Tư liệu mới về Hồ Văn Hảo – Nhà thơ Nam Kỳ tiên phong trong phong trào Thơ mới

Hồ Văn Hảo, nhà thơ Nam Kỳ tiên phong trong phong trào Thơ mới, tên ông được biết đến đầu tiên qua lời bình của nữ sĩ Manh Manh khi đăng đàn để bảo vệ Thơ mới:

“Tôi xin bàn đến vài bài thơ mới của thi sĩ Hồ Văn Hảo. Tiếc rằng tôi không đủ thời giờ để nói đến các bạn hưởng ứng khác như Khắc Minh vân vân...” Bài thơ của Hồ Văn Hảo là Tự tình với trăng (đọc và chỉ nguyên tắc bài ấy) câu văn thật êm đềm mà rõ rệt, người xem bài này có thể vẽ ra một cảnh.

Màn trời ai vén,
Để chị Hằng mặt thẹn đỏ tươi tươi
Một nụ cười,
Ra chiều xẻn lẻn...

Tiếc là ý tưởng bài này có hơi cũ, tác giả chê cõi đời là “bể khổ trầm luân” không thiết gì đến đời, muốn lên ở cung trăng cho êm tịnh.

Nhưng bài sau thì lại khác hẳn. Ấy là bài Con nhà thất nghiệp mà người ta cho là chẳng phải thơ. Chỉ vì chẳng phải than thân trách phận, tả cảnh hoa tàn, nguyệt xế, suối chảy chim ngâm mà là một cảnh thiết thực, một cảnh khổ có thực trong đời: người thất nghiệp.

Có lẽ trong thơ văn, người cu li ở trần quần vắn là một động vật không có gì lãng mạn chăng? Có lẽ cái bi kịch một người nghèo khổ phải đi ăn trộm “hụt”, chúng hay được la “ăn trộm” ! rồi anh chạy trốn, kịch ấy không có gì lạ, đáng để ý chăng? (đọc bài Con nhà thất nghiệp và phê bình).”

(Phụ nữ tân văn số 211 ngày 10/8/1933 và số 213 ngày 24/8/1933)

Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh cũng có nhắc đến ông. Sau này các tuyển tập Thơ mới cũng có một số quyển nhắc đến hay tuyển thơ Hồ Văn Hảo, nhất là hai bài Tự tình với trăngCon nhà thất nghiệp. Thế nhưng người ta biết rất ít về cuộc đời ông.

Mấy năm trước trên Xưa và Nay, tác giả Nguyễn Nhất Thống có viết về ông, nhưng chỉ cung cấp thêm vài thông tin rất hạn chế. Nhà sưu tầm sách cổ “Minh Sách xưa” có công bố thư của thi sĩ Tản Đà gửi Hồ Văn Hảo khi Hồ Văn Hảo làm việc ở Phụ nữ tân văn – chắc là có cương vị quan trọng (ảnh H1). Bức thư ấy như sau:

TẢN ĐÀ NGUYỄN KHẮC HIẾU

Sơn Tây, Khê Thượng, Bất Bạt, Tonkin
Monsieur Hồ Văn Hảo
Phụ nữ tân văn
65 Rue de Massiges à Saigon

(Thư)
Sontay, le 30 Avril 1935
Monsieur Hồ Văn Hảo, Quản lý Phụ nữ tân văn, Saigon
Thưa ngài, tôi có tiếp nhận được luôn hai số Phụ nữ mới ra của Ngài đã có lòng gửi cho như thường, vậy xin có ít hàng cảm tạ. Cách đây tôi đã có thư vào ông Nguyễn Đức Nhuận đề về số nhà của Bảo quán, tới nay coi kỳ báo mới, mới hay rằng ông Nhuận hiện ở Dalat , vậy thư của tôi trước chắc rồi ngài đã chuyển giao cho. Nay nhân vì có bài thơ Cảm hoài cùng Tân văn, đã gửi vô ông Nhuận, xin chép lại để kính ngài coi chơi, và hoặc có nên đăng báo chơi (mờ 3 chữ).

Cảm hoài cùng Phụ nữ tân văn lại xuất bản

Non chưa mòn đá, biển chưa khô
Còn việc trần ai có kẻ lo.
Hoa thảo dẫu từng mưa gió rập;
Sơn hà chi thiếu phấn son tô.
Đoái trông Nam Bắc đường thiên lý,
Riêng cảm tang thương bức “địa đồ”.
“Bạc đánh còn tiền” ai cố gắng,
Xa xôi xin chúc mấy vần thơ.
Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu
Sontay (Tonkin)

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân có cho biết vài thông tin về những ngày cuối làm báo Phụ nữ tân văn của Hồ Văn Hảo:

“Khoảng 1934 có tin ông Hồ Văn Hảo tham gia quản trị Phụ nữ tân văn, sau đó, tòa báo gặp khó khăn tài chính thế nào đó, người thủ quỹ là cô Nguyễn Thị Khang không chịu đến văn phòng, ông Hảo đến tận nhà cô, chuyện qua lại thế nào đó, ông Hảo bèn ra đòn tay chân với cô, ngay lúc ấy ông Cao Văn Chánh chồng cô Khang về chứng kiến, đã gọi cò bót đến bắt ông Hảo. Sau rồi giảng hòa, ông Hảo xin lỗi cô Khang. Nhưng báo PNTV chỉ ra đến số 273 là ngừng. Cô Khang là họa sĩ, từ Bắc sang Pháp, rồi quen và lấy ông Chánh, ông là em ruột bà Cao Thị Khanh, bà chủ báo PNTV. Các tin này tôi đọc trên tờ Đông Tây ở Hà Nội” (FB Lại Nguyên Ân)

Cho đến nay những thông tin về Hồ Văn Hảo có thể tóm tắt như bài của NguyễnVy Khanh dưới đây:

Thi sĩ Hồ Văn Hảo cũng là tên thật: sinh ngày 14 tháng 2 năm 1917 tại làng Tân Qui Đông, tỉnh Sa Đéc (Đồng Tháp bây giờ). Ông bắt đầu làm thơ từ 13 tuổi và chính thức góp mặt trên thi đàn năm 1933, trong khi còn ở ghế nhà trường Trung học Mỹ Tho, nhờ sự khuyến khích và chỉ dẫn của Giáo sư Việt Văn Trần Văn Hương.

Hồ Văn Hảo hưởng ứng bài Tình già của Phan Khôi bằng một loạt bài thơ mới, hoàn toàn mới về dung nội lẫn hình thức, đăng trên tuần báo Phụ Nữ Tân Văn năm 1933.

Hai bài thơ đầu của Hồ Văn Hảo, Tự tình với trăngCon nhà thất nghiệp, được nữ sĩ Nguyễn Thị Kiêm (Nguyễn Thị Manh Manh) đem trình bày và phân tích trong một buổi diển thuyết sôi nổi tại nhà Hội Khuyến học Nam Kỳ.

Năm 1934, ông đỗ bằng Thành Chung, đồng thời chiếm giải nhất cuộc thi thơ bằng Pháp văn do Nha Học Chánh tổ chức. Năm 1935, cộng tác với Cao Văn Chánh tục bản tờ Phụ Nữ Tân Văn, nhưng ít lâu sau báo bị đóng cửa (chấm dứt ở số 273, 21.4.1935) vì những bài đã kích và châm biến Phạm Quỳnh, lúc bấy giờ là Thượng thư ở triều đình Huế. Năm 1936, đỗ Thủ khoa Kế toán Phòng Thương Mại Sài Gòn, giúp việc tại Đông Dương Ngân Hàng từ đó đến năm 1945.

Năm 1945, ông tham gia kháng chiến và bị Pháp bắt giam ngày 23-9-1945. Năm 1948, lại bị sở Mật thám quản thúc tại Cam Bốt.

Năm 1950, xuất bản tập Thơ Ý. Từ đó về sau sống với nghề kế toán.

Năm 1968, Hồ Văn Hảo sống ẩn dật ở đồng quê, vùng Chợ Lách (Vĩnh Long).

*

Gần đây qua nhà thơ Vũ Hồng, chúng tôi được biết những năm cuối đời ông về Chợ Lách, Bến Tre. Chúng tôi tìm về quê ông, nhờ thế biết thêm về cuộc đời sau Thơ mới của ông, cũng như chân dung của ông và một số hình ảnh, di vật khác. Xin tóm tắt như dưới đây:

Hồ Văn Hảo là tên thật, sinh ngày 14 tháng 2, năm 1917, tại làng Tân Qui Đông, tỉnh Sa Đéc, nay thuộc tỉnh Đồng Tháp. Mất ngày 22 tháng 12, năm 1985, tại Ấp Đại An, xã Đại Nghĩa, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, mất do bệnh già kéo dài.

Ngoài làm thơ, viết phê bình, Hồ Văn Hảo còn biết đàn, thổi sáo.

Nghề nghiệp: Hồ Văn Hảo từng làm Phó giám đốc công ty Xi Măng Hà Tiên. Sau tiếp thu, ông làm Tổng giám đốc hãng dệt Vinatexco (ở Biên Hòa Đồng Nai). Nhà ở gần rạp hát Kinh Đô, đường Hai Bà Trưng, Tân Định, Sài Gòn, có nhà lớn khang trang. Sau dời về Quận Bình Thạnh, đường Hoàng Hoa Thám, Sài Gòn. Trong lúc đang ở Sài Gòn, ông về quê Chợ Lách mua đất rộng làm vườn và có thuê người ở chăm sóc thay ông, thời gian này ông lên xuống giữa Sài Gòn và Chợ Lách. Thời gian này là lúc cuộc sống của ông rất giàu có và sang trọng, có người đưa rước.

Sau đó ông về sống luôn nơi Chợ Lách và có thời gian rất khó khăn về vật chất và bệnh qua đời tại đây.

Vợ ông là bà Nguyễn Thị Thiện (1920-2003), quê Mỹ Tho. Hồ Văn Hảo có bảy anh chị em và sáu người con (Hồ Hải Tâm, Hồ Hải Thanh, Hồ Liên Hương, Hồ Thanh Sơn, Hồ Hải Lượng, Hồ Hải Minh). Cháu nội Hồ Văn Hảo là Hồ Hải Trí hiện sống ở Chợ Lách, Bến Tre cũng biết làm thơ như ông.

(Tạp chí Xưa và Nay số 486, tháng 8-2017)

HÌNH ẢNH


H1: Thư của Tản Đà gửi Hồ Văn Hảo (tư liệu:(Minh) Sachxua.net).


H2: Tập Thơ ý của Hồ Văn Hảo, bản Đông Hồ tặng cho Tủ sách Văn khoa.



H3: Chân dung Hồ Văn Hảo.