Bánh lọt Cần Thơ ở Sài Gòn
Sunday, October 19, 2014 2:42:02 PM

Mỗi ngày anh bán bánh lọt đi qua nhà tôi hai lần.

Tôi thấy anh chàng cao to trắng trẻo, nét mặt có vẻ chân tình và cũng còn phưởng phất đâu đấy hơi miền Tây sông nước, chưa mất hết hồn quê để nhập vào một đô thị xô bồ đầy rẫy sự lố bịch của lớp người mới học làm sang.



Anh ta vừa dừng chiếc xe gắn máy ràng một cái tủ kính đằng yên sau có hàng chữ sơn Bánh Lọt Cần Thơ, nhìn thấy trong đó có nhiều túi nho nhỏ căng phồng. Gần trưa nên chỉ còn ít hàng.

Tôi hỏi anh ta sau khi đã mua bánh trước. Anh ta nhanh nhẹn gói đưa cho tôi bao gồm một túi bánh lọt màu lá dứa, một túi nước cốt dừa trắng thật đặc và béo, một túi đựng nước đường thắng sóng sánh màu vàng mật. Cả ba món đều đóng túi riêng rẽ. Cứ ai mua một phần năm ngàn đồng gồm ba túi như thế. Khi nào ăn mới trộn tất cả chung vào một ly thêm nước đá. Nếu trộn trước sợ chua.

Bánh lọt Cần Thơ từ xưa nổi tiếng ngon lắm. Lâu rồi tôi ít thấy ai đi bán loại này ở ngoài phố. Trước kia bán các loại ăn vặt cổ truyền thường là các bà, các chị. Thế nhưng sau này, đàn ông ở các tỉnh, các vùng quê dần xuất hiện. Họ sức khỏe dẻo dai hơn phụ nữ. Buổi sáng hay có người đàn ông chở đầy xe gắn máy rao bánh ít, bánh tét, bánh ú miền Tây, một anh khác chuyên bán bưởi Năm Roi và anh nữa bán bánh bò, bánh bông lan... Họ chạy chầm chậm rao vang cả phố.

Tuy nhiên không ai có tiếng rao sang sảng như anh này. Dù đứng sâu tận trong nhà vẫn nghe giọng anh ta vang từ xa. Nhiều người chạy ra mua vì khá rẻ chỉ có năm ngàn cho mỗi phần trong khi ra ngoài xe vỉa hè ăn, ít nhất mười đến mười lăm ngàn một ly. Trông mỗi bịch bé xíu nhưng đổ ra thêm đá thì cũng vừa vặn một ly chứ không ít. Bây giờ đắt đỏ quá, quà vặt nếu mắc hơn thì bớt khách.

Anh bán bánh tự hào:

- Mẹ vợ tôi người Thốt Nốt, Cần Thơ nên có nghề làm bánh lọt từ mấy đời bà cố, bà ngoại truyền xuống. Cứ y như vậy mà làm không thay đổi chút nào. Thành thử bánh lọt của tôi thuần túy, không hề lai tạp.

Quả đúng vị cổ truyền. Bánh lọt rời từng sợi mềm mại và nhỏ nhắn, thơm mùi lá dứa. Đa số hàng quán làm bánh thường pha quá nhiều bột năng nên dai và hơi cứng, sợi dày và dài rất thô lại dính chùm. Màu xanh dờn của chất hóa học chứ không xanh rêu như màu tự nhiên của lá dứa.

Thấy tôi ông già, chắc là tha hồ kể chuyện không sợ ăn cắp nghề nên anh ta vui vẻ bật mí nghề nghiệp:

- Tôi phải mua gạo tẻ về xay cối ở nhà chứ không phải làm từ bột khô nên bánh ngon hơn những nơi khác rất nhiều. Chiều nào cũng vào chợ Bình Tây mua đường kim cương tức là đường vàng cánh to, lá dứa mới chứ không bao giờ dùng lá cũ mất mùi thơm. Dừa tự tay tôi vắt và nấu chứ không phải pha bột và hương dừa hóa chất. Cả sương sa hột lựu cũng đều tự làm lấy cả.

Có nhiều thứ bánh thay đổi nguyên liệu nhưng riêng bánh lọt mọi thay đổi đều không ngon bằng nguyên mẫu.

Thật ra bánh lọt có hai loại mặn và ngọt. Bánh lọt mặn chan nước lèo ăn với thịt heo giống như bánh canh. Món này nhà quê thích hợp với trẻ con vì ngắn, mềm, dễ nuốt hơn bánh canh. Cần Thơ cũng có bánh lọt lá cẩm với màu tím lấy từ lá cẩm nhưng xanh lá dứa thì thông dụng hơn.

Anh bán bánh cho biết:

- Thật ra chè bánh lọt vốn chỉ ăn với nước dừa và nước đường thôi. Nhưng dân Sài Gòn thường hay thay đổi thêm bớt chứ ít ăn như nguyên thủy thì đơn giản lắm. Có lần tôi vào chợ Bến Thành thấy người ta có cả hạt lựu, sương sa và đậu xanh nhuyễn. Về bắt chước thêm một ít như vậy bán chạy hẳn lên.



Trên thành chiếc thùng kính có in hàng chữ đỏ: Bánh lọt Cần Thơ như để khẳng định chất lượng của loại bánh này khác thông thường và thêm cả số điện thoại ngay dưới để dễ liên lạc. Anh ta khoe:

- Tôi vừa bán sỉ vừa bán lẻ nên sơn số điện thoại để mọi người rõ có khi họ muốn lấy nhiều. Cả mấy quán giải khát và xôi chè nổi tiếng ở đây đều lấy mối từ tôi. Tiệm chè Bùi Thị Xuân lấy ba chục ký mỗi ngày. Quán ốc quận Tư cũng lấy hai chục ký. Ai ăn một lần là nhớ mãi. Buổi sáng tôi chạy xe đi bán lẻ được khoảng ba chục gói. Chiều đi bổ hàng thiếu thứ gì mua thứ nấy.

Tôi ngạc nhiên:

- Tôi cứ tưởng hiện giờ các thứ chè hay bánh cổ truyền ế, nhường chỗ cho các thứ bánh Tây như donut, su que, tiramisu...

Anh bán bánh tỏ vẻ trầm ngâm:

- Đúng vậy, bánh và nước giải khát ngoại quốc tràn lan nên các thứ bánh và chè truyền thống Việt Nam cũng có ít hơn trước thật.

Bây giờ lại đang trào lưu nước ép cam, bưởi bán ngoài vỉa hè. Muốn ăn chè bánh lọt không dễ, phải tìm vào một số quán chuyên bán chè hoặc may mắn gặp được hàng bánh lọt rong này chạy xe máy vút qua.

Hôm nay có lẽ do trời nóng, thiên hạ khát nước nên hàng hết sớm. Buổi sáng chở đi ba chục bịch mà bây giờ mới khoảng mười giờ rưỡi chỉ còn vài gói, anh bán bánh sẵn lòng đứng lại chuyện trò một lúc nghỉ chân.

Anh ta vốn sinh trưởng ở An Giang, trải qua nhiều nghề. Từng làm thợ thổi ve chai, làm công nhân, may mắn vì thoát chết trong vụ sập cầu Cần Thơ nhờ hôm ấy có việc bận nghỉ làm ở nhà. Anh ta lấy vợ rồi theo vợ về sống phụ bà gia làm mấy công đất trồng cam.

Chẳng dè gặp mấy năm mất mùa liên tiếp, lại thêm cam Trung quốc tràn ngập thị trường lấn lướt. Nợ ngân hàng ngập đầu. Cuối cùng gán mất luôn cả nhà và đất, cả nhà khăn gói dắt díu lên thành phố.

Anh bán bánh thở dài:

- Dưới quê đàn ông mười người nhậu cả người. Lúc nào cũng sẵn sàng túy lúy. Thật ra chẳng phải họ làm biếng ngồi không mà nhậu. Có sức vóc nhưng dưới quê không có đất đai, không sẵn nhiều việc để làm. Đầu tắt mặt tối suốt đời mà vẫn không khá, chẳng chút hy vọng gì đời con cháu.

Có những nơi nông dân muốn bám lấy nghề nông, phải lên sát biên giới Kamuchia tìm thuê đất làm ruộng. Bằng không một số nơi khác bỏ lên Sài Gòn làm công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Một người rồi kéo theo anh chị em, vợ chồng cùng lên thành phố.

Thật ra làm công nhân lương thấp lắm, thành phố lớn lại rất đắt đỏ nên cũng chỉ vừa đủ sống, không dư được bao nhiêu. Dẫu sao ít ra còn có việc để làm. Đi tới các khu công nghiệp toàn người Bắc, người miền Tây cả.

Lên thành phố anh ta bươn chải nhiều nghề mà chẳng bền. Bà mẹ vợ lớn tuổi ở nhà rảnh rỗi, bèn đổ bánh lọt ra bán ở chợ nhỏ gần nhà. Té ra thau bánh lọt nhỏ bé ấy lại đủ tiền chợ. Nhận thấy lối thoát. Cả nhà đổ xô vào món bánh lọt. Mẹ vợ và vợ chia nhau ngồi bán các chợ. Riêng anh con rể khỏe mạnh nên đảm nhiệm việc vừa đi bán rong nhân thể quảng cáo tìm mối giao sỉ, vào Chợ Lớn mỗi ngày mua nguyên liệu và sau này, thêm việc chở đi bỏ mối cho hàng quán.

Nhờ vậy mà anh ta nuôi được hai con ăn học. Một con lớn đã lọt được vào cổng đại học và đứa thứ hai đang học trung học. Giờ thì bà mẹ vợ quá yếu nên chỉ ngồi bán ngoài chợ đến trưa về chứ không làm bánh nữa. Cái khéo tay phụ nữ ngày xưa ở dưới quê ấy, cái món ăn dân dã quen thuộc của một vùng, không ngờ đã thành nghề truyền cho con gái và con rể, bảo đảm được cuộc sống ở thành phố phồn hoa nhất nước.

- Thật quá may mắn không ngờ.

Anh ta tự nhận như vậy. Bởi vì dân tứ xứ kéo về Saigon ùn ùn. Đa số lần hồi qua ngày. Trụ được ở thành phố này không dễ. Bánh lọt chỉ là món ăn chơi rẻ tiền. Không thể giàu có bằng nghề này nhưng nhờ đó mà gia đình anh bán bánh sống được so với những dânnhập cư cùng cảnh ngộ.