Giết cải lương như thế đủ rồi!
Tấm hình bên dưới được chụp từ vở cải lương Sân Khấu Về Khuya của soạn giả Nguyễn Thành Châu và được dàn dựng biểu diễn trên sân khấu Thanh Minh Thanh Nga. Cô Thanh Nga (vai Giáng Hương) cầm cánh tay cô Ngọc Giàu (vai Mỹ Tiên), mỉa mai chua chát hỏi ông Thành Được (vai Lĩnh Nam) rằng:
- Cậu, cậu yêu cái này được sao? Nhìn kỹ lại, cái này là tiêu biểu cho tất cả những cái gì cậu ghét nhất ở một người đàn bà, thì làm sao cậu nhét người này vào trong trái tim của cậu được, khi đã có một cái sân khấu đang nằm trong ấy? Mà sân khấu ấy là tôi! Là tôi chứ không phải Mỹ Tiên!
Ngược lên phía trước vài phút, lúc Lĩnh Nam và Giáng Hương cãi nhau dữ dội, Lĩnh Nam vừa buông câu mắng “Mợ còn ngu lắm!” thì Giáng Hương đã lập tức đốp chát lại “Vậy thì cậu hãy thừa dịp ấy mà khôn lên đi!”. Khi Mỹ Tiên vô tới, vẫn còn đeo chiếc mặt nạ giả tạo “Có lẽ tôi vào hơi sớm một chút”, Giáng Hương đã nhẹ nhàng khều chiếc mặt nạ đó rớt xuống ngay tức khắc “Chị cũng thế cưng à, chị cũng tiếc là đã lỡ lời hơi sớm một chút”.
Những câu thoại trong đó, tuy kịch nhưng vẫn đời. Dù dài hay ngắn thì lời văn cũng đủ sâu, đủ sắc, không thiếu không thừa mà sự hoa mỹ và những ý tứ hàm xúc vượt xa ngôn ngữ đời thường. Chúng lại được chuyển tải một cách hoàn hảo, chính xác đến khán giả thông qua sự dàn dựng chuẩn mực của đạo diễn/thầy tuồng và tài năng ca diễn của lớp nghệ sĩ tinh hoa. Tất cả những điều đó khiến cho nội dung tuồng cải lương tạo được sự ảnh hưởng đến công chúng. Khán giả đến với cải lương ngoài nhu cầu giải trí thông thường còn vì có thể tìm thấy những điều mới mẻ về mặt tinh thần hoặc những kiến giải sâu xa áp dụng vào đời sống thực tại.
Hơn 30 năm qua, cải lương ngày càng xa rời thực tế. Bên cạnh sức ép của thời đại (bao gồm cả nhịp sống xã hội và sự chiếm lĩnh của các loại hình nghệ thuật khác), cải lương đã tự đánh mất khán giả bằng chính sự dễ dãi của mình. Không quan tâm đến giới trẻ, không đoái hoài đến giới trí thức, không giữ gìn chuẩn mực nghệ thuật, không nhạy cảm với các vấn đề xã hội, không theo kịp tiến trình phát triển của dân tộc, năm “không” ấy đã đưa cải lương đến cái “không” thứ sau: không còn giá trị đích thực.
Để đến bây giờ, nhân danh “cứu” cải lương, người ta đã có kế hoạch đưa cải lương về giá trị zero, cả về nghệ thuật lẫn thương mại, bằng cách bưng ra phố đi bộ diễn miễn phí mỗi quý một lần!
Tôi hỏi, cải lương có xa lạ gì với người dân đâu mà cần quảng bá? Cải lương có phải dùng cho từ thiện đâu mà cần miễn phí? Nếu không phải đồ từ thiện mà đem cho không biếu không thì còn đâu là tôn nghiêm, còn gì mà trân trọng?
Tôi hỏi, thành phố có bao nhiêu nhà hát để làm gì mà không có chỗ nào dành cho cải lương? Cái của nợ Trung tâm nghệ thuật Cải lương Trần Hưng Đạo nếu không diễn được nữa thì đem đổi lấy điểm diễn khác cho sân khấu, thậm chí tệ nhất cũng cho mấy đoàn tư nhân mượn chỗ tập tuồng, làm kho cất đạo cụ, cảnh trí, được không?
Tôi hỏi, cải lương trước đây vốn đa dạng với các thành phần từ giới bình dân tới giới trí thức, sao bây giờ chỉ mặc định người nghèo là khán giả mục tiêu của cải lương? Vì mục tiêu như vậy nên muốn có khán giả thì phải bán vé rẻ. Bán vé rẻ thì doanh thu thấp. Doanh thu thấp thì thu nhập của cả đoàn thấp, bầu gánh không có lời. Không có lời thì lấy kinh phí đâu mà tái đầu tư cho vở diễn mới? Không có vở diễn mới thì kéo khán giả tới rạp cách nào? Cái vòng lẩn quẩn càng thắt càng thít.
Tôi hỏi, sân khấu cải lương nói riêng và sân khấu nghệ thuật nói chung vốn dĩ được mệnh danh là “thánh đường”, người làm nghệ thuật vốn có Tổ, có Đạo, đâu phải là nơi khệnh khạng quyền lực với kim tiền? Cải lương xuống cấp là do làm nghệ thuật không nghiêm. Chữ “nghiêm” như thế nào, xin cứ soi lại gương sáng tiền nhân, từ lớp bậc thầy tiền phong như ông Năm Châu, bà Phùng Há, đến bà Bầu Thơ “bầu của tất cả bầu gánh”, đến thầy tuồng Hà Triều - Hoa Phượng... để học sao cho mỗi vai trò đều làm đúng, rồi mới tới làm giỏi và sáng tạo.
Tôi hỏi câu cuối cùng, sân khấu cải lương là của công chúng, vậy muốn làm gì với cải lương, nhà nước và các vị trong nghề có ai quan tâm lắng nghe công chúng?