Phần 2: Trần Phong Sắc (1878-????), dịch giả các truyện Tàu

Vào đầu thế kỷ 20, ở Nam Kỳ có 3 dịch giả truyện Tàu cùng tên Sắt: người thứ nhứt là Tân Châu Nguyễn Chánh Sắt, người thứ hai là Nguyễn Kỳ Sắt, và người thứ ba là Tân An[1] Trần Phong Sắc. Cùng với Nguyễn Chánh sắt, Nguyễn An Khuông, Mộng Huê Lầu (Lê Hoằng Hựu... Trần Phong Sắc là một trong những dịch giả Nho học uyên bác, thạo chữ Quốc Ngữ, dịch nhiều bộ truyện Tàu nhứt, gây ảnh hưởng sâu rộng đến cả thế hệ nam nữ thanh niên, trung niên và ngay lớp phụ lão nữa. Trần Phong Sắc sống cuộc đời trầm lặng, âm thầm dịch sách, sáng tác. Sự đóng góp của ông vào gia tài văn hoá nước nhà buổi sơ khai thật đồ sộ, nhưng các nhà làm văn học bỏ quên ông, không dành cho ông một chỗ đứng khiêm nhượng nào trong Văn học sử miền Nam. Rất tiếc không sách báo nào đề cập đến thân thế, sự nghiệp của ông nên muốn viết về tiểu sử của Trần Phong Sắc rất khó khăn. Chúng tôi phải sưu tầm, lượm lặt rải rác, phỏng vấn nhiều vị bô lão từng sống ở Tân An, Mỹ Tho và nhứt là tham khảo cuốn Địa phương chí “Tân An Ngày Xưa” của Đào Văn Hội để viết lại bài nầy.

Tuy là một dịch giả có biệt tài, dịch hàng 40 quyển truyện Tàu, sáng tác hàng mấy chục bài ca cổ điển, nhưng ông không sống được bằng nghề ấy. Nghề chánh của ông là thầy giáo dạy môn Luân Lý tại trường tiểu học Tân An trong thời gian từ năm 1916 đến năm 1930. Trần Phong Sắc là người hữu tài vô mạng. Bình sanh, bao nhiêu công lao trí lực để dành làm giàu cho nhà xuất bản, đời sống vật chất của ông suốt đời cũng không dư giả chi, đến chết lại lâm cảnh nghèo. Dường như ông lấy chuyện dịch truyện, sáng tác bài ca như một sở thích làm vui, không mấy chú trọng đến tiền bạc. Nghe nói rằng giới trí thức đương thời ở Tân An hễ nhắc tới ông thì họ mỉm cười, nụ cười khinh bạc, mỉa mai vì họ cho rằng Trần Phong Sắc là một người gàn, có lẽ họ chưa hiểu ông. Dù dạy học, dịch sách viết bài ca, lãnh vực nào Trần Phong Sắc cũng làm đầy đủ, nhiệt tình và xuất sắc, để lại cho hậu thế nhiều quyển truyện xưa, bài ca đến nay, lớp người hậu bối vẫn còn nhắc nhở.

Trần Phong Sắc là người làng Huê Mỹ Thạnh, phủ Tân An, sau là tỉnh Tân An, nhà ở ngã tư gần Cầu Quây trong chợ Tân An. Kể về tướng mạo, một người từng học với ông là Đào Văn Hội (năm 1918) đã kể về ông như sau:

- Ông Trần Phong Sắc tướng tá xấu, mang đầu tóc to tướng, nước da ngâm ngâm đen, mắt lé nặng. Lúc đó (1918) ông dạy môn Luân Lý ở các lớp tiểu học (Tân An). Khi đi dạy, ông bịt chiếc khăn nhiễu đã phai màu, mặc cái áo xuyến dài cũ, mang đôi giày hàm ếch xập xệ. Ông vẫn đi bộ luôn từ xóm Ngã Tư tới trường, trong túi áo trắng bên trong kè kè những sách.

Chính quyền địa phương bổ nhiệm ông dạy môn Luân Lý từ lớp Năm đến lớp Nhì, lương tháng mười mấy đồng bạc. Học sinh thường gọi ông là “thầy ma-ranh” (morale) hoặc “ông kẹ lửa”, vì trong lớp đứa nào trững giỡn thái qúa, ông “tặng” cho cái cú nháng lửa và cho điểm 0. Trần Phong Sắc sống cuộc đời trầm lặng mấy mươi năm ở tỉnh lẻ, dù có tài nhưng ông không khoe khoang, ít giao du, thù tạc bạn bè như các đồng nghiệp khác lúc bấy giờ. Ông chỉ chơi thân với một vài người, trong đó có ông huyện Ngô Văn Chiêu, người sáng lập ra đạo Cao Đài sau nầy, ông Cao Văn Lỏi, ông Một Kim...Tính tình Trần Phong Sắc rất hiền lành. Ông dùng hết thì giờ ngoài việc dạy học để dịch truyện Tàu, viết lời ca (hầu hết bằng chữ Hán) trong các bài ca cổ điển. Khi đi dạy học, trong giờ ra chơi của học sinh, Trần Phong Sắc thường ngồi lại lớp, lấy sách chữ Hán ra đọc, trong khi những thầy giáo khác tụ tập chuyện trò cười đùa. Có lẽ vào thời đó môn Luân Lý bị coi thường mà ông Trần Phong Sắc lại quá lôi thôi, hiền hậu nên các bạn đồng nghiệp ít kính nể, và cũng không dạy học trò kính trọng ông..Lớp ông dạy, học trò thường nói chuyện ồn ào như cái chợ, không coi ông ra gì cả. Ngôi nhà ông ở là một kiểu nhà xưa ba gian, lợp ngói âm dương, nền đất vách ván, thấp.. Trước nhà có một hàng rào bằng cây, quét vôi trắng toát và viết đầy những chữ Nho. Cửa ngõ nhà là hai trụ gạch, phía trên có một tảng đá xanh to gác ngang dày một tấc, rộng 40cm và ngang 1,2m, đứng xa xa trông như một cái am. Ngoài ra ông cùng một số bạn đồng tâm như Bộ Thọ (Lê Kiển Thọ), Một Kim (Đoàn Văn Kim), thầy giáo Nguyễn Văn Ngộ, Ngô Văn Chiêu thường lập đàn cầu cơ để chữa bịnh cho bá tánh không lấy tiền. Trong nhóm nầy riêng Trần Phong Sắc là người ăn chay trường. người ta kể lại trong một lần cầu cơ:”Ông giáo Vân ngồi đồng dương, ông Bộ Thọ ngồi đồng âm, Trần Phong Sắc làm phép đàn, ông Đoàn Văn Kim ghi chép và Ngô Văn Chiêu làm độc giả. Cơ lên mạnh cho biềt:

“Ngũ chơn bữu khí lâm triều thế
Giá hạc đằng vân xiển tự nguyên...”

Lúc ấy cơ Đức Cao Đài tiên ông giáng cơ, cơ gõ mạnh và bảo ông Trần Phong Sắc sửa lại hai câu thơ ấy. Vốn là một nhà Nho sành sõi, uyên bác về Hán Văn, nhưng vì không biết Cao Đài tiên ông là ai, nên Trần Phong Sắc mới trả lời một cách suồng sã rằng:

- Bài thỉnh nầy ra 100 năm rồi, từ bên Trung Quốc qua đây không ai dám cho là sai, nay ngài bảo sửa, nói vậy là thiệt trật hay sao ?

Tiên ông quơ cơ đập vào đầu ông Trần Phong Sắc vì vô lễ. Ông lẹ làng sụt xuống né khỏi. Kế Đức Cao Đài tiên ông kêu gọi Ngô Văn Chiêu bảo sửa. Ông Chiêu sửa lại như sau:

“Bửu chơn ngũ khí lâm triều thế..”

Từ đó về sau ông Trần Phong Sắc không làm phép đàn nữa.

Năm 1920 ông huyện Ngô Văn Chiêu đổi đi trấn nhậm tại Hà Tiên. Cả Toà hành chánh tỉnh (tham biện cùng nhân viên văn phòng) có làm lễ tiễn đưa. Ông Trần Phong Sắc có làm bài thơ thù tạc:

“Mừng nay quan Huyện đổi Hà Tiên
Có đức trời cho đặng có quyền
Trăm năm Vũng Gù (tên cũ của Tân An) còn tiếng mến
Một đường sau trước nổi danh hiền.
Hòn Nghệ cầm báu đưa theo gió,
Đảnh Hạc hoa tươi rắm tới triền.
Âm chất sẽ ngồi xe ngựa mã
Trùng phùng đồng ước hội Đào Viên!”

Nhắc lại cuộc đời dạy học của Trần Phong Sắc, ông Đào Văn Hội kể lại:
Môn Luân Lý của ông Trần Phong Sắc thường dạy vào buổi chiều, tùy theo lớp mà dạy từ 4 giờ tới 4 giờ rưỡi hay 5 giờ. Ông giảng dạy bổn phận làm con đối với cha mẹ, học trò đối với thầy, nhân dân đối với chánh phủ, anh chị em, bè bạn cư xử với nhau... Rồi ông lên bảng đen viết 1 câu lối 9, 10 chữ Hán, và viết luôn câu giải nghĩa. Chữ ông viết rất đẹp, sắc sảo như dao cắt. Ông bắt chúng tôi chép vào tập vở trình ông chấm điểm. Nhưng chữ Nho ngoằn ngoèo khó viết đối với những bàn tay non nớt và chúng tôi viết chẳng khác nào vẽ bùa! Thế mà được ông khuyên 9 đến 10 điểm ngon lành!

Gần 40 tuổi, Trần Phong Sắc tái hôn với một cô thôn nữ. Có người cắc cớ hỏi ông tại sao không kết hôn với một goá phụ tuổi từ 30 đến 40, có phải là xứng đào xứng kép chăng. Quý độc giả có thể đoán được ông trả lời thế nào không?

Ông bảo rằng:
Thà rằng cưới con gái đồng trinh, còn đàn bà goá chồng, phải để cho người ta thủ tiết thờ chồng mới phải đaọ thành hiền!”

Vẫn theo lời ông Đào Văn Hội:
Tôi không biết thuở mẫu thân ông sanh tiền, ông thờ mẹ hiếu thảo thế nào mà sau khi mẹ ông quá vãng, ông cho tạc tượng gỗ một người đàn bà, trên đầu gắn tóc giả, mặc y phục đàng hoàng để thờ trên cái gác nhà ông. Sớm mai và chiều hai buổi, ông dọn cơm nước nhang đèn trước tượng, cúng lạy kính cẩn. Sự tử như sanh” (Cung phụng người chết cũng như người sống).

MỘT DỊCH GIẢ CÓ TÀI

Truyện Tàu được dịch ra lần đầu tiên ở nước ta từ năm 1904, đó là bộ “Tam Quốc Chí”, được đăng trên tờ báo “Nông Cổ Mín Đàm”. Từ đó, nhiều người có kiến thức Hán văn và chữ Quốc ngữ liên tục dịch cho đến năm 1932. Trong số hơn 30 dịch giả (xem thêm bài Nguyễn Chánh Sắt, đăng trên báo “Đời Sống” ở Houston) thì Trần Phong Sắc là một người dịch nhiều bộ nhứt (gần 20 bộ), gây ảnh hưởng lớn lao cho cả dân chúng Nam Kỳ vào đầu thế kỷ nầy. Ảnh hưởng truyện Tàu đã góp phần hình thành một nhơn sinh quan đặc biệt của người dân miền Nam mà nét luân lý nổi bật qua các câu châm ngôn “Trọng nghĩa khinh tài”, anh em bè bạn ăn ở với nhau có thủy chung, trước sau không thay đổi. Trong cuộc sống, hễ gặp bất bình thì ra tay can thiệp, cứu giúp: “Kiến nghĩa bất vi vô dõng giả” (thấy điều nghĩa không ra tay hành động không phải kẻ anh hùng), hoặc “Hoạn nạn tương cứu, sanh tử bất ly...” (có nghĩa là sự giúp đở lẫn nhau khi lâm hoạn nạn, sống chết có nhau khi đã thề làm bạn...) Trong khi ngoài Bắc, Nguyễn Đỗ Mục nổi danh nhờ dịch các bộ tiểu thuyết diễm tình Trung Hoa như:
  • Dư Chi Phụ (Chồng tôi)
  • Dư Chi Thê (Vợ tôi)
  • Song Phụng Kỳ Duyên...
thì ở Nam Kỳ, nhà Nho và nhà giáo Trần Phong Sắc cũng nổi tiếng với hàng mấy chục quyển truyện Tàu. Các truyện Trần Phong Sắc đã dịch như:
  • Phong Thần
  • Ngũ Hổ Bình Tây
  • Tam Quốc Chí
  • Ngũ Hổ Bình Nam
  • La Thông Tảo Bắc
  • Dương Văn Quảng Bình Nam
  • Tiết Nhơn Quý Chinh Đông
  • Nhạc Phi Diễn Nghĩa
  • Tiết Đinh San Chinh Tây
  • Anh Hùng Náo Tam Môn Giai
  • Phi Long Diễn Nghĩa
  • Hậu Anh Hùng
  • Tam Hạ Ham Đường
  • Phong Kiếm Xuân Thu
  • Tàn Đường
  • Tây Hán
  • Vạn Huê Lầu
  • Đông Hán
  • Quần Anh Kiệt
  • Phấn Trang Lầu
  • Tái Sanh Duyên
  • Càn Long Hạ Giang Nam
  • Chánh Đức Du Giang Nam
  • Tam Hạp Minh Châu Bửu Kiếm
  • Tây Du Diễn Nghĩa
  • Đông Du Bát Tiên
  • Bắc Du Chơn Võ
  • Nam Du Huê Quang v.v..
Trong các bộ truyện Tàu kể trên, một bộ gồm nhiều quyển, có khi một bộ nhiều dịch giả chia nhau dịch. Nhiều bộ đồ sộ, dịch lại rai hàng chục năm như bộ “Đông Châu Liệt Quốc” gồm 15 quyển, được các dịch giả dịch từ năm 1906 đến năm 1929, nghĩa là phải 23 năm mới xong! Bộ “Đông Châu Liệt Quốc” được các ông Nguyễn Chánh Sắt. Nguyễn An Khương, Nguyễn Công Kiều, Trần Đình Nghị, Nguyễn Kỳ Sắt và Trần Phong Sắc dịch. Còn bộ “La Thông Tảo Bắc” được Trần Phong Sắc dịch cùng vớơi nữ dịch giả Phạm Thị Phượng. Tuy thì giờ dành hết cho việc dịch truyện Tàu, nhưng Trần Phong Sắc cũng đam mê sáng tác lời ca cho những bản nhạc cổ điển. Những truyện dịch của ông được in tại Sài Gòn, Chợ Lớn do các nhà in Joseph Nguyễn Văn Viết, Đinh Thái Sơn, Đặng Lễ Nghi..để phát hành khắp Nam, Trung, Bắc và Miên, Lào nữa.

Văn phong dịch của Trần Phong Sắc rất trôi chảy, thích hợp với mọi từng lớp và mọi lứa tuổi. Vì lẽ đó từ người nông dân đến người trí thức đều hiểu được và say mê. Hồi còn nhỏ, tôi cũng phải đọc truyện Tàu hàng ngày cho ông nội tôi nghe để...lấy tiền ăn bánh. Đọc mãi tôi cũng thấy say mê cốt chuyện hấp dẫn đó. Trong các bản dịch, lẻ tẻ Trần Phong Sắc chêm vào một bài thơ Đường bát cú hay tứ tuyệt, chứng tỏ ông có tâm hồn thi sĩ và nền Hán văn vững vàng. Những bài thơ ấy được đặt ở đầu mỗi chương để bình luận hay tóm lược câu chuyện. Trong truyện “Phong Thần”, ông kết thúc bằng bài thơ:

“Trằn trọc đêm thanh mấy khắc chầy,
“Phong thần diễn dịch, giải niềm Tây.
“Sắc tài, phép tắc bày ra đủ,
“Chép để khuyên răn phỉ nguyện nầy.”

Còn trong bộ “Chánh Đức Du Giang Nam”, ông có làm mấy câu thơ:

“Trần Thiện can vua kính họ Lương,
“Phong làm thừa tướng giúp triều đường.
“Sắc bà Quốc Thái sai tìm chúa,
“Chánh Đức về ngay hưởng thái bường (thái bình)”

Trong truyện Phong Thần nói về thời hồng hoang lịch sử Trung Hoa, nhiều chuyện huyễn hoặc mà ngày nay ta cho là bịa đặt, mỗi khi một vị tiên xuất trận đối địch, thường ngâm một bài thơ rồi mới so tài đấu phép. Qua ngòi bút linh hoạt của Trần Phong Sắc, nhiều đoạn diễn tả tình nghĩa thầy trò một cách thân ái người nghiêm minh như đoạn Thái Ất mượn tay đạo hữu Văn Thù sửa trị tánh nết hung hăng của Na Tra Linh Châu Tử. Không những tế nghị trong văn tình cảm mà trong khi tả cảnh các tướng Phiên đấu chiến, giọng văn của ông cũng biến đổi:
Mạnh mẽ, gọn gàng, đằng đằng sát khí như tiếng binh khí chạm nhau chan chát...”. Chúng tôi nhớ lại một đoạn tả cảnh ấy như sau: “...kỳ phùng địch thủ, tướng ngộ lương tài, một qua một lại, một tới một lui, bốn mươi hiệp cầm đồng...”

Đôi khi nhà Nho đạo mạo Trần Phong Sắc cũng dùng lối văn hài hước, chọc cười độc giả. Thí dụ hồi:”Lưu Kim Đính dựng bảng chiêu phu tại núi Song Toả, có Cao Quân Bảo đi ngang qua, đập bảng ấy đi, khiến Lưu Kim Đính nổi giận. Tức thì đôi nam nữ anh hùng, anh thư nhứt tề hỗn chiến, sáu mươi hiệp thắng bại bất phân đao lớn, giáo dài, trai mạnh, gái dạn...”

NGƯỜI TIỀN PHONG SÁNG TÁC NHIỀU BÀI CA CỔ ĐIỂN

Ở vùng Thủ Thừa, Vàm Cỏ, Tân An vào đầu thế kỷ 20 nhạc cổ phát triển mạnh. Những thầy đờn nổi danh ở vùng nầy hồi thập niên 1930 như Hai Nghĩa, Mười Tốt, Tư Trinh... Các ca sĩ, nhạc công đó sở dĩ nổi danh là nhờ những ông như Lê Văn Tiếng và Trần Phong Sắc, là những người đặt lời cho các bài ca cổ điển như Ngũ đối, Long đảng, Vạn giá...

Ông Tiếng còn gọi là Cử Thiện, quê ở Thủ Thừa, cùng hợp soạn “Cầm Ca Tân Điệu” được coi như một bộ sưu tập khá đầy đủ các bản đàn cùng lời ca Cải lương ở giai đoạn phôi thai.

Tuy không biết đàn, nhưng dựa vào các Âm điệu (notes) cổ điển, Trần Phong Sắc đặt nhiều bài ca mà nhiều danh ca cổ nhạc Nam Kỳ thời đó rất ưa thích. Chẳng hạn bạn “Lưu Thủy Hành Vân” có âm điệu như vầy:

“Xự cống xê xang hò,
“(là) xự cống xê xang hò,
“Xế xang hò (là) họ xự xang
“Xế xang còn xang xê cống...

Rồi Trần Phong Sắc dựa vào âm điệu đó đặt lời “Ngoạn Hứng Hoa Viên” bằng chữ Hán:

“Ngoạn hứng hoa viên, hề,
“Tình nguyện hứng hoa viên, hề,
“Nhứt nhựt thanh nhàn thị tiện,
“Lung linh đào lan mai trước...”

Tập “Cầm Ca Tân Điệu” do nhà in Joseph Nguyễn Văn Viết Sài Gòn, in xong năm 1925, trong đó Trần Phong Sắc đặt nhiều bài ca như:
  • Lưu Thủy Hành Vân
  • Dạ Cổ Hoài Lang (tiền thân bản Vọng Cổ)
  • Long Hổ Hội
  • Ngũ Điểm
  • Bài Tạ
  • Khổng Minh Toạ Lầu
  • Tây Thi
  • Cổ Bản
  • Lưu Thủy
  • Phú Lục
  • Bình Bán
  • Xuân Tình
  • Tứ Đại Cảnh
  • Tứ Đại Oán
  • Văn Thiên Tường
  • Cửu Khúc Giang Nam…
Dân địa phương Tân An thường kể lại một giai thoại về trận hoả hoạn lớn năm 1916, trong đó nhà ông Trần Phong Sắc nằm dưới ngọn gió lùa cháy tới, người nhờ ông biết “vẽ bùa”, nên ngọn lửa trệch qua căn nhà khác. Chuyện ấy không biết đúng hay không nhưng chúng tôi cũng xin thuật lại để độc giả nghe chơi.

“Năm 1916, xóm Ngã Tư bị một trận hoả hoạn lớn vào buổi chiều nắng gắt. Thời bấy giờ phương tiện cứu hoả thô sơ, không đủ sức dập tắt ngọn lửa, nên bà Hoả thiêu rụi háng trăm căn nhà lá. Heo nhốt trong chuồng cũng chết bộn, may không có tai nạn về người. Xóm hoả hoạn ấy cách nhà ông Trần Phong Sắc một cái rạch nhỏ mà ngọn gió thổi về phía nhà ông nữa. Theo nhiều người chứng kiến: Ông Trần Phong Sắc đem một cái hình nhơn cao độ vài tấc tây để trên phiến đá xanh trước cửa ngõ, tay cầm lá cờ, ông đọc điều gì như lâm râm khấn vái một chặp, đoạn phất cờ trên tay hình nộm mấy lượt. Lạ thay, ngọn lửa đương cháy mãnh liệt, hướng về nhà ông, sắp leo qua rạch tấn công mái nhà ông, rồi bỗng quay lại, tạt qua hướng khác. Trận hoả hoạn đó nhà ông thoát nạn”.

Có những người để lại sự nghiệp lớn cho đời nhưng ít được người đời nhắc tới mà Trần Phong Sắc là một trong những người ấy.

__________________

Chú thích:


[1] Chúng tôi quen gọi theo quê quán của Trần Phong Sắc là Tân An để phân biệt với cụ Nguyễn Chánh Sắt quê ở Tân châu, cũng là bút hiệu. Bút hiệu của Trần Phong Sắc là Đằng Huy.