Chả cá Lý Trần Quán

Sài Gòn, Thủ Đô Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa, có đặc điểm là “không người Việt nào biết cái tên Sài Gòn từ đâu mà ra, tại sao Sài Gòn lại có tên là Sài Gòn, Sài Gòn nghiã là gì?” Nhiều người tìm hiểu nguồn gốc cái tên Sài Gòn, nhiều người giải nghĩa cái tên Sài Gòn, nhưng cho đến nay tất cả đều chỉ là giả thuyết — người cho Sài Gòn xuất từ cái tên Sai Pregor: Rừng Gòn của người Miên, người bảo Sài Gòn do tiếng Tây Cống: đất dâng cho Tây, của người Tầu, tiếng Tầu là Đề ngạn — giả thuyết nào cũng khập khiễng, không có giả thuyết nào đáng tin.

Sau khi Thực dân Pháp đến, nước ta mới có Sài Gòn. Người Pháp lập Thành phố Sài Gòn năm 1865. Chỉ mới 150 năm ta có Sài Gòn, lịch sử Việt đã mù mờ về cái tên Sài Gòn, nói chi đến vài trăm năm nữa. Nghìn năm sau sẽ không bao giờ người Việt Nam biết Sài Gòn nghĩa là gì, tại sao lại có tên Sài Gòn.

Đặc điểm thứ hai của Sài Gòn là tên những đường phố Sài Gòn, thoạt đầu, đều do người Pháp đặt. Trước năm 1956, 1 triệu người Sài Gòn thì 1 triệu 574.890 người không biết những cái tên Charner, Bonard, Galliéni, Paul Blanchy, Colonel Boudonnet, Colonel Grimaud, Général Lizé, Kitchener, Jaureguiberry là ai, từng làm gì ở Sài Gòn, sống chết hồi nào. Tất cả những tên đường phố Sài Gòn — từ ngày có Sài Gòn đến Tháng 3, 1955 — đều là những tên người lạ hoắc.

Ngày 22 Tháng Ba, năm 1955 Chính phủ Ngô Đình Diệm — khi ấy ông Ngô Đình Diệm còn là Thủ Tướng — làm cuộc đổi tên những đường phố Sài Gòn. Một Ủy ban lo việc đổi tên đường được thành lập ở Tòa Đô Chính Sài Gòn, thời ông Đô Trưởng Nguyễn Phú Hải. Tôi không biết thành viên ủy ban ấy là những ai, ai là Chủ tịch, tôi thấy ủy ban làm việc thật hay, lấy tên những danh nhân đặt tên cho những đường phố Sài Gòn thật đúng, công bằng, gần như không có thiếu xót, không có khuyết điểm nào đáng kể. Sẽ có nhiều trang SÀI GÒN VANG BÓNG viết về những tên đường Sài Gòn Xưa.

Việc đổi tên đường Sài Gòn là việc làm nói lên chuyện Sài Gòn trở thành thành phố của người dân Việt Nam. Trước năm 1956, Sài Gòn, với những tên đường toàn tên người Pháp, là của người Pháp. Nói cách khác, nhẹ hơn, trước năm 1956 người Pháp làm chủ Sài Gòn, từ năm 1956 Sài Gòn là của người Việt, Sài Gòn là thành phố của người Sài Gòn.

Từ Tháng Ba năm 1955, Sài Gòn có những đường Hai Bà Trưng, Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Lê Lai, Lê Thánh Tôn, Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, Huyền Trân Công Chúa, Nguyễn Du, Tản Đà, Tú Xương, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trần Cao Vân, Phan Thanh Giản, Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu, Cao Thắng, Đinh Công Tráng, Đồ Chiểu, Nguyễn Thái Học, Ký Con, Cô Giang, Cô Bắc, Bùi Thị Xuân, Bà Huyện Thanh Quan, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Sương Nguyệt Anh, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Nguyễn An Ninh, Huỳnh Thúc Kháng, Tiểu La. Nhiều nữa, không thể kể hết trong một trang báo. Từ năm 1956 đến năm 1975, ta hỏi 1 triệu người Sài Gòn thì có 999.999 người biết những danh nhân được đặt tên đường đó là ai, từng làm gì cho đất nước, cho dân tộc; dân Sài Gòn quen biết, yêu kính những danh nhân ấy.

Thế rồi bọn Bắc Cộng vào Sài Gòn. Bắt chước bọn Nga Cộng đổi tên thành phố Saint Peterburg ra Leningrad, bọn Bắc Cộng đổi tên Sài Gòn ra tên Hồ chí Minh, chúng đưa một lô tên Việt Cộng lên những bảng tên đường Sài Gòn. Tình trạng người Sài Gòn xa lạ với những tên người–tên đường những năm 1930, 1940, 1950 lại xẩy ra sau năm 1975.

Sau năm 1975, nếu ta hỏi 1 triệu người dân Sài Gòn:

– Võ thị Sáu, Mạc thị Bưởi, Nguyễn thị Minh Khai, Lê thị Hồng Gấm, Nơ trang Long. Hoàng văn Thụ, Huỳnh văn Bánh, Nguyễn văn Đậu là ai?

Sẽ có 1 triệu 999.999 người Sài Gòn trả lời:

– Những thằng cha cà chớn, những con me cà cháo. Tôi đâu có biết chúng là ai! Tôi chỉ biết chúng là bọn Việt Cộng.

Tôi vừa kể ba đặc điểm của Sài Gòn:
  1. Không ai biết tên Sài Gòn từ đâu ra, Sài Gòn nghĩa là gì.
  2. Trong 25 năm hai lần Sài Gòn đổi tên đường: lần 1 năm 1955, lần 2 năm 1975.
  3. Hai lần, thời Pháp bảo hộ, và thời Bắc Cộng đàn áp, bóc lột, người Sài Gòn không biết những nhân vật được đặt tên đường là ai, từng làm gì.
Hôm nay tôi chọn trong thành phố Sài Gòn trước 1975 hai đường:
  1. Đường Lý Trần Quán, Tân Định, tên Pháp trước năm 1956 là đường Barbier.
  2. Đường Lê Quí Đôn, Quận 3, tên Pháp trước năm 1956 là đường Barbé.
Mời quí vị đọc chuyện đời tư của hai nhân vật Lý Trần Quán, Barbé.

*****


Năm xửa, năm xưa..

Chiều nay ở xứ người, nhớ lại, cứ tưởng như chiều hôm qua..

Rời cửa chợ Tân Định, tôi đi trên đường Trần Văn Thạch bên chợ. Bác sĩ Trần Văn Thạch bị Việt Minh, tên trước năm 1960 của bọn Việt Cộng ác ôn, bắn chết ở Sài Gòn năm 1945. Mãi đến năm 2007 ở Hoa Kỳ, nhờ Bác sĩ Trần Ngươn Phiêu kể trong hồi ký của ông, tôi mới biết tên Việt Cộng Trần văn Giầu là tên giết ông Trần Văn Thạch. Thi sĩ Đinh Hùng ở đường Trần Văn Thạch từ năm 1956 đến sau ngày ông qua đời năm 1968, bà vợ ông dọn nhà sang ở bên Khánh Hội. Trước năm 1955 tên tiếng Pháp của đường Trần Văn Thạch, Tân Định, là đường Vassoigne.

Trên đường Trần Văn Thạch, qua rạp Xi-nê Moderne, tôi đến đường Lý Trần Quán, đường này từ đường Hiền Vương — tên tiếng Pháp là Mayer — đến đường Trần Văn Thạch, tên tiếng Pháp của đường Lý Trần Quán là đường Barbier.

Đây là chuyện về nhân vật Lý Trần Quán được ghi trong tác phẩm Hoàng Lê Nhất Thống Chí:

Năm Bính Ngọ, quân Tây Sơn đánh vào thành Thăng Long. Đoan Nam Vương Trịnh Khải chạy lên Sơn Tây, bị bắt, dùng dao đâm cổ tự tử. Lý Trần Quán có can dự vào việc chúa Trịnh Khải bị bắt. Trước khi kể chuyện Lý Trần Quán-Trịnh Khải, tôi viết về tiếng “Chúa” trong ngôn ngữ Việt ta.

Người Tầu có hai tiếng “đế” “vương
, ta theo người Tầu, dùng hai tiếng “đế, vương, nhưng ta chỉ có một tiếng “vua” để gọi cả hai tiếng “đế, vương; như đời Trần Vua là Hoàng Đế phong cho ông Trần Quốc Tuấn là Hưng Đạo Vương, đời Nguyễn Vua Tự Đức là Đại Nam Hoàng Đế, phong tước Vương cho các ông Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương. Tôi chắc tiếng “Chúa” có trong ngôn ngữ nước ta từ đời Vua Lê, Chúa Trịnh. Vua Lê phong “Vương” cho các ông Tể Tướng họ Trịnh, dân không thể gọi Vua Lê là Vua mà cũng gọi các ông tước Vương họ Trịnh là Vua, nên dân gọi các ông Trịnh Vương là Chúa. “Chúa” là tiếng Việt của tiếng “Chủ. Thiên Chủ — Chủ Trời — ta gọi là Thiên Chúa, Chủ nhật: Chúa nhật, Chủ Công — nôm na là Ông Chủ — các ông Việt dịch truyện Tam Quốc Chí gọi là “Chúa Công”. Tiếng Chúa có nhiều quyền uy hơn tiếng Chủ. “Vắng Chúa nhà, gà mọc đuôi tôm” nguyên là “Vắng chủ nhà, gà mọc đuôi tôm. “Vắng Chúa nhà” nghe hay hơn là Vắng Chủ nhà”. Như “Ăn cơm Chúa, múa tối ngày, Bà Chúa đứt tay, ăn mày đổ ruột, Chồng Chúa, vợ tôi, Nợ như Chúa Chổm, Trạng chết Chúa cũng ra ma. Dưa gang đỏ đít thì cà đỏ trôn.”

Cùng trường hợp đó, người Tầu có trâu và bò nhưng chỉ có một tiếng “ngưu” để gọi cả trâu và bò. Vì vậy người Tầu có tiếng thanh ngưu, thủy ngưu: ngưu xanh, ngưu nước để gọi trâu, có hoàng ngưu: ngưu vàng để gọi bò, bò lông mầu vàng.

Đoan Nam Vương Trịnh Khải bỏ kinh đô Thăng Long, chạy lên Sơn Tây, Chuá không còn quân đội, chỉ còn một số người theo hầu. Lý Trần Quán đang giữ một chức quan ở Sơn Tây, ra đón Chúa, rồi sai một học trò của ông là Nguyễn Trang bảo vệ Chúa, đưa Chúa đi trốn. Ông không cho Nguyễn Trang biết người ông sai hắn đưa đi là Đoan Nam Vương. Trang bắt Chúa Trịnh giao cho quân Tây Sơn.

Hoàng Lê Nhất Thống Chí. Truyện Sử. Ngô Gia Văn Phái viết:

Quán từ biệt Chúa, trở về nhà riêng. Còn Trang thì cùng bọn thủ hạ đi bảo vệ Đoan Nam Vương, nhưng Trang lại đưa Chúa về nhà riêng của hắn, tra hỏi Chúa:

– Ông là Đoan Nam Vương thì nói thực đi. Ông dấu tôi, có chuyện gì xẩy ra, đừng trách tôi.

Chúa nói:

– Sao anh lại đoán xằng như vậy? Ta là quan Tham Tụng Bùi Huy Bích.

Trang nói:

– Ông đừng nói dối. Cái bộ điệu Chúa tôi nửa kín, nửa hở của các ông tôi thấy rồi. Ông mà không phải là Đoan Nam Vương thì còn là ai nữa. Chuyện đế vương còn mất là chuyện thường, tôi khuyên ông nên chịu hàng đi, cho đỡ khổ thân, trước sau gì ông cũng bị bắt.

Chúa nổi gịận:

– Ta là Đại Nguyên Soái Đoan Nam Vương. Ta chết là do mệnh trời. Mày muốn làm gì thì làm.

Trang cho người đi báo với quân Tây Sơn. Tất cả những người đi theo Chúa đều bị bắt giữ.

Quán nghe tin có biến, đến chỗ Chúa bị giam giữ, quì lậy, rập đầu xuống đất, nói:

– Làm Chúa đến nỗi này là tội của tôi.

Chúa Trịnh an ủi:

– Khanh nào có tội gì.

Quán lậy rồi lui ra, nói với Trang:

– Chúa là Chúa chung của mọi người. Chúa là Chúa của ta mà cũng là Chúa của anh, ta là thầy học của anh, ta từng dậy anh vua tôi nghĩa lớn, sao anh nỡ phản Chúa?

Trang nói:

– Tại sao ông không cho tôi biết ông ấy là Đoan Nam Vương, nếu ông nói, tôi có thể từ chối việc ông bảo tôi làm. Nếu tôi đưa ông ấy trốn thoát, người Tây Sơn biết chuyện, đời nào họ để cho tôi được sống? Khi ấy ông có thể giảng nghĩa vua tôi để cứu tôi khỏi chết không? Sợ Chúa, sợ Thầy không bằng sợ Giặc, yêu Chúa không bằng yêu thân mình. Ông đừng nói lôi thôi.

Khi Chúa bị Trang giải đi, Quán quì bên đường, lậy, khóc, kêu lớn:

– Trời ơi..! Tôi giết Chúa tôi..!

Chúa đứng lại, nói lời an ủi:

– Lòng trung của khanh “cô” đã biết, khanh đừng tự oán như thế.

Trên đường đi, trời nắng, Chúa Trịnh được cho vào ngồi nghỉ trong một quán nước bên đường. Chúa vớ được con dao của nhà hàng, cầm dao đâm vào cổ. Trang dằng được dao. Vết thương không lớn, Chúa dùng ngón tay móc cho vết thương lớn ra. Một lúc sau, Chúa đòi uống nước lạnh. Trang lấy nước cho Chúa uống. Chúa uống xong là gục xuống chết. Trang khiêng xác Chúa đến nộp cho quân Tây Sơn. Xác Chúa bị phơi ở cửa Tuyên Vũ thành Thăng Long cho mọi người thấy. Ngày Chúa Trịnh Khải chết là ngày 26 Tháng Sáu năm Bính Ngọ, 1786.

Quán đưa tiễn Chúa đến Hạ Lôi, ông ở lại đó mà không về nhà. Ông nói với ông chủ nhà trọ:

– Bề tôi mà làm hại vua, tội đáng chết. Nếu tôi không chết, không lấy gì tỏ được lòng tôi với Trời Đất. Nhờ ông giúp tôi: mua cho tôi một cỗ quan tài, mười vuông vải trắng, để tôi làm theo cái chí của tôi.

Chủ nhà hết sức can ngăn, Quán nói:

– Tôi đã muốn chết thì không thiếu gì cách chết. Ông nên giúp cho tôi được chết đường hoàng, sạch, đẹp. Tôi chịu ơn ông.

Biết không thể ngăn Quán, chủ nhà đành làm theo lời Quán. Quán nhờ người đào cái huyệt, cho quan tài xuống huyệt, xé vải trắng làm khăn và dây lưng. Quán chít khăn trắng, thắt dây lưng, quì hướng về phía nam, lậy hai lậy, rồi xuống huyệt, nằm vào quan tài, bảo chủ nhà đậy nắp lại rồi lấp đất.

Đã nằm trong quan tài, Quán nói lời cuối:

– Tôi có câu này, ông nói dùm với con cháu tôi:

Tam niên chí hiếu dĩ hoàn.
Thập phần chi trung vị tận.

Nhờ ông bảo con cháu tôi viết hai câu ấy mà thờ tôi.

Lại nói:

– Đa tạ ông chủ. Vĩnh biệt ông.

Chủ nhà và năm, sáu người nhà cùng sụp lậy Quán trước huyệt, rồi đậy nắp áo quan, lấp đất. Hôm ấy là ngày 29 Tháng Sáu năm Bính Ngo, 1786, sau khi Chúa Trịnh Khải chết hai ngày.

Lý Trần Quán người làng Văn Canh, huyện Từ Liêm, đỗ tiến sĩ khóa Bính Tuất, 1766, tính nết giản dị, chất phác, rất hiếu thảo. Trong khi chịu tang mẹ, Quán làm lều ở bên mồ ba năm liền, không ăn thịt cá, thân xác gầy rạc, chỉ còn da bọc xương.

Ông thường nói:

– Những việc ta làm trong đời ta chỉ có ba năm chịu tang là gần với đạo làm người.

Tam niên chí hiếu dĩ hoàn.
Thập phần chi trung vị tận.
Đạo hiếu ba năm đã trọn.
Chữ trung mười phần chưa xong.


Đấy là chuyện ông Lý Trần Quán, người có tên đường ở khu Tân Định, Sài Gòn. Ông chết vì Chúa Trịnh, ông không chết vì nước. Cái chết của ông có mầu sắc Quân Tử Tầu. Qua mấy ngàn năm lịch sử phong kiến Tầu, có nhiều ông Quân Tử Tầu chết những cái chết nếu không lảng nhách thì cũng lảng xẹt. Nhưng vì những cái chết lảng ấy tên tuổi các ông được ghi trong lịch sử. Xong không thấy có ông Quân Tử Tầu nào chết cái chết ly kỳ như ông Quân Tử Việt Lý Trần Quán.

Còn sống, tự vào nằm trong quan tài, cho người lấp đất, chịu ngạt thở cho đến chết. Khó lắm. Ai làm được như thế? Chỉ có ông Việt Nam Lý Trần Quán. Trung với Chúa là trung với Vua, đời xưa trung với vua là trung với nước, trung với dân. Người đời sau kính trọng ông Lý Trần Quán vì lòng trung của ông, lấy tên ông đặt tên đường. Giặc Cộng vào Sài Gòn, bỏ tên đường Lý Trần Quán, thay vào đó là cái tên Mụ Việt Cộng Thạch thị Thanh, người Miên.

Với tôi, đường Lý Trần Quán mãi mãi là đường Lý Trần Quán, năm 1954 tôi hai mươi tuổi, tôi và người yêu đến đường Barbier ăn Chả Cá Sơn Hải, ăn phở, ăn miến gà Nhà hàng Ngọc Sơn; năm 1970 tôi bốn mươi tuổi, tôi và vợ tôi đến đường Lý Trần Quán ăn Chả Cá Sơn Hải, — Ông chủ tiệm Sơn Hải tôi quên tên, từng làm Steward Air France, Sơn Hải Chả Cá còn có món Ốc Hấp Lá Gừng đặc biệt Bắc Kỳ tuyệt cú mèo, và món Miến Cua, Cháo Cua; Chả Cá chân chính là phải có Cà Cuống, Bà Chủ Sơn Hải tự tay dùng compte-goutte rỏ từng giọt Cà Cuống vào chén mắm tôm ở bàn ăn trước mặt khách, Cà Cuống Chả Cá Sơn Hải là Cà Cuống Chính Cống, Thiên Nhiên, Thiên Tạo, được tính tiền từng giọt — Ngày nào Sài Gòn trở lại là Sài Gòn, người Việt sẽ gỡ bảng tên đường Thạch thị Thanh quẳng vào hố rác cùng với bảng tên Thành phố Hồ chí Minh, ngày ấy người Việt lại treo lên bảng tên đường Lý Trần Quán.

Mời quí vị đọc tiểu truyện về Đại Úy Pháp Barbé, người có tên đường ở Sài Gòn; năm 1956 đường Barbé trở thành đường Lê Quí Đôn. Đường Lê Quí Đôn từ đường Hồng Thập Tự sang đường Hiền Vương, chạy sau Trường Nữ Học Marie Curie; Vila số 8 đường Lê Quí Đôn năm 1975 là Nhà USIS — United States Information Service — Sở Thông Tin Hoa Kỳ. Lúc 5 giờ chiều ngày 29 Tháng Tư, 1975, người anh em cùng vợ với tôi là Hoàng Hải Thủy cùng vợ con anh ra khỏi Nhà USIS; anh đưa vợ con anh đến đấy chờ người Mỹ đưa đi khỏi Sài Gòn, nhưng, chuyện xưa quá dzồi, đã kể nhiều lần..

Tiểu truyện Đại Uý Barbé là một chuyện tình. Đây có thể là Cuộc Tình Pháp Việt Thứ Nhất trong Lịch Sử Việt Nam. Một chuyện Tình Bi Thảm — viết hoa 3 chữ T, B, T — Chuyện xẩy ra năm 1860, quân Pháp mới chiếm Sài Gòn — khi ấy Sài Gòn chưa có tên là Sài Gòn — vùng này hoang vắng, toàn gò rạch và cây cỏ như rừng. Quân Pháp đóng trong mấy cái chùa của ta ở khu trung tâm về sau là những đường Hồng Thập Tự, Tự Do, Nguyễn Huệ, quân ta đóng ở vùng Kỳ Hòa, tức vùng sau này là Nhà Tù Chí Hòa, chợ Hòa Hưng, Trường Đua Phú Thọ. Đại Úy Barbé đóng quân trong chùa Khải Tường, chùa này năm xưa ấy ở khoảng đầu đường Lê Quí Đôn, gần đường Hồng Thập Tự.

Một hôm dẫn lính đi tuần ở ven sông. Đại Úy Barbé thấy một bè chuối trôi sông, trên bè có một người đàn ông Việt, một thiếu phụ Vịệt, cả hai cùng bị trói. Bè chuối rạt vào bờ sông, Đại Úy Barbé cho lính mang hai người từ bè chuối lên bờ, người đàn ông đã chết, người thiếu phụ hấp hối. Ông cho lính khiêng thiếu phụ về đồn, tức về chùa Khải Tường, nhờ y sĩ Pháp cứu cấp.

Thiếu phụ bị thả bè chuối trôi sông thoát chết. Chuyện truyền khẩu trong dân gian kể Nàng tên là Thị Ba, có nhan sắc, bị ép làm vợ một ông Lãnh binh Việt Nam. Trước khi làm vợ ông Lãnh binh, nàng có người yêu. Có chồng rồi nàng và người tình vẫn lén gặp nhau, họ bị ông Lãnh rình, bắt lúc họ đang tình tự, ông Lãnh trói họ, cho họ lên bè chuối, thả trôi sông cho chết.

Bè chuối trôi sông là một hình phạt ngày xưa: người có tội bị lột quần áo, trói tay chân, nằm trên bè chuối thả trôi trên sông. Bè chuối làm bằng những thân cây chuối. Thường là những cặp nam nữ can tội gian dâm bị trừng phạt bằng cách cho lên bè chuối, thả bè trôi sông, chịu nắng đói, khát mà chết.

Thị Ba được y sĩ Pháp cứu thoát chết, nàng sống trong đồn Khải Tường của quân Pháp. Đại Úy Barbé yêu nàng. Một thời gian sau nàng xin Đại Úy cho nàng về thăm nhà, Đại Úy cho nàng đi. Ông như phát điên khi được tin người ông yêu bị quân Việt Nam bắt. Ông ân hận vì ông đã cho phép nàng ra khỏi đồn. Ông tung người đi tìm xem nàng bị giam ở đâu để đến cứu nàng.

Một chiều gần tối, có người đến đồn báo Thị Ba trốn khỏi nơi giam giữ, đi về đồn Khải Tường nhưng bị quân Việt bắt lại ngay tại một chỗ gần đồn. Được tin, Đại Úy Barbé một mình, một súng, nhẩy lên ngựa, phi đến chỗ ông được cho biết là nơi người yêu của ông đang bị giữ. Từ đồn Khải Tường, Đại Úy tới khoảng về sau là Công Trường Dân Chủ, Ngã Sáu Hiền Vương- Yên Đổ — Trần Quốc Toản- Lê Văn Duyệt thì lọt vào ổ phục kích. Quân Việt xông ra dùng dáo, mác đâm ông chết. Sáng hôm sau lính Pháp mới tìm thấy xác ông.

Chuyện dân gian không cho biết về sau số phận người thiếu phụ Việt tên là Thị Ba ra sao, chỉ biết chuyện Đại Úy Barbé bị quân Việt giết chết là chuyện thật. Chính quyền Pháp đặt tên con đường có Chùa Khải Tường-Đồn Lính Pháp là Đường Barbé. Chùa Khải Tường, cùng hai, ba chuà khác trong vùng, sau đó bị phá.

Năm 1955 đường Barbé đổi thành đường Lê Quí Đôn. Năm 2008, một người Việt Nam tị nạn cộng sản, sống đời biệt xứ ở Hoa Kỳ, viết lại chuyện ông Lý Trần Quán, chuyện tình Pháp Việt Barbé-Thị Ba, trong tập hoài niệm tên là SÀI GÒN VANG BÓNG.

————————————————————————–
Phụ lục:

Tháng Sáu 2008, một tin trên Web nhắc đến Chuà Khải Tường.

Bản tin tiếng Anh:

* During a trip to Ho Chi Minh City, Ambassador Michael Michalak visited the Museum of Vietnamese History to observe restoration of some of the museum’s Buddha statues through the Ambassador’s Fund for Cultural Preservation. Among 17 Buddha statues whose restoration was funded under this project, the one that impressed the delegation the most was the 19th century, Amitaba-wood statue from Khai Tuong Pagoda. This large statue, 196cm height and 135 cm in width, was carved out of the jackfruit tree and covered in red lacquer and emulsified gold. This statue was created at the behest of Emperor Minh M?ng (1820-1840). The Kh?i T??ng pagoda was formerly located in the area of the current Museum of War Memorials. The pagoda was destroyed by the French colonists in the 19th century.

* Trong chuyến đến Thành phố Hồ chi Minh, Đại sứ Michael Michalak đến thăm Viện Bảo Tàng Lịch Sử Việt Nam để xem việc tu bổ một số Tượng Phật được thực hiện qua Quỹ Bảo Tồn Văn Hoá của ông Đại sứ. Trong số 17 bức Tượng Phật được tu bổ theo Quỹ nói trên, bức tượng làm phái đoàn Mỹ chú ý nhất là Tượng Phật Amitaba, nguyên là tượng của chuà Khải Tường. Bức tượng lớn này, cao 196 cm, bề ngang 135 cm, được tạc từ gỗ mít, sơn son, thếp vàng. Tượng này được làm theo lệnh của Vua Minh Mạng(1820-1840). Chuà Khải Tương trước nằm trong khu nay có Nhà Bảo Tàng Chiến Tranh; chùa bị những ngưòi thực dân Pháp phá hủy trong Thế kỷ 19.

Théc méc: Tượng bằng gỗ mít cao 2 thước Tây không có chi lạ, nhưng có cây mít nào thân cây lớn đến 1 thước 50 phân không? CTHĐ

(NKLT: Tuy không có cây mít thân cây lớn đến 1 thước 50 phân nhưng khi tạc tượng, người thợ có thể ghép nhiều cây vào để tạc.)