Về tập thơ Nữ Tắc của Trương Vĩnh Ký

Nguyễn Văn Sâm

Năm 1911 ông Trương Vĩnh Ký cho in quyền Nữ Tắc, một tác phẩm lưu hành rộng rãi lúc đó, ông nói là mình chép ra Quốc ngữ (QN). Vậy là ông phiên âm từ chữ Nôm ra. Cả trăm năm nay, từ năm 1911, không ai thấy được bản Nôm mà Trương Vĩnh Ký (TVK) đã dùng để phiên âm. Có nhiều lý do: Ngày xưa người ta không có thói quen đưa bản Nôm ra làm chứng cớ cho công trình của mình. Qua thời gian ba đào của nước ta hơn một thế kỷ chuyện thấy đươc BN xa xưa càng ngày càng là chuyện khó khăn. Mò kim đáy biển.

Năm 2019, nhân chuyến đi Paris tìm tư liệu Nôm cho việc nghiên cứu tuồng Nôm, tôi (NVS) được người bạn giỏi Hán Nôm ở đây là học giả Phạm Xuân Hy trao tặng cho bản Nôm Nữ Tắc Diễn Âm mà ông sao chép được mấy năm trước từ một thư viện ở Paris mà ông nói rằng vì tuổi tác ông quên đó là Thư viện nào. Đây là bản khắc in năm Mậu Thìn (1868) đời Tự Đức, do Thịnh Văn Đường tàng bản. Nhận thấy đây là tài liệu quí vì là bản mà TVK dùng làm cơ sở cho việc phiên âm cuốn Nữ Tắc của ông, tôi bèn dò lại từng chữ với bản Nữ Tắc in ở Saigon, năm 1911 của TVK.

Sau khi đọc và so sánh hai bản Nôm và QN, tôi đi đến kết luận:

  1. Tác phẩm nầy - Nữ Tắc - dạy nhiều điều ích lợi cho phụ nữ thời đó cũng như các thời sau, nếu ta đừng quá quyết liệt trong việc đòi hỏi nữ quyền theo kiểu Âu Châu cuối thế kỷ 20.

  2. Ông Trương Vĩnh Ký phiên âm Nữ Tắc, và có thể những tác phẩm khác ở trong trường hợp nầy, với một mục tiêu rõ rệt mà ông không nói ra.

A. Nữ Tắc dạy nhiều điều bổ ích cho người phụ nữ nói chung.

Đọc Nữ Tắc ta hình như ta bị choáng ngộp về những điều dạy cho người phụ nữ. Có những điều rất hay, nếu theo đươc thì người phụ nữ sẽ không bị mang tiếng xấu, phần giá phẩm chất thanh cao của mình được bảo tồn. Mặt khác họ được gia đình bên chồng kính nể, làng xóm trọng vì.

Có thể sau hơn trăm năm, xã hội đổi thay nhiều, ảnh hưởng Tây phương đã quét bay một vài quan niệm có thể bị coi là cổ hủ. Nhưng nhìn chung đó là những lời dạy ích lợi thực tiễn rằng không nên làm một số chuyện mà TVK đã dùng bằng các từ ngữ có tính cách ra lịnh với ý là không nên:

  1. Chớ: chớ bước ra ngoài không nhưng (4b), chớ cắn đảnh móng tay (4a), chớ châu lông mày (4a), chớ chưa nói đã cười (4a), chớ có ca ngâm (3b), chớ cười hở hàm răng (4a), chớ để (tớ trai) đến gần cửa phòng (4b), chớ dựa nương cằm ngẩn ngơ (3b), chớ dức lác xôn xao (3b), chớ gằm con mắt (4a), chớ hay chíp miệng (3b), chớ khá đành hanh (3a), chớ khi lành dữ - thay đổi tánh khí thường trực (4a), chớ khuây đạo hằng (12a), chớ liếc trước trông sau (4a), chớ lo dài vắn (14b), chớ lờ đờ trông theo…trai (3b), chớ lộn tanh hôi (2b), chớ miệng méo môi trề (4a), chớ nề cạn sâu (14b), chớ ngả ngớn nói năng xô bồ (4a), chớ nghiêng mặt nghiêng tai (3b), chớ ngoa (8b), chớ ngửa mặt cúi đầu (4a), chớ sửa áo quần (3b), chớ tần ngần nhìn kim - khi mau vá (3b), chớ thở dài (4a), chớ vươn vai (4a), chớ xuôi thói tà (8a), chiếu lệch chớ ngã (16a)… Biến thể của chớchớ hề, cũng thấy nhiều có nghĩa nặng hơn đôi chút là đừng bao giờ.

  2. Chớ hề: Chớ hề chớt nhả (11a), Chớ hề dòm ngó - người lạ (15a), ao sâu đầm cả chớ hề (16b), chớ hề chào hỏi – trai chẳng phải họ hàng (3b), chớ hề dức lác xin xao (3b). Ngoài hai từ chớchớ hề, các từ ngăn cấm như đừng, chẳng, lựa là, phải, liệu, bớt, cẩn thận cũng đươc sử dụng dầu tính cách răn đe phần nào nhẹ hơn mà trở thành lời khuyên lơn.

  3. Đừng: đừng đổ giẹo đổ xiêu (3b), đừng đoái lại thẩn thơ (3b), đừng làm dạng, nhắm hình (3b), đừng nằm trở hai ba bề (3b).

  4. Chẳng: chẳng bẵng (2b), chẳng chấp (11b), chẳng lựa chuốt vời (1b), chẳng lựa tham nhiều (3b), chẳng rêu rao tiếng gì (11b).

  5. Lựa là: lựa là kén chọn (8b), lựa là mình tới (8a), lựa là ngọc giắt trâm cài (2a), lựa là phiền đến (13a).

  6. Phải: phải chăng cũng chìu (11a), phải cho thanh khiết (1b), phải ôn cho tường (18b), phải thì ((1b), của nếp phải dè (17a).

  7. Liệu: liệu đàng làm thinh (11b), liệu đàng tu cấp (14b), liệu lời (10a), liệu lường (9b).

  8. Bớt: bớt nỗi tiêu pha (10b).

  9. Cẩn thận: cẩn ngôn cẩn hạnh (2b), cẩn nhiệm (10b, 2a), cẩn thửa mình ta (4b).

Không phải bao nhiêu đây thôi, còn nhiều nhiều nữa. Lời dạy nào cũng có ích. Bèn ngẫu hứng viết mấy dòng phóng bút:

Nữ Tắc dạy nhiều Những điều nên tránh. Những điều nên theo Lỗi lầm không mắc. Phong thái thanh cao… Phụ Nữ miền nào? (NVS)

Xin trích ra một đoạn để giới thiệu những lời dạy nầy tràn đầy trong tác phẩm:

                                             Sáng thì thức dậy điểm trang,
                                       Chải đầu, rửa mặt việc thường nữ nhi.
2a                                         Ngồi thì nghiêm chỉnh dung nghi,
                                       Bước thì rón rén, đi thì khoan thai,
                                             Lựa là ngọc giắt trâm cài,
                                       Sửa mình cho chính, ấy người hiền lương,
                                             Áo quần chắt chút kĩ càng,
                                       Sao cho trong sạch vẻn vang mọi bề,
                                             Tanh hôi chớ có phen bì,
                                       Khó thì cho sạch, rách thì cho thơm,
                                             Ở thì tùy tục mà làm,
                                       Quần là áo lượt, chớ tham hơn người,
                                             Nói thì chớ lựa nhiều lời,
                                       Khoe khoang chớ bắt chước người đong đưa,
                                             Ở cho cẩn nhiệm sau xưa,
                                       Nói cười thong thả, thốt thưa dịu dàng,
                                             Nói cho chính đính rõ ràng,
                                       Một lời quan hệ, giữ giàng chẳng chơi,
                                             Chớ hề chớt nhả cợt cười,

Hay lấy một đoạn khác. Kết quả cũng tương tợ, toàn những điều dặn dò rất cụ thể của người từng trải, nhiều kinh nghiệm thực tế, thấu đáo tâm lý người đời. Xin trích ra một phần nhỏ những điều dạy cho người phụ nữ có thai, trong nguyên bản còn có nhiều chi tiết hơn nữa:

                                             Nguyệt kinh phải biết đầy vơi,
                                       Đến khi thai dựng chớ dời giữ kiêng.
                                             Ngoài ba tháng phải nằm riêng,
                                       Chiếu lệch chớ ngả, ghế nghiêng chớ ngồi.
                                             Chớ khi cúi ngửa tơi bời,
                                       Dầu khi cất nhắc hẳn hoi dịu dàng.
                                             Đứng ngồi nghiêm chỉnh đoan trang,
                                       Chớ cho hơi nắng hơi sương lọt mình,
                                             Thấy loài khỉ vượn làm thinh,
                                       Thấy người lạ mặt lạ hình ngoảnh đi.
                                             Chớ hề dòm ngó làm chi,
                                       Chớ khi đói quá, chớ khi no liền,
                                             Đêm đừng để tắt ngọn đèn,
                                       Canh khuya lạnh lẽo chẳng nên dậy trần.
                                             Nằm thì khép nép tay chân,
                                       Chốn nào dức lác chớ gần tới nơi.
16b                                       Ngày nào u ám chiều trời,
                                       Cùng khi bóng ác đã dời hầu khuya,
                                             Chẳng nên tắm gội dầm dề,
                                       Ao sâu đầm cả chớ hề mon men,

Dầu những lời dạy hay ho cách mấy, điểm son phải được dành cho người diễn ra chữ Nôm, không thể cho ông TVK về mặt nầy. Giá trị của TVK trong quyển Nữ Tắc ở chỗ khác, chỗ ông phiên âm từ bản Nôm ra bản Quốc ngữ theo một cách thế đặc biệt có một không hai. Đó là:

  1. thay đổi chữ khi cần thiết,

  2. chọn từ ngữ thích hợp với người Nam để thế vô chữ mà ông nghĩ rằng dân Nam kỳ khó thấu hiểu.

  3. đọc giọng Nam các chữ có âm Nam đương lưu hành, và

  4. thay bằng từ dễ hiểu hơn để tránh trùng lập.

Quyển Nữ Tắc cón có ưu điểm là chú giải rõ ràng. Đặc điểm nầy nầy xin độc giả coi trong bản văn, người viết xin miễn trích ra đây vì quá dài dòng…

B. Cung cách phiên âm đặc biệt của TVK:

  1. Thay đổi chữ khi cần thiết.

    Đừng khi thái quá, đừng khi trễ tràng. BN lập lại chữ đừng, TVK thay chữ đừng sau bằng chớ, khiến câu văn nhẹ nhàng hơn nhiều: Đừng khi thái quá, chớ khi trễ tràng. Những trường hợp tương tợ thấy nhiều trong suốt tác phẩm, xin kể ra một vài, không thể kể ra hết sợ quá rườm rà.

    BN: Nói ra chính đính rõ ràng, TVK thay chữ ra bằng chữ cho, có tính cách dặn bảo, khuyên lơn hơn: Nói cho chính đính rõ ràng.

    BN: Thì là chớ lẻo chưng sự người, TVK thay chữ bằng chữ khá khiến cho nhóm chữ chớ khá mang tính khuyên bảo thân thiết, nhẹ nhàng hơn: Thì là chớ khá lẻo chưng sự người.

    BN: Đi thì chớ có động quần tả tơi, TVK thay chữ tả tơi bằng lả lơi, phù hợp với việc dạy con gái đàn bà hơn. Chữ tả tơi gợi hình ảnh người dạy nhấn mạnh đến tính cách gìn giữ quần áo, trong khi chữ lả lơi gợi ý cho người nữ gìn giữ cái hạnh của mình, tránh bị phê bình, hay hiểu lầm về nhơn phẩm: Đi thì chớ có động quần lả lơi. (X. chú 41).

    BN: Thấy chàng khi bước vào ra, TVK thay chữ vào bằng chữ chơn khiến câu văn vừa nhẹ nhàng vừa mang khí vị Miền Nam hơn: Thấy chàng khi bước chơn ra.

    BN: Tề mi chấn chấn dịu dàng, TVK thay hai chữ chấn chấn không rõ nghĩa trong tiếng Việt thành chắm chắm có nghĩa luôn luôn để ý vô sự việc khiến cho câu nầy mang lời khuyên dạy cụ thể hơn hẳn: Tề mi chắm chắm dịu dàng.

    BN: Ở sao cho đẹp mọi lòng, TVK đổi thành Sao cho đẹp đẽ mọi lòng khiến văn nhiều chất thơ hơn.

    BN: Theo trong phép tắc ghi lòng cho hay, TVK đổi hai chữ phép tắc thành nữ tắc khiến câu nầy vừa trở về đề vừa cho thấy những khuôn phép gì mà người con gái phải theo: Theo trong nữ tắc ghi lòng cho hay.

    Những thay đồi nầy có thể đếm được hơn ba mươi trường hợp, chúng tôi đã ghi lại hết trong phần chú giải. Đọc và phân tách những chữ mà TVK thay thế ta sẽ không khó khăn gì…

    BN: Chẳng nên than thở vui cười, TVK thay từ than thở bằng hớn hở, câu trên trở thành Chẳng nên hớn hở vui cười chỉ rằng lúc cha mẹ bị bịnh thì con cái nên giữ gìn việc biểu lộ tình cảm cá nhơn để tránh làm cho cha mẹ tủi thân.

  2. Chọn từ ngữ thích hợp cho người đọc miền Nam Kỳ lục tỉnh.

    Cái hay và đặc biệt của TVK là sửa câu văn có sẵn một hai chữ - chẳng cần nhiều - thì câu văn trở thành ‘Nam Kỳ Lục tỉnh’ rặc ròng, rất phù hợp với ý thích của dân Nam thời đó. Tôi không cho sự kiện nầy mang tính kỳ thị địa phương, phân chia vùng miền gì, đây chỉ là sự sửa đổi để phù hợp với sự ưa thích của người địa phưong thôi. Điều nầy thấy rõ trong các món ăn gọi là đặc sản, đặc trưng của mỗi vùng, mỗi tỉnh, phải lâu lắm mới có thể thay đổi được. (như Tân Sơn Nhứt biến thành Tân Sơn Nhất, chỗ đậu xe thành bãi đỗ xe…)

    BN: Dòm xem cho biết món gì người ưa, đã được sửa chữ xem thành chữ coi, câu kia mang khí vị khác hẳn: Dòm coi cho biết món gì người ưa.

    BN: Ngọc kia có vết rửa làm sao đi, đã được sửa thành Ngọc kia có vít rửa sao đi, chỉ thay hai chữ, một bằng cách đọc, một bằng chữ thường dùng, TVK đã tạo nên khí vị ông mong muốn cho câu văn!

    BN: Cửa phòng chẳng khá để ai đến gần, TVK sửa thành Cửa phòng chớ có để ai đến gần. Hai chữ chẳng khá được thay bằng hai chữ anh em địa phương của nó: chớ có.

    BN: Rét xin thêm áo cho dầy, TVK sửa thành Rét thì thêm áo cho dầy, thay chữ xin trang trọng bằng chữ thì đơn giản quê kệt, địa phương thường dùng.

    BN: Dặn dò tôi gái tôi trai. TVK sửa lại: Dặn dò tôi gái tớ trai.

    BN: Tuy rằng có kẻ hôm dao thay mình. TVK Tuy có kẻ hôm dao thay mình.

    Phài để ý lắm mới thấy dụng tâm của TVK khi thay một chữ nhỏ, rằng bằng là.

    BN: Xem trong lễ phép chớ thì kiêu ngoa, TVK thay chữ chớ thì bằng chữ chớ hề dễ hiểu và có thi vị hơn: Xem trong lễ phép chớ hề điêu ngoa.

  3. Đọc giọng Nam.

    Ngày nay chuyện nầy là thường nhưng thời TVK thì là chuyện quan trọng vì người Nho sĩ thời đó nói giọng Trung, Bắc nhiều hơn - do Nam Kỳ là vùng đất mới người học hành chẳng có bao nhiêu, người vùng ngoài đến thì nhiều - Ông TVK lợi dụng sự phiên âm của mình để đọc bằng giọng Nam, người ta nói ở ngoài đời. Cũng nhờ từ công việc nầy của TVK, chúng ta còn giữ được một số lớn từ vựng gọi là thuần Nam sau nầy thấy trong tác phẩn của Hồ Biểu Chánh và những người dịch truyện Tàu đầu thế kỷ 20.

    BN: Anh em tuy nghĩa đồng bào, TVK đọc giọng Nam: Anh em tuy ngãi đồng bào. Sự tranh đấu cho từ được đọc giọng Nam không phải là dễ. Ngày nay các từ trên mất lần vì những cái gọi là… nầy nọ.

    BN: Thiên duyên đã định chẳng sai. TVK đọc và sửa: Thiên duơn phối định chẳng sai.

    BN: Nửa khi làm bỏ như xôn thói tà, TVK đọc Nửa khi làm bỏ như đơm thói tà. Suy nghĩ về chữ xônđơm ta sẽ thấy dụng tâm của TVK.

    BN: Tảo tần canh cửi chớ khi nào . Chữ nầy có thể đọc dời, rời , TVK chọn chữ dời, khiến câu thơ thân thuộc với người đọc lúc đó hơn.

  4. Thay bằng từ dễ hiểu hơn hay để tránh trùng lập.

    BN: Hễ là tương kiến, phạm lời cấm xưa, TVK thay từ tương kiến thành mắt thấy: Hễ là mắt thấy, phạm lời cấm xưa.

    BN: Ngăn can ắt có nể ta nhiều bề, TVK đổi hai chữ ngăn can thành can ngăn vì sau đó vài hàng thì sẽ xuất hiện từ can ngăn.

    BN: Lại rồi săn sóc kho tàng, TVK thay hai chữ lại rồi thành rồi ra khiến câu văn Nam hơn mang nhiều hơi hướm khuyên lơn, dạy dỗ hơn: Rồi ra săn sóc kho tàng.

Kết:

  1. Ở bài Giao Cảm nầy, chúng ta không thể nào nói hết về giá trị nội dung của Nữ Tắc vì những điều dạy trong đó là những điều trong sách vở của người Tàu, vì vậy chúng ta chỉ nên nhấn mạnh về cách phiên âm của TVK thôi. Con đường đó đúng hay sai tùy theo quan niệm của mỗi người.

    1. Người chủ trương trung thành tuyệt đối với bản Nôm thì cho rằng TVK đã sai khi tự ý chuyển đổi một số chữ, thay đổi vị trí chữ trong câu nguyên bản. Ngay cả cách đọc thuần Nam của ông cũng sai trên nguyên tắc vì không tôn trọng vùng miền của tác giả BN mà lại nhắm đến đọc giả QN của mình.

    2. Người chủ trương một sự phiên âm mềm dẻo, uyển chuyển trong cách đọc Nôm để cho bản văn khi thành bản QN có thể phục vụ đại đa số người đọc của thời đại nó được in ra thì cách đọc và những thay đổi của TVK là việc làm phù hợp tình huống. Hầu hết các bản phiên âm những truyện thơ sau nầy cho đến đầu nửa sau thế kỷ 20 đều theo nguyên tắc nói trên với những người như Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Chánh Sắt, Đặng Lễ Nghi, Thuận Hòa, Cử Hoành Sơn, Lê Văn Tỏ… Từ nửa sau thế kỷ 20 thì quan niệm phục vụ văn hóa, văn học tuân theo tính cách khoa học trong việc phiên âm BN người phiên âm gần như trung thành tuyệt đối với bản Nôm, chỉ lo phiên chuyển từ loại hình Chữ Nôm ra loại hình chữ QN mà thôi, những ý hướng uyển chuyển bị coi là thứ yếu nếu không nói là phản khoa học.

  2. Những BN như Nữ Tắc, Huấn Nữ Ca, Nhị Thập Tứ Hiếu, Gia Huấn Ca nên được phiên âm và giới thiệu chăng? Nếu bỏ qua mặt văn chương thì về mặt tư tưởng những tác phẩm trên không những đã lỗi thời mà còn là một lực cản cho cho sự tiến hóa của xã hội nếu ai đó tự nhiên hô hào là phải theo đúng những điều dạy trong các sách trên. Xã hội đã tiến bộ, bao nhiêu trang sử bi thương đã ghi lại việc tranh đấu cho nhân quyền, cho nữ quyền… quyển Nữ Tắc nói riêng lạc lõng nếu chỉ được chú ý đến nội dung.

Chúng tôi phiên âm và giới thiệu quyển Nữ Tắc để giúp người đọc nhớ lại một thời con gái đàn bà được dạy dỗ thiệt chu đáo để cuộc đời của họ hạnh phúc - thời thế lúc đó như vậy thì được dạy như thế đâu có gì là đáng trách -.

Nếu đừng đem cặp mắt của người để cao nữ quyền thế kỷ 21 để nhìn, thì quyển Nữ Tắc quả là một tác phẩm đầu tiên và có giá trị lớn trong việc bảo vệ người phụ nữ một cách hữu hiệu trong một xã hội mà quyền lợi của nam giới quá lấn lướt bằng cách dạy phải phát triển nữ hạnh, nữ dung - nhắc lại lần nữa là giá trị đó thuộc về người vô danh nào đó mà TVK có công khươi dậy lên, đưa ra cho công chúng.

Đó là chưa kể mặt văn chương, văn hóa đáp ứng được nhu cầu lúc nó xuất hiện, nghĩa là chỉ đáp ứng cho nhu cầu của xã hội Miền Nam cách nay trên một thế kỷ.

Chúng tôi bỏ công tìm tòi để giới thiệu Nữ Tắc cũng vì những lẽ đó.

─────────────

Ghi chú:

Người phỏng vấn tùy ý đặt ra các câu hỏi liên quan xa gần đến quyển sách. Tuy nhiên tôi , NVS, đề nghị thêm một vài câu hỏi sau:

  1. Nghe nói ông có xuất bản cuốn Nữ Tắc vậy xin nói qua về cuốn sách nầy?
    1. Về hình thức.
    2. Về nội dung.

  2. Công lao của ông Trương Vĩnh Ký khi cho in cuốn Nữ Tắc, ngoài công in để cuốn sách đươc lưu thế, ông TVK còn có công gì khác chăng?

  3. Cuốn Nữ Tắc ngày nay còn chút nào giá trị dạy dỗ phụ nữ không?