Lai rai cùng phương ngữ Nam bộ

Cao Thoại Châu

Trong 400 năm qua, có nhiều đợt lưu dân từ miền ngoài vào vùng đất phương Nam, họ mang theo tính cần cù, óc mạo hiểm và kinh nghiệm trồng lúa nước. Đất ấy và người ấy làm phát sinh ở Nam bộ nền sản xuất mang tính khẩn hoang!

Bỏ xứ vào lưu dân là những người dám nghĩ, dám làm, giữa họ với nhau có sự đồng cảm, chia sẻ tình đồng hương. Khẩn hoang lại được thiên nhiên ưu đãi, vì thế, tính tình người Nam bộ ưa khoái hoạt, không khách sáo, là tính “Lục Vân Tiên” trọng nghĩa khí, ham vui, hào phóng, không chi ly tính toán,... Trên cơ sở này, đất ấy hình thành một phương ngữ khá khác với phương ngữ nơi họ ra đi.

Rồi trong quá trình khai thác, Ấn, Hoa, Khmer,... đến và do nằm trên con đường giao thương biển và bộ giữa 2 lục địa Âu - Á mang mầm mống một nền thương mại theo hướng ngoại thương. Sự phát triển theo hướng này của nền KT-XH Nam bộ lại làm giàu có thêm cái vốn phương ngữ mới.


Thưởng thức món cá lóc nướng trui. Ảnh: Internet.

Phương ngữ thể hiện cái tính của người khai sinh ra nó, mà cái tính của người Nam bộ trong ẩm thực là dễ thương nhất, tạm gọi là “văn hóa lai rai”. Ăn trở thành một phong cách không chỉ mang tính tiệc tùng, khách khứa của người giàu sang, quyền thế mà ăn vì... thích lai rai cho vui!

Đã thế thì đâu không lai rai được? Bờ ruộng tại sao không là nơi tụ tập “tự phát” vào một lúc ngẫu nhiên, ngẫu hứng nào đó rất mát trời ông địa? Là xứ sông nước thì sông, rạch thành không gian thương hồ và hiển nhiên thành không gian “văn hóa lai rai”, quá dễ hiểu. Nơi khách thương hồ tụ ghe lại, không thể thiếu những chiếc ghe ẩm thực vốn có sức thu hút bạn hàng nữ khá mạnh,... Vào một chợ, dễ thấy ngay cái nhà lồng là nơi đông vui nhất dành cho ăn uống, đi mua sắm gì thì rồi cũng ghé thăm làm một bụng tại nơi hấp dẫn có thể là nhất chợ này.

Và “văn hóa lai rai” có thể phát triển thành nhậu nhẹt, thường có thêm dăm câu vọng cổ, một chút đờn ca tài tử thể hiện tính khoái hoạt, không câu thúc. Và nhiều khi không thể thiếu... cự lộn, quá hớp thì có thể có oánh lộn! Chuyện kể rằng, bữa nọ, chủ nhà mời mấy bạn sang lai rai, nhân tiện cho thằng rể tương lai ngồi chung với cha, chú. Đang nhậu, một người khách lỡ “xì hơi”, thằng rể chửi thề vu vơ, cha vợ bèn lấy chân đạp nhẹ lên chân chàng rể dưới gầm bàn. Rể lại chửi thề, biểu đã tầm bậy tầm bạ còn đạp chân người ta. Chủ nhà tức quá, khi vào nhà trong bèn than với vợ. Lúc tiệc tan, mẹ vợ trách nhẹ con rể, rể quý hỏi lại: “Thằng cha cà chớn nào thèo lẻo với má?”.

Một điều chưa giải thích được, đó là phương ngữ Nam bộ hay láy từ: Cạn xều - cạn xểu, cạn xếu, cạn xệu như để nhấn mạnh cái ý người nói trong một chỉ định cá biệt. Sao mà nhiều thứ “cạn” vậy? Thực ra thì chỉ là sự giàu có của từ ngữ, cứ dùng thế nào cho thỏa dạ thì thôi! Quả cái tính phóng khoáng của người Nam bộ làm cho “cạn” có nhiều cung bậc!

Người Nam bộ còn phát âm phân biệt rất rõ các âm đầu TR - CH: chân trâu phân biệt với chân châu - phát âm của miền ngoài. Âm đầu V, ở phương ngữ Nam bộ chỉ tồn tại trong chữ viết, không tồn tại trong phát âm: V - D - GI đều phát âm thành D: “Dzì ơi, cái dì dzậy hả dì?” (viết đúng: Dì ơi, cái gì vậy hả dì?).


Buôn bán trên sông - nét văn hóa đặc trưng của miền Tây Nam bộ. Ảnh: Internet.

Sống giữa thiên nhiên hài hòa và đa dạng, từ đó, phương ngữ Nam bộ có nhiều tiếng đầy ắp hình tượng, “lôi cổ” những con, những cây hay vật dụng vào cuộc: Uống mật gấu - mật gấu đắng kinh khủng, dám uống là rất liều; Dai như trâu đái - đúng là con trâu xả tiểu khá lâu vì nhiều; Ăn như xáng múc - cái gầu múc cả thước khối đất thì ăn chi mà dữ thần vậy cha? Làm ầu ơ dzí dzầu tức... làm biếng!

Sông ngòi chằng chịt, sông mẹ đẻ sông con, sông cháu, gắn bó bao đời với sinh hoạt của con người, không những có tên gọi chung như sông, ngòi, mương, máng, lạch, kênh, ao, hồ,... mà còn thêm rạch, xẻo (lạch nhỏ), xép, ngọn, rọc, dớn, láng, lung, bung, búng, bưng, biền, đưng, đầm, đìa, trấp, vũng, trũng, rỏng, tắc, gành, xáng,... tựu trung là đường nước chảy! Sự phong phú trong cách gọi dòng nước phản ánh cư dân Nam bộ chưa phải cư dân già, còn trẻ và còn “đi” mãi và đi thì gặp những dòng nước chảy và... đặt tên cho nó.

Những phương tiện đi lại trên sông nước cũng được gọi bằng nhiều cái tên thật phong phú, có khả năng diễn đạt, nào là ghe bầu, ghe bầu nóc, ghe be, ghe cà vom, ghe chài, ghe cui, ghe cửa, ghe giàn, ghe hầu, ghe lồng, ghe lườn, ghe ngo, vỏ lải, tắc ráng, tam bản, ba lá,... Rồi đến các loại động vật sống ở sông nước cũng thật nhiều tên: Tôm bạc, tôm càng, tôm châm, tôm chấu, tôm chì, tôm gọng, tôm hùm, tôm kẹt, tôm lóng, tôm lứa, tôm mắt tre, tôm quỵt, tôm rồng, tôm sắc, tôm sú, tôm thẻ, tôm tích, tôm tu, tôm vang,... Thật hết sức phong phú! Mỗi loài đều có tên riêng, đủ thấy phương ngữ phải phong phú, phải “chẻ” ra để đáp ứng được tư duy của con người.

Nhìn chung, ở phương ngữ Nam bộ, tính cường điệu, khuếch đại được sử dụng nhiều, độc đáo, mộc mạc, chất phác, không ngoa cách, tạo nên một trong những sắc thái có phần táo bạo, gây nhiều cảm xúc: Ra về ruột nọ quặn đau/ Sắc sâm mà uống mấy tàu chưa nguôi.

Bây giờ nói chuyện đặt tên. Không cầu kỳ, thôi thì cứ lấy ngay một đặc điểm cụ thể (người hay địa hình), đại chúng, tại chỗ làm địa danh: Xóm Củi, Cây Mai, Ba Giồng, Thủ Dầu Một, Thủ Thừa, Bến Tre, Bà Điểm, Thị Nghè, cầu Tham Lương, cầu Bà Tàu,... Huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An có cây cầu Bảy Thước, không hiểu sao các quan làm bảng mới cho cầu sửa lại là “Cầu 7m”! Ông Bảy tên Thước cười mỉm nhưng dân tại chỗ cười hơi lớn cho cái sự ba trời này.

Phương ngữ Nam bộ có những cái thật dễ thương nhưng không dễ giải thích. Ngày nọ, người viết ra tiệm chạp phô đầu hẻm mua một ít đồ. Gặp khách hàng quen, người này hỏi “Ủa, chớ bộ nhà anh ở khu này hả?”. Chưa kịp trả lời thì chị chủ quán hồn nhiên nói thay “Thẩy dzới tôi đâu đít dzới... nhao”! Trời đất, có làm như thế bao giờ, chỉ là hai nhà đâu hậu, gần gũi, thân thiết đến vậy, chứ làm sao được “đâu đít” với nhau?

Dân tộc nào cũng có phương ngữ, một khi họ sống rải ra trên một lãnh thổ dài và rộng hoặc đến từ nhiều cộng đồng, nhiều địa phương, nhiều thời kỳ lịch sử. Yêu cầu của sản xuất, hòa nhập,... từng bước hình thành ra một phương ngữ trong bản đồ ngôn ngữ quốc gia. Phương ngữ Nam bộ là một kho giàu có, độc đáo, kể cả “nói sai, viết sai”: Dzô - vô,... Ngày nay, nếu có chỉnh cho thống nhất, thiết nghĩ chỉ nên chỉnh phần chính tả! Nam bộ có Nhựt Tảo, sao lại chỉnh thành Nhật Tảo?