Nghệ sĩ cải lương Phương Quang qua đời, hiến xác cho y học

NSƯT Phương Quang (ảnh) là nghệ sĩ nổi tiếng của cải lương. Ông không những có tài mà còn hiền lành, dễ chịu, đồng nghiệp đều thương mến. Ông vừa qua đời lúc 9 giờ 30 ngày 13.7.2018 tại nhà riêng ở quận 7, hưởng thọ 76 tuổi.

Ảnh: H.Kim

Lúc Phương Quang khăn gói lên Sài Gòn tầm sư học đạo, chưa ai phát hiện ra cậu bé quê Bình Dương này có giọng ca y hệt “đệ nhất danh ca” Út Trà Ôn. Sư phụ của Phương Quang là nhạc sĩ Văn Còn chỉ giao cho ông nhiệm vụ là… xách đàn. Sư phụ đi đâu thì học trò xách đàn theo tới đó. Cho đến một hôm sư phụ bàng hoàng nhận ra học trò mình ca giống hệt ông Út. Thế là ông chăm chút cho Phương Quang thật kỹ, từ nhịp đàn bài bản cho tới kỹ thuật ca ngâm, nhả chữ. Trời đã cho chất giọng thiên phú, chỉ cần gọt giũa nữa thôi là thăng hoa.

Quả thật sau đó Phương Quang bắt đầu tỏa sáng. Ông đầu quân cho gánh hát nhỏ, rồi lọt vào vòng tuyển chọn của đại bang Kim Chưởng, một gánh hát lừng lẫy lúc bấy giờ. Ông còn thu đĩa rất nhiều bài vọng cổ và các vở cải lương. Đến 1966 ông đoạt giải Thanh Tâm cùng lúc với nghệ sĩ Phượng Liên. Rồi khi Út Trà Ôn qua đời, gần như ông hát lại hầu hết các bài vọng cổ của ông Út, mà chất giọng đẹp một cách kỳ lạ. Giọng Phương Quang trầm ấm, chân phương, nhưng luyến láy có phần ngọt hơn. Tình anh bán chiếu, Ông lão chèo đò, Tôn Tẩn giả điên, Đài hoa dâng Bác… đều là những bài kinh điển với giọng ca Út Trà Ôn và Phương Quang chắc không ai thay thế nổi.

Vai diễn ông cò quận 9 trong vở Tuyệt tình ca cũng là một vai quá hay mà ông để lại dấu ấn. Đến vai vua Riêm trong vở Nàng Xê Đa (nhà hát Trần Hữu Trang) thì Phương Quang đã khiến người ta tâm phục khẩu phục. Sự ghen tuông chính là con quỷ ẩn sâu trong trái tim đức vua, nó làm mờ cả tình yêu, mờ cả lòng tin, đến khi hối hận thì đã muộn. Những tâm lý phức tạp được Phương Quang thể hiện thật tinh tế và nét diễn sang trọng đã làm cho khán giả lẫn đồng nghiệp đều ái mộ.

Ấn tượng của tôi đối với ông là ông rất hiền. Mỗi lần gặp để viết bài là cách nhau vài năm, lại thấy ông già hơn một chút. Nhưng lúc nào cũng là nét hiền lành, nhường nhịn. Ông kể: “Hồi trẻ mỗi lần được nghỉ xả hơi sau một đợt diễn, thì tôi thích vô rạp xem bạn bè mình hát. Xem để biết sân khấu đang hoạt động thế nào, bạn bè mình có cái hay gì để mình học. Giờ nghệ sĩ hình như ít xem lẫn nhau. Chứ xem thì sẽ thấy mừng cho cải lương có nhiều tài năng. Tôi không sợ cạnh tranh với đồng nghiệp, vì có nhiều người tài thì cải lương mới vững vàng chứ. Một mình sẽ không làm nổi mùa xuân”.

Ông sống trong ngôi nhà giản dị ở quận 7, có bà vợ đảm đang, chung thủy, tận tình, chăm sóc ông chu đáo. Ông đi hát ít dần vì sức khỏe, nhưng ngược lại làm giám khảo nhiều hơn, chấm thi cho các chương trình vọng cổ của các tỉnh và thành phố. Bà Kim Hương vợ ông nói: “Ổng đi tôi lo lắm, vì bệnh chẳng biết lúc nào. Nhưng người ta còn quý, còn mời, thì ổng đi để bớt nhớ nghề. Mà khổ, chấm thi lại ngồi suốt, xem ra còn cực hơn đi hát. Tôi đi theo để chăm cho yên tâm”. Bà rất dịu dàng, đúng mẫu phụ nữ truyền thống. Ông coi như thành công trong sự nghiệp lẫn gia đình.

Ông đã làm đơn xin hiến xác cho y học, vì vậy khi ông mất Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TPHCM) đến tiếp nhận xác. Gia đình chỉ để lại di ảnh và bàn thờ tại nhà để mọi người đến viếng. Lễ tưởng niệm tổ chức vào 9 giờ ngày 14.7 tại nhà riêng ở quận 7, TP.HCM.