Ghé lại chốn chào đời

Nguyễn Văn Sâm


Hình minh họa (Nguồn: cafef.vn)

Tôi xúc động nhiều tới chảy nước mắt khi đứng trước căn nhà đó, căn nhà ba tôi dặn đi dặn lại nhiều lần trước khi tôi lên đường về thăm quê hương là khi về tới phải ghé nhìn nó, hay nếu có thể thì xin vô trong đi từ trước ra sau, nhìn ngó những vật trong đó, chúng tuy tầm thường nhưng chắc chắn sẽ cho con những cảm giác khó có, không dễ gì kiếm được trong những năm ở ngoài nầy, tuy sung sướng về vậ chất nhưng thiếu tình hàng xóm, và khó mà tìm thấy lại được kỷ niệm xưa...

Những vật dụng kia nếu còn, chúng là bạn thời trẻ của con đó. Mấy cái cột gỗ lim là chỗ con thường bị đụng đầu khi chạy chơi quá mau má con phải làm bộ đánh nó con mới hết khóc nhè. Còn mấy cục đá tảng nữa, con thường ngồi nghỉ mệt trên đó, lại còn đứng trên đó để nói con cao gần bằng ba rồi. Chúng là chứng tích thời trẻ của con mà những năm bị bó gối trên núi rừng Việt Bắc ba nhìn qua đó trong trí tưởng tượng để thấy con, đứa con đương cách xa mình qua thời gian và không gian. Có một cái thẻ bài của ba sau ngày hồng thủy đó cha con mình bắc thang đóng nó tuốt luốt trên cao của cây cột cái rồi lấy sơn quẹt lên cho nó cũ hòa với những chỗ gỗ chung quanh. Chỗ đó ba có đóng một cây đinh rồi treo trên đó cái niệt con từng mang bao nhiêu năm. Hi vọng chúng nó còn. Cao quá mà. Ai để ý làm gì.

Tôi liếc qua mẹ tôi, bà không nói gì nhưng khoé mắt như nhắn nhủ rằng sau nầy rồi sẽ biết. Sau nầy thiệt vậy, khi tiễn tôi ra phi trường, mẹ hé cho tôi biểt rằng đó cũng là nơi tôi chào đời - mẹ tôi đẻ rớt -và sống trong đó năm năm đầu của cuộc sống thiệt thanh bình hạnh phúc . Và tôi mang nỗi xúc động về cái tin nầy suốt đoạn đường dài mười tiếng đồng hồ ngồi trên phi cơ liên lục địa Âu Á khiến mỗi khi chợp mắt lại thấy mình là thằng nhỏ đỏ hỏn sanh ra trong căn nhà bình thường của một tư gia chắc chắn là thiếu thốn mọi phương tiện cho việc sanh sản và kiến thức vệ sinh, chứ không phải trong nhà thương tân tiến như các con, các cháu tôi ở đây... Chúng sung sướng cha đời.

Tôi đi qua đi lại nhiều lần, mắt cứ lom lom ngó vô sâu bên trong như là một tay gián điệp hạng bét rồi ngó lên tấm bảng đỏ có mấy chữ thiệt lớn ‘Con An Phung X’ mà thiệt tình không hiểu nghĩa, ngó như là người ta muốn soi mói chuyện gì. Vài chiếc xe Honda cố tình chạy xát vô tôi gần đụng rồi mới lảng ra. Có ánh mắt lo ngại, khuyên lơn, có những cái lắc đầu thiệt lẹ rồi ngoái ra xa như kêu thôi đừng vây vào, nguy hiểm chết người... Ngày chưa đến nỗi trưa mà đã nóng hừng hực... Chùi mồ hôi tay vô sợi dây đeo máy chụp hình như để nhắc rằng mình là ngoại kiều dầu gì cũng chẳng tới nỗi nào. Vậy mà... Tim tôi nhảy thình thịch.

Sau cùng thì hai người bận đồ xanh, đi ra với một người trẻ, áo trắng làm thông dịch hỏi tôi muốn gì, đừng ngó như gián điệp vì đây là cơ quan quân sự. Tôi giả vờ ngây thơ thắc mắc là nước nầy hòa bình gần nửa thế kỷ rồi sao lại có cơ quan quân sự ở ngay trong thành phố. Sau khi nghe thông dịch người có vẻ xếp nhún vai không trả lời. Nhớ lời ba tôi dặn là phải luôn luôn nhún nhường với họ, nhứt là không nên cãi lý, tôi nói rằng căn nhà nầy trước đây gia đình tôi sống và tôi đã sanh ra trong căn nhà đó. Tôi đã có thời gian êm đềm tuổi trẻ ở đây, giờ sau mấy chục năm sống xa quê, tôi muốn được phép vô thăm lại nơi chốn chứa chất kỷ niệm của mình. Người thông ngôn nói nhỏ là trong đó không còn gì đâu. Tôi nói cám ơn và tiếp tục đi về phía cửa vô.

Hai người áo xanh thô bạo chận tôi lại, trao đổi ý với nhau lâu lắm, và sau nhiều cú điện thoại tới lui, họ cho phép tôi vô.

Ôi căn nhà chỗ tôi sanh ra cách nay nửa thế kỷ. Mấy cây cột gỗ lim đã không còn. Tôi tỏ ý thất vọng thì người thông ngôn nói nhỏ là những năm gần đây các tỉnh phía ngoài có phong trào cất lại những ngôi nhà xưa bằng cách thu mua bất cứ phần nào của mấy nhà xưa như gạch ngói, cột kèo, đá lót cột, ngay cả phên vách... Chắc là những thứ ông muốn thấy đã được cạy gỡ đem đi trước khi chúng tôi về đây.

Thôi thì không có từng vật dụng xưa tôi tạm cố tìm thấy lại tuổi trẻ của mình qua không gian của căn nhà vậy. Một sự thay thế tàm tạm gọi là. Và tôi xin được họ dẩn cho đi một vòng trong nhà với lời hứa là không chụp hình cũng như không thu thanh lời nói chuyện giữa hai bên.

Lại mất nửa giờ chờ đợi những cú điện thoại trao đổi.

Chợt thấy vài ba vệt máu mờ mờ trong một vài góc tường, mà bằng cặp mắt chuyên môn tôi nhận ra tức khắc. Ngay lúc đó, nghe văng vẳng tiếng rên từ một phòng nào đó cuối nhà, tôi liền đổi ý: quày quả bỏ đi.

Căn nhà tôi sanh ra giờ đã biến thể thì thăm thú nó làm gì cho nó tủi thân. Và mình thất vọng. Giống như ta từng có người tình đẹp đẽ, tươi mát ngây thơ ngày nào. Mình yêu em hết lòng bằng sự trong trắng của cả hai phía, bây giờ gặp lại em đương đứng đường đón khách ở vườn hoa Lạc Hồng hay đường Tú Xương, Thống Nhất thì thà rằng đừng gặp còn hơn...

Người đàn ông ấy nói với tôi bằng một thứ tiếng Anh chen thiệt nhiều tiếng Pháp: Tiếc quá, phải chi ba má tôi đừng cho tôi biết về căn nhà đó để tôi ôm ấp trong lòng rằng nơi sanh của mình vẫn còn là nơi đẹp đẽ, thỉnh thoảng tưởng tượng chút cũng vui...

Và ông ta mỉm cười gượng gạo.

Tôi, người kể lại truyện nầy, triết lý vụn:

  1. Thôi thì kỷ niệm thời trẻ mất đi, nhưng ông và gia đình cũng may hơn biết bao nhiêu người là có tương lai trước mặt.

Ông ta chủ động đưa tay ra bắt, chào từ biệt:

  1. Xin chào, cám ơn đã lắng nghe câu chuyện, xin lỗi có chút riêng tư.

Không sao, tôi cám ơm ông đã cho nghe một câu chuyện làm phong phú tâm hồn chúng tôi.

Ngó theo dáng đi của ông ta, tôi nói trong lòng:

Đó là một người tuy ở xa quê hương lòng yêu quê hương luôn ngự trị trong lòng.

Bất giác trong trí lại hiện ra hai câu thơ xuất khẩu của thi sĩ Kiiên Giang:

Dầu đi cách mấy trùng dương, đi đâu cũng có quê hương trong lòng.

Quê hương có thể là căn nhà nơi ta sanh ra, một bờ sông, bụi tre, dáng núi, đồi cát, bờ biển, con thuyền câu, tiếng trống, chuông, tiếng tụng kinh, một chút khói cơm chiều... bất cứ thứ gì miễn là dính dáng tới nước Việt mình.