Nhìn lại nền giáo dục miền Nam Việt Nam 1956-1975

Từ năm 1945, nền giáo dục Việt Nam khởi động với chương trình Hoàng Xuân Hãn mà tác phẩm Danh từ khoa học (Toán, Lý, Hóa, Cơ) đã đem lại hiệu quả tức thời cho quyết định Việt ngữ thay thế Pháp ngữ làm chuyển ngữ trong các trường học, chủ yếu ở các cấp Trung Tiểu học, mặc dù một số trường Tây còn sót lại như trường Trung học Chasseloup Laubat ở Sài Gòn, Lycée Yersin ở Đà Lạt, Lycée Francais ở Huế và Lycée Pascal ở Đà Nẵng. Đại học Hà Nội và Sài Gòn vẫn còn tổ chức dạy học và thi cử theo chương trình Pháp, hình như lai rai đến sau 1954 mới ngưng.

Tuy vẫn hưởng được “khí thế” của chương trình Hoàng Xuân Hãn, giáo dục trước đây tại miền Nam Việt Nam, cũng như mọi lãnh vực khác, vẫn chỉ là sự tích tụ từ dòng chảy của cuộc sống muôn màu. Cụ thể hơn cả là sự thừa kế tinh hoa của đạo lý cổ truyền Việt Nam, thứ đến là ảnh hưởng của nền văn minh Pháp qua chương trình học và cách thi cử xưa cũ còn sót lại với các văn bằng Tiểu học Yếu lược (hay Sơ đẳng Tiểu học), Cao đẳng Tiểu học (Trung học đệ nhất cấp), Tú tài I và Tú tài II. Kế tiếp là ảnh hưởng của nền giáo dục đến từ Hoa Kỳ, rõ nét nhất từ năm 1965 trong việc hình thành một số trường theo mô hình Trung học Tổng hợp (comprehensive high school) đã được thiết kế tại Mỹ từ lâu theo ý tưởng của triết gia sư phạm John Dewey, cùng với việc tạo lập một số trường Kiểu mẫu, Trường Cộng đồng, thiết lập Phòng Hướng dẫn tại mỗi trường học, cũng như việc cải tổ thi cử qua việc bãi bỏ kỳ thi Tú tài I năm học 1972-1973 và bắt đầu dùng đề thi trắc nghiệm cho mọi môn học từ năm 1974.

Nền giáo dục trước đây tại miền Nam đã đóng góp khá nhiều vào việc tạo nên một xã hội yên bình trên nền tảng an sinh xã hội cho mọi người dân (dĩ nhiên trừ trường hợp biến cố do chiến tranh). Kết quả đó có được là nhờ xuất phát điểm của nền giáo dục phù hợp với văn hóa truyền thống dân tộc và văn minh nhân loại. Đại hội Giáo dục toàn quốc năm 1958 đã đồng thuận quyết định ba nguyên tắc căn bản của giáo dục là “Nhân bản, Dân tộc, Khai phóng”, hướng tới mục tiêu “giúp trẻ hướng thiện tạo lành tránh dữ, dìu dắt trẻ phát triển năng khiếu có sẵn và dạy trẻ nên người”.

Chính những mục tiêu đó đã chỉ hướng cho việc minh định chương trình học và biên soạn sách giáo khoa. Từ xưa tới nay, có lẽ là bộ giáo khoa thư dành cho bậc Tiểu học của nhóm tác giả Trần Trọng Kim đã trở thành một mẫu mực tuyệt vời để dạy trẻ. Âm hưởng sâu xa của bộ sách này vẫn còn vang vọng mãi về sau.

Ở các cấp học cao hơn, các sách giáo khoa, đặc biệt là sách về khoa học xã hội hoàn toàn được biên soạn theo những chủ đề nhân ái, trong tổng thể không hề đượm mùi vị hiềm khích hờn dỗi. Đã có Ban Tu thư và Trung tâm Học liệu thuộc Bộ Giáo dục nhưng cá nhân giáo chức vẫn tự do ra sách giáo khoa, dĩ nhiên theo chương trình học đã được Bộ ban hành. Người đi dạy luôn luôn được tự do chọn dùng sách, dùng tài liệu khác từ sách ngoại ngữ để soạn bài và cách dạy không hề bị dòm ngó cũng như không hề bị ràng buộc bởi lệnh lạc hay chỉ thị nào cả.

*
*   *

Mọi sự vật đều hiện hữu trong mối tương tác chằng chịt. Cũng thế, xã hội và học đường (cũng như gia đình) hỗ tương ảnh hưởng mà sự tác động qua lại không đồng đều: xã hội là vai chính của sự tương tác đó, học đường và gia đình chỉ là nơi chịu trận, may nhờ rủi chịu. Xã hội vận hành bằng mọi lãnh vực bao trùm lên đời sống thường nhật của từng người dân cho nên trong một xã hội tốt, học đường và gia đình mới có thể trở nên tốt. Nói xã hội tốt là một cách nói để chỉ ra một xã hội ít có gương xấu; ít thôi là đã tốt rồi vì trong thực tế xã hội nào cũng có ít nhiều hiện tượng tiêu cực. Nhưng nói dối hay ăn hô nói thừa mà còn biết ngượng, vi phạm thuần phong mỹ tục còn biết e thẹn, làm điều bất chính còn biết che giấu hay chỉ thực hiện chùng lén, lỗi lầm còn biết xin lỗi…. thì cái ác cái xấu trong xã hội chắc chắn bị hạn chế rất nhiều để không phá hỏng cái tốt mà học đường đã đem lại. Nhờ đó mà học đường, và cả gia đình nữa, đã gìn giữ được những truyền thống tốt đẹp trong nền đạo lý cổ truyền Việt Nam.

*
*   *

Xã hội cũ đã có một đời sống kinh tế tạm gọi “no đủ” nên khi ngồi dưới mái học đường, người học sinh sinh viên ít lo âu về công ăn việc làm trong tương lai. Miễn cố công lo học, dù mai sau có đỗ đạt hay không, khi thôi học thanh niên vẫn có khả năng kiếm được việc làm. Có việc làm như là một chuyện đương nhiên của cuộc sống, giống như trên một chuyến xe khởi hành đông khách, xe chạy một hồi với nhiều “lắc đùng”, rốt cuộc ai cũng có chỗ ngồi. Ít thấy cảnh chạy vạy ngược xuôi để xin việc; lại càng ít thấy cảnh đi “mua việc làm”, thậm chí phải năn nỉ mới được phép mua.

Chi tiết quan yếu đó trong cuộc sống là một điểm thuận lợi lớn của nền giáo dục lúc bấy giờ, đã giúp cho học đường đương nhiên “thân thiện”, chẳng cần kêu gọi gì cả.

Người dân hay toàn xã hội nói chung rất coi trọng nghề giáo. Tình trạng đó được thể hiện qua mức lương tháng dành cho giáo chức trong bối cảnh chung của giá lương tiền, luôn luôn được định xứng tầm với công lao học tập, ghi nhận bởi các văn bằng có thực chất của mỗi ngành học. Số lương tháng đó khả dĩ chu toàn mọi nhu cầu tối thiểu của người hưởng lương trong số đó có nhà giáo.

Vì ngành giáo dục được trọng vọng như thế cho nên nhà giáo luôn ý thức trách nhiệm của mình, giữ vững tư cách của nhà mô phạm. Có thời gian dài, nhà giáo không quen ngồi ăn uống bên vỉa hè, luôn tránh dịp hòa mình vào những bàn nhậu ồn ào náo nhiệt. Nói chung, nhà giáo luôn luôn phải “giữ mình”, không làm điều chướng tai gai mắt phạm đến thanh danh và luân lý chức nghiệp.

Xã hội đã đủ tin tưởng vào đa số nhà giáo để công nhận nghề giáo là một nghề cao quý cho nên xã hội yên tâm không hề ưu tư việc định ra những chuẩn mực để chọn ra hay bầu bán ra những giáo chức danh hiệu ưu tú hoặc nhân dân.

Nhà giáo ngày trước đa số nhận được cảm tình sâu đậm của các học sinh thân yêu. Điều này rất dễ thấy qua các buổi hội ngộ do cựu học sinh các khóa của nhiều trường tổ chức mời các thầy cô cũ hàn huyên với ký ức về những ngày tháng cũ.

*
*   *

Mọi sự vật trên đời đều biến chuyển không ngừng. Nói vĩnh cửu hay bền vững chỉ là một cách diễn đạt ý chí hay ước nguyện chứ không phải là một khẳng định. Sự vật nào cũng hiện hữu từ một tác nhân chính (nhân) cùng sự phù trợ của nhiều điều kiện (duyên). Các nhân duyên ấy thay đổi như nhảy múa, đã chuyển hóa mọi sự vật; đang thành hóa ra bại, đang ưu trở nên khuyết, đang tốt trở nên xấu, chẳng hạn như trường hợp của tính cách bạn hay thù, luôn luôn thẩm thấu qua lại nhau để biến dạng, lắm khi đưa đến cảnh tráo trở một cách khó lường.

Cũng vậy, ưu khuyết điểm của nền giáo dục nào cũng chỉ có tính cách giai đoạn.

Nền giáo dục hiện nay đang lâm vào tình trạng bi đát, đã quá rách nát đến nỗi vị Bộ trưởng đương nhiệm đành phải công nhận nước ta đang có một nền giáo dục lạc hậu đến năm, bảy chục năm so với vài nước lân cận. Hiện trạng đã thúc đẩy cấp lãnh đạo đưa ra một nghị quyết, gần như một mệnh lệnh tối khẩn “phải cải cách giáo dục một cách cấp bách, toàn diện và hiện đại”.

Quyết định vừa nêu trên đã được báo chí bắt nhịp, dấy lên một khí thế, một sự quyết tâm qua nhiều bài góp ý của nhiều vị học giả, nhân sĩ trí thức đầy tâm huyết. Tiếc thay vấn đề bị pha loãng dần bởi sự ưu tư cải tổ thi cử mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phóng lên báo chí theo hướng “hai trong một” liên quan đến kỳ thi Tú tài và thi tuyển vào Đại học. Lại thêm con số quái ác 34.000 tỷ đồng về kế hoạch biên soạn bộ sách giáo khoa các cấp đã khuấy động dư luận quá nhiều làm cho ý tưởng cải cách giáo dục bị hạn chế trong phạm vi cải tổ hành chánh của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhưng dù sao cũng đã bắt đầu hé lộ một chi tiết khả dĩ đáng mừng là “cá nhân có quyền ra sách giáo khoa”, một yếu tố quan trọng trong khẩu hiệu “xã hội hóa” đúng theo nghĩa “mọi người cùng làm” (có lẽ phải thêm “mọi người cùng hưởng”).

Có một điều “lạ” là bàn về biên soạn sách giáo khoa mà không thấy công khai phổ biến chương trình học để hỏi ý dân. Có lẽ chưa tiện bày ra việc góp ý về chương trình học, ngại dễ đụng đến xuất phát điểm của mọi nền giáo dục là “chú trọng giúp trẻ phát triển năng khiếu tiềm tàng nơi trẻ về cả ba mặt Trí-Đức-Thể, từ đó tôn trọng trẻ và yêu thương trẻ”.

Vì giáo dục chịu ảnh hưởng bao trùm của mọi lãnh vực trong đời sống giống như trường hợp của văn hóa nên văn hóa và giáo dục phải gắn kết liền nhau trong ý hướng cải cách một cách toàn diện theo nghĩa phải cải cách rộng khắp mọi thứ kể cả mối liên hệ giữa nhà trường và các hội đoàn để giáo dục tránh đi theo vết xe đổ “đào tạo thanh thiếu niên thành công cụ”. Lại còn cần phải cải cách gấp rút như lệnh đã đưa ra kẻo thời gian cần thiết có thể đến cả trăm năm như người xưa đã dạy.

May ra, Việt Nam mới có được một nền giáo dục tân tiến đã đưa nhiều nước trong khu vực lên tầm cao hiện nay.