Đây là bìa nhạc xưa chánh gốc, ca khúc Những Ngày Xưa Thân Ái của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ sáng tác dựa vào bài thơ Những Ngày Xưa Thân Ái của người anh ruột mình là Phạm Hổ, người đã tập kết ra Bắc. Cùng chung một mẹ sanh ra mà lại ở hai bên chiến tuyến.
Trong số các nhạc sĩ ở miền Nam viết về đề tài chiến tranh và chủ đề lính. Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ để lại trong ta những dấu ấn khó phai mờ.
Ông không quá thi vị đời lính như Nhật Trường Trần Thiện Thanh, cũng không phản chiến mạnh mẽ như Trịnh Công Sơn. Nhưng với Trăng Tàn Trên Hè Phố và Những Ngày Xưa Thân Ái, là đủ cho thế hệ thanh niên ở miền Nam cảm nhận được thế nào là chiến tranh, là sự mất mát, nhưng trên hết là tình nhơn loại, tình anh em...
Nói chút về Phạm Hổ, ông hoạt động văn chương ở miền Bắc, là nhà thơ, đóng góp đặc biệt cho văn học viết cho thiếu nhi.
Còn Phạm Thế Mỹ ở lại miền Nam làm thơ, viết nhạc. Được công chúng miền Nam nhớ đến những nhạc phẩm rất phổ biến và ăn khách của Ông như: Áo Lụa Vàng, Tóc Mây, Thuyền Hoa, Bông Hồng Cài Áo, Bóng Mát, Đưa Em Về Quê Hương, Hoa Vẫn Nở Trên Đường Quê Hương, Năng Lên Xóm Nghèo, Người Về Thành Phố...
Phạm Thế Mỹ đem thơ Phạm Hổ đăng cạnh thơ mình trên báo Đối Diện, còn thơ của chính Ông có lần bị tịch thu và bị đưa ra tòa...
Nhạc phẩm Những Ngày Xưa Thân Ái thì ai cũng biết rồi. Giờ tôi xin giới thiệu cho các bạn bài thơ nguyên gốc của người anh trai Phạm Hổ, mà nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã phổ nhạc. Xin mời các bạn theo dõi:
“Tôi bắn hắn rồi
Những ngày xưa thân ái
Không ngăn nổi tay tôi
Những ngày xưa thân ái
Chắc hắn quên rồi
Riêng tôi, tôi nhớ:
Đồng làng mênh mông biển lúa
Sương mai đáp trắng cỏ đường
Hai đứa tôi,
Sách vở cặp chung
Áo quần nhàu giấc ngủ
Song song bước nhỏ chân trần
Gói cơm mo mẹ vắt tùng tơn
Nón rộng hỏng quai
Trong túi hộp diêm nhốt dế
Những ngày xưa êm đẹp thế
Không đem chung hai đứa một ngày mai
Hắn bỏ làng theo giặc mấy năm nay
Tôi buồn tôi giận
Đêm nay gặp hắn,
Tôi bắn hắn rồi
Những ngày xưa thân ái
Không ngăn nổi tay tôi
Xác hắn nằm bờ ruộng
Không phải hắn thuở xưa
Tôi cúi nhìn mặt hắn
Tiếc hắn thuở ấu thơ”.