Soạn giả Mộc Quán – Nguyễn Trọng Quyền
Hầu như tất cả nghệ sỹ cải lương, nghệ nhân đờn ca tài tử Nam Bộ khi nhắc đến Mộc Quán- Nguyễn Trọng Quyền đều tỏ lòng thành kính. Vì ông là một trong những hậu tổ khai sinh nền cải lương Việt Nam.
Ông tên Nguyễn Trọng Quyền, sinh năm bính Tý 1876, qua đời năm quý tỵ 1953 tại bệnh viện Châu Đốc do chứng tai biến mạch máo não, đột quỵ. Ông sinh ra tại thôn Thạnh Hoà, xã Trung Nhứt, quận Thốt Nốt, tỉnh Long Xuyên (nay là xã Trung Nhứt, huyện Thốt Nốt, tp. Cần Thơ). Cha ông tên Nguyễn Văn Tường và mẹ là Trương Thị Thạnh.
Nguyễn Trọng Quyền thuở nhỏ học giỏi lại mê đàn ca tài tử. Sau khi học xong phần Nho học rồi tốt nghiệp tiểu học trường Pháp, ông làm thư ký cho hãng rượu tư nhân Phước Hiệp do Vương Thiệu làm chủ. (Hổng biết có bà con với Vương Thiệu Cường không nhỉ? – Người viết)
Vương Thiệu là con trai của Vương Có – một người Việt gốc Hoa giàu có ở vùng Thốt Nốt. Trước kia, Vương Có tự lập một ban hát Tiều đi lưu diễn khắp vùng. Về sau, không hiểu vì lý do gì giải tán. Vương Thiệu vốn là một kép hát của gánh hát Tiều của cha. Khi trưởng thành, Vương Thiệu quản lý hãng rượu. Vốn mê hát, Vương Thiệu thường tụ tập bạn bè, trong đó có Nguyễn Trọng Quyền để hát với nhau.
Thời điểm đó, các gánh hát bộ Năm Tú, gánh Nam Đồng Ban của Hai Cu Mỹ Tho thu hút nhiều khán giả. Vương Thiệu vốn có sẵn máu nghệ sỹ trong người đã rủ Bảy Nhiêu – Một nghệ sỹ tài tử địa phương và Nguyễn Trọng Quyền lập gánh hát Tập Ích Ban.
Nguyễn Trọng Quyền lãnh phần viết tuồng (kịch bản). Thuở đó, các đoàn hát, gánh hát đa phần hát ra bộ hoặc ca vọng cổ chứ chưa có tuồng cải lương vọng cổ.
Nguyễn Trọng Quyền đã tận dụng kiến thức tiếng Tiều, Quảng của mình để biến những bài bản nhạc Tiều, nhạc Quảng thành những bài: Ú Liu Ú Xáng, Xang Xừ Líu, Xáng Xáng Lìu, Khốc Hoàng Thiên, Xách Xủi, Tân Xái Phí, Bạc Cấm Lùng, Dì Phảnh, Mành Bản... Ông viết tuồng Việt theo bài bản tuồng Tàu, đồng thời đưa thêm những khúc nhạc Tiều, Quảng đã sáng tác Việt ngữ vào tuồng.
Ðặc trưng của lối hát tuồng Tàu thời đó (phỏng theo lối hát Hý Khúc Trung Quốc) như sau: Trong nghệ thuật biểu diễn tuồng Tàu, yếu tố âm nhạc, đặc biệt là các bài ca chiếm địa vị chính yếu. Vì vậy những lời thoại đối đáp giữa các nhân vật không thể tự nhiên như ngôn ngữ ở ngoài đời thường mà phải ngâm nga, nhấn nhá theo tiết tấu và âm điệu nhạc. Người ta gọi ngôn ngữ tuồng kết hợp với âm nhạc như vậy là ngôn ngữ đã được âm nhạc hoá. Về động tác hình thể thì cũng không phải diễn như ở cuộc sống bình thường mà là phải được nâng lên thành múa, thành vũ đạo. Người trong nghề gọi là các động tác được cường điệu, được vũ đạo hóa. Ví dụ từ việc dâng trà, cách phất tay áo, tay vuốt râu, mỗi bước đi…nói chung để biểu lộ cảm xúc của nhân vật thì động tác hình thể phải được cách điệu hóa, được nâng lên thành vũ đạo kết hợp nhuần nhuyễn với cách ca ngâm và hát thay cho những lời đối thoại bình thường. Sau 4 tháng viết tuồng, ngày 18/10/1929, gánh Tập Ích Ban chính thức ra đời với 3 vở tuồng do chính Nguyễn Trọng Quyền ký bút danh Mộc Quán: Phụng Nghi Đình, Giọt lệ chung tình, Tình duyên phấn lạt tại Thốt Nốt.
Năm 1922 khi đến hát ở Bạc Liêu, Bảy Nhiêu lần đầu được nghe bài Dạ cổ Hoài Lang (sau này là bài vọng cổ). Thấy hay, phù hợp với sân khấu cải lương nên ông cùng soạn giả Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền đưa vào tuồng hát, được khán giả tán thưởng. Kiểu ca cải lương ra bộ có lồng nhạc Tiều, Quảng (đã việt ngữ hoá) theo kịch bản hoàn toàn Việt đã làm khán giả mê như điên dại. Từ đó, tuồng cải lương sử dụng bài vọng cổ chính thức chào đời.
Ngay lập tức, kiểu cải lương mới đã chinh phục ngay khán giả hâm mộ. Gánh Tập Ích Ban và tuồng của Nguyễn Trọng Quyền đã đưa Bảy Nhiều lên thành nghệ sỹ cải lương nỗi tiếng khắp lục tỉnh thời ấy. Thành công bước đầu tạo phấn khích, Tập Ích Ban lưu diễn khắp Nam kỳ lục tỉnh, qua luôn bên Campuchia, đến Nam Vang phục vụ Việt Kiều.
Sau đó ông tiếp tục sáng tác cho gánh hát Tập Ích Ban những vở tuồng cải lương Châu Trần Kết Nghĩa, Tây Sương Ký, Thố Nhận Oan Ương và nhuận sắc tuồng Bội Phu Quả Báo của ông Phạm Công Bình. Ông trở nên nổi tiếng khắp Nam kỳ Lục tỉnh. Từ năm 1923 đến năm 1953, ông làm soạn giả cho các gánh hát Huỳnh Kỳ của ông Bầu Phước Georges, gánh hát Hữu Thành của ông Bầu Nguyễn Bá Phương ở Thốt Nốt, gánh hát Phụng Hảo 3 của ông Bầu Nguyễn Bữu, gánh hát Kỳ Quan của ông Bầu Năm Hý, gánh hát Thái Bình của ông Bầu Tư Thới, và gánh hát Phụng Hảo 4 của ông Bầu Châu Văn Sáu.
Trong 50 năm sáng tác ông để lại cho đời 85 vở tuồng cải lương và 3 truyện thơ, đa số các tuồng đó được nhà in Phạm Văn Thìn xuất bản và được nhiều đoàn hát sử dụng như tuồng Phụng Nghi Ðình, Mạnh Lệ Quân thoát hài, San Hậu (viết theo tuồng hát bội San Hậu), Tây Sương Ký, Tái Sanh Duyên, Vạn Huê Lầu. . .
Là thầy tuồng khi nghệ thuật cải lương mới được khai sanh, ông là người thầy trực tiếp chỉ dạy ca, hát cho các nghệ sĩ Năm Châu, Phùng Há, Năm Phỉ, Ba Vân, Từ Anh, Bảy Nhiêu, Tư Út, Sáu Trâm, Ngọc Hải, Sáu Ngọc Sương, Tường Vi, Tư Thới, Thanh Tao. . . Các nghệ sĩ Năm Châu, Bảy Nhiêu, Năm Phỉ mỗi khi nhắc đến ông Nguyễn Trọng Quyền đều hết lòng cung kính, gọi là sư tổ. Nghệ sỹ Phùng Há, Sáu Trâm và Ngọc Hải là học trò và là dưỡng nữ của ông. Giới nghệ sĩ sân khấu cải lương tiền phong và các nghệ sĩ tài danh của những thập niên 1950, 1960, 1970 đều tôn vinh ông là Hậu Tổ của cải lương.
Ngoài gánh Tập Ích Ban, ông còn làm thầy tuồng cho gánh hát Hữu Thành của ông bầu Nguyễn Bá Phương ở Thốt Nốt. Ông đã viết 5 tuồng cho gánh hát Hữu Thành.
Năm 1935, ông Nguyễn Bửu ở Trà Vinh và Phùng Há lập ra gánh hát Phụng Hảo 3, mời ông làm thầy tuồng. Ông đã viết 7 tuồng cho gánh hát Phụng Hảo 3 mà hai vở tuồng San Hậu và Phụng Nghi Đình đến nay vẫn được nhiều đoàn hát khác đem ra sử dụng.
Năm 1937, gánh hát Hữu Thành tái sinh và gánh hát Kỳ Quan của ông Năm Hý ở Thốt Nốt được thành lập. Hai gánh hát nầy mời ông làm thầy tuồng chung cho hai gánh hát. Thời gian này ông sáng tác 17 tuồng.
Năm 1939, ông làm thầy tuồng cho gánh hát Ngự Bình của Bầu Tư Thới. Tại đây, ông đã sáng tác 8 vở tuồng Tàu và dã sử cho đoàn hát Ngự Bình.
Năm 1952, ông Châu Văn Sáu tức Bầu Nhơn cùng Phùng Há lập đoàn cải lương Phụng Hảo 4. Ông sáng tác một vở tuồng, lấy nước Nhựt làm bối cảnh cho câu chuyện, tựa là Luống Cày Rướm Máu. Tuồng nầy được hát một tuần lễ tại rạp Nguyễn Văn Hảo. Vở tuồng đang ăn khách phải đóng cửa rạp vì ông bầu Châu Văn Sáu và Phùng Há được tin ông bị đứt mạch máu não và trút hơi thở cuối cùng vào ngày 21 tháng 9 năm Qúy Tỵ (1953) tại bệnh viện Châu Đốc.
Phùng Há, ông bầu Châu Văn Sáu, nghệ sĩ Năm Châu, Bảy Nhiêu, Năm Phỉ, Ba Vân, Từ Anh, Kim Cúc, Kim Lan về Thốt Nốt dự lễ an táng ông tại xã Trung Nhứt, huyện Thốt Nốt. Đích thân Phùng Há đứng ra xây mộ cho ông tại ấp Phụng Thạnh 2, xã Trung Nhứt vì Phùng Há vừa là học trò, vừa là dưỡng nữ của ông.
Ông chỉ chỉ viết tuồng cải lương mà còn sáng tác thơ và nhiều thể loại khác với các bút danh Mộc Quán, Thốc Sơn, Hưng Hoành, Cái Sơn Bô Lão.
Ngoài 85 tuồng cải lương, ông còn sáng tác 7 tập thơ tuồng, 12 tập sách dạy con cháu cách xử sự ở đời và trên 100 bài thơ các loại. Ngoài tác phẩm Trùng Ma Phụ Giám, ông còn viết Phu Thê Ngôn Luận và 113 câu hát đối đáp. Một số tác phẩm của ông, hiện nay đã được tái bản. Phùng Há vẫn cất giữ các tuồng có bút tích của ông.
Gần đầy, trong một liên hoan cải lương khu vực miền Nam tại tp. Hồ Chí Minh, ông Lê Duy Hạnh, Tổng thư ký Hội sân khấu TP. Hồ Chí Minh từng đánh giá rằng, soạn giả Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền là thế hệ tiên phong trong sáng tác cải lương. Ông là một danh nhân đáng tự hào của quê hương Thốt Nốt.