưa Và Nay; NXB Trẻ, 2002. 276 tr.