Trầm tư của một tên tội tử hình
Mục lục
- Tựa
- Trầm tư thứ nhất – Cái nghiệp tiên thiên
- Trầm tư thứ hai - Về võ trụ
- Trầm tư thứ ba - Về hoà bình
- Trầm tư thứ tư - Về nạn đói kém
- Trầm tư thứ năm - Về nạn nhân mãn
Ngày 29 tháng 8 năm 1957, tôi bị Toà án Quân sự Sài Gòn lên án tử hình. Tôi có ký tên xin phá án, mà lòng không tin sẽ được, lại đã tự hẹn nếu không được phá án, thì âu để bị hành quyết cho rồi một đời, mà tôi muốn chấm dứt một cách khéo hơn là để bị giết mờ ám, nơi một chốn hẻo lánh nào đó, rồi tên tuổi thêm trầm luân trong một cái biển phỉ báng vô biên. Song lẽ, sự tự hẹn ấy được bè bạn ở nước ngoài hay được. Nên chi, sau ngày bác đơn xin phá án, ngày 31 tháng Chạp năm ấy, ông A. Camus, thay mặt cho bè bạn nói tiếng Pháp, bà R. Fischer, thay mặt cho bè bạn nói tiếng Anh, ông Nguyễn Ngọc Bích, thay mặt cho người Việt ở hải ngoại, đánh điện cho tôi, ân cần khuyên tôi nên ký tên xin ân xá để cho họ tiện bề vận động xin phóng thích cho tôi. Nể tình họ, tôi đã ký tên. Gần năm năm đã qua, mặc dầu các bè bạn này không ngớt kêu gào, tôi vẫn đội trên đầu bản án tử hình, và trong mấy năm này, trước khi đi ngủ, đêm nào tôi cũng tự hỏi: “Ngày mai phải chăng là mình phải đứng trước toán lính hành quyết?” Sống trong tâm trạng phập phồng nọ, những trầm tư của một tên tội tử hình, bị tử thần uốn nắn chiều hướng rất nhiều, chẳng khác nào tia sáng bị chạy gần một khối thu hút khổng lồ vậy. Phương chi, tôi còn mắc một cơn bệnh trầm kha, kéo dài từ tháng 4 năm 1959 đến tháng 9 năm 1961, mà đến nay, tháng 6 năm 1962, thời hồi xuân vẫn chưa dứt. Trong điều kiện ấy, những trang sau này phỏng có giá trị nào chăng?
Tuy vậy, tôi không ngại ngùng mà đăng chúng nó ra, trước để làm một bức thơ cảm ơn chung cho những ai, rải rác trong bốn phương trời, hoặc danh tiếng lẫy lừng như A. Camus hay Nehru, hoặc tên tuổi còn trong bóng như sinh viên và học sinh, sau để đặt một vấn đề mà tôi tin rằng là vấn đề trọng đại hơn hết của nửa thế kỷ sau của thế kỷ hai mươi. Tôi muốn nói đến sự đại nhất thống tôn giáo, triết học, khoa học và chánh trị.
Hơn hai ngàn năm trăm năm trước đây, khi khoa học chưa phát sanh và sự hiểu biết của loài người chỉ còn thô sơ, khi chánh trị còn là cái luân lý của các tiểu quốc vương đối với nhau và đối với thần dân, đã có người, tôi muốn nói đến Thích Ca Mâu Ni, đem tôn giáo và triết học mà thống nhất lại, thành ra Phật pháp còn truyền đến bây giờ. Hơn trăm năm trước đây, Marx đem triết học của nước Đức thời ấy, dung hoà với kinh tế học của Anh và xã hội chủ nghĩa của nước Pháp mà đắp nền cho một cái văn minh mới, văn minh chánh uỷ, hiện nay đang chi phối cả tỉ người. Rồi, do một sự ngẫu ngộ của lịch sử, sáu trăm triệu dân Trung Hoa, đương sùng bái đạo Phật đây, lại phải tôn thờ một lý tưởng mới, mà Thánh nhơn là Marx, Engels, Lénine, Staline và Mao Trạch Đông... Hai nguồn văn minh này, của đạo Phật và của chủ nghĩa cộng sản, cả hai đều có xu hướng xa thơ, sai khi gặp gỡ nhau trên đất Trung Hoa, sẽ ai thắng, ai bại, hay sẽ tổng hợp nhau thành ra một cái gì mới mẻ?
Về một mặt khác, khoa học, phát sanh ở Hy Lạp vài thế kỷ sau Phật pháp, từ đấy vạch một con đường càng lâu càng rộng thênh thang và ngày nay không biết biên giới nào cả. Vào những buổi đầu, nó còn phải tuỳ thuộc vào tôn giáo. Vài thế kỷ này, nó gỡ được cái ách ấy, nhưng lại bị trói vào những tuỳ thuộc mới của chánh trị. Nó sẽ cởi được những tuỳ thuộc mới này chăng, hay sẽ hạ mình làm cái máy cho kẻ mạnh thế vặn theo ý muốn? Vài mươi năm nay, Phật pháp vừa bỏ vòi bò qua các xứ Tây phương, Anh, Đức, Pháp, Mỹ, Úc... Đụng chạm với khoa học của các xứ này, tôn giáo ấy sẽ ra sao, hay cũng sẽ bị khoa học bài bác, cũng như các giáo điều khác, trước kia?
Nói đến sự đại nhất thống tôn giáo, triết học, khoa học và chánh trị, mà chỉ đề cập đến Phật pháp, ấy không phải là một sự thiên lệch. Các giáo điều khác không nhận chịu một sự sửa lại, vaincre ou périr [1]. Hình như là giáo điều căn bản của các giáo điều. Đặt cái pháp của mình dưới sự dắt dẫn của trí tuệ. Phật pháp lấy sự sửa lại làm căn bản, và khi bảo rằng sau này Maitreya giáng thế làm vị Phật tương lai, để chỉnh lại cái pháp cũ, phải chăng là Thích Ca Mâu Ni dặn trước tín đồ mình nên dọn mình đón rước một cuộc sửa lại vĩ đại? Tôi bái phục cái tinh thần cải tiến canh tân ấy cũng như tôi bái phục điều mà trong khoa học, từ Copernic, Galilée, Képler, Newton và nhất là đầu thế kỷ XX, mỗi danh nhân đều đánh dấu cho một cuộc cách mạng trong tư tưởng. Cái tinh thần chung ấy phải chăng là miếng đất dung hoà Phật pháp và khoa học? Tôi tin rằng trong mấy năm gần đây sẽ có câu trả lời thoả đáng cho câu hỏi trên đây.
Một ngàn năm trăm năm trước Thích Ca Mâu Ni, triết học của Ấn Độ đã phồn thịnh lắm rồi và dọn đường cho sự thống nhất cái triết học ấy với sự hiểu biết, dưới dấu hiệu của trí tuệ, để thành Phật pháp. Cái triết học của Tây phương, lập ra từ thời Socrate, và bắt đầu phồn thịnh từ Bacon, sẽ nhờ một Maitreya mà thống nhất với khoa học, cũng dưới dấu hiệu của trí tuệ, ắt một tôn giáo mới ra đời, một tôn giáo không dựa vào tín ngưỡng và cuồng tín mà bắt nguồn nơi từ tâm, do trí tuệ soi sáng. Ba viên đá lớn, là tôn giáo, triết học và khoa học, đã nhờ trí tuệ mà xây liền với nhau được, thì cái mộng lớn kia, cái mộng đại nhất thống, gần thành vậy.
Chỉ còn viên đá chót: chánh trị. Từ muôn thuở, chánh trị thay đổi sát theo người làm và lịch sử đầy dẫy những cái xảy ra bất ngờ, cũng như những cái hiển nhiên tránh không nổi. Đầu thế kỷ này, có mấy ai đoán trước được sự trổi dậy của Á châu và Phi châu, cũng như những cố gắng đâu có thể ngăn nổi chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai nổ bùng ra? Và mặc dầu bắt nguồn nơi chung hệ thống của Marx, chánh trị của Lénine, của Trotsky, của Staline, của Khroutchev, của Mao Trạch Đông đâu có liên tục với nhau! Thuyết tiền định, thịnh hành ở phương Đông, phải chăng căn cứ nơi sự vô định của chánh trị? Và từ khi, trong sách Cộng hoà, Platon ước mong những hiền triết cầm quyền, hơn hai ngàn năm qua, trên khắp địa cầu, đã đếm được bao nhiêu người như thế ấy? Thế mà, lúc này hơn lúc nào cả, thế giới của chúng ta đòi hỏi những nhà cầm quyền hiền triết. Sự phân hoá thế giới thành hai khối tương phản nhau, cả đôi bên đều nắm những khí giới tàn sát rất kinh khủng, đang đe doạ nhân loại bằng sự phá hoại vô chừng, có thể kéo lùi lịch sử năm mươi thế kỷ là ít. Sự khôn ngoan của đôi bên liệu có thể ngăn nổi một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba chăng? Nhìn theo tầm mắt của cái mộng đại nhất thống, liệu chánh trị có chịu đem viên đá của mình mà xây chung, cùng với tôn giáo, triết học và khoa học, cái lầu đài của ngày mai soi sáng bởi trí tuệ chăng? Hay chánh trị vẫn kiêu căng, vẫn bắt tôn giáo, triết học và khoa học làm nô lệ cho mình, và vẫn chỉ nghe tiếng gọi của bản năng và nhiệt tình?
Trong năm năm, lúc bịnh cũng như lúc mạnh, đầu óc tôi bị mấy vấn đề ấy ám ảnh, tôi nghĩ cách viết ra mấy bài trầm tư này. Chính tôi lấy làm lạ hơn ai hết sao một tên tội tử hình, số phận đặt nằm bên cạnh cái chết, lại không nghĩ về cái chết, mà lại lo chuyện của người sống. Mà lo nghĩ về chuyện của người khác, không lúc nào lòng tôi được yên nghỉ, cho đến đỗi lắm khi, tôi tự ví là một damné [2]. Đương đợi sự giải thoát của mình. Mà sự giải thoát này, tôi tin rằng khi đăng tập sách này để hỏi những ai suy nghĩ trong bốn phương trời, tôi sẽ đón rước được những lời chỉ giáo.
Côn Sơn, tháng Sáu năm 1962
Tái bút đúng ba năm sau
Khởi viết vào đầu tháng Sáu 1962, mỗi tháng được một bài, đến tháng Mười Hai năm ấy, tôi viết đến bài thứ năm. Nhưng tưởng có thể tiếp tục như vậy mãi, không dè cuối năm 1932, chúng tôi bị xét phòng.
Sách, mấy chục số Esprit của ông Domenach gởi cho, mấy chục số Preuves do bộ biên tập này tặng, ba bản thảo của ba bộ trường thiên tiểu thuyết đã viết xong, một quyển tự thuật, hai quyển tiểu luận, bị dồn vào một cần xé cất vào kho... để cúng dường cho bọn mối làm thực phẩm. Còn những cái viết lỡ dở, thì bị gom gởi lên ban quản đốc. Nhờ vậy mà, khi Ngô Đình Diệm bị hạ, mớ tài liệu này được trả lại. Những bài “Trầm tư”, nhờ vậy mà sống sót.
Gởi về nhà trước khi tôi bước chân ra khỏi Chí Hoà, tạp chí Bách Khoa lần lượt cho đăng ra. Tôi không hài lòng lắm. Những bài tôi viết, dựa vào mớ kiến thức tôi đã có năm 1954, vào tù có đọc chi thêm, chi cho khỏi là lỗi thời? Nay ông giám đốc nhà xuất bản Lá Bối ngỏ ý cho in ra thành tập, tôi càng không hài lòng hơn nữa.
Song nghĩ cho kỹ, tại sao có cái tự ái như vậy?
Công chúng muốn hiểu tâm trạng của một người tội tử hình, nằm trong bốn vách, chẳng biết chi xảy ra ngoài đời, bịnh hoạn liên miên, tử thần lảng vảng mãi bên cạnh. Thì thành thật cho công chúng hiểu.
Còn việc nói trúng hay trật, ai nỡ, mình là kẻ có đủ sách vở để học mỗi ngày, ai nỡ tranh hơn thua với một kẻ, chỉ có ký ức leo lét của tên tội tử hình ốm đau nhắc nhở?
Sài Gòn, tháng Sáu 1965
Trầm tư thứ nhứt: Cái nghiệp tiên thiên
Tôi sanh trưởng nơi một gia đình nông dân nghèo ở miền Hậu Giang. Cha tôi, mồ côi cha sớm từ mười hai tuổi đã phải đi ở đợ để nuôi thân và không được đi học. Nhờ tánh tình hiền hậu, ngay thẳng và siêng năng, ông được một nhà giàu gả cho đứa con nuôi, cho mướn ruộng và giúp vốn để cất nhà, làm mùa, rời thân phận ở đợ để trở nên một tá điền cho đến ngày lâm chung. Lúc ấy, cả hai đều không có học. Về mặt tư tưởng, cha tôi không theo đạo Phật, chẳng theo Lão giáo, mà cũng không biết Khổng giáo là gì, bình sanh rất ghét thầy chùa, thầy pháp, và chỉ biết thờ kính ông bà.
Làm mùa trúng luôn mấy năm, trong nhà dành dụm có dư chút đỉnh, cha tôi mới gởi anh cả tôi đến một ông đồ ở gần đó mà học chữ HÁN. Ngày thì đi làm ngoài đồng, tối lại quạt muỗi cho con học, ông học lóm được chữ Hán, chữ Nôm, đọc được truyện sách và bắt đầu giao thiệp rộng. Mỗi năm hễ hết mùa mưa, thì có ghe bầu từ những miền Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, chở những thổ sản ngoài ấy vào, thỉnh thoảng có một vài thầy thuốc bắc, một hai ông đó theo các ghe ấy vào mà đi tìm việc: đó là những mối giao du thích nhất của cha tôi. Tết năm 1910, lúc ấy tôi còn trong bụng mẹ, theo lời thuật lại, cha tôi giao thiệp được một người, không biết tên họ gì, mà thiên hạ sau này đều gọi là thầy Quảng, vì có giọng nói Quảng Nam đặc biệt. Không ai thấy ông này làm nghề gì, nhưng người ta đồn ông làm thợ mộc, rồi bởi ông giỏi bùa Lỗ Ban nên thiên hạ sợ ông ểm, mà không ai mướn cả. Ông say rượu cả ngày, ngồi trên một chiếc xuồng mà bơi đi hoài, ít ghé đâu cả. Thế mà ông thích ghé nhà tôi để thuyết đạo cho cha tôi. Ông thuyết cái gì? Sau này tôi chỉ nghe tóm tắt mà thôi. Thầy Quảng khuyên cha tôi nên theo đạo Bửu Sơn Kỳ Hương mà tin rằng Di Lặc sẽ giáng trần chỉnh lại pháp cũ, làm cho “minh đạo” sẽ tái sanh. Cha mẹ tôi bàn luận với nhau nhiều về sự này, nhưng rốt rồi không theo. Cha tôi đợi mãi đến năm 1930, vài chục tháng trước khi ông chết, mới thượng trần điều trên bàn thờ, để tỏ ra rằng bây giờ ông đã là tín đồ của đạo ấy. Nhưng đến lúc đó, toàn xứ Việt đếm không còn được vài ngàn tín đồ theo phái này.
*
Hơn ba mươi năm đã qua. Nhiều sự thất bại trong cuộc vật lộn với đời làm cho tôi có nhiều kinh nghiệm hơn, và do đó, trở nên khiêm tốn. Vào nhà tù chuyến này, tôi lại chỉ thấy có một cửa ra: cái chết, vì mười hai viên đạn, hay vì bịnh, hoặc già. Càng gần cái chết, con người cần xét nét để ôn lại đời mình. Tôi mới thấy tôi đã vương lấy cái nghiệp của tôi, trước khi ra bụng mẹ: lúc ấy mẹ tôi đang nghe bàn đến sự sửa lại thường xuyên của đạo Phật mà tượng trưng là Maitreya, đức Phật đầu thai lại mãi để chỉnh lại cái pháp, nên chi bây giờ, mặc dầu tôi không phải là tín đồ của đạo Phật, tôi mãi lo âu về sự sửa lại ấy.
Tôi lo âu về sự này từ năm 1939, khi bắt đầu cuộc Chiến tranh Thế giới thứ Hai, lúc ấy tôi cũng bắt đầu một kỳ tù năm năm. Năm ấy, tôi bắt đầu hoài nghi về mớ lý thuyết mà tôi đã học của Marx, và thấy rằng, ngày sau mà thế giới một nhà được, vai trò của luân lý và tôn giáo rất là hệ trọng. Trong năm năm ở tù, không có sách đọc, tôi cứ suy nghĩ mãi về sự tổng hợp chủ nghĩa xã hội và đạo Phật. Về mặt lý thuyết, sự tổng hợp ấy có thể làm được, nhưng về đường thực tế, trong hai cái đại gia đình, gia đình xã hội chủ nghĩa và gia đình Phật tử, chẳng có ai ươm thử việc này. Từ ấy, cái nghiệp nói trên càng quấn quít tâm hồn tôi. Nên chi tôi đặt cái trầm tư thứ nhất này dưới dấu hiệu của Maitreya, không phải bởi tôi tin rằng ngài sẽ đến bằng xương thịt, mà bởi tôn tán thưởng cái tượng trưng sự sửa lại.
*
Mà đạo Phật cùng các tôn giáo khác, cần phải tồn tại chăng? Nói một cách khác sự tiến bộ của loài người, về triết học, về khoa học và về chánh trị, đã đủ chưa để xây dựng một cái xã hội không cần đến tôn giáo và luân lý? Trả lời rằng đã đủ, ấy là một cái sự quá vội vã. Chánh trị chưa tìm tổ chức được một xã hội trong ấy chỉ cần luật pháp và quân đội để cai trị, mà chẳng nhờ đến luân lý và tôn giáo để đứa hoá đa số nhân dân. Khoa học chỉ khảo cứu được một phần các hiện tượng của vạn vật mà còn lưu lại vô số vấn đề đương đòi hỏi câu trả lời, mà triết học và khoa học chưa tìm được. Và lý lẽ quyết định hơn hết, là con người của thế kỷ hai mươi này vẫn còn những bản tính thô sơ, còn bị bản năng kích thích mạnh, còn bị nhiệt tình đốt nóng, thì còn cần có một cái văn mình mới để rèn luyện, uốn nắn, hun đúc cho ngày càng cao quí đẹp đẽ hơn, trong ít lắm là năm ba trăm năm. Tôi muốn nói đến cái văn minh tu sĩ. Thì đạo Phật, cũng như các tôn giáo khác, cần phải hoà mình vào các văn minh tu sĩ ấy, cho loài người dùng, chẳng khác nào những cái phao cho người tập lội ôm trong buổi đầu vậy.
Tuy các tôn giáo thảy cần tồn tại, để hoà mình vào cái văn minh tu sĩ ấy, song không phải cái nào cũng dễ trường tồn. Xét về bản chất của nó, đạo Phật có nhiều nội lực giúp cho nó vượt thời gian dài hơn hết, thế mà nó bị những yếu tố ngoại quan của lịch sử làm cho nó bị đe doạ nhiều hơn cả. Bị nguy cơ kế đó là Ấn giáo, bởi đạo này không chịu đựng nỗi một cuộc cách mạng chánh trị mà động cơ chính là thuyết bình đẳng. Kế đến là Hồi giáo ở Trung Đông và Bắc Phi. Trong viễn đồ Đông Tây cộng tồn, thì Kitô giáo được sự an ninh chánh trị đảm bảo cho vững vàng hơn hết. Song sự cộng tồn này kéo dài được bao lâu? Hay là rồi đây nhân loại phải dấn vào một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba? Mỗi lần có chiến tranh thế giới, là có những thay đổi vĩ đại. Trông gương chiến tranh thế giới thứ nhất: nó sanh đẻ ra cách mạng Nga làm cho gần một trăm năm mươi triệu tín đồ của Kitô giáo chánh thống lọt vào lưới của cộng sản. Trông gương Chiến tranh Thế giới thứ Hai: nó làm cho cả Trung Âu bị Hồng quân chiếm và nó sanh đẻ ra cách mạng Tàu, làm cho năm trăm triệu tín đồ của Phật giáo lọt vào lưới của chủ nghĩa Marx. Rồi ta thử nhìn cái cứu cánh của một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba, với khí giới nguyên tử và khinh khí, với khí giới hoá học và vi trùng và nhất là với khí giới lợi hại hơn tất cả là lý tưởng chiến tranh thế giới thứ ba, hơn cả thứ nhất và thứ hai, sẽ làm trúc đổ bao nhiêu đế quốc khổng lồ, làm tan nát lắm kiến trúc chánh trị cũng như tôn giáo, làm cho nhân loại trở lùi trên đường lịch sử năm ba trăm năm là ít. Nó sẽ là cái mạt pháp cho tất cả, chớ không phải riêng cho đại Phật, ở xứ thắng cũng như ở xứ bại, nối tiếp sự tàn phá và sợ hãi, là luồng gió bi quan, sau đó mới đến sự mong mỏi thuận lợi cho một tôn giáo bao trùm cả loài người.
Qua những đợi hãi hùng ấy, trong bốn tôn giáo lớn cũ, cái nào có thể thay lốt mấy lần, như con tằm từ trứng sang sâu, hoá nhộng để thành bướm bay đi được? Tôi không biết trong Ấn giáo, trong Hồi giáo, trong Kitô giáo có những lo âu như thế chăng? Riêng Phật giáo, với sự bá chiếm cộng sản của nước Tàu và sự không an ninh ở Đông Nam Á, thì vấn đề đã đặt ra hơn mười mấy năm nay rồi và đòi hỏi những giải quyết cấp bách. Thế mà tôi chưa nghe được một tiếng vang nào cả về một cái ướm thử chỉnh lại Phật pháp: năm 1959, tạp chí France-Asie, trong số đặc biệt về sự hiện diện của đạo Phật, mặc dầu có rất nhiều bài của các vị bác học và cao tăng, không có nói phớt qua đến vấn đề trọng đại này.
Tôi không phải là một nhà bác học hay một bực cao tăng. Nhưng, đứng trước sự bức bách này mà chẳng ai thốt lời nào, và bị cái nghiệp tiên thiên nói trên kia thúc đẩy, âu là tôi lên tiếng vậy.
*
Đối với một tối tiểu thiểu số, có thể duy trì cái xu hướng xuất thế, để an lòng họ trong khi họ bị vi trùng của bịnh hình nhi thượng đục khoét. Nhưng đối với tối đại đa số, cái pháp mới phải có một đại xu hướng xử thế. Làm thế nào để tránh chiến tranh và cách mạng? Nói một cách khác, tôn giáo phải đồng nhất với chánh trị. Sự đồng nhất này không thể quan niệm bằng cách lập những đảng chánh trị để bệnh vực cho những giáo điều sẵn có – cái mà ta thường thấy sau trận chiến tranh thế giới thứ hai – mà phải hiểu rằng đây là một sự cố gắng làm cho quần chúng đến một sự giải thoát đích thực, miễn cho loài người làm chánh trị cái trạng thái con tằm nhả tơ tự dệt cái ổ để nhốt mình vào. Chính cái xu hướng xuất thế xưa kia làm cho người ta lầm tưởng rằng đạo Phật dạy tín đồ nhẫn tùng, rồi cho rằng “tôn giáo là thuốc phiện của dân”. Maitreya của thời này phải đánh tan cái lầm ấy và đáp lại lời đòi hỏi của tín đồ Bạch Liên giáo suốt năm trăm năm, của tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương gần một trăm hai mươi năm, là lập thiên đàng trên cõi thế.
*
Đồng nhất với chánh trị, cái tôn giáo đội lốt mới này mở màn cho cái văn minh mới ấy, gọi là văn minh tu sĩ. Từ ngàn xưa, hễ bắt đầu có tôn giáo, thì đã có người tu hành. Có lắm lúc, kẻ tu hành này lại nắm luôn quyền chánh trị. Nhưng, những hình thức đó chưa lập nên được cái văn minh tu sĩ. Nay là lúc phải nâng sự tu hành này lên bực văn minh để nó dìu dắt loài người, từ trạng thái ly tán từng dân tộc, từng giai cấp, đến cái thế giới đại đồng, điều mà chánh trị chỉ thấy thực hiện được bằng máu lửa của chiến tranh và cách mạng. Nếu mà cái văn minh tu sĩ này sớm xuất hiện được, hoạ may sẽ miễn cho nhân loại cuộc đại chiến thế giới thứ ba. Rủi mà chiến tranh thứ ba nổ ra trước rồi, thì quả địa cầu sẽ đầy dẫy tàn phá, tang tóc và căm hờn. Dẫu ai là chủ của mai sau, kẻ thống nhất được địa cầu bằng máu lửa sẽ chẳng hơn gì các Cásars xưa lập đế quốc La Mã lên để dọn cho Kitô giáo cũ: một văn minh tu sĩ sẽ rất cần để hàn vá những vết thương và dập tắt các căm hờn, để xây đắp sự thống nhất loài người trên những nền tảng vững chắc và vĩnh cửu hơn là quân đội và cảnh sát.
Từ mấy năm nay, nhiều nhà cách mạng cũ rời bỏ hàng ngũ của chủ nghĩa Marx, vì cái chánh trị của đảng này thiếu một cơ sở luân lý. Khroutchev, khi chỉ trích cái chánh trị của Staline, cũng đưa những lý lẽ thuộc nhơn luân. Kinh nghiệm của gần năm mươi năm cách mạng Nga chứng cho ta thấy rằng chánh trị mà buông lung, thì chẳng khác nào ngựa mạnh mà không cương, thêm bịt mắt, nó có thể đưa vào hố thẳm. Mà nếu không có một cái văn minh tu sĩ đặt những lignes de force [3] cho kẻ làm chánh trị hướng theo, thì họ biết nghe vào đâu khác hơn là tiếng gọi của bản năng?
Kẻ chiến sĩ, người lãnh đạo đã cần có luân lý, thì đám quần chúng lại cần đến tôn giáo để biết đâu là nên, đâu là không, hầu xử sự. Những tôn giáo có giáo điều phản khoa học là những cái lần lần bị khoa học gạt bỏ. Nhưng những thị kiến của đạo Phật không trái với khoa học, thì đạo Phật có nội lực để trường tồn. Những học thuyết dựa vào sự “chúa sáng tạo” đụng chạm hẳn với thuyết duy vật vô thần, thì một bên thắng một bên tiêu đã đành. Mà thuyết vô thường vô ngã của đạo Phật có thể dung hoà với biện chứng pháp được.
*
Đạo Phật, và chỗ này nó khác hơn các tôn giáo khác, là một sự tu luyện, theo nghĩa tầm nguyên của danh từ này: tu là làm cho càng tốt đẹp thêm mãi, luyện là làm cho tinh ròng thêm mãi. Phật tử tu luyện để làm cho lý trí càng thuần thục hơn hầu đến cái giác. Nếu sự tu luyện ấy dùng để dự bị vấn đề, chuẩn bị các điều kiện, vạch lối trước bằng trực giác hay thị kiến cho các sự giải đáp các vấn đề này, thì tôn giáo sẽ là hướng đạo cho đại hội quân của khoa học. Chừng ấy Niết Bàn sẽ không còn là một cái chứa không có gì đựng ở trong và chỗ nhằm của các vị Bồ Tát, (tự giác nhi giác tha), mới đạt được. Trong hai mươi lăm thế kỷ đã qua, những thị kiến của đạo Phật đã làm khởi hứng cho văn chương và nghệ thuật của nhiều dân tộc ở Á châu. Nay, nếu làm khởi hứng được cho khoa học, những thị kiến của cái văn minh tu sĩ mới này sẽ làm cho văn minh này tràn lan khắp địa cầu, trở nên một cái chung của nhân loại.
Phần nào của những thị kiến này chứng minh bằng khoa học được, thì tài bồi cho miếng đất khoa học rộng lớn và phì nhiêu thêm, phần nào chưa thực nghiệm được, thì dùng trực giác để thẩm xét và phê phán. Như vậy các thị kiến mới này sẽ làm chất phân nuôi sống các loài câu triết học cho cành là sum sê, hoa quả vinh mậu. Chừng ấy cái gạch nối liền tôn giáo – triết học – khoa học – chánh trị sẽ thành được.
*
Có nền tảng đạo đức vững chắc rồi, thì chánh trị mới hoàn về cái sửa trị, sửa đường vạy để đi theo đường chính, một con đường rộng thênh thang, lại được trí tuệ soi sáng tỏ, chớ không phải lối mê ly eo hẹp mà trong mù tối như từ xưa đến nay. Có cái chánh trị như thế mới tránh được hoạ dân tộc và giai cấp tương tranh, lập được cảnh thanh bình cho loài người. Như vậy, sẽ không còn là cái chánh trị cũ xưa, theo lối của Thương Ưởng ở phương Đông và Machiavel ở phương Tây; bởi vì, một khi đã được cảnh thanh bình, thì cần quyền xử thế không còn là những người đầy dục vọng, mà là những bậc hiền triết, vậy đâu còn cần những thuật man trá và bạo ngược như bây giờ?
Khoa học và triết học sẽ hun đúc theo một tinh thần mới. Minh đạo cũng sẽ khởi hứng cho nghệ thuật và văn chương. Các thứ này sẽ nhờ nó mà có một gia tốc lớn và tiến tới với một vận tốc chưa từng thấy. Đó là cuộc cách mạng văn hoá, cuộc cách mạng đích thực và bền vững hơn hết. Nó đã đến không nhờ những trúc đổ ầm ĩ và phá hoại khổng lồ. Nó đã đến trong đôi giày nhung, không ai nghe mà ngờ, chỉ có kẻ sáng suốt mới trông thấy được.
*
Nay hiểu được, thì thân đã bị giam vào giữa bốn bức tường, với một cái án không thấy thoát ra được. Làm sao mà đeo đuổi được cái nghiệp tiên thiên này? Âu là ước mong sao cho những trầm tư này động được lòng ai đương khổ vì cái khổ lớn của thế kỷ hai mươi vậy.
Côn Sơn, tháng Bảy 1962
Trầm tư thứ hai: Về võ trụ
Trường học ở gần nhà tôi chỉ có đến lớp dự bị. Tôi mài trôn quần tôi trên bàn của lớp ấy suốt mấy năm, mới được cha mẹ tôi gởi tôi ra chợ, ở trọ nơi nhà người quen, mà đến học ở lớp sơ đẳng. Lúc ấy tôi được mười tuổi, nên còn dại, chẳng biết lo học mà chỉ mê xem hát bội: đêm nào tôi cũng len lỏi vào được trong rạp hát, xem cho tới khuya, để rồi ngày sau, vào lớp ngủ gục. Tình thế ấy buộc cha mẹ tôi phải dời chỗ ở trọ, bấy giờ đem tôi gởi nơi một cái am, cách chợ gần hai cây số, từ ấy, sự cách xa nọ làm cho tôi không lân la được với các thú vui, mà ràng buộc tôi, ngoài giờ đi học, lẩn quẩn quanh am. Mỗi ngày ba lần tụng kinh, đều có tôi nghe cả.
Kinh tụng thảy đầu viết bằng chữ Hán, ban đầu tôi nghe không hiểu chi cả, thì lấy làm bực lắm. Ông sư mới cho tôi mượn một tập bằng thơ lục bát, mỗi câu dạy được bảy chữ với nghĩa của nó, để cho tôi học. Tôi không học mặt chữ, mà chỉ học tiếng Hán – Việt cùng nghĩa, chẳng bao lâu hiểu được nghĩa của mấy ngàn tiếng và bắt đầu hiểu hơi hơi các kinh tụng có nghĩa gì. Cái Phật học của tôi rất đơn sơ, vì chỉ là cái nghe lóm trong hai năm ở trọ nơi am để đi học.
Tuy vậy, nó cũng đủ mà giúp cho tôi biết rằng cái thị kiến của Phật về vũ trụ mà khoa học tả ra, cũng na ná như thế thôi.
*
Kế tôi bị thẩm vấn, rồi đưa ra toà. Trong lúc ấy, thần trí không lúc nào rảnh rang để suy nghĩ gì khác. Đến chừng bị lên án tử hình xong, tôi thấy dường như đã phủi sạch nợ đời, không còn vướng víu với chánh trị nữa, tôi lại sực nhớ đến bài báo đã đọc trong Paris Match, và lấy đó làm đề để trầm tư. Không có kính viễn vọng như các nhà thiên văn, chẳng có sách vở nào để khảo cứu, ngay cho đến cái mớ toán học đã thu thập ở nhà trường thì, bị hai mươi lăm năm ruồng bỏ, đã quên hết phần nhiều, tôi sực nhớ còn đường lối mà Thích Ca Mâu Ni đã vạch, là thiền định, để lắng trong thần trí của mình, rồi chừng ấy xoay qua trầm tư cái đề của mình để đến một thị kiến. Và sau đây, là kết quả của cuộc trầm tư về vấn đề này. Tôi thuật nó ra để cống hiến cái thị kiến hầu như các nhà bác học thẩm xét lại bằng khoa học.
Sự phát minh của Hubble thuộc về thực nghiệm: người tìm thấy rằng các tinh vân đều dang xa ra với một tốc lực càng lớn lên, nếu tinh vân ấu càng xa vời. Bằng vào sự phát minh này, Lemaitre diễn dịch ra bằng cái giả thiết, là vũ trụ là kết quả của một cái nổ lớn của một nguyên tử khổng lồ sơ khai. Tôi phải mất mấy tháng để trầm tư về giả thiết này. Tôi thấy nó thiếu sót về hai điểm trọng đại.
Điểm thứ nhất về do lai của cái nguyên tử khổng lồ sơ khai. Do đâu mà có nó? Tại đâu phải đặt vị trí của nó? Nếu ta quay ngược cái phim nói về quá khứ của nó, ta sẽ thấy gì?
Điểm thứ hai về do lai của cái làm cho muôn vàn tinh vân, càng xa vời thêm, thì càng có tốc lực lớn hơn. Do đâu mà có cái ấy? Nếu bằng vào luật hấp dẫn, thì dầu có cái nổ đầu tiên tung các mảnh văng ra sáu phương, sức các mảnh ấy thu hút nhau chỉ làm cho các tốc lực phải giảm hoài với thời gian, rồi đổi chiều hướng lại, làm cho các tinh vân hết dang ra nữa, mà bu lại cùng nhau. Ngày nay, các tinh vân đều dang xa. Cái xa hơn hết, mà đo lường thấy được, ước độ 228 triệu năm ánh sáng, với tốc lực 40.000 cây số trong một giây. Bằng vào các con số ấy, thì tốc lực đầu tiên của lắm tinh vân lại cao hơn tốc độ của ánh sáng. Vậy thì cái làm cho các tinh vân, càng xa vời hơn thì càng có tốc lực lớn hơn, là một sức gia tốc chung, nó ở ngoài cái “vũ trụ” gồm có các tinh vân này.
Có cái gia tốc lực này, thì cái vũ trụ, ngày nay đang dang ra, sẽ không bao giờ rút lại, như Gamow cho, và cách tinh vân, mà càng xa thì tốc lực càng cao, sẽ đạt được cái tốc lực của ánh sáng, như Hoyle đã thấy.
*
*
Ngoài cái univers của chúng ta, có vô số cái univers khác mà tôi gọi là univers extérieurs. Để đếm những cái univers extérieurs này cho được, hoạ may là mượn phép mạng số xưa (mười lần một là mười, mười lần mười là trăm, trăm lần trăm là vạn, vạn lần vạn là ức, ức lần ức là triệu, triệu lần triệu là kinh, kinh lần kinh là cai, cai lần cai là tỉ, tỉ lần tỉ là nhương, nhương lần nhương là câu, câu lần câu là giản, giản lần giản là chánh, chánh lần chánh là tải, và vân vân). Thế mà một phép mạng số như vậy hoá ra vô lực để đếm những univers của cosmos. Mỗi univers đều có thủy có chung có biên giới, nhưng cả cái cosmos là vô thuỷ vô chung và vô biên.
Khởi thuỷ của một cái univers nào đó là một nguyên tử khổng lồ sơ khai. Cả vật chất của nó (protons, neutrons, électrons) và cả tinh lực của nó (protons) gom vào một khối có lẽ bằng một ngôi sao thôi. Nhưng mật lực vì vậy mà to lớn vô cùng, đến những số khổng lồ, và nhiệt độ cũng lên hàng mấy tỉ độ. Đó có lẽ là cái “vô minh”, cái nhân đầu tiên của thập nhị nhân duyên của Phật. Nó là cái hỗn độn sơ khai, bởi lúc ấy chưa có một nguyên tử vật chất nào có được.
Sức dồn ép ấy, nhiệt độ ấy đốt cháy cái nổ đầu tiên: đó là “sáng thế” không phải của cả cái cosmos, mà chỉ riêng của univers nọ. Đối với cái univers mà chúng ta ở, các nhà bác học Lemaitre, Gamow, Dirac... đã viết được lịch sử của sự sáng thế này, mà họ tính lâu chừng 30o Năm phút đầu, nhiệt độ rớt xuống còn một tỉ độ và khối lượng nổ ra được cả ngàn lần. Từ đó những bộ phận của hạch tâm bắt đầu kết khối nhau được. Mười hai phút sau, vật chất hiện hình với các nguyên tử của hydrogène và hélium. Và mười ba phút nữa, tất cả nguyên tử, (dưỡng khí, lân tinh, calcium, sắt, uranium, v.v...) đều hiện diện. Đám mây do sức nổ gây ra đó tràn túa và nguội lại. Vài trăm triệu năm sau nó phân ra làm prégalaxies, rồi đến các galaxies. Mấy cái này, do tốc độ đầu tiên. Những cái càng xa thì đi càng mau, cái gần thì chậm hơn, mà khoảng cách chúng nó càng thêm ra mãi.
Nhưng sự nổ ấy không xảy ra nơi một cái trống không tuyệt đối. Nó xảy ra giữa một cái milieu cosmique trong ấy đầy dẫy vật chất cũ xưa tràn lan thành mây, hoặc đã hoàn nguyên như sau này sẽ nói. Có những ngôi sao, cũng như mặt trời, mà tình cờ đi gần một đám mây nọ, thì kết tụ mây này thành hành tinh chạy quanh theo mình. Các hành tình này, mới tạo ra thì nguội, lần lần bị sức dồn ép mà trung tâm ấm dần, đến một lúc, trên hành tinh sự sống phát sanh, cũng như trên địa cầu, rồi vạn vật phục sanh, có loài người có óc suy nghĩ và có óc sáng tạo. Có những ngôi sao khác lại thình lình nổ banh ra mà trở nên đám mây... Bởi sức ngăn trở của cái milieu cosmique này và bởi sức tự hấp dẫn của cái trọng tâm lực của hệ thống, cái univers không thể nào nổ ra mau lẹ được như bây giờ. Vì vậy mà trong cái milieu cosmique này, phải có một cái gì khác hơn.
*
Chính những multivers này, với những khối lượng vô biên của nó, thu hút các galaxies về chúng nó và làm cho trong các univers, những galaxies nào càng gần chúng nó, tức là gần biên giới, có tốc độ gần tới của ánh sáng. Sức nổ đầu tiên, làm cho các galaxies có một tốc lực đầu tiên là một chuyện. Nhưng thêm vào, có sự hấp dẫn của các multivers, chung quanh cái univers, nó cao hơn cái hấp dẫn nội tại của cái univers này, mới có cái gia tốc lực làm cho các galaxies càng dang xa ra lại càng có tốc lực gia thêm hoài, cho đến khi đạt tới cái tốc lực giới hạn. Sự hấp dẫn này làm cho các galaxies hoàn nguyên, bu lại chung quanh các multivers, để thành chung một khối với chúng. Thêm các multivers lại kết khối với nhau.
Các multivers này lại càng lâu càng thu khối lượng lại, bởi các bộ phận thu hút lẫn nhau. Mật lượng lớn lên, áp lực lớn lên và nhiệt độ cao lên. Đến một lúc, áp lực này đốt cháy một cái multivers, bây giờ là một nguyên tử khổng lồ, một cái sáng thế mới diễn ra, một trang sử mới của vụ trị bắt đầu.
Và cuốn sử này không biết bao nhiêu trang như vậy. Có một cái nổ gần với univers, thì ảnh hưởng của cái nổ ấy dội đến ta mạnh bạo. Có nổ xa, thì ảnh hưởng nhỏ hơn. Từ ngày có quả đĩa cầu, trái đất đã mấy lần thay trục, phải chăng mỗi lượt nam bắc cực thay như vậy, là bởi gần univers của chúng ta có những cái nổ khổng lồ? Và biết đâu những hiện tượng trong quả địa cầu ta, mà ngày nay khoa học chưa thấy được nguyên nhân, lại do những biến thiên của cái milieu cosmique?
Univers và multivers, từng cái này nổ ra thành cái kia, những mảnh múng của nhiều cái kia hiệp lại thành cái này, có thể phân biệt nhau nơi chỗ trong multivers thì vật chất hoàn nguyên, không có sự sống được, còn trong univers thì vật chất phức hoá và cái điểm tối cao của sự phức hoá này là sự sống.
*
Mà có thể nào lập một cái khoa học mới cho các multivers chăng? Và nghiên cứu chúng nó có ích gì?
Tôi thị kiến vài thế kỷ nữa đây, loài người sinh sản quá nhiều, các địa lục quá trù mật, không đất để ở và trồng trọt cho đủ, chừng ấy vấn đề di cư vài ba tỉ những người sang cung trăng, sang cách hành tinh gần ta như Kim tinh (Vénus) và Hoả tinh (Mars) sẽ đặt ra. Nhưng trước khi, phải làm cho các hành tinh này có nước, có không khí, có thảo mộc, rồi mới ở được. Làm sao mà cho hằng tỉ tỉ tỉ tấn nước, hằng tỉ tỉ tỉ tấn không khí, từ địa cầu sang qua các bên ấy? Rồi làm sao di cư hàng mấy tỉ người đi?
Nếu nghiên cứu vũ trụ, tìm được cái tinh lực vũ trụ và chế ngự được cái tinh lực này, có lẽ những vấn đề trên không phải là nan giải. Nhưng đây không phải là việc của thị kiến nữa, mà trở nên công việc của khoa học và kỹ thuật. Tìm được đề tài cho khoa học là sứ mạng của thị kiến, mà thị kiến được khoa học chứng minh là đúng thì được một cái vinh hạnh lắm rồi.
Trầm tư thứ ba: Về hoà bình
Đạo Phật, muốn vươn lên để thành minh đạo, tất phải gặp nhiều vấn đề thuộc về xử thế, mà vấn đề trọng đại hơn hết là vạch lối cho tín đồ mình xử sự với chiến tranh, trong hai hình thức mới của nó: chiến tranh nguội ở từng địa phương và chiến tranh nóng ở khắp toàn thế giới. Tuy là hai song vốn là một: cả hai đều do sự phân hoá thế giới thành hai khối tương phải nhau và mỗi bên đều muốn biến cả thế giới theo khuôn mẫu của mình. Bây giờ chiến tranh không còn là sự tranh giành quyền lợi nữa, như nước thắng trận vừa rồi bỏ tiền của ra mà nuôi các nước đã thua. Mà bây giờ, chiến tranh trở nên sự dùng quân lực mà ép buộc nước khác theo thế lý tưởng của mình. Và như vậy, đối với kẻ bại trận, lý tưởng không ưa mà phải thờ, lý tưởng đáng mến yêu lại phải xa lìa, còn đối với cả đôi bên thì tang tóc, tàn phá, nghèo khổ, truỵ lạc... Đích thị chiến tranh, trong hình thức mới này, là cái khổ to hơn tất cái khổ khác mà Thích Ca Mâu Ni đã phác hoạ.
Sau trận đại chiến thế giới thứ nhất, thì đã bắt đầu, sau trận đại chiến thế giới thứ hai, thì phồn thịnh hơn, ở các xứ Âu châu, người ta khổ về chiến tranh và tổ chức lại thành đoàn thể để đề cao hoà bình. Lắm đoàn thể này trở nên những phong trào quốc tế và huy động được khá đông. Nó đã giác được cái khổ này trước hơn số đông của tín đồ đạo Phật, và sau mấy chục năm hoạt động, ắt có nhiều kinh nghiệm. Người xướng ra minh đạo, nếu tìm được lối giải thoát chung cho nhân loại khỏi cái khổ lớn này, ắt được hàng triệu những hưởng ứng, và nhờ đó minh đạo sẽ có một số người cảm tình rải rác khắp bốn phương trời.
*
Cái viễn đồ này làm cho lắm người giựt mình và những nhà cầm quyền các cường quốc phải suy nghĩ lại rất nhiều, trước khi quyết định dùng biện pháp quân sự để giải quyết sự tranh chấp với nhau. Đó là cái tâm trạng làm cho cái biện pháp ahima, mà Gandhi rút trong đạo Phật ra để chủ trương cuộc đấu tranh giải phóng cho Ấn Độ, được nhiều người nhắc tới khi phải xử sự với nhau trên trường quốc tế. Do đó mà nhiều người tin rằng cuộc chiến tranh nóng, toàn diện, bằng khí giới vi trùng, hoá học, nguyên tử và nhiệt hạch tâm (thermo-nucléaires) giữa khối Đông và khối Tây sẽ không thể nào xảy ra, vì cả đôi bên đều sợ sự tiêu huỷ. Nhưng kết luận này có hơi vội vã: sự khả hữu của chiến tranh thứ ba tuy có giảm bớt nhiều, song không phải là mất hắn. Loài người phải hoạt động nhiều lắm mới tránh được cái tàn phá tập thể này.
Bởi vì, và ở đây ai cũng phải đồng ý, từ hồi dứt chiến tranh thế giới thứ hai đến bây giờ, cuộc chiến tranh nguội không khi nào ngớt, cho đến đổi người ta quen với nó và cho nó là cái nếp sống hiển nhiên của thời này. Khởi lên là sự thức tỉnh của các thuộc địa cũ ở Á châu và Phi châu, đến khi các cuộc chiến tranh giải phóng này thành công, thì các nước mới ấy lần mò tìm con đường của mình. Chừng ấy, mỗi bên, Đông và Tây, đem cái lý tưởng mình mà quyến rũ, nội chiến bùng nổ, hai đại cường quốc đem binh tiếp viện cho phe mình: ấy là chiến tranh nguội đã hiện trọn hình của nó. Mà nếu cuộc chiến tranh nguội này làm nghiêng hẳn đòn cân lực lượng của đôi bên, thì ngòi lửa của chiến tranh nóng châm rồi: hai bên sẽ trực tiếp đánh nhau và thuyết ahimsa trở nên vô hiệu.
*
Trung lập chế của các nước nhỏ là điều kiện tất yếu chớ chưa phải là điều kiện sung mãn: nó chỉ qui định sự bang giao của các nước này mà chẳng ảnh hưởng được lịch trình biến đổi ở trong. Do đó mà thỉnh thoảng, trong xứ ấy lại mất thăng bằng, nội chiến nổ bùng ra, đốt ngòi cho chiến tranh nguội nữa. Muốn tránh sự mất thăng bằng này, cần phải nghiên cứu lại vì sao mà nó có và phương pháp nào để tránh.
Những nước nhỏ thường là những nước hậu lạc, hoặc là những nước văn minh xưa mà trải qua mấy trăm năm đồi truỵ. Nó kém về đủ phương diện kinh tế, xã hội, chánh trị, văn hoá. So sánh ra, phần đông chỉ gần bằng các nước Âu châu khi vừa có cách mạng công nghiệp, và trong khoảng mấy chục năm phải rượt theo kịp khúc đường mà các nước ấy đã đi trong gần hai trăm năm. Để vượt tới với tốc độ này, khối Tây phương không bày cho họ được phương pháp nào, mà quần chúng của họ lại thấy gương nước Nga, nhờ phương pháp độc tài mà trong không đầu năm mươi năm, rượt theo kịp các cường quốc. Thế nên, mặc dù Nga không nhúng tay vào, như trong trường hợp nước Tàu, quần chúng này cũng tự động mà làm cách mạng. Ấy là nguyên nhân là mất thăng bằng. Huống chi Tàu, vì muốn tranh làm bá chủ với Nga trong một khối cộng sản, lại can thiệp một cách tích cực để thúc đẩy các cuộc cách cuộc cách mạng ấy.
Để tránh sự mất thăng bằng do biến thiên nội tại này, phương pháp không phải là dùng ngoại viện để đàn áp các phong trào dân chúng bằng quân sự và chánh trị. Làm như thế chỉ tổ chế dầu thêm cho chiến tranh nguội dễ nổ bùng ra mà thôi. Cái phương pháp phù hợp hơn hết là vạch cho quần chúng một lối tiến tới mau lẹ, thoả mãn được sự thèm khát đi mau của chúng, còn đem thêm cho chúng những điều mà chế độ cộng sản không sao cho họ được. Lối tiến tới ấy không phải là cái văn minh của Tây phương cung cấp được, mà cũng không thể bắt chước theo các nước cộng sản mà có được. Nó là đường lối ở giữa, thu nạp được cái hay của mỗi bên, rồi tài bồi thêm những sở kiến của mình. Ta gọi nó là “trung đạo”. Nó giúp cho các nước nhỏ giải thoát được nạn chiến tranh nguội, đồng thời giúp cho cả nhân loại xô dang ra xa cái hoạ chiến tranh thứ ba, cũng như cái trung đạo xưa của Thích Ca Mâu Ni giúp cho cá nhân giải thoát cái khổ nhỏ vậy.
*
Bởi là nhân đạo, xã hội chủ nghĩa này không bóc lột thợ thuyền và nông dân tận xương tuỷ để tích luỹ theo lối sơ khai số tư sản cần thiết hầu kiến thiết kỹ nghệ một cách cấp tốc. Vã lại có kỹ nghệ nhiều thì nước chỉ mạnh về võ lực, mà bởi các thị trường thế giới đều đầy nghẹt hàng hoá rồi, sự kỹ nghệ hoá Á châu và Phi châu chưa phải là lối hay để giải quyết các khó khăn về kinh tế. Hiện nay nạn đói kém, nhất là ở Tàu và Ấn Độ, đương giày vò cả tỉ người, thì điều mà nhân loại đòi hỏi cấp bách hơn cả, là cuộc cách mạng nông nghiệp ở Á châu và Phi châu. Áp dụng đến triệt để máy móc trong nghề canh tác, áp dụng hoá học để làm cho mùa màng tăng lên gấp đôi gấp ba, áp dụng sinh vật để chọn lựa giống tốt hơn, áp dụng tất cả khoa học để chế tạo các đồ dùng từ nông sản, thêm vào sự khai thác những rừng hoang minh mông ở Đông Nam Á và Phi châu... đó là một chương trình cách mạng nông nghiệp sẽ tiêu thụ được bao nhiêu sản phẩm kỹ nghệ của Tây phương cũng như của Đông phương và sẽ cung cấp thức ăn cho bao nhiêu người đói kém cũng như nó sẽ làm giàu cho hàng tỉ khách hàng của các nước kỹ nghệ. Có số khách hàng này trước, sự kỹ nghệ hoá các nước Á Phi sẽ đi sau chẳng muộn. Ấy là, thay vì sự người bóc lột người, một sự tân khai thác thiên nhiên. Lấy vốn ở đâu mà chi phí cho cuộc cách mạng nông nghiệp này? Câu hỏi này là một cái thử thách cho thuyết viện trợ mà các cường quốc cao rao trong mười mấy năm nay. Nếu viện trợ mà không có ý nghĩa thầm kín nuôi cuộc chiến tranh nguội, thì đây là dịp để viện trợ cho các nước yếu đó.
Tiến tới trong con đường của xã hội chủ nghĩa nhân đạo thì tất nhiên nhẹ về oai trị bằng quân đội, công an, cảnh sát mà nặng nề về đức trị bằng luân lý và đạo đức. Vậy cần một văn minh tu sĩ để rèn luyện, uốn nắn, hun đúc người cho càng ngày cao quí đẹp đẽ hơn. Cái văn minh tu sĩ này cũng tuyển trạch giùm cho xã hội những cán bộ chánh trị, kinh tế. Các tăng già xưa, sống bằng khất thực như trong Phật giáo tiểu thặng, sống bằng tự sức mình làm như trong Phật giáo đại thặng, không thể cung cấp các loại cán bộ này được. Phải có những cán bộ mới, lấy sự sáng suốt mà mình nuôi sống mình đồng thời dìu dắt cho quần chúng sống nữa. Một cán bộ là một tu sĩ thêm một chuyên môn, chừng ấy đạo và đời nhất thống rồi, đạo ấy mới thật là xử thế. Đã có lúc tăng già đảm bảo được sự giáo huấn và nền y tế của nhiều nước ở Á châu, thì cũng đến lúc cái tăng già mới của minh đạo cung cấp được cán bộ cho mọi ngành hoạt động.
*
Điều nên cố gắng kế đó là tận dụng những tự do, do sự nhân đạo đảm bảo, mà thu nhập những cái hay về khoa học, về văn chương, về nghệ thuật của cả đôi bên Đông Tây mà làm một cuộc tập đại thành, để xâu dựng một cái văn hoá mới. Có cuộc cách mạng văn hoá này, những nước theo trung đạo mới quyến rũ người lại, những phần tử bên Đông cũng như bên Tây, theo đường lối của mình.
Việc thứ ba là năng gặp gỡ nhau, cũng như ở Bandoeng, để vạch một đường lối chung về chánh trị ngoại giao quốc tế mà chủ đích là tránh nạn chiến tranh nguội và chiến tranh nóng, để trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau và để giúp đỡ lẫn nhau. Trong việc giúp đỡ này, phần quan trọng hơn hết là thoả thuận một chương trình di cư, để cho những nước rộng đất mà thưa dân mở cửa đón rước số người thặng dư ở các nơi có hoạ nhân mãn và đói lạnh. Kế đến là việc trao đổi cán bộ trong mọi ngành hoạt động, những cán bộ len lỏi trong dân gian được và ít đòi hỏi như các cán bộ do sự viện trợ hiện hành.
Nếu có nhiều nước nhỏ như vậy mà ở chung một vùng, như những nước nhỏ ở Đông Nam Á, nhiều nước ở Phi châu, thì nên tổ chức lại thành Tổng liên bang, để xây những viên đá đầu của cái xã hội đại đồng. Được nhiều cái tổng liên bang trung lập như vậy thì cái viễn đồ đặt thế giới trên thế chân vạc mới có cơ thành tựu được.
Chiến tranh nội loạn ở các xứ nhỏ dứt, thì chiến tranh nguội không có cơ khởi nhúm lên được. Chiến tranh nguội không nhúm lên được, thì sự tương tranh giữa hai khối Đông Tây có thể gom về hình thứ đơn giản hơn hết của nó là thử thách với lịch sử coi chế độ nào thích ứng hơn mà tồn tại. Để gom như vậy, cần phải thuận ước nhiều điều như là sự không dùng tinh lực nguyên tử để chế khí giới, tài giảm binh bị và hạ bớt ngân sách chiến tranh, giải quyết ổn thoả một số vấn đề làm cho đôi bên găng nhau, tôn trọng trung lập chế của các nước nhỏ... Những bước đầu này khai mào cho những thi thố có tính cách bền vững hơn, như là giảm bớt chủ quyền của các cường quốc và nhượng một mớ quyền hạn cho Liên hiệp quốc, khoáng đại, để đi tới một chính phủ liên bang thế giới gồm có sự giải tán các quân đội quốc gia, để thay thế bằng một đội quân cảnh sát quốc tế, lập những cơ quan quốc tế để thi hành những kế hoạch tài chánh, kỹ nghệ, nông nghiệp, văn hoá chung cho cả loài người.
Chừng nào đến thế giới đại đồng rồi thì mới hết sợ hoạ chiến tranh và loài người mới bước vào ngưỡng cửa của một ngươn thanh bình.
*
Khi trầm tư, tôi muốn áp dụng lối tư duy của Phật vào một vấn đề mới, đem tứ thánh để làm khuôn, để dắt vào đó vấn đề chiến tranh và hoà bình của thời đại này. Tôi thấy cả hai đường lối của Đông phương và của Tây phương, đều đi ngang qua chiến tranh mới đến cái hoà bình trong ấy mình độc chiếm thế giới. Đường lối thứ ba, cái trung đạo, lấy hoà bình làm mục đích và cũng làm phương tiện, hạp với từ bi và bác ái mà cũng hạp với cao vọng của phần đông các tôn giáo, và vạch thuyết ahima một lối đi hợp lý. Làm như thế, trong đám rừng hình như thượng học, nó không cho mọc chen một cây nào mới để giành chỗ với những cội cũ. Nó không giành phần nắm chân lý với một tôn giáo nào hiện hành. Đặt một vấn đề nhận thật một cái khổ, rồi tìm phương giải thoát nhân loại khỏi cái khổ ấy, minh đạo sẽ có thể đồng minh với nhiều tôn giáo, nhiều phong trào hoà bình đang lan tràn khắp thế giới. Nó có tràn lan mau lẹ chăng là nhờ len lỏi theo lối ấy. Nhưng như thế, lắm phần hình như thượng trong Phật pháp cần phải chỉnh lại. Đó là sứ mạng của người khai đạo, của Maitreya thời nay. Thích Ca Mâu Ni thường ví cái pháp mình như cái bè để đưa người sang bờ bên kia. Hai ngàn năm trăm năm qua, bây giờ không còn chỉ vượt qua một con sông mà cần đưa cả loài người vượt qua cái biển cả đầy sóng to gió lớn. Nếu Maitreya tìm được phương pháp nào thích ứng cho trọng trách mới thì Thích Ca Mâu Ni là người hoan nghinh trước nhất. Nhưng một Maitreya có thể đem hoà bình lại chăng? Hay là hoà bình phải do tất cả loài người cố gắng mới đến được?
Đối với cái khổ tập thể, chỉ có lối giải thoát tập thể mà thôi.
Côn Sơn, tháng Chín 1962
Trầm tư thứ tư: Về nạn đói kém
Cái khổ đang làm mối lo âu hàng ngày của hơn phân nửa loài người là nạn đói kém. Không phải mới bây giờ mới có cái khổ ấy. Vào thời của Thích Ca Mâu Ni, chắc chắn là đã có nó từ lâu rồi, cho nên trong đạo Phật, tăng già đặt sự bố thí làm phép thứ nhất trong lúc đó, và tuy không viết trắng ra, song dạy dân chúng sự nhẫn tùng đối với sự nghèo khổ. Nhưng sau thế kỷ mười chín, trong lúc ấy xảy ra những cuộc cách mạng thợ thuyền ở Âu châu, và sau hai cuộc cách mạng lớn của thế kỷ hai mươi này, cách mạng Nga và cách mạng Tàu, thì quần chúng đói kém hết nghe những lời dạy nhẫn tùng của các tôn giáo nữa. Các đảng chánh trị có cơ sở tôn giáo như ở Đức, ở Pháp, ở Ý đã thấy rõ điều này và ghi sự chống nạn nghèo đói vào chương trình của mình. Đã đến lúc mà Phật pháp phải đạt vấn đề xử thế đối với bạn đói kém này, bằng không thì sẽ bị lịch sử quét bay ra ngoài không phận của nó.
*
Trước năm 1949, vì ảnh hưởng của hơn tám năm chinh chiến, nước Tàu cũ phải trải qua một cơn khủng hoảng trầm trọng về đủ mọi phương diện, chánh trị, tài chính, kinh tế, xã hội. Nạn đói tràn lan khắp nơi làm động lực cho mấy trăm triệu nông dân khởi loạn: cuộc cách mạng, khởi từ các thôn quê hẻo lánh, bao vây các thành thị, để rồi tràn ụp đến không phương chống cự nổi. Nông dân, mượn học thuyết của Marx, và đó là cái éo le của lịch sử, đưa đảng cộng sản lên nắm chính quyền mà giải quyết các vấn đề theo lối độc tài. Riêng có nạn đói kém thì không sao đánh lui nổi. Chánh phủ bèn ban bố những phương pháp độc tài hơn nữa, chế độ công xã hiện ra, thế mà đói kém vẫn còn y như cũ. Nếu chế độ công xã thất bại, xui giục nông dân chống trả lại, thì một điều tuyên truyền xấu cho chính sách độc tài và làm giảm bớt ảnh hưởng của nước Tàu đối với các dân tộc láng giềng.
Ở Ấn Độ, chế độ tư hữu điền địa được tôn trọng hơn và tự do của nông dân được rộng rãi hơn. Nhưng sự gia tăng của sản xuất về nông nghiệp không theo kịp sự gia tăng của nhân số. Chánh phủ thi hành nhiều biện pháp, trong ấy có sự kiểm soát sanh dục. Nhưng nạn đói kém không vì đó mà bớt được.
Ở Tàu cũng như Ấn Độ, để cung cấp công việc cho một số đông thất nghiệp, và tăng gia sản xuất, người ta lập ra những kế hoạch kỹ nghệ hoá, Vì thiếu vốn lớn, nhất là vì thiếu người tiêu thụ, bởi các thị trường quốc tế đều bị các nước khác chiếm hết và cạnh tranh ráo riết, nên sự kỹ nghệ hoá hai nước này không thể mau lẹ được. Không xuất cảng sản phẩm kỹ nghệ, thì lấy tiền đâu mà nhập cảng thực phẩm để bài trừ nạn đói? Bởi vậy cho nên, đối với cả hai nước, muốn bài trừ nạn đó, cũng như muốn tạo một số người tiêu thụ cho kỹ nghệ, điều cần thiết là gia tăng gấp đôi, gấp ba sự sản xuất của nông nghiệp.
*
Cuộc cách mạng nông nghiệp không phải chỉ làm một cuộc cách mạng điền địa. Vả lại, như lịch sử nước Nga đã chỉ trong năm mươi năm này, để động viên đám nông dân, đảng cộng sản nêu ra khẩu hiệu chia đất cho dân cày, thế rồi mười mấy năm sau, Staline lại thâu đất cát để lập đồn điền công cộng và đồn điền Sôviết; và như lịch sử của nước Tàu, chỉ trong khoảng năm sáu năm thôi, chính phủ Tàu phải tịch thâu ruộng đất của nông dân để lập công xã. Thế thì, cuộc cách mạng điền địa chỉ là một khẩu hiệu chánh trị để lừa gạt nông dân, chớ không thay đổi gì được trong nông nghiệp.
Muốn làm cách mạng trong nông nghiệp, cần phải áp dụng phát minh tối tân của khoa học để gia tăng sức sản xuất lên gấp đôi, gấp ba. Điều này ta thấy có thể làm được, nếu ta so sánh năng suất của mỗi mẫu ruộng ở các nước: ở Á châu và Phi châu việc canh tác còn thủ cựu và thô sơ, nếu chỉ áp dụng được những phương pháp hiện hành ở Âu, Mỹ thì là một cuộc thay đổi lớn lắm rồi. Những rừng hoang có thể khai phá, một phần trồng lại, một phần đổi làm ruộng rẫy, sẽ tăng thêm số mẫu đất được trồng trọt. Nhờ những cách trồng cây không đất, một mớ triền núi kém đất sẽ cản xuất được.
Cuộc cách mạng nông nghiệp này cần phải động viên cho nông dân hưởng ứng và huấn luyện cho họ thuần thực được các phép canh tác mới. Những cơ quan của chánh phủ gánh hai trách nhiệm này đã đành, mà các nhà sư có thể trở nên những cán bộ tuyên truyền đắc lực và các nhà chùa, rải rác khắp nơi ở thôn quê có thể biến thành những trường canh nông thực nghiệp. Thay vì chờ có bạn đói rồi đi quyên tiền để chẩn bần, các nhà chùa có thể chống nạn đói nơi căn cội của nó là sự kém sản xuất về nông nghiệp. Họ cũng có thể tổ chức dân nghèo thành những đoàn thể để đi khai phá thêm đất hoang để trồng trọt, miễn cho xứ được nạn khất thực.
*
Thay đổi được nếp sống rồi, mấy nhà sư có thể biến thành những người cầm đầu các đoàn di cư, rời những nơi quá trù mật dụ người làm đến những chỗ thưa thớt cần khai phá thêm mà lập những điểm dinh điền mới, áp dụng những phương pháp canh tác mới.
*
*
Trái lại, nếu đạo Phật dẫn đầu được cuộc cách mạng nông nghiệp mà chống nạn đói kém được đắc quả, thì đạo Phật làm được một việc hi hữu. Dìu dắt được cả tỉ nông dân ở Á châu, đạo Phật sẽ làm gương cho các dân tộc ở Phi châu, được cảm tình của họ, mới có cơ tràn lan qua Phi châu được. Hai thế kỷ trước, ở Âu châu cũng có nạn cơ cực. Nhờ cách mạng công nghiệp mà Âu châu giải quyết nhiều vấn đề, kể cả cuộc cách mạng văn hoá, là phong trào dân chủ. Đến nay, Á châu bị vào lối nghẽn, bởi tiến tới trễ, mà lắm dân tộc chọn lối độc tài, thủ tiêu tự do của con người để nêu cao cái lịnh của đoàn thể. Nếu đạo Phật mở rộng được lối nghẽn ấy, thì thay vào sự giải thoát cá nhân cũ xưa, đem lại cho số đông sự giải thoát tập thể. Điều mà tôi mong muốn vậy.
Nhưng lúc ấu đạo Phật hết còn là phái đại thặng. Ta gọi nó là minh đạo, dùng danh từ mới mà gọi cái mới vậy.
*
Rồi cái chánh trị độc tài phải nhượng bộ ít nhiều cho nông dân, cũng như hồi xưa ở Nga, Lénine nhượng bộ cho họ mà thi hành Tân kinh tế chính sách (NEP). Rồi đường lối của Nga và đường lối của Tàu sẽ lần ra, bàn cờ thế giới đổi nước. Đó là điều mà nhà làm chánh trị nên chủ ý tới.
Mà điều đáng chú ý hơn nữa là sự thay đổi song song, một bên của đạo Phật, nếu có, một bên của chủ nghĩa cộng sản, mỗi bên cổi bỏ những lỗi thời của mình, thêm áp dụng những phát minh của khoa học, triết học từ hồi Marx qua đời cho tới bây giờ, để làm một cuộc tập đại thành. Thì chừng đó không còn chủ nghĩa cộng sản nữa, mà cũng chẳng còn đạo Phật nữa. Một cái lý tưởng mới xuất hiện, thích ứng với loài người của cuối thế kỷ hai mươi và của thế kỷ thứ hai mươi mốt.
*
Nếu ở Miến Điện mà thành công được cuộc cách mạng nông nghiệp và cuộc cách mạng văn hoá, thì ảnh hưởng của sự thành công này sẽ tràn lan qua các nước gần Đông Nam Á và Ấn Độ, rồi đến lượt các nước Tàu. Chừng ấy đặt vấn đề tổng liên bang ở Á châu có thể được hưởng ứng: điều này tuỳ nơi có chiến tranh thế giới thứ ba cùng chăng?
Nếu sớm thực hiện được cuộc cách mạng nông nghiệp và cuộc cách mạng văn hoá cho Đông Nam Á, rồi rủi có chiến tranh thế giới thứ ba nổ bùng ra, Đông Nam Á nên lách mình ra ngoài vòng binh lửa để sau chiến tranh cứu độ cả loài người khỏi nạn đói kém, dĩ nhiên sau cơn tàn sát. Đó là một viễn đồ nêu ra để cho nhà cầm quyền ở Đông Nam Á lưu ý tới.
Đến đây, tôi chỉ nghiên cứu nạn đói và cách chống lại nó bằng những phương pháp tự lực. Nhưng từ khi có Liên hiệp quốc và chánh sách viện trợ của các cường quốc, thì ta cũng chớ nên bỏ qua vấn đề này.
Bấy lâu nay, sự viện trợ này không phù hợp với những sự nhu cầu khẩn thiết của các nước được viện trợ. Người ta giúp tài chánh nhiều để tổ chức quân đội, cảnh sát và công an mạnh hơn chứ không phải để làm những công cuộc dẫn thuỷ nhập điền khai phá hoang vu. Người ta viện trợ súng đại bác, xe tăng và tàu bay hơn là giúp máy cày gặt hay phân bón. Những ngoại tệ được giúp không dùng để mua máy móc cho nông nghiệp, mà để cho các giai cấp hữu sản mua xe hơi và tủ lạnh. Những học bổng cho sinh viên là cốt rèn luyện cho chúng trở nên cán bộ của giai cấp hữu sản chứ chẳng cố gắng đặc biệt đào tạo cán bộ cho nông nghiệp. Các cố vấn gọi qua không có vị nào chuyên cho ngành này.
Nay đến lúc “phản kỳ sở vi” mà tập trung năng lực lại giúp cho Á châu thoát nạn đói kém. Cần yếu nhất lá được vay dài hạn để làm vốn cho mọi khuếch trương nông nghiệp như các công cuộc dẫn thuỷ nhập điền, khai phá đất hoang, mua sắm máy móc và phân bón, cất kho vựa, dựng các nhà máy chế nông sản...
Có viện trợ như thế thì các dân tộc được viện trợ mới biết cám ơn các nước đi viện trợ.
Trầm tư thứ năm: Về nạn nhân mãn
Từ đầu thế kỷ hai mươi, đã có nạn nhân mãn. Nhiều nước kỹ nghệ, nhưng dân số quá trù mật, nhiều nước nông nghiệp, mà thiếu đất để trồng trọt hoặc thiếu vốn để khai thác thêm chỗ cày cấy, nên rất khốn đốn vì nạn này. Lắm nơi, đã thành nguyên nhân cho sự đói kém. Nhiều chỗ, nó đã thôi thúc cho lắm phong trào chánh trị, đem rắc rối tăng thêm sự rắc rối.
Để giải quyết nạn nhân mãn này, một đôi cường quốc đã chủ trương đòi đấy để sống, và mượn cớ đó mở ra những cuộc chiến tranh chinh phục, như Ý ở A-bit-xi-ni và Nhựt ở Mãn Châu, nối tiếp các cuộc chiến tranh thực dân của thế kỷ thứ mười chín. Nhưng cuộc chiến tranh thế giới thứ hai kéo màn mở lớp cho cuộc tranh đấu giải phóng ở tất cả các nơi bị trị, Á châu và Phi châu đã thức tỉnh và mang hia bảy dặm mà rượt theo các nước tiền tiến. Thì tình thế này làm cho sự đòi hỏi trên kia hoá ra ảo vọng, nếu còn đeo mãi cái mộng xâm lăng.
Mà dầu có đạt được cái ảo vọng này, chánh sách dùng chiến tranh để xâm chiếm đất thêm là một biện pháp phản kinh tế. Sự hao tốn về chiến tranh, nhất là với chiến tranh hiện thời, rất nhiều, sánh với số vốn cần thiết để thực hành một cuộc công nghiệp cách mạng đủ nuôi được số dân tính di cư sang đất thưa. Những thủ lãnh chánh trị khôn ngoan không thể nào chọn lựa một phương pháp tai hại như vậy. Vả lại, đốt ngòi cho một cuộc chiến tranh xâm lăng, biết chắc sẽ nắm được phần thắng trong tay chăng? Việc Nhựt lấy Mãn Châu rồi đánh luôn nước Tàu, chiếm cả Đông Nam Á, rồi thua, việc Ý thất bại ở A-bi-xi-ni, sự thắng lợi của các cựu thuộc địa trong các cuộc chiến tranh giải phóng, sự thắng lợi của Ai Cập trong cuộc xung đột ở Trung Đông..., tất cả các điều ấy đều chứng tỏ rằng chiến tranh là bất lợi.
*
Trước nhất là miễn cho các nước đón rước ấy những cái hiểm hoạ hoặc những điều phiền phức. Mà cái hiểm hoạ đầu tiên là sự mất an ninh chánh trị: nếu cho dân kiều cư đến ở mà chúng đem theo những rắc rối như là gây các cuộc khởi loạn, thì chẳng có nước nào bằng lòng. Về điểm này, gương của Tàu, thì năm cộng sản lên nắm chánh quyền nên chẳng có Hoa kiều xuất ngoại được, là một gương làm cho các nước bị hoạ nhân mãn nên nghiền gẫm. Kế đến là nạn trộm cướp, do bọn bất lương mang đến, làm cho chánh quyền phải hao tốn rất nhiều để đàn áp. Sau cùng là nạn thất nghiệp do sự cho vào những kẻ không sanh kế, rồi phải làm thứ ăn hại của xã hội. Còn một viễn đồ cần phải cố tránh trước, là đừng để cho dân trong xứ đón rước thấy một ngày mai sau họ sẽ trở nên là thiểu số đối với một chủng tộc nào khác đến, rồi họ phải diệt tộc cũng như người da đỏ bị ở Mỹ châu.
Nói như thế, tất phải có một kế hoạch quốc tế để dời dân ở các nơi trù mật đến những nơi còn thưa thớt và cần dùng tay là để khai phá thêm. Theo kế hoạch này, cần phải làm hiển hiện những quyền lợi cấp thời và vĩnh viễn của những xứ đón rước, cũng như trong thế kỷ mười tám và mười chín, sự di cư sang Mỹ châu đã làm cho châu này từ bán khai nhảy vọt đi đầu trong lịch sử. Cũng cần cho những nước khác, không có dân cần di cư mà cũng chẳng có quyền lợi gì đón rước người di cư, nhận thấy những quyền lợi to mà ủng hộ một kế hoạch như thế không ngoài một cuộc cách mạng nông nghiệp ở cấp bực quốc tế. Cuộc cách mạng này, có thể thi hành xong trong vài chục năm, sẽ cung cấp đầy đủ thực phẩm cho các dân tộc ở toàn địa cầu, thêm nhiều nông sản nguyên liệu cho kỹ nghệ, sẽ đào tạo thêm một số khổng lồ khách hàng mới cho kỹ nghệ phẩm nhờ mức sống của nông dân lên cao, đổi những xứ bán khai thành những nước trù phú và phân phối lại dân cư trên trái đất.
Nếu có được một chánh phủ liên bang thế giới để chủ trừ kế hoạch này thì các vấn đề pháp lý, tài chánh, kỹ thuật, chuyên môn đều có đủ điều kiện để giải quyết. Nhưng một Liên hiệp quốc, như bây giờ, vì muốn có một viễn đồ an ninh công cộng, có thể đề xướng ra một kế hoạch tích cực như thế. Công việc có hơi chậm trễ và khó khăn hơn, nhưng không phải là không thi hành được.
*
*
Việc thứ nhất là dời qua các hành tinh ấy không khí để nuôi sống vạn vật và nước để nuôi sống cây cỏ. Muốn dời các thứ này phải sẵn có những nguồn tinh lực vô tận và rẻ tiền. Tôi nghĩ đến tin lực của vũ trụ, bấy lâu nay đã gây được nhiều cuộc biến thiên lớn, như là làm cho quả địa cầu mấy lần thay trục, làm cho mặt trăng tách rời trái đấy để thành một vệ tinh, ắt có thể giúp cho ta dời sang qua các nơi kia nước và không khí cần thiết.
Hễ đem bớt nước đi, thì mực nước của các đại dương và các biển có thể sụt xuống độ mấy trăm thước. Điều ấy làm cho bày thêm đất liền cho các địa lục và mọc lên nhiều đảo giữa các biển. Ấy là những đất thêm cho người ở và trồng trọt. Ấy cũng là một cách giải quyết tạm bợ nhỏ nạn nhân mãn, dùng được cho một hai thế kỷ.
*
*
Côn Sơn, tháng Mười Một 1962
______________________________
[1] Thắng hay bị diệt.
[2] Kẻ bị đày địa ngục.
[3] Đường trực tuyến.