Miếu thờ Trung Tá Nguyễn Đình Bảo trên đồi Charlie bị ‘kẻ xấu’ đập bỏ

Định Tường

Mạng xã hội dấy lên sự phẫn nộ trước hình ảnh cho thấy một miếu thờ Trung Tá Nguyễn Đình Bảo trên đồi Charlie bị ‘kẻ xấu’ đập bỏ, nhiều khả năng là có sự tiếp tay của nhà cầm quyền.

Hai căn cứ Charlie và Delta, nằm trong tuyến phòng thủ gồm nhiều cứ điểm của Quân Đoàn II Quân Lực VNCH ở phía Tây Sông Pôkô và Quốc Lộ 14, là những mục tiêu bị Cộng Quân tấn công đầu tiên trên đường tiến quân của họ về hướng Tân Cảnh, Dakto và thị xã Kon Tum, một trong ba mặt trận lớn trong Mùa Hè Đỏ Lửa. Trận đánh quyết định tại Đồi Charlie diễn ra từ ngày 11 đến 14 Tháng Tư, 1972, trong đó Trung Tá Nguyễn Đình Bảo, tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù (Tiểu Đoàn Song Kiếm Trấn Ải), tử trận, và Thiếu Tá Lê Văn Mễ, tiểu đoàn phó, quyết định rút quân khỏi Charlie.

Từ ngày 3 Tháng Tư, các lực lượng Sư Đoàn 320A khởi sự tấn công căn cứ Charlie và cứ điểm Rocket Ridge. Cuộc tấn công diễn ra nhiều đợt, và cho đến ngày 11 và 12, Cộng Quân liên tục nã hàng ngàn quả đạn 130 ly, 122 ly, và hỏa tiễn đủ loại vào hệ thống phòng ngự của căn cứ Charlie, quyết dứt điểm căn cứ này.


Hiện trạng miếu thờ Trung Tá Nguyễn Đình Bảo trong clip quay ngày 29/1/2023.

Ngày 14, Cộng Quân tiếp tục tấn công vào các cao điểm cón lại của căn cứ Charlie bằng những trận mưa pháo ghê gớm. Vừa dứt pháo, Cộng Quân tràn lên tấn công vào Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù do Thiếu Tá Lê Văn Mễ, tiểu đoàn phó, chỉ huy. Vào lúc này, Thiếu Tá Mễ biết rõ là đơn vị đã hết đạn và cạn lương thực, bởi vì từ ngày 7 Tháng Tư đến nay, tiểu đoàn không nhận được tiếp tế đạn dược và lương thực. Trước hoàn cảnh bi đát đó, Thiếu Tá Mễ bàn với Thiếu Tá Đoàn Phương Hải, trưởng Ban 3 tiểu đoàn, là cần phải rút quân để tìm lấy cái sống trong cái chết cận kề.

Để thực hiện kế hoạch này, vị chỉ huy Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù đã ra lệnh cho các đại đội rời căn cứ Charlie theo hướng Đông-Bắc và tìm đường rút về Tân Cảnh (bộ chỉ huy hành quân của Sư Đoàn 22 Bộ binh) thay vì về Võ Định (nơi đóng quân của Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù) vì vị trí này quá xa căn cứ Charlie. Thiếu Tá Mễ cũng xin Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù, nửa giờ sau khi lính Dù đã rút đi, cho bắn đạn nổ chụp ngay trên đồi Charlie để tiêu diệt quân tấn công đang tràn ngập căn cứ.

Khoảng 5 giờ chiều cùng ngày, cả năm đại đội và bộ chỉ huy tiểu đoàn cùng nhau rời cao điểm 1020, vĩnh biệt Trung Tá Nguyễn Đình Bảo, “người ở lại Charlie.” Cộng Quân tràn lên chiếm đồi thì bị trọng pháo của Nhảy Dù từ các căn cứ hỏa lực gần đó đồng loạt bắn vào. Sau đó, một phi đội pháo đài bay B-52 xuất hiện, dội hàng trăm tấn bom xuống căn cứ Charlie vừa bị bỏ lại. Các lực lượng Cộng Sản Bắc Việt mới tiến lên căn cứ và chưa kịp chấn chỉnh hàng ngũ thì đã bị tan nát dưới trận mưa bom của Không Lực Hoa Kỳ.


Đồi Charlie gắn liền với ca khúc “Người Ở Lại Charlie” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh.

Cái chết của vị sĩ quan anh hùng này đã gây nhiều xúc động trong lòng các chiến hữu Nhảy Dù và cả các chiến binh thuộc các quân, binh chủng bạn, bởi vì Trung Tá Bảo nổi tiếng là vị chỉ huy tài ba, gan dạ và hết lòng yêu thương đồng đội.

Charlie hay Tân Cảnh, Dakto, Kon Tum… không phải là những chiến trường duy nhất mà gót giày sô của vị trung tá đã đi qua, mà còn những địa danh khác nữa, như “Toumorong, Dakto, Dam-be, Đức Cơ, Krek, Snoul, Khe Sanh, Hạ Lào…” như được kể đến trong ca khúc “Người Ở Lại Charlie” của Trần Thiện Thanh, và còn nhiều, nhiều nữa những “địa ngục trần gian” khác từng “dàn chào” bao người chiến binh Quân Lực VNCH như Nguyễn Đình Bảo trong suốt cuộc chiến bảo vệ miền Nam Tự Do trước cuộc chiến tranh xâm lược của Cộng Sản Quốc Tế hồi hạ bán thế kỷ trước.

Nhạc sĩ Tuấn Khanh bình luận: “Một trong những tin tức đầu năm khiến nhiều người ngẩn ngơ trong giây phút: Ngôi miếu nhỏ trên đỉnh đồi Charlie, do thân nhân và những người có lòng với các tử sĩ Việt Nam Cộng hòa và Trung Tá Nguyễn Đình Bảo lập nên, để hương khói cho người đã khuất vào năm 1972.

Ấy vậy mà vào đầu năm con Mèo, người đến viếng phát hiện nó đã bị đập tan tành.

Mọi chuyện thật dễ hiểu và có những điều suy nghĩ cũng thật đáng tin hơn bao giờ hết về cuộc sống hôm nay.

Nếu lấy điểm tựa từ giáo lý của Phật giáo để suy, ngôi miếu nhỏ ấy khi thực thể không còn thì bản thân nó đã hóa thành ý nghĩa tối hậu, đi vào trong nhận thức trái tim của tất cả những người biết về sự thật và lẽ phải, và đồng thời tên gọi của hành động đó nó cũng đã im lặng hình thành – có thể nhắc nhớ đến ngàn năm sau.

Thế chỗ cho những phần đổ nát của ngôi miếu nhỏ ấy, là hương khói đang được thắp lên trong lòng muôn vạn con người.”


Trung Tá Nguyễn Đình Bảo (trái).

Facebook Dũng Trung Kqd bình luận: “Ai đã đập phá ngôi miếu thờ nhỏ bé ấy?
Tôi nghĩ là gió!

Một cơn gió đã đi qua đồi và “lỡ tay” đập phá ngôi miếu thờ ngài trung tá.
Cơn gió nặng nề, vô thần vô thánh ấy đã mang theo bao nhiêu là thù hận, bao nhiêu là ganh ghét, bao nhiêu là tăm tối, bao nhiêu là tự ti mặc cảm, bao nhiêu là ti tiện… mấy mươi năm qua vẫn luôn rình rập, lảng vãng qua đây và lần này thì nó đã “thổi” một cơn hả hê làm đổ vỡ ngôi miếu của người anh hùng vệ quốc bên kia chiến tuyến.

Sau cả đêm đau xót, căm giận… gần sáng, tôi thức dậy và tự nhiên thấy lòng nhẹ nhàng, bình thản lạ thường.

Tôi nghĩ, chắc cụ Bảo không giận đâu vì giờ này, cụ đã về trời hay đã biến thành hồn thiêng sông núi.

Tôi lại nghĩ, ngôi miếu trên đồi cao heo hút ấy, trước đây nó chỉ nằm một mình ở địa danh Sạc Ly xa xôi, hiểm trở, lâu lâu mới có ai đó lên nhang khói, cúng viếng…

Nay thì ngôi miếu nơi hoang vu, heo hút ấy đã được “cơn gió hận thù, tăm tối…” mang đi phục dựng ở khắp nơi và làm cho nó linh thiêng hơn, ấm áp hơn, kính ngưỡng hơn trong lòng mỗi người Việt Nam muốn đất nước mình, dân tộc mình trường tồn trong bao la tình đồng bào ruột rà, máu mủ… bỏ quá cho nhau những thù hận, khổ đau… trong quá khứ.”