Sài Gòn có một “Cõi ta bà”
(Để nhớ Quán Nghệ Sĩ 81 Trần Quốc Thảo, Q3)
Nếu bạn muốn biết thế nào là “hỉ, nộ, ái, ố…” của dân nhậu Sài Gòn, xin mời đến Quán Nghệ Sĩ 81 Trần Quốc Thảo (góc Trần Quốc Thảo – Tú Xương, Q.3-TP.HCM).Quán Nghệ Sĩ 81 Trần Quốc Thảo hình thành cách đây khoảng 20 năm. Nghe nói trước 1975, nơi đây là biệt thự của bố mẹ vợ Tổng thống Thiệu. Sau này, căn biệt thự trở thành trụ sở của Hội Liên hiệp các hội VHNT. TPHCM - nằm lọt thỏm giữa khuôn viên - bao bọc chung quanh theo hình chữ U vuông góc là một dãy hàng quán, cơ quan. Nếu đi theo chữ U này từ phía bên trái cổng chính, sẽ là: quán cà phê, quán cơm, quán bi da, phòng thu của “bầu” Tuấn Thaiso đầu tư độc quyền cho ca sĩ Đan Trường, trụ sở Hội Âm nhạc TP.HCM, văn phòng Hội Nhạc sĩ VN-chi nhánh phía Nam, trụ sở báo Văn nghệ TP, quán Nghệ Sĩ nằm ở đầu mút chữ U phía bên phải…
Hơi “hoa mắt” một chút, nhưng kể ra vậy để bạn biết là ở khu này thì cơ quan của giới văn nghệ sĩ, nhà báo, nhà văn (ở đối diện) chiếm tỉ lệ hơi nhiều mà tâm điểm chính là Quán Nghệ Sĩ - một nơi chứa đầy những “cái rốn của vũ trụ”!
Nơi họp mặt văn nghệ sĩ (thiệt và dỏm)
Ở quán Nghệ Sĩ có nhiều tấm banner bằng mica ghi rõ “Nơi họp mặt và giao lưu của giới văn nghệ sĩ”. Ok, nhưng văn nghệ sĩ chỉ đông đúc buổi đầu. Còn sau này, văn nghệ sĩ “nhường” sân chơi này lại cho những dân nhậu “tự nhận là…văn nghệ sĩ”. Tuy nhiên nếu điểm mặt những “đại sứ văn nghệ - uống bia tháng” ở đây, cũng còn khối tên tuổi: nhạc sĩ từ thế hệ già đến trung niên và trẻ (Hồ Bông, Phan Nhân, Phan Thao, Lã Văn Cường, Ngô Tùng Văn, Cúc Nguyên, Trương Quang Lộc, Thế Hiển, Nguyễn Văn Hiên, Phạm Thư Sinh…); nhà văn, nhà thơ (Thiên Hà, Trương Đạm Thủy, Phù Hư, Vương Kiều, Văn Viết Lộc, Mịch La Phong, Trần Hữu Dũng, Vũ Trọng Quang, Đoàn Vị Thượng…); họa sĩ, điêu khắc gia: Trương Đình Quế, Trần Hoài, Phạm Cung, Ngô Thanh Tùng, Phan Vũ, Vũ Hà Nam...; nhà báo: Hà Đình Nguyên, Duy Khanh,Trần Hoàng Nhân, Trần Lượng, Trương Như Bá, Lê Hoàng Dũng…; nhiếp ảnh: Vũ Hân, Phạm Lập, Hoàng Chí Hùng…kể không hết, nhưng “nhúm” văn nghệ sĩ này không bằng một góc “văn nghệ sĩ..dỏm”- nghĩa là đủ thành phần: bác sĩ, kỹ sư, thầy giáo…và cả chẳng bằng cấp chuyên môn nào cả, vô quán là…bình đẳng. Cứ ngồi riết ở quán Nghệ Sĩ vài năm cũng sẽ trở thành…nghệ sĩ! Quán này cũng chẳng đặc quyền dành cho đàn ông, nên lúc nào cũng có rải rác quanh các bàn nhậu là những bóng hồng thấp thoáng, từ nữ trí thức cho đến…gái gọi! Khởi đầu, quán Nghệ Sĩ chuyên bán bia hơi đựng trong những bình nhựa loại 2 lít. Sau này chẳng những bia hơi mà cả bia chai “Sài gòn xanh” cũng biến mất – chỉ chơi các loại bia chai từ Sài Gòn đỏ đến Tai-gơ (Tiger), “Ken” (Henneken)…còn bia lon thì chỉ rặt “Ken” lon…
Những “Tám Mốt dị nhân” (xin phép đổi tên nhân vật).
Dị nhân ở 81, trước tiên phải kể đến anh “Lục Đỗ”. Điểm khác thường của Đỗ là ngồi một mình, và chỉ ngồi ở chiếc bàn phía trong nhìn ra cửa hông. Tính tình hơi “chập điện” nhưng tửu lượng của Lục Đỗ lại rất đáng nể: một mình uống có thể đến một két (thùng) mà không hề…vào toilete! Đỗ có thói quen là uống bia Sài Gòn đỏ, xong chai nào là xếp trước mặt theo hình vòng cung. “Dzô” khoảng 10 chai là bắt đầu hát hoặc đọc thơ bằng cái giọng Nghệ Tĩnh lên bổng xuống trầm. Đỗ đọc thơ (hát) oang oang, đúng kiểu “hát giữa mọi người, không ngại ngần”, chẳng coi người chung quanh vào đâu. Nhạc sĩ Phan Nhân đã từng nhiều lần nhăn mặt khi ngồi ở bàn bên cạnh và “bị” nghe Đỗ hát: “ Mặt hồ Gươm vẫn lung linh mây trời. Cảng tỏa ngát hương thơm hoa thủ đô…” (Hà Nội niềm tin và hy vọng) sai choét choe! Nghe riết rồi quen, chẳng ai để ý. Ai hát cứ hát, mình nhậu cứ nhậu. Tuy thế, theo nhà thơ Vũ Ngọc Giao kể lại: có lần một nhà thơ kia nghe Đỗ “phát biểu” quá ồn nên nhân có chút men đã sang bàn của Đỗ “góp ý…không nhẹ nhàng”. Đỗ chẳng nói chẳng rằng, đứng dậy bỏ đi, lát sau quay lại và rút từ lưng quần ra một con “chó lửa”, đặt lên bàn, hất hàm hỏi: “Hồi nãy thằng nào nói cái gì ?”. Nhà thơ kia mặt xanh như tàu lá, chui đường sau vọt mất. Nghe nói Đỗ đang mang quân hàm trung tá và là con của một vị máu mặt…Là nghe nói thế thôi, chứ ngoài cái “tài” độc thoại to tiếng khi có bia vào, Đỗ rất dễ mến, không làm phiền ai. Thỉnh thoảng anh chàng chạy chiếc SH xộc vào cửa hông, chở theo một “em” thơm như múi mít – không em nào đi chung hai lần (thực ra mấy em này được Đỗ “vớt” từ các quán bia ôm ra, cho ăn uống rồi đi…không biết “đi” đâu?). Mỗi lần có “em” bên cạnh, Đỗ không ca hát ồn ào mà ngồi gắp thức ăn cho người đẹp. Rất dễ thương!
Cũng một mình ngồi chiếm một bàn như Đỗ là nhà báo H.Đ.N, anh này chỉ ngồi yên nhìn thiên hạ nhưng lại rất khó tính, sẵn sàng gây lộn với những ai có những câu nói không vừa ý. Tuy dáng dấp thư sinh nhưng có lần anh này đã thẳng tay nện một ly bia vô mặt võ sư H.S khiến anh võ sư bất tỉnh tại chỗ.Cùng “hệ” với anh nhà báo này là chị “L. xe tăng”, L. có vóc dáng cao lớn, đẫy đà với vòng 1 rất ấn tượng và một giọng hát khá hay. “L. xe tăng” thường đi cặp với “Th. trực thăng”, cô này có khuôn mặt dễ nhìn, da trắng bóc. Cả hai đều xinh đẹp nhưng nếu có may mắn (hoặc xui xẻo) ngồi chung bàn với hai cô gái này thì bạn nhớ…đội mũ bảo hiểm. Đã có 3 trường hợp phải đi khâu mấy mũi trên…xoáy, vì bị “L. xe tăng” đập chai bia lên đầu!
Uống vô sương sương, cũng ngồi một mình đọc thơ vang xóm là nhà thơ Đ.V- xuất thân là giáo viên Lý Hóa Trường chuyên Lê Quý Đôn, ông giáo về hưu này tính tình cũng dễ thương nhưng khi đã “phê” rồi là đọc thơ inh trời, gây khó chịu cho người khác chứ không được như anh Lục Đỗ.
Một “quái nhân” ở 81 nữa là “Năm Cà Rá”, uống vào là…ngồi chửi đổng, chửi bóng gió, nhái giọng miền Trung để gọi người này, kẻ nọ là “nhà báo, nhà thơ…lợn (lớn)”. Làm thơ không có bài nào thuộc diện xuất sắc nhưng vét hết cũng in được một tập thơ, nên cũng tự nhận là “nhà thơ”. Độc chiêu là ở bìa 4 của tập thơ này có in hình “anh Năm Cà Rá” chụp chung với…một vị lãnh đạo. Thế là anh tha hồ “nổ văng miểng”. Mắc cười là có hôm, không hiểu vì lý do gì mà “anh Năm Cà Rá” bị một nữ ca sĩ rượt chạy quanh gốc cây cao su trong khuôn viên 81. (Nay “anh Năm Cà Rá” đã mất).Siêu hơn cả trong các “dị nhân” là một nhân vật ngày nào cũng uống bia đến say mà không phải trả tiền. Mỗi ngày, khoảng 10 giờ sáng là anh xuất hiện ở 81, gọi một chai “Tai-gơ trắng”, ngồi nhâm nhi và …chờ những con mồi xuất hiện. Có thâm niên 20 năm ngồi ở đây nên ai vào quán cũng có thể là “con mồi” của anh, dù thân hay sơ (trừ khách vãng lai). “Con mồi” xuất hiện, anh bưng ly bia qua cụng ly và…ngồi luôn ở bàn đó. Thù tạc cho đến khi thấy bàn đó sắp tính tiền thì anh lại cầm ly bia sang bàn khác. Cứ vậy, cho đến lúc không còn uống nỗi. Không cần nêu tên nhưng bảo đảm nếu những “cư dân của 81” đọc được bài này, họ sẽ phì cười: “Nó” chứ ai!
Chuyện “quái chiêu” ở 81.
Ở 81 nhiều…nhà thơ quá. Uống vào tưng tưng là đua nhau đọc thơ để…tra tấn lẫn nhau. Oải quá, bèn đặt ra cái lệ “bất thành văn”: ai muốn đọc thơ phải nộp 5 chai bia. Vậy mà có nhiều “nhà thơ” vừa bước vô quán đã tuyên bố hùng hồn: “Tao góp một thùng, đọc…5 bài thơ được không?”. Hehe…được quá đi chớ! Ai đọc thơ cứ đọc, miễn sao có bia uống được rồi!Có một “mạnh thường quân” - ông này là chủ một doanh nghiệp chuyên sản xuất xe lăn tay, “xu hào rủng rẻng” nên thường hào phóng trả tiền cho cả bàn nhậu có ông cùng ngồi. Cho nên mỗi lần ông xuất hiện, dù chỉ mới ngoài sân thì trong này đã nhao nhao, bàn nào cũng tranh nhau kéo ghế mời ông ngồi vào. Để được uống vài chai “bia…chùa”, mà phải xum xoe thấy…thương quá!Có ông nhạc sĩ “bặm trợn” từ Bình Dương về, nhậu đã rồi móc túi lấy một cây vàng đưa cho chủ quán : “Bán nhậu tiếp!”. Tưởng bở, dù đã 10 giờ đêm, bà chủ vẫn sai cô tiếp viên thường được gọi là “Mén” (bởi cô này có vóc người nhỏ xíu) mang vàng đi bán. Tiền mang về, ông nhạc sĩ không “bo” cho Mén được đồng nào mà còn bắt Mén và cô Hường đứng hầu, lột vỏ tôm cho ông và bạn nhậu (bán một cây vàng nhưng ông chỉ gọi có nửa ký tôm). Bạn nhậu của ông thấy kỳ quá, bèn bỏ về sau khi “bo” cho hai cô tiếp viên nọ. Riêng ông nhạc sĩ được một gái gọi kè đi. Sáng sớm hôm sau, ông lật đật chạy lại 81, hỏi: “Tối qua tôi có làm rớt…cục tiền ở đây không?”. Hóa ra tối qua ông đã bị ả giang hồ lột sạch!
Đám nhậu – đám ma và những “cư dân 81 quá vãng”!
Như đã nói, quán 81 nằm ở mút bên phải của khuôn viên hình chữ U. Còn ở chính giữa chữ U là tòa nhà được dùng làm Trụ sở Hội Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM, ngoài chức năng này tòa nhà còn làm nơi quàn linh cửu của các văn nghệ sĩ (dạo đó chưa có Nhà Tang lễ ở số 25 Lê Qúy Đôn). Cho nên có cảnh ở trong khóc lóc, tụng kinh gõ mõ còn bên ngoài thì hò hét, ăn nhậu nói cười. Có khi, quán nhậu lọt thỏm giữa một rừng vòng hoa phúng điếu. Nhiều đoàn đi viếng người chết, tiện thể tạt qua bên cạnh “làm vài ve”. Đúng là “hỉ, nộ, ái, ố…”
Ngoài những chuyện ta bà kể trên, xin đốt một nén nhang tưởng niệm những “đại sứ thường trực” ở 81, đã “mãn nhiệm kỳ” sang bên kia thế giới. Ngoài “anh Năm Cà Rá” đã nói ở trên, còn có anh Sáu Đầu Rồng. Anh Sáu là cựu tù chính trị Côn Đảo, được phân công làm quản kho của Bảo tàng Cách Mạng. Ở 81, anh được anh em quý mến nhưng tiếc là anh “bỏ cuộc” khá sớm. Đi sau anh Sáu Đầu Rồng là anh Lâm Râu, nhà báo Lê Long, nhà báo Khương Bình, nhà thơ Nguyễn Trung Bình, nhà thơ Đỗ Nam Cao, nhà thơ nữ Thảo Phương, nhà văn chuyên đi bộ Hoài Anh, nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Tôn Nhan…nhưng có lẽ sự ra đi của nhạc sĩ Châu Kỳ là để lại nhiều ấn tượng cho 81 nhất. Chính địa điểm này là nơi để tác giả của các ca khúc Sao chưa thấy hồi âm, Đón xuân này nhớ xuân xưa, Giọt lệ đài trang…với chiếc xe đạp đi về mỗi ngày khỏang 40 km, để rồi tạo ra một kỷ lục “ly kỳ” nhất 81: ông bị mất cắp đến 18 chiếc xe đạp. Mỗi lần mất xe, thấy ông buồn hiu, bạn bè ở 81 lại gom góp mua cho ông chiếc xe đạp khác. Được vài hôm lại mất… Nhạc sĩ Châu Kỳ chỉ ngưng đến 81, khi ông đã năm liệt giường. Được khoảng 2 tháng thì ông mất (6.1.2006).
Viết về 81
Đã có khá nhiều bài báo viết về “cõi ta bà” của 81, nhưng “ta bà vẫn hoàn ta bà”. Có một chuyện mắc cười là cách đây khoảng 5 năm, nhà báo N.T.L (Báo SGGP) có viết một bài về tệ ăn nhậu ở Sài Gòn – viết chung chung vậy thôi chứ không nhằm vào trường hợp cụ thể nào. Ác nỗi, tác giả không tìm được bức ảnh nào để minh họa cho bài viết, bèn…liều mạng lấy một bức ảnh anh chụp các “chiến hữu” đang chén tạc, chén thù ở 81. Oái oăm thay, “ngự” rõ mồn một ở giữa ảnh là một lão nhạc sĩ tên tuổi. Ông này giận đến…dựng tóc gáy khi xem bài báo, quạt tay nhà báo một trận để đời…
Rút kinh nghiệm nên kẻ hèn này chỉ dám lấy một bút danh cà chớn nào đó, không thì có mà…không còn răng húp cháo!. Hẹn gặp lại…
Như đã nói, quán 81 nằm ở mút bên phải của khuôn viên hình chữ U. Còn ở chính giữa chữ U là tòa nhà được dùng làm Trụ sở Hội Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM, ngoài chức năng này tòa nhà còn làm nơi quàn linh cửu của các văn nghệ sĩ (dạo đó chưa có Nhà Tang lễ ở số 25 Lê Qúy Đôn). Cho nên có cảnh ở trong khóc lóc, tụng kinh gõ mõ còn bên ngoài thì hò hét, ăn nhậu nói cười. Có khi, quán nhậu lọt thỏm giữa một rừng vòng hoa phúng điếu. Nhiều đoàn đi viếng người chết, tiện thể tạt qua bên cạnh “làm vài ve”. Đúng là “hỉ, nộ, ái, ố…”
Ngoài những chuyện ta bà kể trên, xin đốt một nén nhang tưởng niệm những “đại sứ thường trực” ở 81, đã “mãn nhiệm kỳ” sang bên kia thế giới. Ngoài “anh Năm Cà Rá” đã nói ở trên, còn có anh Sáu Đầu Rồng. Anh Sáu là cựu tù chính trị Côn Đảo, được phân công làm quản kho của Bảo tàng Cách Mạng. Ở 81, anh được anh em quý mến nhưng tiếc là anh “bỏ cuộc” khá sớm. Đi sau anh Sáu Đầu Rồng là anh Lâm Râu, nhà báo Lê Long, nhà báo Khương Bình, nhà thơ Nguyễn Trung Bình, nhà thơ Đỗ Nam Cao, nhà thơ nữ Thảo Phương, nhà văn chuyên đi bộ Hoài Anh, nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Tôn Nhan…nhưng có lẽ sự ra đi của nhạc sĩ Châu Kỳ là để lại nhiều ấn tượng cho 81 nhất. Chính địa điểm này là nơi để tác giả của các ca khúc Sao chưa thấy hồi âm, Đón xuân này nhớ xuân xưa, Giọt lệ đài trang…với chiếc xe đạp đi về mỗi ngày khỏang 40 km, để rồi tạo ra một kỷ lục “ly kỳ” nhất 81: ông bị mất cắp đến 18 chiếc xe đạp. Mỗi lần mất xe, thấy ông buồn hiu, bạn bè ở 81 lại gom góp mua cho ông chiếc xe đạp khác. Được vài hôm lại mất… Nhạc sĩ Châu Kỳ chỉ ngưng đến 81, khi ông đã năm liệt giường. Được khoảng 2 tháng thì ông mất (6.1.2006).
Viết về 81
Đã có khá nhiều bài báo viết về “cõi ta bà” của 81, nhưng “ta bà vẫn hoàn ta bà”. Có một chuyện mắc cười là cách đây khoảng 5 năm, nhà báo N.T.L (Báo SGGP) có viết một bài về tệ ăn nhậu ở Sài Gòn – viết chung chung vậy thôi chứ không nhằm vào trường hợp cụ thể nào. Ác nỗi, tác giả không tìm được bức ảnh nào để minh họa cho bài viết, bèn…liều mạng lấy một bức ảnh anh chụp các “chiến hữu” đang chén tạc, chén thù ở 81. Oái oăm thay, “ngự” rõ mồn một ở giữa ảnh là một lão nhạc sĩ tên tuổi. Ông này giận đến…dựng tóc gáy khi xem bài báo, quạt tay nhà báo một trận để đời…
Rút kinh nghiệm nên kẻ hèn này chỉ dám lấy một bút danh cà chớn nào đó, không thì có mà…không còn răng húp cháo!. Hẹn gặp lại…
Nhà thơ Đoàn Vy. | Nhà thơ Lữ Thượng Thọ (đã mất). | Nhạc sĩ Sơn Ngọc Hoàng (Sóc Trăng, dân tộc Khmer) và Thạc sĩ khảo cổ học Phú Văn Hẳn (dân tộc Chăm, Ninh Thuận). |