Tình oan

Nguyễn Văn Sâm


Nguồn: https://file.hstatic.net.

Noel năm đó tôi và Hiền ngồi thưởng thức đêm réveillon tại một quán ăn tương đối sang trọng ở góc đường Lê Công Kiều - Nguyễn Văn Sâm. Quán cũng đông khách như tất cả nhà hàng khác trong thời gian lễ lớn. Đặc biệt quán có hai mặt tiền với kiến trúc hình tam giác, ngồi trong nhà hàng ta có thể thấy xe chạy rẽ sang hai phía. Vui vui. Hiền lộ vẻ vui sướng rõ ràng. Trước giờ chưa từng ngồi trong nhà hàng như thế nầy trong thời khắc đặc biệt và trước người khác phái nào mà Hiền rung động thiệt sự bằng trái tim trinh nguyên của người con gái mới lớn.

Tôi để vị hôn thê ở nhà vì Émille không thích đi ra ngoài, cô ấy đưa ra nhiều lý do. Thường là không thể chịu đựng được sự ồn ào của phố phường. Đặc biệt đêm réveillon lý do đó càng thêm vững vàng. Mặt khác, chúng tôi không là hai tâm hồn đồng cảm. Émille luôn nói về chuyện tiền bạc, còn tôi thì thích bàn về âm nhạc và văn thơ. Có lần cô ấy dài môi chê thậm tệ tôi xuất thân từ nhà nghèo được học làm bác sĩ là may rồi lại còn lo chuyện vu vơ âm nhạc với văn thơ.

Tôi hiểu Émille tránh đi ra ngoài với tôi vì tôi có vẽ như thấp hơn em và thường là ăn mặc lùi xùi không xứng đáng với dáng dấp tiểu thơ đài các khi em mặc áo soiré dài phết gót mỗi khi ra ngoài. Émille có cả 4, 5 áo soiré mỗi thứ một màu để đi tung tăng với bạn bè trường Tây của em. Gia đình hai bên đã đồng ý thì em ậm ờ cho qua thời gian thôi. Trong tình trạng như vậy thì tôi vẫn thực tập ở Bịnh Viện Bình Dân mỗi tuần vài ba ngày, được các cô điều dưỡng kháo nhau là tôi ‘độc thân tại chỗ’ và được các cô đối xử thiệt là thân mật, cô nào có món gì ngon cũng nhứt định mời anh Thục cùng thưởng thức. Cô nầy còn gán tôi với cô kia, gán như vậy nhưng tôi biết thâm tâm muốn đánh tín hiệu: em đây nè, chưa có người yêu.

Cách nay chừng nửa năm thì tôi gặp Diệu Hiền. Số là chị của em, Hiền Diệu – cái tên của hai chị em được ba má đặt cho một cách quá đặc biệt – bị bịnh ung thư bao tử phải cắt bỏ một phần, Hiền phải vô săn sóc. Trong nửa tháng cả hai chúng tôi cùng ra vô trong một gian phòng người bịnh, thỉnh thoảng cũng gặp mặt nhau. Chắc là người nầy cũng để ý tới người kia.

Hiền có mái tóc thề quá vai, dầy xuông của người mạnh khỏe, cặp mắt thiệt buồn, lúng liếng, đẹp cách gì! Ai ngó qua cũng muốn nhìn lại lần nữa... Tôi có mái tóc hơi quăn trên mái và bồng bềnh của thanh niên nhiều tương lai và tự tin. Tuy vậy chúng tôi chỉ trao đổi về tiến triển bịnh tình của Hiền Diệu, còn thì chỉ là những câu xã giao vô tội vạ. Tôi cũng thường trộm liếc coi ánh mắt của Diệu Hiền có nhìn mình với chút thiện cảm gì hơn là bác sĩ săn sóc và trách nhiệm chữa trị cho chị Diệu của em không. Tất cả đều không ngơ. Bình thường!

Vậy mà một bữa đẹp trời kia khi tôi dắc xe ra gần khỏi chỗ gởi thì Hiền xuất hiện kế bên nói nhỏ thiệt mau, giọng chắc nịch như quan tòa tuyên án:

‘Anh Thục xuống Địa Ngục!’

Tôi bàng hoàng. Vậy là lời trách móc tỏ tình rồi. Tôi bình tĩnh cười ruồi:

‘Vậy thì xin cám ơn cô phán quan tài giỏi. Sẵn cô phán quan cho biết kẻ tội nhơn nầy phạm lỗi gì và có thể chuộc tội hay không?’

Bị hỏi khó, Hiền làm thinh. Tôi tấn công chớp nhoáng:

‘Thôi Hiền cho Thục xin lỗi đã làm Hiền buồn trách.’

Thiệt ra đó là câu coi làm bùa ăn khách của bất cứ chàng trai nào ở trong trường hợp bị đào giận hờn, phụng phịu. Rồi tôi cũng thỉnh được Hiền lên xe mình để tôi chở đi ăn kem Mai Hương làm quen. Suốt quãng đường đi Hiền lặng thinh và cố tình ngồi không chạm vô lưng tôi.

Tôi hù dọa:

‘Nếu người được chở không ôm người chở thì khi xe thắng gấp sẽ có tai nạn đó. Không một cô gái nào thích mặt mày mình bị méo mó u nần đâu...’ Tôi đánh thêm đòn tâm lý: ‘Mà không một ai thích nhìn một cô gái đẹp với một vài khuyếm khuyết trên gương mặt!’

Câu nói vừa dứt, tôi nghe một chút hơi ấm truyền qua lưng mình.

Từ đó qua nhiều khó khăn rồi chúng tôi cũng thành một đôi trẻ trung tay nắm tay tung tăng trên đường phố của Sàigòn hoa lệ.

Tôi dường như cũng quên Émille thui thủi ở nhà, không ghé thăm cô ấy cả tháng trời. Trong thời gian đó tôi xách Hiền đi khắp hết Chợ Lớn, những chỗ tôi biết rằng xác xuất để gặp người quen rất nhỏ. Chúng tôi đi ngang Thương Xá Bách Hỷ trên góc đường Khổng Tử và Trần Hưng Đạo nhiều lần, đó là do tôi đọc được lõm bõm hai chữ Tàu nầy trên thương hiệu của tiệm. Khi nghe tôi giải thích thương xá nầy tên Bách Hỷ có nghĩa là trăm điều tốt, như ý, thì Hiền đọc bãng hiệu bằng tiếng Mỹ của tiệm và phát biểu:

‘Thương hiệu chữ Anh thì là Back Here, trở lại đây. Khen cho người nào đó chọn hai chữ Tàu và Anh đều có ý nghĩa lại có phát âm tương tợ nhau.’

Tôi khen làm quà:

‘Hiền giỏi quá, anh thấy hai chữ nầy từ lâu, nhưng không nối kết chúng lại với nhau được’. Tôi nhấn mạnh: ‘Sinh viên Văn Khoa có khác!’

Hình như đó là lần đầu tiên tôi xưng anh với Hiền.

Cô nàng véo vô hông tôi đau điếng:

‘Ăn gian!’

Vậy đó, chúng tôi chỉ rước đèn thôi. Tôi không có ý định khám phá những gì bí ẩn trên thân thể của người con gái dễ thương nầy. Trong những phản ứng của Hiền tôi biết đây là mối tình đầu của Hiền. Và cô gái nầy rất dễ xúc cảm.

Một lần nọ Hiền đưa tôi cây kéo và nhờ cắt tóc ngoài sau lưng bằng nhau ngắn hơn và không có cái đuôi nhòn nhọn như lớp trẻ mới sau nầy. Đó là mái tóc thề thời thượng còn xót lại. Tôi cầm kéo vụng về cắt, tóc chảy ra không thể cắt được vì ‘người thợ bất đắc dĩ’ đáng lẽ cắt từ nhóm nhỏ, không có kinh nghiệm nên nắm nguyên hết cả lọn cắt. Hiền cười nói: ‘Thôi, miễn cho ông thợ vụng, không quen việc cắt tóc thề.’ Nghĩ sao không biết, Hiền thêm: ‘Chỉ rành sáu câu khi giải phẩu thôi.’

Thiếu nữ khi đưa cho tình nhơn cắt tóc thay vì đi ra tiệm đó là dấu hiệu đã tin tưởng và sẽ gắn bó lâu dài, tôi vui với ý nghĩ nầy trong suốt cuộc đi chơi hôm đó và không biết bao nhiêu lần kế tiếp sau.

Khi tôi trao lại cái kéo cho Hiền, em khám phá đầu hai ngón tay tôi bị thuốc ám khói đen, ra lịnh:

‘Anh bỏ hút thuốc đi nha, khói thuốc có hại cho sức khỏe. Yêu em thì anh nên bỏ thuốc.’ Em nói với cái cười nhè nhẹ mà gằn mạnh trong từng lời.

Tôi trêu:

‘Cám ơn bà bác sĩ’. Tôi cố tình dùng và nhấn mạnh nhóm chữ bà bác sĩ với hai nghĩa. Hiền xụ mặt ngay:

‘Em không mơ tưởng được làm bà bác sĩ đâu. Thôi thì trời cho tới đâu thì hưởng tới đó! Tạm làm người tình của bác sĩ thôi.’

Một lần chúng tôi dắt nhau vô rạp hát bóng Đại Nam. Tuồng mới thuộc loại tình cảm nên đông khách đến ngộp thở. Chật ních sảnh đường, phải mất gần nửa tiếng chúng tôi mới từ từ vô trong rạp được. Bên trong tối thui, người đi sau cứ coi theo lưng người đi trước mà tiến tới. Chừng năm phút thì Hiền nói nhỏ chỉ đủ cho tôi nghe:

‘Em bị làm hỗn.’

‘Phía trước hay phía sau?’

‘Cả hai!’

Tôi bỏ tay ra, không dắt tay em đi ngang nữa mà đi phía sau, che hậu thể của em. Hai tay tôi vòng qua trước bảo vệ phần thiêng liêng nhứt của người con gái.

Khi ổn định được chỗ ngồi, Hiền nắm tay tôi để lên đùi em, nói khẽ:

‘Anh gian quá, giữ vườn mà thỉnh thoảng hái trộm vài ba trái quí!’

Tôi lấy tay nầy đánh tay kia: ‘Nè, hái trộm nè! Đánh cho chừa!’

Hiền rúc đầu vô ngực tôi:

‘Anh cố giữ gìn giùm em nha. Cuộc tình mình là con đường dài đầy chông gai, sau lưng anh còn có chị Émille.’

Tôi chận ngang tiếp lời với giọng pha chút khôi hài:

‘Và Thạch đứng trước nhà em sẵn sàng để rước nàng về dinh! Anh hiểu.’

Buổi ciné ấy tôi vui buồn lẫn lộn, nhưng tôi biết Hiền không vui chút nào. Đàn bà con gái vốn thực tế, cảm thấy con đường cụt thì Trời biểu vui cũng không sao vui được.

Ăn réveillon xong xả, dẫn nhau ra xe, tôi nói với Hiền:

‘Coi như đây là lần đi chơi cuối cùng cùng của hai đứa mình. Tuần tới gia đình Émille tổ chức vượt biên. Noel tụi nó mắc tiệc tùng nên thuận tiện cho người vượt biên. Anh muốn em đi theo.’

Hiền biến sắc, nói trong nghẹn ngào:

‘Em chờ ngày nầy đã lâu, không ngờ nó tới mau như vậy! Chắc là em không thể theo anh vì sẽ không chịu nổi cảnh anh và chị ấy thân mật với nhau.’

Trời mưa tầm tã, tôi ngoắc một chiếc xích-lô, ra hiệu cho người phu xe ông chạy thẳng vô Chợ Lớn rồi quay lại chỗ nầy. Hai đứa lên xe. Xe chật, Hiền ngồi thỏm gọn trong lòng tôi. Tấm bạt được đậy lại kín mít, che mưa gió tạt. Trong xe, Hiền ôm chặc tôi, nước mắt dàn dụa ướt hết hai bên má tôi nói là em ở lại và nhớ anh mỗi ngày, chắc là khó sống cuộc đời bình thường, vô tư cho tới hết đời. Em biết anh đi chẳng trở về. Ngàn trùng sông nước với sơn khê...

Chia tay, nhìn dáng thất thiểu của người tình bước vô taxi, tôi thương em vô hạn. Đưa bàn tay ‘ướt đẩm thắng lợi’ tôi nghĩ cách làm sao cho em không buồn nhớ khi tôi ở xa.

Qua Mỹ mấy mươi năm tôi không nguôi nhớ người tình nhỏ bé của mình. Émille học và lấy bằng Kế toán tài chánh CPA, cô nàng tuyên bố ly dị với lý do trước đây tôi đã vụng trộm với một cô nào đó.

Ngồi buồn nghĩ lại không biết kế sách của mình đối phó tình yêu sâu đậm của Hiền với tôi có kết quả bao nhiêu.

Số là chia tay nhau sau bữa ăn Noel đó tôi quyết định làm cho Hiền ghét và quên mối tình đẹp của em. Tôi cố ý tỏ cho một cô y tá trong bịnh viện biết rằng mình mết cô ta và chở cô ấy chạy ngang nhà Hiền nhiều bận.

Trước ngày lên đường xuống điểm hẹn ra con cá lớn, tôi lấy hết can đảm ghé nhà Hiền. Vui buồn lẫn lộn khi thấy những bức thơ tình của mình bị xé nhỏ vứt lăn lóc trong một góc nhà. Hiền lạnh lùng quét ánh mắt bén ngót xa lạ với tôi, không nói gì. Tôi có cảm tưởng như như mình bị lưỡi dao sắc lẻm của sát thủ trong truyện ngắn ‘Chữ Người Tử Tù’ của Nguyễn Tuân vụt qua thân thể tử tội Nguyễn Cao mà tôi đã đọc khi còn ở Trung Học.

Vui là Hiền đã dứt khoát với tình yêu, em sẽ không nhớ thương tôi suốt năm tháng còn lại như đã nói, để sống một đời bình thường, kết hôn với anh chàng Thạch si tình sanh nhiều con cháu.

Buồn là tôi mang cái Tình Oan bắt cá ba bốn tay, là người không xứng đáng với tình yêu trinh nguyên của em.

Mấy mươi năm ở xứ người, thỉnh thoảng nhớ tới Hiền tôi nhủ thầm: Ít ra mình cũng có một thời gian làm đẹp đời mình và đời một người con gái thơ ngây. Mối tình đó biến thành Tình Oan vì mình chủ trương như vậy. Giải quyết một vấn đề lớn. Dứt khoát. Dầu nhơn vật trong vấn đề lớn đó đã chiếm trái tim tôi từ khi tôi biết yêu và thấy mình được yêu.

Ở tuổi chớm già, mấy ai có được mối tình đẹp để ôn lại. Đẹp vì hai đàng đều biết rẳng đối tượng của mình đã có nơi có chốn dầu rằng chưa chánh thức.

Tình Oan do tôi tự tạo. Bây giờ sống cô đơn nơi xứ người, tôi quyết định trân trọng nó như một báu vật. Cũng sẽ không tìm coi Hiền hiện tại sống ra sao để giải thích hay minh oan hành động ngày xưa của mình... Thôi thì hãy để cho quá khứ ngủ yên. Chuyện gì đã qua hãy để cho qua, đừng làm rộn lòng người khác.