Chàng trai bán sách cũ theo “kiểu mới”

Hồng Lĩnh

Sài Gòn dễ thương từ con hẻm sâu hun hút, trong đó có một tiệm sách cũ với chồng sách cao ngất ngưởng. Trông thế nhưng mỗi tiệm có một phong cách rất riêng. Những tiệm sách mới mọc lên như nấm, lộng lẫy, đẹp mắt, nhưng văn hoá mua sách cũ và những tiệm sách cũ vẫn có sức hút với nhiều người trẻ.

Một ngày cuối tuần hay rảnh rỗi, băng qua những đường phố xe cộ ồn ào, tìm đến những tiệm sách cũ để lục lọi và có thể lê la ngồi đọc cả ngày, đó như là cách tìm cho mình một thế giới riêng, thế giới của những màu giấy úa vàng, và những mẩu chuyện tưởng đã đi vào quên lãng.

BÁN CHO ĐÚNG NGƯỜI

Sáng chủ nhật, Lê Bá Tân, 34 tuổi, chủ tiệm sách “Sài Gòn năm xưa” nay là tiệm Bá Tân – Sách cũ thư viện bận rộn với những hộp carton đựng sách cũ mới chuyển về.

Đó là là những cuốn sách của Nhà xuất bản Kim Đồng từ những năm 60 của thế kỷ trước. Cuốn sách gợi nhớ về tuổi thơ của câu hát “Em đi giữa biển vàng/ Nghe mênh mang trên đồng lúa chín….” trong bài Mùa lúa chín.

Bá Tân chia sẻ: “Hồi nhỏ, ba anh em được ba mẹ dạy ba anh em bài hát đó. Ngày xưa ba mẹ lấy nhau là vì ba biết đánh đàn, mẹ hát hay… Sau này được tiếp xúc với nhà thơ Nguyễn Khoa Đăng, sinh hoạt chung một CLB người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng, mình mới hiểu thêm về ý nghĩa của những câu thơ trong bài này.

Bây giờ mình được cầm trên tay quyển sách lần đầu tiên xuất bản, chan chứa những kỷ niệm. Từng nếp gấp, từng cách đóng bìa, rất nhiều cảm xúc… Khi bán cuốn sách này, mình cũng sẽ rất dè dặt, bán cho đúng người mình muốn bán…”


Lê Bá Tân, 34 tuổi, chủ tiệm sách “Sài Gòn năm xưa” nay là tiệm Bá Tân – Sách cũ thư viện.

Từng là sinh viên xuất thân từ vùng quê miền Trung hiếu học và cũng từng là một thầy giáo, Bá Tân hiểu được tâm lý của những người mê sách nhưng nhiều khi phải dành dụm tiền cho những khoản chi tiêu cơm áo gạo tiền.

Với Tân, một cuốn sách chỉ có giá trị khi đến được với tay người đọc nên Tân đã tìm đủ mọi cách để sách không bị lãng phí. Bởi thế cho nên, độc giả đến với “Sài Gòn năm xưa” có thể thoải mái ngồi đọc sách mà không tính phí, như Tân chia sẻ “đọc đến lúc nào chán thì thôi”. Tân cũng dành ra ngày chủ nhật để tặng sách cho mọi người.

Trong nhiều cái duyên đến với tiệm sách cũ, Bá Tân có cơ hội hiểu thêm về văn hoá Sài Gòn trong những cuốn sách quý: “Sáng nay, có một bác khách quen người Nghệ An đến, bảo Tân ơi bác mê dòng kênh Nhiêu Lộc quá. Hôm bữa bác kêu con gái kêu bác chở đi từ đầu kênh đến cuối kênh, xem dòng kênh thay đổi như thế nào. Lại là một người yêu Sài Gòn muốn tìm hiểu về một dòng kênh gắn liền với lịch sử Sài Gòn thông qua những cuốn sách. Mảnh đất Sài Gòn kỳ diệu như vậy.

Nó có sự thay đổi rất mạnh mẽ, làm cho con người ta từ nhiều phương trời đến đây và yêu Sài Gòn. Hà Nội thì người ta thường nói, xa là nhớ; còn Sài Gòn, chưa xa đã nhớ rồi. Việc sưu tập, giữ cho mình những cuốn sách về Sài Gòn cũng rất đáng quý”.


Từng là sinh viên xuất thân từ vùng quê miền Trung hiếu học và cũng từng là một thầy giáo, Bá Tân hiểu được tâm lý của những người mê sách nhưng nhiều khi phải dành dụm tiền cho những khoản chi tiêu cơm áo gạo tiền.

ĐIỀU KHÔNG THỂ BÁN MUA BẰNG TIỀN BẠC

Nâng niu cuốn sách “Chuyện nhỏ trong thế giới lớn” của tác giả E.H.Gombrich tái bản lần 2 trên tay, anh Đoàn Phong Kha (quận Phú Nhuận) chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng, với những người ít đọc sách và ít khả năng để mua sách, qua tiệm sách cũ này, họ cũng có thể tìm được cuốn sách mình yêu thích với giá vừa phải, nó cũng giúp mình có niềm yêu thích với sách và dành nhiều thời gian đọc sách hơn”.

Từ khi còn ở địa chỉ cũ số 50 Nguyễn Khắc Nhu (quận 1), tiệm sách “Sài Gòn năm xưa” đã như một điểm hẹn. Điểm hẹn ấm cúng và thân mật, với những kệ sách được sắp xếp gọn gàng mà người đọc có thể dễ dàng tìm cho mình vài cuốn sách quý hiếm, có cuốn hầu như biến mất trên thị trường.

Trước quán, có một vài kệ sách nhỏ xinh để tặng những người ghé tiệm hoặc khách đi đường. Sự hào phóng của người Sài Gòn dường như ngấm dần trong chàng trai người Thanh Hoá được Sài Gòn cưu mang. Rồi “Sài Gòn năm xưa” lùi dần vào một con hẻm ở đường Hai Bà Trưng, quận 3.

Đó cũng là cách mà tiệm sách cũ gần gụi hơn với văn hoá của người Sài Gòn: “Khi lựa chọn một con hẻm, tôi nghĩ đó là lựa chọn đúng đắn vì hẻm là “đặc sản” của Sài Gòn. Tất cả những con hẻm ở Sài gòn đều chứa đựng văn hoá Sài Gòn. Mọi người ở tận đâu cũng tìm về những con hẻm với quán ăn, cafe, quán sách…

Khi mình mở tiệm bán sách ở con hẻm này, tất cả mọi người từ đầu hẻm đến cuối hẻm, mọi người đều ủng hộ, chia sẻ, hỏi han, cho mình chỗ để xe... Rồi mọi người đưa sách đến ủng hộ. Người trao sách và người nhận sách đều thấy vui. Đó là điều vô giá không thể bán mua bằng tiền bạc”.


Từng là sinh viên xuất thân từ vùng quê miền Trung hiếu học và cũng từng là một thầy giáo, Bá Tân hiểu được tâm lý của những người mê sách nhưng nhiều khi phải dành dụm tiền cho những khoản chi tiêu cơm áo gạo tiền.

ƯỚC MƠ TẶNG SÁCH CHO NGƯỜI CẦN

Tự nhận mình là người trẻ bán sách cũ theo “kiểu mới”, nhưng Bá Tân cho rằng, những nét đặc trưng của tiệm sách cũ ở Sài Gòn luôn cho ông chủ trẻ này kinh nghiệm quý báu.

Từ những ngày đầu lê la ở tiệm sách cũ trên đường Trần Nhân Tôn (quận 5) để học hỏi kinh nghiệm, Tân đã hiểu, văn hoá cần được sự bảo tồn nhưng cũng cần có sự tiếp biến để phù hợp hơn với lối sống hiện đại: “Mọi người cứ bảo xếp sách là dễ, nhưng không phải đâu. Tôi đọc được từng đặc điểm của từng cửa hàng sách ở phố Trần Nhân Tôn. Ai xếp sách kiểu gì, xếp sách như thế nào.. Có những người xếp sách không sai một ly…

Như cửa hàng số 27 Trần Nhân Tôn, chủ cửa hàng xếp sách cao hàng mấy mét, nhưng không đổ, và không bị hỏng sách, chính xác vô cùng. Hay những cách buộc sách của anh Hoàng - chủ một cửa hàng sách cũng ở Trần Nhân Tôn, không có một nhà sách nào buộc sách được như anh ấy.

Đó là những kỹ năng nhỏ nhưng mình phải quan sát và học hỏi. Hay như bọc sách chẳng hạn, có những người bọc bìa sách đẹp lắm. Tôi cũng làm một video hướng dẫn mọi người bọc sách và bảo quản sách, được rất nhiều người xem. Mình học hỏi và đúc rút, chia sẻ cho các bạn trẻ…”.


Bá Tân tự hào, có những cuốn sách mà nhà sách mới không thể có...

Bá Tân tự hào, có những cuốn sách mà nhà sách mới không thể có ví như những cuốn sách pop-up tiếng Anh đưa từ nước ngoài về trông còn “mới tinh” nhưng giá vô cùng rẻ, nếu phụ huynh ngần ngại mua cho con vì sợ sách cũ làm dơ tay thì anh sẽ hướng dẫn để “vệ sinh” sách sao cho sạch sẽ.

Bá Tân ấp ủ dự định một ngày không xa sẽ “mang sách ra đường” để tặng cho những người cần… Đó cũng là cách mà anh cảm ơn những người Sài Gòn đã và đang dành tặng cho “Sài Gòn năm” xưa sự trân quý.