(Kiến Thức) - Chùa Giác Viên là ngôi chùa cổ nhất TP HCM hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào dù đã có kế hoạch sửa chữa.
Chùa Giác Viên (đường Lạc Long Quân, quận 11, TP HCM) được xây dựng từ thế kỷ XVII, ban đầu là một am thờ Quan Thế Âm Bồ Tát. Đến năm 1805 thì được đổi tên thành Quan Âm Viện. Sau đó chùa được đổi thành chùa Giác Viên vào năm 1850.
Trước đây chùa Giác Viên cũng đã được trùng tu lớn vào cuối thế kỉ 19 và đầu thế kỉ 20. Năm 1993, Chùa Giác Viên được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Trải qua hàng trăm năm, chùa Giác Viên hiện nay đã xuống cấp nghiêm trọng đứng trước nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.
Theo các sư thầy trong chùa cho biết, phần mái chính điện của chùa đã cũ nát, ngói xô lệch, rơi vỡ, thủng dột nhiều chỗ. Nền móng nhiều chỗ bị bong tróc, cây cối mọc um tùm...
Ảnh hưởng ngày càng nặng hơn nhất là khi vào mùa mưa, nước dột nhiều chỗ cùng với hệ thống thoát nước kém khiến cột, kèo và các nội thất bằng gỗ khác bị ẩm mốc, mốt mọt, hư hại nghiêm trọng.
Nằm sâu trong một con hẻm, Chùa Giác Viên còn bất lợi ở chỗ xung quanh là dân ngự cư ở khá phức tạp. Nhiều phần mái lợp ngói đã đổ sụp, rơi vỡ vô cùng nguy hiểm.
Hầu hết các nhà ở đây đều cao hơn chùa do đã nâng nền khiến chùa trở thành một nơi trũng thấp. Chưa kể khu vực đất chùa bị lấn chiếm, xây tường, bít chặn hết các kênh rạch cùng hệ thống thoát nước khiến chùa trở thành “ốc đảo” mỗi khi mùa mưa tới...
Đây là một trong những ngôi chùa cổ còn lưu giữ được các tượng thờ có giá trị nghệ thuật độc đáo về điêu khắc, chạm lộng cùng nhiều di vật quý từ cuối thế kỷ 19. Hiện ở chùa có 153 tượng bằng gỗ, 60 phù điêu, 128 câu đối cùng nhiều đồ vật giá trị lịch sử khác. Thế nhưng, tất cả đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi ẩm mốc và mối mọt.
Mới đây, UBND TP HCM đã ra quyết định phê duyệt dự án trùng tu, sửa chữa chùa cổ Giác Viên trong 2 năm (2015 - 2016) với kinh phí hơn 50 tỷ đồng và quy mô lớn nhất từ trước đến nay.
Theo đó, TP HCM sẽ cấp kinh phí tu bổ nhà chánh điện, đông lang, tây lang, nhà nối, tháp xá lợi, sân..., hạ giải toàn bộ mái ngói, các kết cấu gỗ bị hư mục, tháo dỡ gạch lát nền, vách ván gỗ, hạ giải một số tường hư mục; đắp cát tôn nền chỗ lún, lát lại gạch nền lục giác, thay thế các cấu kiện gỗ lợp, lại mái ngói âm dương, gia công các cấu kiện con giống trên mái, sơn phủ phục hồi các cấu kiện gỗ, hoa văn, họa tiết... như nguyên gốc.
Tuy nhiên đến thời điểm này dù đã sắp hết năm 2015, công trình vẫn chưa được khởi công sửa chữa khiến các sư thầy, du khách đến tham quan ngôi cổ tự luôn trong tình cảnh lo lắng vì nguy cơ chùa đổ sập.