Sau năm 1954, nước Việt Nam tạm thời bị chia đôi, miền Nam Việt Nam theo thể chế chính trị riêng với tên nước là Việt Nam Cộng hòa (VNCH). Trong 20 năm tồn tại (1955-1975), chế độ này đã xây dựng được một nền giáo dục có nhiều điểm tiến bộ, bắt nhịp gần kịp với mặt bằng giáo dục chung của thế giới. Nó đã được xây dựng trên cơ sở kế thừa, cải tiến và phát huy lên từ nền giáo dục thời Pháp thuộc, cho phù hợp với tinh thần dân tộc và xu thế phát triển của thời đại.
Thời thuộc Pháp, hệ thống giáo dục 3 bậc Tiểu học, Trung học và Đại học đã được xây dựng bước đầu vào năm 1917 cho 5 xứ Đông Dương gồm Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Cao Miên và Lào. Chương trình học ở thuộc địa chủ yếu dựa theo chương trình của chính quốc, tiếng Pháp được sử dụng làm ngôn ngữ chính, tiếng Việt chỉ đóng vai trò phụ thuộc. Nền giáo dục thực dân chỉ chú trọng đào tạo theo hướng tinh hoa, số lượng trường học rất hạn chế. Lúc bấy giờ, mỗi huyện, phủ chỉ có một trường tiểu học; trường trung học bậc Thành chung (Trung học cơ sở) chỉ có ở những tỉnh lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An, Huế, Bình Định, Sài Gòn, Mỹ Tho, Cần Thơ…; trường trung học bậc Tú tài (Trung học phổ thông) chỉ vỏn vẹn có 3: Trung học Bảo hộ ở Hà Nội, Trung học Khải Định ở Huế và Trung học Pétrus Ký ở Sài Gòn. Có thể kể thêm một trường trung học dành cho con em người Pháp là Trường Albert Sarraut ở Hà Nội.
Sau ngày đảo chính Pháp (09/3/1945), Nhật tuyên bố trao trả độc lập cho nước Việt Nam. Chính phủ Trần Trọng Kim được thành lập ngày 17/4/1945 và chỉ tồn tại trong 4 tháng ngắn ngủi, đã cho xây dựng một chương trình Trung học mới và đầu tiên cho Việt Nam lấy tiếng Việt làm chuyển ngữ, do một tập thể giáo sư (1) tài năng và tâm huyết ở Huế và Hà Nội soạn thảo chỉ trong vòng khoảng 10 ngày, dưới sự chủ trì của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn (2) (nên cũng quen gọi Chương trình Trung học Hoàng Xuân Hãn).
Bước sang thời Đệ nhất Cộng hòa (1955-1963), trong buổi đầu xây dựng nền móng cho nền giáo dục mới, các nhà giáo dục miền Nam đã chú ý giải quyết được một số vấn đề cốt lõi của nền giáo dục quốc dân như triết lý giáo dục, mục tiêu giáo dục, chương trình học, tài liệu giáo khoa và phương tiện học tập, vai trò của nhà giáo, cơ sở vật chất và trang thiết bị trường học, đánh giá kết quả học tập và tổ chức quản trị. Trong số những vấn đề cốt lõi nêu trên thì triết lý giáo dục có lẽ đóng vai trò quan trọng bậc nhất, vì đó là yếu tố khởi đầu quyết định đường lối cùng sự thành bại của cả một nền giáo dục.
Triết lý giáo dục của VNCH.
Năm 1958, dưới thời Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Trần Hữu Thế, (3) VNCH đã tổ chức Đại hội Giáo dục Quốc gia lần thứ nhất tại Sài Gòn. Thành phần tham dự đại hội gồm có các nhà giáo dục, học giả, các bậc phụ huynh, đại diện các ban ngành… Đại hội đã đề ra triết lý giáo dục với 3 nguyên tắc: Nhân bản, Dân tộc và Khai phóng. Đây là 3 nguyên tắc làm nền tảng cho triết lý giáo dục của chế độ VNCH, được ghi cụ thể trong tập tài liệu Những nguyên tắc căn bản do Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản năm 1959, sau đó còn được đưa hẳn vào Hiến pháp VNCH 1967. (4)
Trên cơ sở của triết lý giáo dục nhân bản và tiến bộ đó, chính quyền VNCH đã đề ra những mục tiêu cho nền giáo dục, để đào tạo ra con người có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Nội dung của các mục tiêu đó là:
1. Phát triển toàn diện mỗi cá nhân
Nền giáo dục với quan điểm tôn trọng nhân cách và giá trị của cá nhân học sinh, giúp cho sự phát triển toàn diện của mỗi cá nhân học sinh theo đúng quy luật phát triển tự nhiên cả về thể chất lẫn tâm lý, không được gò ép học sinh trong một khuôn mẫu giáo điều theo ý đồ chủ quan của một cá nhân, tổ chức nào.
Trong giáo dục phải có nhiệm vụ cung cấp cho học sinh đầy đủ thông tin và dữ kiện, để các em phán đoán, lựa chọn; không che giấu thông tin hay chỉ cung cấp những thông tin đã chọn lọc, thiếu trung thực theo một chủ trương, định hướng mang tính áp đặt của tổ chức chính trị, xã hội.
2. Phát triển tinh thần quốc gia ở mỗi học sinh
Giáo dục phải có nhiệm vụ làm cho học sinh hiểu biết đầy đủ, trung thực về thực tế xã hội mình đang sống. Thông qua giáo dục, học sinh được hiểu biết về lịch sử dân tộc, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, để các em biết quý trọng, gìn giữ những di sản mà tổ tiên, cha ông đã xây dựng trong suốt hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước; từ đó hình thành nên ở các em ý thức, tinh thần đấu tranh để bảo vệ độc lập dân tộc khi đất nước có ngoại xâm.
Giáo dục giúp học sinh yêu mến, quý trọng và sử dụng tốt tiếng Việt trong học tập và cuộc sống. Giáo dục giúp học sinh nhận biết về quê hương, đất nước, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa của dân tộc lưu truyền qua nhiều thế hệ, từ đó làm cho các em hình thành tình yêu đối với quê hương, đất nước và biết trân trọng, giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc.
3. Phát triển tinh thần dân chủ và tinh thần khoa học.
Trong giáo dục, giúp học sinh biết cách tổ chức làm việc nhóm, tập thể; từ đó hình thành nên ở các em thói quen, tinh thần làm việc tập thể, nâng cao ý thức gắn bó với cộng đồng.
Giáo dục giúp học sinh phát triển óc phán đoán, suy xét mọi vấn đề với nhiều góc độ khác nhau, hình thành một tinh thần trách nhiệm và ý thức kỷ luật cao trong công việc và cuộc sống. Qua đó, giúp học sinh hình thành và phát triển tinh thần khoa học, có khả năng tiếp nhận những giá trị văn hóa của nhân loại; biết tự tin vào bản thân, tự lực phấn đấu và có khả năng tự lập trong học tập và cuộc sống.
Trong buổi đầu hình thành quốc gia độc lập, các nhà giáo dục miền Nam đã dựa theo mô hình và kinh nghiệm giáo dục của Pháp để xây dựng nền giáo dục VNCH. Đến cuối những năm 60, đầu 70, đã có khuynh hướng rời xa dần ảnh hưởng của giáo dục Pháp vốn nặng về lý thuyết để chuyển sang học tập theo mô hình giáo dục của Hoa Kỳ mang nhiều tính chất thực tiễn.
Trên cơ sở thể chế dân chủ tự do (mặc dù còn thô sơ), giáo dục VNCH là một nền giáo dục mang tính đại chúng, tạo điều kiện rộng rãi đồng đều cho tất cả mọi người đều có cơ hội học tập, không phân biệt giới tính, tôn giáo hoặc thành phần giai cấp.
Giáo dục phổ thông thời bấy giờ gồm có 3 cấp: Tiểu học, Trung học Đệ nhất cấp và Trung học Đệ nhị cấp. Hệ thống giáo dục phổ thông có hai loại trường: công lập và tư thục.
Ngoài hệ thống giáo dục phổ thông trung học còn có hệ giáo dục chuyên nghiệp tức các trường dạy nghề, dành cho những học sinh không đủ điều kiện tiến xa hơn trên đường học vấn, nhằm giúp các em ra đời có nghề nghiệp chuyên môn trong tay để có thể tìm được công ăn việc làm ổn định.
Trải qua quá trình xây dựng và phát triển gần 20 năm, đến năm học 1973-1974, toàn miền Nam Việt Nam có 3.101.560 học sinh tiểu học, 1.091.779 học sinh trung học [1]. Với số lượng học sinh phong phú và chất lượng ở bậc phổ thông là nguồn cung cấp quý giá cho các trường đại học hoặc trung cấp chuyên nghiệp, nền giáo dục phổ thông đóng vai trò nền tảng để đào tạo ra những con người mai sau hữu ích cho gia đình và xã hội.
B. Giáo dục Tiểu học và Trung học
I. Giáo dục Tiểu học và Giáo dục Cộng đồng
1. Giáo dục Tiểu học
Tiểu học là bậc học đầu tiên của hệ thống giáo dục phổ thông nên có vai trò rất quan trọng, nó được coi là nền móng để đào tạo nên một con người hoàn thiện về học vấn, phẩm hạnh trong tương lai.
Bậc Tiểu học thời VNCH gồm 5 lớp, từ lớp Năm đến lớp Nhất (tương đương lớp 1 đến lớp 5 bây giờ). Theo quy định của Hiến pháp VNCH thì giáo dục bậc Tiểu học mang tính chất bắt buộc, tất cả mọi gia đình có trẻ em đến tuổi đi học đều phải cho đến trường. Luật định từ thời Đệ nhất Cộng hòa là trẻ con phải đi học tối thiểu 3 năm ở trường tiểu học.
Tên gọi 5 lớp bậc Tiểu học
Trước 1970 |
Sau 1970 |
Lớp Năm | Lớp Một |
Lớp Tư | Lớp Hai |
Lớp Ba | Lớp Ba |
Lớp Nhì | Lớp Tư |
Lớp Nhất | Lớp Năm |
Ở các trường tiểu học công lập, học sinh được hoàn toàn miễn học phí và không phải đóng góp bất kỳ khoản nào khác. Học sinh tiểu học học từ thứ Hai đến thứ Bảy, tất cả 6 ngày/tuần; mỗi ngày chỉ học một buổi sáng hoặc chiều.
Tính đến đầu thập niên 70, VNCH đã có 2,5 triệu học sinh tiểu học, chiếm tổng số 82% thiếu nhi có độ tuổi từ 6 đến 12, theo học ở 5.208 trường trên toàn miền Nam [1]. Thời Đệ nhất Cộng hòa, xã hội còn tương đối yên ổn nên hệ thống giáo dục tiểu học được “phủ sóng” đến tận các vùng sâu, vùng xa, mỗi xã thời đó đều có một trường tiểu học được chính quyền xây cất khang trang với một vài dãy nhà cấp 4 mái lợp ngói đỏ, nền xi măng, tường xây vững chắc. Sang thời Đệ nhị Cộng hòa, do chiến tranh ngày càng lan rộng, nên hệ thống trường tiểu học phải co cụm về các thị trấn, thị xã hoặc vùng nông thôn gần đô thị, những nơi vùng sâu vùng xa hầu như không còn trường lớp hoạt động.
Từ năm 1956, theo quy định của chính phủ VNCH, tất cả các trường học tại Việt Nam, không kể công lập hoặc tư thục, hay của nước ngoài đều phải dạy một số giờ nhất định về 2 bộ môn là Quốc văn và Lịch sử Việt Nam. Tất cả các trường đều phải theo chương trình đã được quy định từ Bộ Quốc gia Giáo dục.
Một năm học 9 tháng, học sinh được nghỉ hè thực sự 3 tháng. Ngoài ra còn được nghỉ thêm khoảng 10 ngày trong các ngày lễ lớn.
Nền giáo dục tiểu học được tổ chức với một hệ thống chặt chẽ và quy mô toàn quốc. Giáo dục tiểu học miễn phí và quy định bắt buộc của nhà nước, giúp con em nhân dân có điều kiện đến trường, từ đó nạn mù chữ “truyền thống” trong các tầng lớp nhân dân lao động, đặc biệt là ở các vùng nông thôn sâu, xa đã được xóa bỏ dần dần. Với một nền tảng Tiểu học có chất lượng tốt, học sinh có căn bản vững vàng để tiếp tục bước lên bậc Trung học.
Chương trình học ở bậc Tiểu học gồm có các môn: Việt ngữ, Đức dục và Công dân giáo dục, Quốc sử, Địa lý, Khoa học thường thức, Toán, Vẽ, Thủ công, Hoạt động thanh niên, Thể dục, Nữ công gia chánh (bao gồm cả môn Dưỡng nhi, chỉ dạy cho nữ sinh ở lớp Nhì và lớp Nhất). Số giờ dạy khác nhau tùy theo cấp lớp và tầm quan trọng của môn học (như môn Việt ngữ từ 7,5 giờ đến 9 giờ /tuần; môn Toán từ 2,5 giờ đến 4 giờ/tuần…). Bãi bỏ môn Sinh ngữ; chỉ một ít trường tư thục hoặc trường của tổ chức nước ngoài mới có dạy Anh văn hoặc Pháp văn.
2. Giáo dục Cộng đồng
a. Quá trình thành lập, hoạt động
Giáo dục Cộng đồng được áp dụng ở miền Nam Việt Nam chủ yếu dành cho bậc Tiểu học.
Trước năm 1961, trường tiểu học cộng đồng do Tổng Nha Trung Tiểu học và Bình dân Giáo dục quản lý. Từ năm 1962, Ban Giáo dục Cộng đồng được thành lập do Nha Tiểu học trực tiếp quản lý.
Có nhiều cách định nghĩa về trường tiểu học cộng đồng, ở đây có thể tham khảo định nghĩa theo lối so sánh của Ủy ban UNESCO tại Việt Nam như sau:
“Trường cộng đồng khác với trường phổ thông (cổ điển) ở hai phương diện: hoạt động bên trong và hoạt động bên ngoài. Trường phổ thông theo đuổi một chương trình khoa cử thụ động. Còn trường tiểu học cộng đồng thực hiện một chương trình linh động có tính cách địa phương qua các chủ điểm giáo dục, vừa cá tính hóa, vừa xã hội hóa nền học cùng một lúc” [4].
Từ năm 1955 đến năm 1958, là thời kỳ mở đầu của trường tiểu học cộng đồng ở Nam Việt Nam. Một số ngôi trường được xây dựng, chủ yếu ở nông thôn, trang bị nhiều dụng cụ cần thiết như: máy khâu, máy may, máy dệt vải… do quỹ viện trợ Hoa Kỳ đài thọ. Mục đích của trường là hướng nghiệp học sinh về các ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủ công nghiệp (làm giày dép, may mặc…).
Chương trình học cũng gồm các môn như tiểu học phổ thông, nhưng thêm vào các bộ môn gắn liền với thực tế của địa phương.
Từ năm 1958 đến năm 1962, Bộ Quốc gia Giáo dục tiếp tục cải biến trường tiểu học phổ thông thành trường cộng đồng, đồng thời đào tạo giáo chức cộng đồng tại Trung tâm Giáo dục Căn bản Long An.
Trong các năm 1962-1965, hệ thống tiểu học cộng đồng tiếp tục phát triển. Sau khi Nha Tiểu học được đổi thành Nha Tiểu học và Giáo dục Cộng đồng, theo Nghị định 1692-GD/PC/NĐ ngày 06/12/1965, thì đường lối giáo dục cộng đồng được phổ biến rộng rãi. Trên đà phát triển đó, từ năm học 1966-1967, Bộ Quốc gia Giáo dục đã quyết định cộng đồng hóa gần 900 trường tiểu học trên toàn quốc. Tiếp sau, Bộ Quốc gia Giáo dục đã ban hành Nghị định số 2463-GD/ PC/NĐ ngày 25/11/1969, với nội dung cộng đồng hóa tất cả các trường tiểu học.
Về đội ngũ giáo chức, do ngành sư phạm đào tạo, đến năm 1970 đã có 14.000/ 39.192 giáo viên tiểu học toàn quốc được huấn luyện về giáo dục cộng đồng [4].
Bảng liệt kê hệ thống Giáo dục Cộng đồng từ năm 1954 đến 1969 [4]:
Năm | Sốtrường cộng đồng | Số lớp |
Số lượng học sinh |
Số lượng giáo chức |
1954-1955 | 2 | 12 | 571 | 12 |
1955-1956 | 5 | 37 | 1.379 | 36 |
1956-1957 | 7 | 41 | 2.063 | 53 |
1957-1958 | 9 | 60 | 2.414 | 63 |
1958-1959 | 18 | 130 | 6.797 | 154 |
1959-1960 | 23 | 180 | 9.150 | 200 |
1960-1961 | 23 | 213 | 11.187 | 241 |
1961-1962 | 43 | 368 | 18.617 | 406 |
1962-1963 | 75 | 751 | 30.240 | 800 |
1963-1964 | 101 | 1.061 | 55.516 | 1.186 |
1964-1965 | 121 | 1.370 | 72.167 | 1.404 |
1965-1966 | 121 | 1.383 | 75.556 | 1.467 |
1966-1967 | 852 | 11.931 | 191.817 | 11.511 |
1967-1968 | 1.092 | 15.068 | 807.732 | 11.599 |
1968-1969 | 1.336 | 17.604 | 954.407 | 17.272 |
b. Mục tiêu giáo dục
Giáo dục cộng đồng gồm có hai mục tiêu chính:
- Giáo dục trẻ em: Dạy cho trẻ em hiểu biết chữ nghĩa, mở rộng kiến thức, đào tạo những trẻ em chậm tiến trở thành một người nhanh nhẹn, vững vàng và tự tin trong học tập.
- Giáo dục dân chúng: Giúp họ hiểu biết những khái niệm về y tế, kinh tế, văn hóa… để họ có những tiến bộ trong cuộc sống và cải thiện nâng cao cuộc sống của bản thân và gia đình, thoát khỏi tình trạng thiếu hiểu biết, nguyên nhân làm cho xã hội nông thôn bị lạc hậu, trì trệ.
c. Nguyên tắc giáo dục
Có 4 nguyên tắc căn bản trong giáo dục cộng đồng:
- Hoạt động sát với hoàn cảnh địa phương.
- Hoạt động sát với nhu cầu địa phương.
- Vừa giáo dục trẻ con vừa giáo dục quần chúng.
- Chủ trương gắn liền học với hành.
d. Phương pháp giáo dục
Mục đích của giáo dục cộng đồng là cải thiện đời sống trẻ em trong các gia đình và của cộng đồng. Dựa vào 4 nguyên tắc trên, trường cộng đồng áp dụng một đường lối giáo dục mới mẻ, thực tế, thích ứng với hoàn cảnh nông thôn Việt Nam.
Có 4 phương pháp chủ yếu là:
- Phương pháp nghiên cứu địa phương, có nghĩa là nghiên cứu điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa, địa lý… của địa phương đó để đề ra chương trình giáo dục thích hợp.
- Phương pháp chủ điểm, là tập trung vào vấn đề quan trọng nhất của địa phương để có kế hoạch đào tạo phù hợp.
- Phương pháp nghiên cứu riêng từng vấn đề.
- Phương pháp giáo dục quần chúng.
Giáo dục cộng đồng là đường lối giáo dục mang giá trị thực tiễn rất cao, giúp cho xã hội nhanh chóng thoát khỏi tình trạng trì trệ, tạo nền tảng để phát triển theo kịp các nước tiên tiến. Điều đáng tiếc là chương trình Giáo dục Cộng đồng tuy mang nhiều cao vọng nhưng trên thực tế thực hiện lại còn nhiều lúng túng và thiếu sót, không đạt được đầy đủ những mục tiêu như kế hoạch lý tưởng đã đề ra, cuối cùng phải bỏ dở khi lịch sử sang trang tháng 4/1975.
II. Giáo dục Trung học
1. Trung học phổ thông
Giáo dục Trung học của VNCH có hai cấp gồm Trung học Đệ nhất cấp và Trung học Đệ nhị cấp (tương đương Trung học cơ sở và Trung học phổ thông ngày nay).
Chương trình học tập kế thừa nền tảng từ nền giáo dục của người Pháp trước kia và tiếp sau là Chương trình Trung học Hoàng Xuân Hãn (1945), trên cơ sở đó, các nhà giáo dục đã biên soạn, nâng cao cho phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của thế giới. Chương trình học nhằm rèn dạy nhân cách và trang bị tri thức toàn diện cho học sinh, nội dung đa dạng, phát huy tối đa sự hiểu biết và tính sáng tạo cho học sinh. Nó bao gồm cả 3 nội dung giáo dục được thực hiện song song và xem trọng như nhau là Đức dục (học đạo đức), Trí dục (học kiến thức) và Thể dục (rèn luyện thể chất).
Các môn học gồm có: Quốc văn, Sử, Địa, Công dân giáo dục, Sinh ngữ, Cổ ngữ (Hán tự hoặc Latin), Toán, Lý, Hóa, Vạn vật, Vẽ, Âm nhạc, Thể dục, Thủ công, Nữ công Gia chánh (cho nữ sinh, gồm cả môn Dưỡng nhi). Ở cuối Trung học Đệ nhị cấp, còn có môn Triết học, qua đó học sinh được tiếp xúc với các học thuyết khác nhau trên thế giới cả Đông phương và Tây phương, với 4 phân môn: Tâm lý học, Luận lý học, Đạo đức học và Siêu hình học.
Từ sau 1954, trên cơ sở kế thừa chương trình Hoàng Xuân Hãn (1945), nền giáo dục của VNCH đã từng bước cải tiến, áp dụng chương trình học phù hợp với yêu cầu xã hội thời bấy giờ.
Trung học Đệ nhất cấp:
Từ lớp 6 đến lớp 9, trước năm 1970 gọi Đệ thất, Đệ lục, Đệ tam, Đệ tứ. Học sinh tiểu học, sau khi học xong lớp 5 (lớp Nhất cũ) thì phải thi lấy bằng Tiểu học. Sau đó thi vào Trung học Đệ nhất cấp công lập. Sự chọn lọc trong kỳ thi đầu vào ở các trường công lập khá khắt khe, tỷ lệ đậu chỉ khoảng 60%, hầu hết đều là học sinh có học lực từ khá trở lên. Chưa kể các trường trung học danh tiếng tại các đô thị lớn như Quốc học (Huế), Pétrus Ký (Sài Gòn)… tỷ lệ trúng tuyển chỉ khoảng non 10%, nên vào được các trường này đều phải là học sinh giỏi. Những học sinh thi trượt trường công lập, nếu muốn tiếp tục việc học phải vào trường tư thục và chấp nhận đóng học phí.
Tên các lớp bậc Trung học Đệ nhất cấp
Trước năm 1970 | Sau năm 1970 |
Lớp Đệ thất | Lớp 6 |
Lớp Đệ lục | Lớp 7 |
Lớp Đệ ngũ | Lớp 8 |
Lớp Đệ tứ | Lớp 9 |
Học sinh học xong lớp 9 (Đệ tứ), phải thi lấy bằng Trung học Đệ nhất cấp. Từ 1954 đến 1958, kỳ thi có hai phần vấn đáp và viết. Đến năm 1959, bỏ bớt vấn đáp. Từ niên học 1966-1967 trở đi, Bộ Quốc gia Giáo dục cho bỏ luôn kỳ thi tốt nghiệp Trung học Đệ nhất cấp.
Thời Đệ nhất Cộng hòa, hệ thống trường Trung học Đệ nhất cấp vì chưa kịp xây dựng, nên chỉ mới có ở tỉnh lỵ mỗi tỉnh. Nhiều học sinh ở các huyện xa, phải lặn lội vất vả đến tỉnh lỵ cách xa gia đình ba bốn chục cây số để trọ học. Sang thời Đệ nhị Cộng hòa, mặc dù chiến tranh đã lan rộng nhiều nơi, nhưng do có quá trình chuẩn bị, hệ thống Trung học Đệ nhất cấp đã có ở hầu hết các huyện lỵ trong toàn tỉnh, trừ một số huyện ở vùng núi rừng thuộc quyền quản lý của Mặt trận Giải phóng.
Chương trình học của bậc Trung học Đệ nhất cấp gồm các môn: Quốc văn và Hán tự, Sử Địa, Công dân giáo dục, Sinh ngữ, Toán, Lý, Hóa, Vạn vật, và một số môn nhiệm ý (tùy chọn: Vẽ, Âm nhạc, Thể dục, Thủ công, Nữ công Gia chánh Dưỡng nhi). Trong đó, Quốc văn học 6 giờ/tuần; Toán các lớp 6, 7 học 3 giờ/tuần, các lớp 8, 9 học 4 giờ/ tuần...
Trung học Đệ nhị cấp:
Gồm các lớp 10, 11, 12 (trước năm 1970 gọi Đệ tam, Đệ nhị, Đệ nhất). Ở Đệ nhị cấp, học sinh phải chọn học theo một trong 4 ban để chuẩn bị cho việc vào đại học sau này: Ban A chuyên Lý, Hóa và Vạn vật (ngày nay gọi là Sinh học); ban B chuyên về Toán; ban C chuyên về Văn chương và Sinh ngữ (Anh văn, Pháp văn); ban D chuyên về Văn chương và Cổ ngữ (Hán văn hoặc Latin).
Trường học có loại dành riêng cho nam sinh, có loại cho nữ sinh. Ví dụ các trường nam: Pétrus Ký, Chu Văn An, Võ Trường Toản, Hồ Ngọc Cẩn (Sài Gòn), Quốc học (Huế), Phan Châu Trinh (Đà Nẵng), Cường Để (Quy Nhơn), Võ Tánh (Nha Trang), Trần Hưng Đạo (Đà Lạt), Nguyễn Đình Chiểu (Mỹ Tho), Phan Thanh Giản (Cần Thơ); các trường nữ: Trưng Vương, Gia Long, Lê Văn Duyệt (Sài Gòn), Đồng Khánh (Huế), Hồng Đức (Đà Nẵng), Bùi Thị Xuân (Đà Lạt), Lê Ngọc Hân (Mỹ Tho)...
Học sinh các trường đều tuân thủ một đồng phục chung của cả nước là: nữ mặc áo dài trắng, quần trắng hoặc đen; nam thì mặc áo sơ mi trắng, quần tây màu xanh.
Ở các trường công lập, những học sinh gặp hoàn cảnh gia đình khó khăn, có học lực giỏi… được nhà nước trợ cấp học bổng hàng tháng để ăn học.
Ngoài hệ thống trường trung học phổ thông, còn có một số loại hình trường trung học gọi là Trung học Tổng hợp, Trung học Kỹ thuật, Quốc gia Nghĩa tử.
2. Trung học Tổng hợp
Trường trung học tổng hợp là một loại hình trường trung học mang tính đặc thù riêng so với trường trung học thông thường trong hệ thống giáo dục của nhà nước. Chương trình giáo dục ở trường trung học tổng hợp chú trọng nhiều đến kỹ năng thực tế và hướng nghiệp, trang bị cho học sinh những kiến thức thực tiễn, để khi rời ghế nhà trường, học sinh có thể tìm được việc làm để sinh sống. Loại trường này áp dụng theo mô hình các trường trung học Hoa Kỳ. Đặc điểm là trường học ở các địa phương, tùy theo nhu cầu và điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương đó, các bậc phụ huynh hoặc các nhà giáo dục, nhà hoạt động xã hội có thể đề nghị đưa vào chương trình giảng dạy những bộ môn đặc thù, phù hợp với địa phương đó, giúp học sinh có thể vận dụng kiến thức đã học vào thực tế cuộc sống để tạo ra của cải vật chất.
Giáo dục tổng hợp khác với giáo dục cổ điển là không nặng về từ chương khoa cử, không những chỉ nhằm chuẩn bị cho học sinh bước lên đại học, mà còn giúp cho học sinh dễ dàng chọn nghề khi phải bỏ học dở dang. Cũng giống với giáo dục cộng đồng, giáo dục tổng hợp chủ trương gắn liền học đường với xã hội, phát triển sở thích và năng khiếu của mỗi học sinh.
Trên tinh thần đó, khi tốt nghiệp bậc Trung học, học sinh vừa có được kiến thức lý thuyết, vừa có kiến thức thực nghiệm, nhờ vậy sẽ có sự nhìn nhận, chọn lựa trong công việc hoặc chọn lựa hướng đi trong tương lai.
Chương trình Giáo dục Tổng hợp này bắt đầu được thử nghiệm từ thời Đệ nhị Cộng hòa. Loại trường này thường ghép chung Đệ nhất cấp và Đệ nhị cấp với nhau. Mô hình đã được thể nghiệm đầu tiên năm 1965-1966 [1] ở Trường Trung học Kiểu mẫu Thủ Đức do Giáo sư Dương Thiệu Tống làm Hiệu trưởng.(5) Sau đó, mô hình này được mở rộng ra ở nhiều nơi: Ở Sài Gòn có Trường Nguyễn An Ninh dành cho nam sinh và Trường Sương Nguyệt Anh dành cho nữ sinh; ở Long Xuyên có Trường Chưởng Bình Hầu…
Cho đến năm 1972, trên toàn quốc đã có 18 thí điểm trung học tổng hợp được thành lập. Kết quả cho thấy nhu cầu giáo dục tổng hợp có phần thích hợp với hoàn cảnh Việt Nam nên có nhiều dự án đã được tiếp tục nghiên cứu để phát triển thêm.
Cũng như Trung học phổ thông, Trung học Tổng hợp chia thành hai cấp: Đệ nhất cấp và Đệ nhị cấp.
- Ở bậc Đệ nhất cấp tổng hợp, chương trình học vẫn chú trọng đến việc truyền thụ kiến thức tổng quát nhằm đáp ứng những đòi hỏi chung của học sinh bất kể là thuộc ban chuyên môn nào.
- Ở bậc Đệ nhị cấp, học sinh được chia thành các ban chuyên khoa để đáp ứng những đòi hỏi giáo dục của cá nhân và xã hội. Không phải tất cả học sinh sẽ tiếp tục lên bậc Đại học sau này, nên chương trình Đệ nhị cấp được xếp theo hai chiều hướng:
+ Sửa soạn đại học: gồm ban Văn chương và ban Khoa học.
+ Về thực nghiệp: gồm có các ban Doanh thương, Kinh tế gia đình, Công kỹ nghệ, Canh nông.
Các ban khác nhau có số vốn giáo dục chuyên môn gồm trong số giờ của những môn học cần thiết cho ban đó, hay thêm số giờ trong phần giáo dục căn bản tổng quát.
Ở hai ban Văn chương và Khoa học, số giờ các môn học từ chương được tăng cường để học sinh dễ dàng theo học tại các phân khoa đại học. Ở các ban thực nghiệp, số giờ học chuyên nghiệp được đặt nặng nhằm giúp học sinh có thể phát triển khả năng chuyên môn hay tiếp tục theo học ở những trường cao đẳng, đại học chuyên nghiệp.
Để chương trình có tính cách linh động, học sinh vẫn có thể lựa chọn thêm môn học theo sở thích, hợp với khả năng qua một số giờ dành cho môn nhiệm ý. Những môn nhiệm ý có thể có ở Đệ nhị cấp là: Công kỹ nghệ, Kinh tế gia đình, Doanh thương, Canh nông, Sinh ngữ, Toán và Lý - Hóa. Do đó học sinh chuẩn bị bước lên bậc Đại học, vẫn có thể biết thêm về môn học thuộc ngành chuyên môn khác, hay học sinh ở ngành thực nghiệp vẫn có thể học thêm một số môn học thuộc kiến thức tổng quát.
3. Trung học dạy nghề
Bên cạnh hệ thống trường trung học phổ thông, còn có các trường trung học kỹ thuật hay còn gọi trường dạy nghề. Những học sinh do sở thích hoặc do năng lực hạn chế, không đủ sức học lên Trung học Đệ nhị cấp để có cơ hội vào đại học thì được hướng nghiệp vào học trường trung học nghề.
Ở các trường trung học kỹ thuật, chương trình học được kết hợp giữa dạy nghề với giáo dục phổ thông, trong đó phần dạy nghề chiếm thời gian nhiều hơn. Học sinh trúng tuyển vào trung học kỹ thuật được nhà nước cấp học bổng bán phần hay toàn phần tùy thuộc vào số điểm cao thấp. Do sự khuyến khích của nhà nước, nên việc thi vào trường trung học kỹ thuật khá dễ dàng. Tuy vậy chương trình đào tạo vẫn rất bài bản, chặt chẽ, đảm bảo kỹ năng cho học sinh sau khi tốt nghiệp có thể tìm được việc làm dễ dàng trong các nhà máy, xí nghiệp... Chương trình học có 42 giờ/tuần, hai môn ngoại ngữ bắt buộc là Anh văn và Pháp văn.
Ở tất cả các tỉnh, thành đều có các trường trung học kỹ thuật. Đa số của nhà nước, một số ít của tư nhân. Một số trường trung học kỹ thuật công lập tiêu biểu như: Trường Trung học Kỹ thuật Cao Thắng (Sài Gòn), vốn trước đây là Trường Cơ khí Á Châu được thành lập năm 1906 dưới thời thuộc Pháp; Trường Trung học Kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ (Sài Gòn); Trường Trung học Nông Lâm Súc ở Bảo Lộc (Lâm Đồng); Trường Trung học Nông Lâm Súc Bến Cát; Trường Mỹ nghệ (Bình Dương)… Phía tư thục có Trung học Kỹ thuật Don Bosco, do các tu sĩ dòng Don Bosco thành lập tại Sài Gòn năm 1956.
Các trường trung học nghề đóng vai trò rất quan trọng, giúp cho sự phân luồng học sinh theo năng lực được thuận lợi từ cuối bậc Trung học Đệ nhất cấp. Đây là nơi đón nhận những học sinh có năng lực trung bình, đào tạo cho các em thành những người thợ lành nghề, có khả năng tìm việc làm với thu nhập tương đối khá, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.
4. Trung tâm lớp đêm
Nhằm giải quyết tạm nạn khan hiếm phòng ốc, Bộ Giáo dục đã cho lập nhiều trung tâm lớp đêm tại đô thành Sài Gòn cũng như tại các thị xã và tỉnh lỵ.
Các trung tâm lớp đêm trung học cũng gồm 2 cấp: Đệ nhất cấp và Đệ nhị cấp, và cũng được giảng dạy đúng theo chương trình Trung học phổ thông đang áp dụng.
Về trường sở thì các trung tâm lớp đêm thường dạy nhờ tại cơ sở của một trường trung học công lập. Chúng được đặt trực thuộc Giám đốc Nha Trung học. Mỗi trung tâm có một ban giám đốc, một ban giáo sư, một số nhân viên văn phòng và nhân viên tùy dịch do Trưởng khu Học chánh bổ nhiệm chiếu theo đề nghị của Ban điều hành trung ương hay tỉnh.
Các trung tâm lớp đêm hoạt động tự túc về phương diện tài chính với số học phí do học sinh đóng góp, các khoản tiền do Hội Phụ huynh học sinh và các cơ quan địa phương tài trợ; phải áp dụng đúng những thể lệ học vụ và chương trình học hiện hành của các trường công lập; các chứng chỉ học trình và học bạ do các trung tâm lớp đêm cấp phát không phải kiểm nhận.
Học sinh theo học các lớp đêm trung học phải đóng học phí. Học phí của học sinh và thù lao của các giáo sư, nhân viên ban giám đốc, nhân viên văn phòng và nhân viên tùy dịch do ban giám đốc và đại diện phụ huynh học sinh trung tâm lớp đêm liên hệ đề nghị và được Chủ tịch Ban điều hành chương trình chấp thuận.
5. Trường Quốc gia Nghĩa tử
Ở bậc phổ thông, ngoài hệ thống trường trung học công lập và tư thục, còn có hệ thống thứ ba là trường Quốc gia Nghĩa tử. Đây là loại trường nhà nước, nhưng chỉ dành riêng cho con em của tử sĩ hoặc thương phế binh của quân đội VNCH. Học sinh vào học trường này, được nhà nước bao cấp toàn bộ chi phí ăn ở, học tập, có thể coi như một đặc ân của chính phủ đối với con em những gia đình có người thân hy sinh, thương tật vì chế độ.
Từ năm 1963, hệ thống trường Quốc gia Nghĩa tử bắt đầu được tổ chức hoạt động ở Sài Gòn, sau đó mở rộng ra các đô thị khác như Huế, Đà Nẵng, Biên Hòa, Cần Thơ. Tính đến cuối năm 1974, toàn quốc có tất cả 7 cơ sở với hơn 10.000 học sinh [1]. Loại trường đặc biệt này về mặt hành chính do Bộ Cựu Chiến binh quản lý, nhưng về chương trình học tập, sách giáo khoa thì vẫn sử dụng thống nhất theo Bộ Quốc gia Giáo dục. Vì nội dung học tập là kiến thức phổ thông và hướng nghiệp, không dạy quân sự cho học sinh, nên trường Quốc gia Nghĩa tử khác với trường Thiếu sinh quân là trường riêng của quân đội.
Sau 30/4/1975, hệ thống trường Quốc gia Nghĩa tử bị giải thể.
III. Giáo dục tư thục
Ngoài hệ thống trường phổ thông công lập của nhà nước, còn có hệ thống trường phổ thông tư thục của các cá nhân, tổ chức xã hội. Hệ thống này thể hiện tính xã hội hóa rất cao của nền giáo dục VNCH, một cách san sẻ gánh nặng ngân sách cho giáo dục công lập.
Trường tư thục hoạt động theo Quy chế Tư thục được ban hành bởi Dụ số 57/4 ngày 23/10/1956 do Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm ký. (2)
Ở bậc Tiểu học, toàn miền Nam năm 1964 có tới 28% học sinh tiểu học tư thục; đến năm 1968 có 1.917 trường tiểu học tư thục với số lượng học sinh 359.989 em, chiếm tỷ lệ 18,25% tổng số học sinh tiểu học toàn quốc; đến năm học 1970-1971, học sinh tiểu học trường tư thục chiếm 17,75% [5]. Ở bậc Trung học, thời bấy giờ, hệ thống trường trung học công lập không nhiều, số lượng tuyển chọn học sinh đầu vào khá gắt gao, vì vậy hệ thống trường tư thục đã đáp ứng cho nhu cầu học tập của đa số học sinh vì những lý do khác nhau không vào được công lập như: thi trượt, quá độ tuổi quy định… Các trường tư thục phải thu học phí để có ngân sách hoạt động, nhưng do sự cạnh tranh giữa các trường nên giá học phí khá rẻ, thuận lợi cho việc đến trường của đại đa số học sinh xuất thân từ gia đình lao động nghèo.
Từ năm 1964, hệ thống trường trung học tư thục đã chiếm đến 62% học sinh trung học; đến năm học 1970-1971, trường tư thục chiếm 77,6% học sinh trung học cả miền Nam Việt Nam. Đến đầu năm 1975, VNCH có gần 1 triệu học sinh học ở hơn 600 trường tư thục ở bậc Trung học [5].
Có hai hệ thống trường trung, tiểu học tư thục nổi tiếng là trường Lasan của Giáo hội Thiên Chúa giáo và trường Bồ Đề của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Tổng Giáo hội Công giáo sở hữu 226 trường trung học, 1.030 trường tiểu học, trong đó có những trường tư thục nổi tiếng như Lasan Taberd dành cho nam sinh, Nữ Vương Hòa Bình và Nữ Vương Thế Giới dành cho nữ sinh… [1].
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất sở hữu 137 trường Bồ Đề trên toàn quốc, gồm có 72 trường tiểu học, 65 trường trung học với tổng số học sinh là 58.466 em [1].
Ngoài ra còn có vài trường tư thục của người nước ngoài như Trường Bác Ái ở Chợ Lớn do Thương hội người Hoa tài trợ, nhận cả học sinh Hoa kiều lẫn Việt Nam; các trường Marie-Curie, Colette và Saint-Exupéry do chính phủ Pháp tài trợ...
Chương trình học của các trường trung, tiểu học tư thục đều phải theo chương trình thống nhất của Bộ Quốc gia Giáo dục, nhưng được phép tăng thêm một số giờ đặc biệt cho môn học nào đó (như giáo lý…) tùy theo nhu cầu riêng của mỗi trường.
C. Thi cử và đánh giá kết quả học tập
Dưới thời VNCH, việc thi cử được tổ chức có quy củ và tương đối nghiêm túc, do Nha Khảo thí thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục tổng phụ trách tổ chức. Kết thúc mỗi cấp học, học sinh đều phải thi tốt nghiệp: Tiểu học, Trung học Đệ nhất cấp, Trung học Đệ nhị cấp. Một học sinh nếu con đường học tập được “hanh thông”, thì từ bậc Tiểu học cho đến kết thúc Trung học Đệ nhị cấp, phải trải qua nhiều kỳ thi quan trọng, không kể các kỳ thi học kỳ trong lớp.
1. Thi tốt nghiệp Tiểu học:
Ở bậc Tiểu học, sau khi học xong lớp 5 (lớp Nhất cũ), học sinh phải thi lấy bằng Tiểu học, nếu đỗ mới được học tiếp lên trung học, nếu trượt phải thi lại. Điều đáng chú ý là mặc dầu cấp Tiểu học nhưng kỳ thi rất nghiêm túc, những thí sinh yếu, làm bài không đạt vẫn bị đánh trượt, chứ không có chuyện cho đỗ kiểu phổ cập 100%. Kỳ thi này đã sớm được bãi bỏ trong những năm đầu của thập niên 60 (theo Nguyễn Thanh Liêm, website Petruskyaus.org, 06/02/2005).
2. Thi tuyển Trung học Đệ nhất cấp:
Sau khi tốt nghiệp Tiểu học, học sinh muốn tiếp tục học lên trung học ở trường công lập thì phải tham dự kỳ thi tuyển vào lớp Đệ thất. Số học sinh trúng tuyển (thường không quá 60%), sẽ được học trường công lập, không phải đóng học phí, nếu có thành tích học tập giỏi còn được nhà nước cấp học bổng. Những học sinh thi trượt, nếu muốn học tiếp trung học thì vào các trường tư thục, phải đóng học phí.
3. Thi tốt nghiệp Trung học Đệ nhất cấp:
Học sinh học xong lớp 9 (Đệ tứ) phải thi tốt nghiệp Trung học Đệ nhất cấp. Nếu thi đỗ mới đủ tiêu chuẩn để được học tiếp lên Trung học Đệ nhị cấp. Từ năm học 1966-1967, kỳ thi này được bãi bỏ.
4. Thi tuyển Trung học Đệ nhị cấp:
Sau khi tốt nghiệp Trung học Đệ nhất cấp, học sinh trường tư muốn vào trường công lập Trung học Đệ nhị cấp phải tham dự kỳ thi tuyển sinh vào một số trường có tổ chức kỳ thi này. Nếu trượt, học sinh muốn tiếp tục việc học lên, phải vào các trường trung học tư thục.
5. Thi Tú tài I:
Học sinh sau khi học xong lớp 11, phải thi lấy văn bằng Tú tài I (còn gọi là Tú tài bán phần), nếu thi đỗ mới được tiếp tục học lên lớp 12. Số lượng học sinh đỗ Tú tài I toàn miền Nam Việt Nam chiếm tỷ lệ khoảng 15-30%. Những học sinh thi trượt, chờ năm sau thi lại hoặc chuyển qua học nghề, làm công việc khác hoặc phải đi lính nếu không đủ điều kiện hoãn dịch. Từ năm học 1972-1973, kỳ thi Tú tài I được bãi bỏ, học sinh chỉ thi một kỳ thi cuối cấp là Tú tài II phổ thông.
Chứng chỉ Tú Tài I
6. Thi Tú tài II:
Học sinh học xong lớp 12, phải thi lấy văn bằng Tú tài II (còn gọi Tú tài toàn phần). Đây là kỳ thi quan trọng bậc nhất ở bậc phổ thông, vì văn bằng Tú tài II sẽ là cánh cửa để các em học sinh bước lên giảng đường Đại học hoặc vào đời kiếm sống. Xã hội lúc bấy giờ rất xem trọng kỳ thi Tú tài II này, và các học sinh thi đỗ sẽ trở thành những cậu Tú, cô Tú rất danh giá, là niềm tự hào cho gia đình, dòng họ.
Chứng chỉ Tú Tài II
Số lượng học sinh đỗ Tú tài II toàn miền Nam Việt Nam chiếm tỷ lệ trung bình khoảng 20-30%.
Đa số thí sinh đậu Tú tài là học sinh các trường công lập, còn trường tư thục thì chiếm tỷ lệ ít hơn, vì học lực của học sinh giữa trường công và trường tư chênh lệch nhau khá xa. Học sinh trường công được chắt lọc gắt gao từ hai kỳ thi tuyển sinh đầu vào Trung học Đệ nhất cấp (lớp 6) và Trung học Đệ nhị cấp (lớp 10), nên thường có học lực khá, giỏi.
Thi Tú tài, học sinh phải thi tất cả các môn có trong chương trình học, trừ môn Thể dục. Các môn chuyên được tính điểm bằng cách nhân hệ số, ví dụ: học sinh chuyên ban B thì môn Toán được nhân hệ số
Bằng Tú Tài II
3. Điểm số cao nhất trong khung là 20, điểm tiêu chuẩn để đỗ Tú tài là 10.
Thí sinh thi đỗ Tú tài được xếp thành các hạng: (1) Hạng Tối ưu hay còn gọi “Ưu ban khen”, đạt số điểm từ 18/20 trở lên đến 20/20. Hạng này rất hiếm hoi, phải là học sinh có học lực đặc biệt xuất sắc mới đạt được; mỗi năm toàn miền Nam Việt Nam chỉ có khoảng một vài học sinh đạt được, có năm hoàn toàn không có ai đạt được mức này; (2) Hạng Ưu cho những thí sinh đạt số điểm 16/20 hoặc 17/20. Hạng này là những học sinh có học lực từ giỏi tới xuất sắc; (3) Hạng Bình cho những thí sinh đạt số điểm 14/20, 15/20. Hạng này là những học sinh có học lực khá, giỏi; (4) Hạng Bình thứ: thí sinh đạt số điểm 12/20, 13/20, học lực khá; (5) Hạng Thứ: thí sinh đạt số điểm 10/20, 11/20. Hạng này là những học sinh có học lực trung bình, khá, thuộc hạng cuối cùng trong thang bậc Tú tài.
Cách xếp hạng như trên tương đối chính xác, vì kỳ thi thường được tổ chức rất bài bản khoa học, kỷ luật trường thi nói chung nghiêm minh, điểm số đánh giá sát sao năng lực, trình độ học vấn thực sự của thí sinh.
Sự phân chia hướng đi của học sinh trong xã hội theo năng lực thể hiện bằng các thứ hạng trên văn bằng rất rõ rệt. Các học sinh đỗ Tú tài loại Ưu, Tối ưu có thể được chính phủ cấp học bổng cho đi du học nước ngoài…
Nền giáo dục đặt trên cơ sở dân chủ tự do và nhân bản nên tất cả mọi người đã học xong chương trình đều được đi thi, không giới hạn tuổi tác; người thi trượt có thể thi lại nhiều lần. Những học sinh vì hoàn cảnh riêng không thể theo học trường lớp chính quy, nếu tự học ở nhà vẫn được đăng ký dự thi gọi là “thí sinh tự do”. Thậm chí, có những người đang bị hình phạt tù, đến ngày thi vẫn được thi ngay trong tù hoặc được xe cảnh sát chở đến địa điểm thi, xong lại trở về ở tù để tiếp tục thi hành án. (6)
Tất cả học sinh chính quy đã qua trường lớp và thí sinh tự do đều bình đẳng khi thi: cùng ngày thi, đề thi, hội đồng thi.
Vì việc thi cử là để xác định trình độ, năng lực học tập của học sinh, chứ không nhằm chạy theo thành tích để báo cáo, nên việc tổ chức thi cử do Nha Khảo thí phụ trách rất nghiêm túc, chặt chẽ, tỷ lệ đỗ rất thấp (20- 30%), chưa thấy có trường hợp nào tỷ lệ thi đỗ dễ dãi lên đến hơn 90%.
Trong thi cử, hầu như không có trường hợp ngoại lệ.
Phạm vi ra đề thi là toàn bộ chương trình học cuối cấp, không có giới hạn trong việc soạn thảo đề thi và không có đề thi mẫu. Tùy tính chất của môn học, đề thi có thể được thực hiện bằng bài tự luận hoặc dưới dạng trắc nghiệm, vấn đáp hoặc thi viết.
Từ niên khóa 1965-1966, trong các kỳ thi Tú tài I và II, bắt đầu áp dụng phương thức thi trắc nghiệm cho các môn Công dân giáo dục, Sử, Địa. Đến năm 1974, chuyển toàn bộ các đề thi sang lối trắc nghiệm.
Từ đầu những năm 1970, đã dùng máy điện toán IBM để điện toán hóa toàn bộ hồ sơ thí vụ (ghi danh, làm phiếu báo danh, chứng chỉ trúng tuyển…) cũng như việc chấm điểm, tính điểm đậu và tính thứ hạng trúng tuyển…
Văn bằng Tú tài của VNCH được thế giới phương Tây công nhận, vì vậy học sinh Việt Nam lúc bấy giờ, sau khi đỗ Tú tài nếu có điều kiện có thể đi du học bằng học bổng nhà nước hoặc tự túc ở các nước tiên tiến như Hoa Kỳ, Anh, Pháp…
D. Việc đào tạo giáo chức và đời sống giáo chức
Công việc đào tạo giáo chức cho các trường phổ thông được đặc biệt xem trọng, vì người thầy giỏi là một trong những yếu tố quan trọng nhất để đảm bảo cho nền giáo dục đạt chất lượng tốt.
1. Giáo viên tiểu học
Để có thể cung cấp đầy đủ giáo viên cho hệ thống trường tiểu học trên toàn miền Nam, nhà nước VNCH đã thực hiện chính sách đào tạo giáo viên ở các trường sư phạm.
Hệ thống trường trung cấp sư phạm đào tạo giáo viên tiểu học được mở ở nhiều địa phương như: Ở miền Trung có Trường Sư phạm Quy Nhơn, miền Nam có các trường Sư phạm Sài Gòn, Sư phạm Phước Tuy (hiện nay là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Sư phạm Long An, Sư phạm Vĩnh Long…
Chương trình đào tạo trung cấp sư phạm là 2 năm. Thời Đệ nhất Cộng hòa, muốn vào học trung cấp sư phạm chỉ cần có bằng Trung học Đệ nhất cấp. Sang thời Đệ nhị Cộng hòa, đòi hỏi phải có bằng Tú tài I. Thời bấy giờ, một số học sinh trượt Tú tài II, đã vào trung cấp sư phạm, rồi vừa học sư phạm vừa ôn thi tiếp Tú tài II. Đến năm học 1972-1973, bằng Tú tài I bị bãi bỏ, chỉ thi một loại Tú tài vào cuối năm lớp 12, nên học sinh muốn vào trung cấp sư phạm phải có bằng Tú tài II phổ thông.
Giáo sinh sư phạm ra trường được nhà nước bổ nhiệm đi dạy ở các trường tiểu học.
2. Giáo viên Trung học Đệ nhất cấp và Đệ nhị cấp
Giáo viên Trung học Đệ nhất cấp và Đệ nhị cấp đều phải tốt nghiệp các trường đại học sư phạm: Đại học Sư phạm Huế, Đại học Sư phạm Sài Gòn, Khoa Sư phạm Đại học Cần Thơ. Trong đó, Trường Đại học Sư phạm Huế và Sài Gòn đào tạo cả hai hệ giáo viên Trung học Đệ nhất cấp và Đệ nhị cấp, còn Đại học Cần Thơ “sinh sau đẻ muộn” từ năm 1971, chỉ mới đào tạo đến giáo viên Trung học Đệ nhất cấp.
Chương trình đào tạo giáo viên Trung học Đệ nhất cấp là 2 năm, Đệ nhị cấp 4 năm. Muốn vào học đại học sư phạm, học sinh phải có bằng Tú tài II, sau đó phải dự thi tuyển sinh do trường đại học sư phạm tổ chức. Kỳ thi gồm có hai phần: Vòng 1 thi kiến thức, vòng hai thi hình thức như: mắt, miệng, chiều cao, dáng đi, giọng nói… vì quan niệm thời bấy giờ, người giáo viên đứng trên bục giảng, ngoài kiến thức thì hình dáng bề ngoài cũng đóng vai trò rất quan trọng, thể hiện được hình ảnh của người thầy cả về phẩm chất lẫn hình thức.
Việc đào tạo giáo viên tiểu học, trung học thời Việt Nam Cộng hòa có một số đặc điểm như:
(1) Không chạy theo số lượng nhất thời
Mặc dầu thời bấy giờ, số lượng giáo viên, đặc biệt ở nông thôn, còn thiếu nhiều, nhưng chính quyền không đào tạo cấp tốc, vội vã để cung ứng cho đủ về số lượng. Vì đào tạo như vậy chất lượng giáo viên yếu kém sẽ gây hệ lụy lâu dài về sau.
Ngành giáo dục tìm cách hợp đồng với những người tốt nghiệp các trường Đại học Văn khoa, Khoa học, những người có bằng Tú tài… làm giáo viên, đó là biện pháp mà ngày nay ta gọi là “chữa cháy”; còn về lâu về dài, các trường sư phạm từng bước đào tạo ra các giáo sinh, sinh viên sư phạm thật sự chất lượng, để dần dần qua nhiều năm sẽ “phủ sóng” cho các trường, lớp trong cả nước.
(2) Cung và cầu phù hợp
Có sự tính toán hợp lý trong việc tuyển sinh và nhu cầu giáo viên ở các trường học trong nhiều năm.
Khi giáo sinh trung học sư phạm, sinh viên đại học sư phạm thi đỗ tốt nghiệp thì sẽ được mời dự buổi chọn nhiệm sở được công bố ngay tại nơi đào tạo. Có hai bảng danh sách: một bên là danh sách họ tên giáo sinh, sinh viên tốt nghiệp, theo thứ tự thi đỗ từ cao xuống thấp; một bên là danh sách các trường học. Giáo sinh, sinh viên được mời chọn nhiệm sở, theo thứ tự, người đỗ thủ khoa chọn trước, sau đó là người tiếp theo, dần dần cho đến người đỗ cuối bảng. Giữa hai người vì lý do gia đình, hoàn cảnh… có thể thỏa thuận trao đổi nhiệm sở và làm giấy giao kèo với nhau, có sự xác nhận của cơ quan giáo dục.
Sau khi chọn nhiệm sở xong, những giáo sinh, sinh viên này sẽ nhận được giấy bổ nhiệm của cơ quan giáo dục để về nhận công tác ở trường tiểu, trung học mà mình đã chọn.
(3) Người thầy phải là người giỏi
Xã hội trọng vọng ngành giáo dục, đồng lương cho giáo viên đảm bảo được cuộc sống, ra trường không phải đi xin việc vất vả…, vì vậy ngành sư phạm có sức hấp dẫn cao. Không ít học sinh khi còn ngồi trên ghế nhà trường, mơ ước được làm thầy cô giáo.
Hàng năm, số lượng thí sinh thi vào các trường sư phạm khá đông, nhưng số lượng tuyển chọn của nhà trường rất hạn chế, vì tính toán vừa đủ số giáo viên các bộ môn để cung cấp cho các trường học trong 2 hoặc 4 năm tới. Sự tuyển sinh thật sự khách quan, khoa học. Vì chọn lọc khắt khe nên thí sinh trúng tuyển đầu vào đều đảm bảo chất lượng. Ở bậc đại học sư phạm, thí sinh thi đỗ đều là những học sinh giỏi từ các trường trung học; ở bậc trung cấp sư phạm thí sinh thi đỗ là những học sinh có học lực khá ở nhà trường phổ thông.
Những giáo sinh, sinh viên sư phạm được nhà nước cấp học bổng đủ để ăn học, những người ở tỉnh xa được bố trí nơi ở (ký túc xá) miễn phí trong suốt quá trình học ở trường.
Ngược lại, việc học tập đòi hỏi rất khắt khe. Sinh viên hoặc giáo sinh phải nỗ lực học tập, nếu không sẽ bị đánh rớt, bị buộc thôi học, bồi hoàn chi phí… Vì vậy, các thầy cô giáo tương lai phải cố công học tập vì không muốn để vuột mất tương lai ở trong tầm tay.
Cũng do được xã hội trọng vọng, nên sinh viên, giáo sinh trường sư phạm thường rất ý thức về nhân cách, phẩm hạnh của mình. Bên cạnh việc nỗ lực học tập về kiến thức, họ phải thường xuyên rèn luyện tác phong, chuẩn mực đạo đức để xứng đáng vai trò một người thầy, một nhà giáo dục. Một giáo viên dạy môn Việt văn ở bậc Trung học Đệ nhị cấp, thông thường bao giờ cũng khá thạo ít nhất hai ngoại ngữ là Pháp văn và Hán văn, họ có thể viết sách hoặc dịch sách khá tốt; một giáo viên Toán có thể tham khảo được giáo trình viết bằng tiếng Anh, tiếng Pháp của tác giả nước ngoài…
Sau khi tốt nghiệp trường sư phạm và được bổ nhiệm đi dạy, đội ngũ giáo chức được ngành giáo dục tổ chức các lớp tu nghiệp để nhà giáo có điều kiện cập nhật kiến thức mới về chuyên môn và kinh nghiệm giảng dạy. Các lớp tu nghiệp tổ chức trong nước do Nha Sư phạm của Bộ Quốc gia Giáo dục đảm trách với địa điểm tổ chức là các trường sư phạm. Ngoài ra, bộ còn liên kết và nhờ sự hỗ trợ của các quốc gia tiên tiến như Hoa Kỳ, Anh, Pháp… để gởi một số giáo chức ra nước ngoài tu nghiệp.
3. Đời sống giáo chức
Dưới thời VNCH, đồng lương của ngành giáo dục khá cao, bảo đảm được đời sống gia đình nhà giáo ở mức sống trung lưu. Nhà giáo ngoài lương, còn các khoản phụ cấp khác như: phụ cấp đắt đỏ, phụ cấp gia đình, phụ cấp sư phạm, phụ cấp chức vụ.
Giáo sinh tốt nghiệp trường trung cấp sư phạm, được bổ nhiệm dạy tiểu học, lương tháng khởi điểm là 24.000 đồng, tiền VNCH (vào đầu thập niên 1970, một lượng vàng giá khoảng 10.000 đồng).
Sinh viên đại học sư phạm tốt nghiệp ra trường được bổ đi dạy ở các trường trung học, với mức lương khởi điểm của Đệ nhất cấp là 33.000 đồng, Đệ nhị cấp 36.000 đồng.
Thời kỳ Đệ nhất Cộng hòa (1955-1963), do xã hội còn tương đối yên ổn, kinh tế có bước phát triển, và vật giá tương đối ổn định, đời sống của giáo chức khá phong lưu. Một giáo viên phổ thông bằng đồng lương của mình có thể nuôi vợ, con một cuộc sống đầy đủ.
Đa số nhà giáo nhờ không quá bận bịu chuyện cơm áo đời thường, nên có thể chú tâm vào công tác giảng dạy, thời gian còn lại dùng để đọc sách, nghiên cứu, đầu tư cho bài giảng tốt hơn. Nhiều giáo viên trung học đã dành công sức, thời gian biên soạn, xuất bản nhiều sách giáo khoa có giá trị, phục vụ cho việc học tập của học sinh. Hiện tượng dạy thêm, học thêm chưa bị phát triển tràn lan.
Sang thời Đệ nhị Cộng hòa (1967-1975), đặc biệt vào những năm đầu thập niên 1970, do hoàn cảnh chiến tranh ngày càng ác liệt, xã hội bất ổn định, vật giá leo thang, đời sống nhà giáo đã có phần chật vật hơn trước, nhất là đối với giáo chức tiểu học, nhiều người phải kiếm việc làm thêm để bù đắp trong thời buổi kinh tế khó khăn. Tuy vậy, nói chung với đồng lương nhà giáo họ vẫn có thể sống một cách tiết kiệm, dù không được thoải mái lắm, để vẫn đảm bảo đứng được trên bục giảng thực hiện thiên chức của nhà giáo dục.
Có thể nói dưới thời VNCH, nhà giáo với trình độ học vấn, nhân cách và đời sống vật chất tương đối đầy đủ đã có sức hấp dẫn lớn đối với thế hệ trẻ và được xã hội tôn trọng.(7)
E. Tổ chức quản trị
Thời kỳ Đệ nhất Cộng hòa, quản lý ngành giáo dục là Bộ Quốc gia Giáo dục.
Trong Bộ Quốc gia Giáo dục có Tổng Nha Trung, Tiểu học và Bình dân giáo dục, phụ trách giáo dục bậc Trung và Tiểu học.
Đứng đầu Tổng nha là một Tổng Giám đốc. Tổng nha gồm có các bộ phận: Nha Trung học, Nha Tiểu học, Nha Tư thục, Sở Khảo thí, Ban Thanh tra và Soạn đề thi.
Ở mỗi tỉnh có một Ty Tiểu học để quản lý hệ thống trường tiểu học trong toàn tỉnh. Đứng đầu là Trưởng ty.
Nha Trung học của Tổng nha trực tiếp quản lý hệ thống trường trung học trong toàn quốc.
Sang thời Đệ nhị Cộng hòa, năm 1971, Bộ Quốc gia Giáo dục kiêm cả chức năng Văn hóa, Thanh niên nên được đổi tên thành Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên, gồm có các nha, sở và trung tâm phụ trách như sau:
I. Cơ quan phụ trách Trung, Tiểu học cấp trung ương
1. Nha Kế hoạch và Pháp chế học vụ.
Do 1 Giám đốc điều khiển, 1 Phó Giám đốc phụ tá, gồm có hai sở: Sở Kế hoạch và Sở Pháp chế học vụ. Đứng đầu mỗi sở là một Chánh sự vụ, dưới là các phòng, ban.
Nhiệm vụ của nha này là kiểm tra, thống kê về giáo chức, sinh viên, học sinh, kết quả các kỳ thi ở các bậc học; soạn thảo các văn kiện, xem xét thiết lập các ngành học…
2. Nha Học bổng du học.
Do 1 Giám đốc điều khiển với sự phụ tá của 1 Phó Giám đốc.
Nhiệm vụ của nha là xem xét cấp các loại học bổng, giải quyết vấn đề du học của sinh viên, viên chức đi tu nghiệp, cá nhân đi ra nước ngoài học nghề…
Nha này gồm các phòng: Phòng Hành chính phụ trách, Phòng Học bổng quốc gia, Phòng Học bổng ngoại giao viện 1, Phòng Học bổng ngoại giao viện 2, Phòng Học bổng ngoại giao viện 3, Phòng Tự túc du học và chuyển ngân phụ trách.
3. Nha Kỹ thuật và Chuyên nghiệp học vụ.
Do một Giám đốc điều khiển và 1 Phó Giám đốc phụ tá. Gồm có 4 phòng, 1 ban ấn loát và 1 ban thanh tra.
Nhiệm vụ: Phân phối, lưu trữ công văn; phổ biến sắc lệnh, nghị định, thông tư; lập dự án ngân sách cho các nha, trường; thanh tra các trường; in ấn các tài liệu học tập…
4. Nha Tiểu học và Giáo dục Cộng đồng.
Có 1 Giám đốc điều khiển, 1 Chánh sự vụ Hành chính phụ tá về công việc hành chính, nhân viên, kế toán và chuyên môn.
Tổ chức này gồm có: Ban Thanh tra, Phòng Giáo dục Cộng đồng, Phòng Học vụ, Phòng Hành chính, Phòng Kế toán.
Nhiệm vụ: Thanh tra chuyên môn, phụ trách Giáo dục Cộng đồng, phụ trách vấn đề học vụ các trường tiểu học, phụ trách ngân sách, vật liệu, lương bổng ngành tiểu học…
5. Nha Tư thục.
Do 1 Giám đốc điều khiển, với sự phụ tá của một số Thanh tra Trung học và Tiểu học. Gồm có hai phòng: Phòng Trung học Tư thục, Phòng Tiểu học Tư thục.
Nhiệm vụ: Điều hành hoạt động của ngành tư thục phổ thông bậc Trung học và Tiểu học trên toàn quốc về cả hai phương diện hành chính và học vụ.
Tại địa phương, việc kiểm soát các trường tư thục: Bậc Tiểu học do các sở, ty tiểu học phụ trách; bậc Trung học do các trường nam Trung học tại tỉnh lỵ, quận lỵ phụ trách.
6. Nha Khảo thí.
Do một Giám đốc điều khiển, gồm có: Ban Thanh tra soạn đề thi và 2 phòng là Phòng 1 phụ trách các kỳ thi, Phòng 2 soạn thảo các nghị định liên quan đến việc tổ chức các kỳ thi.
Nhiệm vụ: Sắp đặt các Hội đồng Khảo thí, điều hành Hội đồng Giám khảo Trung ương, lập hồ sơ thí vụ, kiểm soát và cấp chứng chỉ, văn bằng, thi hành các công tác thí vụ.
7. Nha Y tế và Xã hội học đường.
Do 1 Giám đốc điều khiển, gồm có: Ban Thanh tra Y tế học đường, Sở Y tế học đường, Sở Xã hội học đường. Có nhiệm vụ phụ trách về hệ thống y tế trong ngành giáo dục.
8. Trung tâm Học liệu.
Có 1 Giám đốc phụ trách, và 1 Phó Giám đốc phụ tá. Trung tâm Học liệu gồm có: Văn phòng Ủy ban Quốc gia Soạn thảo Danh từ chuyên môn; Phòng Hành chính và Kế toán; Phòng Tu thư, Dịch thuật và Ấn loát; Phòng Mậu dịch; Phòng Trợ huấn cụ; Phòng Phát thanh học đường; Phòng Vô tuyến truyền hình học đường; Nhà in.
Nhiệm vụ: In ấn và xuất bản sách giáo khoa, sản xuất các trợ huấn cụ thính thị cùng phân phối kiểm soát các học liệu yểm trợ cho việc giáo dục.
9. Nha Sinh hoạt học đường.
Do 1 Giám đốc điều khiển với 1 ban Thanh tra phụ tá, và gồm có 2 sở: Sở Điều nghiên tổng quát, Sở Sinh hoạt thanh niên học đường.
Nhiệm vụ: Soạn chương trình sinh hoạt Hiệu đoàn cho học sinh Trung, Tiểu học phổ thông, Chuyên nghiệp Kỹ thuật và Nông Lâm Súc; đào tạo cán bộ sinh hoạt thanh niên và huấn luyện chuyên môn; xây dựng cơ sở sinh hoạt thanh niên, thể dục thể thao cho các trường học.
10. Nha Tu huấn Giáo chức.
Do 1 Giám đốc điều khiển, có 1 Phó Giám đốc và 1 Phụ tá Học vụ được xếp ngang hàng Chánh sự vụ. Gồm 4 phòng: Phòng Hành chính, Phòng Kế toán, Phòng Nghiên cứu tài liệu, Phòng Chương trình và Học vụ.
Nhiệm vụ: Huấn luyện giáo chức trung cấp không do các trường đại học sư phạm đào tạo; huấn luyện cán bộ để điều hành ngành giáo dục như: Khu trưởng, Ty trưởng, Thanh tra, Hiệu trưởng, Giám học…; tu nghiệp giáo chức về phương pháp giáo dục, cải tiến để theo kịp đà tiến triển của nhân loại.
Nha Tu huấn Giáo chức phụ trách điều khiển 5 Trung tâm Tu huấn Giáo chức ở Sài Gòn, Huế, Đà Lạt, Cần Thơ, Vũng Tàu. Mỗi Trung tâm Tu huấn ở các tỉnh do một Quản đốc điều khiển (cấp bậc ngang hàng Hiệu trưởng Trung học Đệ nhị cấp) và 1 Phụ tá Quản đốc; riêng Trung tâm Tu huấn ở Sài Gòn do Giám đốc Nha Tu huấn Giáo chức kiêm nhiệm.
11. Trung tâm Nghiên cứu sưu tầm và phổ biến tài liệu giáo dục.
Trung tâm này chưa có nghị định tổ chức.
II. Các cơ quan giáo dục địa phương
1. Các Khu Học chính.
Có tất cả 5 Khu Học chính trong toàn quốc, mỗi khu gồm nhiều tỉnh và thị xã.
- Khu Học chính Huế gồm: Quảng Trị, Thừa Thiên, thị xã Huế, thị xã Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Tín, Quảng Ngãi.
- Khu Học chính Nha Trang gồm: Bình Định, thị xã Quy Nhơn, Phú Yên, Khánh Hòa, thành phố Nha Trang, Ninh Thuận, Bình Thuận, thị xã Cam Ranh, Kon Tum, Pleiku, Phú Bổn, Đắc Lắc, Quảng Đức, Tuyên Đức, Lâm Đồng, thị xã Đà Lạt.
- Khu Học chính Biên Hòa: Gia Định, Biên Hòa, Bình Tuy, Phước Tuy, Bình Long, Bình Dương, Tây Ninh, Hậu Nghĩa, Long An.
- Khu Học chính Cần Thơ: Định Tường, thị xã Mỹ Tho, Gò Công, Kiến Hòa, Kiến Tường, Kiến Phong, Sa Đéc, Vĩnh Bình, Ba Xuyên, Vĩnh Long, Phong Dinh, thị xã Cần Thơ, Chương Thiện, Châu Đốc, An Giang, Kiên Giang, thị xã Rạch Giá, Bạc Liêu, An Xuyên.
- Đặc khu Sài Gòn.
Mỗi khu đứng đầu là một Trưởng khu, có 1 phụ tá giúp việc.
Một khu gồm có: Ban Thanh tra, Phòng Hành chính, Phòng Học vụ, Phòng Thí vụ.
Nhiệm vụ: Cung cấp dữ liệu giúp bộ thiết lập kế hoạch; kiểm soát hoạt động các cơ sở giáo dục công lập và tư thục; tổ chức các kỳ thi tiểu học và trung học trong khu.
2. Các Ty Giáo dục.
Ở mỗi tỉnh có một Ty Giáo dục phụ trách giáo dục. Đứng đầu là một Trưởng ty, có hai phụ tá giúp việc. Chức năng và nhiệm vụ của ty cũng giống như Khu Học chính nhưng ở quy mô nhỏ trong một tỉnh.
3. Sở Tiểu học Đô thành.
Đứng đầu là một Giám đốc điều hành, có 1 phụ tá giúp việc, gồm 3 phòng: Phòng Quản trị phụ trách về các vấn đề hành chính và nhân viên tổng quát; Phòng Tư thục và Bình dân giáo dục phụ trách về các vấn đề giáo dục bậc Tiểu học và các tư thục; Phòng Thanh tra Học vụ phụ trách kiểm soát các trường sở và các vấn đề liên quan đến học vụ.
4. Các Trung tâm Giáo dục.
Có 5 Trung tâm: Lê Quý Đôn, Hồng Bàng (Sài Gòn), Hùng Vương (Đà Lạt), Nguyễn Hiền (Đà Nẵng), Hàn Thuyên (Nha Trang).
Đứng đầu một trung tâm là 1 Giám đốc và 1 phụ tá.
Đầu những năm 1970, do số trường trung học trong toàn quốc tăng quá nhiều nên Nha Trung học không thể quản lý nổi; vì vậy Nha Trung Tiểu học và Bình dân giáo dục giải tán và giao cho Phụ tá đặc biệt của Tổng trưởng trực tiếp phụ trách Trung, Tiểu học và Bình dân giáo dục.
__________________
CHÚ THÍCH
1. Tập thể giáo sư, học giả tham gia biên soạn chương trình gồm các vị: Phạm Đình Ái (Lý- Hóa), Nguyễn Thúc Hào (Toán), Nguyễn Huy Bảo, Nguyễn Văn Hiền (Triết), Tạ Quang Bửu (Vật lý), Ưng Quả (Pháp văn), Hà Thúc Chính (Anh văn), Ngô Đình Nhu (Sử-Địa), Hoài Thanh, Đào Duy Anh (Việt văn), Lê Văn Căn, Nguyễn Hữu Quán (Vạn vật).
2. Hoàng Xuân Hãn (1908-1996), quê làng Yên Hồ, huyện La Sơn (nay là xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ), tỉnh Hà Tĩnh, là giáo sư toán học, kỹ sư, nhà sử học, nhà ngôn ngữ học, nhà nghiên cứu văn hóa, giáo dục Việt Nam. Ông đỗ Thạc sĩ toán học tại Pháp. Năm 1945, ông giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục và Mỹ thuật trong chính phủ Trần Trọng Kim. Hoàng Xuân Hãn là người chủ trì soạn thảo và ban hành Chương trình Trung học Việt Nam đầu tiên.
3. Trần Hữu Thế (1922-1995), quê ở Mỹ Tho (Tiền Giang), là nhà khoa học, nhà giáo dục nổi tiếng của Việt Nam. Ông đỗ Tiến sĩ y khoa tại Pháp. Từ 1958 đến 1960 làm Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục của VNCH. Dưới thời Bộ trưởng Trần Hữu Thế, Đại hội Giáo dục Quốc gia (lần I) được tổ chức ở Sài Gòn vào năm 1958 chính thức hóa ba nguyên tắc nhân bản, dân tộc, và khai phóng làm nền tảng cho triết lý giáo dục VNCH.
4. Về triết lý giáo dục, có thể xem thêm chi tiết cùng trong số báo này, ở bài “Giáo dục miền Nam (1954-1975) trên con đường xây dựng và phát triển” của tác giả Trần Văn Chánh.
5. Dương Thiệu Tống (1925-2008), quê ở Vân Đình, Ứng Hòa, Hà Đông (nay thuộc Hà Nội), là nhà giáo dục nổi tiếng của Việt Nam. Ông đỗ Tiến sĩ giáo dục học tại Hoa Kỳ. Ông là thành viên tham gia sáng lập và làm Hiệu trưởng Trường Trung học Kiểu mẫu ở quận Thủ Đức, Sài Gòn (nay là TPHCM).
6. Như trường hợp ông Lê Hiếu Đằng (nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, đã quá cố đầu năm 2014) đang ở tù được gia đình xin phép cho ra ngoài thi Tú tài II, ở Huế, năm 1966; ông Lê Văn Nghĩa (hiện phụ trách báo Tuổi trẻ cười) thi Tú tài II năm 1972 ngay trong nhà tù Chí Hòa (Sài Gòn) bằng một hội đồng thi riêng dành cho người tù do GS sử học Phạm Cao Dương làm Chánh chủ khảo. Chuyện thi cử, ông Đằng có nhắc tới trong bài viết “Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh…” đăng trên nhiều báo mạng; ông Nghĩa cũng xác nhận chuyện thi trong nhà tù của mình khi có người quen biết hỏi đến.
7. Về địa vị và đời sống giáo chức, có thể xem thêm bài “Học và dạy học thời Việt Nam Cộng hòa” của Dương Văn Ba trong cùng số báo chuyên đề này.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Thanh Liêm, Giáo dục ở Nam Việt Nam: Từ thập niên 1970 đến 1975, Wikipedia, 2006.
2. Nguyễn Q. Thắng, Khoa cử và giáo dục Việt Nam, Nxb TPHCM, 2005.
3. Vương Pển Liêm, Giáo dục cộng đồng, Nxb Lá bối, Sài Gòn, 1966.
4. Giáo dục nguyệt san, số 25 (tháng 12/1968) và số 49 (tháng 5/1971).
5. Nhiều tác giả, Quản trị và thanh tra học đường, Nxb Trẻ, Sài Gòn, 1972.
6. Nguyễn Thanh Nhân, Đóng góp một nền giáo dục dân chủ Việt Nam trong tương lai, Nxb Minh tâm, Sài Gòn, 1969.
7. Lê Thanh Hoàng Dân (Chủ biên), Các vấn đề giáo dục, Nxb Trẻ, Sài Gòn, 1971.
8. Nha Vă nhó a, Bo Vă nhó aGiá odụ c, Vă nhó anguyệ tsan, tậ pXIV, quyể n3&4, thá ng 3-4, 1965.
9. Nguyễn Hổ Dư - Trần Doãn Đức, Vấn đề giáo dục, Văn khoa xuất bản, Sài Gòn, 1971.
10. Nguyễn Quỳnh Giao, Cải tổ giáo dục, Nxb Thăng tiến, Sài Gòn, 1970.
11. Nguyễn Khắc Hoạch, Xây dựng và phát triển văn hóa giáo dục, Nxb Lửa thiêng, Sài Gòn, 1970.