Báu vật đờn ca tài tử - Kỳ 3: Nguyễn Vĩnh Bảo - đệ nhất danh cầm
Nhạc sư Vĩnh Bảo là một nhân vật đã sống trọn vẹn cuộc đời cho đờn ca tài tử Nam bộ qua việc dạy học, diễn giảng, biểu diễn, đóng đàn, sáng tạo nhạc cụ và các loại lên dây (tunings), cùng với kỹ thuật diễn tấu cũng như tư duy mỹ quan âm nhạc Việt Nam.
Năm 1972, GS-TS Trần Văn Khê và nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo đã thực hiện cho Ocora (Radio-France) một đĩa nhạc Tài tử Nam bộ. Đĩa này đã khiến cho UNESCO chú ý và cơ quan này đã mời 2 người thực hiện thêm đĩa Collection UNESCO (Musical Sources, hãng Philips của Hà Lan sản xuất) với Trần Văn Khê (đàn tỳ bà), Nguyễn Vĩnh Bảo (đàn tranh) hòa tấu các bản Bình bán, Kim tiền, Tây Thi, Cổ bản. Riêng nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo còn độc tấu đàn tranh các bản Nam xuân, Nam ai, Đảo ngũ cung và Tứ đại oán. Ít tháng sau đó, UNESCO đã điều đình với GS-TS Trần Văn Khê để xin mua đứt bản quyền đĩa này.
Tiếng đàn tranh của nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo đã in đậm trong trí nhớ của GS-TS Trần Văn Khê, nên hơn 20 năm trước đây, ông Khê từng phát biểu tại Hà Lan: “Nếu ngày nào đó nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo mất đi thì thế giới sẽ mất đi tiếng đàn liêu trai, phù thủy độc nhất vô nhị...”, và ông đã xưng tụng nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo là “Đệ nhất danh cầm”.
18 năm về trước, người viết bài từng đến nhà nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo ở trong con hẻm nhỏ bên hông nhà thờ Gia Định (đường Bùi Hữu Nghĩa, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) phỏng vấn khi ông gần 80 tuổi. Tại lễ đón nhận Bằng UNESCO tôn vinh đờn ca tài tử diễn ra vào ngày 11.2 tại Hội trường Thống Nhất (TP.HCM), lại thấy ông xuất hiện (rất âm thầm) bên cạnh GS-TS Trần Văn Khê, soạn giả Viễn Châu. Nhìn một ông già mái tóc dài bạc trắng, “tiên phong đạo cốt”, dáng điệu nhanh nhẹn, tôi không tin nổi ông đã... 97 tuổi!
Nguyễn Vĩnh Bảo sinh năm 1918, tại làng Mỹ Trà, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay thuộc tỉnh Đồng Tháp). Từ nhỏ ông đã học đờn với các thầy Hai Lòng (Vĩnh Long), Sáu Tý, Năm Nghĩa (Trà Ôn)... nhưng nếu tính theo “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” thì ông đã học với gần 200 “thầy” trên khắp ba miền Nam Trung Bắc. Ông sở trường về “đờn ta” (đàn tranh, kìm, cò, gáo, bầu...) nhưng cũng rất thuần thục “đờn Tây” (mandoline, guitar, violon, piano...). Năm 1935, ông sáng chế ra dây Tỳ và dây Xề trên cây đàn gáo. Năm 20 tuổi (1938), ông được hãng đĩa BEKA mời đàn cho cô Ba Thiệt (chị của cô Năm Cần Thơ) ca. Năm 1955, ông cải tiến cây đàn tranh từ 16 dây thành đàn 17, 19 và 21 dây rất tiện lợi để có thể đờn các loại “hơi, điệu” mà không cần phải sửa dây, kéo nhạn. Cây đàn tranh này đã được chấp nhận, các tiệm đóng đàn cũng theo khuôn mẫu của ông. Từ đó cây đàn tranh 16 dây không còn được sử dụng tại Việt Nam đến tận ngày nay.
Từ 1955 tới năm 1964, ông được bổ nhiệm chức vụ Trưởng ban cổ nhạc miền Nam ở Trường Quốc gia âm nhạc Saigon. Năm 1963, ông được mời tham dự hội nghị về âm nhạc với 11 nước Đông Nam Á tại Singapore. Năm 1969, ông đã thực hiện hai cuốn băng nhạc đờn ca tài tử do ông Nam Bình sản xuất và do ông điều khiển chương trình với sự cộng tác của 11 nhạc sư đờn tài tử lúc bấy giờ. Tất cả đã ra người thiên cổ ngoại trừ ông và nhạc sĩ Bảy Bá (tức soạn gia Viễn Châu) còn sống. Năm 1970, ông được Đài truyền hình NHK của Nhật Bản mời sang Tokyo để thuyết trình về nhạc cổ truyền Việt Nam với phần minh họa đàn tranh.
Có thể nói, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo là một trong những người tiên phong trong việc dạy đàn cho người nước ngoài qua phương pháp hàm thụ. Từ những năm 1960 đến 2004, ông đã ghi âm tiếng đàn vào băng cassette gửi ra nước ngoài qua đường bưu điện. Sau này những học trò của ông đã trang bị cho thầy dàn máy vi tính, Mp3, máy in... để ông chuyển sang dạy trực tuyến (online) cho học trò nước ngoài. Tới nay dù ở tuổi 97, nhạc sư Vĩnh Bảo vẫn tiếp tục dạy đờn trên mạng internet cho một số người Việt hay ngoại quốc (Pháp , Bỉ, Hà Lan, Thụy Sĩ, Mỹ...).
Năm 2006, tại hội thảo Dân tộc nhạc học thế giới lần thứ 51 ở Honolulu (Hawaii, Mỹ), GS-TS Nguyễn Thuyết Phong qua bài tham luận Considering the Fate of Tài tử Music: Nguyễn Vĩnh Bảo, the Last Guardian of the Tradition (Nỗi quan tâm đến vận mạng của đờn ca tài tử: Nguyễn Vĩnh Bảo, người bảo vệ sau cùng của truyền thống) đã đề nghị tôn vinh nhạc sư Vĩnh Bảo là một trong sáu nhạc sư của thế giới có công đóng góp cho nhạc dân tộc và nổi tiếng nhất trong nước. Năm 2008, Tổng thống Pháp tặng ông huy chương văn học nghệ thuật (médaille des Arts et des Lettres) bậc “officier”. Ở Việt Nam chỉ có hai người được huy chương bậc này là GS-TS Trần Văn Khê và nhạc sư Vĩnh Bảo.
Năm 1972, GS-TS Trần Văn Khê và nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo đã thực hiện cho Ocora (Radio-France) một đĩa nhạc Tài tử Nam bộ. Đĩa này đã khiến cho UNESCO chú ý và cơ quan này đã mời 2 người thực hiện thêm đĩa Collection UNESCO (Musical Sources, hãng Philips của Hà Lan sản xuất) với Trần Văn Khê (đàn tỳ bà), Nguyễn Vĩnh Bảo (đàn tranh) hòa tấu các bản Bình bán, Kim tiền, Tây Thi, Cổ bản. Riêng nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo còn độc tấu đàn tranh các bản Nam xuân, Nam ai, Đảo ngũ cung và Tứ đại oán. Ít tháng sau đó, UNESCO đã điều đình với GS-TS Trần Văn Khê để xin mua đứt bản quyền đĩa này.
Tiếng đàn tranh của nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo đã in đậm trong trí nhớ của GS-TS Trần Văn Khê, nên hơn 20 năm trước đây, ông Khê từng phát biểu tại Hà Lan: “Nếu ngày nào đó nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo mất đi thì thế giới sẽ mất đi tiếng đàn liêu trai, phù thủy độc nhất vô nhị...”, và ông đã xưng tụng nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo là “Đệ nhất danh cầm”.
18 năm về trước, người viết bài từng đến nhà nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo ở trong con hẻm nhỏ bên hông nhà thờ Gia Định (đường Bùi Hữu Nghĩa, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) phỏng vấn khi ông gần 80 tuổi. Tại lễ đón nhận Bằng UNESCO tôn vinh đờn ca tài tử diễn ra vào ngày 11.2 tại Hội trường Thống Nhất (TP.HCM), lại thấy ông xuất hiện (rất âm thầm) bên cạnh GS-TS Trần Văn Khê, soạn giả Viễn Châu. Nhìn một ông già mái tóc dài bạc trắng, “tiên phong đạo cốt”, dáng điệu nhanh nhẹn, tôi không tin nổi ông đã... 97 tuổi!
Nguyễn Vĩnh Bảo sinh năm 1918, tại làng Mỹ Trà, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay thuộc tỉnh Đồng Tháp). Từ nhỏ ông đã học đờn với các thầy Hai Lòng (Vĩnh Long), Sáu Tý, Năm Nghĩa (Trà Ôn)... nhưng nếu tính theo “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” thì ông đã học với gần 200 “thầy” trên khắp ba miền Nam Trung Bắc. Ông sở trường về “đờn ta” (đàn tranh, kìm, cò, gáo, bầu...) nhưng cũng rất thuần thục “đờn Tây” (mandoline, guitar, violon, piano...). Năm 1935, ông sáng chế ra dây Tỳ và dây Xề trên cây đàn gáo. Năm 20 tuổi (1938), ông được hãng đĩa BEKA mời đàn cho cô Ba Thiệt (chị của cô Năm Cần Thơ) ca. Năm 1955, ông cải tiến cây đàn tranh từ 16 dây thành đàn 17, 19 và 21 dây rất tiện lợi để có thể đờn các loại “hơi, điệu” mà không cần phải sửa dây, kéo nhạn. Cây đàn tranh này đã được chấp nhận, các tiệm đóng đàn cũng theo khuôn mẫu của ông. Từ đó cây đàn tranh 16 dây không còn được sử dụng tại Việt Nam đến tận ngày nay.
Từ 1955 tới năm 1964, ông được bổ nhiệm chức vụ Trưởng ban cổ nhạc miền Nam ở Trường Quốc gia âm nhạc Saigon. Năm 1963, ông được mời tham dự hội nghị về âm nhạc với 11 nước Đông Nam Á tại Singapore. Năm 1969, ông đã thực hiện hai cuốn băng nhạc đờn ca tài tử do ông Nam Bình sản xuất và do ông điều khiển chương trình với sự cộng tác của 11 nhạc sư đờn tài tử lúc bấy giờ. Tất cả đã ra người thiên cổ ngoại trừ ông và nhạc sĩ Bảy Bá (tức soạn gia Viễn Châu) còn sống. Năm 1970, ông được Đài truyền hình NHK của Nhật Bản mời sang Tokyo để thuyết trình về nhạc cổ truyền Việt Nam với phần minh họa đàn tranh.
Có thể nói, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo là một trong những người tiên phong trong việc dạy đàn cho người nước ngoài qua phương pháp hàm thụ. Từ những năm 1960 đến 2004, ông đã ghi âm tiếng đàn vào băng cassette gửi ra nước ngoài qua đường bưu điện. Sau này những học trò của ông đã trang bị cho thầy dàn máy vi tính, Mp3, máy in... để ông chuyển sang dạy trực tuyến (online) cho học trò nước ngoài. Tới nay dù ở tuổi 97, nhạc sư Vĩnh Bảo vẫn tiếp tục dạy đờn trên mạng internet cho một số người Việt hay ngoại quốc (Pháp , Bỉ, Hà Lan, Thụy Sĩ, Mỹ...).
Năm 2006, tại hội thảo Dân tộc nhạc học thế giới lần thứ 51 ở Honolulu (Hawaii, Mỹ), GS-TS Nguyễn Thuyết Phong qua bài tham luận Considering the Fate of Tài tử Music: Nguyễn Vĩnh Bảo, the Last Guardian of the Tradition (Nỗi quan tâm đến vận mạng của đờn ca tài tử: Nguyễn Vĩnh Bảo, người bảo vệ sau cùng của truyền thống) đã đề nghị tôn vinh nhạc sư Vĩnh Bảo là một trong sáu nhạc sư của thế giới có công đóng góp cho nhạc dân tộc và nổi tiếng nhất trong nước. Năm 2008, Tổng thống Pháp tặng ông huy chương văn học nghệ thuật (médaille des Arts et des Lettres) bậc “officier”. Ở Việt Nam chỉ có hai người được huy chương bậc này là GS-TS Trần Văn Khê và nhạc sư Vĩnh Bảo.