Ước nguyện không thành của Minh Phụng dành cho Lệ Thủy

Những năm đó, đêm nào rạp Kim Chung có Minh Phụng – Lệ Thủy diễn là khán giả ùn ùn kéo đến rạp. Sức hút từ hai người lớn đến nỗi báo chí Sài Gòn lúc bấy giờ gọi họ là “cặp bão biển đang dâng cao”.

Cải lương là bộ môn nghệ thuật thuần Việt, tức chỉ người Việt mới có cải lương. Dù thời hoàng kim của cải lương đã lùi vào dĩ vãng, nhường chỗ cho những hình thức giải trí mới theo quy luật thời đại. Những giọng ca vàng một thuở như Minh Phụng, Minh Vương, Thanh Nga, Lệ Thủy, Mỹ Châu… dù kẻ mất người còn nhưng chưa bao giờ các thế hệ khán giả quên đi hoặc thôi yêu mến họ.


Chân dung Minh Phụng và Lệ Thủy thời trẻ.


Minh Phụng, Lệ Thủy cũng như phần nhiều danh ca cải lương thường có xuất thân nghèo khó. Song trong cái khổ, hai giọng cải lương lại sớm bộc lộ khả năng trời phú. Từ nhỏ, Minh Phụng đã mê đàn ca tài tử. Mỗi ngày đi bán bánh, hễ thấy có tụ họp ca hát là ông đứng lại nghe. Những tuồng, bản vọng cổ trên đài phát thanh ông đều say sưa học thuộc. Còn Lệ Thủy nhà đông em. Năm 9 – 10 tuổi, bà hay bồng em ra mé cầu Cống, chỗ có tiệm sửa radio thường mở loa cho cả xóm nghe vọng cổ. Bà nghe bài nào là thuộc bài nấy, nghe chán chê thì về nằm võng trước nhà ca lại ru em.




Cả hai nhanh chóng trở thành cặp đào – kép đẹp đôi, ăn ý nổi tiếng.


Từ đam mê, cả hai sớm đi vào con đường nghệ thuật. Học xong lớp đệ nhị (lớp 11 ngày nay), Minh Phụng vẫn đi bán hàng để kiếm thu nhập. Nhiều bận bán ế, người ta biết ông hát hay bèn nói: “Mày hát đi, hát rồi tụi tao mua cho”. Thế là nhờ mê hát mà ông bán được thêm nhiều. Từ những lần góp mặt hát hò, Minh Phụng mới được soạn giả Hương Huyền giới thiệu vào đoàn Tân Đô – lúc bấy giờ đang tập tuồng tại sân khấu đình Điều Hòa. Năm 1962, ông lần đầu tiên được diễn, vai một ông sư trong tuồng Bến tang thương, hát tại rạp Viễn Trường, Mỹ Tho.

Trái lại, Lệ Thủy sau khi học hết tiểu học thì không được học tiếp vì không có giấy khai sinh. Song nhờ vậy, bà có cơ hội tiếp cận cải lương một cách bài bản. Trong một lần hát ru em, có người đi ngang qua nghe thấy, liền mời bà vào ban văn nghệ. Từ đó, Lệ Thủy bắt đầu theo thầy học nghệ. Rành ca vọng cổ, bà lại tiếp tục học chơi đàn kìm.

May mắn thay, ít lâu sau Lệ Thủy được nhận làm đào con cho đoàn Trâm Vàng. Đoàn thì thường xuyên lưu diễn mà mỗi lần đi, bà phải ngồi dưới sàn xe, tối ngủ tại sân khấu, vừa tủi vừa nhớ nhà. Phải đến lúc được hãng Asia mời thu bài Nấu bánh đêm xuân chung với nghệ sĩ Hữu Phước, Lệ Thủy mới được nhìn nhận như một cô đào, sự nghiệp bắt đầu ‘lên hương’.


Thành công nhất của Minh Phụng – Lệ Thủy phải kể đến những vở kiếm hiệp kỳ tình trên sân khấu Kim Chung.


15 tuổi làm đào chánh, đến năm 16, tiếng hát Lệ Thủy qua đĩa nhựa đã nườm nượp xuất hiện ở thị trường, ào ạt trôi về tận miền quê xa xôi hẻo lánh. Khoảng năm 70, bà gặp Minh Phụng ở đoàn Kim Chung 5 - khi ấy cũng đã có tiếng, được giao nhiều vai chánh, hát cùng toàn đào ngoại hạng như Út Bạch Lan, Mỹ Châu, Diệu Hiền… Thế nhưng, phải đến khi Lệ Thủy - Minh Phụng sóng đôi mới tạo nên hiện tượng trong giới cải lương miền Nam bấy giờ.

Loạt vở Xin một lần yêu nhau, Kiếp nào có yêu nhau, Đêm lạnh chùa hoang… của cả hai đã tạo nên sức hút lớn đến nỗi báo giới Sài Gòn khi ấy phải gọi họ là “cặp bão biển đang dâng cao”. Đêm nào đoàn có cặp ‘Bão biển’ diễn là khán giả xem đông nghìn nghịt. Đĩa nào ra cũng bán chạy, tuồng nào ra cũng thắng lớn. Khu vực phía Nam bỗng chốc bị xáo động bởi cặp đôi tài danh này. Nhiều nữ sinh cúp học, nghỉ học để đi nghe thần tượng hát. Theo đó, hàng loạt câu chuyện bên lề bắt đầu được thêu dệt về “Hoàng tử sân khấu”, về cặp “Bão biển”, “Tiên đồng – Ngọc nữ” hot nhất lúc bấy giờ.


Minh Phụng – Lệ Thủy khi về già.


Thời gian trôi đi, kể từ năm 2000, sức khỏe Minh Phụng giảm sút nghiêm trọng do biến chứng của tiểu đường gây ra. Năm đó, ông cùng Lệ Thủy lưu diễn ở miền Trung cho đoàn Trần Hữu Trang 2. Vợ ông (nghệ sĩ Kiều Tiên) bận chuyện nhà nên không đi theo được. Đi giữa đường thì Minh Phụng đột ngột ngất xỉu. Lệ Thủy hoảng hồn đổ hai chai dầu xanh Thái ra tay rồi cạo gió, mát-xa cho ông. May sao một lúc thì ông tỉnh lại.

Cuối năm 2003, Minh Phụng bị hôn mê sâu gần hai tháng, tình trạng sức khỏe khi ấy rất xấu, các bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy đề nghị mổ tim dù xác suất thành công chỉ 50%. Còn nước còn tát, Lệ Thủy ra sức động viên gia đình Minh Phụng đồng ý để bác sĩ tiến hành phẫu thuật. Đến ngày mổ, bà cùng Thanh Tuấn đẩy xe đưa Minh Phụng lên bàn mổ. Cuối cùng, ca mổ thành công, ông thoát chết nhưng những biến chứng, tổn thương của bệnh hiểm nghèo vẫn hành hạ ông nhiều năm sau cho đến khi mất.

Những ngày cuối đời, Lệ Thủy thường xuyên có mặt bên giường bệnh để an ủi, động viên ông. Mười ngày trước khi mất, Minh Phụng vẫn còn tỉnh táo, thậm chí hăng hái bàn với Lệ Thủy đến Tết sẽ diễn nguyên tuồng Xin một lần yêu nhau – vở thành công nhất trong sự nghiệp của cặp ‘Bão biển’ lừng lẫy một thời.


Gia đình nghệ sĩ Minh Phụng thời trẻ.


Ca sĩ Y Phụng và em trai trong ngày cha mất.


Song ước nguyện ấy mãi mãi không thành hiện thực. 29/11/2008, Minh Phụng qua đời sau thời gian dài vật lộn với bạo bệnh. Điều khiến Lệ Thủy day dứt khôn nguôi chính là ngày ông qua đời, bà trót hợp đồng diễn ở hải ngoại từ trước, thành ra không giành trọn vẹn thời gian tiễn đưa bạn diễn về nơi an nghỉ. Lúc Minh Phụng trút hơi thở cuối cùng, nghệ sĩ Kiều Tiên khóc thảm thiết nhưng vẫn nhờ Lệ Thủy ‘làm mặt’ cho chồng. Bà lấy tóc giả đội cho Minh Phụng, thoa son phủ phấn lên thi hài rồi dỗ dành: “Rồi nè, đẹp rồi nè, ra đi tươi tắn nghe anh!”. Nói xong, Lệ Thủy thẫn thờ nhìn linh cữu ông cho đến lúc người nhà giục bà ra sân bay cho kịp chuyến bay.

Minh Phụng mất nhưng huyền thoại thì sống mãi, mỗi người kể lại thêu dệt thêm mỗi khác nhau. Giỗ ông năm nào cũng đông đủ đồng nghiệp đến viếng, nhất là không khi nào vắng mặt nửa mảnh ‘Bão biển’ Lệ Thủy dù giờ đây tuổi bà cũng đã cao. Dĩ nhiên, dù không còn dịp đứng chung sân khấu nhưng tiếng hát của Minh Phụng – Lệ Thủy vẫn vang lên đâu đó mỗi ngày, từ những thôn xóm, nhà dân, từ trong tim của người hâm mộ. Vì khán giả không thể quên đi cặp đôi tài danh minh chứng cho thời vàng son của nghệ thuật cải lương một thuở.