Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Bảo thủy chung với đờn ca tài tử
Ông là một trong số những nhạc sĩ hiếm hoi còn lại của lối đàn ứng tấu, ứng tác... Ở Việt Nam, chưa bao giờ có một nhạc sĩ vừa là giáo sư giảng dạy âm nhạc truyền thống vừa là nhạc sĩ trình tấu, lại kiêm cả nghệ nhân đóng đàn như Nguyễn Vĩnh Bảo.

- Để có những ngón đàn lả lướt, bay bướm như thế này, hẳn ông từng là học trò của một vị danh cầm nào đó trong làng đờn ca tài tử. Vậy thày dạy của ông là ai?

- Tôi sinh năm 1918 tại làng Mỹ Trà, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc trong một gia đình nho học rất yêu thích đờn ca tài tử. 5 tuổi tôi đã biết chơi đờn kìm, đờn cò, 10 tuổi biết tất cả các loại nhạc cụ dân tộc (trừ sáo, tiêu). Tôi chính thức học đờn với các thày Hai Lòng (Vĩnh Long), Sáu Tý, Năm Nghĩa (Trà Ôn) nhưng lại thụ giáo dễ đến... 200 ông bởi hễ nghe tiếng người nào có ngón đàn tuyệt hay thì dù xa mấy cũng tìm tới, trước là giao lưu sau là học lỏm.

- Thế là ông đã có một thời ôm đờn ngao du sơn thủy, kỷ niệm nào đáng nhớ nhất với ông?

- Tôi không chỉ ôm đờn đi giang hồ ở Nam bộ mà còn phiêu lưu tận... xứ Chùa Tháp. Có lần khi tôi đang kéo đờn cò phục vụ bà con Việt kiều thì có một anh chàng đạp xích lô cũng ghé vào nghe. Lần sau, anh chàng chạy tới chiếc xích lô của mình lôi ra... một cây đờn cò xin song tấu, anh chơi cũng khá hay. Thì ra anh chàng dù đạp xích lô vẫn kè kè cây đờn bảo bối để giải khuây mỗi khi chờ khách. Hình ảnh anh xích lô kéo đờn cò nơi đất khách quê người làm tôi nhớ mãi...

- Còn nghề dạy đờn, ông đã bắt đầu như thế nào?

- Sau thời gian ở Campuchia, tôi về Sài Gòn rong ruổi nghiệp đờn ca. Năm 1955, trường quốc gia âm nhạc Sài Gòn thành lập, tôi được mời dạy môn đàn tranh kiêm Trưởng ban nhạc cổ miền Nam cho đến năm 1964. Mặt khác, cũng nhờ vào vốn ngoại ngữ (Anh, Pháp...) mà tôi có dịp đi diễn thuyết giới thiệu và trình tấu âm nhạc dân tộc Việt Nam ở nhiều nơi như hội nghị âm nhạc châu Á (Singapore, 1963) rồi cùng giáo sư Trần Văn Khê diễn tấu ghi âm đĩa "Nhạc tài tử Nam bộ" cho hãng Ocara và UNESCO tại Paris (Pháp, 1972). Đặc biệt, Đại học Illinois (Mỹ) đã mời tôi dạy đàn tranh cho các sinh viên của trường với tư cách là giáo sư đặc biệt thỉnh giảng vào những năm 1970-1972. Cũng lạ, đã có rất nhiều ông Tây bà đầm không chịu học đồ, rê, mi, fa, sol, la, si mà tìm tới tôi để học "hò, xự, xang, xê, cống". Những năm 1998-1999 dù tôi đã 80 tuổi nhưng ban giám hiệu trường Collette vẫn mời dạy nhạc cổ truyền Việt Nam cho các học sinh con em người Pháp. Đến bây giờ tôi vẫn còn làm gia sư dạy nhạc. Ngoài ra, tôi còn viết một số bài hướng dẫn phương pháp dạy nhạc truyền thống bằng các thứ tiếng Việt, Anh, Pháp để dạy học trò. Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Long An cũng đang tiến hành in tác phẩm Thử tự học đàn tranh của tôi.

- Ông nghĩ sao khi cải tiến cây đàn tranh từ 16 dây lên 19 rồi bây giờ là 21 dây?

- Tôi quan niệm rằng cải tiến là một cách nâng cao, làm cho hay hơn, tiện lợi hơn, còn nếu sau khi cải tiến mà tính năng của cây đàn vẫn như cũ, thậm chí còn dở hơn bản gốc thì... cải tiến làm gì. Các nhạc cụ truyền thống của chúng ta thường là bản nào, dây đó (đánh bản nào cũng phải chỉnh phím, so dây) rất bất tiện. Cây đàn tranh cải tiến của tôi rất tiện lợi cho việc thể hiện các hơi, điệu trong đờn ca tài tử mà không cần phải sửa dây, kéo nhạn. Từ chỗ mày mò cải tiến cây đàn tranh mà tôi có thêm nghề đóng đàn (tranh, bầu, kìm, gáo...) và ngày càng tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm trong nghề này. Trung tâm nghiên cứu âm nhạc Đông phương (Pháp) cũng đã mời tôi qua làm việc, trao đổi kinh nghiệm với tiến sĩ vật lý Emile Leipp, một chuyên gia về kỹ thuật đóng đàn piano và guitar.

(Theo Thanh Niên)