Bác sĩ Hồ Văn Hiền
Phần I
Các bước thành hình của diaspora người Việt ở Hoa Kỳ kể từ năm 1975 đến nay
Từ đợt đầu di tản sau biến cố 30/4/1975, chừng 125,000 người. Vào ngày 29 tháng 4 năm 1975, khi bộ đội miền Bắc tiến vào Sài Gòn, Hoa Kỳ đã ra lệnh sơ tán ngay lập tức nhân viên Hoa Kỳ và hàng nghìn quan chức quân sự và ngoại giao của miền Nam Việt Nam. Các kênh truyền hình tin tức Mỹ đã phát đi những hình ảnh đau lòng về cuộc không vận hỗn loạn, trong đó có đám đông công dân miền Nam Việt Nam tuyệt vọng tràn ngập ngoài cổng Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn. Làn sóng đầu tiên đến vào năm 1975 như một phần của 140.000 người của Đông Dương được sơ tán ban đầu qua lệnh của Tổng thống Gerald Ford. Những người tị nạn đó, hầu hết đều có trình độ học vấn và nói được một ít tiếng Anh, đã nhận được sự chào đón nồng nhiệt từ công chúng Mỹ mong muốn được xóa bỏ ít nhiều mặc cảm tội lỗi về việc quân đội Mỹ đột ngột rời khỏi miền Nam Việt Nam. Đến năm 1978, kinh tế Mỹ bắt đầu suy thoái và sự chào đón nồng nhiệt này không còn nữa[1].
Đợt thứ hai là các thuyền nhân (boatpeople), cao điểm vào năm 1978-1979 (năm diễn ra chiến tranh biên giới với Cambodia và Trung Cộng) tiếp diễn cho đến giữa thập niên 1980. Cuối cùng, Indonesia đóng cửa trại tị nạn ở Galang năm 1996; Thái Lan năm 1997; Philippines năm 1997, Hồng Kông năm 2000. Năm 2001, Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn chính thức dẹp bỏ trại tị nạn cuối cùng đặt tại Malaysia, chấm dứt 21 năm Cao ủy Tỵ nạn hợp tác ở nước này để giúp người vượt biển đến từ Việt Nam[2].
Đợt thứ 3 vào các thập niên 1980-1990. Để đối phó với những khó khăn mà thuyền nhân phải chịu đựng và hội nghị Geneva ngày 14 tháng 6 năm 1980 về Người tị nạn Đông Dương, chính phủ Hoa Kỳ đã cho phép người Việt Nam nhập cư vào Hoa Kỳ thông qua chương trình ra đi có trật tự ODP (Orderly Departure Program) của UNHCR (Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc). Các diện sau đây được định cư ở Mỹ theo các chương trình này: đoàn tụ gia đình, cựu nhân viên Hoa Kỳ, và cựu tù nhân cải tạo. Các cựu tù cải tạo nhập cư vào Hoa Kỳ thông qua chương trình con (subprogram) của ODP gọi là Chiến dịch Nhân đạo (HO).
Chương trình ra đi có trật tự đã giúp hơn 500.000 người tị nạn Việt Nam nhập cư vào Hoa Kỳ trước khi chương trình này kết thúc vào năm 1994.
Vào tháng 11 năm 2005, Hoa Kỳ và Việt Nam đã ký một thỏa thuận mở lại ODP và gia hạn Tu chính án McCain (cho phép con cái của các cựu tù nhân cải tạo được nhập cư với cha mẹ của họ). Việc gia hạn ODP kết thúc vào tháng 2 năm 2009, với Tu chính án McCain hết hạn vào tháng 9 năm 2009.
Năm 1987, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật Hồi hương Con Lai Mỹ-Á (Amerasian Homecoming Act), cho phép trẻ em Việt Nam có cha là người Mỹ nhập cư vào Hoa Kỳ, cho phép ước tính khoảng 23-25.000 con lai và 60-70.000 người thân của họ nhập cư vào Hoa Kỳ.
Theo thống kê của Tổ chức Di dân Quốc tế (IOM), mỗi năm, Việt Nam có trung bình hơn 100.000 người di cư, đa số là những người có học vấn hay lợi tức cao ở trong nước và Việt Nam đang nằm trong top 10 quốc gia có số du học sinh nhiều nhất thế giới (theo SBS, Australia).
Theo Cơ quan Lao động Quốc tế (ILO): “Tổng cộng có khoảng 80.000 người Việt Nam rời đất nước đi làm việc ở nước ngoài mỗi năm. Khoảng 400.000 lao động Việt Nam hiện đã có mặt tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Dòng tiền hằng năm của người di cư lao động đạt khoảng 2 tỷ USD trong những năm gần đây, cho thấy ý nghĩa kinh tế của di cư lao động. Thật không may, cũng có những vấn đề đáng kể liên quan đến việc di cư lao động: người sử dụng lao động vi phạm quyền của người lao động, người lao động vi phạm hợp đồng và đào ngũ, mạng lưới tuyển dụng bất hợp pháp, và đáng kể nhất là vi phạm các quy định của chính phủ về thủ tục tuyển dụng[3].
Nhân đây chúng ta nhắc lại một số dấu mốc lịch sử về người Việt đi ra sống ở ngoại quốc.
Đợt đầu tiên đông người Việt rời khỏi quê hương là khoảng năm 1914-1918 của Thế Chiến thứ nhất lúc 50 ngàn thợ thuyền và 50 ngàn lính Đông Dương (Việt-Miên-Lào) được gởi qua tăng cường cho lực lượng lao động và quân sự Pháp. Tuy nhiên đa số những người này hồi hương sau chiến tranh. Trong thập niên 1920 chỉ còn chừng 8000 người Việt ở lại Pháp, đa số là quân nhân.
Đợt di dân thứ 2 (tạm thời và cưỡng bách) của người “lính thợ” Việt đến Pháp xảy ra vào cuối năm 1939 trước cuộc chiến tranh ngắn ngủi giữa Pháp và Đức, khi thế chiến thứ 2 bắt đầu. Tình trạng lộn xộn của thời kỳ sau khi Pháp đầu hàng Đức (Chính phủ Vichy của Thống chế Pétain) và các biến cố lúc nước Pháp được Đồng Minh giải phóng năm 1945 làm trì hoãn việc hồi hương của các lính thợ và việc hồi hương của họ chỉ kết thúc năm 1952.
Hiện nay có chừng 4,5 triệu người sinh tại Việt Nam hay gốc người Việt Nam sinh sống tại hải ngoại (các báo ở VN cho con số cao hơn, chừng 5,3 triệu người Việt định cư tại nước ngoài, ví dụ báo Nhân Dân năm 2020, do Wikipedia trích dẫn). Chừng một nửa số này sống ở Mỹ (Người Mỹ gốc Việt), và điều đáng ngạc nhiên là Cambodia là nước thứ nhì về số lượng di dân người gốc Việt. Con số này ước tính chừng 500 ngàn cho đến một triệu người theo Wikipedia, nhưng theo website minorityrights.org, thì mặc dù con số chính thức của chính phủ Cambodia là dưới 15,000 người (0,1% dân số), trên thực tế số người Việt chừng 400.000-700.000 với 90% là “vô quốc gia” (stateless) và không có thẻ căn cước hay giấy khai sinh. Sau khi Khmer Đỏ chiếm Cambodia năm 1975, đa số người Việt chạy ra khỏi xứ, chỉ còn chừng 20.000 ở lại và đa số bị giết chết. Sau đó thì người Việt lại từ Việt Nam trở lại Cambodia.
Về Hàn quốc, là điểm đến số một của các cô dâu Việt Nam, “Theo số liệu 2020, trong số 2,036,075 người nước ngoài cư trú tại Hàn, người Trung Quốc chiếm 44%, tương đương 894,906 người. Ở vị trí thứ 2 là người Việt Nam với 211,243 người, chiếm gần 10,4%.”Tuy nhiên nếu chúng ta đếm luôn các con cái con của trên 40 ngàn cô dâu Việt với chồng người Hàn chắc con số diaspora Việt sẽ cao hơn số này.
Bối cảnh chính trị xã hội
Người Việt nhập cư Hoa Kỳ trước 1975 không đáng kể. Vào những năm 1950, dân số người Việt nhập cư sống ở Hoa Kỳ chỉ ở mức thấp hàng trăm người. Những người nhập cư này thường là sinh viên, cô dâu có chồng Mỹ trong chiến tranh hoặc những người có nghề nghiệp trình độ cao chẳng hạn như bác sĩ. Dân số này không tăng cho đến gần cuối Chiến tranh Việt Nam, thập niên 1970 số người Việt tăng đột biến. Chiến tranh Mỹ tham gia ở Việt Nam cũng là thời kỳ hoang mang và chia rẽ đối với người dân Hoa Kỳ.
Là một trong những cuộc chiến dài nhất và bị ghét nhất của Hoa Kỳ, cho nên những người Việt nhập cư sau cuộc chiến này lại càng gặp khó khăn. Với tình cảm phản chiến vẫn còn mạnh mẽ và nước Mỹ vẫn còn quay cuồng đối phó với những thương vong của một cuộc chiến gây tranh cãi như vậy, những người nhập cư Việt Nam thấy mình phải đối đầu với “sự phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử và loại trừ”, nói theo ngôn ngữ hiện nay của những người phe tả “racism, discrimination, exclusion”.
Hồi đó. chúng ta từ trại tỵ nạn mới đến Mỹ, đối với không ít người cảm giác tựa như được lên thiên đàng rồi, và cảm tình chính là lòng biết ơn với đất nước này đã cưu mang chúng ta, cho chúng ta một cuộc sống tự do, sung túc. Nên chúng ta không nhận thức những phân biệt đối xử, nếu có chúng ta cũng thông cảm, dễ bỏ qua, hoặc chịu không nổi thì tìm đi ở chỗ khác. Tuy nhiên, thời đó có phim Alamo Bay (1984), do Louis Malle đạo diễn, nói về cuộc xung đột 4 năm trước giữa người Việt tỵ nạn đánh cá trong vịnh Galveston ở Texas và các ngư phủ da trắng bị mất quyền lợi làm ăn của họ, được nhóm KKK hỗ trợ và huấn luyện quân sự. Nhưng cuối cùng “Về lâu dài, người Việt Nam không chỉ tiếp tục bám biển mà còn phát triển mạnh mẽ. ‘Chúng tôi thích thời tiết ở đây, chúng tôi thích đánh bắt tôm, chúng tôi thích cơ hội bắt đầu công việc kinh doanh của riêng mình,” một người nói với The Washington Post vào năm 1984. Tờ báo gọi đó là “câu chuyện cổ điển về người nhập cư của Mỹ. Họ đến, họ làm việc vất vả, họ hy sinh, họ vượt qua sự thù địch và bạo lực, họ đã chiến thắng.”
Nhưng đây chính xác là nỗi sợ hãi mà [người thuộc KKK ông] Beam đã “vũ khí hóa”: Người da trắng đã thua cuộc. Đến năm 1984, một ngư dân kể rằng trong số 150 chiếc thuyền cập cảng, có thể 25 chiếc thuộc sở hữu của người Mỹ. “Hãy đối mặt với nó,” ông nói, “họ đã xóa sổ chúng ta.”[4]
Sau Chiến tranh Việt Nam, có hai làn sóng người nhập cư khác nhau đến Hoa Kỳ. Làn sóng đầu tiên diễn ra sau khi Sài Gòn thất thủ vào tháng 4 năm 1975; 125.000 người tị nạn Việt Nam chạy sang Hoa Kỳ. Những người nhập cư này là những người làm việc chặt chẽ với quân đội Hoa Kỳ hoặc có các vị trí nổi bật trong chính phủ miền Nam Việt Nam và sợ bị chính quyền cộng sản miền Bắc Việt Nam hành quyết. Làn sóng di cư đầu tiên này phải đối mặt với một cuộc di tản hỗn loạn ra khỏi đất nước và họ thường bị tách khỏi các thành viên trong gia đình. Khi đến Hoa Kỳ, những người nhập cư này được đưa đến làm thủ tục tại các trại tạm cư rải rác trên nước Mỹ, ở California, Pennsylvania, Arkansas và Florida. Sau đó, họ được chuyển đến ở gần những người bảo trợ, nhận “đỡ đầu” họ đáp ứng các nhu cầu căn bản. Quá trình di tản khỏi đất nước mình và được tập trung ở các trại tạm thời trong nước Mỹ trong khi chờ đợi một người bảo lãnh là một trải nghiệm độc đáo cho tới thời điểm đó chỉ xảy ra với những người nhập cư Đông Nam Á. Năm 2022, sau khi Mỹ đột ngột rút ra khỏi Kabul, Afghanistan, 76000 người tỵ nạn nước này cũng tạm thời ở trong các căn cứ quân sự Mỹ trong nhiều tháng, có người phải ở trong các khách sạn một thời gian trước khi được bảo lãnh định cư.
Làn sóng người nhập cư thứ hai diễn ra vài năm sau đó từ cuối những năm 1970 cho đến giữa những năm 1980. Những người nhập cư này rời Việt Nam sau khi chế độ cộng sản tìm cách thay đổi mọi mặt cuộc sống ở nước Việt Nam mới được thống nhất. Những người nhập cư này được cho là mối đe dọa đối với chính phủ cộng sản đã phải đối mặt với các trại cải tạo, thực tế là những trại lao động khổ sai. Cùng với làn sóng di cư thứ hai là những người vì lý do tín ngưỡng hay thuộc thành phần kinh tế được coi như có tội với chế độ (ví dụ tư sản mại bản).
Vô số người tị nạn chạy trốn khỏi Việt Nam trên những chiếc thuyền nhỏ, nguy hiểm đến các nước lân cận như Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines hoặc Hồng Kông để chờ được chấp nhận trong các trại tị nạn để đi đến Hoa Kỳ, Úc, Pháp hoặc Canada. Tuy nhiên, do các con thuyền này không an toàn, và do nạn hải tặc cướp bóc trên biển, khoảng 200.000 đến 400.000 người Việt Nam đã bỏ mạng trên đường vượt biển. Đối với một số người Mỹ, đi tìm một đời sống tốt hơn không phải là lý do chấp nhận được để nhập cư vào Mỹ, do đó họ có một cái nhìn tiêu cực và võ đoán về thuyền nhân đến Hoa Kỳ. Tuy nhiên, việc thuyền nhân sẵn sàng rời bỏ quê hương và liều mạng để cố gắng đến được các nước tự do cho thấy sự tuyệt vọng mà người Việt Nam phải trải qua trong những năm sau khi Sài Gòn sụp đổ và làm cho người ta có cảm tình với thuyền nhân hơn, kể cả những người nổi tiếng phe tả trước đây chống chính phủ VNCH như triết gia Jean Paul Sartre.
Một vấn đề lớn đối với làn sóng người tị nạn Việt Nam đặc biệt làn sóng thứ hai (thuyền nhân) là “Rối loạn căng thẳng sau chấn thương” (PTSD) do những nỗi kinh hoàng mà họ phải đối mặt khi rời đất nước để đến Hoa Kỳ. Những người bị PTSD thường không tìm kiếm sự giúp đỡ vì sự kỳ thị tiêu cực liên quan đến bệnh tâm thần trong những năm 1970 và 1980. Họ thường trải qua những cơn ác mộng, trầm cảm và họ thể hiện những hành vi có vẻ như chống đối xã hội. Các triệu chứng mà họ gặp phải tương tự như các triệu chứng của người lính Mỹ mắc PTSD từng tham chiến ở Việt Nam. Căn bệnh tâm thần này khiến một số người tị nạn càng khó hòa nhập với văn hóa Mỹ, kiếm việc làm hoặc hòa nhập với cộng đồng mới của họ ở Hoa Kỳ. Theo một nghiên cứu năm 2006 của Viện Tiểu đường, Tiêu hóa và Bệnh thận Quốc gia, khoảng 70% người tị nạn Đông Nam Á được chăm sóc sức khỏe tâm thần được chẩn đoán mắc chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương[5].
Một khó khăn lớn trong việc thích ứng với môi trường mới là sự tản mát ban đầu của những người nhập cư Việt Nam. Những người nhập cư được bảo trợ đã di chuyển khắp nước Mỹ, gây khó khăn cho chúng ta là những người từ một nền văn hóa phụ thuộc quá nhiều vào gia đình và cộng đồng. Trường hợp điển hình là nhân vật truyền thông nổi tiếng Leyna Nguyễn, năm 1975 cô 5 tuổi, cùng theo gia đình di tản qua Hoa Kỳ và định cư tại tiểu bang Minnesota, nơi rất vắng vẻ và không có người Việt. Một hôm gia đình cô tìm được sau vườn một rau gì đó giống rau ở Việt Nam, đem về nấu ăn, ngon quá nên ngủ say. Đến lúc sponsor về thấy tưởng là cả nhà bị ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên đây cũng là yếu tố giúp cho cô nói đúng giọng Mỹ và thành công trong môi trường rất cạnh tranh của kỹ nghệ truyền thông truyền hình dòng chính của Mỹ.
Như chúng ta đã bàn ở trên, nói chung dân Mỹ rất bất mãn về Chiến tranh Việt Nam. Những người nhập cư Việt Nam thường phải đối mặt với sự phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử từ công dân Mỹ, đặc biệt là trong những năm sau Chiến tranh Việt Nam. Tình cảm bài châu Á này bắt đầu từ cuối thế kỷ 19 (với người Tàu) và tiếp tục kéo dài đến những năm 1970 và 1980.
Theo một cuộc thăm dò năm 1975 của Gallup, hơn một nửa công chúng Hoa Kỳ không đồng ý với việc tái định cư của người Việt sang Hoa Kỳ. Thái độ này đối với việc người Việt Nam nhập cư ào ạt là do dân Mỹ đã chán ngấy cuộc chiến ở Việt Nam, trong khi có những dữ kiện thống kê cho thấy xu hướng ở Mỹ coi người Việt Nam là “kẻ thù”, mặc dù hầu hết người tị nạn Việt Nam đã từng đứng về phía Mỹ trong chiến tranh, có lẽ họ hiểu sai đây là cuộc chiến giữa Mỹ và Việt Nam, thay vì thực chất là một cuộc nội chiến giữa người Việt miền Nam đồng minh với Mỹ và người Việt miền Bắc được thế giới cộng sản hỗ trợ.
Không có giải thích chính xác lý do đằng sau dữ liệu từ cuộc thăm dò, nhưng nó khiến việc tái định cư cho những người nhập cư Việt Nam sau chiến tranh trở nên vô cùng khó khăn.
Những thay đổi trong đời sống của người Mỹ gốc Việt qua 48 năm
Sau một vài năm ở Mỹ và đã quen hơn với vùng đất mới của họ, những người nhập cư Việt Nam đã chuyển đến các khu vực đô thị lớn để tạo ra các “biệt khu dân tộc” (ethnic enclaves) với những người Mỹ gốc Á khác. Ví dụ nổi bật nhất của những vùng đất này là “Little Saigon” ở Quận Cam, California. Gần đây hơn, dân số người Mỹ gốc Việt vào khoảng trên hai triệu người, đây là số người Việt Nam lớn nhất sống ngoài Việt Nam. Việc tái định cư của người Việt nhập cư vào một cộng đồng người Mỹ gốc Á giúp họ dễ dàng thích nghi với một nền văn hóa mới như vậy.
Cách Los Angeles khoảng 45 dặm (72 km) về phía nam, Westminster từng là một thành phố ngoại ô thuộc tầng lớp trung lưu chủ yếu là người da trắng của Quận Cam (Orange County) với nhiều đất nông nghiệp, nhưng thành phố này sau đó đã xuống dốc vào những năm ‘70.
Năm 1975, 50.000 người Việt đáp máy bay xuống phi trường El Toro ở Camp Pendleton Marine Corps Base. “Lính Thủy quân lục chiến dựng một thành phố lều đồ sộ trên sườn đồi bụi bặm của Trại Pendleton và múc ra những bát phở bò, mì phết bơ và cơm trắng với dưa chuột thái lát. Một số TQLC mở ví bỏ tiền mua đũa cho người tỵ nạn. Nhưng không phải ai cũng chào đón họ như vậy. Lúc đầu, Quận Cam bảo thủ có vẻ không phù hợp với nghững người Việt mới đến này. Gần như ở mọi ngã rẽ, họ đều bị hắt hủi, đổ lỗi và bị bảo là hãy giống người Mỹ hơn. Nhưng hóa ra chính trị chống cộng, tinh thần cạnh tranh và trái tim kinh doanh của họ cũng giống như người Mỹ.”[6]
Từ năm 1978, trung tâm của Little Saigon từ lâu đã là Đại lộ Bolsa. Những người tiên phong như Danh Quách mở một nhà thuốc tây với vốn 37 ngàn đô la và Frank Jao buôn bán nhà cửa. Tên Việt của Frank Jao là Triệu Như Phát, ông người Việt gốc Hoa ở Hải Phòng, di cư vào Đà Nẵng năm 1954 và theo học lớp về địa ốc tại một trường đại học cộng đồng sau khi tới Mỹ. Ông hiện là một trong 4 tỷ phú gốc Việt tại Mỹ, và là chủ nhân nhiều cơ sở thương mại lớn ở Little Saigon, hoạt động từ thiện và là chủ tịch của Quỹ Giáo dục Việt nam (Vietnamese Education Fund). Cũng năm đó, Nhật báo Người Việt nổi tiếng cũng bắt đầu xuất bản từ một tư gia ở Garden Grove.
Những người Mỹ gốc Việt mới đến khác đã sớm hồi sinh khu vực bằng cách mở cơ sở kinh doanh của riêng họ tại các cửa hàng cũ trước đây thuộc sở hữu của người da trắng và các nhà đầu tư đã xây dựng các trung tâm mua sắm lớn có nhiều doanh nghiệp kinh doanh. Cộng đồng và doanh nghiệp Việt Nam sau đó đã lan sang Garden Grove, Stanton, Fountain Valley, Anaheim và Santa Ana lân cận. Năm 1988, một biển báo đường cao tốc tắt được đặt trên Xa lộ Garden Grove (Quốc lộ 22) chỉ định các lối ra dẫn đến Little Saigon.
Vùng đô thị Washington (Washington Metropolitan Area) là một nơi khác được những người nhập cư Việt Nam đến định cư ưa chuộng vì nhiều lý do. Nhiều người Việt Nam trong làn sóng nhập cư đầu tiên có quan hệ với chính phủ hoặc đại sứ quán Hoa Kỳ. Bắc Virginia nổi lên như một địa điểm thích hợp trong khu vực để tái định cư vì nhiều lý do. Các quan chức Đại sứ quán đã hướng những người tị nạn về phía Bắc Virginia, và quận Arlington có các nhà tài trợ như Giáo hội Công giáo. Sau khi làn sóng người nhập cư đầu tiên định cư ở vùng Clarendon, thuộc Arlington phía bên này sông Potomac, đối diện với Washington, DC, các mối quan hệ gia đình và xã hội có sẵn tạo nên mạng lưới để những người nhập cư trong tương lai gia nhập nhóm dân cư này. Lúc đầu, 15% (3.000 người) dân số Việt Nam ở Mỹ cư trú tại khu vực Washington, D.C. và nhiều người khác tham gia sau đó. Các khu vực đông người Việt định cư nhất ở Bắc Virginia là khu phố Clarendon dọc theo Đại lộ Wilson và Columbia Pike, kéo dài về phía tây tới Falls Church và Annandale. Sau đó một thời gian, vì khu Clarendon được chỉnh trang và xây dựng lại sau khi có đường metro đi ngang qua, các cơ sở kinh doanh của người Việt phải dời đi chỗ khác, và nơi đến mới là Trung Tâm Eden, ở khu Seven Corners, thành phố Falls Church, thuộc Fairfax County. Một luật sư người Việt ông Nguyễn Văn Gioan mướn lại một siêu thị Grand Union đã đóng cửa từ lâu, gia đình ông hùn hạp, chia ra làm nhiều ngăn nhỏ cho ngừoi Việt thuê. Tên EDEN được chọn vì lý do giản dị là chỉ gồm có 4 chữ cái nên làm bảng hiệu ít tốn kém hơn, theo lời bà Gioan kể lại.
Năm 1984, trung tâm mua sắm Eden Center khai trương, mang lại 20.000 sf không gian bán lẻ giá cả phải chăng cho khu vực. Năm 1997, chủ Do Thái lấy lại khu địa ốc này và 32.400 square feet đã được thêm vào Trung tâm Mua sắm Eden, cũng như một tháp đồng hồ mang tính biểu tượng nhắc đến tháp đồng hồ chợ Bến Thành, một cổng chào và vào thời điểm đó, đây là một trong những khu mua sắm lớn nhất của người Việt ở Hoa Kỳ. Trung tâm Eden trở thành một trung tâm thương mại và hoạt động của người Việt Nam. Năm 2007, “Ra khỏi Sài Gòn, Vào Little Saigon,” (Exit Saigon, Enter Little Saigon) một cuộc triển lãm lưu động của Trung Tâm Người Mỹ Gốc Châu Á Thái Bình Dương thuộc viện Smithsonian, trong chuyến du hành khắp nước Mỹ trong 3 năm, tạm thời được đặt tại Trung tâm Eden để kể câu chuyện về trải nghiệm di cư và thích nghi của người Mỹ gốc Việt ở Mỹ. Trung tâm Eden hiện nay được coi là nơi tập trung các dịch vụ và hàng hóa của Việt Nam tại Bắc Virginia, cũng như toàn bộ Bờ Đông. Vào năm 2014, Eden Center là nơi có 120 cửa hàng và nhà hàng, hầu hết đều là của người Việt Nam.
Có những căng thẳng giữa lực lượng cảnh sát của Falls Church, một thành phố nhỏ nhưng giàu có bậc nhất nước Mỹ với chừng 15 ngàn dân, và giới buôn bán ở Trung Tâm Eden. Vào ngày 11 tháng 8 năm 2011, các đặc vụ liên bang, Cảnh sát Bang Virginia và cảnh sát địa phương đã cùng nhau đột kích vào một số cơ sở kinh doanh ở Trung tâm Eden, thu giữ hơn 1 triệu đô la tiền mặt từ một cơ sở kinh doanh và một lượng nhỏ từ các cơ sở kinh doanh khác. Ngoài ra họ còn thu giữ một số “máy đánh bạc”; và 19 người bị bắt vì tình nghi phạm tội cờ bạc và rượu (gambling and alcohol crimes). Cảnh sát đổ lỗi cho băng đảng Dragon Family, một băng nhóm tội phạm người Mỹ gốc Việt hoạt động tại các trung tâm của người Mỹ gốc Á trên khắp Bắc Mỹ. Không có cáo buộc trọng tội (felony) nào được đưa ra, và cuối cùng, mặc dù một số bị cáo đã nhận tội, nhưng nhiều người đã bị hủy bỏ vụ án trước khi xét xử (cases dismissed). Ít nhất một bị cáo đã ra tòa và được tuyên vô tội. Cuộc đột kích đã gây ra căng thẳng giữa các cơ sở kinh doanh của Trung tâm Eden và chính quyền Thành phố Falls Church. Sau cuộc đột kích thứ hai, 5 tháng sau, các nghi phạm đã bị bắt giữ với nhiều tội danh đánh bạc và rửa tiền, nhiều người trong cộng đồng cáo buộc cảnh sát phân biệt chủng tộc và điều tra yếu kém.
Hiện nay khu Eden đóng góp trên một triệu đô la thuế mỗi năm cho ngân quỹ thành phố Falls Church. Thành phố vừa công bố một dự án lâu dài để nâng cấp khu Eden cùng với vùng nhỏ bao quanh. Người Việt địa phương cũng đang tự tổ chức để có tiếng nói mạnh mẽ hơn vào quá trình cải thiện khu phố này đồng thời bảo vệ bản sắc Việt nam cũng như ngăn ngừa đừng để quá trình “gentrification” làm cho các tiểu thương người Việt bị loại bỏ khỏi khu phố này vì giá cả tăng quá nhanh.
Một điểm đáng chú ý đối với vùng Hoa Thịnh Đốn gần thủ đô Mỹ, là khác với những nơi khác như ở Cali, người Việt ở đây chỉ sinh hoạt thương mãi tập trung ở khu Eden; tư gia của họ không quy tụ về một nơi mà họ sống xen kẽ cùng với các sắc dân khác, đặc biệt là người da trắng trong các vùng ngoại ô có tính các cư dân (residential).
Người Việt thích ứng với xã hội “dòng chính”
a) Tiếng Anh: Khó khăn lớn nhất của người Việt nhập cư là vấn đề ngôn ngữ, họ không thông thạo tiếng Anh, khiến việc tìm việc làm và giao tiếp với người Mỹ khác rất khó khăn. Một số người Việt đã có vốn liếng nhiều ít về tiếng Anh nhưng đại đa số, nhất là thành phần thuyền nhân không biết nói tiếng Anh. Một trường hợp nổi tiếng là giáo sư Nguyễn Văn Tuấn tại Úc, vượt biên đường biển, lúc mới qua Úc -theo như lời ông vì muốn thấy con kangaroo- phải rửa chén, phụ bếp vì không biết tiếng Anh, nhưng sau này tự học tiếng Anh, lấy bằng tiến sĩ và trở thành một giáo sư y khoa khảo cứu về bệnh loãng xương tại Úc.
b) Dị biệt văn hóa: Những người nhập cư Việt Nam cũng phải đối mặt với một số cú sốc văn hóa đáng kể từ sự khác biệt giữa văn hóa (theo nghĩa phong tục, nếp sống) Mỹ và Việt Nam. Những người sống ở các bang như Pennsylvania đặc biệt gặp khó khăn trong việc thích nghi vì khí hậu lạnh giá của vùng Đông Bắc nước Mỹ khác biệt rõ rệt với khí hậu nhiệt đới của Việt Nam.
c) Một vấn đề khác đối với người Việt Nam là các chứng chỉ hoặc bằng cấp của Việt Nam Cọng Hòa (cũng như Châu Á) chưa được công nhận ở Hoa Kỳ, khiến những người có học không có việc làm. Điều này cùng với trình độ tiếng Anh hạn chế đã dẫn đến tình trạng thất nghiệp của người Việt di cư trong những năm sau 1975.
d) Tuy nhiên, phải công nhận là có những cơ chế giúp người tỵ nạn trở lại nghề nghiệp của mình, đặc biệt là ngành y, nha, dược; hầu hết những người có bằng cấp từ Việt Nam sau thời gian học tiếng Anh, tái huấn luyện hoặc huấn luyện thêm về chuyên môn họ đều có cơ hội hành nghề lại ở Mỹ, Canada, Pháp và do đó tạo một tầng lớp chuyên môn với trình độ cao, không những cho ngành y tế của Mỹ nói chung, mà một số lớn phục vụ cho các cộng đồng Việt nam đang thành hình. Các thành viên chuyên môn phục vụ riêng cho cộng đồng thiểu số Việt là một trường hợp ít thấy trong các cộng đồng thiểu số khác như người Mỹ gốc Châu Phi, người gốc Châu Mỹ la tinh.
e) Một trong những vấn đề lớn nhất mà người Mỹ gốc Việt vẫn gặp phải ngày nay là tìm kiếm sự cân bằng giữa việc giữ di sản và truyền thống Việt Nam cùng với việc cố gắng thích nghi với văn hóa Mỹ để họ có thể thành công trong môi trường mới.
f) Việt Nam là một xã hội truyền thống gia trưởng, theo luân lý “Khổng Mạnh”, điều này không đúng với Mỹ. Phong cách nuôi dạy con giữa cha mẹ Việt Nam và cha mẹ Mỹ có sự khác biệt đáng kể, khiến phụ huynh Việt nam có thể gặp những khó khăn với chính quyền sở tại, như việc đánh đập con cái để dạy dỗ (“thương cho roi cho vọt”), buộc con cái vâng lời cha mẹ tuyệt đối (“cá không ăn muối cá ương”), tham gia vào sinh hoạt hội phụ huynh, dùng thuốc men truyền thống… Người ta thường nói rằng người Mỹ gốc Việt và nhất là con cái của họ cảm thấy như họ sống ở hai thế giới khác nhau cùng một lúc.
g) Đó là những gì xảy ra trước đây khá lâu. Hiện nay, cục diện thế giới hoàn toàn khác máy chục năm trước, thế hệ tỵ nạn đã dần dần được thế hệ 1.5 và 2, 3 thay thế. Các dị biệt về ngôn ngữ và văn hóa phai nhòa đi nhiều, có chăng phần lớn còn tồn tại ngay trong nội bộ cộng đồng hay gia đình giữa những người Việt già và những người Mỹ gốc Việt trẻ. Ngay cả cái gọi là “văn hóa Mỹ dòng chính” cũng đang bị thách thức với trào lưu mới về đa nguyên hay đa dạng (diversity), công bằng (equity) và bao gồm (inclusivity) của một xã hội hướng về đa văn hóa.
Về vai trò của quê nhà và lịch sử, quá khứ trong văn chương hải ngoại
Phạm thị Hoài, một nhà văn và nhà báo sanh tại Hải Dương, miền Bắc VN, và học ở Đức và hiện đang ở Đức nhận xét: “Ở hải ngoại hiện tại với 4 triệu người sử dụng, nó không thực sự truyền bá văn hóa Việt Nam, có chăng chỉ mong làm phần nước sốt rưới lên một món đồng hóa toàn cầu nào đó cho phảng phất mùi vị Việt. Chỉ số ảnh hưởng của nó không đáng kể, song chỉ số hòa bình có lẽ cao.”
Một học giả, nhà báo và giáo sư đại học nổi tiếng người gốc miền nam Việt Nam, hiện ở Úc, Nguyễn Hưng Quốc, thì viết như sau trong cuốn sách “Sống Và Viết Ở Hải Ngoại” của mình:
“Phần tôi, mặc dù sống ở ngoại quốc đã gần 40 năm, vẫn chủ yếu viết bằng tiếng Việt. Tiếng Việt là quê hương của tôi. Các thứ tiếng khác chỉ là những cõi lưu đày, ở đó, tôi không có quá khứ, cũng không có họ hàng. Tiếng Việt còn là thân thể của tôi.”
Nhưng Nguyễn Hưng Quốc cũng viết rằng đối với một số người hải ngoại ông biết:
“Theo họ, Việt Nam chỉ là nơi để đi du lịch chứ không phải là nơi có thể sống được lâu dài. Người ta đưa ra hai lý do chính: Một là nhớ con cháu tại Úc; hai là, Việt Nam hoàn toàn không an toàn.” (An toàn về địa chính trị, chính trị và môi trường sống).[7]
Đối với thế hệ 1.5 (lớn lên ở hải ngoại) và 2 ( sinh ra tại Hải ngoại), có thể tiếng Việt không đóng vai trò là “quê hương, là thân thể “ như Nguyễn Hưng Quốc nói ở trên. Tuy nhiên trong những nước Tây phương như Mỹ, Anh, Pháp, Úc càng ngày càng trở nên đa văn hoá, đa sắc tộc; với chính trị bản sắc (identity politics) càng lúc càng nặng nề, trong đó những người cùng một chủng tộc hay sắc tộc, tôn giáo, giới tính phát triển các agenda chính trị riêng dựa trên những bản sắc này, mặc dù ngôn ngữ chuyển tải không phải là tiếng Việt mà tiếng Anh.
Ocean Vương (Vương Quốc Vinh), Việt kiều (cháu nội của một người lính Mỹ, đến Mỹ lúc mới hai tuổi), văn sĩ và thi sĩ tiếng Anh từng đoạt nhiều giải thưởng quốc tế, giáo sư tại đại học nổi tiếng, người đồng tính, có sách được dịch và ca tụng ở Việt Nam, là một người Việt hải ngoại mang nhiều bản sắc khác nhau cùng một lúc.
Tuy đến từ Mỹ lúc còn nhỏ, Ocean Vương có những nhận xét sâu sắc về văn hóa lâu đời của Việt Nam so với văn hóa Mỹ lúc trả lời câu hỏi về một bài thơ “Old Glory” của anh chứa đầy những từ ngữ đầy bạo lực trong ngôn ngữ hàng ngày ở Mỹ:
“Văn hóa Trung Quốc và Việt Nam lâu đời hơn Mỹ rất nhiều. Và tôi nghĩ, theo nghĩa này, nước Mỹ vẫn chưa trưởng thành. Tôi cho rằng cách nó hiển thị và xử lý ngôn ngữ vẫn còn khá sơ khai đối với một quốc gia và một nền văn hóa có nhiều sức mạnh và khả năng như vậy về công nghệ. Nó thực sự thật cổ lỗ trong cách nó hình dung khả năng của ngôn ngữ, và theo nghĩa này, văn hóa Trung Quốc và Việt Nam đang đi trước, cả về dòng thời gian, nhưng cũng về mặt văn hóa, về óc khôn ngoan của họ. Vào những ngày đẹp trời, tôi tin rằng cuối cùng nước Mỹ cũng có thể đạt được sự khôn ngoan đó. Chúng ta thường coi những quốc gia nước ngoài này là “lạc hậu”, nhưng chúng ta chỉ đo lường điều đó ở G.D.P (tổng sản lượng quốc gia thô) và công nghệ. Nhưng nếu nói đến sự khôn ngoan tinh thần về cách xử lý một thứ như ngôn ngữ, thì Việt Nam đang đi trước, và tôi hy vọng một ngày nào đó Mỹ sẽ bắt kịp.”
Đạo diễn Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng (sinh năm 1962 tại Việt Nam, qua Pháp sau 30 tháng 4, 1975) được biết tới nhiều nhất qua các tác phẩm về chủ đề Việt Nam với phong cách thực hiện đương đại độc đáo. Tác phẩm “Mùi đu đủ xanh” của ông là tác phẩm duy nhất cho đến nay đại diện của điện ảnh Việt Nam lọt vào danh sách đề cử chính thức của Giải Oscar cho Phim ngoại ngữ hay nhất. Năm 2023, tại Liên hoan phim Cannes, ông được trao giải Đạo diễn xuất sắc nhất với phim La Passion de Dodin Bouffant.
Ông được xem là đạo diễn mang dòng máu Việt có ngôn ngữ điện ảnh xuất sắc nhất và thành công nhất trên ảnh đàn điện ảnh thế giới.(Wikipedia)
Những thước phim về quê hương dựa trên kiến thức về văn hóa Việt, trộn lẫn thẩm mỹ của một người đã sống ở phương Tây nhiều năm. “Hiện thực của tôi là sự pha trộn phức tạp, qua lăng kính của nhiều nghệ sĩ mà tôi biết, tôi lựa chọn tiếp xúc. Là mùi, là màu, là chất mà tôi nhìn thấy ở Việt Nam”. (Vietnam express)
Do đó, dù biết ít hay nhiều tiếng Việt, chúng ta có thể nói rằng thế hệ diaspora trẻ càng lúc càng muốn tìm hiểu về nguồn gốc chủng tộc và văn hoá và di sản của mình và dùng những vốn liếng này để tạo một chỗ đứng riêng của mình trong môi trường xã hội Tây phương mới không chỉ có một dòng chính mà gồm nhiều dòng chảy song song với nhau.
Mặc dù công chúng Mỹ nói chung phản đối việc người tị nạn Việt Nam nhập cư vào Hoa Kỳ, nhưng chính phủ đã ban hành một số chính sách giúp đỡ người tị nạn trong những năm sau Chiến tranh Việt Nam. Đạo luật quan trọng đầu tiên được thông qua là Đạo luật về Người tị nạn năm 1980, được tạo ra để đối phó với số lượng ngày càng tăng người tị nạn đến từ Đông Nam Á vào cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980. Đạo luật này xác định chính xác ai có thể được phân loại là người tị nạn. Đạo luật cũng quy định việc nhập quốc tịch cho người tị nạn. Sau một năm sống ở Hoa Kỳ, những người tị nạn được phân loại là công dân thường trú. Sau 5 năm ở Mỹ, người tị nạn có thể nộp đơn xin quốc tịch. Người nhập cư Việt Nam đã tận dụng lợi thế đáng kể này, thể hiện qua thực tế là người nhập cư Việt Nam có tỷ lệ nhập quốc tịch cao nhất so với các nhóm nhập cư khác. Số liệu này cho thấy người Việt nhập cư vào thời điểm này chưa có ý định trở về quê hương của họ và Mỹ là quê hương mới của họ (mặc dù cho tới nay nhiều người viết hải ngoại vẫn gọi Mỹ là đất “tạm dung”).
Về sự thay đổi trong tâm tư của các học giả trẻ về người Việt từ miền Nam Việt Nam, khác với thế hệ trước thiên tả như Giáo sư sử học Ngô Vĩnh Long hay Trương Bửu Lâm, chúng ta có thể nhắc đến chuyện của Alex Thái Đình Võ, hiện là giáo sư nghiên cứu tại Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ ở Đại học Texas Tech, chuyên nghiên cứu về Á Châu, đặc biệt là về vấn đề Việt Nam. Qua Mỹ lúc mới 8 tuổi, lúc còn nhỏ ông đã cảm thấy sự thiên lệch của các bài học lịch sử dạy tại các trường Mỹ đối với Miền Nam VN, gợi ý cho cậu bé muốn tìm hiểu sự thật về sự thất bại của miền nam. Lúc học ở Đại Học Berkeley (California), các giáo sư phản chiến dạy sinh viên “tương đối một chiều” và ảnh hưởng lớn đến cái nhìn về Miền Nam của sinh viên. Từ đó, Alex-Thái Võ chọn ngành nghiên cứu về sử học, nhất là về Việt Nam.[8]
Ngày nay, người Mỹ gốc Việt nói chung thành công hơn và được chấp nhận nhiều hơn so với những năm 1970 và 1980. Người Việt đã tạo ra những cộng đồng văn hóa để hỗ trợ lẫn nhau ở các trung tâm đô thị, đặc biệt là ở California. Nhóm này cũng đã vươn lên dẫn đầu về kinh tế và chính trị trong những năm gần đây, thu hút sự chú ý trên mức độ quốc gia. Người Mỹ gốc Việt đã giữ chức vụ công ở các vị trí như thị trưởng, dân biểu, ủy viên hội đồng thành phố và tổng chưởng lý.
Theo Viện Chính sách Di cư, hiện có hơn 2 triệu cư dân Hoa Kỳ sinh ra ở Việt Nam hoặc báo cáo có nguồn gốc hoặc tổ tiên Việt Nam. Cộng đồng người Việt hải ngoại cũng đã có những đóng góp đáng kể cho xã hội Hoa Kỳ, đặc biệt là trong thế giới văn học với sự nổi lên của các nhà văn người Việt hải ngoại như Viet Thanh Nguyen (giải Pulitzer văn chương với cuốn tiểu thuyết The Sympathizer) và Ocean Vuong.
Theo thời gian, cộng đồng người Việt hải ngoại đã đạt được trình độ học vấn cao và thành công về kinh tế. Theo dữ liệu từ Trung tâm nghiên cứu Pew, 22% người Mỹ gốc Việt đã đạt được bằng cử nhân và 10% đã đạt được bằng sau đại học. Thu nhập hộ gia đình trung bình hàng năm của người Mỹ gốc Việt là $85.800.
Vài biến chuyển mới đây về sự hiện diện của người Việt hải ngoại thuộc nhiều khuynh hướng chính trị khác nhau:
Ngày 21/04, nhà văn Dương Thu Hương đã được trao Giải Toàn cầu 2023 (Cino-Del-Duca 2023), trong khuôn khổ Lễ hội Sách Paris (Festival du Livre de Paris). Giải Cino-Del-Duca 2023 trị giá 200.000 euro đã được trao cho tác giả “Đỉnh cao chói lọi” để “tôn vinh một nhà văn lớn vì nhân cách và sự nghiệp xuất sắc, truyền đi thông điệp về chủ nghĩa nhân văn hiện đại”. Giải thưởng Cino-Del-Duca 2023 là một giải thưởng quan trọng, chỉ sau giải Nobel Văn học, theo một số đánh giá của các tạp chí văn chương châu Âu. (BBC)
Trường Sức khỏe Cộng đồng T.H. Chan thuộc Đại học Harvard hôm 26/4 vừa thành lập Trung tâm Chánh niệm Thích Nhất Hạnh với một hội nghị chuyên đề có sự tham gia của các thiền sư và học giả trên khắp thế giới, trong đó có các đại đệ tử của cố Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Hôm 6/4, Royal Australia Mint phát hành tiền xu mệnh giá 2 đôla Australia bằng bạc, nhân kỷ niệm 50 năm kể từ ngày Australia đưa quân tham chiến trong cuộc Chiến tranh Việt Nam vào năm 1973, hỗ trợ đồng minh Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa. Việt Nam phản đối việc hai cơ quan thuộc Kho bạc và Bưu chính Australia phát hành tiền xu có in cờ Việt Nam Cộng hòa. (VOA).
Nhà Việt Nam học Mỹ Keith Taylor, trong cuốn A History of the Vietnamese xem người Việt hải ngoại như là một dòng nước ngược làm tươi mát dòng lịch sử cho đến nay vẫn hướng về Trung Hoa : “Trong trải nghiệm của Việt Nam,[ từ thế kỷ thứ 15 cho đến ngay bây giờ] một nét vẫn bền vững là tương quan thuận thảo (compliant) về căn bản đối với Trung Quốc, được thi hành bởi những chính phủ rập khuôn theo những gì tồn tại bên Trung Quốc. Một khía cạnh của vấn đề này là chính phủ có khuynh hướng giáo huấn người dân và liên hệ yếu ớt đối với những ước muốn của dân chúng”...
“Tuy vậy có những dòng nước ngược (countercurrents) về tư tưởng chảy về chỗ khác không phải Trung Quốc và không phải về quá khứ, những dòng này được cộng đồng Việt hải ngoại làm tươi mát. Mặc dù một chế độ độc đoán khuất phục và kìm hãm, và bị tổn thương do một đồng minh vô tín năm 1975, những dòng nước ngược này còn sống trong những giấc mơ về Việt Nam tương lai.”
Phần III
Little Saigon, Westminster, California, thuộc Orange County.
Người Việt di cư thích nghi nhanh chóng với văn hóa Mỹ
Người nhập cư Việt Nam đã thích nghi nhanh chóng với văn hóa Mỹ. Dưới đây là một số yếu tố quan trọng nhất đã góp phần vào thành công của họ:
a) Tính cần cù (“đạo đức lao động” mạnh mẽ/ strong work ethic):
Người nhập cư Việt Nam được biết đến với “đạo đức làm việc” mạnh mẽ của họ. Họ sẵn sàng bỏ ra nhiều giờ và hy sinh để đạt được mục tiêu của mình. Tính cần cù này đã giúp họ thành công trong nhiều lĩnh vực, bao gồm kinh doanh, giáo dục và các ngành nghề khác.
b) Ý thức cộng đồng mạnh mẽ:
Người nhập cư Việt Nam có xu hướng sống rất gần gũi với nhau. Họ hình thành mối liên kết chặt chẽ với gia đình, bạn bè và hàng xóm. Ý thức cộng đồng này đã giúp họ vượt qua những thách thức của việc nhập cư và xây dựng cuộc sống mới cho chính họ ở Mỹ.
c) Hiếu học:
Người nhập cư Việt Nam trẻ tuổi thích nghi nhanh với môi trường mới nhờ họ cố gắng học hỏi và họ được sự hỗ trợ tích cực cũng như khuyến khích (hay có khi gia đình bắt buộc) từ thế hệ phụ huynh. Nói chung, chúng ta có truyền thống coi trọng học vấn, khoa bảng như trong thứ tự xã hội “sĩ, nông, công, thương “ hay “chẳng tham ruộng cả ao liền, chỉ ham cái bút cái nghiên anh đồ”.
d) Ý thức mạnh mẽ về bản sắc:
Người nhập cư nhất là lứa tuổi phụ huynh Việt Nam tự hào về di sản và văn hóa của họ, muốn giữ gìn bản sắc và truyền lại cho con cháu. Ý thức mạnh mẽ về bản sắc này đã giúp họ duy trì truyền thống văn hóa của mình đồng thời thích nghi với văn hóa Mỹ.
Chúng ta để ý là VNI để gõ tiếng Việt trên máy tính do Hồ Thanh Việt, một người Việt ở Westmisnster phát triển và trong Unicode Consortium, phần dùng để viết tiếng Việt là do một nhóm người Việt hải ngoại đề xướng[9]. Các trang mạng, blog, YouTube nhan nhản của người Việt hải ngoại. Các sách báo cũ của VNCH đều được in lại lúc ban đầu, nay được số hóa trên mạng (ví dụ Nam Phong Tạp Chí, Tự lực Văn đoàn, báo Bách Khoa).
e) Ngoài những yếu tố này, người nhập cư Việt Nam cũng được hưởng lợi từ sự hỗ trợ của một số tổ chức, bao gồm nhà thờ, trường học và các nhóm cộng đồng. Các tổ chức này đã giúp những người nhập cư Việt Nam tìm được việc làm, học tiếng Anh và thích nghi với cuộc sống ở Mỹ.
f) Vai trò phụ nữ:
Có những khác biệt giữa tình trạng phụ nữ tại Mỹ và Á Châu, và chỉ trong nội bộ Á Châu, cũng lại có những khác biệt rất lớn giữa các vùng hay các nước. Một ví dụ rõ ràng nhất là các hoạt động ngoài xã hội và cơ hội giáo dục rất giới hạn của phụ nữ Afganistan hiện nay và phụ nữ ở Indonesia trong lúc hai nước đều đa số Hồi giáo. Về phương diện lịch sử, trong xã hội vùng Đông Nam Á người phụ nữ có vai trò lớn hơn là ở Trung Quốc hay Đông Á như Nhật và Korea. Một lý do được đưa ra là chế độ mẫu hệ từng hiện diện trong lịch sử Đông Nam Á, thay vì vai trò độc tôn của chế độ phụ hệ ( Khổng giáo). Bà Trưng, Bà Triệu, Đô Đốc Tây Sơn Bùi Thị Xuân là những nhân vật tiêu biểu cho vai trò đáng kể người phụ nữ trong lịch sử Việt Nam. Về tình hình Việt Nam hiện nay, một bài phân tích của Quỹ tiền tệ Quốc Tế cho thấy tỷ số phụ nữ Việt Nam đi làm thuộc loại cao nhất thế giới. Chiến tranh Việt Nam đã dẫn đến sự sụt giảm mạnh về dân số nam so với dân số nữ, đặc biệt ở nhóm tuổi trưởng thành. Khi nền kinh tế bắt đầu phát triển sau khi bắt đầu công cuộc Đổi Mới vào năm 1986, nguồn cung lao động sẵn có chủ yếu là nữ, và không có gì ngạc nhiên khi số lượng phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động ngày càng nhiều. Cải cách Đổi Mới mang lại tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, mở cửa nền kinh tế cho thương mại và dẫn đến đô thị hóa nhanh chóng. Trong khi vẫn còn một tỷ lệ lớn lực lượng lao động nữ tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp, thì lao động nữ làm công ăn lương ngày càng tham gia nhiều hơn vào các lĩnh vực dịch vụ lớn và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Riêng đối với phụ nữ Việt hải ngoại, ngoài truyền thống lịch sử nói trên của phụ nữ Đông Nam Á, họ từng thay thế hay phụ chồng phải đi lính giữ trách nhiệm nuôi sống gia đình, dạy dỗ con cái trong thời chiến tranh, nuôi chồng đi cải tạo, tổ chức vượt biên, lén lút buôn bán chợ trời trong nên kinh tế “bao cấp”, ngăn sông cấm chợ, cho nên họ rất linh động, thích ứng nhanh với hoàn cảnh và có khả năng sống còn cao. Một ví dụ điển hình là Bà Khúc Minh Thơ, người sáng lập Hội Tù Nhân Chính Trị và đã vận động từ ngành ngoại giao cũng như lập pháp Mỹ để đưa tới chương trình H.O. đem các người cựu tù cải tạo và gia đình họ qua Mỹ. Một ví dụ khác là kỹ nghệ làm móng ở Mỹ hiện nay đáng giá hàng tỷ đô la, phần chính là do các bà Việt nam gầy dựng nên từ những ngày mới đến Mỹ được một nữ diễn viên điện ảnh Mỹ giúp đỡ,
g) Nhờ những yếu tố này, người nhập cư Việt Nam đã có những đóng góp đáng kể cho xã hội Hoa Kỳ, tiếp tục ghi dấu ấn trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Những người Việt tỵ nạn qua Mỹ sớm (1975) và những người đến Mỹ sau có thể có những cuộc sống và cái nhìn khác nhau. Minh Tường, một bác sĩ rời Việt Nam khoảng 1980, trong bài “Một thủa Sàigòn” (viết năm 1988) được đăng trên bản tin Mùa Hè 2022 của Hội Y Tế Hoa Kỳ Florida, đã viết về cảm giác của mình lúc viếng Little Saigon ở California như sau:
“... Những người bạn, nhờ qua sớm, nên bây giờ thành công và là những công dân Mỹ mới, vênh váo, hợm hĩnh, dương dương tự đắc, quên hẳn (hay muốn quên?) bạn bè cũ “quê mùa”, nhiều chất Việt Nam quá. Số nhỏ này làm tôi buồn, một nỗi buồn man mác, không thể nói hết được. Tôi biết những người bạn cao ngạo của tôi bây giờ, đã ra đi vào những ngày cuối tháng tư 75. Họ hoàn toàn không hiểu, không nếm mùi những gì đã xảy ra từ sau tháng tư năm đó ở quê nhà. “
Sự khác biệt giữa những người đến Mỹ qua những đợt cách nhau mấy chục năm lại càng lớn hơn nữa. Những người trẻ ở Mỹ qua ngã hôn nhân hay du học không từng sống qua trải nghiệm của người tỵ nạn hay thuyền nhân trước đây và có thể không hiểu những gian khổ của lúc ban đầu xây dựng của diaspora trước khi có chỗ đứng trong cộng đồng các dân tộc Hiệp chủng quốc như hiện nay.
h) Hôn nhân dị chủng:
Trong các gia đình mà chủ hộ là người Việt nhập cư ở Mỹ, 91.6% vợ hay chồng là người Việt, 4% là người châu Á (inter-Asian), 4% là người da trắng. Tỷ lệ này cao nhất trong các nhóm Á Châu, cao hơn người Hoa một chút (90%) nhưng cao hơn người Nhật nhiều (66% có vợ hoặc chồng Nhật, nhưng 18.7% chồng hoặc vợ da trắng).
Đàn ông Việt nói chung (nhập cư hoặc sinh tại Mỹ) đa số lấy vợ người Việt (92.6%), bằng người Ấn (92.5%), người Hàn quốc (90.4%), và người Phi (85.1%) một chút, cao hơn người Nhật (62.8%) nhiều.
Nhưng phụ nữ có chồng Việt (84.6%) ít hơn là đàn ông có vợ Việt. Tuy nhiên phụ nữ Việt có chồng cùng gốc gác (Việt) nhiều hơn phụ nhữ gốc Á châu khác, nhất là Nhật (44.4%), chỉ thua Ấn Độ (92.9).
Nhưng nếu chỉ xét đến những cặp vợ chồng mà cả hai người đều được sinh ra (US born) hay lớn lên ở Mỹ (US raised) thì có nhiều khác biệt. 59% đàn ông lấy vợ Việt, và chỉ 40.9% các cô Việt có chồng cùng xứ gốc (ít hơn phụ nữ Nhật, Trung Hoa, Ấ́n Độ, chỉ nhiều hơn phụ nữ Phi 29% và Hàn Quốc 24%).
Đa số các cô “US Born+US Raised” lấy chồng “ngoại quốc”, phần lớn là người da trắng (41.3%) hay người Á Châu khác (12.2%). Như vậy, cô dâu Việt sinh ra hay lớn lên tại Mỹ lấy chồng Mỹ trắng nhiều hơn là lấy thanh niên gôc Việt.
Cô dâu sanh tại Mỹ lấy chồng Việt chỉ trong 38% trường hợp, 35% lấy chồng da trắng.
Chỉ 51% chú rể sanh tại Mỹ có vợ gốc Việt, nếu cả hai đều sanh tại Mỹ, chúng ta không biết số đối với người về Việt Nam lấy vợ như thế nào.
Trong lãnh vực hôn nhân dị chủng, tình hình đang thay đổi nhanh, càng ngày càng có nhiều cô dâu Việt kết hôn với người khác chủng tộc hay khác dân tộc. Đối với Mỹ, từ thế hệ 1 (nhập cư), qua thế hệ 1.5 (sinh tại VN, lớn lên tại Mỹ), qua thế hệ 2 (sinh tại Mỹ), tỷ lệ lấy người cùng gốc Việt càng ngày càng thấp. Kết quả của những nghiên cứu thống kê thực hiện cách đây mười năm cho thấy đối với những người sinh tại Mỹ, đàn ông chỉ lấy vợ gốc Việt trong quá nửa trường hợp, các phụ nữ (thế hệ 2) chỉ lấy chồng gốc Việt trong hơn một phần ba các trường hợp. Có lẽ khuynh hướng này sẽ càng ngày càng gia tăng. Mẫu số chung cho giới trẻ sẽ là tiếng Anh, văn hóa Mỹ nói chung và giáo dục Mỹ; những yếu tố này sẽ lấn ép yếu tố nguồn gốc chủng tôc, văn hóa, truyền thống gia đình hay sự ưa thích của cha mẹ muốn có người dâu rễ cùng nguồn gốc dễ đối thoại, thông cảm hơn. Có lẽ thế hệ đi trước cần tìm hiểu học hỏi thêm về quê hương mới để có thể đối thoại và vui sống với các thế hệ sau[10].
Kết luận
Người Việt di cư quy mô lớn từ Việt Nam sang Hoa Kỳ và các nước khác sau Chiến tranh Việt Nam chấm dứt, khi Sài Gòn thất thủ ngày 30 tháng 4 năm 1975, bắt đầu bằng cuộc di tản do Hoa Kỳ bảo trợ cho khoảng 125.000 người tị nạn Việt Nam. Khi cuộc khủng hoảng nhân đạo và sự di dời của người dân ở khu vực Đông Dương (Việt Nam, Campuchia và Lào) ngày càng gia tăng, ngày càng có nhiều người tị nạn và gia đình họ được nhận vào một số nước phát triển phương tây, phần chính là Hoa Kỳ.
Riêng về Hoa Kỳ, dân số nhập cư Việt Nam đã tăng đáng kể kể từ đó, tăng gần gấp đôi mỗi thập kỷ từ năm 1980 đến năm 2000, và sau đó tăng 26% vào những năm 2000. Năm 2017, hơn 1,3 triệu người Việt cư trú tại Hoa Kỳ, chiếm 3% trong tổng số 44,5 triệu người nhập cư của cả nước và là nhóm người sinh ra ở nước ngoài lớn thứ sáu ở Mỹ. Khác với trước đây khi hầu hết người Việt Nam được nhận là người tị nạn, những người Việt thường trú hợp pháp tại Hoa Kỳ ngày nay (có thẻ xanh/green card) phần lớn thông qua việc đoàn tụ gia đình; rất ít người được thẻ xanh thông qua công việc làm hoặc các kênh khác. Người nhập cư Việt Nam nói chung bị giới hạn về tiếng Anh hơn (LEP hay Limited English Proficient) so với tổng dân số sinh ra ở nước ngoài tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, người Việt có quốc tịch Mỹ ở tỷ lệ cao hơn nhiều và họ ít khi bị xếp vào thành phần nghèo khó hoặc ít khi thiếu bảo hiểm y tế so với tổng dân số nhập cư khác[11]. Sự hiện diện của trên 20 ngàn sinh viên từ Việt Nam đi du học ở Mỹ với đa số có ý định ở lại sau khi học xong là một hiện tượng tương đối mới đáng chú ý.
Trên bình diện toàn cầu, với số người Việt di dân ra khỏi nước chừng 100 ngàn người mỗi năm, và số lượng các phụ nữ lấy chồng ở ngoại quốc càng ngày càng tăng tạo nên một thế hệ mới trẻ em gốc Việt ở Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ, Úc…cộng đồng người Việt hay gốc Việt hứa hẹn sẽ có những phát triển và thay đổi ngoạn mục.
Một điểm quan trọng cần nhắc tới khi nói đến cộng đồng hải ngoại là số tiền hiện nay họ gởi về Việt Nam mỗi năm, lên đến 18 tỷ dollars Mỹ năm 2022[12], và một nửa gởi từ Mỹ. So sánh số lượng này với những gói quà gồm thuốc men, thuốc lá, áo quần gởi lẻ tẻ về nước trong những năm sau 1975, hay tổng sản lượng của VN hiện nay chừng 366 tỷ dollars (chừng 1/20 của GDP). Một so sánh khác là số tiền này gấp đôi số tiền Mỹ chi 9,3 tỷ đô la mỗi năm cho chiến tranh Việt Nam. Hiện nay Israel là nước nhận được nhiều viện trợ nhất của Mỹ, 3,8 tỷ USD cho quân sự và 80 triệu cho kinh tế. Nếu xét theo chiều hướng này, người Việt hải ngoại là nguồn viện trợ lớn nhất của Việt Nam hiện nay.
____________Tham khảo:
[1] https://www.history.com/news/vietnam-war-refugees
[2] Theo Wikipedia
[3] https://www.ilo.org/hanoi/Areasofwork/labour-migration/lang--en/index.htm
[4] https://timeline.com/kkk-vietnamese-fishermen-beam-43730353df06
[5] https://www.nbcnews.com/news/asian-america/wartime-trauma-vietnamese-refugees-subject-new-study-rcna12759
[6] https://www.ocregister.com/2015/05/01/how-they-became-us-orange-county-changed-forever-in-the-40-years-since-the-fall-of-saigon/
[7] https://vietbao.com/p301418a312775/song-va-viet-o-hai-ngoai-hoi-ky-cua-nguyen-hung-quoc
[8] https://www.voatiengviet.com/a/7071676.html
[9] https://saigoneer.com/saigon-technology/14055-typing-vietnamese,-part-2-the-vietnamese-diaspora,-unicode-and-the-ubiquity-of-unikey
[10] https://langhue.org/index.php/van-hoc/but-ky,-but-luan,-dich-thuat/21551-tl-hon-nhan-di-chung-ho-van-hien.html
[11] https://www.migrationpolicy.org/article/vietnamese-immigrants-united-states-5
[12] https://tuoitre.vn/kieu-hoi-ve-viet-nam-dau-tu-kinh-doanh-ngay-cang-nhieu-2023052218354347.htm