Nồng nẫu hồn quê

Chưa từng thấy hoa dỏ dẻ nên tôi cũng chưa hề biết được mùi hương lạ chỉ có lúc hoàng hôn đã gợi mùi nhớ như thế nào… đến nỗi khiến tình yêu trở nên “nồng nẫu’ thế! Hay bởi cách nhà thơ dùng nó vừa mộc mạc hồn quê vừa nôn nao đến lạ? Tôi thích từ “nồng nẫu”. Tra từ điển online. Chỉ có “nậu” rồi “nẩu” hay “nẫu” trong cội nguồn từ “xứ Nẫu” (viết hoa). Tra “Từ điển từ láy”… Chỉ có “nồng nã”, “nồng nàn”, “nồng nặc”, “nồng nỗng”, “nồng nực”…cũng không có “nồng nẫu” mà nhà thơ Hoàng Lộc dùng ở đây?

* * *


em đi qua hoàng hôn thơm mùi dỏ dẻ
hoa chỉ cho đời hương lạ lúc hoàng hôn
anh cũng đã hoàng hôn nên tình yêu nồng nẫu thế
em được một lần cả hai thứ hương thơm…
(Hoàng Lộc, Ngăn ngắn tình si, nxb Hội nhà văn, 2016, trang 189)

TẢN MẠN TỪ LOÀI HOA CHƯA BIẾT…

Tôi chưa hề thấy hoa dỏ dẻ.

Nhiều lúc…, thật sự tự kỉ làm sao việc mình đuợc sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn chứ không phải một vùng quê biển, quê núi, quê sông, quê đồng, quê ruộng…

Nhiều lúc…, cứ cảm thấy đó là một thiệt thòi, khiếm khuyết của mình so với mọi người chung quanh. Ai cũng có một làng quê để nhớ để thương. Ai cũng có một mùa hè để mong ngóng được về quê tắm tưới trong dòng sông ân tình kí ức ấu thơ…Ai cũng có những kỉ niệm chân đất ở một vùng miền nào đó để kể, để tự hào- mà chỉ cái tên thôi, tôi cũng không thể nào tưởng tượng ra…

Mở mắt ra, quanh tôi là thành phố. Là đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ. Là phố phường xe cô ngược xuôi tất bật. Là nhà cao, sở thú, công viên. Tôi hít thở không gian thành phố này. Tôi uống nước sông Sài Gòn và nói giọng Sài Gòn từ lúc bập bẹ tiếng khóc đầu tiên. Nhưng trong giấy tờ hồ sơ, hộ khẩu tôi vẫn thuộc về một làng quê xa vời chỉ có một cái tên địa lý…nơi cha tôi sinh ra và lớn lên.

Và như thế nghĩa là tôi cũng có quê.

Các con tôi bây giờ cũng vậy…

Tôi lớn lên từng ngày, mang theo ám-ảnh-không-quê này. Và tự vô thức, không ít lần tôi đã cố lấp đầy…

Năm 1976, tôi đã một mình đi theo một nguời anh trong xóm về tận Xư Xon Bạc Liêu để tìm cho được cái mùi đồng quê …nó như thế nào?! Chuyện này có thể coi là một “event” không nhỏ đối với tôi. Và cả ba má tôi nữa. Nhỏ lớn tôi chưa bao giờ ra khỏi thành phố này một mình. Hàng năm, đến mùa chúng tôi nghỉ hè, ba má tôi vẫn đưa cả nhà đi Vũng Tàu, Long Hải tắm biển, đổi gió dăm bữa, một tuần. Có 1 lần tôi đi xa không có ba má đi cùng là năm 15 tuổi. Dì Dượng xin ba má cho tôi đi Đà Lạt cùng. Năm 1972. Xui xẻo, vừa lên tới Đà Lạt hôm trước, hôm sau ‘mấy ổng’ nổ súng chiếm nhà thờ Con gà. Giới nghiêm. Thành phố Đà lạt như ngưng lại. Chúng tôi len xuống phố qua mấy con dốc ngoằn nghèo đến khu Hòa Bình mua bánh mì baguette ăn qua ngày. Bởi vậy, sau này hễ lên Đà Lạt là tôi lại nhớ duy nhất…mùi bánh mì rất độc đáo của Đà Lạt mà không đâu ngon như thế! Và khi “mấy ổng” rút, dượng tôi quyết định trở về Sài Gòn luôn.

Chuyến đi bất ngờ liều lĩnh về miền Tây ấy với tôi thực sự như một cuộc phiêu lưu đầy háo hức. Lần đầu tôi tận mắt thấy bát ngát màu xanh ruộng đồng cò bay thẳng cánh không phải trên tivi hay màn ảnh rạp xi-nê. Mùi rơm rạ quanh làng thật sự làm tôi rưng rưng. Bây giờ gần 40 năm đã qua, tôi vẫn mãi nhớ cái làng quê xa lạ mà thành thân thương ấy…Nhớ khói đốt đồng ngày nắng. Nhớ mấy anh em lúp xúp chạy theo con Vện đào lỗ bắt chuột ngày mưa… Nhớ đêm chia tay con nít cả xóm tụ về đốt lửa hát hò cả đêm…Những bài hát thiếu nhi mà lần đầu tiên chúng được học, được hát, được nhảy múa…bởi “cô giáo” ở Sài Gòn xuống. Lúc ấy, tôi nghĩ là tôi sẽ thi vô trường Đại học Sư phạm.

Có điều… thương thì thương bốc đồng vậy, dù cho đến giờ tôi vẫn nhớ bằng tất cả trìu mến mà tôi có thể, nhưng Bạc Liêu cũng chỉ là một miền quê đầu tiên cho tôi xóa khái niệm mù mờ về quê. Vẫn không phải là quê tôi!

Rồi bốn năm sau đó…ám ảnh thiếu quê ấy đã thôi thúc tôi đi đến một quyết định làm bất ngờ không ít những bạn bè cùng thời: Từ bỏ quyết định giữ lại trường sau khi tốt nghiệp. Ai cũng cho là dại dột, thiếu suy nghĩ, hâm….

Được ở lại Sài Gòn là mơ ước của những sinh viên mới ra trường thời bấy giờ, nhất là với một người đang có hộ khẩu gốc thành phố từ lúc lọt lòng như tôi. Việc cắt hộ khẩu lúc ấy chẳng khác nào chuyện sinh tử…vì nó đi kèm theo sổ gạo, nhu yếu phẩm đang cực kì khan hiếm khó khăn. Và tôi đã tình nguyện khăn gói về nhận nhiệm sở ở một vùng quê tít tắp phía Nam: U Minh, Vĩnh Thuận, Kiên Giang. Nơi ấy, vừa xây dựng trường cấp 3 nhưng chưa có một giáo viên cấp 3 nào. Nơi ấy, học trò chân đất lội 13 cây số đến trường tìm chữ. Nơi ấy…U Minh bốn bể là tràm, “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội lền như bánh canh” (Ca dao). Năm năm phèn chua nước mặn U Minh. Rồi 13 năm Rạch Sỏi. Bây giờ, mỗi khi nghĩ về nơi đó, tôi cũng tự coi là quê mình. 18 năm, những ngày tháng thanh xuân đẹp đẽ nhất của đời người, tôi đã gắn bó bao vui buồn, hạnh phúc của mình cùng vùng quê ấy…; gắn bó cùng mấy thế hệ học trò chân đất mộc mạc nông dân cha mẹ sớm nắng chiều mưa lam lũ trên đồng. 18 năm, đủ để vùng quê ấy trở thành một miền vương vấn trong cuộc đời tôi, là một đoạn đời chẳng bao giờ có thể thôi thương nhớ…

Chớp mắt. Suýt soát hai mươi năm, như cơn mê dài…

Nhưng vẫn không phải là quê!

Tôi lại trở lại Sài Gòn.

Và gọi đây là quê tôi. Bởi ở đó có mẹ cha và các em tôi, có tuổi thơ trong vắt tràn ngập yêu thương và cũng đầy kỉ luật khắt khe mà ba tôi rèn cặp từ lúc còn thơ…

Đây mới là nơi tôi thật sự thuộc về.

Nhưng làm sao trong tận cùng tôi không khỏi chạnh lòng lòng vương vấn khi ai đó nhắc đến một vùng đất xa xăm chưa đến nhưng hàng ngày trong bữa cơm, câu chuyện, cách nghĩ…vẫn hiện diện như một cái gì gắn bó máu thịt hiển nhiên chảy hoài trong huyết quản…

Quê cha đất tổ mà cha tôi tha phương lưu lạc từ thưở chưa tròn đôi mươi vẫn đêm đêm rì rầm như huyền thoại ngàn xưa qua lời ba tôi thao thức kể…

Quê mẹ khói lửa, giặc Pháp tràn về, gia đình tứ tán, bà ngoại gánh má tôi một bên đòn gánh, một bên hành trang cùng người làng trong đêm sấp ngửa chạy loạn vô Sài Gòn…Từ đó…hơn bảy mươi năm…

Và chị em chúng tôi, chưa bao giờ thật sự có quê!

Câu chuyện hoa dỏ dẻ này cũng vậy…

Có lần trên facebook, một đồng hương xứ Quảng nhắc đến loài hoa bình dị này và đó là lần đầu tiên tôi ngơ ngác nghe nói về cái tên hoa dủ dẻ! Có biết đâu đó là loài hoa đã đi vào kí ức tuổi thơ êm đềm của biết bao người con xứ Quảng. Lần này lại bắt gặp chẳng những cái tên “dỏ dẻ”, hay “dủ dẻ”, “dú dẻ” từng ấn tượng với tôi mà còn cả mùi hương ám ảnh lạ lùng trong bài thơ của người thi sĩ đất Quảng lâu nay chỉ mới… “văn kì thanh…”, tình cờ sao lại được anh kí tặng tập thơ mới nhất này trong lần anh tạt về thăm quê: Ngăn ngắn tình si của Hoàng Lộc.

Chưa từng thấy hoa dỏ dẻ nên tôi cũng chưa hề biết được mùi hương lạ chỉ có lúc hoàng hôn đã gợi mùi nhớ như thế nào… đến nỗi khiến tình yêu trở nên “nồng nẫu’ thế! Hay bởi cách nhà thơ dùng nó vừa mộc mạc hồn quê vừa nôn nao đến lạ? Tôi thích từ “nồng nẫu”. Tra từ điển online. Chỉ có “nậu” rồi “nẩu” hay “nẫu” trong cội nguồn từ “xứ Nẫu” (viết hoa). Tra “Từ điển từ láy”… Chỉ có “nồng nã”, “nồng nàn”, “nồng nặc”, “nồng nỗng”, “nồng nực”…cũng không có “nồng nẫu” mà nhà thơ Hoàng Lộc dùng ở đây? Từ địa phương xứ Quảng hay tài hoa của anh mà thành? Tách rời hai từ tố có thể hiểu “nồng” và “nẫu” theo cách hiểu phổ thông không?

Thôi thì cứ để nó lung linh vậy…Có chút gì là lạ mà rất gợi hình gợi cảm… Một từ ghép đầy liên tuởng nhiều chiều để đi vào thấm đẫm miền hoàng hôn trong thi giới của nhà thơ đất Quảng.

Ơi, hoàng hôn hoa. Hoàng hôn người.

Không phải ban mai mà đã hoàng hôn. Anh tự nhặt ráng chiều trên cánh đồng hoa dại. Đi qua đời nhau, đi qua từng hoàng hôn hương lạ… Nồng nẫu một thời còn ủ hương xa… Tuổi trẻ có lẽ anh không kịp nhận ra hết hương thơm dỏ dẻ mộc mạc ven sông ven suối diệu kì ám ảnh suốt cuộc đời anh đến thế…Để khi anh đã hoàng hôn đời mới chợt biết mình yêu. Cả hoa. Cả hương. Và em.

Câu cuối cùng của bài thơ tự do chỉ có 4 câu này lại mở ra cả một thế giới lãng mạn đến diệu kì “em được một lần cả hai thứ hương thơm”…

Hình như chỉ những tình yêu đẹp trong veo thơ dại không chút tính toan ấy mới cho đời những bội số đắm say…

Có lẽ đúng như nhà thơ đã đau đáu đề từ:

“…thật ra anh chỉ yêu một thứ
là cái không nguôi của tấm lòng”
(Tr.6)

Tình cờ sao, bài thơ ngắn của anh lại đến với tôi trong những ngày nôn nao lích kích chuẩn bị đưa Dì, Cậu và Má tôi cùng 6 chị em chúng tôi lần đầu về quê ngoại Điện Bàn. 6.4.2016. Mùi hương dỏ dẻ ấy lại nồng nẫu ám ảnh thôi thúc hồn quê nửa đời người thất lạc…

Lần này, tôi nhất định sẽ đi tìm…

Ơi quê hương…
Giữa Sài Gòn đọc bài thơ đất Quảng
Cứ ngan ngát
Cứ lắng trầm
mà xôn xao khó tả…
Chợt bắt gặp quanh hồn tôi : Dỏ dẻ.
Giữa hoàng hôn vời vợi nắng chiều hoang
Ơi đất Quảng. còn bao điều chưa rõ…
Tôi lần tìm bóng dáng chút quê xa…
Ơi dỏ dẻ.
Tìm đâu trên quê mẹ?
Mà nôn nao ngay từ phút chưa về…
(hko)

Tôi chợt loáng nghe vọng đâu đó giọng hát nửa thiết tha nửa giễu cợt đặc giọng Quảng của người bạn Điện Bàn cùng lớp thời đại học 40 năm xưa mà tôi từng (tập) chèo thuyền thúng nhổ sắn cùng anh trên quê hương Điện Hòa ngày lụt, tháng 10 năm 1983:

Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm
Chứ rượu hồng đào chưa nhấp đã say
Anh đưa em đi ăn trái lòn bon…
Ăn hoài mệt xỉu…

Hơn hai mươi năm rồi, bây giờ bạn ở đâu?

Tôi đang về quê đây.