Mộ các danh thần ở Sài Gòn: Lăng Long Vân hầu Trương Tấn Bửu

Lăng mộ Trương Tấn Bửu ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: H.Đ.N

Nằm cách con đường Nguyễn Văn Trỗi khoảng 100 m lúc nào cũng nhộn nhịp xe cộ, vậy mà khu lăng mộ Long Vân hầu Trương Tấn Bửu lại ngập tràn một không khí trầm mặc, u tịch.


Khung cảnh lăng còn trầm mặc hơn nữa khi chúng tôi đến thăm nơi này vào một buổi chiều sau trận mưa lớn. Cổng chính ở số 41 Nguyễn Thị Huỳnh (P.8, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) đóng im ỉm. Sau khi bấm chuông, có một phụ nữ trên 50 tuổi ra mở cổng và dắt chúng tôi tham quan khu lăng mộ.

Phò chúa, dẹp cướp biển

Trương Tấn Bửu (1752 - 1827) là con thứ ba của ông Trương Tấn Khương và bà Trần Thị Nghĩa ở vùng đất nay thuộc huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Ông theo phò Nguyễn Ánh thuở Chúa còn bôn tẩu. Chuyện kể rằng vào năm 1787, trong một đêm bị quân Tây Sơn truy đuổi, Chúa phải cải trang vào nhà ông Khương xin tạm trú. Lúc trò chuyện, nhìn dung mạo phi thường của khách, gia chủ gạn hỏi. Biết không thể giấu được nên Chúa phải xác nhận mình chính là mục tiêu truy bắt của quân Tây Sơn. Trương Tấn Bửu lúc này đã 35 tuổi, rất giỏi võ nghệ đã xin cha theo phò giá.

Từ đó ông sát cánh bên Chúa Nguyễn, lập được nhiều chiến công cũng như chia sẻ cùng chủ tướng nhiều cơn hoạn nạn. Ông được liệt vào “Ngũ hổ danh tướng” của Chúa Nguyễn (gồm Lê Văn Duyệt, Nguyễn Huỳnh Đức, Nguyễn Văn Nhơn, Nguyễn Văn Trương và Trương Tấn Bửu). Giai đoạn này ông được Nguyễn Vương ban tên là Long (sau này lại ban tước hầu, nên gọi là Long Vân hầu).

Năm 1802, Nguyễn Ánh thống nhất giang sơn lên ngôi vua lấy hiệu là Gia Long. Trương Tấn Bửu là một trong những “khai quốc công thần” được vua tin dùng sai vào nam ra bắc.

Năm 1806, khi đang nhận chức Chưởng dinh chỉ huy đạo quân Bắc thành, ông có công dẹp giặc Tàu Ô (cướp biển) nên được lãnh chức Tổng trấn Bắc thành (Hà Nội) thay Nguyễn Văn Thành.

Năm 1812 ông vào nam nhận chức Phó tổng trấn Gia Định thành (dưới quyền Nguyễn Văn Nhơn), rồi xuống tận Châu Đốc lo việc xây thành đắp lũy, lại được triệu về kinh đô Huế nhận chức Trung quân phó tướng trông coi việc xây dựng Thái Miếu. Năm 1821, lại được cử làm Phó tổng trấn Gia Định thành lần 2 (dưới quyền Lê Văn Duyệt).

Ông làm quan suốt 40 năm (trải 2 đời Gia Long, Minh Mạng), mất lúc 75 tuổi (1827). Chính Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt đã đứng ra lo việc tống táng và xây mộ cho ông.

Mộ cổ xuống cấp

Khu lăng mộ Lễ Thành hầu Trương Tấn Bửu là một trong những ngôi mộ cổ nhất ở Sài Gòn - nay đã xuống cấp trầm trọng. Đây là kiến trúc tiêu biểu cho lăng mộ giới tướng lĩnh, quan lại đầu triều Nguyễn nên dù đã gần 200 năm, lớp ô dước bên ngoài bong tróc gần hết nhưng gạch bên trong vẫn gắn kết chắc chắn với nhau và giữ được gần như nguyên vẹn cấu trúc khu lăng mộ.

Mặt bằng khu lăng mộ gồm bình phong tiền, cổng ngoài, sân bái đình, cổng trong, hương án, mộ và bình phong hậu. Mộ Trương Tấn Bửu dài hơn 3 m, ngang khoảng 2 m và cao hơn 2 m, có dáng như một ngôi nhà mà nóc mộ là 2 mái vát chụm nhau... Đi quanh khu mộ mới thấy được sự tàn phá của thời gian.

Những búp sen bằng đá trên những cột trụ khuôn thành bao quanh khu mộ đã rơi rụng sứt mẻ. Những bức bình phong trước và sau mộ bị bong tróc lòi gạch bên trong nên nếu không tìm hiểu thì chẳng thể biết được trước đây nó được thể hiện như thế nào (hình lân ở bình phong tiền, hạc tùng ở bình phong hậu).

Thay vào đó là những tấm biển, tấm bia viết bằng chữ quốc ngữ (còn mới quá, có cảm giác như bị “đặt nhầm chỗ”): mặt trước bình phong tiền có treo tấm biển “Cổ tích liệt hạng: mộ Long Vân hầu Trương Tấn Bửu 1752 - 1827. Cấm phá hoại, di chuyển, đào quật, vẽ và viết lên di tích. Nếu ai vi phạm sẽ bị truy tố theo luật lệ hiện hành về bảo tồn cổ tích - Viện Khảo cổ, Bộ Quốc gia Giáo dục”. Còn tấm bia đặt trước mộ khắc những chữ: “Trương công công Trương Tấn Bửu, Trung quân phó tướng thọ Long Vân hầu”.

Bên phải lăng mộ là đền thờ Trương Tấn Bửu do ban quý tế Phú Thành Hội dựng lên để cúng tế, thờ phụng Đức Long Vân hầu. Do thuở xưa, khu lăng mộ tọa lạc tại ấp Phú Thành, xã Phú Nhuận, tỉnh Gia Định nên Hội Quý tế lấy tên ấp làm tên hội. Hội này do ông Cao Văn Báu lập nên và là hội trưởng đầu tiên. Ông Báu mất năm 1990, thọ 90 tuổi. Hiện nay cháu ngoại của ông Cao Văn Báu là bà Lê Ngọc Sương (sinh năm 1959) là người coi sóc, hương hỏa khu lăng mộ. Bà Sương chính là người mở cổng và dẫn chúng tôi vào tham quan.

Ngay cửa vào đền, trên hai cột hiên đắp nổi câu đối: “Uy đức Bắc thành an vũ trụ. Thống huyền Nam địa tịnh biên cương (Uy đức trấn an vùng thành Bắc. Trị dân ổn định cõi bờ Nam).

Trong đền ngoài các linh vật, vật dụng thường thấy ở các đình đền Nam bộ (bạch mã, cặp hạc đứng trên lưng rùa, võng lọng, thập bát binh khí…) còn có một bộ triều phục màu đỏ thêu rồng 4 móng. Hỏi bà Sương có phải là triều phục của Long Vân hầu truyền lại, bà bảo cũng không rõ, khi bà vào đây đã thấy có chiếc áo ấy rồi.