Hồ Văn Hảo: nhà “Thơ Mới” của Nam Kỳ Lục Tỉnh

Tiểu sử

Thi sĩ Hồ Văn Hảo cũng là tên thật: sinh ngày 14 tháng 2 năm 1917 tại làng Tân Qui Đông, tỉnh Sa Đéc (Đồng Tháp bây giờ). Ông bắt đầu làm thơ từ 13 tuổi và chính thức góp mặt trên thi đàn năm 1933, trong khi còn ở ghế nhà trường Trung học Mỹ Tho, nhờ sự khuyến khích và chỉ dẫn của Giáo sư Việt Văn Trần văn Hương.

Hồ Văn Hảo hưởng ứng bài Tình già của Phan Khôi bằng một loạt bài thơ mới, hoàn toàn mới về dung nội lẫn hình thức, đăng trên tuần báo Phụ Nữ Tân Văn năm 1933.

Hai bài thơ đầu của Hồ Văn Hảo, Tự tình với trăngCon nhà thất nghiệp, được nữ sĩ Nguyễn Thị Kiêm (Nguyễn Thị Manh Manh) đem trình bày và phân tích trong một buổi diển thuyết sôi nổi tại nhà Hội Khuyến học Nam Kỳ.

Năm 1934, ông đỗ bằng Thành Chung, đồng thời chiếm giải nhất cuộc thi thơ bằng Pháp văn do Nha Học Chánh tổ chức. Năm 1935, cộng tác với Cao Văn Chánh tục bản tờ Phụ Nữ Tân Văn, nhưng ít lâu sau báo bị đóng cửa (chấm dứt ở số 273, 21.4.1935) vì những bài đã kích và châm biến Phạm Quỳnh, lúc bấy giờ là Thượng thư ở triều đình Huế. Năm 1936, đỗ Thủ khoa Kế toán Phòng Thương Mại Sài Gòn, giúp việc tại Đông Dương Ngân Hàng từ đó đến năm 1945.

Năm 1945, ông tham gia kháng chiến và bị Pháp bắt giam ngày 23-9-1945. Năm 1948, lại bị sở Mật thám quản thúc tại Cam Bốt.

Năm 1950, xuất bản tập Thơ Ý. Từ đó về sau sống với nghề kế toán.

Năm 1968, Hồ Văn Hảo sống ẩn dật ở đồng quê, vùng Chợ Lách (Vĩnh Long).

Ông đã soạn xong tập Loạn Lạc nhưng chưa xuất bản.

Vài thi phẩm

Bài Con Nhà Thất Nghiệp là bài Thơ Mới đầu tiên theo khuynh hướng hiện thực, đăng trên Phụ Nữ Tân Văn số 208 (20-7-1933), trong khi các nhà Thơ Mới khác làm thơ lãng mạn hoặc tả tình. Bà Nguyễn Thị Manh-Manh đã phê bình bài này mà lúc đó “người ta cho là chẳng phải thơ, chỉ vì chẳng phải than thân trách phận, tả cảnh hoa tàn nguyệt xế, xuối chảy chim ngâm, mà là một cảnh thiết thật, một cảnh khổ có thật trong đời: người thất nghiệp.

“Có lẽ trong thơ văn, người cu li ở trần quần vắn là một động vật không có gì lãng mạn chăng? Có lẽ cái bi kịch của một người nghèo khó phải đi ăn trộm ‘hụt’, chúng hay được la ‘ăn trộm’ rồi anh chạy trốn, bi kịch ấy không gì lạ đáng để ý chăng?”.

Các bài thơ sau đó như Tình Thâm, Thi Nhân Với Cuộc Đời, ... cùng đăng trên Phụ Nữ Tân Văn, nhà thơ Hồ Văn Hảo càng tỏ ra là một nhà thơ của nghệ thuật vị nhân sinh và là một nhà thơ tranh đấu xã hội. Nhưng năm 1934, ông chuyển sang thơ lãng mạn theo phong trào Thơ Mới lúc bấy giờ; với những bài như Yêu, Tiên Thề, Ly Biệt, ... Năm 1945, khi tham gia kháng chiến, thơ ông mang thêm khí thế của tuổi trẻ lên đường (bài Thanh Niên, ...).