Hoàng Hải Vân
Như đã nói, việc đem Sài Gòn và vùng đất Nam bộ về cho Tổ Quốc một cách hòa bình và hợp pháp là công lao vĩ đại của Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên và các Chúa Nguyễn kế tiếp. Di sản mà tiền nhân để lại không chỉ là một vùng đất đai biển trời rộng lớn mà còn là những bài học vô giá về mở cõi an dân, về dựng nước và giữ nước.
Vào cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17, nước Chân Lạp suy yếu toàn diện. Bên trong thì rối ren bất ổn, bên ngoài thì bị Xiêm La (Thái Lan) uy hiếp. Để tránh nguy cơ mất nước, triều đình Chân Lạp không thể không dựa vào Chúa Nguyễn. Đó là lý do quốc vương Chân Lạp Chey Chettha II sang cầu hôn xin lấy con gái Chúa Sãi. Chúa Sãi nhận lời, quốc vương Chey Chettha II trở thành con rể của Chúa, công chúa Ngọc Vạn[1] trở thành hoàng hậu, sau đó trở thành hoàng thái hậu nước Chân Lạp. Sự kiện đó diễn ra vào năm 1620.
Cần biết, chính quyền Đàng Trong của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã xác lập lãnh thổ đến Thạch Bi Sơn (Phú Yên), như vậy là lúc đó nước Chiêm Thành vẫn đang giữa Chân Lạp và cương vực phía Nam của nước ta. Đến thời Chúa Sãi, lãnh thổ phía Nam vẫn dừng lại ở đó, tuy nhiên nhiều cư dân người Việt đã đến khai phá lập nghiệp ở lưu vực sông Đồng Nai và nhiều nơi khác ở khu vực lân cận, có lẽ họ đến đây chủ yếu bằng đường biển.
Ba năm sau cuộc hôn nhân chính trị này, vào năm 1623, theo đề nghị của Chúa Sãi, và chắc chắn có sự tác động tích cực của hoàng hậu Ngọc Vạn, quốc vương Chey Chettha II đã cho bố vợ của mình sử dụng 2 địa điểm là Kas Krobei và Brai Kor, đều thuộc Sài Gòn ngày nay, để lập 2 trạm thu thuế. Đồng thời, còn tạo điều kiện cho cư dân người Việt tiếp tục mở rộng khai phá và an cư lạc nghiệp ở khu vực Đồng Nai.
Nam Bộ xưa kia là vùng Thủy Chân Lạp, vốn là lãnh thổ cũ của vương quốc Phù Nam, được sáp nhập vào Chân Lạp vào thế kỷ thứ 7. Mãi cho đến thứ kỷ thứ 17, nơi đây vẫn là vùng đầm lầy sông nước hoang sơ, rất ít dân cư, bởi vậy tuy là đất của Chân Lạp trên danh nghĩa, nhưng trong thực tế thì triều đình Chân Lạp hầu như không cai quản, chẳng có chính quyền nào lại đi cai quản nơi đồng không mông quạnh vắng bóng người. Đến thời Chúa Sãi, cư dân người Việt đã đến sinh sống rất đông tại vùng Đồng Nai và Sài Gòn ngày nay. Việc Chúa Nguyễn đặt 2 trạm thu thuế tại đây nói lên hai thực tế: một là người Việt đã cư trú và làm ăn buôn bán từ rất lâu tại khu vực này dưới sự bảo trợ của chính quyền Chúa Nguyễn, vì không cai quản, không bảo trợ thì làm sao có thể thu thuế; hai là, chính quyền Chân Lạp không cai quản khu vực này, nếu họ cai quản thì họ đã thu thuế rồi, sao họ lại có thể đồng ý cho Chúa Nguyễn đến thu thuế trùng lắp được.
Chính quyền của Chúa Nguyễn đã trở thành chỗ dựa cho triều đình Chân Lạp giữ vững độc lập và ổn định nội trị. Chúa Nguyễn đã nhiều lần đem quân sang giúp triều đình Chân Lạp chống lại sự xâm lấn của Xiêm La. Những khi trong nước có nội loạn tranh giành ngôi vị, những người làm loạn dựa vào Xiêm La, còn dòng chính thống thường sang cầu xin Chúa Nguyễn ứng cứu. Sau những lần giúp đỡ như vậy, các vua Chân Lạp thường cắt đất trả ơn, các Chúa Nguyễn lại đưa dân đến khai phá làm ăn, rồi thiết lập bộ máy hành chính để bảo vệ dân, không phân biệt là người Việt hay người Khmer. Hoàn toàn không có chuyện người Việt đến để tranh giành lãnh thổ với người Khmer, vì như đã nói, cả vùng Nam Bộ khi ấy là vùng đất hoang sơ, cư dân bản địa rất ít, dưới sự cai quản của các Chúa Nguyễn trên những vùng đất mới, không những người Việt mà cả người Khmer đều an cư lạc nghiệp.
Đến giữa thế kỷ 17, nhiều người Hoa trong phong trào “phản Thanh phục Minh” từ Trung Quốc chạy sang xin thần phục Chúa Nguyễn cũng đến khai phá vùng này. Nổi bật là trường hợp của 2 vị tướng nhà Minh là Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch cùng các bộ tướng mang 3.000 quan binh theo Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần, chúa Hiền bàn với vua Chân Lạp đưa các vị này đến khai phá vùng Cù Lao Phố và Mỹ Tho ngày nay, lập ra các “Minh Hương” (làng của người Minh), sáp nhập vào lãnh thổ của Chúa Nguyễn. Một bộ phận khác, đứng đầu là Mạc Cữu chạy sang Chân Lạp, được vua Chân Lạp cho khai phá vùng đất Hà Tiên ngày nay, lập ra làng mạc và xin sáp nhập vào lãnh thổ Chúa Nguyễn. Con của Mạc Cữu là Mạc Thiên Tứ tiếp tục giúp Chúa Nguyễn mở rộng đất đai đến vùng Rạch Giá, Cần Thơ và Cà Mau ngày nay. Đến thời Chúa Võ Nguyễn Phúc Khoát, sau khi vua Chân Lạp dâng tặng vùng đất cuối cùng là Tầm Phong Long (nay thuộc địa phận tỉnh An Giang và một số tỉnh dọc sông Tiền, Sông Hậu) , chính quyền của Chúa Nguyễn đã xác lập chủ quyền đối với toàn vùng Nam Bộ như ngày nay. Thời điểm đó là năm 1757.
Vấn đề là vẫn còn nước Chiêm Thành nằm xen chia cắt hai vùng lãnh thổ. Ngày nay ta không có đủ cơ sở để đoán biết các Chúa Nguyễn có kế sách dài lâu gì để xử lý sự ngăn cách đó. Mọi sự suy diễn lịch sử đều là võ đoán. Sự kiện Chúa Sãi gả con gái của mình là công chúa Ngọc Khoa cho vua Chiêm Pô Romê chứng tỏ các Chúa Nguyễn chủ trương hòa hiếu. Nhưng cuối cùng thì Chiêm Thành cũng được sáp nhập hoàn toàn vào lãnh thổ nước ta, theo giải thích của Đại Nam thực lục (tiền biên) thì do các vua Chiêm liên tục đem quân xâm lấn, cướp giết cư dân Việt, buộc các Chúa Nguyễn phải đem quân chinh phục. Vào năm 1653, thời Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần, mở rộng lãnh thổ từ Thạch Bi Sơn (Phú Yên) đến phía đông sông Phan Rang, lập hai phủ Thái Khang và Diên Ninh. Vùng đất phía tây sông Phan Rang vẫn thuộc Chiêm Thành, lúc này vua Chiêm đã đầu hàng và xin làm phiên thuộc. Đến năm 1692, do vua Chiêm làm phản, “cướp giết cư dân ở Phủ Diên Ninh”, Chúa Nguyễn Phúc Chu sai Nguyễn Hữu Cảnh đem binh đi đánh, xóa nước Chiêm Thành, đổi làm trấn Thuận Thành, vẫn cho người Chiêm cai quản, năm 1697 đổi thành phủ Bình Thuận. Từ đây, lãnh thổ phía Nam của nước ta mới nối liền một dải từ Thuận Hóa đến vùng đất mới Nam Bộ. Đọc lịch sử ta dễ dàng nghĩ rằng việc xâm lấn, cướp giết của Chiêm Thành là cái cớ để các Chúa Nguyễn thôn tính Chiêm Thành, làm thông suốt lãnh thổ phía Nam của mình, nhưng nhận định đó chưa chắc đúng. Cũng như việc vua Minh Mệnh “xóa sổ” luôn nước Chân Lạp, biến nước này thành Trấn Tây Thành, sáp nhập vào lãnh thổ nước ta vào năm 1836 chưa chắc là ý đồ mở rộng lãnh thổ của triều Nguyễn, sự kiện này chúng tôi sẽ đề cập sau.
Tóm lại, quá trình mở rộng và xác lập chủ quyền trên vùng Nam Bộ (cũng như Hoàng Sa, Trường Sa và các hải đảo trên biển Đông) là quá trình mở đất hòa bình và hợp pháp. Các Chúa Nguyễn không đem quân lấn chiếm rồi đưa dân của mình tới mà ngược lại, trước hết xuất phát từ nhu cầu làm ăn sinh sống của người dân, cả đối với cư dân người Việt, cư dân người Hoa di cư và cư dân Khmer bản địa. Dân đến trước, chính quyền của Chúa Nguyễn đến sau để bảo vệ dân. Bộ máy quản lý của Nhà nước cũng được thiết lập một cách mềm dẻo, phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân chứ không áp đặt một cách cứng nhắc vì lợi ích của người cai trị. Quá trình này không chỉ có lợi cho người Việt, nước Việt, mà thực tế cho thấy còn có lợi cho chính triều đình Chân Lạp và người Khmer bản địa. Đây là quá trình hoàn toàn phù hợp với thông lệ và luật pháp quốc tế hiện nay. Vào tháng 12-1845, ba nước Việt Nam, Xiêm (Thái Lan) và Cao Miên (Campuchia) đã ký một hiệp ước, trong đó thừa nhận 6 tỉnh Nam Kỳ là lãnh thổ hợp pháp của Việt Nam.
_________________
[1] Là con gái Chúa Sãi, thời ấy Ngọc Vạn là “công nữ”, nhưng sau này vua Gia Long đã truy tôn Chúa Sãi là hoàng đế (Hy tông Hiếu văn Hoàng đế), nên ngày nay ta gọi bà là “công chúa” cũng không sai.