Vinh danh đờn ca tài tử - di sản văn hóa của nhân loại
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại buổi lễ - Ảnh: Diệp Đức Minh.
Tham dự buổi lễ có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và nhiều lãnh đạo các bộ, ban, ngành T.Ư và lãnh đạo chính quyền TP.HCM.
Về phía Tổ chức UNESCO, có bà Katherine Muller-Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam. Ngoài ra, còn có các vị đại diện các lãnh sự quán nước ngoài và các tổ chức quốc tế, đại diện của 21 tỉnh thành thuộc miền Đông và miền Tây Nam bộ quê hương của loại hình đờn ca tài tử, các giáo sư, tiến sĩ, nghệ sĩ nhân dân, soạn giả và các nghệ nhân...
Bà Katherine Muller-Marin đã đại diện Tổ chức UNESCO trao Bằng công nhận nghệ thuật đờn ca tài tử là Di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) của nhân loại cho đại diện phía Việt Nam là Bộ trưởng VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh. Bà nói: “Đây là bộ môn nghệ thuật đã đưa con người đến với nhau từ hàng trăm năm trước. Nghệ thuật này thể hiện được cái tâm tư, khí phách của con người miền sông nước, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long. Việc UNESCO công nhận đờn ca tài tử là DSVHPVT của nhân loại không chỉ là niềm tự hào của người dân Việt Nam mà còn để cộng đồng nhân loại có cơ hội sẻ chia, tìm hiểu và có cơ hội thưởng thức được phần nào những giá trị tinh thần tuyệt vời này...”.
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cũng đã công bố Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử gồm 7 điểm nhằm phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử với những tác động tích cực từ phía nhà nước trong cuộc sống hằng ngày.
Gạch nối giữa văn hóa bác học và văn hóa dân gian
Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh những giá trị độc đáo của đờn ca tài tử Nam bộ:
“Trong suốt chặng đường lịch sử dựng nước và giữ nước, các thế hệ người Việt Nam ta đã không ngừng xây dựng, bồi đắp, hun đúc một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng và giàu bản sắc dân tộc. Thành quả sáng tạo, giữ gìn, trao truyền của cha ông đã để lại cho chúng ta một kho tàng DSVH vật thể và phi vật thể đồ sộ - phong phú. Trong kho tàng di sản quý báu đó có đờn ca tài tử Nam bộ - một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo được sáng tạo dựa trên dòng nhạc lễ, nhã nhạc cung đình và những giai điệu ngọt ngào sâu lắng của dân ca miền Trung và miền Nam. Đây là loại hình nghệ thuật đặc trưng của vùng miệt vườn sông nước Nam bộ, là sự kết hợp hòa quyện - đặc sắc giữa tiếng đờn, lời ca và điệu diễn, vừa phản ánh tinh hoa văn hóa ngàn năm văn hiến của dân tộc ta vừa mang những nét đặc sắc của người dân phương Nam - cần cù, bình dị, chân thành, phóng khoáng, nghĩa hiệp, can trường nhưng rất đỗi nhân văn của những người con “Từ độ mang gươm đi mở cõi. Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long” (thơ Huỳnh Văn Nghệ).
Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ không chỉ có vai trò đặc biệt trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Nam bộ mà còn góp phần quan trọng làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của cả dân tộc Việt Nam. Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ là gạch nối giữa văn hóa bác học và văn hóa dân gian, giữa nghệ thuật truyền thống từ ngàn xưa với nghệ thuật của ngày mai và đã góp phần tạo nên sự giao lưu cần thiết, đa dạng của văn hóa dân tộc và văn hóa nhân loại.
Việc UNESCO vinh danh nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ là DSVHPVT đại diện của nhân loại thể hiện sự trân trọng của quốc tế đối với loại hình nghệ thuật đặc sắc này của Việt Nam. Đây không chỉ là niềm tự hào của đồng bào Nam bộ, của người Việt Nam chúng ta mà còn góp phần thiết thực vào việc giữ gìn sự đa dạng các biểu đạt văn hóa trong kho tàng văn hóa thế giới. Đồng thời cũng là một minh chứng sống động về sức sống, sức lan tỏa của văn hóa truyền thống Việt Nam trong dòng chảy hội nhập của văn hóa thế giới”.
Niềm tự hào của Nam bộ
Người dân vùng Ngũ Quảng là những lưu dân đầu tiên theo lệnh chúa Nguyễn vào khai phá vùng đất phương Nam. Trong số họ, có nhiều người vốn là giáo phường nhạc lễ của triều đình Huế. Sau những giờ lao động mệt nhọc, họ ôm đàn tìm đến nhau, cùng tấu lên những khúc nhạc như là một hình thức để thư giãn. Những nhạc cụ thường sử dụng trong đờn ca tài tử gồm đàn kìm, đàn cò, đàn tranh và đàn bầu (còn gọi là tứ tuyệt). “Đờn ca tài tử” ra đời từ đó và theo thời gian đã trở thành món đặc sản của miền Tây Nam bộ.
Người được coi là “ông tổ” của đờn ca tài tử chính là nghệ nhân Nguyễn Quang Đại (Ba Đợi) - một nhạc quan của triều đình Huế. Vào nửa cuối thế kỷ 19, hưởng ứng phong trào Cần Vương, ông vô nam truyền dạy nhạc lễ và nhạc tài tử. Người “nhạc sĩ tiến bối” này lang thang khắp Gia Định và vùng phụ cận (Đồng Nai, Bình Dương, Chợ Lớn, Cần Giuộc, Cần Đước, Long An...). Ở đâu ông cũng có những học trò xuất sắc và con số này lên đến hàng trăm người. Bên cạnh việc truyền dạy và biểu diễn nhạc khí, Nguyễn Quang Đại còn sáng tác, phóng tác rất nhiều bài bản. Ông cũng đã cùng với các học trò hệ thống hơi điệu bài bản tài tử thành 4 điệu: bắc, nam, hạ, oán (20 bản tổ), cải biên nhạc cung đình, sáng tạo nên nhạc lễ Nam bộ. Ông là chủ soái nhóm nhạc miền Đông trong khi các nhóm nhạc ở miền Tây do ông Kinh lịch Trần Quang Quờn thống lĩnh đã cùng làm cho loại hình đờn ca tài tử ngày càng phong phú, xứng đáng là “đặc sản” và là niềm tự hào của người dân vùng sông nước Nam bộ...
Cùng với nghệ thuật đờn ca tài tử (được chính thức ghi danh ngày 5.12.2013), tính đến nay Việt Nam đã có 8 loại hình được UNESCO công nhận là DSVHPVT của nhân loại, gồm: Nhã nhạc cung đình Huế (2003), Không gian văn hóa cồng chiêng Tây nguyên (2005), Dân ca quan họ Bắc Giang - Bắc Ninh (2009), Ca trù (2009), Lễ hội Thánh Gióng (2010), Hát xoan (2011) và Lễ hội Hùng Vương (2012).