“Chấn thương di dời” trong một số truyện ngắn Việt Nam hải ngoại sau 1975

Đỗ Thị Phương Lan

VHSG- Truyện ngắn Việt Nam hải ngoại sau 1975 với những kế thừa và cách tân mang tính lịch sử của thể loại đã góp vào văn xuôi tiếng Việt những trang viết rất riêng từ những “bờ bến lạ”. Từ lý thuyết chấn thương trong văn học, tác giả bài viết khảo sát những biểu hiện của tự sự chấn thương trong một số truyện ngắn Việt Nam hải ngoại thuộc khuynh hướng viết về cội nguồn. Trên phương diện nội dung phản ánh khi viết về nỗi đau lưu vong- vô xứ và phương diện thi pháp không gian- thời gian trong một số truyện ngắn, tác giả chứng minh “chấn thương di dời” là một nét đặc thù của truyện ngắn Việt Nam hải ngoại trong bức tranh chung viết về chấn thương của văn học Việt Nam.


ThS Đỗ Thị Phương Lan (Khoa Sư phạm – Trường Đại học Đà Lạt).

Chấn thương là một thuật ngữ y học nhằm diễn tả trạng thái cơ thể bị tổn hại do những tác động bên ngoài gây nên. Chấn thương còn là thuật ngữ tâm lý học và bệnh học để diễn tả những những khủng hoảng tinh thần của con người xảy ra sau những tổn thương nghiêm trọng. Lý thuyết chấn thương bắt đầu được nghiên cứu từ sự kiện phát xít Đức tiêu diệt người Do Thái trong những năm Chiến tranh thế giới thứ hai, thể hiện rõ trong tập tiểu luận “Moses and Monotheism” (Moses và Nhất thần luận) của Sigmund Frued. Những sự kiện xã hội từ đó đến nay với những chấn động tâm lý sâu sắc và lớn lao của nhân loại (gồm của cả cộng đồng hay cá nhân) được diễn tả lại trong văn chương dưới góc độ phân tâm học được phê bình văn học gọi là “văn học vết thương” hay “văn học chấn thương” (Trauma Litterature). Theo nhà nghiên cứu văn học Christine Cao: “chấn thương do sự di dời ở một đất nước khác lạ”[1] là một trong những biểu hiện đáng lưu ý của văn học chấn thương đương đại.

Sự kiện rời bỏ đất nước ra đi- hành động di dời của hàng triệu người Việt Nam sau 1975, kéo dài trong cả hơn hai thập kỷ đã hình thành nên những cộng đồng Việt kiều tại hải ngoại, tạo nên những sự kiện chính trị- văn hóa- xã hội phức tạp. Văn học hải ngoại bắt nguồn từ việc kể lại những câu chuyện lưu vong thể hiện rất rõ những ám ảnh chấn thương của di dân Việt từ sau hành động di dời. “Chấn thương di dời” là một trong những nét đặc thù trong thi pháp tự sự lưu vong của văn học Việt Nam hải ngoại nói chung và truyện ngắn hải ngoại nói riêng.

1. “Chấn thương di dời” và bi kịch lưu vong- vô xứ.

“Câu chuyện về chấn thương là câu chuyện về một thứ kinh nghiệm đến muộn: kinh nghiệm chấn thương. Đó là chứng nhận về sự tác động vô hạn của chấn thương lên một cuộc đời. Chấn thương, hoặc là đẩy con người đối mặt với cái chết, hoặc tồn tại trong trạng thái khổ sở ngấm ngầm, dai dẳng và liên tục tái diễn vết thương trong phần đời còn lại. Tự sự chấn thương, do đó, là một hình thức kể đúp (double telling) về “bản chất không thể chịu đựng nổi của một sự kiện và bản chất không thể chịu đựng nổi của ngay cả việc còn sống sót sau sự kiện đó”[2].

1.1 Nỗi đau rời bỏ quê hương

Những trang truyện ngắn đầu tiên ở hải ngoại gần như đều tập trung phản ánh và khắc họa nỗi đau rời bỏ quê hương của những người Việt di tản. Dù ra đi vì lý do gì, nỗi mất mát đớn đau nhất là lạc mất quê hương.Với người di tản, ra đi là một cách thế phản ứng với thời cuộc của người chiến bại. Chấp nhận ra đi là biết phải rời bỏ quê hương, bản quán, “nhà cửa, mồ mả, ông bà, cha mẹ, người thân” (Ánh mắt, Trương Anh Thụy), là nỗi mất mát, trống rỗng, hụt hẫng về không gian địa lý. Người ta phải đối diện nỗi đau mất một niềm tin, nỗi đau rứt bỏ lại sau lưng một thời tuổi trẻ, một phần hồn, một phần cuộc đời với biết bao kỷ niệm gắn bó. Ra đi là dứt lòng xa biệt những người thân thích ruột rà, những người yêu thương, là không hẹn được ngày trở lại. Ra đi với một số người là bị đẩy đưa, lạc trôi trong cái biến động lớn lao, mê hoảng của lịch sử, “người ta mê đi vì lo âu và sợ hãi’, “cuốn theo dòng người hối hả rời Sài Gòn” (Thuyền, Bùi Bích Hà), đối diện nghiệt ngã với sống- chết, mất- còn… Rồi tỉnh mê là đau tủi khi nhận ra đã trôi dạt xứ người, quê hương chỉ còn là “một tức tưởi bỏ lại” (Cũng đành, Song Thao). Rứt bỏ quá khứ, đối diện với tương lai mờ mịt như cá cược vận mệnh cuộc đời là nỗi đau lớn hơn tất thảy, người di dân trở thành những “kẻ lơ láo” (Kiệt Tấn), với bi kịch “vô xứ” (Đào Trung Đạo) trên đất người.

Với những người vượt biên, quyết định bỏ nước với lý do tỵ nạn là một kiểu dằn vặt, đớn đau vì ăn mày nhân loại.Trải qua đoạn đời với nhiều nếm trải những thăng trầm của lịch sử và của cuộc đời, di dân là những người đã từng “mặc cả với Thần Chết, cò kè thêm bớt… tính chuyện thành bại. Cho nên thấy thành công không được, thấy chết chỉ thiệt thân”…, họ “dùng dằng bất quyết. Ra đi thì không muốn. Ở lại thì e ngại” rồi cuối cùng cũng phải ra đi vì “không muốn làm con ngựa gỗ” dù đã “nản chân bon” (Ngựa nản chân bon, Nguyễn Mộng Giác).

Ra đi khỏi nước là “chúng ta đã mất quê hương. Bây giờ chúng ta trở thành công dân Mỹ, nghĩa là chúng ta đang mất cả quốc tịch” (Chỗ trống để điền tên, Quỳnh Trang Cindy Nguyễn). “Không có gì bất hạnh hơn niềm bất hạnh của một con người không còn quê hương” (Nước Mỹ và tôi- Người Việt Nam nhỏ bé, Nguyễn Phan Quang). Nỗi đau mất quê hương là nỗi đau đầu tiên, lớn lao bao trùm và là nguồn căn của nhiều nỗi đau chồng chất trên cuộc đời người di dân. Văn học hải ngoại giai đoạn đầu dù có viết theo khuynh hướng nội dung nào thì nỗi đau mất quê hương luôn là cảm hứng sáng tác trước tiên và trên tất cả.

1.2 Bi kịch thuyền nhân

Chọn lựa cách thức vượt biển để ra đi, thuyền nhân Việt Nam đã gánh chịu nhiều nỗi bi thương đến mức rúng động dư luận thế giới. Biết bao phận người mỏng manh, lênh đênh trôi dạt đi tìm đất mới trên những con thuyền bé nhỏ như những chiếc lá giữa biển cả bao la. Biết bao sợ hãi, đói khát, cùng cực trước những rủi ro nơi chân trời góc bể, trước những giông bão đại dương. Biết bao bi kịch phận người trước thú tính của hải tặc.Và không biết bao nhiêu người đã bỏ mạng trước sóng dữ, đói khát, bệnh tật, tội ác, mãi mãi phiêu dạt, trầm luân dưới đáy đại dương… “Làm sao tả được cảnh những người phụ nữ Việt Nam nằm trần truồng trên sàn ghe như những con cá vừa được kéo lên, đang chờ mổ bụng, ướp đá? Làm sao tả được tâm trạng của người chồng bị trói chặt, nhìn người vợ mang thai bị hải tặp hiếp dâm trước mắt? Làm sao tả được tiếng kêu của em bé lên sáu, lên năm khi nhìn xác mẹ mình bị ném xuống biển sâu? Làm sao tả được cảnh người thoi thóp phải ăn thịt người vừa chết để kéo dài sự sống trên chiếc ghe chết máy lênh đênh nhiều tháng trời trên biển Đông? Không, những câu chuyện vượt biên bi thảm là những viên đá nghìn cân đè nặng lên số phận của đồng bào bất hạnh và sẽ muôn đời ở lại trong lòng biển” (Sự im lặng của biển, Trần Trung Đạo). Những người sống sót, may mắn được đến trại tỵ nạn thì phải trải qua rất nhiều nỗi nhọc nhằn tạm bợ của đời ký sinh nhục nhã, “bị xua đuổi như đàn ruồi” (Ánh mắt, Trương Anh Thụy) rồi mới đến được bến bờ đất hứa.

Đến đất hứa, những ám ảnh kinh hoàng, những đớn đau mất người thân, nỗi kinh sợ đối diện với những giới hạn mỏng manh của phận người trở thành những di chứng tổn thương mãi đeo bám cả một phần đời còn lại. Đó là những dư chấn tâm lý của những người đã phải chạm tới ngưỡng những giới hạn tột cùng của cảm xúc nhân tính trước tội ác và những thử thách sống còn man rợ… nên dù có sống sót, họ cũng không thể nào bước qua được nỗi đau, có người mãi tật nguyền tâm hồn, thác loạn thần trí và dặt dẹo sống đời tàn nơi viễn xứ (Ngọn hải đăng mù, Mai Thảo; Đã một năm qua, Hoàng Dung; Phép lạ lời ru, Trương Anh Thụy, Nấm mộ lá, Phạm Chi Lan; Biên, Miêng; Đứa con của biển; Sự im lặng của biển,Trần Trung Đạo; Rừng đen, Trịnh Y Thư; Biến cố trong rừng tràm, Khánh Trường…).

Bi kịch thuyền nhân với nhiều trang truyện ngắn chân thực và xúc động về những chấn thương vượt biển đã là một trong những nội dung viết đặc thù của nhà văn di dân trong những năm đầu của văn học hải ngoại. Viết về sự kiện thuyền nhân đã khiến cho văn học hải ngoại lớn mạnh thêm về lực lượng cầm bút, sâu sắc thêm về tính nhân văn và đậm tính thời sự về nội dung phản ánh.

Lưu vong là từ ngữ thường gặp nhất trong các trang viết ở hải ngoại. Di dân dù bằng hình thức nào, dù vì lý do ra sao thì nỗi dằn vặt, sự mặc cảm lớn nhất và trở đi trở lại thường xuyên nhất vẫn nằm trong nguyên nghĩa của sự trôi dạt- mất mát. Lưu vong là lưu lạc đất khách, là mất gốc- mất quê hương. Do vậy, cảm thức lưu vong- vô xứ chính là một thứ ẩn ức cộng đồng, một kiểu chấn thương tinh thần luôn ám ảnh, đè nặng lên những trang viết hải ngoại nói chung, truyện ngắn nói riêng.

2. “Chấn thương di dời” qua thi pháp không gian- thời gian nghệ thuật

2.1 Không gian- thời gian ám ảnh của chấn thương

Trong những xung động tâm lý đặc thù của cộng đồng di dân thì việc bị buộc phải rời bỏ quê nhà (dù đó là sự chọn lựa cá nhân do hoàn cảnh lịch sử) là một trong những chấn thương mang tính cộng đồng. “Cùng một lứa bên trời lận đận. Gặp gỡ nhau lọ sẵn quen nhau” là tâm lý đớn đau chung, là cảm hứng sáng tác chung của những nhà văn di dân bị buộc phải rời bỏ không gian sống quen thuộc ruột rà. Viết về ký ức trong truyện ngắn hải ngoại là viết về hành trình hồi hương tâm tưởng của di dân, là một kiểu kể lại những “chấn thương di dời” có thật trong những dòng chảy xã hội cuộc đời. “Những tác phẩm của Trần Vũ chỉ ra những mối lo âu về việc chuyển vị về chủng tộc, giới tính và về dân tộc xảy ra cả ở quê hương và nước ngoài. Những mối lo âu này từng xảy ra trong chính sử và tâm thần, tâm thức của mỗi cá nhân, nó thôi thúc việc cần phải trở về… những cứ điểm của chấn thương, và nó kích thích mong ước được có người làm chứng”[3].

Chấn thương làm thay đổi cái nhìn của nạn nhân. Nó làm rạn vỡ những không gian cũ hoặc kết nối không gian- thời gian quá khứ và hiện tại theo kết cấu phi tuyến tính, phi thực tế. Nhà văn di dân mô tả bối cảnh tự sự trong sự phân rã các kết nối thông thường, và thường mượn giấc mơ để lý giải các ảo giác vì chấn thương di dời. Truyện ngắn“Cái vòng” của Võ Đình với giấc mơ “ngày Mỹ đêm Việt” với sự đảo lộn ảo thực về cảm giác không gian- thời gian là một biểu hiện ẩn ức đó của nhà văn.

Mơ ngày trở về và không thể trở về là cảm thức ám ảnh và giằng xé giữa một bên là mong ước và một bên là hiện thực. Trong những ngày đầu di dân, quá khứ và quê nhà là những hình ảnh biệt mù vô vọng nên không gian quê nhà trong những tự sự ngắn nơi quê người là những mảnh không gian- thời gian đan cài ảo- thực, đêm- ngày, quê người- quê nhà, thậm chí là những sự chuyển vị phi lý về không gian. Phần lớn những tác giả thế hệ một rưỡi, những người chịu ảnh hưởng của những trào lưu triết học phương tây và lối viết hậu hiện đại một cách trực tiếp như Võ Đình, Trần Vũ, Mai Ninh, Nam Dao, Miêng… là những người thể hiện rõ nhất cái chấn thương di dời và ám ảnh không thể trở về quê cũ trong tác phẩm của mình.

Chấn thương di dời làm di dân thấm thía sâu sắc cái cảm thức lưu vong- vô xứ và tô đậm thêm nỗi niềm hoài nhớ quê hương. Nhìn thấy trăng quê người, cô gái trẻ trong truyện ngắn Thiếu nữ chờ trăng lên (Lê Thị Huệ) chỉ thấy trăng quê nhà mới thật đẹp và cô lại càng nhớ má đến da diết. Nhân vật người đàn bà Việt xa xứ lấy chồng tây trong truyện ngắn Xứ sấm sét của Võ Đình chỉ thấy thật sự được đắm chìm trong cơn hoan lạc khóc cười rất trẻ con và rất đàn bà khi được một mình với rừng trong những cơn mưa, bên những gốc cây gợi nhớ rừng mưa quê nhà. Truyện ngắn Rừng đen (Trịnh Y Thư) mô tả cái kết cục của đôi tình nhân chết trong rừng sình trong ảo giác từ tiềm thức của nam nhân vật tưởng mình đang vùng vẫy vô vọng bên xác người vợ cũ vì thất lạc giữa rừng đước quê nhà trên đường vượt biên. “Kinh nghiệm chấn thương” này “chính là hệ quả của của tình trạng rối loạn tâm lý hậu chấn thương (post traumatic stress disorder)”[4], nó khiến cho nạn nhân- nhân vật văn học rơi vào trạng thái vô thức vì ấn tượng hoảng loạn của kinh nghiệm chấn thương trong quá khứ- nay sống lại trong bối cảnh rừng sình quê người.

Những không gian được tái hiện trong truyện ngắn Việt Nam ở hải ngoại trên hành trình tâm tưởng về với quê nhà của nhà văn di dân là những mảnh không gian quá khứ gắn liền với nỗi đau rời bỏ quê hương, gắn liền với những ấn tượng đau đớn vì quyết định ra đi và những thảm cảnh phải chứng kiến. Đó là những không gian được tái hiện bởi nỗi ám ảnh của ký ức, vì thế viết về cội nguồn, tác giả hải ngoại vịn vào những nỗi đau trong quá khứ- để làm rõ cái thực trạng di dời của một cộng đồng di dân.

2.2 Không gian cô đơn – thời gian khác lạ

Cảm thức trôi lạc của thân phận lưu vong trên đất khách diễn ra thường xuyên trong tâm trí những di dân đã trưởng thành và định hình về nhân cách- những người lưu vong thế hệ đầu tiên. Việc khác biệt múi giờ về địa lý và thời gian là một cảm giác dễ khiến di dân hụt hẫng khi hồi tưởng về quá khứ: “Mùa này bên nhà gần tết. Hơi ấm chung quanh nồi bánh chưng giao thừa ngày xưa không giúp con bớt lạnh”; “Con tung cửa lao ra dưới tuyết, tìm kiếm hình ảnh mẹ ôm giải lụa bay bay trên trời như đã tình cờ nhìn thấy trước đó mấy hôm. Chẳng thấy mẹ đâu, chỉ có tuyết lất phất từng cụm bông nhỏ trắng phau nhức mắt” (Ai thương, Miêng). Nỗi niềm cô đơn, mất mát, trôi lạc càng được hiển lộ rõ nét trong những hình ảnh không gian xa lạ, rộng lớn này.

Luôn có sự đối sánh quê người- quê nhà trong cảm thức về không gian- thời gian là một đặc điểm dễ tìm thấy với tần suất cao trong nhiều truyện ngắn viết về cảm hứng nguồn cội: “Kéo chúng vào lòng, tôi sẽ xoay mình về hướng đông nam, nơi có rặng núi cao màu xanh phơi mình dưới nắng chiều…Tôi sẽ kể cho chúng nghe cuộc hành trình của con hến nhỏ trong lòng bàn tay mình, bắt đầu không phải từ đỉnh núi cao ngất trên kia, nơi có chiếc hồ nhân tạo mang tên Isabella, không phải từ cái bờ vực dốc đứng nhìn xuống dòng sông Kern hung bạo ở ba trăm bộ phía dưới, mà từ một ngôi làng nhỏ bên kia bờ Thái Bình Dương, nơi dòng chảy qua sẽ cạn dần theo ngày tháng” (Bắt hến ở hồ Isabella, Phùng Nguyễn).

Hình ảnh không gian ký ức đã trở thành tiềm thức, nên việc đối diện với không gian mới là một cảm giác bất lực vì xa lạ: “… trong thời gian này, ở nơi đây, em không còn là em… nữa” (Người đàn bà khác, Trịnh Y Thư). Không gian rộng lớn và sự giàu có văn minh của vùng đất mới xa lạ khiến người di dân thấy rợn ngợp và càng ý thức sâu sắc sự cô đơn lẻ loi của thân phận nhược tiểu: “thành phố tôi ở nằm lọt thỏm trong một thung lũng bằng phẳng kéo dài hàng trăm dặm. Từ thành phố, đi về hướng nào cũng gặp những cánh đồng ngút mắt, và xa hơn nữa là trùng trùng lớp lớp những núi và núi” (Bắt hến ở hồ Isabella, Phùng Nguyễn). Con người bất lực hoang hoải trong cảm giác cô đơn xa lạ nơi trú xứ trên cái trục thời gian chảy trôi lạc nhịp với ký ức: “cái ông trời của xứ này thật lạ, vui đó buồn đó mấy hồi” (Bà ngoại, Nguyễn Thị Hoàng Bắc); …

Trong tâm lý tự ti vì bị kỳ thị của di dân, không gian mới bao hàm tất cả những gì xa lạ, khác biệt, đối cực. Vì thế, bày tả tự sự trong bối cảnh không gian và thời gian đượm màu ký ức xen lẫn với hiện tại xa lạ là cách riêng nhuốm màu phân tâm học của tự sự ký ức bị chấn thương, tự sự lưu vong.

2.3. Không gian – thời gian phi lý

Trên hành trình tìm về quá khứ của truyện ngắn hải ngoại, không gian- thời gian phi lý là một loại bút pháp đột phá.Trên nền của tự sự ngắn, cái chớp lóe của tình huống được bày, đặt trên nhiều bối cảnh không gian- thời gian rất lạ lùng, phi lý. Tâm lý chấn thương và cảm giác bị trôi dạt biệt xứ trong dòng chảy cuộc đời tạo ra những cơn hưng cảm sáng tạo độc đáo. Cảm thức hậu hiện đại đã giải biên, giải giới hạn tất cả các đại lượng không gian và thời gian tạo ra một thứ chiều kích không gian- thời gian tâm lý phi thực tế.

Truyện ngắn Giấc mơ Thổ, Pháo thuyền trên dòng Yang Ste’… của Trần Vũ đưa người đọc vào cuộc phiêu lưu tâm lý đầy hoang mang về những vùng không gian- thời gian phi thực. “Giấc mơ Thổ kể chuyện một cộng đồng người Việt sống đâu đó trên một châu lục xa lạ, đang hóa điên vì ám ảnh quá khứ. Quá khứ ở trong mọi suy nghĩ, đè nặng lên từng số phận… Lũ người ma ám sống trong không gian và thời gian chỉ tồn tại với nhiệm vụ duy nhất: vật chất hóa dĩ vãng. Thời gian trong thế giới đó không ngừng chảy, không chấp nhận hiện tại lẫn ngày mai: bất cứ ngày nào cũng là Tết Giáp Tuất. Chiều nào cũng là chiều hai mươi tám Tết. Sáng nào cũng là sáng mồng một”,”Ngày hôm nay là ngày 19 tháng 6 ngày Quân lực VNCH cũng là ngày 2 tháng 9 Tuyên ngôn Ba Đình lịch sử” được nhắc đi nhắc lại như để nhấn mạnh tính bất động của thời gian. Tương lai cũng chỉ được coi là cái đã qua: câu chuyện được kể vào năm Giáp Tuất, vậy mà một trong những câu cuối của nó là: “tôi trở về dinh cơ của Quý, nhiều năm sau Tết Giáp Tuất (…). Khu đất thiêu rụi hoang tàn”[5].

Truyện ngắn Luân hồi trong một đêm tuyết của Võ Đình kể câu chuyện hai vợ chồng ân ái trong một đêm tuyết lớn, người chồng chui tọt vào bụng vợ và ở nguyên trong đó. Tác giả đã tạo ra một thứ không gian mới vừa huyền ảo mang màu sắc Mỹ La Tinh vừa nhuốm màu của cổ mẫu cái bọc- cái tổ của tộc Việt. Tương tự, chuyện rất ngắn Nguyễn Du và Thúy Kiều của Nguyễn Như Núi cũng tạo ra một kiểu không gian phi lý, nhuốm màu cổ mẫu như trên: “Không ngờ Kiều hôn mạnh đến nỗi nuốt cả người Du vào bụng mình. Du nằm luôn ở đó, đã mấy trăm năm nay”.

Con người cô đơn lạc lối giữa trời Tây như “cóc chết quay đầu về núi” nên cái không gian thời gian nào dù được biểu tả phi lý đến đâu cũng có một mối hồi quy từ trong tiềm thức là về chốn cũ. Sáng tạo ra những không gian- thời gian đa dạng và mới lạ trong truyện ngắn, nhà văn hải ngoại vừa kế thừa bút pháp cũ vừa bứt phá truyền thống từ “điểm nhìn hậu hiện đại” (Nguyễn Hưng Quốc) nên phần nào chứng minh khả năng riêng biệt của bút pháp lưu vong.

3. “Chấn thương di dời” trong truyện ngắn Việt Nam hải ngoại và những liên hệ với văn học chấn thương ở Việt Nam

“Chấn thương mô tả một kinh nghiệm choáng ngợp về những sự kiện đột ngột hay thảm họa mà phản ứng đối với sự kiện đó thường xuất hiện dưới dạng ảo giác và các hiện tượng mang tính chất xâm nhập thường bị trì hoãn và tái diễn một cách không kiểm soát được”[6]. Theo cách đọc của Cathy Caruth về tiểu luận “Moses và Nhất thần luận” trên lý thuyết phân tâm học thì Frued viết về chấn thương của cộng đồng người Do Thái chính là kiểu “tìm cách trở về những cội nguồn trong ký ức và sự trở về của những yếu tố bị dồn nén”[7]. Soi chiếu cái nhìn này của lý thuyết chấn thương, có thể thấy viết về cội nguồn và ký ức trong truyện ngắn Việt Nam hải ngoại là một kiểu “trở về cội nguồn” do ám ảnh của chấn thương di dời của bi kịch lưu vong- vô xứ. Chấn thương đó không phải chỉ là của cá nhân mà là một thứ kinh nghiệm chấn thương của một cộng đồng Việt lưu xứ trong bối cảnh lịch sử một dân tộc nếm trải quá nhiều khổ đau. “Phải mất một cuộc chiến tranh để dạy bạn điều này, rằng bạn phải chịu trách nhiệm cho tất cả những gì bạn nhìn thấy cũng như tất cả những gì bạn đã làm. Vấn đề ở chỗ không phải bao giờ bạn cũng biết mình đang nhìn thấy cái gì cho đến mãi sau này, rất nhiều năm sau, bạn mới nhận ra rất nhiều thứ trong đó chưa bao giờ được đầu óc bạn tiếp nhận và xử lý, nó vẫn còn tích trữ nguyên vẹn ngay trước mắt bạn” (Michael Herr- dẫn theo C.Caruth)[8].

Nghiên cứu về văn học chấn thương và văn học chấn thương ở Việt Nam hiện vẫn đang ở những bước khởi động nhưng đã có những phác thảo khái quát. “ Trong nền văn học Việt Nam hiện đại, đặc biệt là từ sau 1975, đã lặng lẽ chảy một dòng văn học chấn thương. Đó là sản phẩm của một thời đoạn lịch sử đầy biến động dữ dội. Dù không muốn khơi lại “tro tàn quá khứ”, thì vẫn phải thừa nhận đó là sự xuất hiện hợp quy luật. Bởi vì, lịch sử phát triển của một dân tộc, bên cạnh những chiến công, kỳ tích làm nên tầm vóc và vị thế dân tộc, không thể tránh khỏi có những trang thương đau, đầy máu và nước mắt.”[9]. Có thể thấy rõ nhận định này qua “Những ngã tư và những cột đèn” của Trần Dần đến những tác phẩm tự sự cuối thế kỷ trước của Nguyễn Minh Châu, Dương Thu Hương, Dương Hướng, Bảo Ninh, Lê Lựu, Chu Lai,… và gần đây là tiểu thuyết “Và khi tro bụi” của Đoàn Minh Phượng,…

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thành Thi cho rằng: “Trong đời sống văn học cận/hiện đại của nhân loại, có một số nguồn mạch sáng tác khá đặc biệt, bị chi phối mạnh mẽ bởi chỗ đứng và trạng thái tinh thần của bản thân nhà tiểu thuyết. Nếu chỗ đứng của anh ta là hiện chứng (eyewitness), chúng ta có tự sự hiện chứng (eyewitness narratives). Còn nếu trạng thái tinh thần của anh ta là chấn thương (trauma), ta sẽ có tự sự chấn thương (trauma narratives). Tự sự chấn thương là dạng đặc biệt của tự sự hiện chứng, bởi trạng thái tinh thần bị chấn thương luôn xuất phát từ chỗ đứng hiện chứng[10]. Từ những sự ngẫu nhiên nhưng mang tính quy luật và lịch sử của những dòng chảy xã hội cuộc đời, truyện ngắn Việt Nam hải ngoại nói riêng và tự sự trong nước những năm cuối của thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI có những gặp gỡ bất ngờ và mang tính thời đại ở những cách nhìn nhận và thể hiện về nỗi đau của con người trong văn chương. Từ “chỗ đứng và trạng thái tinh thần” rất riêng của nhà văn di dân, văn học Việt Nam hải ngoại đã góp vào văn học Việt một mạch chảy rất khác biệt của một kiểu “tự sự hiện chứng”, gióng lên tiếng nói nhân bản của những trạng thái tinh thần bị chấn thương từ những bến bờ lạ…

________________

[1] L. Thornber, Karen:Tính liên văn bản hay cộng đồng di dân”, Lý thuyết và ứng dụng lý thuyết trong nghiên cứu văn học (tập bài giảng và tài liệu tham khảo), NXB Khoa học xã hội, H. 2016, tr.157, 158.

[2] Lê Tú Anh: “Từ trường hợp Đoàn Minh Phượng, nghĩ về văn học chấn thương Việt Nam và quan điểm nghiên cứu”, http://www.sachhay.org/diem-sach/ChiTiet/2903/tu-truong-hop-doan-minh-phuong-nghi-ve-van-hoc-chan-thuong-o-viet-nam-va-quan-diem-nghien-cuu, truy cập ngày 26/7/2017.

[3] L. Thornber, Karen:Tính liên văn bản hay cộng đồng di dân”, Lý thuyết và ứng dụng lý thuyết trong nghiên cứu văn học (tập bài giảng và tài liệu tham khảo), NXB Khoa học xã hội, H. 2016, tr.157, 158.

[4] Caruth, Cathy: “Những kinh nghiệm không được khẳng định: Chấn thương và những khả năng của lịch sử”, Lý thuyết và ứng dụng lý thuyết trong nghiên cứu văn học (tập bài giảng và tài liệu tham khảo), NXB Khoa học xã hội, H. 2016, tr, 546, 548, 545.

[5] Đoàn Cầm Thi: Đọc tôi bên bến lạ, NXB Hội Nhà văn, H. 2016, tr.160.

[6] Caruth, Cathy: “Những kinh nghiệm không được khẳng định: Chấn thương và những khả năng của lịch sử”, Lý thuyết và ứng dụng lý thuyết trong nghiên cứu văn học (tập bài giảng và tài liệu tham khảo), NXB Khoa học xã hội, H. 2016, tr, 546, 548, 545.

[7] Caruth, Cathy: “Những kinh nghiệm không được khẳng định: Chấn thương và những khả năng của lịch sử”, Lý thuyết và ứng dụng lý thuyết trong nghiên cứu văn học (tập bài giảng và tài liệu tham khảo), NXB Khoa học xã hội, H. 2016, tr, 546, 548, 545.

[8] Caruth, Cathy: “Những kinh nghiệm không được khẳng định: Chấn thương và những khả năng của lịch sử”, Lý thuyết và ứng dụng lý thuyết trong nghiên cứu văn học (tập bài giảng và tài liệu tham khảo), NXB Khoa học xã hội, H. 2016, tr, 546, 548, 545.

[9] Lê Tú Anh: “Từ trường hợp Đoàn Minh Phượng, nghĩ về văn học chấn thương Việt Nam và quan điểm nghiên cứu”, http://www.sachhay.org/diem-sach/ChiTiet/2903/tu-truong-hop-doan-minh-phuong-nghi-ve-van-hoc-chan-thuong-o-viet-nam-va-quan-diem-nghien-cuu, truy cập ngày 26/7/2017.

[10] Nguyễn Thành Thi, “ Tiếng nói của cái tôi bị chấn thương và tính khả dụng của yếu tố nhật ký trinh thám trong “Những ngã tư và những cột đèn” của Trần Dần, https://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/tieng-noi-cua-cai-toi-bi-chan-thuong-va-tinh-kha-dung-cua-yeu-to-nhat-ky-trinh-tham-trong-tieu-thuyet-nhan-doc-nhung-nga-tu-va-nhung-cot-den-cua-tran-dan, truy cập ngày 20/9/2017.